Mật Mã Tây Tạng

Chương 185: Địch ô An Cát Mẫu

/235


Căn nhà của Địch ô An Cát Mẫu ở trung tâm thôn làng, thân nhà hình tròn, nhìn các cửa sổ thì ít nhất cũng chia làm ba tầng, bốn góc có kinh phướn, phía dưới có rất nhiều tượng quỷ thần điêu khắc bằng gỗ, pháp sư Á La kiến văn quảng bác như thế mà cũng không nói được đó là những tượng gì. Mã Cát vừa vào cửa đã lớn tiếng gọi ầm ĩ: "Địch ô đại nhân, Địch ô đại nhân, con tìm được cho ông người đọc được chữ Mã Nhĩ rồi này!"

"Kha kha, A Mễ về đấy hả, sao lớn tiếng thế, lại gây họa gì bên ngoài rồi phải không?"

Mã Cát vừa xấu hổ vừa bối rối, vội nói: "Địch ô đại nhân nói bừa nhé, có khách quý đến đây nè."

"Ủa." Lúc này ông già kia mới quay người lại, chú ý đến bọn Trác Mộc Cường Ba: "Người Hạ Qua Ba à? Sao có thể được?" Địch ô An Cát Mẫu khoảng tầm sáu mươi đến bảy mươi tuổi, trông vẻ bề ngoài còn già nua hơn pháp sư Á La, gương mặt đầy những nếp nhăn sâu hõm, trên đầu chít khăn, nhưng không để tóc, mà chỉ có hai hàng râu dài bên mép và chòm râu dưới cằm tụ lại một chỗ.

Mã Cát cười cười nói: "Địch ô cũng có lúc không linh rồi nhé! Họ không phải người Hạ Qua Ba đâu, họ là quý khách từ bên ngoài tới đấy!" Tiếp đó, cô lần lượt giới thiệu từng người trong bọn Trác Mộc Cường Ba, rồi tự tiện lấy trong phòng trong của Địch ô đại nhân ra rất nhiều nệm cho mọi người ngồi xuống.

Sau khi biết được thân phận của mấy người bọn Trác Mộc Cường Ba, vị Địch ô đại nhân ấy liền thẳng thừng nói luôn: "Nói mục đích của các vị đi, những vị khách phương xa."

Pháp sư Á La nói: "Chúng tôi tìm kiếm vết chân của Bạc Ba La quang vinh, đến vùng đất này, chúng tôi..."

"A!" Tuy biết rằng làm vậy là rất thiếu lễ độ, nhưng vị Địch ô An Cát Mẫu vẫn không sao nén nổi cất tiếng ngắt lời: "Người Qua Ba! Bạc Ba La thần miếu! Tôi hiểu rồi." Ông đứng dậy, bất an đi đi lại lại mấy bước, đoạn nói: "Hình như tất cả những người từ bên ngoài đến, đều vì Bạc Ba La thần miếu cả. Nơi đó không dễ gì đến được đâu." Ông đưa mắt liếc sang phía Mã Cát, rồi thở dài nói tiếp: "Thôi được, tôi có thể nói cho các vị biết chuyện về Bạc Ba La thần miếu và bộ tộc Qua Ba. Chỉ hiềm nỗi, những điều tôi biết cũng chẳng nhiều nhặn gì."

Ông già vuốt vuốt lại vạt áo, ngồi trở xuống, chầm chậm cất tiếng: "Người Vi Đạt chúng tôi đã đến định cư ở nơi này từ rất sớm, rất sớm, chỉ hơi muộn hơn so với người ở hang và người núi tuyết thôi."

"Người núi tuyết!" Nhạc Dương vừa nghe thấy cách phát âm đó đã kinh ngạc thốt lên. Cách phát âm chữ "người núi tuyết" của Địch ô An Cát Mẫu gần giống với "sa tư mã tang mễ" hoặc "cáp tư khoa ngưỡng hĩ", còn khi Nhạc Dương ghép các âm "núi tuyết""người" trong tiếng Tạng cổ vào, thì lại nhận ra phát âm không giống thế. Pháp sư Á La bèn giải thích, cách phát âm "người núi tuyết" chắc là của tiếng Tượng Hùng, hoặc một loại ngôn ngữ cổ còn sớm hơn cả tiếng Tượng Hùng và vẫn được lưu giữ đến tận ngày nay, vì vậy không thể dùng tiếng Tạng cổ để ghép âm lại được.

Địch ô An Cát Mẫu dừng lại, Nhạc Dương ngại ngùng giải thích: "Tôi... tôi muốn nói, không biết Địch ô đại nhân có thể kể về người núi tuyết trong truyền thuyết của các vị được không." Từ sau khi pháp sư Á La nhắc đến người núi tuyết, Nhạc Dương đã tra tìm trong kho dữ liệu của giáo sư Phương Tân các tư liệu về người tuyết Tây Tạng. Không tra thì không biết, tra ra liền không khỏi giật mình, từ cuối thế kỷ mười chín cho đến ngày nay, số lượng các ghi chép chính thức về việc tìm kiếm người tuyết ở dãy Himalaya và vùng phụ cận phải lên đến hơn nghìn, số lần các đoàn khảo sát tiến vào rặng núi với danh nghĩa tìm kiếm người tuyết, so với số lần khảo sát đỉnh Chomolungma còn nhiều hơn gấp bội.

Hơn nữa, bọn họ còn phát hiện ra rất nhiều thứ thú vị. Chẳng hạn, có nhà khoa học cho rằng, con người và người tuyết có cùng một tổ tiên. Hai triệu năm trước, Vượn người Phương Nam 1 bắt đầu từ trên cây xuống đất, mở ra một phương thức sinh tồn hoàn toàn mới. Vượn người Phương Nam có thân thể cao lớn, trong đó có một bộ phận tiến hóa thành người, còn một bộ phận khác thì phân hóa thành loại nhỏ bé, loại cao lớn và người nguyên thủy Paranthropus Boisei. Ban đầu, Vượn người phương Nam tiến hóa thành người khéo léo Homo habilis, cũng chính là những tổ tiên có thể chế tạo ra các công cụ bằng đá đơn giản, mở ra thời kỳ Đồ đá cũ của loài người.

Một triệu năm trước, băng hà bao phủ trái đất, tiến trình hoang mạc hóa ở châu Phi tăng tốc, một nhóm người Homo habilis ở châu Phi lại tiến hóa thành người đứng thẳng Homo erectus, họ học cách sử dụng lửa, ngôn ngữ cũng rõ ràng hơn. Đất đai châu Phi bị sa mạc hóa mỗi lúc một nhiều, khiến người đứng thẳng Homo erectus không thể không rời bỏ châu lục này, di cư đi khắp thế giới. Người vượn Bắc Kinh, người Nguyên Mưu, người Lam Điền rất nổi tiếng ở Trung Quốc, đều thuộc nhánh người đứng thẳng Homo erectus này cả; người Homo erectus đến châu u muộn hơn một chút, ở đây, họ tiến hóa thành người Homo neanderthalensis.

Khoảng hai trăm năm mươi nghìn năm trước, môi trường châu Phi càng trở nên khắc nghiệt, một nhóm người đứng thẳng Homo erectus ở đây đã tiến hóa thành người có trí tuệ Homo sapiens, người Homo sapiens bắt đầu cuộc đại di cư toàn cầu lần thứ hai. Những người đứng thẳng Homo erectus ở những nơi khác cũng có sự tiến hóa với mức độ khác nhau, họ đã sống chung với người Homo sapiens trong một thời kỳ rất dài. Mãi đến khoảng sáu mươi nghìn năm trước, lại một đợt băng hà nữa phủ khắp địa cầu, môi trường sinh tồn trên cả trái đất đều trở nên khắc nghiệt, người Homo sapiens không ngừng tiến hóa trong lao động, cuối cùng đã trở thành người Homo sapiens kỳ cuối, hoặc gọi là người mới, người hiện đại, về ngoại hình và dung lượng bộ não gần như tương đương với con người ngày nay, và đồng thời dần dần thay thế người đứng thẳng Homo erectus vẫn chưa thể tiến hóa được. Người ta chia người Homo sapiens kỳ cuối ra làm bốn đại chủng: Trung Quốc, Đông Á, người Indian ở châu Mỹ chủng da vàng, gọi là người Mongoloid hay người Mông Cổ; người châu u, Bắc Phi, Nam Á thuộc chủng da trắng, hay gọi là người Oropeoit hay người Caucasoid; ngoài ra còn có chủng da đen ở châu Phi, da nâu ở châu Úc, từ đó hình thành cách cục của nhân loại ngày nay. Nguồn truyện:

/235

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status