Duyên Kiếp Trước Nợ Kiếp Này !

Chương 3 - Gặp Lại Cố Nhân

/28


Tôi Chung Tuấn Hải và Ôn Tịnh giống như ba nốt nhạc Đô, Rê, Mi trên khuông nhạc, vì mỗi người vừa khéo cách nhau một tuổi, tôi lớn nhất, sau đó đến A Hải, nhỏ nhất là Ôn Tịnh. Thực ra giữa chúng tôi cũng chỉ cách nhau vài tháng, nhưng vì đã sang năm khác nên dù muốn trẻ hơn cũng không được. Tôi chẳng thể nhường ai cái chức danh người “già” nhất nhóm, trong lòng luôn mơ ước có một người anh trai.

Sinh nhật tôi vào cuối năm, nhớ có một năm đến trường đăng ký học, vì chưa đủ tuổi nên không được nhận. Cũng không biếu lần nữa thế nào mà khi tôi đi học, tôi toàn học với các em nhỏ tuổi hơn.

Chúng tôi cùng nhau trốn học, sau đó lén đi ra ngoài bắt ong mật, leo núi… làm đủ mọi trò mà chúng tôi cho là thú vị. Bố mẹ tôi rất nghiêm khắc trong việc giáo dục tôi, nhưng vì lúc đó họ quá bận rộn nên mới lơi lỏng để tôi nắm được cơ hội đó.

Đến một ngày sự việc bại lộ, tôi và A Hải rất trượng nghĩ đứng ra chịu mọi hình phạt để bảo vệ chu toàn cho cô em gái Ôn Tịnh. Kết quả luôn là tôi bị đánh nhiều nhất, bởi bố tôi rất nóng tính.

Ba chuyện khiến tôi có ấn tượng sâu sắc nhất đối với Chung Tuấn Hải đó là:

Một.

Cho đến chín tuổi, tôi đã luyện bút lông được hơn ba năm, nhưng hoàn toàn là do bị bố tôi thúc ép. Nhất là đến kỳ nghỉ hè, bài tập của tôi mỗi ngày là luyện viết mười trang giấy.

Đương nhiên tôi cũng không phải là dạng vừa, làm sao có thể phụ lòng đám bạn đang đứng chờ ở bên ngoài chứ. Thế là tôi lén giở những trang viết đẹp từ nửa năm trước ra, chọn ba, bốn trang cuối cùng hoặc có lúc tâm trạng vui vẻ, tôi chọn ra hẳn tám trang để làm thành quả của mình ngày hôm đó, sau đấy chỉ cần viết nguệch ngoạc thêm mấy trang nữa là có thể “bàn giao” cho bố rồi.

Làm như thế, bốn lần, bố tôi bắt đầu nghi ngờ rằng tại sao chữ của tôi càng ngày càng xấu. Trước cây roi, tôi đã phải thú nhận sự dối trá của mình trong nước mắt, từ đó, bố yêu cầu tôi phải viết ngày tháng trên mỗi trang giấy, muốn lười cũng không được nữa.

Tục ngữ nói, dưa ép chín không ngọt, hằng ngày tôi viết những chữ “rồng bay phượng múa” mà tâm hồn đâu có ở nhà. Những chữ đó chỉ khiến bố tôi càng phải chau mày thêm.

Buổi chiều hôm ấy, bố tôi vì bị mệt nên mới có nửa ngày nghỉ ngơi hiếm hoi, ở nhà trông chừng tôi viết chữ. Thường thường, khi đồng hồ chỉ mười hai giờ là tôi đã cảm thấy khó chịu, xương cốt toàn thân ê mỏi, ngứa ngáy.

Đang lúc ấy có một tên ngốc đứng ngoài cửa thập thò, bố tôi nhìn thấy, liền gọi: “A Hải, vào đây!”

Chung Tuấn Hải vừa cười hì hì vừa đi vào. Nhóm chúng tôi mỗi khi nhìn thấy người lớn của các nhà thì đều phải tránh xa, nhất là bố tôi, ông vốn là một bề trên vô cùng nghiêm khắc.

Không ngờ, hôm đó bố tôi không sầm mặc rồi giáo huấn như bình thường mà chỉ ôn hòa bảo:

“Nào, viết thử hai chữ cho bác xem nào!”

Nghe nói bố của Chung Tuấn Hải cũng thích cho con trai luyện viết chữ. Chung Tuấn Hải nghe thấy vậy liền ngẩn người nhưng vẫn ngoan ngoãn vâng lời.

Tôi biết điều tránh sang một bên, đặt bút, mực, giấy, nghiên trước mặt A Hải. Cậu ta hoài nghi liếc tôi một cái, sau đó bắt đầu đưa bút viết. Viết xong, đặt bút xuống, cậu ta lễ phép đứng sang một bên.

Cậu ta mô phỏng thể chữ Liễu (*), mặc dù nét bút còn non nớt nhưng dáng chữ lại rất đẹp, nét chữ rõ ràng mà mạnh mẽ, cũng không kém phần thướt tha.

(*) Thể chữ Liễu: viết theo phong cách của Liễu Công Quyền, một nhà thư pháp nổi tiếng thời Đường, Trung Quốc.

Bố tôi đứng bên cạnh ngắm một hồi, lại so sánh với chữ của tôi, vẻ mặt ông không thể hiện là tán thưởng hay chán nản, nhưng từ đó, ông không còn bắt tôi luyện chữ nữa. Tôi vô cùng sung sướng, A Hải quả là đấng cứu thế của tôi, cho đến khi chúng tôi vì chút lợi cỏn con mà lại tiếp tục tranh đấu quyết liệt.

Hai.

Vào kỳ nghỉ đông năm mười hai tuổi, chị họ bên ngoại cho tôi một chiếc váy bằng tơ tằm màu trắng, có đính hoa rườm rà, trông chẳng khác nào váy cô dâu. Tôi và Ôn Tịnh sung sướng, chuẩn bị chơi trò làm đám cưới.

Vì là chủ nhân của chiếc váy, tôi đương nhiên phải là cô dâu, và vì không có ai để chọn làm chú rể nên tất nhiên người đó là A Hải.

Nhưng cậu ta khăng khăng muốn Ôn Tịnh làm cô dâu thì mới chơi cùng chúng tôi. Sự cố chấp đó khiến tôi tức giận, cuối cùng vở kịch vui đã biến thành bi kịch.

Tôi chỉ nhớ mình đã cắn vào cổ tay của A Hải đến nỗi chảy máu. Ôn Tịnh ở bên cạnh sợ đến mức mặt trắng bệch.

Mẹ tôi phải bồi thường một giỏ trứng gà, còn bố thì đánh tôi một trận ra trò. Tôi giàn giụa nước mắt, bị xách tai sang nhà họ Chung xin lỗi.

Bố mẹ của Chung Tuấn Hải tỏ vẻ khách sáo và khiêm nhường. Những người lớn ngồi trong phòng khách nói chuyện, chẳng mấy chốc chủ đề đã chuyển sang chuyện khác. Tôi cắn môi đi thăm A Hải. Cổ tay được quấn băng trắng, cậu ta đang ngồi trên giường đọc sách, dáng vẻ ung dung, thư thái.

Tôi hoài nghi không biết cậu ta có phải đi tiêm phòng hay không, nhưng rồi lại nghĩ, tôi đâu phải là chó, sao có thể gây ra bệnh dại chứ?

Thấy tôi bước vào cửa, A Hải đặt cuốn sách xuống, ngẩn người nhìn tôi, ánh mắt có chút khắc thường.

Tôi lúng túng không biết phải nói gì, mặc dù trước đó đã làm nhiều việc xấu nhưng nghiêm trọng như thế này thì đây là lần đầu tiên.

“Cậu yên tâm. Sau này tớ nhất định sẽ lấy cậu.” Cậu ta khẽ nói, vẻ mặt nghiêm túc khiến tôi không biết đáp lời thế nào.

Nhưng vì không có giông tố, mọi chuyện tự nhiên tốt đẹp trở lại.

Thực ra tôi luôn ghi nhớ câu nói ấy trong lòng, đến tận rất lâu sau này…

Ba.

Khi học cấp hai, nhóm ba người chúng tôi đã “giải tán”.

Tôi vẫn học ở ngôi trường trung học trước đó, Ôn Tịnh và A Hải thì cùng gia đình chuyển đến phía nam thành phố, trong nội thành. Cuối cùng, chúng tôi cũng kéo dài khoảng cách, những lần gặp nhau ngày càng ít ỏi. Có lúc, khoảng cách địa lý không phải là yếu tố quan trọng, mà địa vị, thân phận mới thực sự là nguyên nhân kéo dài khoảng cách giữa con người.

Nghe nói thành tích của A Hải năm lớp bảy vẫn rất đáng tự hào. Cậu ta luôn như thế, dù có trốn học hay nghịch ngợm thì vẫn học rất giỏi, cho nên giáo viên và phụ huynh có thể tha thứ cho những lỗi lầm của cậu ta.

Năm lớp chín, tôi vô tình nhìn thấy A Hải ở trường mình. Cậu ta đến tham gia cuộc thi học sinh giỏi Toán. Tôi không thể tham gia cuộc thi này vì Toán là môn tôi luôn học kém, điều đó làm tôi cảm thấy hụt hẫng.

Liếc thấy cậu ta đang nói chuyện với một bạn học cùng tường tôi ở phía xa xa trên hành lang, tôi do dự đi tới. Cậu ta thấy tôi liền dừng lại, nhìn chăm chú.

Cậu ta giờ rất cao, trời sinh đã có dáng dấp thư sinh, nước da trắng trẻo, dáng người gầy gò, đôi mắt vẫn trong veo như trước. Cuối cùng, chung tôi cũng chỉ gật đầu rồi cười với nhau một cái, sau đó cứ thế đi lướt qua nhau.

Trong khoảng khắc đó, tôi lại nhìn thấy rõ ràng gương mặt cậu ta ửng hồng. Cảm giác ấy thật kỳ diệu. Sau này tôi thường xuyên hồi tưởng lại, rồi đoán xem vì sao mặt cậu ta lại ửng hồng như vậy.

Đường nhiên tôi không đi cùng A Hải. Tất cả được bắt đầu trong mờ hồ rồi kết thúc cũng trong mơ hồ.

Thời niên thiếu của mỗi người đều có những hình bóng thoáng qua. Tuy mơ hồ nhưng nó cũng khiến chúng ta phải bối rối, có lúc mang nỗi ưu thương như cơn mưa gió của mùa thu, có lúc lại lo lắng, khắc khoải.

Tất cả vừa mới bắt đầu, thực ra chúng tôi mới chỉ đi được một bước trên con đường dài đằng đẳng ấy mà thôi. Không kịp nói chuyện với nhau, không kịp hiểu ra điều gì, trước mắt đã lướt qua một cảnh tượng khác.

Chúng tôi loạng chọang va vấp với những thứ chẳng biết gọi tên, dòng suy nghĩ vẫn không hề dừng lại. Đến một lúc nào đó muốn dừng chân quay đầu nhìn lại, bỗng phát hiện sự náo nhiệt, phồn hoa ấy đã đi đến tận cùng, ánh đèn đã tắt, không gian hư vô chẳng còn một bóng người…

Sau đó nghe nói A Hải và Ôn Tịnh học cùng tường đại học, chẳng có gì lại khi họ thành một đôi. Nhà họ Chung rất thích vẻ dịu dàng, ấm áp của Ôn Tịnh, thêm vào đó cô ấy lại có gia cảnh tốt, hai nhà đã mấy đời có quan hệ thân thiết, vì vậy đã ngầm coi cô ấy là con dâu từ lâu.

Ôn Tịnh cũng là một người chu đáo, thận trọng. Khi điền thông tin vào đơn thi đại học, chú Chung – bố của A Hải – hy vọng con trai thi vào khoa Luật, tương lai sẽ có nhiều thuận lợi hơn, nhưng cậu ta lại đăng ký khoa Tài chính, điều này khiến chú Chung vô cùng tức giận, thế là Ôn Tịnh vội đăng ký thi khoa Luật, rồi an ủi chú Chung, cho nên chú Chung luôn khen Ôn Tịnh giỏi hơn A Hải.

Với Ôn Tịnh, A Hải là cả thế giới, còn với tôi, A Hải là cố nhân, xa xôi và mơ hồ…

Lúc này, chúng tôi đang ngồi tại một nhà hàng xoay (*) trên tầng cao nhất của tòa nhà Cẩm Giang, nhìn xuống thành phố luôn đổi mới từng ngày, nghĩ đến những chuyện thú vị từ tước đến nay, nụ cười trên gương mặt ngày càng rạng rỡ.

(*) Một kiểu nhà hàng nằm trên tầng cao nhất của những tòa nhà cao tầng hoặc tháp cao, có thể chuyển động 360 độ. Thực khách có thể vừa ăn uống vừa quan sát toàn bộ cảnh sắc bên ngoài.

Ôn Tịnh ngồi trước mặt tôi, chiếc áo kiểu truyền thống thời nhà Đường với ống tay áo bằng gấm màu vàng kim phối hợp với chiếc váy đen dài đến gối, trông cô ấy thật đoan trang, nhã nhặn. Chiếc khăn choàng màu đen và mái tóc dài vẫn đẹp như ngày trước làm nổi bật vẻ dịu dàng, ưu nhã, càng khiến tôi cảm thấy mình thật quê mùa, lạc hậu.

“Sang châu Âu đúng là tốt hơn sang châu Mỹ, nhìn em xem, chẳng giống những người đi du học Mỹ về, làm gì cũng vội vội vàng vàng.” Tôi cảm thán từ tận đáy lòng.

Ôn Tịnh chỉ cười cười, để lộ hàm răng nhỏ đều tăm tắp. “Tú Nghiên, chị vẫn đẹp như trước.”

Tôi bật cười. Khi mười hai tuổi, lần đầu tiên tôi nghe thấy có người khen mình đẹp, lúc đó tôi chỉ là đứa cầm đầu một lũ trẻ con, cả ngày toàn làm những chuyện dở hơi. Tôi mơ hồ đi soi gương, đúng lúc bên cạnh có bức tranh của Yamaguchi Momoe, tôi liền cười với cái gương, mắt him híp, lại thêm chiếc răng khểnh, trông có chút giống Yamaguchi Momoe, từ đó tôi càng nghĩ rằng mình hẳn là mỹ nhân.

Đáng tiếc tỷ lệ vàng của khuôn mặt xuất hiện quá sớm, càng về sau thì càng trở nên xấu xí, tôi từ một nàng thiên nga biến thành một chú vịt con xấu xí.

“A Hải đâu?” Tôi không kìm được, hỏi.

“Anh ấy vốn nói sẽ đi cùng nhưng lúc sắp đi lại có chút việc, nên bảo em nói với chị một tiếng, nhất định hôm khác sẽ gặp nhau.” Ôn Tịnh tỏ vẻ xin lỗi.

Tôi cúi đầu, bóp chặt ngón tay, hóa ra đã bảy năm rồi tôi chưa gặp cậu ấy.

“Chị đang nghĩ gì mà cười vui vẻ vậy?” Ôn Tịnh nhìn tôi vẻ tò mò.

“Hi hi, chị đang nghĩ về chuyện lúc nhỏ đi tiêm phòng, A Hải sống chết cũng không chịu đi, kết quả là bị mẹ cậu ta vác lên, chạy băng băng ra đường. Không ngờ cậu ta lại lanh lợi leo lên một cây trúc ở ven đường, nhất định không chịu xuống, sau đó mẹ cậu ta phải dọa sẽ lấy dao ra chặt, cậu ta mới ngoan ngoãn tụt xuống.”

Ôn Tịnh cũng rất vui vẻ. “Còn nói anh ấy sao, chị cũng chẳng vừa, mỗi lần đến phòng tiêm, bác sĩ vừa mới giơ ống tiêm, chị đã mắng cả tám đời tổ tông nhà người ta, kết quả là phải có thêm hai “lực sĩ” nữa mới có thể giữ được chị.”

Thật là thời ấu thơ bi tráng!

“Em biết không, bác sĩ tiêm cho chị lần đó bây giờ là viện trưởng của bệnh viện số 3. Có lần chị đi khám bệnh còn gặp ông ấy. Ông ấy không nhận ra chị nhưng lại nhận ra mẹ chị, sau đó còn trách móc chị một hồi, đúng là thù dai mà!”

“Ôi, chuyện như vừa xảy ra trước mắt, vậy mà chỉ chớp mắt một cái chúng ta đã lớn thế này rồi.” Ôn Tịnh cảm thán.

Hóa ra khi lớn lên, chuyện chúng ta thường làm nhất lại là cảm thán.

“Khi nào thì hai người bọn em sẽ làm đám cưới?” Tôi chỉ mỉm cười, hỏi.

Ôn Tịnh hững hờ nói: “Chuyện đó để sau rồi tính.”

Trong mấy năm qua, hai người họ đã tan hợp mấy lần, tôi biết đó không phải lỗi của Ôn Tịnh. Cô ấy toàn tâm toàn ý ở bên A Hải. vấn đề là ở A Hải, lúc nào ở bên cạnh cậu ta cũng có cả đám hoa cỏ vây quanh. Thời buổi này, những người đàn ông của gia đình đi đến đâu cũng không thể sóng yên biển lặng vì có quá nhiều cám dỗ.

“Lúc nào anh ấy cũng như gần như xa, có lúc em thực sự không biết anh ấy đang nghĩ gì nữa.”

Tôi chỉ có thể an ủi cô ấy: “Thực ra trong lòng cậu ấy biết rõ em là một cô gái tốt, chỉ là cậu ấy cần kiềm chế mình mà thôi. Huống hồ, bây giờ hai người bọn em đều đã về nước rồi, bố mẹ cậu ấy cũng luôn giúp đỡ em.”

Ôn Tịnh im lặng không nói, vẻ trầm tư.

“Em có dự định gì về công việc chưa?” Tôi đành chuyển chủ đề.

“Em đang liên hệ với một văn phòng luật.”

“Còn A Hải? Chắc sẽ đến công ty của bố em chứ?” Tôi đoán.

Ôn Tịnh lắc đầu, vẻ mặt có chút bất lực. “Bố em cũng hy vọng như vậy, nhưng anh ấy lại từ chối, nói là đã có dự định khác… Tú Nghiên, còn chị thì sao? Sao đến bây giờ vẫn chỉ có một mình?”

Cô ấy hỏi chuyện này khiến tôi thực sự không biết phải trả lời ra sao, chỉ biết cười trừ. “Chẳng phải chị vẫn đang đợi sao? Đợi một người có thể khiến chị cam tâm tình nguyện lấy anh ấy.”

Những tâm sự của chúng tôi đều đã nói với nhau trên mạng, cho nên lúc này không cần nói nhiều cũng đã hiểu được lòng nhau.

“Hay là… chị đừng có chìm đắm vào chuyện cũ quá!” Cuối cùng, cô ấy chỉ nói với tôi một câu như vậy.

Tôi muốn phủ nhận nhưng lại thấy hơi chột dạ, cuối cùng chỉ cười.

/28

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status