Mật Mã Tây Tạng

Chương 75: Thân thế của Cương Lạp

/235


Đợi cho tình hình của Ba Tang ổn định, Lữ Cánh Nam mới đi ra. Trương Lập vội hỏi: "Anh Ba Tang thế nào rồi? Sao đột nhiên lại… thành ra như thế chứ?"

Lữ Cánh Nam nói: "Khi đại não ra lệnh mà thân thể từ chối chấp hành, thần kinh đại não sẽ bị tổn thương giống như một người không đủ sức mà cứ nằng nặc đòi mang vác một vật gì rất nặng rồi cơ báp bị tổn thương vậy. Biểu hiện là thần kinh đại não sẽ phóng điện, y học gọi là động kinh, còn trong dân gian vẫn gọi là chứng phong sừng dê. Có điều mọi người có thể yên tâm, tình trạng của anh Ba Tang không tệ như chúng ta tưởng tượng đâu, chỉ là đột nhiên nhận một kích thích mà anh ta không thể chấp nhận, phản ứng đầu tiên của đại não là sẽ ngắt mạch, lăn ra hôn mê để tự bảo vệ, nhưng lúc đó rõ ràng là anh ta không bị hôn mê, khi về đến làng thần kinh bớt phần căng thẳng thân thể mới phản ứng với sự kích thích kia. Có thể anh ta sẽ hoàn toàn không nhớ gì về những việc xảy ra lần này, mọi người cũng không ai được nhắc đến trước mặt anh ta đấy nhé, biết chưa?"

Cô ngoảnh đầu lại nhìn, nhóm của Trác Mộc Cường Ba đang ngồi đối diện với mấy người trong nhóm giáo sư Phương Tân. Nhạc Dương làm bộ làm tịch, xắn ống tay áo, mồm năm miệng mười kể cho giáo sư Phương Tân câu chuyện anh hùng của bọn họ. Lữ Cánh Nam bước đến nói với Nhạc Dương: "Mấy chuyện nhảm để sau rồi nói, chúng ta hãy sắp xếp lại những thông tin thu thập được trong ngày trước đã!"

Mọi người ngồi quây lại, sắp xếp một lượt các thông tin về núi tuyết mà từng nhóm thu thập được.

Núi ở đây không cao lắm, so với độ cao bình quân của những ngọn núi vùng trung bộ dãy Himalaya thì thấp hơn nhiều, nhưng mức độ nguy hiểm lại là lớn nhất trong cả dãy Himalaya này. Chẳng hạn như tuyết lở, băng lở, đá lăn, bão tuyết, tất cả đều chỉ có thể coi như những mối nguy bình thường dễ thấy, còn mối nguy lớn nhất phải kể đến gió thốc trên đỉnh núi. Nơi đây nằm ở dải giao nhau giữa các đợt gió mùa, gió ẩm từ Ấn Độ Dương thổi vào gặp phải vùng lá chắn mạnh nhất của cả dãy Himalaya, mạch núi khu vực này lại hơi cong vào bên trong, vậy nên cuồng phong thổi tới liền hình thành lốc xoáy, đó chính là gió thốc trứ danh của vùng núi này. Gió mạnh mang theo bông tuyết quất vào người thật chẳng khác gì dùng dao băng cắt thịt. Tốc độ gió ở đây thay đổi theo thời gian, nên nếu xuất phát từ sáng sớm tinh mơ thì lúc lên đến đỉnh núi sẽ gặp được gió phần nào nhẹ hơn, còn nếu xuất phát sau giờ trưa, khi lên đến đỉnh, gió to nổi lên thì cả đàn bò Yak cũng có thể bị thổi bay chứ chẳng nói gì đến con người.

Mối nguy kì dị nhất phải kể đến mù tuyết. Vì có gió thốc, tuyết trên núi bị thổi cho bay mù mịt khắp trời, cảnh tượng không khác bão cát là mấy. Ở trong núi khi đó, hai người đứng đối mặt nhau chỉ cách có ba bước cũng đã không thấy bóng người rồi. Trong màn bụi tuyết ấy, bên tai chỉ nghe thấy tiếng gió thổi vù vù, dù có đã lăn xuống ngay trước mặt cũng không thể nào biết được. Người bản địa gọ thứ mù tuyết ấy là mê hồn vụ, người lạc vào bên trong đó rồi thì dù có xoay xở cách nào cũng không thể tìm được đường đi chính xác, có khi đi vòng quanh cả trái núi rồi mà không hề hay biết, cho đến khi sức cùng lực kiệt sẽ đông cứng lại thành những bức tượng người, ai may mắn thì còn giữ được toàn thây, không may thì bị lũ yêu tinh tuyết kéo về ăn thịt.

Đáng sợ nhất là lũ yêu tinh tuyết chưa ai trông thấy bao giờ, chẳng ai nói được rốt cuộc nó là cái thứ gì, tóm lại chỉ nghe đồn chúng cao lớn kinh dị, sức khỏe vô cùng có thể xé người sống ra làm hai mảnh. Mỗi khi có mù tuyết, nhìn thấy trong đó có cái bóng cao chừng bốn năm mét, người ta cứ ngỡ là tảng đá lớn, nhưng có thể chính là yêu tinh tuyết cũng nên. Về sau có cả đoàn khảo sát khoa học đến đây, đoán rằng đó chính là người tuyết, nhưng thời tiết lúc đó hơi xấu, các chuyên gia trú trong làng suốt nửa năm không dám vào núi, vậy nên cũng chưa tận mắt trông thấy lũ yêu tinh tuyết bao giờ.

Mối nguy giấu kín nhất là những khe rãnh băng ẩn dưới tuyết, có chỗ sâu đến cả trăm mét, bên trên chỉ có một tầng băng mỏng, phía dưới là đất đông cứng còn rắn chắc hơn cả sắt thép, không may giẫm hụt xuống thì đừng nói là thương tật có thể cứu chữa, ngã không thôi cũng đủ chết một trăm lần rồi.

Tất nhiên, đó đều chỉ là những mối nguy mà bao đời nay dân làng truyền lại, có thể kể ra được, ngoài ra nghe nói vẫn còn có vô số những nguy hiểm khác mà người gặp phải cầm chắc chết, những thứ ấy mới đáng sợ tột cùng, còn nguy hiểm hơn cả nguy hiểm nữa. Tuy nhiên, những nguy hiểm ở vùng đất Tử vong Tây phong đới này không đủ khiến các thành viên trong đội e sợ, điều khiến thần kinh họ thật sự căng thẳng là, theo các tư liệu chính thức, cho đến nay vẫn chưa có ai leo lên được đến đỉnh ngọn núi không cao lắm này từ phía Trung Quốc cả. Còn về gió thốc, mọi người đều cho rằng khả năng tương đối cao là dân làng phóng đại lên; gặp phải gió thốc đáng sợ như vậy mà còn có người sống sót trở về được ư? Làm sao mà họ biết tường tận, nói nghe cặn kẽ rõ ràng như thế? Còn về mù tuyết thì đội trưởng Hồ Dương từng có trải nghiêm sâu sắc rồi. Tuyết đọng dưới đất bị cuồng phong thổi tung lên, tùy theo lượng tuyết có bao nhiêu mà quyết định mật độ của mù sương, lúc mù mịt, đừng nói là cách ba bước, thậm chí còn có thể khiến người ta giơ tay lên cũng không nhìn thấy năm đầu ngón tay chứ chẳng chơi. Những chuyện lạc đường trong núi vì gió lớn và mù tuyết thì ở đâu cũng có. Giữa màn bụi tuyết đó không thể phân biệt được phương hướng, lại còn bị gió lớn thổi cho ngã xiêu ngã vẹo, chuyện đi vòng tròn tuyệt đối chẳng hề khoa trương một chút nào, bản thân đội trưởng Hồ Dương đã đích thân nếm trải rồi.

Hồi đó ở Nam cực, có một lần khi còn là nhân viên khảo sát chưa có kinh nghiệm gì, Hồ Dương đi ra ngoài lấy nước ở nguồn nước cách trạm của họ chưa đến hai trăm mét. Trời lúc ấy cũng có gió nhưng không lớn lắm. Bất ngờ khi anh vừa rời khỏi trạm thì gió đột nhiên tăng tốc, đến khi anh ra được chỗ có nước, gió đã mạnh đến mức đủ thổi ngã cả người, trời đất mù mịt, trước mắt chỉ còn hoa tuyết bay, trạm nghiên cứu hoàn toàn biến mất trong tầm mắt. Đội trưởng Hồ Dương thầm kinh hãi, vội phán đoán phương hướng, rồi liều đội gió đi về phía trạm, kết quả là đi gần năm trăm mét rồi cũng không thấy trạm nghiên cứu của họ đâu. Anh hoảng quá cuống cả lên, lại xoay người đi ngược trở lại hướng mà anh cho là ban đầu, tính toán bước chân, không ngờ cả chỗ lấy nước cũng không thấy đâu nữa. Cứ thế, đội trưởng Hồ Dương đi đi lại lại hơn nửa tiếng đồng hồ, cuối cùng cơn gió cũng dần yếu, anh mới nhìn rõ được xung quanh, mồ hôi lạnh lập tức túa ra đẫm cả người. Trong hơn nửa tiếng đồng hồ, không ngờ anh đã đi vòng vòng theo một hình tròn đường kính khoảng chục mét không biết bao nhiêu lần. Mặc dù không có chuyện đuổi theo bước chân như trong sa mạc, nhưng còn đáng sợ hơn, khi gió lớn thổi qua, dấu chân lưu lại sẽ lập tức bị đợt tuyết mới phủ lên, hoàn toàn biến mất, cứ tưởng rằng đang đi đường thẳng, kết quả lại là đi vòng vòng. Khi ấy còn có hai đội viên khác ra tìm anh về, không ngờ cũng bị đi vòng tròn, ba người đã vẽ ra ba vòng tròn hình chữ phẩm (品) phía trước trạm nghiên cứu. Tuy cả ba người sau đó nhìn nhau cười ha hả, nhưng thực ra trong lòng ai cũng kinh sợ. Gió lớn có thể khiến người ta hoàn toàn mất cảm giác, tuyết mù mịt khiến mắt người chỉ có thể nhìn xa không đến một mét, nên cho đến tận bây giờ, mỗi lần nhớ lại kinh nghiệm đó đội trưởng Hồ Dương lại rùng mình.

Cách tốt nhất để đối phó với mù tuyết và gió thốc chính là không dây dưa với chúng. Những lúc đó nếu muốn giữ mạng, phải tìm một hang động ở gần mà trốn vào; còn cứ ngoan cố đội gió tiến lên, thì thà rằng tự đào hố chôn mình luôn còn hơn. Nếu may mắn, gió sẽ ngừng ngay, vẫn còn hy vọng sống sót; nếu không may mắn, khó nhọc đi được mười mấy cây số, sẽ phát hiện mình nằm đơ ra tại chỗ ban đầu, đông cứng thành que kem.

Từ trước khi xuất phát, Lữ Cánh Nam đã nói rõ cho các thành viên trong đội biết, vì việc này hết sức cơ mật, đồng thời còn liên quan đến chuyện vượt qua biên giới quốc gia, nên chỉ có thể tiết lộ cho cực ít người biết. Những người dẫn đường kiểu như Mã Bảo cũng chỉ biết họ muốn lên núi mà thôi. Dưới chân núi do đó sẽ không có căn cứ hay đại bản doanh gì, đội chỉ có thể nhận được sự giúp đỡ từ một số chuyên gia cao cấp có uy tín. Mà đến cả những chuyên gia này cũng bị chia làm hai nhóm, những người biết họ đang làm gì thì không biết họ đang ở đâu, những người biết họ đang ở đâu thì không hề biết cả đám đến nơi ấy để làm gì.

Vì vậy lần leo núi tuyết này hoàn toàn là leo núi kiểu Alps 1, không có tuyến đường định trước, không có bổ sung dọc đường, không có tiền lệ tham khảo, gió thốc cuồng loạn của vùng núi khiến trực thăng không thể lại gần, nên có gặp nguy hiểm thì cũng không có người cứu viện, tất cả đều chỉ có thể dựa vào chính bản thân mình. Mặc dù phía trước khó khăn trùng trùng, đường đi hung hiểm vô kể, nhưng các thành viên trong đội đều chỉ cười cười cho qua. Nói gì thì nói,nhóm người này sớm đã đánh bạn với thần Chết, thân đến mức đủ để gọi anh gọi em được rồi.

Cuối cùng, đội trưởng Hồ Dương đề cập đến chuyện bầy sói đã chiếm lĩnh con đường tốt nhất có thể leo lên núi. Vì thời gian có hạn, anh chỉ kể qua loa những gì họ gặp phải. Đối với bầy sói kia, đến giờ cả hội vẫn còn thấy rùng mình ghê sợ. Nhạc Dương kiến nghị với Lữ Cánh Nam nhờ quân biên phòng đến xua lũ sói đi. Lữ Cánh Nam trừng mắt lên nhìn, nói cô sẽ tự biết tính chuyện này.

Sau khi tổng kết công việc đã làm được trong ngày, Lữ Cánh Nam dẫn Đường Mẫn kiểm tra tình hình sức khỏe của các thành viên trong đội, xem phản ứng với độ cao như thế nào. Doanh trại huấn luyện của họ năm ở khu vực trên bốn nghìn xấp xỉ năm nghìn mét so với mực nước biển, nên cơ thể mọi người đều không có dấu hiệu gì khác lạ. Một lúc sau thì Ba Tang cũng tỉnh lại, quả nhiên đúng như Lữ Cánh Nam đã nói, anh ta hoàn toàn không nhớ gì về chuyện đi xem lũ sói, chỉ nhớ chuyện đội trưởng Hồ Dương đo đạc địa hình trên dốc núi ấy. Lữ Cánh Nam đã có lời từ trước nên mọi người đều thống nhất nói rằng, Ba Tang bị hụt chân trên dốc núi, đầu va mạnh vào đá. Mà sau gáy Ba Tang cũng có một vết sưng vù lên thật, đó là do bị bọn sói húc ngã đập đầu vào tảng đá gây ra.

Xử lý xong xuôi mọi thông tin có trong tay thì trời cũng đã muộn, Lữ Cánh Nam không đồng ý để mọi người tiếp tục tán phét, ra lệnh cho tất cả các thành viên trong đội phải lập tức nghỉ ngơi.

Nhạc Dương và Trương Lập làu bàu khó chịu, hiếm khi mới được một trải nghiệm mà mấy người giáo sư Phương Tân không có, đang hưng phấn hừng hực thế này lại bị bắt phải đi ngủ. Hai anh chàng này ở chung phòng với Trác Mộc Cường Ba, nửa đêm cứ trằn trọc mãi không yên, cuối cùng liền kéo Trác Mộc Cường Ba dậy, nhũng nhiễu chuyện ban sáng, nằng nặc đòi Trác Mộc Cường Ba kể chuyện đến Đạt Mã tìm chó ngao, rồi làm sao lại phát hiện ra Cương Lạp, kết bạn với Cương Lạp như thế nào, đất đai con người vùng này như thế nào…

Trác Mộc Cường Ba bị hai anh chàng bám nhằng nhẵng không buông, chẳng biết phải làm sao đành kể lại chuyện gặp gỡ làm quen với Cương Nhật Phổ Bạ, thì cũng chỉ là tìm kiếm khắp nơi, lần theo tất cả các đầu mối, cuối cùng thì mò được đến vùng này, chuyện đơn giản hết sức, đoạn gã nói: "Huyện Đạt Mã này đất đai con người thế nào ấy à, ừm, đại khái thì cũng giống như các nơi khác thôi, có điều trên các đồng cỏ xung quanh huyện thành, dân ở đây thích đua ngựa, giỏi cưỡi ngựa bắn tên. Phương thức thi đấu của họ khác với những nơi khác, cưỡi ngựa không có yên cương. À, còn nữa, huấn luyện ngựa hoang cũng là một trong những hoạt động được người bản địa rất ưa thích. Còn về ca múa nhạc, mấy điệu múa vòng tay, múa sư tử ở đây đều rất độc đáo đặc sắc…"

Nghe Trác Mộc Cường Ba kể chuyện, Trương Lập như nhận ra điều gì đó: "Cường Ba thiếu gia, huyện Đạt Mã mà anh nói, chắc không phải chính cái huyện này đấy chứ?"

Trác Mộc Cường Ba đáp: "Đúng, nó còn một cái tên khác nữa, đó là tên thường dùng, cũng cổ xưa lắm rồi."

Trương Lập nói: "Vậy tại sao người ta lại gọi nó là huyện Đạt Mã? Là vì ở trong huyện có người Đạt Mã sinh sống à?"

Trác Mộc Cường Ba lắc đầu: "Tất nhiên là không phải. Từ trước khi vương triều Thổ Phồn thống nhất, ở đây có một quốc gia nhỏ tên là Đạt Mã, đến sau khi Thổ Phồn thống nhất, nơi đây vẫn được gọi là Đạt Mã, vì vậy trong các sách cổ xưa nhất người ta đều gọi là huyện Đạt Mã. Mãi về sau khi Liên Hoa Sinh đại sư vào đất Tạng mới đổi tên nơi này thành Ngao châu. Có điều, cứ nhắc đến Ngao châu, thì trước tiên chúng tôi đều nghĩ ngay đến huyện Đạt Mã rồi."

Nhạc Dương quấn mình trong ổ chăn nói: "Cường Ba thiếu gia, tôi nhớ sáng nay chú Cương Nhật Phổ Bạc bảo, Cương Lạp lớn lên bằng sữa sói, chuyện đó là thế nào vậy?"

Trác Mộc Cường Ba ưu tư nói: "Ừm, thực ra thân thế của Cương Lạp là…"

° ° °

Mười lăm năm về trước, ở phía Đông Nam thôn Nạp Lạp có một căn nhà đá nhỏ đổ nát tan hoang. Đương mùa rét, tuyết lớn lả tả trên không trung, bầu trời đem đen kịt tựa chiếc áo choàng của thần Chết che phủ trên những vùng đất chật hẹp, vạn vật thảy đều im lìm, chỉ nghe tiếng gió tuyết lồng lộng thét gào.

Căn nhà đá ấy trong ngoài đều lạnh lẽo như nhau, bếp lò chỉ còn lại một đống tro tàn nguội ngắt, tử khí nặng nề tràn ngập, bên cạnh bếp lò có một người đàn ông ngồi lặng yên như pho tượng tạc từ băng đá. Nếu không phải cặp mắt anh ta chốc chốc vẫn còn chớp, chỉ e ai cũng sẽ tưởng đây là một cái xác. Không sai, anh ta đã chết rồi, ngọn lửa sinh mệnh trong lòng anh ta đã tắt ngúm, thứ còn lại, trông giống cái bếp lò kia, chỉ là một năm tro tàn.

Đó là Cương Nhật Phổ Bạc của mười lăm năm về trước, vợ anh ta mất tích đã ba năm, tìm kiếm khắp vùng núi tuyết này mà không ra, sống không thấy người, chết không thấy xác. Anh vẫn còn sống, là bởi vì anh không tin vợ mình đã chết. Anh tin chắc rằng, có một ngày Lạp Chân sẽ nhẹ nhàng đẩy cửa, nhẹ nhàng thốt lên một câu: "Em trở về rồi."

Mỗi năm, khi ngày vợ lên núi tuyết gần kề, Cương Nhật Phổ Bạc lại không thể yên giấc. Cương Nhật Phổ Bạc khi ấy, đang suy tư không biết ngày mai sẽ chịu đựng đau khổ như thế nào. Đúng vào thời khắc tăm tối nhất trước buổi bình minh, chợt vang lên tiếng gõ cửa "cốc cốc cốc"

Cương Nhật Phổ Bạc đã lạnh cứng cả người, anh hơi trù trừ do dự, chẳng có ai ra ngoài trong đêm tuyết mù mịt thế này cả. "Cốc cốc cốc" âm thanh lại vang lên một lần nữa, rất nhẹ, nhưng cũng rất rõ ràng. Cương Nhật Phổ Bạc không dám tin, rồi đột nhiên, anh đứng phắt dậy như bị ma nhập, lao ra cửa như một cơn lốc…

Bên ngoài tối đen như mực, cuồng phong mang theo băng tuyết ập tới, ngoài ra không còn gì khác. Cương Nhật Phổ Bạc không hề kinh hãi, ngược lại còn tỏ ra mừng rỡ, hướng về phía hư không vô tận lớn tiếng hỏi: "Lạp Chân, em phải không, Lạp Chân…"

Đáp lại lời anh ta, là một tiếng rên khe khẽ yếu ớt trong gió, Cương Nhật Phổ Bạc lấy đèn dầu bơ ra soi mới phát hiện thấy trước cửa nhà mình có một con sói cái bị thương đang cuộn tròn. Chân sau nó bị dính bẫy kẹp, máu tươi đỏ rực như những đóa hoa mai nở rộ trên nền đất phủ tuyết, kéo dài mãi vào trong màn đêm vô tận. Bạn đang đọc truyện được lấy tại

/235

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status