Hẹn Ước Nơi Thiên Đường

Chương 26 - Chương 26

/31


Đúng bảy giờ sáng, Lâm Tinh nằm lên xe đẩy. Y tá đẩy xe đi dọc theo một hành lang quanh vào phòng mổ. Cô khỏa thân nằm đắp cái chăn mỏng giống như hai mươi mốt năm trước đến với thế giới này. Bây giờ cô đang theo một hành lang dài và tối, đến một cuộc đời mới, hoặc có thể nói, đi đến điểm cuối của cái chết. Cô đã được bác sĩ thông báo, phẫu thuật vẫn tồn tại khả năng thất bại và nguy hiểm. Cô không kịp nghĩ cứ thế ký tên vào nơi mà lẽ ra là của người thân phải ký. Cô không có một người thân nào để ký chữ ký ấy.

Lúc ký tên, tâm trạng cô vẫn đau khổ và sợ hãi lạ kì, cho dù cô ở thế giới này rất cô đơn, nhưng cũng khó nói một câu hào hùng “một mình đi lại đỡ vướng bận”. Bởi cô còn một vướng bận không thể nào từ bỏ - nếu cuộc phẫu thuật thất bại, nếu xảy ra chuyện ngoài dự đoán - không còn được gặp lại Ngô Hiểu. Cô nghĩ, không biết Ngô Hiểu có biết vào phút chót, cô vẫn chờ anh không?

Đêm trước hôm phẫu thuật, cô hết sức trân trọng, lặng lẽ viết di chúc. Mở đầu di chúc cô viết mấy chữ: “Anh Hiểu thân yêu” rất ngay ngắn, nhưng nét bút trong thư lại viết ngoáy, không kiềm chế nổi nỗi kích động. Ngàn ý vạn lời cứ trào lên đầu ngòi bút, đặt bút viết lại không biết nói gì, tâm trạng buồn thương lúc xa nhau trở nên đơn giản:

Anh Hiểu thân yêu,

Ngày mai, có thể em sẽ vĩnh viễn xa anh. Lúc này lòng em vô cùng cô đơn. Thời gian chúng ta sống bên nhau quá ngắn ngủi, em vẫn chưa kịp đền đáp niềm vui anh đem đến cho em. Nếu người chết vẫn có linh hồn, em rất muốn được thấy anh hạnh phúc, sẽ có một người con gái hơn em, yêu anh! Có thể sau này anh nuôi một con mèo ngoan, thì đó là hóa thân của em.

Cho em hôn lên tên của anh, Ngô Hiểu!

Lâm Tinh

Những lời từ biệt khiến cô rơi lệ, chợt nhớ đến khoản tiền kia, phía dưới tên mình cô viết thêm một hàng chữ nhỏ:

Đồ dùng của anh, em khóa trong tủ áo quần ở nhà chúng ta. Anh nhất định phải về đấy lấy.

Viết xong, cô suy nghĩ một lúc, không nghĩ ra điều gì cần phải dặn dò thêm. Rồi cô tô son lên vành môi, hôn thật lâu bức thư, để vành môi và những giọt nước mắt của mình in lên hai chữ Ngô Hiểu. Cô bỏ thư vào phong bì, ngoài bì đề tên người chơi dương cầm và ghi rõ chuyển cho Ngô Hiểu. Cuối cùng, cô ép phong thư xuống dưới gối.

Tám giờ sáng, ca phẫu thuật bắt đầu. Mũi thuốc tê tiêm vào lưng, cô thấy đau, nhịp thở gấp gấp. Có tiếng người hỏi ở phía sau: “Đau không?” Cô lắc đầu, nói không đau. Người kia lại nói: “Hít vào thật sau, đừng căng thẳng.” Cô chú ý tiếng “tút tút” của cái máy gì đó ở bên cạnh. Tiếng máy như đếm từng giây từng phút, khiến con người có cảm giác thời gian đang mất dần.

Cô nghe thấy tiếng dụng cụ phẫu thuật va chạm leng keng, thỉnh thoảng lại có tiếng nói của bác sĩ: “Lấy miếng gạc này ra... số một... hút... chuẩn bị kẹp mạch máu, nhanh lên!... Huyết áp một trăm bốn mươi... chín mươi lăm, lấy cho Chủ nhiệm cái ghế cao. Cho bàn mổ xuống thấp một chút...” Cô biết hôm nay bác sĩ Chủ nhiệm trực tiếp cầm dao mổ. Tuy không nhìn thấy, nhưng cô biết có rất đông bác sĩ ở bên cạnh.

Trước lúc mổ, bác sĩ không nói gây mê toàn thân hay gây tê cục bộ. Nhưng ca mổ bắt đầu không lâu thì cô ngủ thiếp đi, ngủ như chết, không mơ thấy gì. Lúc tỉnh lại ca mổ đã kết thúc. Cô nằm trong phòng bệnh, bác sĩ, y tá vẫn đứng quanh đấy. Cô muốn gọi bác sĩ Chủ nhiệm, ông không có mặt. Một bác sĩ trẻ cúi xuống nhìn cô, hỏi: “Tỉnh chưa? Có đau không?” Giọng nói của cô như bị chẹn trong lồng ngực, không phát ra nổi. Hồi lâu sau cô mới nói: “Không đau.” Giọng nói yếu ớt. Bác sĩ yêu cầu: “Nói to lên.” Cô cố gắng nói: “Không đau.” Thấy cô đã nói được, bác sĩ cười yên tâm, nói: “Ca mổ rất tốt, yên tâm, quả thận sống rồi!”

Toàn thân cô không còn sức lực, mềm nhũn, mất hết tri giác, nhưng cô vẫn cố đẩy chút hơi cuối cùng lên đầu lưỡi, xác nhận với bác sĩ: “Sống chưa?”

“Sống rồi, lúc ghép màu sắc thận rất tốt, không bị thâm, cũng không bị tổn thương, chứng tỏ tuần hoàn rất tốt. Nó sẽ giúp cô đi giải.”

Lâm Tinh khóc, cô biết mình đã được cứu sống.

Sau phẫu thuật, cô phải nằm viện một thời gian dài, chờ cho sức khỏe hoàn toàn bình phục. Bác sĩ và y tá đều rất tốt, còn tìm cho cô một điều dưỡng viên chuyên cho ăn uống, thuốc men và chăm sóc sớm tối. Cô nghĩ, không biết mình đã tích đức từ bao giờ? Cho dù trước khi mổ cô vẫn tự hỏi, nhưng bác sĩ không nói ai đã chịu toàn bộ chi phí ca mổ.

Sau ngày mổ, lần đầu tiên được xuống giường đi lại, cô đến ngay văn phòng bác sĩ Chủ nhiệm khoa tiết niệu. Cô nói, Thưa bác sĩ, tôi đã khỏe, rất cảm ơn bác sĩ. Bác sĩ Chủ nhiệm khoa nói, Cảm ơn gì tôi, đấy là công việc của chúng tôi. Cô nói, Xin bác sĩ cho tôi biết, ai đã cứu tôi? Bác sĩ Chủ nhiệm nói, Người ta yêu cầu tôi giữ bí mật. Thế này nhé, tôi sẽ nói với người ấy tâm nguyện của cô, tốt nhất để người ấy nói với cô.

Sau đấy không có tin tức gì, mấy hôm sau cô nghe nói bác sĩ Chủ nhiệm ra nước ngoài nghiên cứu, đi nhiều ngày mới về. Cô trả điều dưỡng viên, vì không yên tâm chịu đựng nổi một điều dưỡng viên tính chi phí theo giờ cao như vậy. Sau mổ còn phải lọc máu, tiền nằm viện, tiền thuốc, mỗi ngày ba bữa ăn... tất cả phát sinh hàng ngày, giống như quả cầu tuyết càng lăn càng lớn, lẽ nào không cần cô phải dùng cách nào đó để thanh toán hay sao?

Mùa đông đã đến, trước trận tuyết đầu tiên cô ra viện. Nhà ở ngõ Dương Châu vẫn chưa đốt lò sưởi, trong nhà lạnh và bụi thật tiêu điều thê lương. Cô ra viện, bữa ăn đầu tiên không ăn ở nhà. Nhà không có gì, những thứ trong tủ lạnh đã hỏng hết. Cô ra ngoài, ngồi xe buýt đến một phố nhỏ. Ở đấy có một hàng cơm cô đã ăn một bữa nhưng rồi không thể nào quên, đấy là nhà hàng “Tiểu Tứ Xuyên”.

Trong quán khách ăn rất đông, nhưng căn phòng hôm hai người mở tiệc cưới vẫn chưa có khách, bàn ghế cũ kỹ, bày biện sơ sài. Cô vào, gọi món cơm cháy, đấy là món hôm cưới Ngô Hiểu thích ăn nhất. Tuy đã qua lâu rồi, nhưng tất cả những gì của buổi tối hôm ấy vẫn hiện lên trước mắt khiến cô nhớ lại. Buổi hôn lễ không có phù dâu, không có phù rể, không có chủ hôn, không có song thân phụ mẫu, thậm chí không có bất cứ một thủ tục nào, nhưng là thời khắc long trọng nhất, vui mừng nhất và cũng thiêng liêng nhất trong đời cô. Rất lâu sau đấy họ mới biết theo tục lệ hôn lễ phải tổ chức vào buổi trưa. Đám cưới buổi tối chỉ là đám cưới lần thứ hai.

Cô nghĩ, hay là vì chọn nhầm thời gian, hạnh phúc của họ mới ngắn ngủi như vậy?

Cô lại nghĩ, hôm ấy tay chơi organ say rượu, lời nói lúc say là lời nói thật. Cậu ta bảo trong hoàng lịch ghi hôm ấy không phải là ngày cưới hỏi. Lẽ nào họ đã đụng vào quy tắc linh nghiệm nên hạnh phúc mới ngắn ngủi như vậy?

Cô nhìn những khách ăn ngoài kia. Tất cả đều nói cười vui vẻ, trông ai cũng phấn khởi, có thể là sắp sang năm mới. Đang là những ngày cuối năm, cũng là mấy ngày cuối cùng của thế kỷ, lại là mấy ngày còn lại của thiên niên kỷ này. Theo cách nói của tôn giáo nào đó ở phương Tây, không những đây là kết thúc một kỷ nguyên mà còn là ngày tận cùng của nhân loại. Nhưng nhìn những người kia, ai cũng vui, tất cả trong tâm trạng ngày hội. Có thể thấy tôn giáo phương Tây khó vào được lòng người Trung Quốc, Trung Quốc vẫn tin năm Rồng nhiều may mắn, trong nhà hàng này dán đầy quảng cáo rượu nho, trên quảng cáo đều in thật to ba chữ Thiên Hỉ Cát. Lâm Tinh nghĩ, mình cũng nên vui, cuối cùng mình khỏe mạnh ra viện, bước vào cuộc sống, bước vào thế kỷ mới. Trong thế kỷ mới này cô vẫn có thể đi thật xa, thật xa.

Ngày ba mươi mốt, tháng Mười hai năm 1999, toàn thế giới không còn việc gì khác. Tất cả đang tưng bừng tống tiễn giờ phút cuối cùng của một thời đại, nghênh đón tia sáng đầu tiên của thiên niên kỷ mới. Bất kể một quốc gia nào, bất kể một dân tộc nào, bất kể theo tín ngưỡng tôn giáo nào, bất kể đối phương là kẻ địch, vào lúc nhân loại đối diện cùng một thời điểm, tâm tình đều giống nhau. Trên truyền hình, các nhà lãnh đạo chính trị của thế giới, các nhà khoa học, các nhà văn, các ngôi sao, tất cả đều kích động nhìn lại quá khứ và hy vọng ở tương lai. Người bình thường cũng vậy, vào lúc tống cựu nghênh tân ai cũng có những mong muốn và tâm nguyện. Lâm Tinh nghĩ, mong rằng mấy tiếng đồng hồ sau hồi chuông vận may lại đến với mình.

Vào đêm cuối cùng này, khắp các thành phố trên thế giới chắc chắn đều có một trung tâm, giống như đàn tế, để các nhà lãnh đạo cùng giới tinh anh thay mặt nhân loại nghênh tiếp bình minh đầu tiên của thiên niên kỷ thứ hai trong một nghi thức thiêng liêng. Những nhân vật nhỏ, người dân thường cùng lúc với giới tinh anh thay mặt và đối thoại với thời đại, cũng muốn cùng với người thân, bạn bè và những người không quen biết, tìm một nơi tụ tập, chân thành cầu chúc cho những người bình thường, những tấm lòng ẩn giật, sự nghiệp thành đạt, con cái yêu thương. Lâm Tinh nghĩ, mình đi đâu? Cùng với ai? Cầu chúc gì?

Một mình cô trong căn hộ hai phòng không bật đèn trong ngõ Dương Châu, ngồi cho đến mười giờ đêm, rồi đi xuống, ra phố. Đường phố sắp hết người qua lại. Vào lúc này mọi người nếu không ở nhà cùng tống cựu nghênh tân thì cũng đi tham gia các hoạt động. Ở đâu cũng có những hoạt động chúc mừng đủ màu sắc; chính thức và không chính thức, của nhà nước và của dân gian, có tổ chức và tự phát... Không ai như cô một mình đi lang thang trên phố vắng. Cô nhớ lại, đã có lần cùng Ngô Hiểu bàn xem vào lúc giao thời của thiên niên kỷ hai người sẽ đi đâu, họ bảo đến Đài Thế kỷ, Trường thành và những nơi vĩ đại khác, nhưng đều biết đấy không phảỉ là những nơi họ có thể đến, cô nhớ, hai người xác định đến nơi lần đầu tiên gặp mặt. Đấy là quán bar Thiên Đường.

Bar Thiên Đường đã đông người, hầu hết là thanh niên. Có không ít khách nước ngoài. Mọi người đều mặc những bộ đồ kỳ lạ, trang phục giống như các phái cách mạng đã hẹn nhau từ trước. Trên sàn diễn vẫn là ban nhạc Thiên Đường. Ban nhạc không còn cây saxophone. Họ lần lượt trình diễn những tiết mục có tính tiêu biểu của các nước trong thế kỷ hai mươi, khiến mọi người cảm thấy trong góc nhỏ này cũng không tách biệt khỏi ngọn triều hồi tưởng của toàn thế giới. Lâm Tinh không tìm được chỗ ngồi. Cô đứng dựa tường, duới bóng tối của ngọn đèn. Hôm nay rất nhiều người đứng, đứng nói chuyện, uống rượu, xem ti vi, chờ tiếng chuông.

Còn hơn một tiếng đồng hồ nữa mới có tiếng chuông. Người chơi dương cầm của ban nhạc đến trước micrô nói chuyện với mọi người. Anh nói: “Các bạn thân mến, xin các bạn im lặng, cho phép tôi nói đôi lời. Buổi biểu diễn của chúng tôi sắp kết thúc, lát nữa chúng tôi sẽ tiếp sóng hoạt động buổi lễ đón chào thế kỷ mới. Vào thời khắc vô giá ngàn năm mới có một lần, vào giờ phút thiêng liêng này mọi người nghĩ đến tương lai, cũng có những người hồi tưởng lại quá khứ, hồi tưởng lại rất nhiều thời điểm tốt đẹp của quá khứ và rất nhiều bạn bè tri âm. Tôi cũng vậy, tôi nghĩ đến ban nhạc Thiên Đường của chúng tôi trong quá khứ, nghĩ đến người anh em chơi saxophone của chúng tôi. Rất nhiều bạn yêu thích ban nhạc Thiên Đường đã hỏi chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng không biết anh đi đâu. Nửa năm trước đây, anh sau một cú sốc tình cảm khó có ai chịu đựng nổi. Chúng tôi không biết anh đã đi đâu Tôi nghĩ, anh sẽ không quay về. Chúng tôi chỉ có thể chúc cho anh mãi mãi như trước kia, vui vẻ, hăng say, sống lương thiện. Tôi có một đề nghị, mọi người hãy nghe lần cuối chúng tôi chơi bản nhạc ‘Hẹn ước nơi Thiên đường’, coi như lời chào tiễn biệt năm 1999 của bạn nhạc chúng tôi gửi đến các bạn. Hẹn gặp lại thế kỷ sau.”

Anh nói rất xúc động, lời nói chứa đựng cả dòng nước mắt nóng ấm. Trong tiếng vỗ tay, bản nhạc “Hẹn ước nơi thiên đường” vang lên. Tay chơi dương cầm và toàn ban nhạc cũng là người nghe, đều yên lặng nhìn lên màn hình treo ở các góc, trên đấy là những hình ảnh tuyệt vời của chương trình MTV. Lâm Tinh biết, trời xanh và biển xanh trên màn hình kia là ở Đại Liên hồi mùa hè năm nay. Ngô Hiểu quay ra mặt biển nơi mặt trời vừa lên, chơi saxo, âm thanh dìu dặt. Cả bar Thiên Đường im lặng lắng nghe.

Vào lúc cao trào của âm nhạc, Lâm Tinh đi qua đám người, ra cửa. Đường phố yên tĩnh, không có một chiếc taxi nào chạy qua. Cô thả bước đi về nhà mình ở ngõ Dương Châu, trong đầu vẫn văng vẳng tiếng nhạc vừa rồi. Cô không muốn đứng ở nơi đông người. Cô không hòa đồng được với những con người cười nói vui vẻ kia. Cô chỉ muốn cùng với Ngô Hiểu người yêu của mình qua cái đêm không bình thường này trong tâm tưởng.

Lâm Tinh chậm bước, những giai điệu cứ kéo dài mãi trong tim, nhớ lại những ngày ấm áp đã qua. Mỗi một tình tiết cuộc sống ghi đậm trong lòng và cả những gì rất đỗi bình thường đưa đến niềm thương cảm, khiến bước chân cô trở nên nghiêng ngả. Lúc này, không biết từ đâu mờ tỏ vang lên tiếng reo hò của mọi người. Cô biết bước chân nghiêng ngả vừa rồi đã ra khỏi năm 1999 và bước vào năm 2000, một kỷ nguyên đầy ước mơ.


/31

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status