Lửa Thiêu Rừng Hạnh

Chương 9: LỬA! LỬA! LỬA!

/12


Nhiếp Phong trở về nhà, vai đeo chiếc túi vải trắng, chân đi đôi giày thể thao đầy vẻ phong trần bụi bặm.

Đón tiếp anh ngay trước cổng là con Nhã Hổ, nó vui mừng nhảy cẫng lên, cái đuôi ngoáy tít, miệng tha chiếc giày chạy lăng quăng khắp nhà. Nhã Hổ đã được hai tuổi, năm ngoái một đồng nghiệp cùng cơ quan với chị gái Nhiếp Phong mang nó đến cho, hai mắt của nó tròn xoe như hai hòn bi ve nom rất lanh lợi. Khi mới đến nó ngồi trên sàn nhà trông giống như một con sâu róm màu trắng. Lúc đầu Nhiếp Phong đặt cho nó cái tên Bill Gates. Nhưng sau này cảm thấy dài quá gọi mỏi mồm nên thuận miệng gọi luôn là: Nhã Hổ (Yahoo). Kỳ thực nó là giống chó sư tử, chẳng hề giống hổ tẹo nào.

Tiểu bảo mẫu, Tiểu Cúc ra mở cửa, khuôn mặt hớn hở: "Anh về rồi ạ!".

Bà nội Nhiếp Phong thấy cháu vừa vui mừng vừa luôn miệng xót xa: "Ôi! Sao lại vừa đen vừa gầy thế này?".

"Thế thì anh ấy mới nhanh chóng trở thành Cổ Thiên Lạc chứ ạ!". Tiểu Cúc nói đùa.

Bà nội ngạc nhiên hỏi.

"Cổ Thiên Lạc là cái gì?".

"Bà ơi! Anh ta là tài tử đẹp trai của điện ảnh Hồng Kông thích bơi ở biển, làn da bị cháy nắng thành màu đồng cổ, hơn nữa ngày (Thiên) nào cũng lạc quan yêu đời". Nhiếp Phong ghé sát vào tai bà lão thì thầm giải thích rồi nhoẻn miệng cười.

"Tiểu Phong nhà ta đúng là tài tử đẹp trai".

"Được thế cơ ạ! Bà ơi! Cháu từ nhỏ đã rất xấu mà".

Tiểu Cúc bụm miệng cười, đôi má ửng đỏ như quá táo.

Nhiếp Phong rút quà trong túi tặng cho mọi người trong gia đình. Anh biếu bà nội bánh "bà xã bé nhỏ". Bà lão rất thích ăn đồ ngọt. Lại tặng Tiểu Cúc dây chuyền làm bằng vỏ sò biển.

"Ôi, đẹp quá!". Tiểu Cúc mân mê nó trong tay.

"Còn đây là quà của bác Đào, giám đốc sở biếu bố cháu".

Nhiếp Phong cầm chiếc hộp giấy gói rất đẹp. Trong đó là hai túi cà phê Lam Sơn Jamaica chính hiệu.

"Bố cháu đi Bắc Kinh họp rồi!". Bà nội bảo Nhiếp Phong.

"Còn quà của dì và chị Nhiếp nữa đâu ạ?". Tiểu Cúc ngước đôi mắt nhỏ lên khẽ nhắc.

Mẹ Nhiếp Phong là bác sĩ phụ sản, chị gái làm phát thanh viên ở đài truyền hình, nên cuối tuần mới về nhà.

"Thật không phải, lần này bận rộn quá, lần sau tôi tặng bù vậy".

Nghỉ ngơi một chút, Nhiếp Phong rút điện thoại gọi cho tổng biên tập: "Báo cáo sếp, em về rồi ạ!".

Trong điện thoại tổng biên tập Ngô biểu dương tinh thần làm việc của Nhiếp Phong, lần đi phỏng vấn này thật quá vất vả... Sau đó ông còn vỗ về anh mấy câu.

"Sếp ra mười hai lệnh kim bài triệu hồi, không phải là đi du lịch nước ngoài sao?". Nhiếp Phong châm chọc.

"Tôi biết dăm bữa nửa tháng thì phá án thế quái nào được, trừ phi là thần thám". Tổng biên tập Ngô bình thản đáp lại.

"Có việc gì sai bảo sếp cứ nói thẳng ra đi". Nhiếp Phong biết tỏng tổng biên tập đang làm trò gì.

"Phỏng vấn độc quyền ông vua ti vi màu ở Miên Dương cậu chuẩn bị viết bài phỏng vấn về ông ấy cho mục nhân vật nổi tiếng của tạp chí ra cuối kỳ này nhé".

"Thế nhưng công tác phí em tiêu sạch rồi".

"Trước khi lên đường sang bên tài vụ nhận dự chi, tôi duyệt rồi".

"Thật tốt quá, ngày mai em có thể đi được rồi".

"Cậu vừa mới về, tôi cho hai ngày nghỉ phép, cứ nghỉ ngơi thoải mái đi".

"Ok! Cảm ơn sếp". ° ° °

Buổi tối ngày hôm sau, Nhiếp Phong nhận được điện thoại của Tiểu Xuyên.

Trong điện thoại Tiểu Xuyên nói với Nhiếp Phong, bà vợ Hồng Diệc Minh đã từ Canada về nước để lo toan hậu sự cho chồng. Khi cảnh sát thẩm vấn bà ta về các mối quan hệ xã hội và tình hình kinh doanh của Hồng Diệc Minh, vô tình được biết Hồng Diệc Minh và Hồ Quốc Hào không chỉ là người cùng quê huyện Ngu, tỉnh Hà Nam mà còn là chiến hữu của nhau từ thời trong quân ngũ. Trong lý lịch cả hai cùng có thời gian công tác ở binh đoàn xây dựng Vân Nam. Chuyện này bà vợ Hồng Diệc Minh có một lần nghe Hồng Diệc Minh nhắc đến.

Tiểu Xuyên nói: "Em nghĩ, việc điều tra mối quan hệ giữa Hồ Quốc Hào và Hồng Diệc Minh sẽ có tác dụng nhất định"

Nhiếp Phong phấn chấn.

"Đầu mối này rất quan trọng".

Nói xong câu đó anh lại trầm tư.

Trong phần lý lịch của Hồ Quốc Hào tra trên mạng không hề nhắc tới giai đoạn này.

Chuyện đó liệu có điểm liên kết gì giữa hai người này?

Nhiếp Phong lấy ra chiếc bút dạ viết lên tờ giấy nhỏ.

Đồng hương - Bạn hữu - Đối tác - Đối thủ cạnh tranh - Cùng ở...

Anh nghĩ đi nghĩ lại rồi viết thêm phần "đối tác" hai chữ "hàng đầu". Cuối cùng sau một hồi suy tư anh thêm đằng sau chữ "Cùng ở" dòng chữ "Binh đoàn xây dựng Vân Nam".

Rốt cuộc là ở trung đoàn nào, sư đoàn nào của Binh đoàn xây dựng Vân Nam? Đóng quân trên địa bàn nào của tỉnh Vân Nam?

Anh còn muốn biết, Chung Đào lúc đó cũng ở binh đoàn xây dựng Vân Nam, liệu Hồ Quốc Hào, Hồng Diệc Minh và Chung Đào có quen biết nhau? Họ có mối liên quan gì đến nhau? Song các tư liệu có liên quan đến thanh niên trí thức thời kỳ đó, cách đây đã gần ba mươi năm, một quãng thời gian dài nên rất khó tìm hiểu.

Sáng hôm sau Nhiếp Phong gọi điện thoại đến thư viện Đại học C, kết quả khiến anh rất thất vọng. Người nữ thủ thư cho anh hay thư viện Đại học C không lưu trữ tư liệu thời kỳ "cách mạng văn hóa".

Xem ra phải tìm đến thư viện Ba Thục của tỉnh xem sao. Nhiếp Phong vội vã dùng bữa sáng, lấy xe đạp guồng hết tốc lực.

Ngày thường, công việc làm báo của anh rất bận, nên hiếm có dịp đến thư viện.

Nhiếp Phong đạp xe qua một nhà hàng nhộn nhịp, một dãy các ki ốt bán quần áo và mỹ phẩm, nào là "Lạc Muội"; "Nửa sườn dốc'', "Gia viên người lưu lạc"... các biển hiệu đều rất bắt mắt, rực rỡ ánh đèn. Đạp thêm vài vòng xe nữa là qua một cửa hàng thời trang có mặt tiền rất rộng, anh chợt nhìn thấy thư viện tỉnh nằm khiêm tốn trong khuôn đất nhỏ, không gian chật hẹp.

Cửa ra vào cũng hẹp, tường thấp sơn màu vàng cũ kỹ, mái nhà lợp ngói lưu ly rêu phong, Chính điện đặt một phiến đá đại lý khắc tên thư viện, nét chữ đỏ sẫm, phủ đầy bụi và lá rụng. Bên cửa ra vào có một chỗ để xe đạp có người trông coi.

Dựa chiếc xe cẩn thận vào sát tường, anh bước vào bên trong, không ngờ nơi đây lại cũ kỹ đến vậy, đại sảnh yên tĩnh lạnh lẽo. Men theo từng bậc cầu thang lát đá loang lổ, Nhiếp Phong có cảm giác như lạc vào cánh đồng hoang không bóng người qua lại. Xem ra ngôi nhà này dễ đến hơn ba mươi năm chưa được tu sửa.

Anh thầm nghĩ hàng triệu người của cái thành phố này sẵn sàng bỏ hàng trăm hàng vạn tệ dành cho việc hút thuốc, uống rượu... nhưng sao nỡ bủn xỉn để cho thánh đường văn hóa tàn tạ xuống cấp đến thế này?

Tìm đến tầng ba, nơi lưu trữ các ấn phẩm đặc biệt. Có lẽ đây là phòng đọc tốt nhất trong thư viện, khá cổ kính và cũ kỹ là cảm nhận đầu tiên khi Nhiếp Phong bước vào. Hàng loạt các dãy bàn cỡ vừa và nhỏ màu vàng rơm xếp thành ba dãy, mối dãy có mười chiếc. Khoảng bảy, tám độc giả đang chăm chủ đọc sách, tiếng lật giấy sột soạt.

Nhiếp Phong đi đến một góc phòng, anh ngồi xuống, tìm kiếm tư liệu mình quan tâm.

Hai người nữ thủ thư ngồi trong chiếc quầy ô vuông. Một người tầm trung tuổi, đeo kính trắng, người kia trẻ hơn ngồi trước màn hình máy vi tính. Cả hai tỏ ra khá chuyên nghiệp, phục vụ mọi người hết sức chu đáo. Độc giả muốn tìm quyển sách nào, họ đều tận tình giúp đỡ.

Tiêu phí hơn một giờ đồng hồ, thật không dễ tìm thấy mấy quyển tạp chí nội bộ thời kỳ cách mạng văn hóa, chỉ có mấy cuốn "Văn thơ thanh niên trí thức", giấy đã ố vàng, khi lật trang phải hết sức cẩn chận.

Khi mở một quyển tuyển tập ảnh "Thượng sơn hạ hương" (lên núi xuống vùng nông thôn) anh chăm chú nhìn rất lâu.

Trong đó có hàng trăm các bức ảnh đen trắng, đều là hình kỷ niệm về cuộc sống của thanh niên trí thức thành thị thời đó, gánh củi, dựng nhà, cạo mủ cao su, thu dọn rác thải, khiêu vũ, tuyên thệ, tình nguyện... rất rất nhiều việc khác nữa. Có một tấm ảnh lớn chụp cảnh thanh niên trí thức Dung Thành (tên khác của thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) xuất phát từ đường Nhân Dân Nam Lộ lên đường xây dựng tổ quốc. Một đội thiếu nữ tóc tết đuôi sam, lưng đeo ba lô tay nâng là quốc kỳ, tay kia nâng ảnh lãnh tụ, khí thế hừng hực, phía sau là nét mờ mờ dòng chữ "Bảo tàng tưởng niệm" và tượng chủ tịch Mao Trạch Đông, khuôn mặt của họ nhìn không được rõ song từ toàn cảnh bức ảnh có thể tưởng tượng ra không khí hào hùng tràn đầy sức trẻ thời ấy...

Từ năm 1971 đến năm 1972, khoảng mấy vạn thanh niên tri thức Thành Đô trong đó có cả Chung Đào, theo hướng chỉ của bức tượng Mao chủ tịch thẳng tiến đến vùng biên giới Vân Nam, khai phá và xây dựng nơi biên cương tổ quốc.

Nhiếp Phong lật tìm những quyển sách khác. Trong một quyển sách nhỏ bìa màu xanh có in dòng chữ "Hồn thanh niên trí thức" tình cờ phát hiện một bài viết với tiêu đề "Lam Tước Lĩnh, nơi đặt mười ngôi mộ".

Đọc xong bài viết đó, Nhiếp Phong lặng người xúc động.

Bài báo đã thuật lại tấn thảm kịch xảy ra hai mươi tám năm về trước tại vùng Lam Giang, Vân Nam, mười nữ thanh niên trí thức đã bị thiêu chết.

Đó là vào một đêm trăng không mây, một thanh niên trí thức Thượng Hải xem trộm cuốn sách "Bài ca thanh xuân". Thời kỳ ấy cuốn sách này thuộc thể loại tiểu thuyết ái tình hoàn toàn bị cấm, chỉ có thể xem trộm. Trời càng về tối anh ta nhíu hai mắt lại vì buồn ngủ, trước khi đi ngủ anh định ra ngoài đi vệ sinh khi quay người vô tình làm đổ chiếc đèn dầu trong màn, ngọn lửa gặp màn bốc cháy, tất cả mọi người bừng tỉnh hoảng hốt ra sức dập lửa.

Song chỉ trong phút chốc ngọn lửa lan sang các vật dụng dễ cháy như quần áo, sách vở...

Chưa đầy một phút cả căn nhà là bốc cháy dữ dội chỉ nhìn thấy khỏi lửa ngút lên tận trời xanh mù mịt, cuồn cuộn. Những nam thanh niên đứng bên ngoài ngây dại gào thẻt. Cháy! Cháy! Cháy!

Có nữ thanh niên chỉ mặc độc đồ lót chạy từ trong ra bên ngoài hét lên cầu cứu.

Dãy nhà đại đội thanh niên trí thức ở nối liền với nhau, đều được ghép từ tre trúc và rơm, cỏ khô, trong phòng toàn đồ dễ cháy. Khi ngọn lửa bùng lên từ một gian nhà lan sang cả dãy nên hoàn toàn không thể dập lửa được. Hơn nửa lửa mạnh lại gặp gió to lên càng trở nên hung dữ, tiếng tre trúc nổ lép bép, khắp nơi nơi ánh lửa nhập nhòa.

Mọi người hoảng loạn thất kinh nhảy ra khỏi lửa. Khi người cuối cùng thoát ra những ngôi nhà đã biến thành một biển lửa.

Đúng lúc này một người công nhân lớn tuổi phát hiện ra điều dị thường.

"Đại đội trưởng, anh nhìn xem nơi kia sao lại có lửa xanh nhỉ?".

Theo hướng tay ông chỉ là gian nhà thứ ba khỏi bốc lên đậm đặc. Ngọn lửa cháy ở gỗ, tre... đều là màu đỏ, chỉ có cháy ở dầu mỡ xác động vật mới có màu xanh.

Đại đội trưởng dường như không hề chú ý. Anh ra vội vã cứu lấy những thứ "vật dụng linh tinh" còn lại trong căn phòng của riêng mình.

Qua hai, ba phút, lửa đã thiêu trụi tất cả những gian nhà lá, chỉ còn lại đống tro âm ỉ cháy. Lửa nhỏ dần song trong làn khói đen đậm đặc vẫn có một nơi lửa xanh leo lét.

"Đại đội trưởng, anh không để ý sao?".

Người công nhân già lại một lần nữa nhắc nhở.

Lúc này đại đội trưởng mới lên tiếng gọi vài cậu trai trẻ lấy gậy gạt gạt đống tro.

Trong bài báo ấy có viết:

"Cảnh tượng diễn ra trước mắt mọi người thật hãi hùng. Mười nữ thanh niên nằm phủ phục dưới đất toàn thân co quắp, ôm chặt lấy nhau, họ đã bị lửa thiêu cháy đen, cơ thể rút lại chỉ còn chưa đầy một mét. Mặt mũi không còn nhận ra ai với ai, trông rất thảm thương, khi tách từng người, chỉ có phần da ở ngực là còn nguyên vẹn.

Vì sao họ lại không chạy thoát?

Phân tích tại hiện trường phát hiện nguyên nhân khiến họ không thể chạy được là do buổi tối họ đã lấy dây thép buộc chặt cánh cửa. Trong lúc hoảng loạn không có cách nào gỡ ra được. Những chiếc dây thép đen sì còn buộc nguyên ở cửa.

Họ đều sợ nửa đêm có người lẻn vào, mười người thiếu nữ ở chung một phòng sao lại phải sợ có kẻ lén vào, kẻ đó là ai?

Họ không báo cáo sự việc lên trung đoàn, bởi vì họ không có cơ hội để báo cáo".

Nhiếp Phong gặp cuốn sách lại, trong lòng trào lên nỗi niềm cảm thương.

Lịch sử dường như ngưng đọng trong giây lát.

Không gian phòng đọc trở nên yên ắng kỳ lạ chỉ có tiếng thở dài khe khẽ ở góc phòng.

Đột nhiên Nhiếp Phong có cảm giác như khuôn mặt Chung Đào hiện ra - Một khuôn mặt thất thần.

Đám mây màu đỏ rực đó ám chỉ điều gì?

Nhiếp Phong lật lại cuốn sách, anh tiếp tục tìm hiểu, ở trang cuối cùng anh tìm thấy địa điểm xảy ra tấn thảm kịch, nó được gọi bằng cái tên Lam Tước Lĩnh, thuộc đại đội hai tiểu đoàn bốn trung đoàn.... binh đoàn xây dựng Vân Nam. Thời gian xảy ra sự việc kinh hoàng là năm 1972, ngày 24 tháng 6.

Nhiếp Phong lẩm nhẩm trong miệng: 19/2... trong lòng anh hơi rung động.

- 1972... 06... 24.

Nhiếp Phong đọc lại lần nữa.

Nối liền các số năm, tháng, ngày chẳng phải tạo thành dãy số 19720624 sao.

Dãy số này nhìn rất quen? Dường như đã nhìn thấy ở đâu đó thì phải.

"Anh ơi! Thư viện sắp đóng cửa rồi", cô thủ thư trẻ ngồi trong quầy nói vọng ra với Nhiếp Phong.

"Ồ! Buổi trưa ở đây cũng đóng cửa ạ?".

"Buổi trưa là giờ nghỉ trưa".

Nhiếp Phong thu dọn lại những quyển sách, đứng dậy, trong lúc trả sách anh vô tình để quyển sách quay đầu ngược lại. Bất giác Nhiếp Phong chấn động tâm can, tám chữ số trên "Giấy chiêu hồn" là 42602791. Nếu đão lại chẳng phải là 1972062-4 sao?

Trên đường trở về nhà, khi đạp xe qua con đường Nhân Dân Nam Lộ, anh ngẩng đầu nhìn lên bức tượng Mao chủ tịch bằng đá trắng đại lý đặt trước cửa bảo tàng...

Hai mươi tá năm về trước cũng tại con đường này hàng nghìn hàng vạn thanh niên trí thức Thành Đô vừa mới tốt nghiệp cấp ba đã lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc xây dựng vùng đất Vân Nam hoang vu hẻo lành.

Gần ba mươi năm sau, khi đi qua đây, con đường Nhân Dân Nam Lộ ngựa xe nườm nượp, biểu tượng của thành phố hiện đại đổi thay từng ngày. Khó tìm thấy dấu vết xưa kia. Bức tượng lớn vẫn còn, cánh tay vẫn chỉ về hướng Vân Nam nhưng mộng tưởng của thanh thiếu niên nam nữ ngày nay nằm ở đâu? Một vị tiền bối trong tòa soạn đã có lần kể: Từng có một vị ủy viên chinh hiệp kiến nghị dỡ bỏ bức tượng đó để tránh cho Người ngày nắng khỏi bị thiêu đốt, ngày mưa khỏi bị ướt mình. Nghe đồn cơ quan hữu quan cũng đồng ý với phương án đó song đưa ra yêu cầu trong vòng một đêm phải di chuyển được bức tượng. Dùng bộc phá thì không được phép, dùng xe kéo thì cũng không xong. Sau này cuối cùng đành từ bỏ ý định đó. Chính vì vậy nên bức tượng còn được bảo tồn cho đến nay. Không biết việc ấy có phải là thật hay chỉ là lời đồn nhảm?

2.

Nhiếp Phong ngồi trên ghế sofa trong phòng khách, anh đang đợi điện thoại.

Con Nhã Hổ lúc lắc cái đầu, chạy đến gần giá sách, nó đứng bằng hai chân sau, cái mũi hếch lên đánh hơi.

"Anh Nhiếp! Con Nhã Hổ đang tìm cái gì kìa!"

Tiểu Cúc cầm cái giẻ lau đi qua nói.

Nhiếp Phong vừa mua về bốn quả bóng tennis, còn để túi nhựa giấu ở tầng cao nhất của giá sách, cửa giá sách đóng kín, chẳng hiểu sao con vật này lại phát hiện ra được!

Nhiếp Phong xoa xoa đầu nó: "Cho mày đến trường cảnh khuyển để huấn luyện bắt kẻ xấu nhé!"

Nhã Hổ ngoáy tít đuôi, có vẻ mừng rỡ lắm.

Tiếng chuông điện thoại đổ dồn, Nhiếp Phong nhấc ống nghe lên, là một người bạn, anh Trung làm ở hội nhà văn thành phố gọi đến.

"Có một nữ đồng chí tên là Trình Hiểu Văn làm ở cục Lao động thành phố trước đây cũng từng là thanh niên trí thức Thành Đô đi xây dựng Lam Giang, chị ấy là một người rất nhiệt tình tham gia công tác xã hội".

Nhiếp Phong ghi lại số điện thoại của người đó trong cuốn sổ ghi chép rồi nói lời cảm ơn. Anh cần phải tìm hiểu sự việc "Mười nữ thanh niên tử nạn" qua những người có mặt tại hiện trường lúc ấy.

Nhiếp Phong bấm số máy vừa nhận được song chỉ có tiếng nhạc chờ, không có người nhấc máy. Buổi chiều tối trong lúc anh đang lên mạng thì nhận được điện thoại của người phụ nữ đó. Trong tiếng điện thoại xen lẫn tiếng trẻ nhỏ, chắc chị ta đang ở nhà. Người phụ nữ nhận mình là Trình Hiểu Văn. Chị hỏi Nhiếp Phong mục đích muốn tìm hiểu điều gì, thái độ khá thoải mái.

"Tôi muốn tìm hiểu thời kỳ thanh niên trí thức xây dựng vùng Lam Giang".

"Không vấn đề gì, sáng mai hẹn sau đi".

Hôm sau, Nhiếp Phong gọi lại cho người phụ nữ ấy. Máy di động vẫn thông nhưng không có người nhận cuộc gọi.

Nhiếp Phong bấm số 114 hỏi tổng đài số điện thoại của cục Lao động thành phố họ cho anh số điện thoại phòng làm việc của Trình Hiểu Văn. Anh gọi vào số đó, người nhận điện là chị ta, giọng nói vẫn khá nhiệt tình.

"Ai giới thiệu tôi với anh?".

"Một người bạn của tôi, là anh Trung Bình làm ở hội nhà văn thành phố".

"Tôi không quen Trung Bình".

"Anh ấy cũng là thanh niên trí thức, anh ấy nói chị rất nhiệt tình".

"Anh muốn tìm hiểu việc gì?".

"Tôi là phóng viên của tạp chí "Tây Bộ Dương Quang" muốn viết về thời kỳ ấy".

"Cậu không trái qua cuộc sống của thanh niên trí thức e rằng sẽ khó viết". Người phụ nữ rất thẳng thắn.

"Tôi không phải viết một cuốn sách về thanh niên trí thức mà chỉ muốn lấy tư liệu bối cảnh để viết một bài báo...". Nhiếp Phong giải thích thêm "Chủ yếu là muốn tìm hiểu về sự kiện mười nữ thanh niên trí thức ở đại đội hai, tiểu đoàn bốn".

"Họ đều bị thiêu sống, chết rất thảm thương. Tôi cũng là người của tiểu đoàn bốn".

"Chị xem lúc nào chúng ta có thể gặp nhau". Nhiếp Phong vội vàng hỏi.

"Tôi có gợi ý thế này, trước hết cậu cứ đi Tiêu Lam sơn trang núi Phượng Hoàng. Bắt chuyến xe 99 tới bến cuối cùng, bỏ ra thêm hai tệ đi xe máy kéo ba bánh đến một nơi gọi là "Trung tâm hoạt động của thanh niên trí thức'". Trình Hiểu Văn giới thiệu.

"Cậu cứ đến đó tham quan để có được cảm xúc chân thật".

"Nếu tiện, tôi xin gặp chị trước đã được không?".

"Thế cũng được, mười rưỡi trưa nay nhé? Tôi hẹn cậu ở phòng làm việc".

"Rất cám ơn chị!".

Tiểu Cúc thấy Nhiếp Phong có vẻ rất vui bèn hỏi: "Anh Nhiếp hẹn gặp ai mà hởn hở vậy?".

"Một người phụ nữ".

"Lại là phụ nữ". Tiểu bảo mẫu bĩu môi.

Đến mười giờ, điện thoại trong phòng khách đổ chuông.

Tiểu Cúc nhấc điện thoại lên, cô hướng về phòng đọc sách lớn tiếng gọi: "Anh Nhiếp, người "phụ nữ" của anh gọi này".

Nhiếp Phong vừa nhận điện thoại vừa khẽ nhắc Tiểu Cúc: "Làm gì mà gọi to thế!".

Quả nhiên đó đúng là điện thoại của Trình Hiểu Văn.

"Anh Nhiếp hả, tôi chuẩn bị có cuộc họp nên e là hôm nay không thể gặp anh được". Nhiếp Phong khá thất vọng.

"Vậy ngày mai hẹn chị lại vậy".

"Cũng được". Người đầu dây bên kia ngắt máy.

"Á". Tiểu Cúc vui mừng như mở cờ trong bụng "Phụ nữ" lại thất hẹn hả anh?".

"Cái cô này! Đi chỗ khác đi".

Nhiếp Phong tạm thời quyết định trước tiên cứ đến Tiêu Lâm sơn trang, núi Phượng Hoàng cái đã.

Anh gọi một chiếc taxi.

"Anh đi đâu?". Người tài taxi hỏi.

"Cho tôi đến núi Phượng Hoàng".

Chiếc xe lăn bánh vượt qua vùng quê nửa nông thôn nửa thành thị. Xe cộ đi lại như mắc cửi, có chút hơi hỗn loạn. Nhiếp Phong nhìn ra ngoài cửa kính, hai bên đường là hiệu sửa xe đạp, cửa hàng bán tạp hóa, sạp trái cây... Phía trước cánh đồng trồng cải dầu đang vụ thu hoạch, là rau da bò phủ đầy trên mặt đất.

Tri Viên nằm phía bắc thành phố nên cách đường lên núi Phượng Hoàng không xa.

Đi hết mười bảy tệ tiền taxi là đã tới nơi.

Người lái xe theo bảng chỉ dẫn bên đường đỗ xe lại trước cổng Tiêu Lâm sơn trang.

Cột trụ cổng bằng xi măng màu tro sẫm, bên trái treo một tấm biển có ghi dòng chữ "Trung tâm hoạt động thanh niên tri thức Duy Thành đi xây dựng Vân Nam".

Đường vào lát đá phiến, một bên là rừng chuối tây, một bên là hồ nước.

Theo lời giới thiệu của nữ giám đốc quản lý sơn trang, những người lập nên trung tâm này đều là thanh niên trí thức hiện đang còn công tác. Bình thường họ không ở đây nhưng vào định kỳ tổ thức hoạt động, trung tâm rất náo nhiệt. Ông chủ của Tiêu Lâm sơn trang cũng là một thanh niên trí thức. Vì vậy đã bỏ tiền túi ra xây dựng một tòa nhà nhỏ làm nơi tụ họp của những người đã từng trái qua thời kỳ thanh niên trí thức. Ngày thường sơn trang kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng. Làm ăn cũng khá tốt.

Nữ giám đốc đưa Nhiếp Phong tham quan ngôi nhà, trong đó có một căn phòng rộng chừng mười lăm mét vuông dành để trưng bày những tư liệu liên quan đến thanh niên trí thức. Nhiếp Phong một mình đi một vòng quanh căn phòng, những vật trưng bày ở đây có những thứ rất bình thường nhưng lại vô cùng quý giá. Có một bức ảnh đen trắng chụp cảnh lao động của những thanh niên trí thức thời ấy, bức ảnh được cắt ra từ một tờ báo cũ, giấy đã ố vàng, ở giữa căn phòng để hai chiếc tủ kính, tủ bên trái bày các loại ấn phẩm xuất bản phản ánh đời sống của thanh niên trí thức, tủ bên phải để các cuốn "Sổ lưu niệm thanh niên trí thức đi xây dựng vùng Điều" (Điều: tên gọi khác của Vân Nam), "Thông tin nội bộ"... Còn có một bộ quân phục màu xanh đã cũ, bên cạnh có in dòng chữ "Kỷ niệm thanh niên trí thức Lam Giang trở về quê hương".

Sau khi tham quan hết căn nhà, vị nữ giám đốc giao cho một chàng trai trẻ mặc áo xanh công nhân dẫn Nhiếp Phong đến quán trà Trúc Bằng.

Vượt qua hai cái hồ là đến quán trà, đó là một dãy nhà khá dài, xung quanh người ta trồng rất nhiều chuối tây, ven hồ là hàng liễu rủ. Hai bên đường là những đóa hoa hồng khoe sắc rực rỡ. Có lẽ ngày hôm nay không phải là ngày tổ thức gặp mặt, dưới bóng cây si già vài du khách quây quanh chiếc bàn nhỏ đánh mạt chược. Cả sơn trang không khí thật yên tĩnh, bên tai có thể nghe thấy tiếng tôm búng nước, xa xa có tiếng máy kéo từ bên kia đường vọng lại.

Người thanh niên đi cùng nói với Nhiếp Phong: "Đây là quán trà Trúc Bằng, các sản phẩm ở đây cũng do thanh niên trí thức tạo ra".

Bàn ghế đều được làm từ trúc, có nét đặc sắc riêng đặc biệt. Nhiếp Phong ngồi xuống ghế, anh gọi một cốc Hoa Mao Phong giá mười tệ.

Bốn mặt quán dán, treo khá nhiều tranh ảnh, đều miêu tả những hoạt động của thanh niên trí thức Thành Đô khai phá, xây dựng vùng đất biên cương Vân Nam. Một dải lụa màu xanh nhạt, rộng trên dưới một mét dài khoảng ba mươi mét bao quanh bốn bức tường quán Trúc Bằng, tạo ra nét khác biệt.

Nhiếp Phong đứng dậy chậm rãi dạo bước, cảm giác như đang đến một ngã ba sông vắng lặng.

Trên tấm lụa chi chít những lời đề tự viết bằng bút dạ, màu mực khác nhau, màu xanh, màu đen, màu đỏ... Các dòng chữ, bút tích chen chúc nhau, nhiều chữ màu mực đã nhòa hay mờ đi. Đây là tấm lụa được những thanh niên trí thức lưu lại trong buổi lễ meeting kỷ niệm thanh niên trí thức Thành Đô tại quảng trường Nhân Dân Nam Lộ chín năm về trước. Tấm lụa là nơi để họ bộc bạch những tâm tư tình cảm của một thời thanh niên sôi nổi đã qua cũng là nơi để lớp hậu sinh nói lên cảm nghĩ của mình.

Nhiếp Phong lấy chiếc bút mang theo bên mình vừa xem vừa ghi lại.

Đập vào mắt anh đầu tiên là hàng chữ nhỏ nhắn.

"Mẹ của cháu là thanh niên tri thức Vân Nam, bà tên là Trương Yên - ngày 9 tháng 6 Khang Khang".

"Cháu là con gái của thanh niên tri thức, bố cháu tên là Lưu Vệ Đông - Lưu Vy"

"Bố mẹ tôi năm đó ở tiểu đoàn ba trung đoàn bảy. Tôi rất thích nghe mợ kể về những câu chuyện ở Vân Nam - Châu Tiểu Băng".

Viền trên tấm lụa lưu lại dòng chữ khá lưu loát.

Những năm tháng đó trong giây phút này như ngưng đọng lại.

Nó kể cho lớp hậu thế chúng tôi một câu chuyện chân thực.

Bên dưới là hàng chữ màu xanh thẫm, do một cô bé tiểu học có tên Kim viết rất có cảm xúc.

Con đã xem triển lãm không thể quên rừng cao su xanh xanh, hạt cà phê tim tím.

Con là lớp hậu sinh, con rất ngưỡng mộ thời thanh xuân của cha mẹ mình.

Bên cạnh đi cùng có dòng chữ, nét bút rất thô.

Tôi nguyền rủa thời kỳ đó!

Tôi ngưỡng mộ các bạn.

Nguyên đoàn viên thanh niên chi đoàn cảnh mã Thành Đô, hiện vẫn ở Vân Nam.

Nhiếp Phong dịch chuyển vài bước chân, nhìn thấy bên trái có vài nét chữ rắn rỏi, không ký tên. Nhưng nội dung dường như là những tiếng kêu gào thảm thiết.

Là lý tưởng? Là chí nguyện?

Là đầy ải? Là dối trá?

Xin để lịch sử trả lời!

Thời gian, lịch sử, những câu chuyện về thanh niên tri thức Trung Quốc sẽ truyền mãi cho đời sau, ai có thể trả lời những oan ức, đau khổ thét gào của người lưu lại dòng chữ đó.

Nhiếp Phong xem xét dòng chữ ở bên trái tấm lụa, khi anh vòng sang bên cạnh chợt nhìn thấy dòng chữ của một thanh niên trí thức ở trung đoàn...

Hồn gắn Lam Giang, còn sống thì không bao giờ quên.

... đại đội hai, tiểu đoàn bốn, trung đoàn...

Lối viết theo kiểu chữ thảo, nét bút khá cứng cỏi.

Nhiếp Phong chăm chú nhìn vào dòng chữ đó, phía trái bên dưới có một dòng chữ khác nhưng nét bút đã bị nhòe đi chỉ có thể đọc được "Thanh xuân... hổ thẹn...", phía dưới nữa có dòng khẩu hiệu viết bằng bút mực xanh: "Tinh thần thanh niên trí thức vạn tuế"...

Hai mắt Nhiếp Phong tiếp tục lướt trên tấm vải, dường như có một dự cảm đặc biệt thúc giục anh làm như vậy.

Những dòng chữ chen chúc nhau như những thanh âm từ ngàn xưa vọng về, có thể nghe thấy tiếng hào hùng, tiếng căm hận ai oán từ đáy lòng, cũng có cả lời tâm sự ngây thơ thánh thiện. Tất cả âm thanh đó rung động lương tri của mỗi người dân Trung Quốc.

Hàng chữ thiêu đốt tâm can lướt qua

Tám năm gió và mưa, máu và nước mắt.

Đã từng nguyền rủa. Càng khó quên hồi ức xa xưa.

Không bao giờ quên được cây cao su.

Hàng chữ cuối cùng viết bằng mực đỏ, nét bút mảnh mai giống như ngọn lửa đang bừng bừng cháy.

Thời thanh xuân không hối hận nhưng cái giá phải trả sao lớn quá

Nhiếp Phong chợt nhớ ra dường như những câu này Chung Đào đã từng nói với anh. Đi sang góc khác, đó là những lời tâm sự về tình yêu đôi lứa của những thanh niên trí thức thời đó. Vô tình Nhiếp Phong nhìn thấy một dòng chữ màu đen, nét bút khá to.

Mọi thứ đều có thể quên đi.

Duy có mối tình đầu của tôi ở Vân Nam.

Tình yêu của tôi, huyết hải thâm thù của tôi.

Tên phỉ mặt cười, cho dù ngươi có chạy đến chân trời,

Ta cũng sẽ tìm thấy ngươi.

Phía dưới đề tên: Hắc Oa

Đọc đoạn văn đó vừa giống như bài hịch vừa giống như lời thề khiến Nhiếp Phong không khỏi chấn động.

Chợt nhớ đến điều gì Nhiếp Phong quay lại ngôi nhà có căn phòng lưu niệm, anh nhìn bà giám đốc mở tủ kính lấy cho quyển "Ghi chép thông tin".

Nhiếp Phong tra trong đó và tìm thấy danh sách thành viên đại đội hai, tiểu đoàn bốn, trung đoàn...

Trong một trang khác anh tìm thấy cái tên "Chung Đào", địa chỉ liên lạc chung cư... đường Thắng Lợi khu Đông thành phố. Ngay dưới tên Chung Đào là tên của Đinh Lam.

Thật không ngờ thì ra Đinh Lam cũng là thanh niên trí thức. Hơn nữa bọn họ lại ở cùng đại đội.

° ° °

Buổi sáng ngày hôm sau, Nhiếp Phong gặp Trình Hiểu Văn, đó là một phụ nữ khoảng bốn lăm, bốn sáu tuổi, mái tóc cắt ngắn, khuôn mặt hơi béo, mặc một chiếc váy hoa sẫm màu, dáng người khá nhanh nhẹn. Phòng làm việc của chị không được rộng, trên tường treo hai câu đối, tủ tài liệu sơn màu nhũ bạc dựng sát các vách tường, không gian điển hình cho phong cách công sở.

Nhiếp Phong vào ngay việc Chính: "Hôm qua tôi đã đi Tiêu Lâmsơn trang".

"Thế nào, cậu có thu hoạch được gì không?". Trình Hiếu Văn nhiệt tình hỏi.

"Cũng có thể nói là được, song còn một số việc chưa được hiểu rõ".

"Là việc gì?"

"Chị có quen Đinh Lam không ạ?".

"Có, chung tôi cùng ở đại đội hai, tiểu đoàn bốn".

"Thế còn Chung Đào?".

"Cũng không quen lắm, thời trung học anh ấy không học cùng cấp với chúng tôi".

Nhiếp Phong lại hỏi về trận hỏa hoạn năm đó, theo lời kể lại của Trình Hiểu Văn, người đầu tiên phát hiện và báo động cho mọi người là chú Hai Đống, lúc ấy ông là trưởng thôn. Nguyên nhân gây ra hỏa hoạn là do một thanh niên tri thức người Thượng Hải buổi tối xem trộm sách song là loại sách nào thì mỗi người nói một kiểu. Có người bảo anh ta xem quyển "Bài ca thanh xuân", có người thì nói là quyển "Jennie Gethardr", người khác lại nói là "Trái tim thiếu nữ". Song dù là quyển sách gì đi chăng nữa thì cũng đều là sách cấm. Điều ấy thì rất rõ ràng.

"Tôi đã xem qua một cuốn sách trong đó có nhắc đến sự việc cánh cửa được buộc chặt bằng dây thép, sao lại phải làm vậy?".

Người phụ nữ đã từng làm cán bộ tuyên truyền thanh niên tri thức nhớ lại lúc xảy ra vụ hỏa hoạn chỉ không có mặt ở Lam Tước Lĩnh, mà đang là người của đội tuyên truyền ở tiểu đoàn bốn, ngày hôm sau mới đến hiện trường và không hề nghe nói đến việc cánh cửa bị buộc bằng dây thép.

"Sự việc mà cậu kể chắc chỉ là lời đồn đại".

"Liệu có phải lúc ấy có người phong tỏa tin tức không?".

"E là không phải".

"Hiện có thể tìm được người có mặt tại hiện trường lúc đó không hả chị?"

"Việc này rất khó, vụ hỏa hoạn đã xảy ra gần ba mươi năm rồi còn gì".

Được biết những thanh niên trí thức Thành Đô ở Lam Giang sau khi về thành phố một số ít may mắn thi đỗ đại học, còn chủ yếu đi làm công nhân hay làm những công việc lặt vặt khác. Tám năm, thanh niên trí thức đã tước đi tuổi xuân quý báu của họ cũng như lấy đi biết bao cơ hội phát triển. Trở về thành phố đại đa số họ sống dưới đáy xã hội, cho đến hôm nay có thể lại gặp phải cảnh thất nghiệp. Những người chứng kiến tấm thảm kịch ở Lam Tước Lĩnh liệu còn được mấy người.

"Tôi rất hy vọng tìm được một người có mặt ở đó vào chính thời điểm ấy".

Trình Hiểu Văn suy nghĩ một lát rồi đưa cho Nhiếp Phong một cái tên: "Chị ấy tên là Hà Tiểu Quỳnh, năm đó làm văn thư ở đại đội hai, tiểu đoàn bốn. Khi xảy ra vụ hỏa hoạn, chị ấy là người chứng kiến từ đầu đến cuối. Sau khi về thành phố làm công nhân A xưởng giày da Tiên Tiến nhưng nhiều năm nay mọi người không liên lạc được".

Sau hôm gặp Trình Hiếu Văn, Nhiếp Phong đi Miên Dương để thực hiện bài phỏng vấn ông vua ti vi màu. Thời gian còn lại anh đều cất công tìm kiếm người có tên Hà Tiểu Quỳnh.

Anh đã gọi đến tổng đài 114, người nhân viên rất lịch sự trả lời "Xin lỗi, số điện thoại của xưởng giày da Tiên Tiến không được đăng ký". Nhiếp Phong phải gọi tới tổng đài 106 mới có được một số điện thoại. Nhưng khi anh gọi theo số đó lúc thì liên lạc không thông, lúc thì chỉ nghe thấy tiếng chuông đổ dài mà không có người nhấc máy. Lần nào cũng đều như vậy cả.

Sau này Nhiếp Phong mới nghĩ ra cách tìm đến địa chỉ nơi đặt xưởng. Nó nằm ở số nhà... ngõ Bắc Tam, đường Nhị Hoàn. Nhiếp Phong lấy xe đạp lên đường, sau hai giờ lòng vòng, qua đầm sen, ngõ Bắc Tam, ngõ Bắc Tứ. Lẽ nào "số nhà... ngõ Bắc Tam" và công xưởng giày da Tiên Tiến đều mọc cánh mà bay?

Không chịu chấp nhận. Nhiếp Phong gọi điện thoại đến đồn công an khu Đầm Sen.

Người nhận điện thoại trả lời: "Chúng tôi chỉ quản lý khu vực nội thành, anh thử hỏi đồn công an thôn Tiên Gia xem sao"

Nhiếp Phong theo lời chỉ dẫn gọi đến đồn công an thôn Tiên Gia. Người trực ban có vẻ khá dứt khoát: "Số nhà... ngõ Bắc Tam hả? Không biết được đâu. ở đây chúng tôi có hơn hai trăm số nhà cơ".

Ngay cả "Thần thổ địa" nơi này cũng còn không biết, sợ rằng không thể tìm được nơi anh cần tìm.

Buổi tối, Nhiếp Phong lên mạng tra cứu trong mục các xí nghiệp bị đóng cửa của cục quản lý hành Chính công thương thàhh phố, cuối cùng anh cũng tìm ra cái tên "Xưởng giày da Tiên Tiến". Thì ra vài năm trước đây xưởng này đã bị đóng cửa, nơi đặt xưởng trước kia nay Chính là dãy ki ốt bán đồ sành sứ gia dụng.

Bỏ ra bao nhiêu công sức cuối cùng anh vẫn không tìm được Hà Tiểu Quỳnh.

Vài ngày nữa trôi qua, trong lúc Nhiếp Phong hoàn toàn mất hết hy vọng đành buông xuôi thì vô tình anh đọc được một bài báo nói về đôi vợ chồng công nhân thất nghiệp đã có nhiều cố gắng tự lực tự cường phát huy sở trường cắt giấy, tạo ra những sản phẩm thủ công tinh xảo thu hút được nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Trong bài báo có đề cập đến chi tiết người chồng trước đây vốn là công nhân của xưởng giày da Tiên Tiến. Nhiếp Phong mừng rỡ ngay lập tức gọi điện đến tòa soạn của tờ báo đó, liên lạc với tác giả và hỏi được số điện thoại của gia đình người công nhân thất nghiệp kia.

Trời không phụ người có lòng. Hai ngày sau, căn cứ vào địa chỉ được cung cấp. Nhiếp Phong cuối cùng đã gặp được Hà Tiểu Quỳnh, hiện chị đang làm công việc thu phát của một chung cư nằm trên đường Hỗ Trợ.

"Cậu có phải là người tìm tôi hôm trước không?".

"Vâng, là do chị Trình Hiếu Văn giới thiệu".

Chị Hà đeo kính trắng, mặc áo hoa cổ tròn, giọng nói rất nhẹ nhàng. Sau khi nghỉ việc ở xưởng nhận công tác ở đây, cũng có thể nói là người bận rộn.

"Ồ, thì ra là 'Vịt con'".

"Vịt con" hình như là biệt hiệu của Trình Hiểu Văn, nghe nói mỗi thanh niên trí thức thời đó đều có một biệt hiệu riêng, có người còn bị quên luôn cả tên thật.

Phòng thu phát rộng chừng năm, sáu mét vuông, rất nhỏ. Cuộc trò chuyện giữa họ khá cới mở. Khi nhắc đến vụ hỏa hoạn kinh hoàng năm đó khuôn mặt chị Hà lộ rõ vẻ bi thương,

"Cảnh tượng lúc đó thật đáng sợ".

Vẻ nguyên nhân gây hỏa hoạn và những gì xảy ra sau đó, những gì Hà Tiểu Quỳnh biết không khác so với thông tin mà Trình Hiểu Văn cung cấp. Hà Tiểu Quỳnh nói lúc đó ở trong căn nhà là thứ hai, tất cả có bảy nữ thanh niên trí thức. Mười nữ thanh niên trí thức bị chết cháy đều ở gian nhà là thứ ba, căn nhà đó rộng hơn một chút. Khi ngọn lửa hung bạo lan ra khắp nơi, không phá được cửa cuối cùng gây ra tấm thảm kịch lớn.

Nhiếp Phong dò hỏi: "Chị có nghe ai nói về việc cửa không mở được là do bị buộc chặt bằng dây thép không?".

"Không, hình như không ai nhắc đến dây thép...". Theo hồi ức của chị Hà, tối đó chị đi ngủ từ sớm vì cả ngày đã lao động rất vất và, đầu vùi trong gối không còn biết gì nữa. Đến nửa đêm chợt thấy rất nóng, mở mắt ra đã thấy lửa xung quanh nhà, lan lên cả nóc nhà. Lửa gặp tranh tre, nứa, lá nên bốc lên rất nhanh. Bên ngoài tiếng gào thét, khóc lóc vang trời. Khung cảnh cực kỳ hỗn loạn, người công nhân già và mọi người vội vã cứu người và cứu tài sản. Trước tiên mọi người tìm cách cứu các bạn nữ, chẳng mấy ai nghĩ đến vật dụng khác. Chị Hà còn nhìn thấy có bạn cùng phòng tên là Hoàng đang xô đẩy hàng rào tre, một vài cô bạn khác chạy ra rồi lại chạy vào bởi vì trên thân thể họ lúc đó chỉ mặc có mỗi áo ngực và quần lót nên rất xấu hổ. Các bạn trai thì đều cởi trần, khàn giọng kêu gào các bạn nữ nhanh chạy ra ngoài. Lửa còn tiếp tục cháy đến nửa tiếng sau mới tắt, lúc đó ai cứu được ai cũng không thể nhớ rõ.

"Vì sao những người ở gian nhà thứ ba đều bị chết cháy?''.

"Có lẽ là do dùng ghế chặn cửa, trong lúc hỏa hoạn đẩy cửa ra không được".

"Sao lại phải chống cửa chặt vậy?".

"Như thế mới an toàn được".

"Có phải các chị sợ nửa đêm có kẻ mò vào". Nhiếp Phong nhìn thẳng vào mắt Hà Tiểu Quỳnh và hỏi "Rốt cuộc đó là kẻ nào?".

Hà Tiểu Quỳnh do dự một lát rồi nói: "Tất cả đều đã qua nhiều năm rồi, có những việc không nên nói ra...".

Chị dường như không muốn kể lại chuyện đó.

Về nguyên nhân gây ra vụ hỏa hoạn, những gì Hà Tiểu Quỳnh nói về cơ bản cũng giống như thông tin Trình Hiểu Văn cung cấp. Chỉ có cuốn sách mà người thanh niên Thượng Hải xem không phải là "Bài ca thanh xuân" cũng không phải là "Trái tim thiếu nữ" mà là "Jennie Gethardt'', ngày hôm trước khi xảy ra sự việc Hà Tiểu Quỳnh còn bắt gặp cậu ta xem trộm quyển sách này.

Đúng lúc đó có hai hộ gia đình nộp tiền truyền hình cáp.

Cuộc trò chuyện dừng lại vài phút. Đợi hai người khách đi khỏi, Nhiếp Phong hỏi Hà Tiểu Quỳnh.

"Chị Hà có quen Đinh Lam không?".

"Có, chúng tôi là bạn học cùng lớp, ngoại hiệu của cô ấy là ''cô em ngốc".

Chị cười rồi nói tiếp "Cô ấy cũng ở trong gian nhà thứ tư, cũng là người cuối cùng chạy ra khỏi đám lửa".

"Chị ấy có bị thương không?".

"Không, có câu "Người ngốc, mệnh lớn"

"Thế còn Chung Đào ạ?".

"Cũng là người của đại đội hai, Tiểu đoàn bốn. Tại sao cậu lại hỏi đến anh ấy?".

"Nghe nói Đinh Lam là bạn gái của Chung Đào". Nhiếp Phong vờ hỏi.

"Không phải, bạn gái của Chung Đào là Hạ Vũ Hồng, là một mỹ nhân của đại đội tôi, cũng có thể nói là người đẹp nhất và tài năng nhất trong đại đội. Tình cảm giữa hai người hết sức sâu nặng song không hiểu vì sao sau này hai người ấy lại chia tay, tất cả mọi người đều tiếc cho một tình yêu đẹp".

Từ Hà Tiểu Quỳnh, Nhiếp Phong biết được khá nhiều thông tin về Chung Đào, bố anh mất sớm, mẹ là giáo viên tiểu học, bà ở vậy vất vả nuôi dưỡng hai anh em Chung Đào lớn lên. Khi Chung Đào vào trung học, mẹ anh vì lao lực cũng mất đi. Anh em họ trở thành cô nhi, một người dì nhà cửa rộng rãi nhận họ về nuôi. Hạ Vũ Hồng và Chung Đào học cùng lớp với nhau. Hai người là học sinh của trường trung học Miên Thành, Thành Đô. Lớp chín niên khóa 72, em gái anh, Chung Hạnh học cùng lớp với Đinh Lam dưới họ hai lớp. Thanh niên trí thức Thành Đô đi Vân Nam hồi ấy đa số là người tuổi rắn, mười bảy tuổi, cũng có một số tuổi ngựa mười sáu tuổi, ít tuổi nhất là Chung Hạnh, cô tuổi dê. Chung Đào hết mực yêu thương em gái mình. Trong trường Chung Đào là người khá nổi tiếng, có chút bướng bỉnh không sợ trời cũng chẳng sợ đất, bất cứ ai trêu chọc Chung Hạnh anh đều không bỏ qua.

"Chung Đào có đặc điểm gì đặc biệt không chị?". Nhiếp Phong hỏi.

"Da anh ấy rất đen nên mọi người thường gọi là Hắc Oa".

"Chị nói ngoại hiệu của anh ấy là Hắc Oa?!". Nhiếp Phong giật mình.

"Đúng vậy". Chị Hà gật đầu.

Vậy ra người mang trong mình "huyếr hải thâm thù" chính là Chung Đào.

"Trong số mười nữ thanh niên trí thức chết cháy hôm đó người ít tuổi nhất là Chung Hạnh, cô ấy mới chỉ có mười lăm tuổi". Chị Hà cảm thán.

"Thì ra là vậy". Nhiếp Phong cảm thấy trong lòng dấy lên một nỗi xót xa.

Hà Tiểu Quỳnh còn cho biết, Đinh Lam luôn che giấu tình yêu thầm kín của mình dành cho Chung Đào. Anh trai của Đinh Lam là Đinh Cường học chung với Chung Đào từ thời tiểu học, họ là những người bạn vô cùng thân thiết. Một ngày trước khi vụ hỏa hoạn khủng khiếp đó xảy ra, Cường Tử đột nhiên biến mất không để lại dấu vết gì.

"Đại đội trưởng đại đội hai, Tiểu đoàn bốn tên là gì hả chị?".

"Hồ Tử Hạo".

° ° °

Buổi tối Nhiếp Phong gửi một bức thư điện tử cho Tiểu Xuyên, thông báo về những phát hiện của anh:

Tiểu Xuyên thân mến!

Hai vụ án "6.25" và "7.6"có bước tiến triển như nào rồi? Báo cho mình biết với nhé
.

Sau khi về Tứ Xuyên mình đã có một số điều tra, hiện nay đã phát hiện ra một số điều: Hai mươi tám năm về trước tại đại đội hai, tiểu đoàn bốn thuộc binh đoàn xây dựng Vân Nam đóng quân trên địa bàn Lam Giang xảy ra một vụ hỏa hoạn lớn. Mười nữ thanh niên trí thức Thành Đô bị lửa thiêu chết, em gái Chung Đào là Chung Hạnh là một trong số những người tử nạn. Điều ấy có thể giải thích vì sao khi anh ta nhìn thấy những đám Mây đỏ rực luân chuyển lại thất thần đến vậy. Có lẽ chữ "Hỏa " trên hai tờ giấy khổ A4 có liên quan đến việc này... Ngoài ra, Đinh Lam và Chung Đào thời kỳ đó ở cùng một đại đội thanh niên trí thức. Anh trai chị ta là Đinh Cường (biệt hiệu Cường Tử) và Chung Đào là những người bạn sống chết có nhau. Đinh Lam luôn chôn giấu mối tình đơn phương với Chung Đào, việc Đinh Lam làm chứng cho chứng cớ ngoại phạm của Chung Đào cũng có thể là điều dễ hiểu. Vì vậy hai mươi lăm phút bọn họ không có mặt trong bữa tiệc rất đáng khả nghi. Giải mã một trong những bí ẩn đó là điểm mấu chốt để phá giải toàn bộ vụ án này.

Tất cả những điều này, xin hãy chuyển đến cục trưởng Ngũ và đội trưởng Thôi, dãy số bí ẩn cũng đã được làm rõ, đó là thời điểm xảy ra vụ hỏa hoạn kinh hoàng: ngày 24 tháng 6 năm 1972.

Nhưng có một việc mình vẫn chưa thể làm rõ. Hồ Quốc Hào có liên quan như thế nào tới vụ hỏa hoạn? Hồng Diệc Minh đóng vai trò gì trong toàn bộ câu chuyện? Nếu như có cơ hội, có lẽ mình sẽ tự đến Vân Nam một chuyển.

Bắt tay thắng lợi! Cho mình gửi lời hỏi thăm đến cảnh sát Đào Lợi nhé.

Thành Đô, ngày 5 tháng 7

Nhiếp Phong


3.

Hai ngày trước khi Nhiếp Phong gửi email cho Tiểu Xuyên, nhân vật đáng nghi thứ năm xuất hiện.

Thẩm mỹ viện Mỹ Phượng. Buổi sáng ánh nắng đã chiếu sáng khắp nơi.

Chu Mỹ Phượng bước vào phòng giám đốc, cô ngồi xuống chiếc ghế da, tuy đã thừa kế gia sản khổng lồ của Hồ Quốc Hào, đảm nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT Địa Hào song hàng ngày Chu Mỹ Phượng vẫn đến thẩm mỹ viện để làm việc, cô thích không khí nơi này, nơi đây còn có rất nhiều chị em gắn bó lâu năm.

A Lan, nữ nhân viên mặc bộ đồng phục màu phấn hồng mang lên cho cô một tách cà phê nóng.

"Chào giám đốc ạ!".

"Cám ơn cô".

Chu Mỹ Phượng gật đầu, tiện tay nhặt một tờ báo số ra trong ngày để trên bàn lên xem. Lật qua vài trang, đều là thông tin về chính trị, có vài trang quảng cáo mỹ phẩm, bên dưới tờ báo là một phong bì thư dán kín.

Chu Mỹ Phượng hờ hững nhặt chiếc phong bì thư lên. Bất chợt cô có cảm giác như bị điện giật. Chiếc phong bì màu trắng chỉ to hơn miếng đậu phụ. Phía trên có in địa chỉ thẩm mỹ viện và dòng chữ "Trao tận tay bà Chu Mỹ Phượng" không hiểu có chuyện gì kỳ quặc ở đây, trên đó không hề có thông tin về người gửi.

Chu Mỹ Phượng xé phong thư ra, bên trong là tập ảnh, khi rút chúng ra khỏi phong bì cô bất giác kinh hãi.

Những bức ảnh đều chụp cận cảnh khuôn mặt vui vẻ của cô và Châu Chính Hưng, có bức chụp hai người tay trong tay trên bãi biển Nam Áo, có bức hai người ăn tối tại nhà hàng Tiên Điệp, lại có bức chụp cô đang trao cho Châu Chính Hưng nụ hôn nồng thắm trong một căn phòng của khách sạn Hoàng Đế. Nhưng trong số đó những bức hình nhạy cảm nhất là những bức chụp rõ cảnh hai người đang làm tình trên chiếc giường trong khách sạn, cảnh mây mưa được chụp rất chi tiết...

Chu Mỹ Phượng cảm thấy có luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng trong phút chốc cô hoang mang cực độ, nỗi sợ hãi vô hình trùm lên khắp thân thể.

Kẻ nào chụp trộm những bức ảnh riêng tư này? Lẽ nào ông trời có mắt, luôn giám sát cô.

Việc cô cùng Châu Chính Hưng tắm biển ở Nam Áo, dùng bữa tối tại nhà hàng Tiên Điệp đều là những việc xảy ra sau khi Hồ Quốc Hào vong mạng và diễn ra trước mắt bàn dân thiên hạ có người chụp trộm cũng không gì lấy làm lạ. Song những lần hai người vui vẻ trong khách sạn Hoàng Đế đều rất kín đáo. Làm sao lại có kẻ chụp ảnh giường chiếu này nhỉ? Mỗi lần đến đó cô đều kiểm tra kỹ từng ngóc ngách trong phòng, cửa đã khóa kỹ, rèm cửa đều được buông xuống, đèn cũng được khống chế ở mức nhỏ nhất. Những bức ảnh đó có vẻ như được chụp ở vị trí vuông góc. Cô đột nhiên nghĩ tới phía trần nhà chiếu thẳng xuống chiếc giường ốp vòm gỗ tự nhiên rất dày, rất có thể ở giữa đã được gắn một chiếc camera thu nhỏ. Thật đáng sợ! Nhưng là kẻ nào làm chuyện này cơ chứ?

Chu Mỹ Phượng run rẩy giật tung chiếc phong bì, trong đó rơi ra một mẩu giấy nhỏ, mở tờ giấy ra trên đó là những dãy chữ được đánh máy.

"Tôi đang thiếu tiền, nội nhật trong vòng ba ngày chuyển hai mươi vạn tệ (một số tiền chỉ bằng cái móng tay của chị) qua thẻ ATM của ngân hàng "Chiêu Thương'' vào tài khoản mang tên: Mã Nhân số thẻ 00200...1238

Nếu như không đúng thời gian hoặc báo cảnh sát, hậu quả tự gánh chịu. Tôi tin chị không hề muốn những bức ảnh này được đưa cho giới truyền thông"


Rõ ràng đây là những lời đe dọa tống tiền. "Mã Nhân" là kẻ nào nhỉ? Làm sao lại có được những bức ảnh này? Mỹ Phượng ý thức được tính chất nghiêm trọng của sự việc. Phản ứng đầu tiên của cô là gọi điện thoại cho Châu Chính Hưng.

Nhưng vừa mới bấm số, không đợi anh nhấc điện thoại cô quyết định dập máy. Không thể. Ít nhất là tạm thời không cho Châu Chính Hưng biết. Cô không muốn anh rơi vào vòng xoáy nguy hiểm này.

Vụ tống tiền này không thể báo cho cảnh sát, cũng không thể để thông tin lọt ra ngoài. Kẻ tống tiền có lẽ cũng là có sự chuẩn bị, kể cả số tiền đưa ra cũng có sự tính toán nhất định, hai mươi vạn tệ đối với số tài sản Chu Mỹ Phượng được thừa kế quả thật chẳng thấm vào đâu.

Suy đi tính lại, Chu Mỹ Phượng đưa ra quyết định cuối cùng là chấp nhận. Cổ nhân đã có câu "Lỗ chút tiền, thoát tai họa". Buổi sáng ngày thứ ba theo hạn định cô lấy số tiền mà cảnh sát tìm thấy trong két sắt Hồ Quốc Hào, rút ra hai mươi vạn tệ sau đó lái xe đến chi nhánh ngân hàng Chiêu Thương, nằm trên đường Địa Vương lấy một cái tên rồi chuyển khoản theo đúng yêu cầu của kẻ tống tiền.

Trước khi đến bàn làm thủ tục cô hỏi người nhân viên ngân hàng: "Cô ơi, tra hộ tôi cái tên Mã Nhân có số thẻ này địa chỉ ở đâu?".

"Chị chuyển khoản cho người ấy mà lại không biết à?"

Người nhân viên nhìn Chu Mỹ Phượng với ánh mắt khó hiểu: "Không phải. Đây là tôi làm giúp một người bạn".

Cô nhân viên gõ lên bàn phím: "Số thẻ này ở Quảng Châu, ngoài ra không có thông tin gì khác".

Khuôn mặt Mỹ Phượng lộ rõ vẻ ưu tư. Cô nhân viên tiếp tục giải thích: "Thẻ này được lập vào tháng ba, hiện nay lập thẻ không cần phải dùng tên thật, địa chỉ thật".

"A, tôi hiểu rồi".

Trước khi lập một số tài khoản, người lập không cần phải có giấy chứng minh thư cho nên cái tên "Mã Nhân" là nam hay nữ rất khó để xác định và đó cũng có thể là một cái tên giả. Khi rời khỏi ngân hàng, trong lòng Chu Mỹ Phượng vẫn có chút lo lắng.

Cô hoàn toàn không hề biết rằng vào cái ngày cô nhận được chiếc phong bì tống tiền thì cũng có hai người khác nhận được những chiếc phong bì giống như vậy, một là Châu Chính Hưng và người kia là Chung Đào.

Nội dung của mẩu giấy đó như sau:

"Tôi đang thiếu tiền. Trong vòng nội nhật ba ngày chuyển hai mươi vạn tệ (một số tiền rất nhỏ đối với ông) qua thẻ ATM của ngân hàng "Chiêu Thương" vào tài khoản mang tên: Mã Nhân số thẻ 00200...1238.

Nếu như không đúng thời gian hoặc báo cảnh sát, hậu quả tự gánh chịu.

Tôi tin tổng giám đốc Châu không muốn những bức ảnh này được chuyển cho người vợ đang bệnh tật của ông".


Vợ Châu Chính Hưng là một người phụ nữ hết sức hiền thục, trước đây chị là cô giáo mầm non. Vì để tăng thêm thu nhập, ủng hộ cho công ty của chồng, ngoài thời gian làm việc ở nhà trẻ, chị vất và ngược xuôi, tranh thủ làm thêm. Tất cả số tiền kiếm được đều giao hết cho chồng. Những thành công ngày hôm nay của Châu Chính Hưng đều có phần công sức không nhỏ của người vợ. Sau này chị không may bị tai nạn xe hơi phải ngồi xe lăn. Song Châu Chính Hưng vẫn đối xử với vợ rất tốt, chăm sóc rất chu đáo. Nếu như vợ anh biết được mối quan hệ giữa anh và Chu Mỹ Phượng thì không biết sự việc sẽ đi đến đâu, hậu quả chắc sẽ không thể tưởng tượng được. Châu Chính Hưng không nhẫn tâm làm tổn thương người vợ hiền của mình. Đó là điều khiến anh lo lắng nhất.

Kẻ tống tiền dường như hiểu rất rõ điểm yếu chí mạng này của anh.

Do dự một hồi, cân nhắc giữa cái được và mất. Châu Chính Hưng quyết định rút từ tài khoản cá nhân hai mươi vạn tệ để chuyển đến địa chỉ ghi trong bức thư.

Chung Đào cũng nhận được một bức thư, gồm sáu bức ảnh trong đó có ba bức chụp lễ tang Hồ Quốc Hào, một bức là chụp cảnh vòng hoa kỳ dị phóng to, hàng chữ những câu đối nhìn rất rõ. Hai bức chụp có hình ảnh của Đinh Lam, một bức toàn thân, một bức bán thân. Khuôn mặt cô lộ rõ vẻ khác lạ. Hôm đó cô mặc chiếc áo cộc tay xanh thẫm, vị trí đứng hình như ở cửa ngách phía đằng sau quan tài, phía trước là vòng hoa và hình ảnh những người khác nữa. Ba bức còn lại là ảnh chụp trộm. Bối cảnh là quán cà phê Mi Lan nơi Chung Đào và Đinh Lam gặp gỡ, không gian bó hẹp ánh sáng đủ nên bức ảnh nhìn rất rõ nét. Có vẻ người chụp trộm rất chuyên nghiệp.

Nội dung của mẩu giấy tống tiền khá giống với mẩu giấy mà Chu Mỹ Phượng và Châu Chính Hưng nhận được.

Tôi đang thiếu tiền, nội nhật trong vòng ba ngày chuyển hai mươi vạn tệ (cũng giống như ông bỏ ra một chút máu) qua thẻ ATM của ngân hàng "Chiêu Thương" vào tài khoản mang tên Mã Nhân số thẻ 00200...1238.

Nếu như quá thời hạn hoặc báo cảnh sát, hãy nghĩ đến hậu quả. Tôi tin, tiên sinh sẽ không để "hồng nhan tri kỷ" Đinh Lam phải dính dáng đến những bí ẩn liên quan tới cái chết của ông Hồ Quốc Hào.


Phản ứng của Chung Đào có lẽ nằm ngoài dự kiến của kẻ tống tiền. Ba ngày sau khi nhận được phong thư "Xin tiền" anh vẫn hoàn toàn không có bất cứ động thái cụ thể gì.

Sang buổi sáng ngày thứ tư, Chung Đào nhận được một cú điện thoại nặc danh, người gọi là phụ nữ.

"Có phải tiên sinh Chung Đào đó không ạ?".

Âm thanh giọng nói nghèn nghẹn có thể là người nói cố tình bịt mũi hay bị cảm cúm.

''Vâng, tôi đây xin hỏi có chuyện gì?".

"Hạn định ba ngày đã qua sao vẫn chưa thấy Chung tiên sinh chuyển khoản".

"Ồ! Thì ra chị là người có tên Mã Nhân đó hả?".

"Chung tiên sinh là người hiểu chuyện, ông chắc không hề muốn những bức ảnh này rơi vào tay công an đấy chứ!".

"Chị muốn tống tiền tôi sao?". Chung Đào bình tĩnh đối đáp.

"Tôi cần gấp số tiền đó, mong tiên sinh giúp cho".

"Thật đáng tiếc, tôi không thể giúp chị được". Chung Đào có vẻ rất dứt khoát.

"Chung tiên sinh không nghĩ tới hậu quả à?".

"Hậu quả gì cơ? Lễ tang ông Hồ Quốc Hào là công khai, ai cũng có thể đến viếng. Những bức ảnh đó thì nói lên điều gì?".

"Không đơn giản thế đâu! Ba bức ảnh đó ít ra cũng cho thấy chị Đinh rất có hứng thú với cái chết của ông Hồ Quốc Hào".

"Đó chỉ là suy đoán của chị".

"Không chỉ là suy đoán, tôi còn biết Chung tiên sinh còn có liên quan đến cái chết của ông Hồ Quốc Hào".

"Thật h

/12

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status