Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 234 - Tranh Giành Chức Thủ Lĩnh Hàn Xã

/345


Nếu như Trương Nguyên không ngờ tới chiêu ác này của Đổng thị, thì Đổng Kỳ Xương sẽ dựa vào cái bộ dạng vô tội bị làm hại mà lật lại thế cờ. Đám chư sinh Trương Nguyên sẽ bị trị tội, bọn Đổng Tổ Nguyên, Đổng Tổ Thường sẽ được phán xử vô tội và được thả ra. Thế cục sẽ hoàn toàn bị đảo ngược.

Ba huyện phủ Tùng Giang là Hoa Đình, Thanh Phổ và Thượng Hải tổng cộng có hơn một nghìn sáu trăm sinh đồ, tham gia tiệc Dự Viên lần này có một trăm mười hai người, không đến một phần mười, nhưng những sinh đồ ngồi ở đây đều dưới ba mươi tuổi, là những sinh đồ hoạt bát sôi động nhất trong đám sinh đồ của phủ Tùng Giang. Bọn họ cũng là những người có ý chí và khí phách nhất. Vì vậy nên khi Trương Nguyên nêu ra ý kiến muốn thành lập một đại Văn xã liên tỉnh thì lập tức được các chư sinh nhiệt liệt hưởng ứng. Bọn họ đều không chịu trói chân trong bổn huyện, muốn kết bạn khắp nơi, liên tỉnh liên huyện hội họp luận văn, nhằm tăng thêm danh tiếng và kinh nghiệm. Ý tưởng của Trương Nguyên tất nhiên là còn có tầm nhìn lớn hơn vậy, trước tiên sẽ thu hút chư sinh phủ Tùng Giang và phủ Thiệu Hưng gia nhập Văn xã, sau này Nam Bắc Đại Giang phàm là những người trí đồng đạo hợp, có cùng chí hướng chung đường với nhau đều có thể ra nhập Văn xã. Trí đồng đạo hợp ở đây tạm thời ám chỉ việc giao lưu bàn luận văn thơ để chuẩn bị cho khoa cử, còn những điều khác thì cứ từng bước từng bước thực hiện. Hắn sẽ dần dần dùng quan niệm của bản thân để gây ảnh hưởng đến xã viên. Hiện tại bước đầu tiên là liên kết tất cả chư sinh lại với nhau dưới hình thức Văn xã, lại còn phải lập tức thành lập một xưởng in sách, hắn sẽ khống chế xưởng in sách đó và làm cho nó trở thành xưởng in lớn nhất Giang Nam, bởi lẽ dư luận văn tự luôn có một sức ảnh hưởng to lớn vô tận.

Chư sinh có mặt thảo luận sôi nổi về việc đặt tên cho Văn xã, cuối cùng quyết định đặt tên là Hàn xã, chữ Hàn có hàm ý bay cao, văn chương, văn chương chứa nhiều hàm nghĩa, thật phù hợp với ý dùng văn chương để rạng danh, dùng học vấn đỗ đạt để rạng rỡ công danh của chư sinh. Ba huyện phủ Tùng Giang, mỗi huyện đề cử ra một người làm phân xã trưởng, hai người làm xã phó. Chư sinh huyện Hoa Đình đề cử tài tử thiếu niên Hạ Doãn Di làm phân xã trưởng, Kim Lang Chi và Ông Nguyên Thăng làm hai xã phó. Chư sinh huyện Thanh Phổ cử Dương Thạch Hương làm phân xã trưởng, Lục Thao và Hồng Đạo Thái làm xã phó. Huyện Thượng Hải cử Phan Nhược Phủ làm phân xã trưởng, Trương Khẳng Đường, Từ Chuyển Tấn làm xã phó. Có một số chư sinh cho rằng xã trưởng và xã phó hai cái tên đó không được hay, giống như những người chủ sự kho lương vậy, bèn có ý kiến đổi thành Tế tửu, Trương Nguyên nói:

- Tế tửu, Quốc Tử Giám Học quan được gọi là Tế Tửu, nên không gọi như thế được, còn nữa, người đứng đầu Thiên Sư Đạo cũng được gọi là Tế Tửu, thế lại càng dễ phạm húy, vậy nên gọi là xã trưởng, xã phó vẫn hơn.

Chư sinh đều tán đồng với ý kiến của Trương Nguyên. Thời thế lúc đó, mặc dù cấm kỵ pháp luật đã nới lỏng, việc thành lập các xã là chuyện hết sức phổ biến. Văn có Văn xã, Thơ có Thi xã, ngay đến cả kỹ nữ cũng kết xã, nhưng tốt nhất là vẫn nên hạn chế phạm vào điều cấm kỵ.

Cuối cùng là lựa chọn Tổng Xã trưởng, đám người Dương Thạch Hương đương nhiên đề cử Trương Nguyên, đại bộ phận chư sinh đều cảm thấy Trương Nguyên là sự lựa chọn phù hợp. Danh tiếng của Trương Nguyên lẫy lừng nhất, là đệ tử của Tiêu Thái sử, lại là Tiểu Tam Nguyên, đánh bại Đổng thị lần này tính toán hơn người, tài hoa, năng lực đều vượt trội nổi bật, chức Tổng Xã trưởng của Hàn xã nằm trong tầm tay của Trương Nguyên. Nhưng phân Xã trưởng Hoa Đình Hạ Doãn Di lại tự đề cử mình làm Tổng Xã trưởng, khảng khái nói:

- Nội bộ đề cử không tránh người thân, bên ngoài đề cử không tránh kẻ thù, tại hạ xin tự đề cử bản thân nhậm chức Tổng xã trưởng Hàn xã, tất có thể đoàn kết đồng lòng, phát triển Hàn xã, chư vị xin hãy ủng hộ tại hạ.

Nói xong y vái quanh mọi người.

Hạ Doãn Di là thần đồng vùng Hoa Đình, cũng như Trương Đại, mười hai tuổi đỗ sinh đồ huyện học, hiếu học giỏi văn, nhiệt tình giúp đỡ mọi người xung quanh, trong đám chư sinh Hoa Đình cũng có tiếng tăm, năm nay mười chín tuổi, lớn hơn Trương Nguyên hai tuổi. Các chư sinh thấy Hạ Doan Di bước ra tranh chức cùng Trương Nguyên thì ngạc nhiên ngơ ngác nhìn nhau, và cùng thăm dò xem Trương Nguyên sẽ phản ứng như thế nào.

Trương Nguyên không phải lần này đến Hoa Đình mới được biết đến danh tính của Hạ Doãn Di, bốn trăm năm sau hắn đã được nghe đại danh của Hạ Doãn Di. Hạ Doãn Di có một người con trai tên là Hạ Hoàn Thuần, cũng là một thần đồng, Trần Kế Nho đã từng ngợi khen Hạ Hoàn Thuần “Là đứa trẻ năm tuổi, bạo dạn can đảm, có tầm mắt, nói chuyện tinh khôn”. Quân nhà Thanh đánh xuống Giang Nam, Hạ Doãn Di và Trần Tử Long khởi nghĩa chống Thanh, thua trận, đâm đầu xuống sông tuẫn tiết, Hạ Hoàn Thuần bị bắt, bất khuất mà chết, tuổi tròn mười bảy.

Bởi vậy nên Hạ Doãn Di là người mà Trương Nguyên rất kính trọng, nhưng Hàn xã này hắn nhất định phải nắm trong tay, chỉ cho đến khi nào Hàn xã phát triển theo đúng ý đồ của hắn thì mới có thể rút lui vào trong, giai đoạn đầu sáng lập sao có thể để bị tụt hậu được.

Thái độ của Trương Ngạc đối với Hạ Doãn Di rõ ràng không có được sự kính trọng như Trương Nguyên, gã cười nhạt nói:

- Muốn làm thủ lĩnh của Hàn xã, thì hãy cho chúng ta thấy bản lĩnh của huynh đi.

Hạ Doãn Di mười chín tuổi, anh tuấn khôi ngô, rất đúng mực nói:

- Giới Tử huynh là người mà tại hạ vô cùng bái phục, tại hạ đã được chứng kiến sự can đảm điềm tĩnh, sự quyết đoán chí mạng của huynh, nhưng lại chưa được thưởng thức tài văn chương của huynh. Tại hạ được biết bổn kinh của Giới Tử huynh là “Xuân Thu”, vậy nên muốn dùng kinh nghĩa trong Xuân Thu cùng Giới Tử huynh hỏi đáp giao lưu một phen, không biết có được hay không?

Trương Nguyên đã từng rất dầy công nghiên cứu Xuân Thu, năm ngoái lại được Vương Anh Tư giúp hắn thu thập rất nhiều tài liệu ghi chép những bình luận của các luận gia qua các thế hệ về những điển tích trong Xuân Thu, hắn đều đã đọc thông hết một lượt. Ở Nam Bình Sơn Cư Nhiên học đường, hắn lại được hai vị đại nho nổi tiếng đương đại là Hoàng Nhữ Hanh và Tiêu Pháp chỉ dạy, có thể nói hắn đã thông thuộc, nắm quá rõ ràng về kinh nghĩa của Xuân Thu Tam Truyền, những giải nghĩa về Xuân Thu từ trước đến nay hắn không một vấn đề nào là không rõ, đối với những kiến thức về Xuân Thu chắc hẳn chẳng có người nào có thể vượt qua được hắn. Hạ Doãn Di mặc dù là một thần đồng tài tử, nhưng xét xem chắc hẳn cũng không thể nào bằng hắn, vì hắn đã có sự trải nghiệm của hai thời đại và lại được sự chỉ giáo của những thầy giáo nổi tiếng. Vậy thì hỏi đáp chất vấn tại hiện trường luôn đi, để cho chư sinh sau khi chứng kiến những biện pháp mà hắn lật đổ Đổng thị sẽ được chứng kiến sự hiếu học suy nghĩ sâu xa của hắn, cứ thuận lợi thông suốt mãi thì thành ra nhạt nhẽo, có người cạnh tranh mới có nhiều điều thú vị.

Chính ngọ nắng chiếu chói lọi, trước Tam Tuệ Đường cây tùng tỏa bóng râm mắt, hồ nước dưới ánh nắng gay gắt bốc từng làn hơi mờ mờ, khiến cho ngôi đình nằm giữa hồ tựa như bồng bềnh trên nước.

Phía trên Tam Tuệ Đường có treo một đối: “Lân bích thượng tằng lâu, sơ liêm quyển vũ, u gian lâm phong, nhạc dữ lương bằng sổ thần tịch;

Tống thanh ngưỡng linh tụ, khúc giản văn oanh, nhàn đình phóng hạc, mạc giáo giai nhật phụ xuân thu. “

Trương Nguyên và Hạ Doãn Di cùng ngồi ở giữa phòng lớn, bắt đầu giải đáp kinh nghĩa “Xuân Thu”. Hạ Doãn Di lớn tuổi hơn nên mở lời trước:

- Trước đã từng nghe danh Trương Tam Nguyên vùng Sơn Âm có trí tuệ hơn người, tài năng về văn bát cổ, tại hạ hôm nay xin được thỉnh giáo một chút về Xuân Thu.

Trương Nguyên hơi cúi người nói:

- Xin mời.

Hạ Doãn Di nói:

- Mùa đông, tháng 12, năm Ẩn Công thứ nhất, Tế Bá đến Lỗ. Xin dùng ba chữ “Tế Bá đến Lỗ” làm chủ đề, nên giải thích rõ ý nghĩa của chủ đề như thế nào?

Trương Nguyên khẽ mỉm cười, đây là đàm luận về cách thức viết văn bát cổ, suy nghĩ một lát rồi đáp:

- Đề này tham chiếu theo nhị truyện “Công Dương”, “Lương”, nếu toàn bộ cố chấp theo “Tả thị” ngữ, lấy trái lệnh Châu vương mà lập luận, sai.

Hạ Doãn Di mắt bừng sáng, chắp hai tay nói:

- Xin chỉ giáo.

Trương Nguyên nói:

- Cần biết triều và sính khác nhau, Thiên tử có quyền phái thần đi sứ, nhưng thiên tử không có quyền lệnh thần triều kiến. Phàm là sứ thần, ắt đều không vì lệnh thiên tử mà sau này sẽ kết tư giao, còn nếu phàm là triều kiến thì đều kết tư giao. Có thể dùng câu này mà giải đề “Xuân Thu” – Không kết tư giao với Vương Thần, chính là nghĩa này.

Hạ Doãn Di nghĩ ngợi một lát rồi khen ngợi nói:

- Quả nhiên là phân tích biện giải sâu sắc, không rơi vào những khuôn mẫu thông thường, tại hạ khâm phục. Xin mời Giới Tử huynh ra đề.

Trương Nguyên nói:

- Xin hãy dựa vào quyển Chiêu công ngũ niên trong “Tả truyện” mà luận về phương pháp hành văn?

Hạ Doãn Di nhăn mày nói:

- Cái này hình như quá mơ hồ thì phải.

Trương Nguyên ngậm cười không nói, Trương Ngạc bĩu môi nói:

- Không trả lời được lại còn đổ lỗi tại vì hỏi quá mơ hồ, nếu là ta, ta nói luôn là không đáp được.

Hạ Doãn Di đỏ bừng mặt, nói:

- Tại hạ tài hèn học mọn, quả thật là không đáp lại được, xin Giới Tử huynh chỉ giáo thêm.


/345

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status