Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 110 - Trăng Tuyết Long Sơn

/345


Năng Trụ thấy Trương Nguyên vội chắp tay trước ngực nói:

- Giới Tử thiếu gia, tam công tử nhà nô tài nói tuyết đã ngừng rơi, mời thiếu gia chuẩn bị một chút để tối nay lên Long Sơn ngắm tuyết.

Trương Nguyên hỏi:

- Cần chuẩn bị những gì?

Năng Trụ vò đầu nói:

- Tam công tử không nói phải chuẩn bị những gì ạ.

Trương Nguyên cười hỏi:

- Thế khoảng bao lâu nữa mới xuất phát?

Năng Trụ nói:

- Sau bữa cơm chiều thì lên đường luôn ạ.

Trương Nguyên cho Năng Trụ ra về, rồi hắn đi báo với mẫu thân. Trương mẫu Lã thị nói:

- Trời lạnh như thế này, ban đêm làm sao có thể lên núi được, đường núi bị tuyết bịt kín hết cả rồi, mà gió trên núi thổi là dễ bị đông cứng lại lắm.

Trương Nguyên nói:

- Tông Tử đại huynh và Tam huynh đã nói lên núi ngắm tuyết thì tất đã có chuẩn bị rồi, con mặc ấm một chút là được. Thày Vương bảo con làm cổ văn, con đang lo không có gì để viết, đến Long Sơn ngắm tuyết là có thể về viết được rồi.

Trương mẫu Lã thị cười nói:

- Tùy con, nhớ xuống núi sớm, đừng ở lâu trên đó.

Lúc này Mục Chân Chân đi vào cáo từ chủ mẫu và thiếu gia để về phố Tam Đại. Trương mẫu Lã thị nói:

- Sao vừa đến đã vội về thế, đêm nay ngủ lại đây, tuyết dày, đường khó đi lắm.

Mục Chân Chân vì mấy ngày không tới nên vừa thấy tuyết ngừng rơi là vội tới liền, đã gặp được thiếu gia, lại còn bị thiếu gia ném tuyết vào người, nên nàng ngại ngùng không muốn ở lại, nói:

- Tỳ nữ còn phải về nấu cơm cho phụ thân, phụ thân tì nữ mấy hôm nay không phải ra ngoài làm việc.

Trương mẫu Lã thị nói:

- Vậy thì để nhà bếp dọn cơm. Trương Nguyên đêm nay lên Long Sơn, cũng cần ăn tối sớm. Chân Chân cũng ở lại dùng cơm xong rồi hãy về, nhân tiện mang cơm về rồi hâm nóng lại cho phụ thân là được.

Mục Chân Chân còn đang chần chừ thì Trương Nguyên nói:

- Mời cha con nàng bữa cơm có gì đâu mà phải ngại. Sang năm ta sang phủ Tùng Giang, còn phải nhờ phụ nhân nàng đi theo bảo vệ đấy.

Trương Nguyên quay trở về thư phòng, viết thêm gần nửa canh giờ “Linh Phi kinh” nữa. Thỏ Đình đến mời thiếu gia ra dùng cơm. Ngoại trừ ngày lễ tết vui vẻ náo nhiệt, người hầu đều không được phép ngồi cùng bàn ăn cơm với chủ nhân. Cơm của hai mẹ con Trương Nguyên đương nhiên thịnh soạn hơn bọn họ, có cá có thịt, có canh tươi nhất phẩm và cơm gạo trắng. Đám người hầu thì ăn củ cải rau xanh và gạo lứt, chỉ có mồng một và mười lăm hàng tháng mới được ăn thịt vào bữa tối. Thúy Cô lấy hai lá sen đã được rửa sạch gói hai chén cơm và bốn cái đầu ôi để Mục Chân Chân mang về cho cha. Mục Chân Chân lấy đôi giầy rơm của phụ thân nàng ra đi bên ngoài đôi giày nỉ, đi đến hàng rào trúc cạnh cửa cửa, nàng cảm thấy có gì đó khác thường, quay đầu nhìn lại thì hóa ra thiếu gia đang đứng ở cửa chính nhìn nàng. Mặt nàng đột nhiên nóng bừng lên. Vừa thấy Mục Chân Chân quay đầu lại nhìn, Trương Nguyên cười nhẹ nói:

- Ừ, Chân Chân nàng đi giầy rơm ra ngoài giầy nỉ vậy là tốt, lại chống trơn nữa. Đợi lát nữa ta lên Long Sơn cũng sẽ đi giầy như vậy.

Mục Chân Chân nói:

- Vậy thiếu gia lên núi cẩn thận, tỳ nữ về đây.

Mặt trời náu trong tuyết cả ngày, đến lúc xẩm tối mới lộ ra, quả là một buổi hoàng hôn đẹp vô cùng. Ánh mặt trời chiếu rọi lên tuyết trắng tạo nên một dải màu đỏ hồng tuyệt đẹp, giống như gương mặt đỏ bừng của nàng thiếu nữ lúc thẹn thùng vậy.

Trương Nguyên nhìn Mục Chân Chân đi xa liền bảo Thạch Song tìm đôi giày rơm để hắn mang bộc bên ngoài đôi giầy da, rồi tìm thêm vài sợi dây da quấn khắp đùi, trên núi nhiều tuyết không làm vậy sẽ không chịu được lạnh. Vũ Lăng muốn đi cùng với thiếu gia, cũng bắt chước thiếu gia đi thêm giày rơm.

Mọi thứ chuẩn bị xong xuôiđâu vào đấy rồi thì nắng cũng nhạt dần.

Trương Nguyên và Vũ Lăng trở về phòng mặc thêm áo bông thì nghe thấy tiếng nói ồm ồm như vịt đực của Trương Ngạc hét lớn:

- Giới Tử, lên đường đi Long Sơn thôi.

Trương Mẫu Lã thị vội chạy theo ra, dặn cháu và con trai nhớ về sớm, không nên ở trên núi quá lâu. Trương Ngạc nói:

- Ngũ bá mẫu yên tâm, chúng cháu sẽ không ở trên núi lâu đâu, chỉ là đi chơi một chút, hưởng thụ cái mới mẻ thôi mà.

Trương Nguyên dắt theo Vũ Lăng ra đến cổng thì thấy ngoài Trương Đại, Trương Trác Như ra còn có Vương Khả Xan của Khả Xan Ban.

Phan Tiểu Phi, Mã Tiểu Khanh, Cao Mi Sinh, Lý Uyển Sinh, tất cả đều đã mặc đồ ấm sẵn sàng đểđi lên núi. Lý Uyển Sinh còn mang theo một cây sáo trúc, ngoài ra còn có hơn chục kẻ hầu mang theo chổi, gậy trúc, gậy gỗ để mở đường.

Long Sơn chính là núi Ngọa Long, kéo dài từ phía sau học thự đến tận đầm Bàng Công. Núi không cao nhưng quang cảnh rất đẹp, là một nơi du ngoạn rất thú vị ở thành Sơn Âm. Mọi người thường nô nức đến đó vào dịp trung thu để ngắm trăng hoặc ngắm mặt trời mọc. Nhưng lên núi chơi vào lúc thời tiết lạnh giá, tuyết phủ kín thế này thì thực sự là chưa có ai. Người Sơn Âm thấy thế này là biết ngay rằng đám công tử nhà Trương gia bởi chỉ có đám công tử nhà họ Trương mới dám chơi trò mạo hiểm như vậy. Con trai của Trương Nhữ Sương cũng vậy, mà cháu cũng thế….

Một đoàn hơn chục người đi vào trong chân núi Long Sơn. Lúc này trời bắt đầu tối, nhưng có màu tuyết trắng tinh chiếu rọi nên vẫn sáng như ban ngày. Chỉ có điều tuyết quá nhiều, không phân biệt được đâu là đường núi. Năng Trụ và Phùng Hổ cầm gậy trúc đi trước dò đường, gậy trúc chọc xuống rất sâu. Năng Trụ kêu lên:

- Tuyết dày ba thước.

Trương Đại hứng chí nói:

- Buổi trưa mà sâu như vậy sao?....hắn bước lại dẫm lên vừa hay dẫm trúng một cái hố đầy tuyết, cả người suýt bị sụt trong đó.

Trương Ngạc kêu lên:

- Quân tiên phong cào tuyết mở đường đi nào.

Đám người hầu liền tiến lên trước dọn đống tuyết trên đường. Trương Nguyên nói:

- Cứ dọn tuyết thế này thì trời sáng mới lên được núi mất, mỗi người lấy gậy hoặc cành trúc mà chống, cứ từ từ mà đi lên.

Hai tên nô bộc khỏe mạnh nhất là Năng Trụ và Phùng Hổ đi phía trước, tìm đúng vị trí đường núi, bước từng bước theo dấu chân trèo lên đỉnh núi. Trương Đại, Trương Ngạc, Trương Nguyên, Trương Trác Như đi phía sau, cùng dìu đỡ nhau, cười nói không dứt. Từ chân núi đến miếu thành hoàng ở sườn núi chỉ khoảng hơn ba trăm bước chân. Lão già canh miếu ăn tối xong đã nằm trong chăn, nghe thấy có tiếng người ồn ào bên ngoài, không biết đang xảy ra chuyện gì. Đường núi đã bị tuyết bịt kín, sao lại có nhiều người đến đây, là ma núi chăng, hay là ma cây?

Lão run rẩy núp kín trong chăn, nghe tiếng đập cửa cũng không dám thưa.

Trương Ngạc nói:

- Lão già kia nghễnh ngãng rồi, ta cứ đạp cửa mà vào.

Trương Đại nhìn lên đỉnh núi, nói:

- Hãy còn sớm, chúng ta cứ lên Tinh tú các trên đỉnh núi thưởng nguyệt ngắm tuyết trước đã, mọi người thấy thế nào?

Đoàn người chầm chậm leo lên, tới đồi Bồng Lai, nhìn lên thì không nhìn rõ được đường núi nữa mà một bên vách núi thì lại là vực thẳm. Trương Nguyên nói:

- Không thể lên tiếp được nữa, quá nguy hiểm, giờ mà trượt xuống chắc chắn là mất mạng.

Đồi Bồng Lai chỉ có núi đá cây cỏ, không hề có chòi gác để nghỉ chân. Đám người đành quay trở lại miếu thành hoàng, gia nhân gọi lớn:

- Ông lão, mở cửa, công tử nhà Trương trạng nguyên đến đây ngắm tuyết.

Gọi một hồi, lão già rốt cục cũng ra mở cửa, trợn mắt há hốc mồm nhìn đám thiếu niên trước mặt

Trương Ngạc hỏi:

- Lão già, có rượu thịt ngon mau mang ra đây.

Lão dụi dụi đôi mắt đục ngầu, nhìn đánh giá đám thiếu niên này một lượt rồi cười nói:

- Ha ha, là tam công tử Tây Trương, vị này là đại công tử, vị này là …

Trương Ngạc nói:

- Ta không gọi lão ra nhận người,mà bảo lão mau mang rượu thịt ra đây.

Trương Ngạc này coi miếu thành hoàng như quán rượu.

Lão nói:

- Chỉ có một chút cơm thừa, rượu thịt thì không có.

Trương Ngạc kêu lên:

- Lão già này thật keo kiệt, Trương gia ta mỗi năm cho miếu này không ít tiền mua nhang đèn cúng, lẽ nào không có nổi ngụm rượu để uống?

Lão từ coi miếu cười nói:

- Tiểu đạo ăn chay, quả thực là không có rượu thịt.

Trương Ngạc nói:

- Lão không phải là hòa thượng, chay chiếc cái nỗi gì.

Trương Đại nói:

- Tam đệ, chớ làm ầm ĩ lên như vậy, đợi lát nữa đầy tớ đưa rượu tới, chúng ta cứ tạm ngắm trăng trước đã.

Trương Nguyên và Trương Đại sánh vai nhau ngồi ở cửa trước của miếu thành hoàng, nhìn xuống thành Sơn Âm dưới chân núi. Các ngôi nhà bị che phủ bởi tuyết, đường phố toàn một màu trắng, chỉ có các đường sông đen kịt chạy vòng quanh Sơn Âm mới phân biệt được đâu là phủ học cung, đâu là Thiệu hưng vệ. Trương Đại nói với Trương Nguyên:

- Giới Tử đệ xem, đây chẳng phải là một bức thanh thủy mặc do thiên nhiên tạo ra hay sao, chỉ tiếc là ta không biết vẽ, mà kỹ thuật vẽ của Giá Sinh thúc thì tam đệ lại vẫn chưa học được.

Phụ thân của Trương Ngạc là Trương Giá Sinh giỏi về sưu tầm, thi họa, từng được Đổng Kỳ Hưng và Trần Kế Nho tán thưởng.

Trương Ngạc nói:

- Ai nói ta không biết vẽ, đại huynh quên rồi ư. Mấy ngày trước chẳng phải đệ đã vẽ một bức tranh tuyệt hảo cho huynh xem rồi đó sao.

Trương Đại bật cười, lắc đầu liên tục.

Trương Trác Như hỏi:

- Đại huynh, tam huynh vẽ gì thế?

Trương Đại chỉ cười mà không nói.

Trương Ngạc nói:

- Không phải nói khoác, ta đã vẽ một bức Xuân Cung còn đẹp hơn cả Đường Bá Hổ nữa kia.

Trương Đại cười nói:

- Đệ học Đường Dần vẽ Xuân Cung thì không sao, nhưng đệ vẽ quả thực là khó coi quá, nói ra lại làm xấu mất cảnh núi tuyết đẹp đẽ thế này.

Bầu trời đêm sau khi tuyết rơi trong veo không một gợn mây, trăng sáng vời vợi. Bầu không khí lạnh lẽo nhưng vì sắc trắng của tuyết được ánh trăng phản chiếu nên trở nên trắng tinh như tờ giấy.

Trương Nguyên nhìn đất trời bao la một màu tuyết trắng, thầm nghĩ:

- Đạm Nhiên tiểu thư có tài vẽ tranh. Nếu nàng nhìn thấy cảnh này nhất định sẽ vẽ được một bức tranh thủy mặc tuyệt vời, tiếc là không thể đưa nàng cùng đi được.

Hắn bất giác nhớ tới Thẩm Tam Bạch cùng thê tử là Vân Nương cùng dắt tay nhau du ngoạn sơn thủy trong “Phù sinh Lục ký”, chợt nghe thấy tiếng Năng Trụ kêu lên:

- Rượu đến rồi đây, rượu đến rồi đây.

Hai tên đầy tớ cẩn thận mang hũ rượu xuân tửu Động Đình vào trong miếu thành hoàng, bảo lão từ hâm nóng rượu, đổ ra bát mỗi người nhấp một ngụm lớn để chống lạnh. Lão từ cũng uống trộm một bát lớn, bị Trương Ngạc nhìn thấy, hỏi:

- Lão đã phá giới rồi sao?

Lão từ coi miếu cười nói:

- Rượu của nhà công tử thơm quá, tiểu đạo thực không kìm nén được, phải phá giới một lần.

Mọi người đều bật cười.

Trương Nguyên cũng uống một chén rượu lớn, nhưng cảm thấy lâng lâng, trong lòng thấy sung sướng vui vẻ.

Mã Tiểu Khanh hát “Phụng Nghi Đình”, Lý Uyển Sinh thổi sáo trúc. Tiếng sáo bị hơi lạnh làm ngưng lại, chỉ phát ra tiếng u u.

Trương Đại nói với Trương Nguyên:

- Hôm qua Án Sát Trương Phân Thủ đến bái kiến tổ phụ, nói rằng phải mời thái giám Hàng Châu đến Sơn Âm ngắm đèn. Trương Phân Thủ biết đèn của Trương thị Sơn Âm của ta đẹp hơn Thiệu Hưng.

Trương Ngạc vui vẻ nói:

- Nếu vậy đến hội đèn lồng nguyên tiêu sang năm lại tổ chức một trận ra trò chứ hả?

Trương Đại nói:

- Tất nhiên, thái giám thích nhất là náo nhiệt, cứ phải để lão hài lòng mới được.

Nghe thấy dưới chân núi có tiếng trống canh, mọi người liền đứng dậy xuống núi. Cách chân núi chừng hơn trăm bước chân nữa, Đoạn triền núi này khá bằng phẳng. Mã Tiểu Khanh và Phan Tiểu Phi đã ngà ngà say, hai người ôm nhau lăn xuống núi. Họ nhanh chóng xuống đến chân núi, lúc đứng lên trông chẳng khác nào hai người tuyết.

Dưới núi có người hầu của Trương thị tiếp ứng, còn có một cỗ xe dê, vừa mới chuyển rượu tới. Trương Ngạc nhảy lên ngồi, trượt theo băng tuyết xuống.

/345

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status