Kỳ Sử Dương Hậu

Chương 20: Nhánh quỳnh giờ tý

/59


Bây giờ là tháng 9 cuối thu, điện Vân Sàng chuẩn bị tiệc rượu mừng sinh nhật Dương Vân Nga. Ngày sinh của chị, cũng là ngày sinh của tôi. Nói như thế không phải vì chúng tôi là chị em song sinh mà là thực sự – tôi – Trần Thị Vân Nga của thế kỉ 21 cũng ra đời vào ngày này. Điều đó đủ chứng minh mệnh số chúng tôi gắn kết với nhau như thế nào.

Dựa vào cách đối đãi của hoàng đế, ai cũng hiểu tỉ tỉ là vị Hoàng hậu được vua sủng ái nhất. Tiếng nói của chị có sức ảnh hưởng tới bệ hạ và triều thần. Phạm Kiều Oanh còn đang tự mãn vì sinh con trai, Đan Đỗ Linh có Đinh Liễn là chỗ dựa vững chắc, Trần Nương luôn an vị trong Tỏa Liên cung miệt mài thêu thùa còn Dương Hân Nga như cái bóng lu mờ vì không có nhan sắc lẫn quyền lực. Xét lại, chỉ có Dương Vân Nga là thực sự thể hiện vai trò một vị hoàng hậu. Chị có thể san sẻ chuyện triều chính với Đinh Tiên Hoàng, ở bên cạnh khi ngài mệt mỏi lo âu, tạo ra tiếng cười và biết im lặng khi cần thiết. Phải khôn khéo, giỏi giang như Vân Nga mới xứng đáng với danh hiệu “mẫu nghi thiên hạ”.

Thấy được tư chất cao đẹp và sự sủng ái của nhà vua, hầu hết quan thần đều kính nể Trinh Minh hoàng hậu. Thỉnh thoảng bọn họ vẫn lựa lúc đến thỉnh an. Có khi ngồi uống một tách trà, có khi chúc tụng đôi lời rồi đi ngay, cũng có lúc chơi với chị một ván cờ. Người thường xuyên làm bạn cờ với tỉ tỉ ngoài hoàng đế chính là Khuông Việt đại sư Ngô Chân Lưu (吳真流). Ông năm nay đã tứ tuần, râu tóc bạc trắng, khuông mặt phúc hậu ưa nhìn, cặp mắt thâm sâu sáng ngời. Thiền sư là chủ trì chùa Phật Đà, làng Cát Lợi, Thường Lạc [1], được ban chức Tăng thống (僧統) – chức vị cao nhất trong hệ thống tăng quan phong kiến Việt Nam. Đinh Tiên Hoàng cũng là vị vua đầu tiên bổ nhiệm sư tăng vào bộ máy chính trị nhà nước. Có lẽ ngài đã nhận ra tầm quan trọng của Phật giáo đối với dân tộc nói chung và việc cai trị. Trước nhà Đinh, Đại Cồ Việt chưa có quốc giáo, người dân ngoài tính ngưỡng thờ phụng ông bà cũng chỉ có số ít theo đạo Bà la môn (婆羅門). Ngô Chân Lưu là vị Tăng thống đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, còn được phong danh hiệu Khuông Việt đạo sư. Từ đây thiền sư Chân Lưu sẽ lãnh đạo các sư tăng, truyền bá đạo Phật, gắn kết Phật giáo với dân tộc, lập nên một nền Phật giáo Đại Việt nhập thể.

Dương Vân Nga và Khuông Việt đại sư nói chuyện rất hợp. Mỗi tháng thiền sư đều tìm đến Hoàng cung đôi ba lần. Tỉ tỉ mời trà và cùng nhà sư đàm đạo, đánh cờ. Họ thường nói về Phật pháp và cuộc sống chúng dân. Vân Nga còn nói với tôi sau này khi chị tuổi cao sẽ xuất gia tu hành, tìm kiếm sự an tĩnh trước lúc trở về với cát bụi. Phật giáo khuyên ngăn con người ở hiền gặp lành, dạy con cái hiếu thuận với cha mẹ, dạy đạo đức làm người, trọng lễ nghĩa, tránh xa tham lam dục vọng, phê phán thối dối trá, ích kỉ, tất cả đều làm đẹp thêm tâm hồn con người. Nếu Phật pháp được nâng lên hàng quốc giáo, xã hội sẽ nề nếp, trật tự, dân chúng ăn ở có trước sau, chí thú làm ăn, giảm bớt nạn trộm cướp, giết người,… Cũng vì thấy được cái lợi của đạo Phật mà Đinh Tiên Hoàng ưu ái cái nhà thiền sư, lập hệ thống tăng quan. Các vua đời sau đều lấy đó làm nền tản, tiếp tục phát triển đạo Phật mà hưng thịnh nhất chính là triều đại nhà Lý, nhà Trần.

(Tăng thống là chức quan cao nhất trong hệ thống tăng quan. Tương đương với chức Giáo Hoàng của đạo Thiên chúa, là ng’ đứng đầu torng Phật giáo VN

Hệ thống tăng quan ra đời từ thời Đường, tức là nhà sư đi làm quan. Họ là những nhà sư hiểu biết rộng, triết học thâm sâu, thông tri thiên văn địa lý, nhưng lại đi cạo đầu làm thầy chùa. Vì vậy hoàng đế lập hệ thống tăng quan, chiêu mộ các nhà hiền triết phục vụ triều đình.)

Lại nói về ngày sinh nhật của Vân Nga, theo lý mà nói thì người Việt không tổ chức ăn mừng. Ngày sinh của một người chỉ nấu chè xôi nước và làm lễ cúng vái theo truyền thống, cầu cho thêm tuổi thêm trưởng thành, có thể sống tới đại thọ. Nhưng hoàng thượng lại quá yêu mến tỉ tỉ, cho rằng đây là một sự kiện không thể cho qua sơ sài. Ngài hạ lệnh cho phép tổ chức tiệc rượu nhỏ, thông báo với quần thần để họ đem quà tới vấn an. Vân Nga không thích rình rang màu mè nên nói trước chỉ mở tiệc gia đình.

(Chữ rình rang chuyên dùng để mô tả lễ hội, tiệc tùng lớn, sôi động)

Vào ngày sinh nhật, từ sáng sớm đã có từng tốp người rải rác tới điện Vân Sàng. Họ mang theo nào là của ngon vật lạ, các món sản vật quý giá, lạ mắt đến làm quà. Tỉ tỉ luôn vui vẻ mỉm cười nghe họ chúc tụng rồi biếu lại cho khách nào là chè, xôi, bánh nếp, mứt trái cây… tất cả đều do người chị em tôi cùng ba cung nữ trong cung làm. Vân Nga tỉ mỉ, cẩn thận trong hành xử như thế, càng khiến chúng quan lại thêm kính nể. Ngon nhất trong số đó chính là món chè xôi nước, ở đây gọi là “bánh trôi nước”. Cái thứ bánh dân dã quen thuộc này làm tôi nhớ tới bài thơ cùng tên của Hồ Xuân Hương:

“Thân em vừa trắng, lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son”.

Ăn bánh trôi nước, sở thích của tôi là “xoáy” hết viên ỷ. Ỷ chẳng qua là phần bột thừa khi làm bánh, bỏ đi thì tiếc nên tỉ tỉ vo thành viên nhỏ, thả chung vào nồi. Khi được hỏi tới chị lại bảo rằng ăn một viên ỷ sẽ thọ thêm một tuổi.Từ đó lúc nấu bánh trôi, ai cũng dùng bột thừa làm ỷ. Không ngờ Dương hậu nhà Đinh chính là người khởi xướng phong trào này. Mãi về sau khi nấu bánh trôi nước, người Việt ta vẫn làm theo cách đó.

Cứ như thế từ sáng đến tối, quà cáp đã chất đầy trong tẩm phòng. Bốn vị hoàng hậu cũng có ghé lại thăm hỏi đôi câu, trao quà rồi đi ngay. Đêm hôm đó, tiệc rượu chỉ có tỉ ti và hoàng đế. Tất cả mọi người đều lui ra, trả lại không gian riêng tư cho hai người.

Tôi cũng lặng lẽ về phòng mình, khép cửa lại. Hôm nay cũng là sinh nhật của tôi nhưng không ai biết. Ngước đầu nhìn mặt trăng lưỡi liềm trên cao, trong không gian đêm khuya tĩnh lặng, không khỏi có chút cảm giác cô đơn. Hai mươi tuổi, Dương Kiều Nga – thân phận hiện tại của tôi cũng đang trong thời kì xuân sắc. Tôi lặng lẽ ngồi xuống trước gương đồng, tháo khăn che mặt ra. Gương bằng đồng dù được đánh bóng cũng không rõ ràng như thủy tinh tráng bạc, dưới ánh nến lập lòe, chỉ mơ hồ nhìn ra một khuôn mặt nữ nhân. Khuôn mặt này mỗi ngày tôi luôn nhìn thấy từ tỉ tỉ. Vì chị em tôi quá giống nhau nên nhiều lúc tôi có cảm giác không thực, nhìn chính mình nhưng luôn nghĩ tới Vân Nga. Rốt cuộc thì nhan sắc này có thuộc về tôi không? Cho dù có cũng không ai công nhận, tôi chẳng qua chỉ là cái bóng bên cạnh tỉ tỉ. Nhan sắc khuynh thành này chỉ nên giữ phía sau khăn che, không cho ai thấy. Nếu có một tấm gương thủy tinh, tôi cũng muốn soi mình thật kĩ, muốn tìm một sự khác biệt, một chi tiết thôi cũng đủ. Cho dù cái chi tiết ấy trở thành khuyết điểm tôi cũng mong muốn mình không phải một bản sao.

Lần đầu tiên, tôi thấy phiền lòng vì vẻ đẹp của chính mình. Chẳng còn cảm giác đắc ý, huyênh hoang như trước. Dù không muốn thừa nhận nhưng tôi đã nảy sinh cảm giác ghen tị với chị gái của mình.

Cách đây vài tháng, nhà vua đã triệu vào cung một vị nho sĩ có tài vẽ tranh nổi tiếng trong dân gian. Ngài ra lệnh cho nho sĩ họa lại vẻ đẹp của Trinh Minh hoàng hậu. Tận mắt nhìn thấy Dương Vân Nga, ông ấy cũng ngẩn ra cả phút như hầu hết mọi người lần đầu gặp chị. Vừa đặt bút tỉ mỉ vẽ, ông vừa lễ độ khen ngợi. Ông nói, đôi chân mày lá liễu kia uống lượn như mây như núi, sóng mắt đong đưa như ngọn thủy triều, đôi môi đỏ thắm thốt nên lời vàng ngọc khiến không ai là không yêu. Cuối cùng vị nho sĩ kết luận: Trinh Minh hoàng hậu quả là khuynh quốc khuynh thành, là đệ nhất mỹ nhân của Đại Cồ Việt.

Tôi ngồi quạt cho tỉ tỉ, nghe ông ta miệng lưỡi trơn tru mà thấy phật lòng. Tôi rất muốn tháo nạm che mặt ra, hỏi xem tôi cũng là “quốc khuynh thành, là đệ nhất mỹ nhân của Đại Cồ Việt” như tỉ tỉ phải không. Rất tiếc là tôi không có can đảm đó, chỉ có thể mãi mãi giấu mình đi, trở thành một cô gái lúc nào cũng bịt kín, quái dị và gàn dở. Nói trắng ra là đẹp mà không có người ngắm thì càng thấy tủi thân chứ không lợi ích gì.

Thở dài một tiếng, tôi đeo lại khăn che mặt, lấy que tre khều tim nến, để ngọn lửa cháy bùng lên. Hôm nay có bao nhiêu người tới chúc mừng, nhưng tất cả đều không dành cho tôi. Họ đều không biết ngày này 20 năm trước còn có một Kiều Nga cất tiếng khóc chào đời và 1040 năm sau, cũng có một nàng tên Nga khác được sinh ra trên chốn nhân gian. Số phận trớ trêu khiến hai cô gái tên Nga trở thành một – là tôi bây giờ.

Trăng đêm nay không tròn mà vẫn thật đẹp. Cả kinh đô Hoa Lư chìm vào giấc ngủ rồi, nhà vua và hoàng hậu cũng đang hưởng thụ giây phút hạnh phúc bên nhau. Chỉ có mình tôi ngây ngốc ngắm trăng bên khung cửa. Ánh trăng lạnh bạc rọi vào từng kẽ lá, cây đào Nga My bên góc sân đứng ngủ im thin, cái bóng của nó đổ dài thành một mảng đen kì dị. Lác đác cứ một khắc là có lính vệ cầm đèn lồng tuần tra chung quanh. Họ chỉ đi phía xa xa chứ không rẽ vào cung điện. Gió cuối thu mang theo hơi lạnh đầu đông…

- Hắt xì!

Chắc phải khoát thêm áo vào thôi…

Tôi vừa quay người thì đột nhiên có tiếng động khe khẽ, nghe như tiếng ai đó đang dẫm lên mái ngói. Tiếng bước chân rất nhẹ nhưng vì đêm quá thanh vắng mà trở nên rõ ràng.

- Ai?

Không phải có thích khách đấy chứ? Tôi sẵng giọng hỏi, đưa mắt nhìn ra bên ngoài. Đáp lại chỉ có bóng đêm mịt mùng. Nương theo ánh trăng, tôi tìm kiếm một dấu hiệu khả nghi. Một lúc lâu mới có giọng nói lành lạnh đáp lại:

- Bây giờ là giờ tí canh ba, Dương quyến nữ nên sớm nghỉ ngơi…

Giọng nói này phát ra từ đâu đó phía trên. Tôi đưa đầu ra khỏi cửa, nhìn lên. Bóng người từ trên mái nhà nhảy vọt xuống cành bạch đàn gần đó, di chuyển lanh lẹ và khéo léo như họ nhà mèo, chỉ ngăn một tiếng “rắc” của nhánh cây nào đó gãy.

Hoa Bạch Đàn

- Kẻ nào đêm hôm khuya khoắt dám lẻn vào điện Vân Sàng?

Tôi vẫn không biết sợ mà hỏi. Dưới ánh trăng, bóng dáng cao cao đứng lặng giữa những tán lá, nếu không nhìn kĩ sẽ chẳng phát hiện ra, người đó giống như đã hòa làm một với màu đen thăm thẳm.

- Nô tài là cấm vệ trực đêm, thấy ở đây vẫn còn ánh nến nên lo sợ củi lửa dễ cháy, vào xem xét một chút thôi. Dương quyến nữ nên đi nghỉ sớm…

Giọng nói lè nhè rất khó xác định. Nghe có vẻ đây là một lính gác, giữa đêm khuya mà có nến cháy thì khả nghi thật, khó trách người ta lo lắng tới xem. Mà anh lính này cũng tốt bụng, biết nhắc nhở tôi đi ngủ nữa chứ!

- Đa tạ ngươi đã quan tâm, bổn cô nương khó ngủ nên chỉ hóng gió chốc lát. Ngươi còn có việc của mình, cứ mặc ta!

Tưởng nói vậy anh lính kia sẽ đi, ai dè người ta thích lo chuyện bao đồng.

- Đêm nay có sương lạnh, tiểu thư nên khoác thêm áo gấm.

- Biết rồi, biết rồi! Ta vừa định đi lấy áo đây. Người không sợ trễ phiên trực sao?

Ở đây hàng đêm đều có từng tốp cấm quân chia nhau thay phiên tuần tra mỗi canh giờ. Họ đổi ca cho nhau tại địa điểm đã định, đúng giờ mà chưa thấy người tức là đã xảy ra chuyện, khó tránh khỏi làm toàn đội cấm vệ khẩn trương náo loạn. Tôi tốt bụng nhắc nhở anh ta đừng lơi là trọng trách. Thế mà người nào đó hoàn toàn không để ý tới lòng tốt của tôi.

- Hôm nay trong điện bộn rộn, Dương tiểu thư cũng mệt rồi nên đi nghỉ sớm. Đã qua giờ tý, ngày sinh nhật đã hết rồi tiểu thư còn bận tâm gì nữa?

- Ngươi có ý gì? Ta không phải bận tâm chuyện đó… dù sao cũng là ngày sinh của hoàng hậu chứ đâu phải… mà thôi! Ngươi nói đúng, ta đi nghỉ đây… Ngươi mau mau tiếp tục việc của mình đi. Lính vệ trở nên lắm lời từ bao giờ vậy cà?

Vậy là sau ba lần người kia nhắc nhở “nên đi nghỉ sớm”, tôi cũng bị thuyết phục. Quay người bước về giường mới chợt nhớ mình chưa đóng cửa, gió lùa vào sẽ bị cảm ngay.

Tôi trở lại thì phát hiện có vật gì đó đặt trên khung cửa sổ. Đó là một nhánh quỳnh hương gói trong khăn lụa đỏ. Tôi ngơ ngác cầm lên xem, mùi hoa thơm lừng xộc vào mũi. Loài hoa này được mệnh danh là nữ hoàng của bóng tối, hoa chỉ nở về đêm, có khả năng phát sáng và nhất là hương thơm mê hoặc khứu giác con người.

Trong Tây cung không trồng loài hoa này, cũng như hoa xoan, hoa quỳnh bị tẩy chay. Đan Gia hoàng hậu nói rằng nó là loài hoa ma quái, không nên xuất hiện quanh nơi bà ở. Muốn tìm thấy một nhánh quỳnh không phải chuyện dễ dàng, chắc là nó được đem tới từ nơi nào rất xa…

Nhưng ai đã đặt nó ở đây? Bông hoa trắng muốt vẫn còn tươi rói. Tôi nhanh tay cắm nó vào lọ, đổ thêm tí nước. Giữa đêm, đóa hoa như sáng hẳn lên. Tôi ngồi ngắm một lúc rồi mới lẩm bẩm trèo lên giường, đắp chăn lại.

Aizzz… cấm vệ quân bây giờ cũng có tế bào lãng mạn gớm! Hoa để ở cửa phòng tôi thì tức là dành cho tôi, cứ coi như một món quà sinh nhật đi. Tỉ tỉ có bao nhiêu ngọc ngà châu báu, tôi được người vô danh tặng một nhánh quỳnh nhưng lòng vẫn thật vui mừng.

Khi trăng sắp tà, tôi mỉm cười ngọt ngào đi vào giấc ngủ.

Ngày sinh nhật thực ra cũng không tệ!

[1] nay là Vệ Linh, Sóc Sơn, Hà Nội


/59

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status