Khúc Ca Biệt Ly

Q.1 - Chương 12 - Chương 12

/90


.

Rất thần kỳ, có một đêm, tôi nằm mơ thấy mẹ.

Thời gian đã trôi qua lâu như vậy, đó là lần đầu tiên tôi mơ thấy mẹ một cách rõ ràng như thế. Mẹ mặc một chiếc váy màu xanh lá, sắc mặt hồng hào, tiếng cười giòn vang. Bà dùng bàn tay ấm áp nắm lấy tay tôi, khẽ thì thầm bên tai tôi: “Đi thôi, sinh nhật thứ 40 của A Nam, chúng ta hãy đi mua cho ông ấy một đôi giày da.”

Vừa nói xong, mẹ liền buông tay tôi ra rảo bước về phía trước, bà đi thật tình quá nhanh, tôi kêu la cố gắng rượt theo, bà ấy cuối cùng vẫn từ từ không thấy đâu nữa.

Khoảnh khắc lúc tỉnh giấc, mặt tôi đầy nước mắt.

Nước mắt tuy đến từ giấc mơ, nhưng lại chân thực đến vậy, đau như cắt. Tôi vùi đầu vào chăn, bỗng dưng muốn oà lên khóc lớn, mặc kệ hết thảy, khóc cho long trời lở đất.

Nhưng dĩ nhiên tôi không làm vậy. Bắt đầu từ ngày mẹ rời đi, tôi dường như đã mất đi quyền được khóc thành tiếng. Tôi chỉ nằm trong chăn âm thầm lau nước mắt, sau đó ngồi dậy, thay đồ đồng phục tươm tất, cầm lấy cà men thức ăn, chuẩn bị ăn bữa sáng rồi đi dự tiết tự học buổi sáng.

Đây là ngày thứ ba tôi theo học ở Thiên Trung. Điều kiện ở ký túc xá nơi tôi sống không tệ, ngoài tôi ra, còn có ba nữ sinh khác. Vì thời gian còn sớm, bọn họ đều còn đang ngủ ngon giấc. Tôi từ dưới huyện lên, so với những cô gái này, trên mặt họ toát ra một cảm giác kiêu ngạo và tự tin hơn. Tuy nhiên những điều này không có khả năng gây bất cứ sức ép gì đối với tôi, từ xưa đến nay, tôi đã quen tự cầu mong tồn tại trong mảnh đất trời của riêng mình, canh giữ lãnh địa của mình, tự theo đuổi vui thú của riêng mình.

Giống như câu nói cô chủ nhiệm đã từng có lần nói với tôi hồi ở cấp 2. Cô nói: “Mã Trác, em là một quả bom nguyên tử lẳng lặng nằm đó. Một khi nổ, thì nhất định sẽ kinh thiên động địa.”

Lời khen này đối với một học sinh mà nói thì chính là một vinh hạnh cao nhất. Nhưng tôi không hề dương dương tự đắc, mà lại đem nó chôn vùi trong lòng, dùng để tăng thêm dũng khí thôi thúc mình tiếp tục cố gắng.

Gió đầu thu tươi mát trong buổi sớm mai thoảng qua mặt tôi, tôi băng qua sân vận động lớn của Thiên Trung vào căng tin ăn sáng. Quanh sân vận động có rất nhiều cây bách, thẳng đứng ở đó, như từng người lính canh gác. Bảng quảng cáo dán một tấm quảng cáo phim bộ dành cho phái nữ, một cô gái xinh đẹp vươn cánh tay ngước lên trời, bên cạnh có ghi một dòng chữ: Tôi và lý tưởng của trời xanh. Âm nhạc đã bắt đầu được phát sóng trong phòng radio trường, nhẹ nhàng mượt mà, ưu nhã êm ái. Tốt quá, hết thảy đều giống y như tôi đã tưởng tượng, tôi nghĩ mình đã yêu mất hương bị của ngôi trường hơn trăm tuổi già dặn này, nó thuộc về tôi, tôi nên tới nơi này.

Tuy cuộc sống ở trường cũng chẳng có gì ngoài lên lớp, nghỉ ngơi, ăn cơm, ngủ, nhưng theo tôi thấy, vô cùng tốt đẹp. Tôi hưởng thụ bàn ghế trong lớp học, vì nghênh tiếp học sinh mới mà đã được sơn nước sơn mới, hưởng thụ máy nước nóng lạnh được ký túc xá sắm, hưởng thụ lầu thực nghiệm và thư viện trường to lớn đẹp đẽ, hưởng thụ mảnh đất sau núi của trường với những bông hoa lớn đang nở và lá khô trải dày trên mặt đất, hưởng thụ những đãi ngộ mà trước giờ tôi chưa bao giờ có được ở trường học. Hưỏng thụ những đêm cực khổ học bài sau đó mơ những ước mơ sẽ có được tất cả. Đúng vậy, tôi hưởng thụ, hơn nữa rất quý trọng.

Lịch học ở Thiên Trung hoàn toàn không đáng lo ngại như tôi tưởng tượng, giáo viên cũng không nghiêm khắc như tôi tưởng tượng. Khai giảng đã được ba hôm rồi, mà giáo viên chủ nhiệm giờ mới bảo mọi người tự giới thiệu mình trong giờ ngữ văn.

Chủ nhiệm lớp chúng tôi là một thầy giáo, rất trẻ, đoán chừng cỡ ba mươi tuổi. Thầy có một cái họ khá kỳ cục, họ “Sảng” (“sướng!” “quá đã!”). Lời mở đầu của thầy chính là: “Các em ưu tú, tôi liền sướng!” Mọi người cười nghiêng ngả. Các bạn học đều rất yêu mến thầy, thân thiết gọi thầy là “thầy Sướng.” Giọng thầy Sướng nói tiếng Quan Thoại nghe rất trầm ấm, cũng rất khiến người ta cảm thấy được khích lệ: “Đậu vào Thiên Trung, mọi người đều là niềm kiêu hãnh của thiên hạ. Hôm nay, thầy không giảng bài, cho các em mỗi em nửa phút lên bục giảng tự mình quảng cáo cho bản thân. Chỉ trong nửa phút ngắn ngủi, hy vọng mọi người bắt lấy cơ hội, bộc lộ bản thân, phán lời giật gân!”

Không phải nghe giảng tựa như là một điều rất đáng ăn mừng, các bạn đều rất hân hoan, ngoan ngoãn người này tiếp nối người kia lên bục giảng. Thành tích của tôi lúc đậu vào trường không thấp, các lớp hiện giờ học đều là lớp trọng điểm, mỗi một học sinh nam nữ trong lớp tôi đều đích thật vô cùng xuất sắc, tuy chỉ là một tiết mục tự giới thiệu vô cùng ngắn gọn, cũng có thể đủ màu đủ sắc, chiếm được từng tràng pháo tay hoặc cười vang của cả lớp.

Người đầu tiên lên bục là một nam sinh ngồi trước mặt tôi. Gần như ngay lúc giọng của thầy Sướng vừa nói xong, cậu ta đã bật ngay dậy, vài bước xông lên bục giảng. Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên là, giọng nói của cậu ta rất nhỏ, vừa lên đến bục liền không ngừng đẩy gọng kính, không nói được một câu trọn vẹn nào, rất không ăn khớp với bộ dạng dũng cảm của cậu ta khi bước lên bục giảng. Trong lớp học có mấy phút ngượng ngùng, sau đó cả phòng bùng lên một trận cười vang dội.

Thầy Sướng ngăn mọi người lại: “Xin các em giữ yên lặng!”

“Tiêu Triết, khỏi cần giới thiệu đi, mọi người đều nhớ cậu rồi!” Học sinh trường trung học trọng điểm đều rất cao ngạo, hầu như chẳng ai nghe lời cậu ta, trái lại còn có nam sinh mượn cơ hội để chế giễu cậu ta. Cậu ta bất chợt như bộc phát một năng lượng bùng nổ, gào lên: “Tớ tên là Tiêu Triết! Tớ là người đầu tiên lên bục giảng, bởi vì motto của tớ chính là: vĩnh viễn giành số 1. Hy vọng mọi người nhớ kỹ tớ!”

Câu nói cuối cùng, cậu ta thậm chí còn hét đến khản cả giọng. Gào xong, cậu ta đỏ gay mặt loạng choạng chạy xuống bục. Nhan Dự Dự, bạn cùng bàn với tôi khinh bỉ hừ một tiếng bằng mũi, trông ra có vẻ như họ đều đã biết mặt cậu ta.

Lúc đến phiên tôi, tôi đặt sách xuống, bước lên bục giảng, nói: “Mình tên Mã Trác. Sở thích của mình là đọc sách. Hy vọng có thể kết bạn với mọi người. Cám ơn các bạn.”

Nói xong, tôi khom người cúi chào một cái, xuống bục.

Tiếng vỗ tay mới đầu rải rác, cuối cùng vẫn lịch sự vang lên một tràng.

Chắc đó là một màn tự giới thiệu tầm thường nhất, nhưng tôi hoàn toàn không cảm thấy có gì đáng xấu hổ, bởi vì ở nơi này, tôi chỉ muốn đóng một vai trò tầm thường.

Lúc tan học, bạn cùng bàn Nhan Dự Dự sáp tới bên tai tôi nói một cách hiếu kỳ: “Nghe nói cậu là thủ khoa của huyện mình à?”

“Cũng bình thường thôi.” Tôi đáp.

“Cái gì mà kêu bình thường thôi?” Cô ta cười, “Cách cậu trả lời câu hỏi thật kỳ lạ.”

Tôi cười cười với cô ta. Cô ta cúi đầu, bất chợt rất thân thiết đá giày thể thao của tôi một cái nói: “Đừng mang loại nhãn hiệu nhái này nữa, chốc nữa tớ giới thiệu cho cậu hai hiệu giày nhái nổi tiếng nhất của năm nay, tớ có thể lấy được chất lượng hạng A, không mắc.”

“Không cần đâu.” Tôi nói, “Cám ơn cậu.”

Cô ta có vẻ không vui lắm, cúi đầu thu dọn đồ đạc sách vở bỏ đi.

Dần dần tôi phát hiện, Nhan Dự Dự là một người rất say mê theo đuổi hàng hiệu, cặp của cô ta là hiệu Jansport, giày thể thao của cô ta là Pro-kids, đến cả kẹp tóc cũng là đồ của Hello-Kitty. Dưới sự nhồi sọ như có như không của cô ta, tôi mới từ từ hiểu biết về những nhãn hiệu này đôi chút. Trước đây dưới cấp 2, một đôi giày Nike là đã đủ để cả lớp sùng bái, nhưng cũng chưa từng bao giờ gặp qua một người cuồng hàng hiệu kiểu này. Theo đuổi mốt là một loại ma tuý, trong lớp chúng tôi, rất nhiều nữ sinh yêu chuộng ảnh hưởng của cô ta, bắt đầu mua đồ của cô ta, cô ta vui vẻ bận rộn buôn bán những món hàng nho nhỏ này, có người bảo trong một tháng cô ta có thể kiếm được gần mấy ngàn đồng. Tuy rằng không biết có phải thật hay không, nhưng tôi biết, khách hàng của cô ta quả thực rất đông, chỉ là, mang tiếng là người ngồi cùng bàn với cô ta, tôi vẫn luôn không phải một trong bọn họ.

Không phải là tôi tiếc không muốn tiêu tiền, mà là tôi thật sự không cần đến những thứ đó.

Lúc cô ta tìm cách thúc đẩy tiêu thụ một lọ kem bôi mắt hàng nhái Clinique với tôi lần thứ N, tôi cảm thấy cô ta có vẻ như bắt đầu ghét tôi.

“Này!” Cô ta không cam tâm nhíu mày, đan hai tay vào nhau đặt trên mặt bàn, bộ dạng nhăn nhó nhìn tôi nói: “Tớ là vì muốn tốt cho cậu. Cậu ngày nào cũng đọc sách đến khuya như vậy, không chăm sóc làm sao được? Cậu thật tình cho là da dẻ làm bằng sắt sao?”

Thấy mặt tôi tỉnh bơ, cô ta lại nói: “Giá hữu nghị, thế nào?”

“Tiền đối với cậu mà nói thật quan trọng đến vậy sao?” Tôi hỏi một cách đầy thắc mắc.

“Cậu không mua thì không mua, nói nhiều làm gì chứ! Làm ơn mắc oán!” Cô ta hơi nổi giận, mặt đỏ lên, tiện tay vứt chiếc lọ kem bôi mắt xinh xắn vào lại trong ngăn bàn. Lúc này, chuông vào lớp vang lên.

Cô ta kéo chồng sách của cô ta ra đến chính giữa của hai chỗ ngồi, nguyên tiết học đều là chống tay sau lưng ngồi nghe giảng. Thế là mấy ngày sau đó cô ta đều không nói chuyện với tôi. Lúc gặp mặt nhau trong ký túc xá, cũng không buồn gật đầu, ngoắt vai lướt qua.

Tôi mừng húm.

Mãi đến buổi chiều một ngày kia, lúc trong phòng vệ sinh, nghe đám nữ sinh bàn tán:

“Cái gì nó cũng không biết, học anh văn thật giỏi thì được tích sự gì? Tớ cá với cậu, ngay cả CHANEL cũng sẽ đọc sai thành CHANNEL!”

“Nói bừa, nó căn bản không biết CHANEL là thứ gì đâu.”

“Chắc nó tưởng là tên của một loài hoa, ha ha.”

“Đừng làm khó người ta nữa mà. Nghe nói ba nó mở tiệm tạp hoá trong thị xã dưới huyện, PEHCHAOLIN (kem dưỡng da rẻ tiền) không nói làm gì, những hiệu khác thì nó biết khỉ gì chứ?”

Bọn họ vừa dùng giấy lau tay cho khô, vừa đứng trước bồn rửa mặt mồm năm miệng mười, trong đó có cả Nhan Dự Dự. Bọn họ không hề để ý chút gì đến tôi ở phía sau.

Mãi đến khi tôi nói: “Tránh cái.”

Bọn họ nhìn nhau, mấy nữ sinh tiu nghỉu bỏ ra ngoài. Tôi và Nhan Dự Dự nhìn nhau, tôi bình tĩnh nhìn lại cô ta, cuối cùng làm cho cô ta đỏ bừng mặt lên, cô ta xoay người sải bước nhanh chóng rời khỏi phòng rửa tay.

Tôi mở vòi nước lên hết cỡ, hung hăng chà sát mặt mình một vốc.

Tôi ra khỏi cánh cửa lớn của phòng vệ sinh, đứng trước cửa duỗi thắt lưng một cái, hít vào một hơi không khí trong lành ngoài trời. Tôi không phải không chịu được khi nghe người ta ngồi lê đôi mách, từ bé, tôi đã sống trong bao vây của những lời đồn, không có cha, không có mẹ, con rơi, người ngoài. Không sao cả, những lời này thật tình không sao cả.

Giờ đây, đã mười sáu tuổi rồi, tôi đã dày dạn mưa gió. Phải biết rằng, ai cũng không thể ảnh hưởng đến ý chí chiến đấu của tôi, ai cũng không thể cản trở lòng tự tin tôi đã bồi đắp bấy lâu nay, tôi nhất định phải giống như một ngọn cỏ dại không sợ trời không sợ đất, đội đất chui lên, sinh sôi nảy nở. Đến khi bọn họ phát hiện được vẻ đẹp của tôi, trừ vỗ tay tán thưởng, sẽ không còn lựa chọn nào khác.

Đấy mới chân chính gọi là “sướng” !

hết chương 12 Đăng bởi: admin


/90

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status