Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 276 - Phương Xa Và Bầu Trời

/345


Trương Nguyên cười nói:

- Chính là sợ thầy trách cứ thôi, ở Hàng Châu kết giao với thái giám, đến Nam Kinh cũng kết giao với thái giám, ha ha.

Tông Dực Thiện nói:

- Học vấn của thầy uyên thâm ắt sẽ hiểu rõ, không quá để ý chuyện này, Giới Tử học hành khắc khổ, làm việc chân chính, thầy hay khen lắm.

Cuối giờ Tỵ, Tiêu Nhuận Sinh trở về, Trương Ngạc cũng theo tới, bên Trương Ngạc giám quy lỏng lẻo, xin nghỉ rất dễ. Trương Ngạc vừa nghe Tiêu Nhuận Sinh nói Trương Nguyên bị Mao Giám thừa hãm hại đã xuất giám tới Đạm Viên rồi, liền đi theo Tiêu Nhuận Sinh tới. Trương Đại nhất thời không ra được, liền ở trong giám tìm mấy người Nguyễn Đại Thành, Ngụy Đại Trung và Hoàng Tôn Tố, đi tìm Mao Giám thừa nói chuyện.

Trương Ngạc nổi giận đùng đùng nói:

- Giới Tử, sao lại thế này, Mao Giám thừa kia dám vu cáo hãm hại đệ?

Trương Nguyên liền đem việc sáng sớm nay kể lại một lượt, Trương Ngạc lắc mạnh đầu, nói:

- Ái chà Giới Tử, có Mục Chân Chân ở đó, đệ nên đánh ngã tên ôn quan kia mới phải, hắn lộ liễu vu cáo hãm hại đệ như vậy, đệ còn e dè cái gì.

Tiêu Nhuận Sinh nói:

- Tiểu bất nhẫn tắc loạn đại mưu (tức là việc nhỏ mà không nhẫn nhịn thì tất sẽ làm hỏng mưu lớn), nếu như đả thương giám quan, gia phụ ta ở chỗ Lý viện trưởng cũng khó ăn nói, giám quan kia càng không để yên việc này.

Trương Ngạc không cho là đúng, nói:

- Nếu như theo tính tình của ta, đánh trước nói sau, bát phẩm tiểu quan suốt ngày vênh váo tự đắc, nếu không có chuyện hôm nay ta cũng đã muốn đánh hắn rồi.

Lại nói:

- Đợi tới cuối năm hẵng nói, trước khi về quê, ta chắc chắn sẽ đánh cho tên ôn quan kia một trận, xem hắn làm gì được ta.

Tông Dực Thiện thầm nghĩ: Có thầy Tiêu ra mặt, Tống Thời Miễn không thể tước bỏ được học tịch của Giới Tử, có Hình thái giám chống lưng, Mao Giám thừa kia không đợi được Trương Yến Khách đánh đã phải xin tha rồi.”

Lúc mọi người đang nói chuyện thì một chiếc kiệu dừng ngay trước sảnh. Kiệu phu rút ván cầu ra, Tiêu Thái sử râu tóc bạc trắng bước xuống kiệu, có lẽ là vì ngồi kiệu bị tê chân, nên lúc xuống kiệu ông có vẻ hơi lảo đảo, Trương Nguyên vội vàng tới đỡ.

Tiêu Thái sử khoát tay nói:

- Không sao, giờ lão phu đi đường vẫn chưa phải chống gậy.

Ông vào ngồi trong sảnh đường, mắt nhìn Trương Nguyên, nói:

- Lý Thượng thư sau giờ ngọ sẽ tới Quốc Tử Giám tra hỏi việc này, trò ở Đạm Viên dùng xong cơm trưa thì về chờ ở bên ngoài Giám môn, để Nhuận Sinh đi cùng trò, trò không cần lo lắng.

Tiêu Thái sử tuy chưa cho Trương Nguyên câu trả lời xác thực, nhưng nhìn thần thái chắc chắn này của ông thì vừa rồi đi thăm hỏi Lý Thượng thư nói đỡ cho Trương Nguyên nhất định là khá thuận lợi. Chỉ có điều sau giờ ngọ Trương Nguyên muốn đi gặp Hình thái giám, đồng ý rồi lại lỡ hẹn thì không tốt, bèn nói:

- Đa tạ thầy ra mặt vì đệ tử, đệ tử còn muốn về Thính Thiền cư một chuyến, nên không dùng cơm trưa ở đây, sau giờ ngọ đệ tử sẽ tới chờ bên ngoài cổng Tập Hiền chờ.

Lúc này mưa đã tạnh. Trương Nguyên và Mục Chân Chân còn có Tam huynh Trương Ngạc ra khỏi Đạm Viên. Nhớ tới thư của tộc thúc tổ gửi cho Đại huynh và Tam huynh, hắn liền từ trong ngực áo lấy ra hai phong thư đưa cho Trương Ngạc, nói:

- Tam huynh, huynh về Thính Thiền cư trước đi, đệ còn phải tới Nội thủ bị phủ.

Trương Ngạc vừa nghe gật đầu nói:

- Đúng, cứ tìm nhiều người đối phó với hai tên ôn quan Tống, Mao kia, đệ đi đi.

Trương Nguyên đến đầu phố muốn thuê xe ngựa nhưng xe lại không đến, liền thuê kiệu có mái che. Mục Chân Chân đi theo bên kiệu, nhằm hướng Nội thủ bị phủ đi tới. Nam Kinh lục bộ và các nha môn thủ bị đều ở phía tây nam của Hoàng thành, cách Đạm Viên không tới ba, bốn dặm. Đi tới Thông Tế môn, Mục Chân Chân bỗng nhiên kêu một tiếng:

- Tiểu Vũ…

Trương Nguyên vén rèm kiệu ra nhìn, Vũ Lăng và Lai Phúc đang từ thuyền trên sông Tần Hoài đi xuống. Trương Nguyên liền sai kiệu phu dừng kiệu, Vũ Lăng, Lai Phúc chạy tới, Trương Nguyên xuống kiệu hỏi:

- Hai người các ngươi có nghe ngóng được cái gì không?

Vũ Lăng nói:

- Thiếu gia, tiểu nhân cùng Lai Phúc đến Tương Chân quán gặp được Lý Tuyết Y cô nương. Lý Tuyết Y cô nương nói có một đám người là con cháu Tôn thất Hoàng tộc muốn kết tóc với Vương Vi cô nương. Vương Vi cô nương không chịu, đám tôn thất kia liền tuyên bố phải đập phá U Lan quán, muốn bỏ tù cho Vương Vi cô nương. Lý Tuyết Y cô nương còn nói đám tôn thất kia rất vô lại, tùy ý cướp đoạt tài sản của quán, gọi các cô nương trong viện ra hầu hạ cũng không trả tiền, hống hách vô cùng. Chạng vạng hôm qua, Lý Tuyết Y cô nương sai một sai nhân của Tương Chân quán và cả Tiết Đồng tới Quốc Tử Giám tìm thiếu gia, xem thiếu gia có thể giúp đỡ Vương Vi cô nương được không. Nhưng chẳng biết tại sao, người hầu kia lại bị người của Quốc Tử Giám giữ lại, Tiết Đồng chạy thoát trở về, cho đến nay cũng không thấy thả người hầu kia về.

Trương Nguyên giờ mới hiểu được Mao Giám thừa nói chuyện hai quân nô một lớn một nhỏ của Tương Chân quán là chuyện gì, chuyện bé xíu như vậy mà Mao Lưỡng Phong đã nghĩ kế hãm hại hắn. Chỉ có điều thành Nam Kinh không nên có Hoàng tộc tôn thất mới phải. Bắc Kinh, Nam Kinh cả hai nơi này đều không cho phép tôn thất cư trú. Phúc Vương Chu Thường Tuân được hoàng đế Vạn Lịch sủng ái, buộc phải đến Lạc Dương. Nếu nói là tôn thất đi ngang qua, cũng không đúng, nếu không có lệnh vua, các phiên vương không thể tự tiện rời khỏi phần đất của mình, mà nghe Tiểu Vũ thuật lại lời của Lý Tuyết Y thì đám tôn thất họ Chu này là người cư trú lâu dài ở thành Nam Kinh này, hơn nữa lại vô cùng vô lại ngang ngược. Điều này thật kì quái!

Chắc là Vũ Lăng không hỏi rõ ràng, Trương Nguyên nói:

- Tiểu Vũ, Lai Phúc, hai người các ngươi lại đi đến cựu viện, mời Lý Tuyết Y hoặc là Vương Tu Vi chờ ta ở bờ sông, ta đi Nội thủ bị phủ trở về sẽ nói chuyện với họ.

Vũ Lăng, Lai Phúc mướn thuyền đi. Khi Trương Nguyên và Mục Chân Chân đi bộ tới miếu thờ ở trước cửa Nội thủ bị phủ thì nghe thấy tiếng trống báo giờ ngọ.

Phía trước đại sảnh của Nam Kinh nội thủ bị phủ có ba lớp cửa: nghi môn, nhị môn và đại môn. Trương Nguyên đứng ở ngoài đại môn, hắn không có danh thiếp, cũng không mang bạc, lính gác không thèm nhòm ngó tới hắn, nếu không phải thấy hắn khăn vuông áo nho thì đã đuổi hắn đi rồi. Trương Nguyên thầm nghĩ: Thật phiền toái, khi mời ta không đến, giờ tự ta đến rồi thì đến cửa còn không được vào.

Đúng lúc đang do dự, chợt thấy hai người cưỡi ngựa từ phía nam đi tới, người bên trái mặc phi ngư phục, thêu xuân đao chắc là Cẩm Y Vệ Bách hộ, người đàn ông bên phải chính là người mặc áo giao lĩnh đuôi ngắn, lại dám cùng cưỡi ngựa với Cẩm Y Vệ Bách hộ.

Tuy mưa đã tạnh nhưng đám mây đen kia vẫn chưa tan, bầu trời vẫn còn u ám. Thị lực của Trương Nguyên không được tốt, chỉ cảm thấy người cưỡi ngựa là đàn ông với bộ y phục rất quen mắt, hắn đang định nheo mắt để nhìn kỹ hơn thì người cao to vạm vỡ mặc chiếc áo đuôi ngắn đang cưỡi ngựa kia đã nhìn thấy hai chủ tớ Trương Nguyên và Mục Chân Chân, liền xoay người xuống ngựa đi nhanh lại đấy, chắp tay nói:

- Trương Công tử đã tới rồi sao, tại hạ đang định đi đón Trương Công tử đây.

Y quay đầu lại nói với Cẩm Y vệ:

- Tất huynh, vị này là Trương công tử, người mà Hình công công muốn gặp.

Tên Cẩm Y Vệ họ Tất đó vội vàng xuống ngựa tới chào hỏi:

- Trương Công tử đã đến trước cửa sao lại không vào? Hình Công công đợi Trương Công tử từ lâu rồi. Đúng rồi, có phải quân lính không cho Trương Công tử vào phải không?

Y nổi giận đùng đùng nói sẽ nghiêm trị bốn quân sỹ canh cửa kia đã không nể mặt Trương Công tử.

Những tên quân sĩ nhìn thấy Tất Bách Hộ tỏ ra rất cung kính với người thư sinh này, bọn chúng cả kinh không nói nên lời. Lại thấy Tất Bách Bộ nổi giận nên vội vàng quỳ xuống thỉnh tội.

Trương Nguyên vội nói:

- Tất đại nhân không thể trách bọn họ được, người không biết không có tội mà, với lại do tại hạ không mang danh thiếp đến, không thể trách bọn họ được.

Vừa rồi Trương Nguyên bị mấy tên quân sĩ kia thờ ơ lạnh nhạt, trong lòng có chút khó chịu nhưng tuyệt đối không thể để Tất Bạch Hộ trừng phạt bọn họ để hả giận được, điều này hoàn toàn không cần thiết, tránh để những người này ôm hận trong lòng với mình. Một người muốn tiến cao tiến xa nếu dưới chân vấp phải một hòn đá nhỏ làm cho họ phải dừng bước thì đó thật là một việc làm cho người ta không nói được lời nào.

Tất Bách Hộ nghe Trương Nguyên nói như thế liền khen:

- Trương Công tử thật là khoan dung độ lượng, làm cho ai ai cũng kính nể.

Rồi y hướng về phía bốn tên lính canh kia quát lớn:

- Còn không mau tạ ơn Trương Công tử đi.

Bốn tên lính canh này thấy Trương Nguyên còn biện hộ giúp mình, vội vàng luôn miệng nói tạ ơn.

Trương Nguyên chắp tay nói với Liễu Chưởng Ban:

- Giờ Mùi tại hạ phải về Quốc Tử Giám để đối chất với Mao Giám Thừa. Lễ Bộ Lý Thượng Thư muốn đến hỏi một vài chuyện, cho nên tại hạ trước hết tới gặp Hình Công công.

Tên Liễu Chưởng Ban mặc áo nô bộc ngắn mời Trương Nguyên vào phòng khách ở tiền sảnh. Y đi trước vào thông báo, không lâu sau liền nhanh chóng bước ra nói:

- Trương Công tử, Hình Công công đích thân ra nghênh đón công tử.

Trương Nguyên đứng lên, thấy Nam Kinh Thủ Bị Thái giám Hình Long mặc áo xanh ngọc, đám người hầu vây quanh dìu ông ta ra đến cửa. Trương Nguyên liền bước lên trước mấy bước cúi đầu thi lễ:

- Vãn sinh bái kiến Hình công công.

Hình Thái giám cười tươi khiến cho trên mặt xuất hiện nhiều nếp nhăn, bước đến kéo tay Trương Nguyên nói:

- Trương công tử, Tạp gia (Tạp gia: cách xưng hô của người có kiến thức rộng) đặc biệtchuẩn bị một buổi tiệc vào buổi trưa để đón tiếp công tử, nhưng Tiểu Liễu nói ngươi tạm thời không thể đến. Tạp gia đang định nâng chén uống một mình nhưng không có một chút hứng thú gì cả, giờ thì vui rồi, mừng vì Trương Công tử đã đến, mời, mời.

Trương Nguyên lại nói mình giờ Mùi sẽ phải về Quốc Tử Giám có việc. Hình thái giám lúc trước đã được Liễu Chưởng Ban bẩm báo, nhếch khóe miệng cười lạnh nói:

- Chỉ là một tên quan Giám Thừa bát phẩm mà dám tác oai tác quái như vậy ư, chỗ dựa của y là tên họ Tống Thời Miễn kia sao? Trương Công tử yên tâm, Tạp gia ta mà ra tay đảm bảo sẽ làm cho Trương công tử được hả nỗi bực tức trong lòng.

Trương Nguyên nói:

- Đa tạ Trương Công công đã quan tâm, việc này không dám phiền Công công phải ra mặt.

Hình thái giám không nói thêm đến chuyện ở Quốc Tử Giám nữa, kéo tay Trương Nguyên dẫn Trương Nguyên đi qua công đường, qua phòng ngủ, rồi đến phòng nghỉ, sau phòng nghỉ là mới phòng ăn. Phòng này được trang trí vô cùng sang trọng, ở giữa gian bên trái quả nhiên có bày một bàn tiệc rượu, đồ ăn ngọt rất nhiều vì Hình Công công thích đồ ngọt. Ông ta ân cần hỏi Trương Nguyên có thích đồ ngọt không?

Trương Nguyên nói:

- Vãn sinh bị đau mắt từ lúc bé, thầy thuốc nổi tiếng ở Kinh thành có dặn tiểu nhân không nên dùng nhiều đồ ngọt.

Hình thái giám nghe Trương Nguyên nói như vậy liền sai người mau dọn tiệc rượu khác để Trương Nguyên có thể dùng. Trương Nguyên sợ không kịp thời gian vội nói:

- Không cần thay đổi, mau ngồi vào bàn đi, vãn sinh cảm thấy đói bụng rồi.

Hình thái giám cười to mời Trương Nguyên nhập tiệc. Thái giám nhìn thoáng qua người đi theo sát Trương Nguyên không rời nửa bước là Mục Chân Chân. Gọi tỳ nữ mời Mục Chân Chân xuống dùng cơm. Mục Chân Chân mắt nhìn Trương Nguyên dò hỏi, Trương Nguyên nói:

- Nàng xuống đi, ta với Hình công công có mấy lời muốn nói với nhau.

Mục Chân Chân lùi ra sau, người bồi bàn cũng lui ra hết chỉ còn lại Trương Nguyên và lão thái giám Hình Long cùng bàn rượu và thức ăn. Các món ăn được đựng bằng những dụng cụ kim loại, hai chiếc chén Li Hổ Nhân đó được làm bằng vàng và ngọc. Theo lý mà nói thì chỉ có công hầu, quan nhất phẩm nhị phẩm mới được dùng những thứ quý hiếm này, còn Hình thái giám là quan tứ phẩm, không có quyền sử dụng các dụng cụ đấy. Nhưng cuối thời Minh nhưng quy củ này bị phá vỡ, nếu thương nhân có tiền thì có thể mua để sử dụng. Chuyện này bây giờ không ai quản cả.

Hình thái giám hướng về phía Trương Nguyên giới thiệu các món ăn, đều là đồ ăn từ cung đình, rượu Kim Hành Lộ cũng là rượu cung đình. Trương Nguyên nói phải trở về Quốc Tử Giám nên không dám uống rượu, nhưng vì nể Hình thái giám nên cũng nâng chén nói:

- Vãn sinh ở Quốc Tử Giám chỉ lo đọc sách, không để ý gì đến chuyện bên ngoài. Nhưng hôm nay thấy công công vui vẻ, thỏa mái chắc mọi chuyện của Công công gần đây thuận lợi, vãn sinh kính mời Công công một ly.

Hình thái giám thu hồi nụ cười, vẻ mặt trịnh trọng, nâng chén uống một hơi cạn sạch ly rượu, hướng về phía Trương Nguyên thi lễ:

- Lần này nếu không có Trương Công tử bày mưu tính kế, có lẽ Tạp gia đã bị giáng chức đưa đến cung Phượng Dương trồng rau rồi.

Trương Nguyên vội vàng đứng lên nói:

- Công công không cần đa lễ, vãn sinh chỉ góp ý cho Công công một chút thôi nào dám kể công.

Khách và chủ một lần nữa ngồi xuống bàn tiệc, Hình thái giám kể cho Trương Nguyên chuyện một tháng vừa qua đã đấu tranh gay gắt như thế nào với Nam Kinh Binh bộ Thị lang Lâu Tính. Trong lúc đó Hình Thái giám đã gửi hai bản tấu chương lên Kinh thành. Trong đó bản tấu chương thứ nhất chính là nói lại những ý kiến của Trương Nguyên, sau đó nhờ Ti Lễ Giám chưởng Ấn thái giám Lư Thụ xem thái độ của Hoàng thượng thế nào, có bực tức hay không? Hoàng đế Vạn Lịch đang lo lắng và buồn phiền về chuyện Phúc Vương xuất kinh, Trịnh quý phi thì ngày đêm lải nhãi bên cạnh. Chính vì vậy vụ án phá núi mở đường của mười năm trước người cũng không thèm để ý.

Nếu chuyện này không bị nhắc tới nữa thì Hình Long sẽ không gặp phiền toái. Nhưng Nam Kinh Binh bộ Thị lang Lâu Tính dâng tấu chương buộc tội Hình Long, khi tấu chương được gửi lên Kinh thì Ti Lễ Giám chưởng Ấn thái giám Lư Thụ đã giữ lại để tìm cách đối phó trước. Bấy giờ Hình Long lại dâng lên tấu chương thứ hai. Bản tấu chương này rõ ràng là mượn thuật phong thủy Huyền nữ, nói cái gì mà . nếu trồng quanh lăng mộ Hoàng thất thật nhiều hoa Ngọc Lan, như vậy giống như đai ngọc bao quanh, ngọc có thể kéo dài được vận mệnh đất nước, Quân vương phúc thọ dài lâu, còn nói đây là thuật phong thủy do thầy phong thủy nổi tiếng là Kim Lăng đưa ra, xin chỉ thị của Hoàng đế xem có được làm hay không?

Lúc đó các quan địa phương, các bô lão nông thôn thường dâng sớ lên Hoàng thượng tâu về những điềm lành xảy ra gần đây như: Lúa đẻ ra hai đòng (ý là một cây lúa có hai bông lúa), hoặc là dưới đất xuất hiện suối nước ngọt... những việc đó đều là điềm lành. Vì thế Hình Thái giám đề nghị trồng một đường Ngọc Lan xung quanh Hiếu Lăng cũng không có gì ngạc nhiên. Hoàng đế Vạn Lịch đọc tấu chương của Hình thái giám gửi lên thì phê chuẩn nhưng ra lệnh không được động vào Hoàng lăng. Ngày kế, Lư thái giám mang tấu chương của Binh Bộ Thị lang Lâu Tính ở Nam Kinh đọc cho Vạn Lịch Hoàng đế nghe. Trong tấu chương Lâu Tính tố cáo Hình Thái giám đào núi Bảo Sơn làm tổn hại đến Hoàng lăng, nói chuyện này thành một chuyện cực kỳ nghiêm trọng, nói rằng Hình thái giám đã phạm vào tội đại nghịch bất đạo, tội ác tày trời...Hình Long trước kia đã từng hầu hạ Vạn Lịch Hoàng đế, hoàng đế hiểu rõ Hình Long là người thế nào, tin tưởng vào sự trung thành của Hình Long, đọc lại bản tấu chương trước đấy của Hình Long, lại đọc tấu chương của Lâu Tính thì thấy cực kỳ phản cảm, liền hạ chỉ nói Lâu Tính đặt điều nói chuyện không đâu, vu oan cho nội thần, hạ chỉ cách chức Lâu Tính đuổi về quê sinh sống.

Chiếu lệnh này chưa đến Nam Kinh, Lư Thụ đã báo trước cho Hình Long. Hình Long trải qua một tháng lo lắng bây giờ đã được nhẹ nhõm, nhớ lại ngày đó nếu Trương Nguyên không hiến kế mà làm theo ý của mình tự đi thỉnh tội với Hoàng thượng thì chắc đã bị xử tội thật rồi. Mặc dù Hoàng đế khai ân không trị ông ta tội đại nghịch bất đạo, nhưng của cải có thể bị sung vào ngân khố thế nào cũng dẫn đến tình trạng đói rách. Cho nên rất cảm kích tấm lòng của Trương Nguyên, hôm nay mời Trương Nguyên đến chính là muốn nói cho hắn chuyện này, lại nói:

- Ơn đức của Trương Công tử, Tạp gia ta khắc sâu trong lòng. Tạp gia ta muốn bày tỏ chút lòng biết ơn, không biết Trương Công tử thích những thứ gì, nếu Tạp Gia ta có xin Công tử cứ nói.

Trương Nguyên nói:

- Công công quá khách khí, vãn sinh có công gì đâu mà đòi ban thưởng, chỉ đưa ra một kế sách nhỏ thoi mà thôi. Công công là người có ơn với dân chúng, dân chúng Nam Kinh rất vui mừng, vãn sinh cũng vậy, Công công không nên nhắc lại hai chữ cảm tạ. Nếu có thể vì Công công mà cống hiến chút sức mọn thì Vãn sinh lấy làm vinh hạnh lắm rồi.

Trương Nguyên không hề kể công, thái độ lại vô cùng khiêm tốn, điều này làm cho Hình thái giám rất vui mừng, thở dài nói:

- Hôm nay ta mới biết Chung công công khen ngươi không sai nửa lời, còn trẻ có tài, lại có đức, thật hiếm có.

Nâng chén nói:

- Tạp Gia kính Trương Công tử một ly, uống cạn chén này.

Một học trò niên thiếu, một lão thái giám già nua ngồi cùng nhau chuyện trò một lúc lâu thật ăn ý. Trương Nguyên thấy không còn sớm nữa liền đứng lên nói:

- Công công, vãn sinh phải về Quốc Tử Giám, Lý Thượng Thư muốn đến thị sát.

Hình Long cũng không giữ lại nữa, đưa tiễn Trương Nguyên ra tận cửa nói:

- Hôm nay quá vội vã, hôm khác lại mời Trương Công tử đến.

Mục Chân Chân sớm đã ở trong Tẩm Lâu Viện chờ Trương Nguyên, đi theo Trương Nguyên ra đến cửa. Trương Nguyên lại nhớ đến chuyện vừa rồi Vũ Lăng nói liền hỏi Hình Long:

- Vãn sinh muốn thỉnh giáo Hình Công công một chuyện, chẳng lẽ ở thành Nam Kinh còn có hoàng tộc tôn thất ở sao?

Hình Long cười nói:

- Phúc Vương đã tựu phiên rồi, Lưỡng đô (hai kinh thành) làm sao chịu thu nhận tôn thất hoàng tộc.

Trương Nguyên gật gật đầu, hướng về phía Hình thái giám chắp tay cáo từ. Hình thái giám phái người mang xe ngựa tiễn về nhưng Trương Nguyên khéo léo từ chối vì ở cầu Thông Tể còn có người đang đợi.

Chủ tớ hai người ra khỏi phủ, vài tên lính canh gặp Trương Nguyên đi ra liền chắp tay trước ngực chào, Trương Nguyên mỉm cười gật đầu chào lại rồi cùng Mục Chân Chân bước nhanh đi.

Lúc này khoảng giờ Ngọ, bầu trời âm u, Mục Chân Chân đã nhìn thấy hai người đứng trên cầu là Lai Phúc và Vũ Lăng liền nói với thiếu gia, hai người bước nhanh chân hơn. Ở đằng xa Lai Phúc và Vũ Lăng cũng đang chạy đến. Vũ Lăng chạy đến vừa thở vừa nói:

- Lý Tuyết Y cô nương đang ở trên thuyền phía dưới cầu.

Trương Nguyên nói:

- Được ta biết rồi, Tiểu Vũ ngươi nhanh chóng đi thuê một xe ngựa chờ ta ở bên cầu, ta lát nữa phải chạy về Quốc Tử Giám.

Trương Nguyên vừa đến bờ sông đã thấy một con thuyền nhỏ đậu trên hồ. Đầu thuyền là thằng bé tóc dài chính là Tiết Đồng, Tiết Đồng gọi lớn:

- Giới Tử tướng công.

Vừa dứt lời, Lý Tuyết Y ở trong khoan thuyền nhô đầu ra, Lý Tuyết Y là danh kỹ nhưng trang phục mặc trên người rất thanh nhã, màu sắc phù hợp với nàng. Nàng hướng phía Trương Nguyên thi lễ nói:

- Trương Công tử, mời lên thuyền trò chuyện được không?

Tiếng nói của nàng cực kì dịu dàng, giọng nói của nàng khiến người nghe không thể chối từ được.

/345

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status