Giang Hồ Mộng Ký

Chương 10: Hàng Long độc bức kinh thiên hạ - Nhật mộ lâm biên hữu quỷ thần

/19


Vài ngày sau, bọn Thuần Vu Kỳ đến Giang Lăng, tức đất Kinh Châu thời Tam Quốc và là kinh đô nước Sở thời Chiến Quốc. Tại đây, ba người được biết rằng đã phát sinh quái sự ở Hắc Thủy đàm. Số là hồi cuối năm ngoái, ở vùng đầm nước đen kia bỗng xuất hiện một đám người đông đến hơn trăm. Họ dùng thuyền lớn đi từ sông Dương Tử vào phường Đẩu Sơn theo dòng Đẩu Hà, neo thuyền rồi vác cuốc xẻng đi đến Hác Thủy đàm.

Chiết đầm nước rộng lớn này nằm ở chân núi Phương Đẩu, và ở giữa hai nhánh sông Đẩu Hà. Tuy nước trong đầm đen kịt nhưng không độc và có rất nhiều tôm cá, vì vậy, dân cư quanh đầm đều sống nhờ vào nguồn lợi ấy, nhà nà cũng có thuyền câu.

Đám người lạ mặt kia đã mượn thuyền của bách tính, đi vào khu vực có tám tảng đá khổng lồ. Họ chia nhau đào bới các tảng đá và chỉ năm ngày sau đã reo hò ầm ĩ trở ra với vẻ mặt hớn hở. Họ đã tìm ra thanh bảo kiếm Hàng Long. Có người nhận ra lai Iịch kẻ cầm đầu, đấy là chủ nhân của Bán Nguyệt sơn trang, nằm dưới chân núi Bán Nguyệt, cách Giang Lăng mười mấy dặm về hướng Tây bắc.

Tin đồn lan nhanh như gió nên giới Hắc đạo Hồ Bắc, Hồ Nam, Tứ Xuyên kéo rốc đến Bán Nguyệt Sơn để đánh cướp. Những kẻ không có lòng tham cũng đến vì hiếu kỳ, đông đến hàng ngàn.

Tuy nhiên, Bán Nguyệt sơn trang có địa hình hiểm trở, dễ thủ khó công, tường cao vòi vọi nên vẫn an toàn. Có điều họ bị cô lập, chẳng thể cầu viện quan quân. Thực ra thì vùng Bán Nguyệt Sơn rất hoang vu, chẳng hiểu thuộc Nghi Xương hay Giang Lăng, cho nên không huyện nào chịu trách nhiệm cả.

Nghe xong, Thuần Vu Kỳ mỉm cười viết :

- Thần kiếm đã có chủ, chúng ta về Khai Phong thôi.

Dương Hổ bác ngay :

- Chưa chắc Bán Nguyệt Trang chủ đã giữ nổi báu vật. Có thể Huyền Vũ chân nhân và Thanh Long chân nhân cũng đang tìm cách chiếm đoạt hoặc không thì cuối cùng cũng lọt vào tay một đại ma đầu nào đó. Theo thiển ý của tại hạ thì chúng ta cứ đến đấy tọa sơn quan hổ đấu có cơ hội thì thu lấy thần kiếm.

Hách Nham cũng tán thành vì sợ rằng nếu không lấy được Hàng Long kiếm thì chủ nhân của mình sẽ chết dưới tay Phong Đô Đại Sĩ.

Thấy hai thủ hạ quá nhiệt tình, chàng câm không nỡ từ chối, đồng ý đi Bán Nguyệt Sơn, nhưng tự nhủ sẽ không xuất thủ tranh giành.

Đêm ấy, ba người nghỉ tại Giang Lăng, sáng hôm sau khởi hành đi Bán Nguyệt Sơn, với đầy đủ lều bạt, thực phẩm. Dương Hổ đã dò la, hỏi thăm, biết nơi ấy cực kỳ vắng vẻ chẳng hề có dân cư nên sẽ khó tìm ra chỗ trú chân cũng như thực phẩm. Thị trấn gần nhất cũng cách xa vài dặm và phải qua sông, vì Bán Nguyệt Sơn nằm lọt giữa hai nhánh cửa sông Chương Thủy, chảy vào Trường Giang.

Xế trưa hôm sau bọn Thuần Vu Kỳ vượt dòng chính và nhánh tả của sông Chương để đến mạn Nam của núi Bán Nguyệt.

Bảo sao vùng sơn cước này không hoang vu khi chỉ toàn sỏi đá khô cằn chẳng thể trồng trọt được ngũ cốc. Ngay cây cối thì cũng chỉ lưa thưa, không mọc nổi thành rừng.

Duy chỉ có tòa gia trang kia là um tùm xanh biếc những lùm cây cổ thủy chứng tỏ họ đã cư trú lâu đời ở chốn này.

Dương Hổ đã điều tra ra danh tính của chủ nhân Bán Nguyệt sơn trang. Người này tên gọi Mộ Dung Thịnh, ba mươi tuổi, là Trang chủ đời thứ hai. Gã ít khi xuất hiện nhưng người Giang Lăng đồn rằng gã rất anh tuấn, thân thể cao lớn, tay dài quá gối mặt đẹp như Tử Đô song đôi mày kiếm xếch ngược rất oai vệ. Không hiểu nhà Mộ Dung sinh sống bằng nghề ngỗng gì mà nuôi đến cả trăm tráng đinh khỏe mạnh.

Thuần Vu Kỳ nhìn bức tường dầy cao hai trượng được xây bằng đá quý cực kỳ kiên cố kia mà nghĩ thầm :

- Lạ thực. Vì sao nhà Mộ Dung lại đến chốn hẻo lánh này mà ở nhỉ? Phải chăng họ đang trốn tránh kẻ thù.

Có lẽ vì chiến thuật phòng vệ nên cây cối chung quanh Bán Nguyệt sơn trang bị đốt sạch, tạo ra một dải trống trải, bán kính xa hơn tầm tên. Nghĩa là bất cứ ai muốn xâm nhập cũng đều phơi mình lồ lộ, không nơi ẩn nấp.

Do vậy quần ma chiếm cứ những bụi tre, những khóm cây ở ngoài dải đất trống mà vây hãm Sơn trang. Những người muốn làm khán giả thì ở xa hơn nữa. Các nhóm Hắc đạo đều che mặc hoặc chí ít cũng đội nón sùm sụp để giấu lai lịch. Song trong mấy ngày qua họ chưa hề có hành động gì cứ như đang cbờ sự xuất hiện của kẻ cầm đầu vậy.

Dương Hổ và Hách Nham đã tìm được chỗ dựng lều, trên một gò đất cao. Nơi đây không bóng cây nào nên chẳng ai thèm để ý đến.

Tứ Xuyên là một lòng chảo vĩ đại, chung quanh được che chở bằng núi non cao vút nên khí hậu nóng và khô hơn những địa phương cùng vĩ độ. Do vậy vào thời gian này, mặt trời xuân ở đây gay gắt, tiết trời nóng nực hơn nơi khác.

Hai gã mời chủ nhân vào lều ngồi rồi len lỏi khắp nơi để dò la. Họ đều mang mặt nạ nên không sợ bị người quen nhìn ra.

Cuối giờ Ngọ, hai gã quay về bày bữa trưa và báo cáo. Dĩ nhiên Dương Hổ là kẻ phát ngôn :

- Bẩm công tử, dường như Xảo Quá Thiên và Thanh Long chân nhân chưa đến.

Tại hạ không nhìn thấy người nào có hàm răng khấp khểnh và cụt ngón tay út bên tả cả.

Bí mật trọng đại này cũng do Ngạo Thế Thần Ông nhờ Định Sân đại sư báo lại cho Thuần Vu Kỳ biết. Gương mặt mà Tần lão nhìn thấy đêm ấy có thể là giả nhưng hàm răng và ngón tay cụt thì rất thực. Dẫu có tài ba cách mấy thì Phó Từ Phong cũng không cải sửa được hai đặc điểm trên.

Dương Hổ nói tiếp :

- Trong số khách hiếu kỳ ở vòng ngoài, tạ hạ thấy có mặt Đồng Quan Thần Phiến Đào Tử Mưu và Võ Đang ngũ tú.

Thuần Vu Kỳ đã nghe cậu ruột Tiết Cao Vân kể lại cuộc đối thoại giữa ông với họ Đào. Kình Thiên đại hiệp còn cảnh báo chàng phải đề phòng Tử Mưu giở thói tiểu nhân song chàng lại thấy mến con người tai hoa này.

Gần cuối giờ Thân, thêm một nhóm người mới đến, xăm xăm phi ngựa vượt qua vòng vây, vào đến dải đất trống mới dừng cương. Đoàn kỵ sĩ này đông độ năm mươi, không che mặc mà lại dương đại kỳ hẳn hoi. Trên nền lụa vàng của lá cờ có thêu mấy chữ lớn bằng chỉ xanh: Hồ Nam Âu Dương Võ Trường.

Quân hào nhốn nháo chạy lên khi nghe lão già võ phục gấm đen, đứng dưới lá Đại kỳ, dõng dạc gọi lớn :

- Lão phu là Âu Dương Khải, cháu ba đời của Vô Địch Thần Kiếm, đến để thương lượng về thanh bảo kiếm Hàng Long. Kính mời Mộ Dung trang chủ ra cho.

Thì ra hậu duệ của Âu Dương Kiều nghe tin nên đến đòi lại, hoặc chuộc lại bảo vật tổ truyền. Võ lâm đều biết Âu Dương Khải mở trường dạy võ ở Trường Sa, chủ yếu là kiếm thuật. Và lão đúng là cháu ba đời của Vô Địch Thần Kiếm. Danh chính thì ngôn thuận nên quần hào đồng thanh ủng hộ Âu Dương Khải, đòi Mộ Dung Thịnh phải xuất trang để bàn bạc.

Thấy cửa Bán Nguyệt sơn trang chậm mở, có kẻ còn ác miệng thóa mạ họ Mộ Dung. Nửa khắc sau, cánh cửa cổng bằng gỗ dầy, đai sắt kia rộng mở và một đội quân áo vàng đất tay thủ cung tên, hông mang kiếm, lũ lượt kéo ra. Toán cung thủ này lập trận cách cửa Trang mười trượng, hai hàng trước sau, cung tên chĩa về phía phe đối phương. Cước bộ khinh khoát và độ dầy của cánh cung đã chứng tỏ bọn hoàng y được huấn luyện rất chu đáo, khổ luyện nhiều năm chứ chẳng phải mới tập tễnh vào nghề Sau đó, một chàng kỵ sĩ võ phục trắng, áo choàng xanh mới chậm rãi xuất hiện, dừng cương trước hàng cung thủ. Người này cao giọng :

- Tại hạ là Mộ Dung Thịnh kính mời Âu Dương túc hạ tiến lên phía trước.

Trước sự đe dọa của hàng trăm cung thủ, quần hùng, quần ma đều ngán ngẩm đứng yên tại chỗ, chỉ mình Âu Dương Khải và hai thủ hạ tuổi trung niên thúc ngựa đi lên. Lá đại kỳ đã được trao lại cho người khác để khỏi vướng tay. Song phương đứng cách nhau ba bốn trượng. Âu Dương Khải vòng tay sang sảng nói :

- Cả thiên hạ đều biết Hàng Long kiếm là của họ Âu Dương. Nay Trang chủ có công tìm được, lão phu xin dâng hậu lễ để chuộc lại. Ngưỡng mong công tử thành toàn cho.

Gương mặt đẹp rắn rỏi của Mộ Dung Thịnh sa sầm lại và gã phá lên cười cuồng ngạo :

- Giang sơn còn đổi chủ, huống hồ gì bảo kiếm? Thần vật đã thất lạc hơn trăm năm, không còn là của họ Âu Dương nữa. Chẳng lẽ con cháu họ Triệu lại có thể dùng vàng bạc để đòi nhà Minh trả sơn hà cho nhà Tống hay sao?

Lập luận này vô cùng chí lý khiến quần hùng tầm tắc khen phải, còn Âu Dương Khải thì xanh mặt. Nhưng lão già có chiếc mũi ưng và đôi mắt Tam Bạch họ Âu Dương không phải kẻ liền lành. Lão vuốt chòm râu cằm dài thượt, đen nhánh mà lạnh lùng đáp :

- Hồng phấn tặng giai nhân, bảo kiếm tặng anh hùng. Trang chủ đã nói thế thì lão phu cũng không tiện thương lượng tiếp. Tuy nhiên, lão phu muốn lãnh giáo vài chiêu xem Trang chủ có xứng đáng làm chủ nhân của Hàng Long kiếm hay không. Nếu lão phu bại thì thề suốt đời không nhắc đến chuyện bảo kiếm nữa, nhược bằng Trang chủ thất bại thì xin hãy nhận ngàn lượng vàng và trả Thần binh cho họ Âu Dương.

Câu nói ấy được toàn trường tán thành nhiệt liệt, cả phe Hắc đạo cũng vậy. Thứ nhất là vì ai cũng muốn được xem đánh nhau và nhìn thấy bảo kiếm Hàng Long. Thứ hai, Âu Dương Khải nói rất hợp đạo lý, bởi Mợ Dung Thịnh đã tuyên bố bảo kiếm là vô chủ.

Mộ Dung Thịnh không hề sợ hãi, dựng ngược đôi mày kiếm đáp rằng :

- Xin đồng đạo giang hồ làm chứng cho. Nếu Âu Dương Khải bỏ mạng thì không phải do lỗi của bổn công tử.

Tất nhiên mọi người mau miệng đáp ứng ngay. Phần Âu Dương Khải thì cười ruồi :

- Lão phu là người khiêu chiến nên họ Âu Dương sẽ chẳng kiện cáo làm gì. Trang chủ cứ yên tâm. Tuy nhiên, phiền Trang chủ bảo đám thủ hạ buông cung tên xuống Mộ Dung Thịnh gật đầu quay lại phất tay ra hiệu. Bọn cung thủ liền lỏng tay cung, buông thõng xuống, không còn chĩa thẳng nữa.

Quần hào Hắc Bạch thấy thế dấn thêm một quãng để xem cho sướng mắt. Âu Dương Khải xuống ngựa, trước chậm rãi bước lên. Mộ Dung Thịnh chưa hạ mã ngay mà giơ cao thanh cổ kiếm có vỏ bằng đồng đen rồi rút ra. Quần hùng ồ lên thèm khát ngưỡng mộ khi thấy lưỡi kiếm sáng như gương, phản chiếu ánh dương tỏa hào quang rực rỡ.

Mộ Dung Thịnh đưa hai ngón trỏ và giữa của bàn tay tả vuốt dọc kiếm, ánh mắt đầy vẻ si mê, rồi gằn từng tiếng :

- Kể từ hôm nay, Hàng Long kiếm khách bắt đầu xuất hiện trên chốn giang hồ.

Nói xong, Mộ Dung Thịnh tung mình rời yên ngựa, kiếm quang lấp loáng che kín thân, trông cực kỳ đẹp mắt. Trái cầu thép nhẹ nhàng rơi xuống đất trong sự hoan hô cổ vũ của mọi người. Chỉ qua màn biểu diễn ấy, Mộ Dung Thịnh đã chứng tỏ được công lực và trình độ kiếm thuật phi phàm.

Dương Hổ cũng phục lăn, tấm tắc khen. Gã quay sang hỏi Thuần Vu Kỳ :

- Công tử nhận xét thế nào?

Chứng câm mỉm cười ra dấu :

- Y là một kiếm thủ bẩm sinh, căn cơ rất tốt nhưng do lòng còn cao ngạo, hiếu danh nên không thể tiến xa được. Ta lo rằng y sẽ thất bại vì Âu Dương Khải có thể là do Xảo Quá Thiên hóa trang.

Dương Hổ giật mình khâm phục :

- Xa như thế mà công tử vẫn nhận ra ư?

Thuần Vu Kỳ gật đầu dơ ngón út lên, ra hiệu rằng đã nhìn thấy khuyết điếm ấy của Âu Dương Khải.

Hai đấu thủ đã đứng đối diện cách nhau trượng rưỡi. Mộ Dung Thịnh hất hàm bảo :

- Bổn công tử có thần binh trong tay nên lão cứ ra tay trước.

Âu Dương Khải cười nhạt :

- Thần kiếm mà ở trong tay kẻ bất tài thì không đáng sợ?

Mộ Dung Thịnh động nộ, trợn mắt định mắng lại thì lão hồ ly kia đã ập đến như vũ bão tấn công trước để chiếm tiên cơ. Rõ ràng là Trang chủ Bán Nguyệt sơn trang hoàn toàn thiếu kinh nghiệm chiến trường. Gã chỉ còn cách cắn răng múa tít thần kiếm mà chống đỡ, kiếm quang rực rỡ dưới ánh tà dương song kình lực không đủ.

Tiếng thép chạm nhau rang rảng rồi đột ngột tắt lịm vì thân hình của Mộ Dung Thịnh văng ngược về phía sau, còn kiếm của Âu Dương Khải thì gấy làm đôi.

Quần hùng ồ lên khi thấy cánh tay tả của Mộ Dung Thịnh bị thủng bắp, máu tuôn xối xả, và ngực áo bên phải của gã rách toang nhưng không có dấu máu. Phía dưới chỗ áo rách thấp thoáng hiện ra ánh thép xanh biếc của tấm áo giáp đan bằng những khoen thép. Thì ra Mộ Dung Thịnh thoát chết nhờ mặc bảo y. Có kiếm báu, có giáp sắt hộ thân, thảo nào gã ngông cuồng đến độ khinh người.

Âu Dương Khải tiếc hùi hụi, giận dữ gầm lên rồi múa chưởng xông đến tấn công tiếp. Bên kia, Mộ Dung Thịnh cũng nén đau mà tiếp chiêu. Vết thương nơi tay tả và ngực phải không nặng nên gã vẫn còn đủ chân nguyên để thi triển những chiêu thức ảo diệu và mãnh liệt. Âu Dương Khải ngán sợ thanh thần kiếm sắc bén vô song nên tránh đổi đòn, di chuyển nhanh như gió thoảng, liên tiếp đẩy ra những đạo kình phong vũ bão.

Thần kiếm loang nhanh, xé toang từng đạo chưởng phong nhưng không vô hiệu hóa được hoàn toàn, kình lực tuy bị cắt nhỏ nhưng vẫn nặng như búa tạ, giáng vào người Mộ Dung Thịnh. Nếu không có bảo y thì gã đã bị trọng thương từ lâu rồi Khách quan chiến ngỡ ngàng, xì xầm bàn tán, hỏi nhau rằng vì sao Âu Dương Khải lại luyện thành công phu Phách Không chưởng lực.

Người duy nhất có thể khẳng định lai lịch Âu Dương Khải chính là Thuần Vu Kỳ.

Những chiêu Huyết Hồn chưởng pháp kia rất quen thuộc với chàng. Xảo Quá Thiên chưa dồn toàn lực nên chưởng phong không tỏa màu hồng nhạt đặc trưng. Chàng thầm lo cho Mộ Dung Thịnh song không thể can thiệp, chỉ còn cách chăm chú quan sát, tìm hiểu bản lãnh của kẻ đại thù Xảo Quá Thiên. Chính Phó Từ Phong đã hại chết người thân của chàng là Ngạo Thế Thần Ông. Lão ta còn là mầm tai họa cho xã tắc và võ lâm.

Mưa lâu thấm đất, máu trong phổi Mộ Dung Thịnh bắt đầu ứa ra, chảy ròng ròng.

Gã phẫn nộ ôm kiếm xông vào đổi mạng nhưng không sao tiếp cận được kẻ địch, chỉ khổ thân thêm. Âu Dương Khải có thân pháp vô cùng linh hoạt và quỷ dị chập chờn tựa bóng oan hồn, hoán vị nhanh như gió thoảng. Lão vừa chuyển vị vừa nói :

- Thắng bại đã phân? Mong Trang chủ nên thức thời?

Nhưng Mộ Dung Thịnh chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, ỷ sức trẻ và xương cốt cứng rắn, chẳng cam tâm nhận bại, cứ đánh mãi. Gã đã thay đổi đấu pháp, thủ thế và tránh né nhiều hơn trước.

Vầng dương đã tắt hẳn cuối trời Tây mà cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. Âu Dương Khải nóng ruột, mặt đanh lại, định giở đến thiêu sát thủ thì nghe từ phía Bán Nguyệt sơn trang phát ra những âm thanh líu ríu rất kỳ lạ.

Ngay lúc ấy, Mộ Dung Thịnh bất ngờ tung mình đào tẩu và quát vang :

- Bắn?

Thế là trăm gã áo vàng dương cung bắn liền, một số tập trung vào thân hình của Âu Dương Khải nhưng lão ta công lực thông thần, múa tít song thủ dệt lưới chưởng đánh bạt những mũi tên đáng sợ, chân thì lùi mau.

Hậu quả là hàng người đầu tiên, sau lưng Âu Dương Khải bị lãnh đủ. Mấy chục người trúng tên gục ngã. Song chưa hết, đám mây đen ồn ào lúc nãy đã từ Bán Nguyệt sơn trang bay đến, sa xuống đầu hàng ngũ chành tà. Đấy là mấy ngàn con dơi nhỏ, thuộc loài dơi muỗi.

Thường thì loài dơi muỗi chỉ ăn muỗi hoặc cùng lắm là nhấm nháp trái cây chín mọng. Nhưng lạ thay, đàn dơi của Bán Nguyệt sơn trang lại hung hãn khác thường, bám chặt lấy người ta mà cấn xé, hút máu.

Do bị bất ngờ nên có mấy trăm người bị dơi cắn phải. Họ kinh hoàng la hét nhưng mê đi rất nhanh. Số còn lại đã kịp rút vũ khí che thân, vừa đánh vừa chạy. Hàng ngàn con dơi bị chém chết hoặc bị thương, rơi đầy mặt đất và máu hồng vương vãi không gian. Tuy nhiên, trong máu dơi cũng có độc nên những người giết chúng rồi cũng gục ngã.

Nhưng cũng có vài trăm người thoát nạn nhờ cẩn trọng đứng tít đằng sau và nhanh chân đào tẩu. Riêng Âu Dương Khải và hai gã trung niên hộ vệ thì vẫn an toàn thoát đi nhờ bản lãnh cao cường và khả năng kháng độc.

Dương Hổ và Hách Nham bị mê man bởi máu dơi nên Thuần Vu Kỳ không rảnh tay để chận đường Âu Dương Khải. Chàng vận công bảo vệ toàn thân rồi cúi xuống nhét vào miệng hai thủ hạ những viên giải độc đan màu đen. Đây là quà của Độc Cơ tặng rể quí. Vài con dơi bám lấy lưng chàng mà cắn song chỉ làm rách áo. Lớp cương khí hộ thân của Thuần Vu Kỳ không chống nổi đao kiếm, hay chưởng kình, nhưng đủ sức đối phó với hàm răng của lũ dơi. Chàng mới đạt có ba thành hỏa hầu song cũng là chuyện hiếm có trong làng võ. Điều kỳ diệu này xuất phát từ sự ưu việt của pho nội công Lưỡng Nghi chân khí và tính chất đặc thù của núi Hòa Sơn.

Trương Tam Phong chọn núi Hòa Sơn làm nơi ẩn cư và dạy dỗ học trò cũng vì đây là linh địa, nơi hội tụ mạnh mẽ nhất của hai khí âm dương. Bởi thế cho nên Thuần Vu Kỳ thu hoạch được rất nhiều lợi ích, tu vi thâm hậu gấp đôi bình thường.

Thuốc giải của Độc Cơ quả nhiên là thần hiệu. Dương Hổ và Hách Nham tỉnh lại ngay. Chàng bảo họ chạy đi trước rồi lướt nhanh đến vị trí mà Đồng Quan Thần Phiến đã gục ngã. Chàng nhét thuốc vào miệng gã nhặt lấy quạt sắt, bồng họ Đào rời khỏi trận địa đầy xác người và xác dơi. Những người còn sống sót đã tụ tập ở bến đò của nhánh tả sông Chương Thủy, trong số đó có cả Võ Đang ngũ tú.

Thuần Vu Kỳ từng nhìn thấy Ngũ tú chuyện trò với Đào Tử Mưu nên trao họ Đào cho họ. Từ Nguyên Hạo mừng rỡ hỏi tên ân nhân song gã hán tử mặt râu kia chỉ mỉm cười bỏ đi. Họ Từ nhận ra đấy là người đã căng lều trên gò đất lúc trưa.

Đồng Quan Thần Phiến bị dơi cắn trúng nên nhiễm độc nặng hơn. Khi được đưa qua sông mới hồi tỉnh. Đào Tử Mưu cảm kích vòng tay nói :

- Ơn cứu mạng của Ngũ vị hiền đệ, ngu huynh quyết chẳng dám quên.

Võ Đang Nhất Tú Thương Vĩnh Tế là người thẳng thắn nên vội xua tay cải chính :

- Đào huynh lầm rồi? Bọn tiểu đệ ở vòng ngoài cùng, sớm đã bỏ chạy nên không biết việc Đào huynh ngã xuống. Nhưng có một hán tử tuổi tứ tuần đã cứu được đại huynh mang đến bến đò giao cho bọn tiểu đệ.

Nhị Tú Trình Bích Thám là người tinh minh nên đã nhận ra quái sự. Gã cau mày nói :

- Lạ thực? Dường như người ấy chẳng xem lũ dơi độc kia ra gì cả.

Đồng Quan Thần Phiến chợt thấy miệng mình đăng đắng vị thuốc và hơi thở thì hăng hắc, biết rằng vị ân nhân kia đã ban cho thuốc giải?

Họ Đào vốn cao ngạo, chưa từng chịu thiệt thòi trước người nào. Nay gã phải chịu ơn lớn, lòng rất áy náy băn khoăn, liền hỏi dồn :

- Thế người ấy danh tính là gì?

Tứ Tú Đặng Hữu Thiết thở dài chán nản :

- Gã có chịu xưng tên đâu, chỉ cười rồi bỏ đi.

Ngũ Tú Tạ Tử Quyên hăng hái xen vào :

- Nếu gặp lại thì tiểu đệ sẽ chỉ hắn cho Đào huynh biết. Lúc trưa hắn ta và hai người nữa dựng lều vải trên gò đất cao đấy mà.

Đồng Quan Thần Phiến thở phào :

- Thế thì ngu huynh cũng biết?

Và gã nghiến răng nói :

- Ngu huynh không thể nuốt nổi mối hận này. Đêm nay sẽ đột nhập Bán Nguyệt sơn trang để dò la và tìm cách trả thù.

Canh ba đêm ấy, Đồng Quan Thần Phiến mang đây chão có móc sắt đến phục ở lùm cây phía Tây Bán Nguyệt sơn trang.

Trăng rằm tháng hai sáng vằng vặc nhưng không đáng ngại vì trên đầu tường chẳng có ai. Đào Tử Mưu cho rằng thuốc giải độc mà mình đã uống còn có tác dụng khá lâu nên chẳng sợ lũ dơi. Tuy nhiên, khi thấy đàn dơi bay vần vũ quanh Bán Nguyệt sơn trang gã cũng hơi chột dạ, phân vân, cứ nằm mãi trong một bụi cây.

Chợt gã nhận ra từ một lùm cây cách đấy tám chín trượng, có một bóng đen lú ra lướt nhanh như bay đến chân bức tường đá. Khinh công người này đã khiến Đào Tử Mưu phải lắc đầu khâm phục.

Hắc Y nhân vừa đến nơi thì bị vài con dơi sa xuống cắn. Nhưng lạ chúng lại bay đi ngay, cứ như là chê con mồi kia không hợp khẩu vị vậy.

Đào Tử Mưu tỉnh ngộ, hiểu rằng gã áo đen có thể là người đã cứu mình, lập tức rời chỗ nấp lướt nhanh đến xòe cây thiết phiến để tự giới thiệu. Người áo đen gật đầu tỏ vẻ đã nhận ra, đứng chờ họ Đào. Thần Phiến đã tiếp cận chân tường, hạ giọng nói :

- Tại hạ muốn theo ân công vào Bán Nguyệt sơn trang.

Hắc Y nhân bịt mặt kia lại gật đầu và đưa tay tháo vòng dây chão trên vai Đào Tử Mưu. Dơi lại bay đến tấn công Đồng Quan Thần Phiến nhưng Hắc Y nhân đã đứng che cho gã nên chúng bỏ đi. Đào Tử Mưu không hiểu gã áo đen này có pháp thuật gì mà khiến lũ dơi sợ hãi đến thế.

Hắc Y nhân bỗng rút kiếm ló ra một gang, quẹt ngón út tay tả vào lưỡi kiếm rồi rắc máu lên khăn trùm đầu và y phục của bọ Đào. Té ra máu của người áo đen có chất gì đó mà bọn dơi rất sợ.

Xong xuôi, con người bí ẩn kia nắm một đầu dây chão rồi tung mình nhảy vút lên, bám lấy đầu tường. Thuật đề tung siêu việt này đã khiến Đào Tử Mưu chạnh lòng, hiểu rằng mình còn kém xa.

Gã cố nén tiếng thở dài mặc cảm, bám dây giật mạnh để mượn sức mà phi thân lên. Móc sắt đã được người áo đen gài chặt vào đỉnh tường. Tử Mưu ló đầu lên quan sát thật nhanh, khẳng định phía dưới không có người, liền quay ngược móc quăng dây vào trong. Hai người tuột xuống vì nhảy thì sẽ gây tiếng động. Sợi dây chão kia sẽ không bị phát hiện vì tình cờ nằm dưới bóng của một tàn cây rậm rạp.

Hắc y nhân thò tay đẩy lưng Tử Mưu ý bảo gã đi trước mở đường. Do lỡ chịu ơn sâu của đối phương nên họ Đào bấm bụng nghe lời, sẵn dịp trổ tài dạ hành xuất quỷ nhập thần của một tay thần thám.

Càng tiến sâu vào trung tâm, hai người càng nghe rõ tiếng cười nói, tiếng bước chân rộn rã. Hầu như cả trang đang tất bật ở sân trước lo việc băng bó, chửa thương và giải độc cho các tù binh. Tổng cộng có đen bốn trăm cao thủ của hai phe chính tà bị bắt làm tù binh, được đặt nằm la liệt trên sân.

Giữa sân có một chiếc bàn tròn, cạnh đặt lu sành lớn. Một lão nhân tóc xõa dài, mặc đạo bào trắng đang ngồi ở đấy, múc từng gáo nước trong lu đổ vào chén cho bọn Hoàng y mang đi.

Đèn đuốc sáng choang nên gương mặt ngựa dài thườn thượt và những chi tiết như mắt lộ, mũi lân, răng hô của lão già được hai khách dạ hành nhìn rất rõ. Đào Tử Mưu giật mình ghé tai đồng bọn mà thì thầm :

- Ân công. Lão quỷ ấy chính là Miêu Độc pháp sư Hướng Đình Mạo ở miền Nam Quí Châu. Họ Hướng giỏi nghề phóng độc và sai khiến độc vật, ít khi vào Trung Nguyên nhưng không ngờ giờ lại làm hậu thuẫn cho Bán Nguyệt sơn trang.

Hắc y nhân kia chính là Thuần Vu Kỳ nên chàng chẳng lạ gì Miêu Độc pháp sư.

Chàng từng nghe Vệ Tích Cơ kể về vị sư thúc tổ tính tình quái dị ác độc này.

Bỗng một gã áo vàng vấp chân làm đổ nước trong chén. Hướng pháp sư giận dữ mắng :

- Tên bị thịt kia. Ngươi có biết loại thuốc Vong Tâm đan này quí giá đến ngần nào không? Sự nghiệp của nhà Mộ Dung tùy thuộc cả vào đây đấy. Bốn trăm tên cao thủ này uống xong nước pha Vong Tâm đan sẽ mãi mãi trung thành với Bán Nguyệt sơn trang. Ngươi còn làm đổ lần nữa là lão phu giết ngay đấy.

Gã áo vàng sợ xanh mặt vâng dạ rối rít.

Thuần Vu Kỳ thầm chán ngán cho dã tâm của Mộ Dung Thịnh liền lặng lẽ bỏ đi tìm gã. Chàng phải giết gã hoặc chí ít cũng đoạt lấy Hàng Long kiếm để ngăn cản âm mưu tranh bá của gã.

Chàng xót thương những nạn nhân dưới sân kia nhưng tự lượng không đủ sức cứu họ thoát khỏi chốn này, đành phải bó tay. Thuần Vu Ky lẩn đi rất êm thắm nên Đào Tử Mưu không hề hay biết. Lúc gã phát hiện ra thì chàng đã biệt tăm. Gã cảm thấy đơn độc liền nhanh chân trở ra chỗ móc dây chão chờ đợi. Tử Mưu cũng đoán ra mục đích của Hắc Y nhân là Hàng Long kiếm nhưng không dám đi theo vì sợ vạ lây.

Sự hiện diện của Miêu Độc pháp sư đã khiến Đào Tử Mưu lo ngại, vì bản lãnh Hướng Đình Mạo rất cao siêu nhất là tài phóng độc. Đối thủ của họ Hướng thường đột ngột lăn ra chết mà không hiểu tại sao. Đao kiếm còn có thể chống đỡ nhưng chất độc hay độc trùng thì gã chịu thua.

Nhắc lại, Thuần Vu Kỳ đoán rằng Mộ Dung Thịnh đang dưỡng thương nơi hậu viện nên quay lại phía sau mà tìm. Chàng kiên nhẫn rình mò từng mái ngói, vận công lắng nghe động tĩnh, cố nhận ra giọng nói của Mộ Dung Thịnh. Mới là gần cuối canh hai nên người trong trang còn thức khá đông, ở đây chủ yếu là bọn nữ nhân, không hiểu tỳ nữ hay người họ Mộ Dung.

Cuối cùng, khi đến dãy hướng Đông thì chàng phát hiện phòng của Trang chủ Bán Nguyệt sơn trang. Do ỷ lại vào bầy dơi độc nên không có ai tuần tra canh gác cả.

Vả lại, giờ này cũng còn sớm, người qua lại trên hành lang phía trước không thiếu. Tuy nhiên, do không có nhu cầu đi qua hướng vườn hoa nên mái hiên phía sau khá vắng vẻ.

Thuần Vu Kỳ mừng rỡ nhảy xuống đất, nấp kín giữa một bụi cây nhìn qua cửa sổ đang mở rộng. Chàng cau mày khi thấy Mộ Dung Thịnh đang bồng một đứa bé gái độ bốn tuổi, vỗ về ru nó ngủ. Gã ngồi trên giường đối diện với một nữ nhân đang cho con bú. Thuần Vu Kỳ thở dài, biết mình chẳng thể ra tay được. Chàng sẵn sàng giết Mộ Dung Thịnh khi chạm trán ở đấu trường nhưng trước mặt vợ con gã thì không.

Thuần Vu Kỳ bỏ đi, nhưng do không muốn gặp lại Đồng Quan Thần Phiến nên chàng thẳng hướng Bắc định vượt tường sau. Khi còn cách chân tường chục trượng, chàng chợt phát hiện một ngôi mộ lớn, cao hơn đầu người, quét vôi trắng toát. Đặc biệt là khu vực này đầy rắn rít, dường như để canh giữ ngôi mộ. Thuần Vu Kỳ tò mò tiến lên khiến lũ độc xà sợ hãi dạt ra. Chàng đến sát mộ nhận ra chẳng có bia đá mà thay vào đó là một cánh cửa dày rất kiên cố. May thay, cửa mộ chỉ gài song ngang chứ không có ổ khóa. Phải chăng vì có đàn rắn độc nên chẳng ai dám vào?

Đoán rằng nơi đây có lên quan đến Miêu Độc pháp sư, Thuần Vu Kỳ mạnh đạn mở cửa vào xem thử. Chàng cẩn thận khép kín lại ngay vì bên trong có ánh sáng lù mù của những cây hương trầm và ngọn đèn dầu trên bệ thờ. Thuần Vu Kỳ vặn cao bấc, mỉm cười khi nhìn thấy cỗ quan tài sơn đen ở cạnh mình.

Nhưng những sợi ehỉ đỏ quấn chằng chịt quanh hòm và những lá bùa vàng dán đầy nắp làm cho chàng hiểu rằng người chết đang bị trấn yểm. Thuần Vu Kỳ thoáng nghe lòng bất nhẫn, thương cho kẻ đã qua đời mà chẳng được yên thân. Chàng liền xé bùa, giật đứt chỉ và mở nắp hòm ra.

Ánh đèn trên bàn thờ soi rõ tử thi còn nguyên vẹn của một nữ nhân áo trắng, tóc dài. Trên trán nàng còn một đạo bùa nữa, Thuần Vu Kỳ thò tay lột và xé nát. Lúc này chàng mới nhận ra gương mặt người quá cố khá xinh đẹp.

Thuần Vu Kỳ ngượng ngùng vái ba vái, thầm khấn :

- Tại hạ Thần Vu Kỳ cầu mong cô nương sớm được siêu thoát.

Rồi chàng thổi tắt đèn rời khỏi ngôi mộ cổ quái, vượt tường chạy về chỗ Dương Hổ và Hách Nham đang ẩn nấp. Hai gã đang thấp thỏm như kiến bò miệng chảo, thấy chủ nhân mới thở phào nhẹ nhõm. Dương Hổ cằn nhằn :

- Sao công tử làm gì mà lâu thế. Gã Đào Tử Mưu rời trang đã gần nửa canh giờ rồi.

* * * * *

Trưa hôm sau, bọn Thuần Vu Kỳ có mặt ở Giang Lăng nhưng cải trang dung mạo khác, bởi Đồng Quan Thần Phiến và Võ Đang ngũ tú cũng hiện diện trong thành này.

Số hào kiệt thoát nạn ở Bán Nguyệt sơn trang tụ tập ở Xương Phát đại tửu quán này khá đông. Họ oang oang kể về cuộc chiến với niềm tự hào song ánh mắt thoáng sợ hãi khi nhắc đến bầy dơi khủng khiếp.

Trong tửu quán còn có những người mới từ nơi khác đến, mang theo tin tức về vụ bắt cóc Trại Ngu Cơ ở Nam Dương. Cái chết của hai đại cao thủ là Chu Tước chân nhân và Bạch Hổ chân nhân khiến mọi người nghi hoặc. Một số cho rằng chính Đồng Quan Thần Phiến đã ra tay phá án, giúp đỡ Tiết gia trang và quan quân tiêu diệt hung thủ. Một số phỏng đoán rằng đấy là kiệt tác của chàng câm Thuần Vu Kỳ, kẻ đã một lần đuổi Bạch Hổ chân nhân tức Công Lý hội chủ chạy có cờ. Hai phe cãi nhau ỏm tỏi, chẳng ai chịu nhịn ai. Chỉ có một tin khá xác thực của gã ở Trường An đến, đó là việc Âu Dương Khải, cháu ba đời của Vô Địch Thần Kiếm, đã từ trần bốn ngày trước, nghĩa là kẻ xuất hiện ở Bán Nguyệt sơn trang là giả mạo.

Ăn uống xong, bọn Thuần Vu Kỳ rời Giang Lăng, ra khỏi cửa thành thì gặp Đồng Quan Thần Phiến và Võ Đang ngũ tú. Sợ đồng hành thì sẽ lộ, ba người lỏng tay cương, nhường phe họ Đào đi trước cách xa hàng dặm.

Xế chiều ngày mười tám tháng hai, chín người không cùng bọn này còn cách sông Hán Thủy vài chục dặm thì bị chặn đường.

Phục binh đông độ hơn ba mươi, y phục không cùng màu và đều bịt khăn ngang mặt, được dẫn đầu bởi hai lão có rầu cằm dài đến ngực. Mục tiêu của họ chính là Đồng Quan Thần Phiến. Lão già áo xanh cao gầy gằn giọng :

- Đào Tử Mưu. Chắc ngươi đã nhận ra chúng ta rồi chứ?

Nghe giọng quen thuộc, Thần Phiến giật mình vòng tay :

- Thì ra nhị vị lão huynh. Tiểu đệ xin bái kiến?

Lão già áo vàng người tầm thước cười nhạt bảo :

- Lão phu nghe nói chính ngươi đã giúp Tiết gia trang tìm ra con tin và giết hại sư đệ của bọn ta phải không?

Câu hỏi này chứng tỏ hai lão chính là Xảo Quá Thiên và Thanh Long chân nhân.

Bọn Thuần Vu Kỳ đã đến nơi, đứng cách xa bảy tám trượng để nghe ngóng. Chàng câm nhận ra giọng nói của Xảo Quá Thiên, lòng thầm lo cho Đào Tử Mưu.

Họ Đào tái mặt biện bạch :

- Phó lão huynh lầm rồi? Tiểu đệ xin thề rằng không hề dính dáng đến việc của nhà họ Tiết. Hôm ấy tiểu đệ có đến xem hiện trường, không tìm được manh mối nên chịu thua.

Xảo Quá Thiên cười lạnh :

- Vậy tại sao sáng hôm sau ngươi quay lại Tiết gia trang, phải chăng là để lãnh thưởng? Người của lão phu đã nhìn thấy tất cả.

Đào Tử Mưu cười khổ :

- Chẳng qua tiểu đệ ấm ức muốn biết ai là kẻ đã phá được vụ án bí ẩn nên mới đến hỏi Tiết Cao Vân.

Lão nhân áo xanh nóng nảy nạt :

- Thế lão họ Tiết nói sao? Nếu ngươi không thực thà khai báo, lão phu thề sẽ lột da mẹ ngươi ra đấy.

Là người chí hiếu, Đào Tử Mưu sợ khiếp vía, cắn răng đáp :

- Xin Chữ lão huynh chớ nóng giận. Tiểu đệ đã lỡ hứa nên không thể tiết lộ danh tính người ấy, song nhị vị hoàn toàn có thể đoán ra được.

Đào Tử Mưu vì chữ hiếu mà bấm bụng nuốt nửa lời thề. Gã không chỉ đích danh Thuần Vu Kỳ song nói như thế cũng là quá đủ.

Xảo Quá Thiên cơ trí siêu phàm, hiểu ngay vấn đề, lạnh lùng bảo :

- Té ra là gã câm chết tiệt họ Thuần Vu. Có phải thế không?

Đào Tử Mưu im đặng không dám xác nhận hay phủ định. Xảo Quá Thiên cười hăng hắc :

- Dẫu ngươi không nói tên nhưng như thế cũng đủ là kẻ bội tín rồi. Việc này mà đồn đãi ra thì ngươi còn mặt mũi nào mà xưng là hiệp khách nữa. Tốt nhất là ngươi giết năm gã đạo sĩ kia và qui phục lão phu.

Võ Đang ngũ tú kinh hãi lùi ngựa, rút kiếm đề phòng. Nhưng Đào Tử Mưu đã xoè quạt sắt, dõng dạc nói :

- Ta vì chữ hiếu mà bội tín chắc đồng đạo cũng lượng thứ cho. Còn việc qui phục tà ma thì Đào mỗ thà chết chứ không làm.

Dứt lời, gã phất Thiết Phiến xạ ngay năm mũi kim thép về phía Xảo Quá Thiên và Thanh Long chân nhân Chữ Kỳ Luân. Hai lão hiểu quá rõ ngón nghề của của Đồng Quan Thần Phiến nên đã sớm đề phòng, rút gươm đánh bạt độc châm rồi rời lưng ngựa tung mình đến tấn công.

Đào Tứ Mưu vội hạ mã, cùng Võ Đang ngũ tú đâu lưng mà kháng cự. Nhưng ngoài hai gã ma đầu còn có gần chục gã thủ hạ lợi hại nữa nên tình hình của bọn Đào Tử Mưu rất bi đát.

Xảo Quá Thiên cười đắc ý :

- Muốn toàn mạng thì cả sáu đứa ngươi mau buông vũ khí đầu hàng. Lão phu đang cần nhân tài, hứa sẽ rất hậu đãi.

Ngũ Tú Tạ Tứ Quyên nóng nảy nhất bọn, ngoác miệng thóa mạ :

- Con bà mi? Đệ tử Võ Đang chẳng hề biết sợ chết.

Nói xong, gã lăn xả vào gã đối thủ trước mặt, chịu một kiếm nhẹ vào vai trái nhưng lại đâm thủng ngực kẻ thù.

Bốn gã đạo sĩ đàn anh thấy vậy cũng hứng chí tấn công quyết liệt, đả thương được bốn tên. Ngũ Tú thành danh là nhờ thực tài chứ không phải ngẫu nhiên. Sau trận Tiết gia trang hồi năm ngoái, họ đã tỉnh ngộ, bỏ thói khinh người, khổ công rèn luyện kiếm pháp nên tiến bộ thấy rõ. Với dũng khí và sức lực của tuổi thanh xuân, Võ Đang ngũ tú tả xung hữu đột, đường kiếm ảo diệu và thận mật, giữ vững trận địa.

Đồng Quan Thần Phiến còn lợi hại hơn, quạt sắt bay lượn nhanh như chớp, lúc xòe lúc cụp biến hóa thành đoản kiếm, sát địch bằng những thức đâm, lúc xòe thì che kín nửa thân và giết ngươi bằng những thế chém. Cây quạt sắt này là vũ khí thành danh của Quỷ Phiến Tử ngày xưa. Nó được chế tạo rất tinh xảo gồm mười tám nan dẹp mỏng như lá lúa, bằng thép tinh luyện. Đầu nan có dạng mũi kiếm và sắc như dao cạo.

Sau này, Đào Tử Mưu còn ghép thêm ống phóng độc châm vào đuôi quạt khiến thiết phiến càng bội phần lợi hại. Nhờ vậy, họ Đào nổi danh rất sớm.

Quạt sắt chỉ dài độ hai gang, thua thiệt trước đao kiếm, song độc châm lại bắt đối thủ phải phân tâm đề phòng.

Trong nửa khắc, Đào Tử Mưu đã sát hại được bốn tên làm cho Xảo Quá Thiên và Thanh Long chân nhân tức giận. Phó Từ Phong nhảy vào tấn công Thần Phiến còn Chữ Kỳ Luân tìm đến Nhị Tú ở mạn Tây.

Xảo Quá Thiên dằn mặt Đào Tử Mưu bằng một đạo chưởng Phách Không ở tay tả, mãnh liệt như núi đổ. Họ Đào nghiến răng múa quạt che thân, bị chưởng kình đẩy lùi, miệng rỉ máu tươi.

Bên kia, Thanh Long chân nhân Chữ Kỳ Luân cũng đã vạch một đường trên người Nhị Tú Trình Bích Thám. Bản lãnh cao siêu của hai lão ác ma khiến Thần Phiến và Ngũ Tú kinh hoàng. Nhưng từ những bụi lau rậm rạp hai bên đường đã có ba người nhảy ra tham chiến. Một người hướng Đông hai người hướng Tây.

Đấy chính là Thuần Vu Kỳ và hai gã thủ hạ. Họ giả đò quay ngựa bỏ đi nhưng sau đó hạ mã, len lau lách mà tiếp cận chiến địa để tạo thế bất ngờ. Sức yếu thế cô, Thuần Vu Kỳ bắt buộc phải ám tập, loại cho được Xảo Quá Thiên trước đã.

Tiếc thay, Phó Từ Phong lại nhảy vào giữa trận để đấu với Đào Tử Mưu khiến chàng không thể nhảy một cái mà tiếp cận lão ta được.

Cũng như Dương Hổ và Hách Nham, chàng phải tiến vào bằng cách chém giết bọn thủ hạ của họ Phó. Chúng chỉ còn lành lặn độ hai chục tên nhưng toàn là tay khá cả, bản lãnh mỗi tên xấp xỉ với một người trong Ngũ tú.

Thuần Vu Kỳ biết Đào Tử Mưu đang sắp mất mạng nên dồn toàn lực vào hữu thủ, phóng những nhát kiếm nhanh như tia chớp, giết liền hai gã trước mặt. Tiếng kêu nấc nghẹn của họ đã đánh động đồng bọn nên có vài gã quay lại vây lấy kẻ mới đến Thuần Vu Kỳ chẳng chút chần chừ, xuất chiêu “Tuyết Bế Sài Môn” (Tuyết che cửa gỗ xấu). Mũi kiếm của chàng hóa thành những bông tuyết mịt mù, thổi ập vào hai gã mé hữu. Chúng kinh hoàng múa kiếm hộ thân và lùi thật nhanh. Song đã bị trận mưa tuyết bắt kịp, đâm thủng ngực.

Thân hình Thuần Vu Kỳ tiếp tục lướt vào sâu, trường kiếm chập chờn bay lượn, giết thêm hai kẻ xấu số nữa. Song Xảo Quá Thiên đã phát hiện cường địch, bỏ Đào Tử Mưu mà tung mình đến chận đường gã kiếm thủ lạ mặt.

Phó Từ Phong đã chứng kiến đường gươm kỳ tuyệt của gã kia giết thủ lạ mình, linh cảm ràng đối phương chính thị là Thuần Vu Kỳ, kẻ từng đả thương lão ở Tiết gia trang hồi năm ngoái. Theo lời Công Lý hội chủ thì kiếm thuật của Thuần Vu Kỳ đã đạt đến mức thâm huyền, chẳng ai hơn được và hán tử không râu này cũng đã chứng tỏ một trình độ tương tự.

Vả lại, Thuần Vu Kỳ đã có mặt ở Nam Dương để giết Chu Tước chân nhân và Bạch Hổ chân nhân thì hiện diện chốn này cũng là hợp lý. Nghi thế nên Xảo Quá Thiên rất thận trọng, đánh thăm dò bằng một chiêu trong pho Huyết Hồn kiếm pháp.

Lão thông minh hơn hẳn các sư đệ nên thành tựu có khác, kiếm chiêu hiểm ác nhưng kín đáo, công thủ đều có đủ.

Thuần Vu Kỳ cũng không dám khinh thường lão hồ ly khét tiếng, xuất chiêu “Yên Tỏa Động Thiên” (khói khóa đất tiên) kiếm ảnh mờ mờ bủa vây đối thủ. Thép chạm thép rất nhanh, nối thành tiếng rít chói tai, và Xảo Quá Thiên phát hiện da thịt rờn rợn ở vài chỗ vì hơi thép lạnh. Lão hoảng hồn thoái bộ, đồng thời vung tả thủ đẩy đến một chưởng Huyết Hồn. Nhưng đối phương đã nghiêng người né tránh cực kỳ thần tốc và tiếp tục xấn tới đâm thủng sườn phải của lão ma.

Tuy vết thương không sâu đến phủ tạng nhưng cũng đủ khiến Xảo Quá Thiên khiếp vía trước tài nghệ sử dụng kiếm thần sầu quỷ khốc cửa đối thủ. Lão không biết rằng Thuần Vu Kỳ căn cơ thượng phẩm, càng dầy dạn tử sinh thì bản lãnh càng cao cường. Xảo Quá Thiên thẹn quá hóa giận, dồn toàn lực vào phép Kiếm Chưởng Hợp Bích, tấn công như vũ bão. Sau ba lần tỷ thí với Đơn Nhai Chân Quân, Công Lý hội chủ và Chu Tước chân nhân, Thuần Vu Kỳ đã có đấu pháp thích hợp để đối phó với Phách Không chưởng lực. Chàng hoán vị nhanh như gió để tránh chưởng, đồng thời bám sát kẻ thù mà uy hiếp bằng những chêu kiếm tinh kỳ.

Chàng không còn sợ chất độc của Huyết Hồn chưởng nhưng chẳng thể liều mạng vì còn phải đương cự với Phong Đô Đại Sĩ trong tương lai. Do vậy, những vết thương chàng gây cho đối phương thường không sâu để còn kịp tránh những đạo chưởng kình nặng như búa tạ, đủ sức đập nát xương cốt của chàng. Mục đích hôm nay là giải vây cho Đồng Quan Thần Phiến và Võ Đang ngũ tú chứ chẳng phải để giết Xảo Quá Thiên.

Bên kia, Dương Hổ và Hách Nham đã phá được vòng vây, cố cầm chân Thanh Long chân nhân để những kẻ đang thọ thương kia đào tẩu vào cánh rừng hướng Tây Hai gã này được Thuần Vu Kỳ tận tình dạy dỗ, chỉ cho phương thức đối phó với Huyết Hồn kiếm pháp và chưởng pháp, nên trở thành đối thủ đáng gờm của Thanh Long chân nhân Chữ Kỳ Luân. Hai gã chia tả hữu, phối hợp nhịp nhàng giáp công họ Chữ, tuy không thắng nhưng chẳng thể thua ngay được.

Lợi hại nhất là Hách Nham, gã đã từng luyện qua Huyết Hồn kiếm pháp, và có sức khỏe phi thường nên đường kiếm mạnh như chẻ núi. Dương Hổ kém sức hơn song kiếm pháp rất độc địa, luôn uy hiếp hạ bàn Chữ Kỳ Luân.

Hai gã này lại được Độc Cơ cho uống thuốc giải chất kỳ độc trong Huyết Hồn chưởng, có trúng vài phát cũng chẳng đến nỗi vong mạng. Độc Cơ thương rể quí nên bồi dưỡng cho hai gã thủ hạ của chàng để họ đắc lực hơn.

Thấy bọn Đồng Quan Thần Phiến đã khuất vào rừng, Dương Hổ và Hách Nham nhất tề xông vào. Họ Dương cố chặn đường kiếm của Chữ Kỳ Luân còn Hách Nham cắn răng chịu một chưởng vào vai tả để có thể thọc kiếm vào ngực của lão.

Nào ngờ Thanh Long chân nhân đoán ra ý đồ ấy, đề khí bốc lên cao, buông kiếm mà giáng song chưởng xuống đầu hai gã ngoan cố kia. Hai gã đành phải đảo bộ tránh chiêu và đã thoát vào đến rừng. Dương Hổ quát vang :

- Công tử chạy mau?

Xong xuôi, hai gã cắm đầu đào vong, lòng vững tin rằng phe đối phương tuyệt đối chẳng thể ngăn bước Thuần Vu Kỳ.

Có thể họ không sai nhưng cuộc đời này đầy bất trắc, chẳng ai nắm chắc được điều gì. Thuần Vu Kỳ đang dợm bỏ chạy thì một cái xác bất động phía sau lưng bỗng nhúc nhích và chồm dậy phóng một mũi tiểu đao vào đùi trái của chàng. Cơ đùi bị tổn thương nên bộ pháp Thuần Vu Kỳ chậm lại, không tránh được đạo chưởng kình từ tay tả của kẻ thù, may mà chàng đã sớm nhảy lùi nên không chết vì dập phổi.

Thuần Vu Kỳ văng ngược ra xa hơn trượng, ngã ngồi xuống vệ đường, máu ồng ộc trào qua khóe miệng. Xảo Quá Thiên mừng rỡ tra kiếm vào vỏ lướt đến giơ cao song thủ nhưng chưa giết ngay mà lột khăn và cười ghê rợn :

- Thuần Vu Kỳ. Đến lúc ngươi đền mạng cho hai em ta rồi đấy.

Lúc này Thanh Long chân nhân Chữ Kỳ Luân cũng đã đi gần đến nơi, chỉ còn cách Xảo Quá Thiên vài bước.

Hoàng hôn đã tắt lịm, trời nhá nhem, chẳng còn chút tia nắng nào ở đằng Tây cả.

Thuần Vu Kỳ cố nhìn cho rõ gương mặt của Xảo Quá Thiên lần cuối cùng. Chàng là kẻ đạt đao, xem sinh tử như nhau nên thản nhiên mỉm cười, ánh mắt chẳng chút hận thù.

Bỗng chàng nhận ra thân hình Phó Từ Phong run lẩy bẩy, mắt dại đi như sợ hãi điều gì. Thuần Vu Kỳ xúc động linh cơ, lập tức phóng trường kiếm vào bụng Xảo Quá Thiên rồi tung mình lộn ngược một vòng, chạy biến vào rừng.

Tiếng rú đau đớn của họ Phó cho biết lão trúng đòn. Thanh Long chân nhân vội đỡ lấy đại sư huynh và quát thủ hạ đến phụ giúp, chẳng thèm truy đuổi Thuần Vu Kỳ Trường kiếm không xuyên thấu ra sau lưng nhưng cũng khiến dạ dày bị thủng.

Chữ Kỳ Luân xé áo họ Phó xem xét vết thương, miệng càu nhàu :

- Sao sư huynh lại đứng im không né tránh?

Xảo Quá Thiên run rẩy đáp :

- Lão phu đang định xuất thủ thì nghe như có ai đứng sau lưng thổi vào gáy. Hơi thở ấy vô cùng lạnh giá, làm toàn thân ta tê tái, không sao cử động được nữa.

Chữ Kỳ luân cười nhạt :

- Tiểu đệ đứng sau lưng sư huynh mà nào có thấy gì đâu? Chẳng lẽ có ma?

/19

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status