Hắc Bạch Hương Hồ Ký

Chương 8 - Khuất Gia Vô Quí Tế - Thiên Sư Hữu Kỳ Hoa

/29


Chàng từng nghe Lư Giang Tiên ông kể rằng Trương Thiên Sư có một thứ nam tính tình phóng đãng, vừa háo sắc vừa có máu đỏ đen, nhiều phen làm khổ mẹ cha! Nhưng chẳng lẽ ngồi yên làm ngơ, Tư Đồ Sảng liến nói :

- Bẩm Giáo chủ sư huynh! Việc của gia đình Thiên Sư cũng chính là việc của Bổn Giáo! Nếu tiểu đệ làm được gì quyết không tiếc sức!

Trương Hàn Vũ cười khổ, kể lể :

- Lão phu kém đức nên sinh ra một gã bất trị, tủi hổ cho tông môn!

Trương Trạm là con trai thứ, năm nay tuổi dã tam thập mà tính tình nông nổi, hoang đàng, chẳng chịu tu hành mà chỉ lo ăn chơi đàng điếm!

Nửa tháng trước, gã cậy tủ lấy trộm một vạn lượng vàng trong ngân quỹ của bổn giáo rồi trốn đến Nam Xương đánh bạc! Không những gã cháy túi mà còn mắc nợ người ta bảy ngàn lượng nữa!

Trạm nhi cho rằng đối phương chơi bạc bịp nên cãi cọ rồi đi đến xô xát đánh gã kia trọng thương!

Khổ thay, cái gã Lâm Viễn Toại ấy lại là đồ đệ cưng của Tiên Nhân động chủ, một đại cao thủ tuổi tám mươi, ẩn cử ở núi Lư Sơn đã ba mươi năm! Tiên Nhân động chủ Tất Linh Kỳ cũng có mặt ở gần đổ trường nên đã bắt Trạm nhi mang về Tiên Nhân động và gởi thư đòi lão phu phải mang vàng đến chuộc! Ngoài số nợ bẩy ngàn lượng, lão phu còn phải bồi thường thương tích cho Lâm Viễn Toại thêm ba ngàn lượng nữa! Lão thở dài, rầu rĩ nói tiếp :

Dẫu sạt nghiệp thì lão phu cũng phải chuộc con mình về để bảo toàn thanh danh cho Thiên Sư giáo! Nhưng ác nỗi Động chủ lại còn kèm thêm một điều kiện là phải có người đỡ nổi lão ba chiêu kiếm! Bổn giáo có thể lần lượt cử ai đi cũng được, song mỗi khi đại biểu bị thua thì mất ba ngàn lượng! Lão ta nổi tiếng máu mê cờ bạc nên mới bày ra trò này! Lão phu đã gởi thư đến Quế Lâm để mời sư thúc hỗ trợ song khổng ngờ người đã rời Quảng Tây và tọa hóa ở Hành Sơn.

Trương giáo chủ nghẹn ngào một lúc bỗng nghiến răng lộ vẻ kiên quyết :

- Lão phu sẽ bỏ mặc tên nghịch tử ấy rồi đóng cửa sám hối ba năm để tạ tội với tổ tiên và trăm vạn giáo chúng trong thiên hạ!

Bốn vị Hộ pháp có vẻ hài lòng trước quyết định ấy nên không ngăn cản Giáo chủ! Nếu cố bám theo vụ này thì Thiên Sư giáo sẽ nghèo rớt mồng tơi!

Tư Đồ Sảng từ tốn nói :

- Xin Giáo chủ sư huynh bớt lo âu! Tiểu đệ tự tin có thể đưa được Trương Trạm trở về!

Trương giáo chủ đang tuyệt vọng nên bám lấy tia hy vọng này, song vẫn còn nghi ngại! Riêng Vu Hồ chân nhân thì buột miệng nói ngay :

- Sư đệ suy nghĩ cho kỹ rồi hãy hành động! Ngươi mà thua thì bổn giáo lại mất toi ba ngàn lượng đấy!

Tư Đồ Sảng mỉm cười đáp :

- Tiểu đệ sẽ tự thanh toán nếu không đỡ nổi ba chiêu của Tiên Nhân động chủ!

Ai nấy kinh ngạc vì không ngờ chàng lại giàu đến thế!

Tư Đồ Sảng quay sang bảo gã đạo sĩ hầu trà :

- Phiền sư điệt ra ngoài cửa Thùy Hoa, bảo thủ hạ của ta mang hành lý vào đây!

Gã này tuổi mới đôi mươi, đạo danh Linh Tiếu Tử, học trò nhỏ nhất của Giáo chủ! Lúc nào trông gã cũng như đang cười nên mới được đặt tên ấy!

Nghe chàng sai bảo, gã lập tức nhoẻn miệng cười rất tươi, để lộ hàm răng không đều, có hai răng chiếc nanh nhọn. Trong tướng pháp, người có hàm răng như thế thường hoạt bát, vui vẻ và tinh quái!

Gã rảo bước đi ra ngoái, lát sau dẫn Huyết Báo vào đến!

Tư Đồ Sảng đứng lên giới thiệu song phương. Cái tên Liễu Mộ Hào rất xa lạ và không nổi tiếng nên chẳng khiến ai chú ý!

Tư Đồ Sáng mở tay nải của mình, lấy túi lụa đựng Hồng Bảo Ngọc, đổ ra mặt bàn. Ánh Hồng rực rỡ chớp ngời làm lòa mắt năm kẻ tu hành.

Thì ra Đàm Châu đại hiệp Khuất Kỳ giận dỗi vì thái độ ương bướng của chàng nên đã trả lại Hồng Bảo Ngọc, kể cả những viên mà Thúy Lan đã xin! Ông tự hào mình là con cháu bậc danh nhân lịch sử nên không thể chấp nhận cho con gái ngang hàng với hạng nô tỳ!

Khuất phu nhân khoáng đạt hơn song không thề cãi chồng!

Tư Đồ Sảng hòa nhã nói :

- Bẩm Giáo chủ! Số Hồng Bảo Ngọc này trị giá khoảng sáu vạn lượng vàng. Tiểu đệ xin dâng nạp vào ngân quĩ của bổn Giáo để hoằng dương đạo pháp và chẩn tế tai dân khi có dịp! Ngưỡng mong Giáo chủ thể tất tấm lòng thành của tiểu đệ mà thu nạp!

* * * * *

Sáng mùng mười tháng sáu. Thiên Sư giáo chủ thống lãnh nhân mã gồm ba chục người, hiện diện ở mạn Tây Bắc núi Lư Sơn! Tiên Nhân động nằm tại đây.

Đang là mùa hạ nên cảnh vật Lư Sơn lộ ra, sương mù chỉ bảng lảng trên cao chứ không mờ mịt che phủ tất cả như những mùa khác! Tuy nhiên, chỉ cần một cơn mưa hè trút xuống là núi Lư Sơn lại chìm vào trong lớp áo khói sương!

Thi hào Tô Đông Pha thời Tống đã có bài thơ vịnh cảnh Lư Sơn rất nổi tiếng:

Lư Sơn yên tỏa Chiết Giang Triều

Vị đáo bình sinh hận bất tiêu

Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự

Lư Sơn yên tỏa Chiết Giang Triều!

Bài thơ này mang một ý nghĩa triết lý rất thâm thúy, bàng bạc tư tưởng Vô Sở Đắc của cả Đạo giáo lẫn Phật môn!

Nơi ẩn cư của Tất Linh Kỳ là một động đá thiên nhiên có từ ngàn xưa. Tất lão đã chiếm lấy nó, khắc lên cửa hang ba chữ “Tiên Nhân động” và tự xưng Tiên Nhân động chủ! Ngày còn ngang dọc giang hồ lão có biệt danh là Truy Nguyên Quỷ Đổ! Hơn ba mươi năm trước, Tất Linh Kỳ bị Đổ Bác Thần Hà Dương vét sạch cơ nghiệp trên chiếu bạc ôm hận đến núi Lư Sơn tu tiên. Không ngờ lão chẳng thành tiên mà còn cùng đệ tử tái xuất ở đổ trường lớn nhất Nam Xướng để rồi chạm trán Trương Trạm!

Tất lão đã bày Trúc trận trước cửa động nên khách không vào được.

Trương Thiên Sư liền cao giọng gọi :

- Tất tôn giá! Lão phu y ước mang vàng đến chuộc con, mong tôn giá mở cửa trận!

Từ trong đám tre trúc mờ mịt khói sương kia vọng ra tiếng già nua :

- Nơi này chật hẹp chẳng tiện thiếp khách, phiền Giáo chủ đưa quân đến chân vách đá Long Thủ chờ lão phu!

Trương Hàn Vũ chỉ còn cách tuân theo sự bố trí của đối phương.

Đoàn người lặng lẽ đi ngược về hướng Tây, trước tiên là gặp Ngự Bi Đình, một trong những thắng tích của Lư Sơn.

Ngự Bi Đình cũng gọi là Bạch Lộc Thăng Tiên Đài, do Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương cho xây dựng. Trong đình có bia đá rất lớn, cao khoảng một trượng hai xích hai thốn (bốn mét). Đi thêm nữa là những danh lam thắng cảnh khác nằm rải rác như tháp Thiên Trù, Đài Thiên Tân, Đầm Long Ngư, Đài Văn Thù, Đầm Đại Thiên...

Và cách Đại Thiên Đàm không xa là vách đá Long Thủ lừng danh.

Vách này có hình dáng giống như hai khối đá lớn ghép lại, một khối đứng thẳng không nhìn thấy chân, khối kia nằm ngang. Trên mặt đá tùng mọc xanh rì. Đứng ở đỉnh vách Long Thủ người ta có thể nhìn thấy một vùng sông suối, núi rừng, phong cảnh tuyệt đẹp.

Long Thủ Bích ở trên cao trăm trượng và phía dưới nó là những thắng cảnh khác như vách đá sư tử. Phương Ấn Thạch(Tảng đá hình ấn vuông), Bách Trượng Thê (Thang dài trăm trượng).

Lần đầu được chiêm ngưỡng những kỳ quan của núi Lư Sơn, Tư Đồ Sảng ngất ngây, say đắm, tự nhủ sẽ có ngày quay lại đây để thưởng thức cho trọn vẹn!

Đoàn người đến khoảnh đất trống dưới chân vách Long Thủ thì đã gặp ngay một lão nhân mặc trường bào hồng tay hẹp, râu tóc bạc phơ, da mặt chỉ hơi nhăn nheo và nhãn thần thì sáng quắc!

Lão ta ngồi trên một tảng đá nhỏ, sau lưng có hai gã tiểu đồng đứng hầu, một mang kiếm, một ôm đàn tỳ bà!

Hồng y lão nhân đứng lên tự giới thiệu :

- Lão phu là Tất Linh Kỳ!

Trương Thiên Sư không thấy mặt con trai liền nóng nảy nói :

- Lão phu là Trương Hàn Vũ! Dám hỏi vì sao Tất tôn giá không mang Trạm nhi đến đây?

Là tay cờ bạc lừng danh nên nét mặt Trung Nguyên Quỷ Đổ lúc nào cũng lạnh như tiền, buồn vui không để lộ! Lão thản nhiên đáp :

- Hắn đang ờ trong Tiên Nhân động! Khi nào chư vị đáp ứng đủ các điều kiện sẽ có người cung kính đưa y đến!

Và lão hỏi lại :

- Phải chăng người tiếp ba chiêu của lão phu chính là Giáo chủ?

Trương Hàn Vũ cười nhạt :

- Bổn tọa thân phận cao cả, đâu thể tùy tiện xuất thủ! Người tham chiến sẽ là Ngũ sư đệ của lão phu, đạo danh Kỳ Hoa chân nhân!

Lão nói thế cho oai chứ thực ra võ công không cao, Thiên Sư giáo nặng về tôn giáo hơn là võ thuật, Giáo chủ cùng các Hộ pháp chỉ chuyên tâm vào kinh tạng, bùa chú và thuật luyện đan!

Từ sau lưng Trương giáo chủ bước ra một đạo sĩ áo trắng, tuổi đôi mươi, mày kiếm, mắt sao, mũi Thông Thiên Đình tôn quí, trán cao, miệng rộng! Sắc diện của Kỳ Hoa chân nhân hiền hòa, nhân hậu, song ẩn chứa vẻ uy nghiêm, cương nghị!

Kỳ Hoa chân nhân chính thị Tư Đồ Sảng của chúng ta! Trương giáo chủ đã sắc phong chàng làm Đệ ngũ Hộ pháp của Thiên Sư giáo và ban cho đạo hiệu Kỳ Hoa.

Tiên Nhân động chủ Tất Linh Kỳ thừa thông minh để hiểu rằng gã đạo sĩ trẻ tuổi kia phải có bản lãnh rất cao cường nên mới được đề cử làm đại biểu xuất trận! Lão nghĩ ngày đến cao thủ số một của Thiên Sư giáo, hờ hững hỏi :

- Phải chăng Kỳ Hoa chân nhân là đệ tử của Ly Giang Tiên Ông?

Trương Thiên Sư cười ruồi :

- Đúng vậy! Y nghe nói kiếm pháp của tôn giá trước đây từng lừng danh vũ nội nên hiếu kỳ muốn học hỏi!

Dù bị khích bác, mỉa mai mà Tất Linh Kỳ vẫn không động nộ, nhếch mép cười nham hiểm :

- Lão phu rất vinh hạnh! Sau ba chiêu, nếu y không gục ngã thì lão phu nhận bại!

Tư Đồ Sảng có cảm giác rằng khi cầm kiếm thép trong tay thì tâm hồn thanh thản, và hoàn toàn vô úy. tâm lý khác hẳn lúc cầm búa!

Dường như thanh kiếm đã mang đến thêm sức mạnh và dũng khí vây!

Đúng là tâm trạng của kẻ đã bước vào cảnh giới kiếm đạo. Chàng rất tự tin nên điềm nhiên hỏi lại :

- Nhưng nếu bần đạo đả thương được tôn giá thì sao?

Đối với một võ sĩ già thì đây là sự xúc phạm lớn lao, da mặt Tất Linh Kỳ hơi tái đi và lão cười nhạt :

- Hay lắm! Nếu ngươi tự tin như thế thì chúng ta đánh cược! Sau ba chiêu, lão phu mà chảy một giọt máu thì sẽ giao trả cả Trương Trạm lẫn một vạn lượng vàng, cũng như không đòi bẩy ngàn lượng kia! Bằng như ngươi không làm được điều ấy, dù vẫn còn đứng vững thì Thiên Sư giáo phải mất thêm vạn lượng nữa!

Té ra cái máu cờ bạc đã thắng được cơn giận dữ của Tất Linh Kỳ.

Trương giáo chủ đã biết Tư Đồ Sảng là Thần Phủ Lang Quân, người từng đả thương Hải Hoa bang chủ và Quỷ Ảnh hội chủ, nên rất tin tưởng. Ông hăng hái giao kết :

- Bổn tọa tán thành! Song tôn giá phải mang Trạm nhi và số vàng ấy đến đây!

Ông ngừng lại một chút rồi nhẹ nhàng mỉa mai :

- Lòng người đen bạc khó lường nên bổn tọa phải cẩn thận!

Biết Trương Hàn Vũ muốn khích động, làm rối loạn tâm của mình, Tiên Nhân động chủ cứ thản nhiên như điếc và gật gù chấp thuận.

Lão ngửa cổ hú vang, tiếng hú ấy được dồn nguồn công lực hơn hoa giáp nên cực kỳ hùng mạnh, khiến màng nhĩ phe đối phương đau nhói.

Tất Linh Kỳ chỉ thị uy vì lát sau đã có bốn hán tử võ phục đen áp giải một chàng trai áo gấm xanh đi đến nơi! Nghĩa là họ ở rất gần đây!

Chắc vì không được hậu đãi nên mặt Trương Trạm hốc hác, tái xanh, râu ria lởm chởm, y phục bèo nhèo, dơ bẩn. Nhìn thấy Trương Thiên Sư, gã nghẹn ngào cầu cứu :

- Xin phụ thân cứu lấy hài nhi! Bị cầm tù thêm vài ngày nữa thì hài nhi chết mất!

Trương Trạm hư đốn cũng bởi sự cưng chiều quá độ của vợ chồng Trương giáo chủ! Thuở nhỏ, Trương Trạm thông minh lanh lợi, biết cạch nịnh hót nên được cha mẹ yêu thương như bảo bối! Lớn lên gã hư hỏng là chuyện tất nhiên!

Nhưng lần này Trương Thiên Sư không thể bỏ qua tội lỗi tày đình này của quí tử. Lão trừng mắt nạt :

- Nghịch tử khốn kiếp kia! Đương nhiên lão phu phải cố đem ngươi về Long Hổ sơn để chịu sự trừng phạt của Giới đường chứ! Lúc ấy thì còn khổ hơn trong Tiên Nhân động!

Trương Trạm ỷ vào sự yêu thương che chở của mẹ là Giáo chủ phu nhân nên chẳng ngán, nhưng ngoài mặt vẫn tỏ ra sợ hãi và hối hận, sụt sùi khóc lớn!...

Tiên Nhân động chủ rút trong áo ra một xấp ngân phiếu, đưa cho Trương Thiên Sư và nhẹ nhàng trả đũa :

- Lão phu không có thói quen lấy dạ tiểu nhân để đo lòng quân tử!

Ông sợ thì cứ giữ lấy cho yên tâm!

Trương giáo chủ chưa kịp đối đáp thì Linh Tiếu Tử ở bên cạnh đã vọt miệng nói leo... Gã cười khì bảo :

- Trong đổ trường làm gì có quân tử! Lúc cháy túi thì nhà cửa ruộng vườn và cả vợ con cũng dám bán đi để gỡ gạc! Năm xưa tôn giá đã chẳng từng làm thế đấy sao?

Việc tủi nhục này là một bí mật tày trời của Tất Linh Kỳ, chỉ có lão và Đổ Bác Thần biết được. Ngày ấy, Đổ Bác Thần đã hứa không tiết lộ việc lão mang người vợ trẻ đẹp ra đánh bạc và thua mất. Vậy mà không hiểu sao giờ đây gã tiểu tử chết tiệt kia lại khai ra vanh vách như thế?

Lão không ngờ rằng Ly Giang Tiên Ông là bạn vong niên của Đổ Bác Thần nên nắm rõ sự việc. Và trong một lần ghé thăm Long Hổ sơn, Tiên ông đã vui miệng kể cho Linh Tiếu Tử nghe!

Tiên Nhân động chủ giận điên ngươi song không thể thú nhận, liền quát mắng :

- Tiểu bối chớ nói càn! Làm gì có việc ấy?

Và lão quay sang trách Trương Thiên Sư :

- Vì sao Giáo chủ lại để cho đệ tử mình hỗn láo với lão phu như thế? Phải chăng đấy là kỷ cương của Thiên Sư giáo?

Trương giáo chủ biết đối phương đã động nộ, tâm tình rối loạn, có lợi cho Tư Đồ Sảng. Ông rất cao hứng nhưng vẫn giả vờ khiển trách đồ đệ :

- Linh Tiếu Tử! Ngươi nói năng bừa bãi làm tổn hại đến thanh danh bổn giáo, khi về sẽ phải chịu hình phạt của Giới đường!

Linh Tiếu Tử tinh ranh như chồn giả vờ khiếp sợ run rẩy đáp :

- Đồ nhi đã biết tội!

Lúc này, Tư Đồ Sảng đã rút kiếm, trao vỏ bao cho Huyết Báo, tiến đến trước mặt Tất Linh Kỳ. Chàng ôm kiếm chào rồi thủ thế, chờ đợi sự tấn công của đối phương.

Bàn tay hữu chàng nắm đốc kiếm, hạ xuống vị trí dưới thắt lưng, lưỡi kiếm dựng xéo trước mặt, còn bàn tay tả thì bắt kiếm ấn, đặt hờ trước ngực trái. Tư thế này chẳng có gì đặc biệt, không kín cũng không hở, song lại khiến Tất Linh Kỳ lưỡng lự. Lão nhận ra rằng Kỳ Hoa chân nhân chẳng hề có chút sát khí nào, một dấu hiệu của bậc kiếm thủ thượng thừa!

Điều đáng ngại thứ hai là chút ánh sáng mờ mờ màu tím nhạt tỏa ra từ cây trâm cài búi tóc trên đầu đối thủ! Lão nhận ra rằng Kỳ Hoa chân nhân phái có tu vi trên ba mươi năm và đạt được hai thành hỏa hầu công phu cương khí hộ thân, thì cây Tử Ngọc Thần trâm kia mới phát quang! Năm xưa, mỗi lần Ly Giang Tiên Ông giao đấu với ai, cây trâm ấy tỏa sáng rực rỡ!

Sau khi đánh giá xong thực lực của kẻ địch Tiên Nhân động chủ cẩn trọng xuất chiêu “Lôi Vũ Khai Nguyên”, kiêm ảnh mờ mịt tựa vũ trụ thuở còn hỗn độn, và lấp loáng những vệt sáng dài, những chấm nhỏ li ti, tượng trưng cho sấm sét, mưa gió, tức lửa và nước, hai yếu tố khởi nguồn cho sự sống!

Tất Linh Kỳ là học trò của Hỗn Nguyên Chân Quân, trước đây do mải mê đen đỏ mà không sao luyện thành những chiêu cuối của pho Hỗn Nguyên kiếm pháp. Nhưng sau ba mươi năm tĩnh tâm tu luyện ở Tiên Nhân động lão đã đạt đến mức đạt thành!

Lão xem trọng đối phương nên đã thi triển một trong những chiêu lợi hại nhất và tin chắc sẽ đại thắng. Lão vẫn nghĩ rằng giờ đây mình là một trong những kiếm thủ hàng đầu trong võ lâm!

Nhưng Lão Ô Bách Tuế chẳng bằng Phượng Hoàng sơ sinh, Tất Linh Kỳ căn cơ thấp kém, mang bản chất của một kẻ cờ bạc bẩm sinh, lòng tham dục rất vượng thì làm sao hiểu ngộ được yếu quyết cao siêu của kiếm đạo? Do vậy, dù khổ luyện cách mấy thì lão vẫn chỉ dừng lại ở trình độ kiếm thuật!

Tuy nói như thế song bản lãnh của Tất lão vẫn cao hơn Tư Đồ Sảng vài bậc, nhờ công lực thâm hậu. Lão ta là con trâu già lực lưỡng, hung hăng, còn chàng như chú cọp non, móng vuốt chưa đu dài! Nhưng Tư Đồ Sảng lại sở đắc kiếm đạo, chẳng thể thua trong vòng vài chiêu được!

Hơn nữa, tri thức của con người hoàn thiện dần theo thời gian, người đời sau hiểu rõ vũ trụ và thiên nhiên nhiều hơn cổ nhân. Nghĩa là không phải bất cứ môn võ nào có lịch sử lâu đời đều lợi hại hơn tuyệt kỹ đương đại.

Trong trường hợp này cũng thế, tuy Hỗn Nguyên Chân Quân hơn Ly Giang Tiên Ông đến năm mươi tuổi song trình độ kiếm pháp lại chẳng bằng! Chân Quân tạ thế ớ tuổi bẩy mươi, đâu có thời gian để hoàn thiện pho Hỗn Nguyên kiếm pháp. Trong khi đó, Ly Giang Tiên Ông thọ đến hơn trăm, thừa điều kiện biến pho Huyền Nguyên1 kiếm Pháp thành tận thiện, tận mĩ!

Giờ đây, Tư Đồ Sảng có dịp để biểu lộ ưu thế này. Chàng vung kiếm chém điểm liên tục ba trăm sáu mươi thế thức với tốc độ nhanh đến mức trường kiếm như hóa thành năm bẩy bóng!

Sau nhiều năm quen sử dụng thanh Giáng Ma phủ nặng hai chục cân, lực đạo ở cánh tay và cổ tay Tư Đồ Sảng cũng mạnh mẽ phi thường.

Nhờ vậy mà khi múa kiếm chàng thấy nhẹ như bấc, dễ dàng đạt đến vận tốc cực đại. Chính Ly Giang Tiên Ông cũng phải thán phục thành tựu ấy của học trò!

Chiêu “Tảo Vân Tầm Nguyệt” mà Tư Đồ Sảng đang sử dụng thuộc về pho Huyền Nguyên kiếm pháp. Nó gồm nhiều thức điểm hơn là thế chém. Mũi kiếm của chàng phong tỏa hoàn toàn thân trên đối phương, liên miên bất tuyệt đâm vào những vị trí mờ tối trên màn kiếm quang đang ập đến. Khi thép chạm nhau, Tư Đồ Sảng phải vừa lùi vừa đánh vì đối phương mạnh hơn và đang thuận đà lao đến! Nhờ vậy mà lực phản chấn chẳng nhiều, không cản trở đường kiếm của chàng!

Tiếng thép tinh tang cất lên không ngớt và cuối cùng thì Tư Đồ Sảng đã tìm ra sơ hở chết người của đối phương. Chàng thọc kiếm vào sườn phải Tiên Nhân động chủ bằng một nhát cực kỳ thần tốc. Nhưng khi mũi kiếm vừa đâm thủng da thịt họ Tất thì chàng lập tức thi triển Túy Tinh bộ pháp, bay vèo sang mé hữu, cách vị trí cũ hai trượng!

Nếu Tư Đồ Sảng thọc kiếm sâu hơn thì cũng được nhưng phải chịu một vết thương nơi vai tả. Chàng và Tất Linh Kỳ không thù oán, chẳng cần phải thí mạng làm chi!

Phe Thiên Sư giáo reo hò vang dội khi máu từ vết thương làm sậm màu tấm áo hồng của Tiên Nhân động chủ!

Tất Linh Kỳ bàng hoàng đưa tay tả bịt vết thương, không tin đấy là sự thật! Lão đang dồn cho đối thủ lui dài, sao lại có thể trúng đòn được?

Nhưng cám giác đau đớn ở sườn non đã thức tỉnh lão. Tất Linh Kỳ kiểm tra thương thế, biết chỉ là ngoài da nên vần còn sính cường. Lão điểm huyệt chỉ huyết rồi lạnh lùng nói :

- Đủ ba chiêu mới phân thắng thua! Nếu Kỳ Hoa Chân không gục ngã thì lão phu nhận bại!

Đúng là song phương đã giao ước như thế nên Trương Thiên Sư phải chấp nhận để Tư Đồ Sảng đánh tiếp. Lòng ông thầm lo lắng cho vị sư đệ trẻ tuổi vì hiểu rằng Tất Linh Kỳ sẽ thí mạng! Để thua một tiểu tử miệng còn hôi sữa thì thanh danh tiêu tán, thà chết còn hơn!

Trương Hàn Vũ liền vẫy Tư Đồ Sảng đến dặn nhỏ :

- Sư đệ hãy cẩn thận! Lão Quỷ họ Tất định đổi mạng đấy!

Tư Đồ Sảng bình thản mỉm cười :

- Giáo chủ cứ yên tâm! Tiểu đệ biết mình phải làm gì!

Chàng trở lại đấu trường, đứng đối diện với Tiên Nhân động chủ, thủ thế y như lúc nãy, sắc mặt an hòa, chẳng hề lộ nét kiêu căng tự đắc vì thắng lợi.

Tất Linh Kỳ chột dạ, thầm hiểu rằng cái tâm của gã đạo sĩ trẻ kia đã đồng nhất với kiếm, không hề bị thất tình lục dục làm nhiễu loạn!

Nhưng lão đặt trọn niềm tin vào hai chiêu kiếm cuối cùng trong pho Hỗn Nguyên kiếm pháp nên bình tâm xuất chiêu “Thiên Địa Sinh Dương”!

Tiên Nhân động chủ lướt đi, thân ảnh biến mất trong màn kiếm quang sáng bạc, loang loáng dưới ánh nắng hè chói lọi tựa vầng dương lúc vừa được trời đất sinh ra!

Lần này Tư Đồ Sảng không đứng im chờ đợi mà chủ động lao đến ngay khi đối phương vừa xuất thủ. Chàng chỉ chậm hơn một cái chớp mắt và nhờ tốc độ thần kỳ của pho Truy Tinh bộ pháp nên lại trở thành kẻ tấn công.

Lúc này, chiêu kiếm của đối phương chưa đạt đến độ nhanh tối đa, không phát huy được hết uy lực! Hành động này của chàng còn khiến cho Tiên Nhân động chủ bị bất ngờ, và rơi vào thế bị động!

Tư Đồ Sảng đánh chiêu Thượng Thiên Nhược Thủy đường kiếm liền lạc âm nhu tạo nên những cơn sóng kiếm kình mềm mại, liên tục vỗ vào màn kiếm quang sáng rực, hung hãn của Tất Linh Kỳ!

Tên của chiêu này hàm ý rằng bậc Đại Thiện Nhân thì giống như nước vậy! Nước giúp ích vạn vật, không tranh chỗ cao ráo, ở vào chỗ thấp kém nên rất gần với Đạo! Nước còn có một đức tính nữa là không thể bị chặt đứt và có thể len qua những khe hở dù rất hẹp!

Đây là chiêu thức kỳ diệu nhất trong pho Huyền Nguyên kiếm pháp, có thể thủ thắng trước bất cứ kẻ địch nào! Tiếc rằng, công lực của Tư Đồ Sảng chưa đủ thâm hậu nên không thành công trọn vẹn! Sóng kiếm của chàng đã len qua sơ hở, chạm sườn trái đối phương, nhưng ngược lại, mũi kiếm của Tất Linh Kỳ cũng đang bám lấy huyệt Đản Trung ở giữa ngực chàng!

Nếu Tư Đồ Sảng có đủ hoa giáp chân lực thì sóng kiếm đã làm cho vũ khí của Tất lão chậm lại hơn nhiều và không thể đả thương được chàng?

Tư Đồ Sảng là một kiếm thủ bẩm sinh khi giao đấu tâm tình lặng và trong sáng như gương. Nhờ vậy, các giác quan của chàng rất minh mẫn, cảm nhận được hết những mối hiểm nguy đang đe dọa cơ thể!

Và nếu chàng bỏ dở đường gươm cố thoát khỏi cái thế lưỡng bại câu thương này thì sẽ lâm nguy bởi những thức kiếm tiếp theo. Tư Đồ Sảng biết rõ họ Tất chứa thi triển hết trọn chiêu kiếm!

Diễn tả thì dài dòng, lâu lắc song sự việc xảy ra chỉ trong chớp mắt.

Tư Đồ Sảng đã thản nhiên thọc kiếm vào huyệt Phúc Ai. thuộc linh túc Thái âm Tỳ của đối thủ. Đống thời, một kiếm của Tất Linh Kỳ cũng chạm lớp vải áo ở phía ngoài huyệt Đản Trung!

Xem ra Tư Đồ Sảng sẽ rất thiệt thòi, huyệt Đản Trung thuộc mạch Nhâm, là một tử huyệt, còn huyệt Phúc Ai thì không!

Phe Thiên Sư giáo sợ đến xám mặt, lo cho Tư Đồ Sảng, khi họ thấy thấy chàng văng ngược vế phía sau, máu loang đẫm ngực phải. Chàng mặc áo đạo sĩ trắng tinh nên.màu máu hiện ra rất rõ!

Trương giáo chủ và hai vị hộ pháp vội lướt đến để chăm sóc Ngũ đệ.

Họ thở phào khi thấy Tư Đồ Sảng cười bảo :

- Tiểu đệ chỉ bị thương nhẹ xin Giáo chủ và nhị vị sư huynh chớ quá lo!

Lúc này Tiên Nhân động chủ đã chỉ huyết vết thương nơi huyệt Phúc Ai và nuốt vài viên linh đan xong. Lão căm hận rít lên :

- Tiểu quỷ chết toi kia! Sao ngươi dám lén lót thép lá vào ngực mà giao đấu?

Tư Đồ Sảng lặng lẽ phanh ngực để lộ Hồng Ngọc hồ lô. Chính cái vật nhỏ bé này đã che chở huyệt Đản Trung của chàng và đẩy lệch mũi kiếm của Tất Lão sang một bên! Chàng hòa nhã nói :

- Tại hạ chỉ gặp may chứ không hề gian dối!

Tiên Nhân động chủ chết điếng người hối tiếc rằng vì sao lúc nãy không đưa kiếm lên hoặc xuống dưới huyệt Đản Trung một vài thốn!

Trong canh bạc này lão đã cháy túi vì xui tận mạng!

Thật ra, Tư Đồ Sảng chẳng hề cầu may vì biết rõ vị trí của Hồng Ngọc hồ lô lúc ấy! Trái bầu Ngọc đỏ này không tròn lẳn mà hơi dẹp, phần dưới có đường kính rộng độ bai lóng tay, thừa sức che kín huyệt Đản Trung! Và nó rất cứng rắn, chẳng thể nào bị mũi kiếm đâm vỡ được! Tất nhiên, điều này còn đòi hỏi một dũng khí hơn người!

/29

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status