Đừng Nói Chuyện Với Cô Ấy

Chương 41 - Chương 10.2

/47


Nhìn vào phản ứng của Lý Tùng mà xét, tôi đã thành công trong việc khiến ông ta dao động, nhưng muốn hoàn toàn phá hủy cột trụ tinh thần của ông ta thì còn cần nhờ đến sự giúp đỡ của một người khác. Người này chính là bác sĩ tâm lý của Lý Tùng.

Cởi chuông cần có người buộc chuông, câu nói này dùng ở đây không được thích hợp cho lắm, nhưng đạo lý về cơ bản là tương đồng. Cột trụ tinh thần của Lý Tùng là do vị bác sĩ đó giúp ông ta dựng nên, một khi bị dao động, ông ta nhất định sẽ lập tức đi tìm đối phương nhờ giúp đỡ. Nếu vị bác sĩ đó thay đổi cách nói, chính miệng phủ nhận sự tồn tại của sức mạnh tinh thần, vậy thì ý chí của Lý Tùng sẽ bị phá hủy từ gốc rễ.

Đương nhiên, Lý Tùng vẫn còn cọng rơm cứu mạng cuối cùng, đó chính là thuốc chống trầm cảm mà ông ta đã dùng trong suốt những năm nay. Một khi dùng thuốc khiến hàm lượng serotonin tăng lên, ông ta sẽ tìm lại được niềm hy vọng, kế hoạch ám sát cũng vì thế mà không thể thu được thành quả cuối cùng, cho nên, tuyệt đối không thể để ông ta dùng thuốc trở lại. Nhưng có nói gì đi nữa thì ông ta cũng là một người trưởng thành, tự có năng lực tư duy và năng lực phán đoán riêng của bản thân, một mực ngăn cản ông ta rõ ràng không phải là thượng sách…Thử đặt mình vào vị trí của ông ta rồi nghĩ mà xem, bản thân xuất hiện triệu chứng trầm cảm rõ ràng, bác sỹ tâm lý đã hợp tác nhiều năm thì lại từ chối không cho dùng thuốc, thêm vào đó thế lực hủ bại trong tỉnh còn đang rình mò xung quanh, không nghi ngờ và cảnh giác mới là chuyện lạ. Hơn nữa, một khi Lý Tùng nảy sinh sự hoài nghi đối

với bác sĩ tâm lý của mình, những sự tấn công của tôi trước đó chỉ e sẽ đều uổng phí. Ngoài ra, có câu rằng bị bệnh lâu ngày sẽ thành thầy thuốc, Lý Tùng đã từng uống thuốc nhiều năm, đương nhiên là biết rõ công hiệu của thuốc chống trầm cảm. Trong tình huống thứ thuốc này trở thành niềm hy vọng duy nhất của ông ta, muốn ngăn cản ông ta dùng thuốc rõ ràng là một điều không thực tế.

Tóm lại, muốn giết chết ông ta thì còn phải giở thêm chút thủ đoạn xung quanh chuyện dùng thuốc của ông ta mới được.

Tôi suy nghĩ một chút rồi liền nảy ra chủ ý, lập tức mở điện thoại ra, lén cài đặt để đồng hồ báo thức kêu lên sau một phút nữa. Đúng một phút sau, khi tiếng chuông báo thức vang lên, Lý Tùng vốn đang trầm tư bất giác giật nẩy mình.

Cháu xin lỗi, cháu xin lỗi.” Tôi vội vàng đứng dậy, áy náy nói: Bí thư Lý, cháu có thể ra ngoài nghe điện thoại một chút không?

Lý Tùng ngước mắt lên nhìn tôi, khẽ gật đầu, sau đó lại thở dài thêm tiếng nữa, hiển nhiên là vẫn đang đắm chìm trong tâm trạng tiêu cực. Tôi rời khỏi phòng bệnh, đi tới rỉ tai với Đường Bác Hiên đang chờ bên ngoài phòng bệnh mấy câu, sau đó lại ra hẳn bên ngoài tòa nhà đó, tìm đến một góc vắng vẻ rồi gọi điện thoại cho Chủ nhiệm Viên.

Thế nào rồi? Chủ nhiệm Viên cất giọng trầm thấp nhưng nôn nóng: Có kết quả chưa?

Mọi việc đều thuận lợi. Tôi nói. Chỉ còn thiếu một bước cuối cùng nữa thôi. Ông hãy lập tức liên lạc với bác sĩ tâm lý của Lý Tùng, Lý Tùng chắc sẽ gọi điện thoại cho anh ta nhanh thôi, cũng có khả năng còn hẹn gặp anh ta nữa Lý Tùng sẽ hỏi về những chuyện có liên quan tới sức mạnh tinh thần . Ông hãy bảo tay bác sĩ đó phủ nhận những điều mà mình đã nói lúc trước, sau đó nói với Lý Tùng rằng con người không hề có linh hồn, cũng chẳng có sức mạnh tinh thần gì hết. Cụ thể cần phải nói thế nào thì bản thân anh ta chắc cũng biết rõ. Ngoài ra, qua chuyện này anh ta rất có thể sẽ đoán được ý đồ của chúng ta, cho nên ông cần phải đảm bảo rằng anh ta đã hoàn toàn đứng về phía chúng ta mới được

Tôi hiểu rồi. Chủ nhiệm Viên nói. Anh ta là người hám tiền, chỉ cần bỏ ra thêm chút tiền nữa là ổn thôi. Phải rồi. chuyện về loại thuốc kia thì phải giải quyết thế nào? Nếu Lý Tùng yêu cầu được dùng thuốc trở lại thì có nên bảo bác sĩ không kê đơn cho ông ta không?

Tôi suy nghĩ một chút rồi hỏi: Thuốc phải qua tay Đường Bác Hiên rồi mới tới chỗ Lý Tùng đúng không?

Đúng vậy.

Vậy thì dễ giải quyết rồi. Tôi thở phào một hơi. Cần kê đơn thì cứ kê đơn, cứ bảo Đường Bác Hiên nghĩ cách đánh tráo thuốc là được. Có một loại thuốc cảm cúm tên là L rất giống với Luvox cả về màu sắc lẫn mùi vị, có thể dùng để thay thế được, mà nó cũng rất dễ mua ở bất cứ hiệu thuốc nào. Còn về việc đánh tráo...

Chuyện này thì cậu không cần phải lo. Chủ nhiệm Viên nói. Tôi biết phải làm thế nào, tôi và Đường Bác Hiên sẽ xử lý ổn thỏa. Cậu có còn yêu cầu gì khác không?

Tôi thở phào một hơi, nói: Ông cứ chuẩn bị sẵn tiền để gửi cho tôi là được rồi.

Những chuyện sau đó tôi không tiếp tục tham gia, nhưng tôi tin vào năng lực làm việc của Chủ nhiệm Viên. Chỉ cần mọi việc được tiến hành thuận lợi theo kế hoạch, Lý Tùng sẽ mất đi cột trụ tinh thần và chỉ còn biết gửi gắm toàn bộ hy vọng vào thuốc, đến khi ông ta phát hiện thuốc không những không thể làm giảm bớt triệu chứng trầm cảm của ông ta mà còn mang tới cho ông ta một cảm giác mệt nhọc khó hiểu, ông ta sẽ hoàn toàn tuyệt vọng. Đối với một người bị mắc chứng trầm cảm, tuyệt vọng đồng nghĩa với cái chết. Cùng với đó, nỗi sợ hãi sâu sắc đối với việc sau khi chết thì tôi không còn tồn tại sẽ thông qua phương thức cưỡng chế tiêu cực để biến thành một thứ sức mạnh khác thôi thúc ông ta tự sát.

Tôi vốn ngỡ rằng Lý Tùng sẽ cầm cự được vài ngày, nhưng chỉ hai ngày sau, đúng vào chiều tối ngày 28 tháng 7, bạn gái tôi hưng phấn gọi điện thoại tới nói là có ai đó đã gửi mười triệu hai trăm nghìn tiền mặt vào tài khoản ngân hàng của cô ấy.

Nghĩ tới đây, tâm trạng vốn đang căng thẳng của tôi dần buông lỏng, dòng suy nghĩ thì lại một lần nữa quay trở về thực tại trong thời điểm tháng 7 năm 2012. Tôi ngoảnh đầu lại nhìn bà xã lúc này đã nằm ngủ trên xô pha, trong lòng trào lên cảm giác ấm áp. Sau đó, tôi lại nhìn ảnh của Lý Tùng trên màn hình máy tính một chút, đột nhiên cảm thấy vô cùng thấp thỏm, bất an.

Tôi bỗng cảm thấy, X có lẽ thực sự tồn tại.

Tôi nhớ rất rõ ràng cảm giác của mình năm đó: Tối ngày 28 tháng 7 năm 2007, sau khi nhận được điện thoại của bạn gái, tôi trước tiên là vô cùng hưng phấn, ngay sau đó thì bị kéo tuột vào trong sự bất an tột độ. Tôi vội vàng gác máy và ngồi xuống chiếc giường chừng như sắp sập đến nơi, ngó mắt nhìn bốn bức tường trơ trọi, đột nhiên cảm thấy mọi thứ đều không chân thực chút nào. Tôi không dám tin là Lý Tùng đã chết, hoặc có thể nói, tôi không dám tin là mình đã giết chết ông ta... Nhưng ông ta rõ ràng là do tôi giết, đây là điều hiển nhiên không cần phải nghi ngờ, hơn mười triệu tiền mặt vừa được gửi vào tài khoản ngân hàng của bạn gái tôi chính là chứng cứ rõ ràng nhất.

Trong tài khoản thực sự đã có hơn mười triệu ư? Tôi đột nhiên thấy hơi chột dạ. Để xác nhận tính chân thực của chuyện này, tôi vội vàng gọi điện thoại cho bạn gái, đầu bên kia vừa bắt máy, tôi lập tức hỏi ngay: Em yêu, trong tài khoản của em thực sự đã có hơn mười triệu tiền mặt rồi chứ? Em nhìn kĩ chưa đấy? Có thật vậy không? Em nhìn thêm lần nữa đi, rốt cuộc chuyện này có phải là thật không vậy?

Là thật mà, thật một trăm phần trăm! Giọng của cô ấy nghe trong trẻo vui tai, chân thực vô cùng. Em đã xem được gần trăm lần rồi, đúng là mười triệu hai trăm nghìn, không thiếu một xu nào cả!

Tôi lại một lần nữa gác máy rồi bất giác rơi vào trong trạng thái ngẩn ngơ ngắn ngủi. Mấy giây sau, tiếng điện thoại rung khiến tôi giật mình bừng tỉnh, cuộc điện thoại lần này là do Chủ nhiệm Viên gọi tới. Tôi cầm điện thoại trong tay, sau khi hít thở sâu mấy hơi mới lấy hết can đảm ấn nút nghe.

Cậu tuyệt lắm. Ông ta nói luôn không chút vòng vo: Chiều nay Lý Tùng đã khóa cửa tự nhốt mình trong phòng làm việc và treo cổ rồi, phía bệnh viện cũng đã làm giấy xác nhận tử vong.

Khi đó, nghe thấy giọng nói của ông ta, cảm giác bất an của tôi không ngờ lại lập tức biến mất, mọi thứ xung quanh cũng nhanh chóng trở nên chân thực vô cùng. Tôi suy nghĩ một lát rồi bình tĩnh nói: Tiền tôi đã nhận được. Phải rồi gã bác sĩ tâm lý kia xét cho cùng vẫn là một mối họa ngầm, ông phải cẩn thận đấy.

Ừm. Giọng ông ta nghe rất bình tĩnh. Chuyện này tôi tự có chừng mực.

Tôi khẽ ừm một tiếng, sau đó không nói gì thêm, lẳng lặng gác máy. Khi nghĩ đến mười triệu hai trăm nghìn tiền thù lao kia, khóe miệng tôi bất giác hơi nhếch lên. Nhưng thật khó tin, không đầy mười giây sau khi gác máy, cảm giác bất an mãnh liệt lại một lần nữa bủa vây lấy tôi, khiến toàn thân tôi run rẩy. Tôi đi đi lại lại trong phòng, thầm tưởng tượng về cái chết của Lý Tùng, cảm thấy vô cùng áy náy, vô cùng ngột ngạt, thậm chí còn có chút tuyệt vọng nữa.

Mãi tới lúc này tôi mới ý thức được một việc: Tôi đã giết người, hơn nữa người bị tôi giết còn là một quan chức kiểm tra kỷ luật đã dâng hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp chống tham nhũng, hủ bại. Tôi không dám tin là mình đã giết ông ta, nhưng tôi quả thực đã nhận được hơn mười triệu tiền thù lao, mà toàn bộ quá trình ám sát ông ta tôi vẫn còn nhớ rất rõ. Ông ta quả thực đã chết dưới sự ám thị của tôi, ông ta quả thực là do tôi giết.

Nhưng, sao tôi lại có thể giết người được chứ?

Tôi nằm trên giường, đưa tay day mặt thật mạnh, đầu óc chìm trong sự hỗn loạn. Lý Tùng là do tôi giết, nhưng tôi căn bản không muốn giết ông ta. Sự mâu thuẫn giữa hiện thực và tâm lý là không thể điều hòa, hai bên tranh đấu kịch liệt với nhau khiến tôi vô cùng đau khổ. Tôi thở dốc từng cơn, lại dùng sức đấm mạnh vào ngực mình, sau đó liền nhảy bật dậy, hét lớn một tiếng, dùng hết sức lực toàn thân đạp mạnh một cái vào chiếc giường vốn đã lung lay sắp sập. Chiếc giường rung lắc dữ dội một hồi, sau đó thì sập hẳn xuống đất. Mãi tới lúc này tôi mới bình tĩnh trở lại một chút, vô thức kéo chăn đệm lên. Trong quá trình kéo, một chiếc gương tròn nhỏ rơi ra từ trong đống chăn đệm. Tôi rất nhanh đã nhớ ra, chiếc gương này có lẽ là do bạn gái tôi để lại khi tới đây thăm tôi hồi sáng.

Trong ấn tượng của bản thân, tôi đã lâu lắm rồi không soi gương. Tôi nhặt chiếc gương tròn nhỏ đó lên, ngẩn ngơ đưa ra trước mặt. Người ở trong gương là tôi nhưng lại giống như một người đàn ông hoàn toàn xa lạ. Ánh mắt của anh ta lạnh lẽo và kiên nghị, tôi nhìn vào đôi mắt đó, đột nhiên cảm thấy sợ hãi khó tả. Hai giây sau, tôi hoảng loạn vứt chiếc gương đó xuống đất, chậm rãi đi tới tựa người vào tường. Và rồi, những nỗi bất an và áy náy vừa sinh ra do giết người sau nháy mắt đã hoàn toàn tan biến.

Nhớ tới đây, tôi lại một lần nữa quay trở về hiện thực khi nhìn vào bức ảnh của Lý Tùng trên màn hình máy tính, nỗi thấp thỏm trước đó cũng chẳng còn tồn tại. Trong mấy năm trước đó, tôi từng sử dụng biện pháp ám thị để giết rất nhiều người, nhưng cùng với đó, tôi cũng không chỉ một lần cảm thấy áy náy và buồn khổ vì cái chết của những con người ấy, đặc biệt là những người mà Chủ nhiệm Viên nhờ tôi giết. Vào những lúc như vậy, tại nơi sâu thẳm trong nội tâm của tôi sẽ xuất hiện một luồng sức mạnh giúp đỡ tôi loại trừ cảm giác áy náy và buồn khổ, khiến tôi lại một lần nữa trở nên lý trí và máu lạnh. Có lẽ cái gọi là X kỳ thực chính là chỉ luồng sức mạnh này.

X rốt cuộc là một bộ phận của tôi hay là một con người khác hoàn toàn độc lập đây? Tôi nhất thời không thể làm rõ được điều này, hơn nữa càng lúc càng có cảm giác nhìn không thấu bản thân. Tuy vừa nhớ ra rất nhiều ký ức vốn đã mất đi, nhưng tôi lờ mờ cảm thấy, tôi vẫn chưa hoàn toàn tìm lại được chính mình.

Nghĩ đến đây, tôi thở dài một hơi, tắt trang tìm kiếm trên máy tính đi, sau đó tiếp tục lật mở những trang tiếp theo của tập tài liệu về những vụ chết người.

Người chết thứ mười bảy tên là Trương Thần, nữ, sinh năm 1969, khi còn sống từng là nhân viên kỹ thuật của một công ty chế biến dược phẩm khác. Đầu năm 2008, cô ta vì nguyên nhân công việc mà trở thành sự uy hiếp đối với Công ty E, Chủ nhiệm Viên liền nhờ cậy tôi trừ khử cô ta. Cô ta cũng bị mắc chứng u tế bào ưa crôm tuyến thượng thận di truyền giống như Lã Thần, hơn nữa còn cực kỳ sợ rắn. Dưới sự sắp đặt của tôi, cô ta rốt cuộc đã chết trong một lần nhồi máu cơ tim bột phát.

Người chết thứ mười tám tên là Vương Thiên Vũ, nam, sinh năm 1964, khi còn sống từng làm việc ở Cục Công thương tỉnh. Mùa xuân năm 2008, tôi được Chủ nhiệm Viên nhờ cậy giết chết anh ta. Người này tính tình ngay thẳng, dễ nổi nóng, từng làm mất lòng không ít người. Trong quá trình điều tra, tôi phát hiện có một người tên là Chu Toàn Lỗi cực kỳ oán hận anh ta, thế là liền dùng phương pháp ám thị phóng đại sự oán hận này lên, để rồi cuối cùng Chu Toàn Lỗi đã bỏ thuốc độc giết chết anh ta.

Người chết thứ mười chín tên là Dương Tĩnh Quốc, nam, sinh năm 1955, khi còn sống từng là Giáo sư Học viện Hóa học công nghiệp trực thuộc Đại học C. Tháng 2 năm 2009, Chủ nhiệm Viên tìm đến tôi, nói người này từng đi sâu vào nghiên cứu tính chất dược lý của M, hơn nữa rất có thể còn biết tới cuộc giao dịch Báo cáo nghiên cứu thực nghiệm về tính chất gây nghiện của M, cho nên không thể không trừ khử. Tôi đã tiến hành điều tra Dương Tĩnh Quốc trong vòng một tuần, phát hiện ông ta từng nhiều lần xuất hiện triệu chứng trầm cảm trong thời gian ngắn. Sau đó, tôi tìm ra căn nguyên trầm cảm của ông ta, thế là bèn dùng phương pháp ám thị khiến ông ta tự sát trong nhà.

Người chết thứ hai mươi tên là Đới Quân Cường, nam, sinh năm 1975, khi còn sống từng mở một công ty chuyên kinh doanh mảng bán lẻ dược phẩm. Tháng 7 năm 2009, tôi được Chủ nhiệm Viên ủy thác giết anh ta. Người này có thói quen lái xe sau khi uống rượu, cuối cùng đã chết trong một vụ tai nạn xe cộ nghiêm trọng do Tập đoàn A sắp đặt.

Còn về ba người chết cuối cùng thì đã được nhắc đến từ trước, lần lượt là Tưởng Việt Dương, Khúc Na và Chu Vân..

Sau khi lật đến trang cuối cùng của tập tài liệu, tôi lấy ra một tờ giấy trắng, ghi lại tên của hai mươi ba người chết theo thứ tự trong tài liệu, lần lượt là: Tạ Bác Văn, Đinh Tuấn Văn, Trần Hy, Vương Vĩ, Hà Ngọc Bân, Triệu Hải Thời, Lưu Hướng Đông, Vu Khang, Trần Đồng Kính, Mã Thạch Nguyên, Dương Dũng, Dương Hạo, Trương Nghĩa Quân, Nghiêm Tuấn Khanh, Phùng Nam, Lý Tùng, Trương Thần, Vương Thiên Vũ, Dương Tĩnh Quốc, Đới Quân Cường, Tưởng Việt Dương, Khúc Na, Chu Vân.

Trong danh sách này, sáu người đầu tiên quả thực đều chết do sự ám thị của Diệp Thu Vi, riêng người thứ bảy thì đến bây giờ vẫn còn sống, còn những người từ thứ tám đến thứ hai mươi ba tất thảy đều là do tôi giết.

Sở dĩ bắt đầu từ trang thứ tám trở về sau không còn ghi thời gian tử vong nữa là bởi vì thời gian tử vong của những người này phần lớn đều sớm hơn lúc Diệp Thu Vi bắt đầu tiếp xúc với Lưu Hướng Đông. Nếu cứ ghi vào đó đúng như sự thực, vậy thì nhất định sẽ làm rối loạn trình tự kể chuyện của Diệp Thu Vi. Còn nếu như ghi những thông tin giả vào, vậy thì lại rất có khả năng sẽ ảnh hưởng đến việc khôi phục ký ức của tôi. Tóm lại, chỉ có một cách là không ghi thời gian tử vong vào thì mới có thể khiến cuộc gặp mặt giữa tôi và Diệp Thu Vi được tiến hành một cách thuận lợi đúng như dự tính của cô ta, đồng thời cũng giúp ích cho tôi trong việc khôi phục trí nhớ.

Dựa vào đó mà xét, tập tài liệu tử vong này chính là một công cụ quan trọng mà Diệp Thu Vi đã dùng để tiến hành ám thị tôi. Theo như mạch suy nghĩ này, tài liệu vốn là do lão Ngô nhờ Thang Kiệt Siêu giao cho tôi, vậy thì nói cách khác, lão Ngô đang giúp Diệp Thu Vi tiến hành ám thị tôi ư? Nhưng trong ấn tượng của tôi, vai trò của lão Ngô lẽ ra phải là giúp đỡ Tập đoàn A sắp xếp cho tôi gặp Diệp Thu Vi, từ đó khiến tôi có cơ hội tiếp xúc và trừ khử Diệp Thu Vi mới đúng. Sao cậu ta bỗng dưng lại về cùng một phe với Diệp Thu Vi như thế nhỉ? Lẽ nào Diệp Thu Vi đã đi theo tập đoàn A rồi? Nhưng nếu sự thực quả đúng là như thế tại sao Chủ nhiệm Viên còn phái tôi đến Bệnh viện Tâm thần thành phố để trừ khử Diệp Thu Vi?

Dòng suy nghĩ của tôi xuất hiện sự mâu thuẫn rõ ràng.

Tôi nhìn chằm chằm vào hai mươi ba cái tên trong danh sách, tư duy nhanh chóng lan tỏa, thế rồi rất nhanh đã để ý tới một chi tiết khác: Từ năm 2003 đến năm 2011, tôi đã dùng phương pháp ám thị để giết chết tổng cộng hai mươi người, ngoài mười sáu người được nhắc đến trong tài liệu thì còn có Từ Nghị Giang, Trương Thụy Bảo, Trần Ngọc Long và chồng của Diệp Thu Vi là Tần Quan nữa.

Tại sao lại thiếu mất bốn người này nhỉ?

Tôi rất nhanh đã hiểu ra, đối với tôi và Diệp Thu Vi, bốn người này đều có những ý nghĩa đặc biệt vô cùng.

Đầu tiên là Tần Quan. Trong lần gặp mặt thứ hai, Diệp Thu Vi tỏ rõ rằng cô ta đã từng thương tâm tột độ khi chồng mình xảy ra chuyện. Thêm nữa, bước ngoặt trong tâm lý của cô ta bắt nguồn từ sự cố xảy ra với chồng mình, nói cách khác, khi Tần Quan xảy ra chuyện thì Diệp Thu Vi vẫn chưa có năng lực nhìn thấu lòng người và giết người bằng phương pháp ám thị. Cho nên, Tần Quan không thể nào là do Diệp Thu Vi giết, nếu tên của anh ta xuất hiện trong tập tài liệu này thì tất nhiên sẽ khiến tôi sinh lòng hoài nghi đối với Diệp Thu Vi.

Tiếp theo là Từ Nghị Giang. Trong lần gặp mặt thứ sáu, DiệpThu Vi từng nhắc đến cái chết của Từ Nghị Giang, hơn nữa còn tỏ rõ rằng Từ Nghị Giang không phải là do mình giết. Cho nên, nếu tên của Từ Nghị Giang xuất hiện trong tập tài liệu này thì sẽ tạo thành sự mâu thuẫn với những lời mà Diệp Thu Vi đã kể, như thế đương nhiên cũng sẽ khiến tôi sinh lòng nghi ngờ cô ta.

Chung một lý do, cái chết của Trương Thụy Bảo và cái chết của Từ Nghị Giang kỳ thực là cùng một chuyện, cho nên tên của anh ta cũng không thể xuất hiện trong tài liệu được.

Cuối cùng là Trần Ngọc Long. Chuyện này thì rất dễ giải thích. Tôi và Trần Ngọc Long từng có giao tình khá sâu sắc với nhau, nếu tên của anh ta xuất hiện trong tài liệu thì thứ nhất là có khả năng tác động đến tâm trạng của tôi, thứ hai là dễ khiến tôi nảy sinh sự hoài nghi rằng mình rất có thể cũng có dính dáng đến những chuyện mà Diệp Thu Vi đã kể.

Thêm nữa, tuy trước đây tôi cũng từng gặp Trương Thụy Bảo và quen biết Trần Ngọc Long, nhưng việc hai người bọn họ lại một lần nữa lọt vào tầm mắt của tôi hoàn toàn là bởi vì khi đó tôi đang tiến hành điều tra sự kiện M. Nếu trong tài liệu có nhắc đến tên của bọn họ thì rất có khả năng sẽ làm ảnh hưởng đến việc điều tra của tôi, từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến cuộc gặp mặt giữa tôi và Diệp Thu Vi.

Xem ra, bốn cái tên được cố ý giấu đi kia cũng là nhằm mục đích đảm bảo rằng cuộc gặp mặt giữa tôi và Diệp Thu Vi có thể tiến hành thuận lợi.

Tóm lại, tập tài liệu về những vụ chết người mà lão Ngô nhờ Thang Kiệt Siêu giao cho tôi chính là một công cụ quan trọng mà Diệp Thu Ví dùng để tiến hành ám thị tôi, đồng thời cũng là một bộ phận trong kế hoạch ám thị của Diệp Thu Vi. Dựa vào các chi tiết về tập tài liệu đó mà xét điều này hoàn toàn không cần phải nghi ngờ. Nhưng dựa theo mạch suy nghĩ này thì lão Ngô và Diệp Thu Vi rõ ràng là thuộc cùng một thế lực, trong khi đó lão Ngô lại là người của Tập đoàn A, chuyện này rốt cuộc phải giải thích thế nào?

Chẳng lẽ tôi đã hiểu lầm lão Ngô, và cậu ta từ đầu chí cuối vẫn luôn giúp đỡ Diệp Thu Vi? Liệu có khi nào tất cả những việc mà cậu ta làm đều là vì một mục đích sâu xa nào đó, không thể để cho người khác biết? Cậu ta đã từng tiến hành đánh giá tâm lý của tôi nhiều lần, nhất định là đã sớm phát hiện ra vấn đề trong tâm lý của tôi, tại sao trước giờ lại chưa từng nói gì với tôi chứ? Cậu ta có ý đồ gì với tôi đây? Cậu ta rốt cuộc đại diện cho lợi ích của thế lực nào? Diệp Thu Vi tiến hành ám thị tôi, đánh thức tôi trong vai trò là X, mục đích rốt cuộc là gì đây? Với năng lực của cô ta thì hoàn toàn có thể trực tiếp khiến tôi thức tỉnh, tại sao còn phải kể lại quá trình giết người của mình trong những vụ án mạng đó như thế? Cô ta muốn dùng hành động này để tạo thành sự ảnh hưởng như thế nào tới tôi?

Vấn đề dường như đã quay trở lại điểm khởi đầu.

Vẫn là câu nói đó, tất cả mọi điều nghi vấn chỉ có Diệp Thu Vi mới có thể nói cho tôi biết đáp án mà thôi.

Thế là tôi dừng mọi việc suy nghĩ lại, uống một ngụm trà, khẽ ho một tiếng. Bà xã nghe thấy tiếng động thì bèn tỉnh dậy, mơ mơ màng màng hỏi: “Anh xem xong rồi ư?”

Tôi thở phào một hơi, gấp tập tài liệu về những vụ chết người đó lại, nói: Xong rồi. Anh đi ngủ luôn đây, ngày mai còn phải tới bệnh viện tâm thần để phỏng vấn tiếp nữa.

Bà xã ngồi thẳng người dậy, nheo mắt lại hỏi: Hả? Không phải ngày mai anh định đi gặp thầy Chủ nhiệm khoa ư?

Tôi sững người, tới lúc này mới nhớ ra chuyện mình bị mộng du và có dấu hiệu của chứng tâm thần phân liệt, thế rồi bèn ngoảnh đầu lại nói với cô ấy: Anh đổi ý rồi, tạm thời chưa đi gặp thầy vội. Vấn đề của anh có lẽ tự bản thân anh cũng có thể giải quyết được.

Cô ấy nhìn tôi vẻ lo lắng, mấy lần muốn nói mà lại thôi.

“Em trả lại vé máy bay giúp anh nhé.” Tôi vừa nói vừa tắt máy tính đi. Đợi dịp nào có thời gian anh sẽ đi thăm thầy sau.

Ngày mai anh nhất định phải đi phỏng vấn ư? Cô ấy đi tới sau lưng tôi, đặt một tay lên vai tôi. Anh xem lại bộ dạng của mình bây giờ đi, em thực sự không muốn để anh tới đó chút nào, anh cứ ở nhà nghỉ ngơi tạm một ngày không được sao?

Không sao đâu mà. Tôi đứng dậy, nhìn thẳng vào mắt cô ấy, sau đó lại đưa mắt nhìn màn đêm vô tận bên ngoài cửa sổ, chậm rãi nói: Ngày mai sẽ là lần cuối cùng.”

Ngày 23 tháng 7 năm 2012, tôi đi gặp Diệp Thu Vi lần thứ chín.

Sáng hôm ấy trời cao trong vắt, còn hơi khô nóng nữa. Sau giấc ngủ kéo dài mấy tiếng đồng hồ, trạng thái tinh thần của tôi đã trở nên tốt hơn nhiều. Cùng với đó, phần ký ức thuộc về X không những không mất đi, ngược lại còn trở nên phong phú và rõ ràng hơn so với trước đó. Sau một đêm, tôi đã nhớ ra được nhiều chi tiết hơn, nhưng cũng vì thế mà nảy sinh nhiều sự nghi hoặc hơn. Tôi vô cùng nôn nóng muốn được gặp Diệp Thu Vi thêm một lần nữa để nhờ cô ta giúp đỡ giải đáp những sự nghi hoặc này, qua đó tìm lại chính mình.

Đang vào giờ cao điểm của thứ Hai, đường xá ùn tắc vô cùng. Tôi ngồi trong xe, để mặc cho dòng suy nghĩ lan tỏa. Khi chờ đèn đỏ ở một ngã tư đường, tôi không kìm được nhớ lại những chuyện cũ có liên quan tới Diệp Thu Vi.

Lúc đó là một buổi chiều tối ngày 28 tháng 8 năm 2008, tôi gặp Chủ nhiệm Viên trong một nhà dân ở ngoại ô thành phố. Ông ta giao một xấp ảnh cho tôi, trong ảnh là một người đàn ông tuổi khoảng ngũ tuần. Người đàn ông này vóc người không cao, cũng không hề tráng kiện, vậy nhưng ánh mắt rất vững vàng, sắc mặt thì kiên nghị, vừa nhìn đã biết không phải hạng người đơn giản.

“Đây là Từ Nghị Giang.” Chủ nhiệm Viên giới thiệu: “Người này từng làm việc ở nhiều ban nghành, quan hệ rất rộng, xuất thân cũng cực kỳ ghê ghớm, nhưng đây không phải là trọng điểm.” Ông ta châm một điếu thuốc, nói tiếp bằng giọng không nhanh không chậm: “Trọng điểm là theo như tin tức hiện đã nắm được, Từ Nghị Giang chính là lãnh đạo mới của tổ chức kia.”

Tôi khẽ gật đầu, biết rõ “tổ chức kia” là tổ chức nào như một lẽ đương nhiên. Bắt đầu từ những năm đầu của thế kỷ này, trong tỉnh đã tồn tại một tổ chức bí mật có nhiệm vụ kiểm tra, kỷ luật và giám sát. Tổ chức này không có tên gọi, cơ cấu và nhân sự chính thức, nhưng lại có một hệ thống và phương pháp làm việc vừa phức tạp vừa kín đáo. Các thành viên của tổ chức này làm việc ở nhiều ngành nghề khác nhau, bọn họ chuyên đi thu thập tin tức từ nhiều nguồn và tiến hành chỉnh lý, sau đó thì giao cho người lãnh đạo phân tích, tổng kết rồi trực tiếp báo cáo với Bí thư ủy ban Kiểm tra Kỷ luật tỉnh để dùng làm tài liệu chỉ đạo trong việc trừng trị các thế lực hủ bại.

Những năm nay, Tập đoàn A không ngừng xâm nhập vào chính giới đương địa, tất nhiên đã trở thành đối tượng điều tra trọng điểm của tổ chức bí mật kia. Tập đoàn A đương nhiên không đời nào lại ngồi yên chờ chết, sau khi phát hiện ra sự tồn tại của tổ chức bí mật kia, các lãnh đạo cao cấp của tập đoàn liền bắt đầu không tiếc sức mình tiến hành rất nhiều phen giao tranh với đối thủ. Có mấy lần tổ chức bí mật đó đã nắm được tội chứng quan trọng của Tập đoàn A, nhưng cứ vào thời khắc mấu chốt là Tập đoàn A lại có biện pháp để tự bảo vệ mình. Tất nhiên, trong quá trình này tôi cũng đóng góp không ít công sức.

Nghe nói tổ chức bí mật này là do Bí thư ủy ban Kiểm tra Kỷ luật tỉnh năm đó bí mật lập ra, mục đích chính là chống lại những thế lực hủ bại từ nhiều phía. Về sau vị Bí thư đó được điều đi nơi khác, nhưng tổ chức này không vì thế mà tan rã, họ vẫn tiếp tục thu thập tin tức từ khắp nơi rồi cung cấp cho nhiều đời Bí thư ủy ban Kiểm tra Kỷ luật tỉnh. Nhưng vì quan niệm bất đồng, tổ chức này không phải lúc nào cũng nhận được sự ủng hộ tuyệt đối. Năm 2007, sau khi Lý Tùng nhậm chức, tác dụng của tổ chức bí mật này đã được phát huy tới mức lớn nhất, chỉ sau chưa đầy nửa năm ông ta đã nắm được đủ số tin tức và chứng cứ đủ để đập tan Tập đoàn A. Nếu không có tôi ra tay khiến cho ông ta tự sát, thế lực mà Tập đoàn A gây dựng nhiều năm chỉ e sớm đã sụp đổ rồi.

Nhưng Lý Tùng đã chết, tổ chức bí mật này chẳng lẽ vẫn còn là một sự uy hiếp.

Nghĩ tới đây, tôi buột miệng hỏi: Bí thư ủy ban Kiểm tra Kỷ luật tỉnh nhiệm kỳ này không phải đã thỏa hiệp rồi ư? Tổ chức đó còn có thể làm gì được nữa?

Tuy Lý Tùng đúng thật là đã tự sát, nhưng thời điểm thì rất đáng hoài nghi. Chủ nhiệm Viên chậm rãi hút thuốc. Cho nên, cái chết của ông ta vẫn nhận được sự coi trọng của những người ở cấp bậc cao hơn. Tổ chức kia tuy không phải là một cơ cấu chính quy, nhưng cũng đã bắt đầu được để mắt tới, lần này Từ Nghị Giang được phái đến làm người lãnh đạo chính là một minh chứng rõ ràng. Cho nên bây giờ tập đoàn không chỉ cần chú ý tới các cơ quan kiểm tra kỷ luật, bản thân tổ chức kia cũng đã trở thành một mối uy hiếp lớn rồi.

Tôi hỏi: Ông có thông tin chi tiết về Từ Nghị Giang rồi chứ? Về mặt thời gian có sự giới hạn gì không?

Đừng nôn nóng.” Chủ nhiệm Viên xua tay, nói. Lần này chúng tôi không cần cậu giết người. Cậu biết không, theo như người được cài vào nội bộ tổ chức kia báo lại, bọn họ đã bắt đầu hoài nghi cái chết của Lý Tùng không phải là điều ngoài ý muốn và lờ mờ nhận ra sự tồn tại của cậu, thậm chí còn đặt cho cậu một biệt hiệu là X. Nếu cậu mà ra tay giết người thêm lần nữa vào thời điểm này, thân phận của cậu rất có thể sẽ bị bại lộ, đây là điều mà cả cậu và chúng tôi đều không mong muốn nhìn thấy.

Tôi bình tĩnh nhìn ông ta, cất giọng hờ hững hỏi: Vậy nhiệm vụ của tôi là gì?

Cậu cứ từ từ nghe tôi nói đã. Quãng thời gian trước tập đoàn từng thực hiện một cuộc giao dịch, nói chính xác hơn thì là bị mấy học giả tống tiền. Chủ nhiệm Viên dập tắt điếu thuốc, cau mày nói tiếp: “Công ty chế biến dược phẩm vẫn luôn sử dụng một loại phụ liệu có tên là M, tuy rằng M không hợp chuẩn nhưng không có hại gì với cơ thể người mà chỉ có lợi. Nhưng mấy học giả đó lại thực hiện một loạt những thí nghiệm và chứng minh được rằng M có thể gây nghiện cho con người. Tập đoàn đã chi cho bọn họ một khoản tiền bịt miệng, cứ ngỡ chuyện này sẽ theo đó mà qua đi, chẳng ngờ người của tổ chức kia lại tìm đến một trong số các học giả đó, hơn nữa còn thành công lôi kéo được anh ta. Ông ta cúi đầu suy nghĩ một lát, sau đó mới lại nói tiếp: Cậu thử nghĩ mà xem, nếu để bọn họ lấy được chứng cứ về việc M có khả năng gây nghiện, sau đó công khai qua truyền thông, Công ty E ắt sẽ trở thành lỗ hổng đột phá để bọn họ tiến hành điều tra, tới lúc đó các cơ quan như Sở Y tế Sở Công thương, Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Cục Kiểm định chất lượng đều sẽ bị dính vào, và rồi dưới những áp lực nặng nề của xã hội và dư luận, cục diện sẽ trở nên khó bề khống chế.

Tại sao lại không để tôi tham gia vào vụ tống tiền đó? Tôi vừa nói vừa khẽ lắc đầu. Nếu sớm để tôi ra tay trừ khử mấy học giả đó, sự việc đã chẳng trở nên rắc rối như bây giờ.

Ôi, tôi nào phải là chưa từng có suy nghĩ này. Chủ nhiệm Viên khẽ thở dài một tiếng. Nhưng cậu cũng phải hiểu là đối với cả cậu và tập đoàn, mỗi một lần hành động của cậu đều là một lần mạo hiểm. Cấp trên không muốn vì chuyện nhỏ mà mạo hiểm, ai mà ngờ được khứu giác của tổ chức đó lại nhạy bén đến cỡ này.” Ông ta chợt chuyển chủ đề, cười gằn, nói: Có điều, Tái Ông mất ngựa, họa phúc khó lường1. Chính bởi vì đã giữ lại tính mạng của một học giả trong số đó, thế nên bây giờ chúng ta mới có thể lợi dụng ông ta để tạo ra một cơ hội phản kích tuyệt vời.

Trong lòng tôi bất giác nổi lên một gợn sóng. Cơ hội?

Ông ta trầm tư suy nghĩ suốt một hồi lâu, sau đó mới liếm môi, nói. Tổng cộng có ba học giả tham gia tống tiền tập đoàn. Một người tên là Chu Vân, cô ta hiện giờ vẫn đang do dự chưa quyết định đi theo bên nào. Một người tên là Tần Quan, chính anh ta là người đã tiếp xúc với tổ chức kia.

1. Chuyện kể rằng ở vùng biên cương Trung Quốc xưa kia có một ông lão tên là Tái Ông. Một hôm, con ngựa của ông bỏ đi mất, hàng xóm liền đến thăm hỏi và an ủi. Nhưng ông chẳng những không tỏ ra tiếc nuối, mà còn bình thản trả lời: Làm sao biết đây không phải là cái phúc? Quả nhiên qua mấy tháng sau, con ngựa kia trở về, còn dắt theo một con tuấn mã. Nghe tin này, mọi người tới chúc mừng. Nhưng ông lại nói: Làm sao biết đấy không phải là cái họa? Từ ngày có thêm một con tuấn mã, con trai ông ngày ngày cưỡi ngựa rong chơi, cuối cùng, do bất cẩn cậu này ngã ngựa gãy chân. Hàng xóm tới chia buồn, nhưng Tái Ông vẫn điềm nhiên nói: “Biết đâu đó lại là chuyện có hậu thì sao? Hàng xóm thực sự không thể hiểu nổi ông. Một thời gian sau, người Hồ ồ ạt xâm lược Trung Nguyên, tình hình biên ải đột nhiên căng thẳng, thanh niên trai tráng đều bị gọi đi lính, kết quả mười người thì chết mất tám, chín, riêng con trai Tái Ông bị què chân nên được miễn quân dịch, vì thế cha con ông tránh được nạn sinh tử biệt ly. Sau những sự việc ấy mọi người rất nể phục Tái Ông, câu thành ngữ “Tái Ông mất ngựa, họa phúc khó lường cũng lan truyền từ đó -ND.

Còn có một người nữa tên là Tạ Bác Văn, ông ta vốn có chút quan hệ với lãnh đạo của Công ty E, sau khi xảy ra chuyện thì đã hoàn toàn đi theo tập đoàn rồi. Ngày 10 tháng 9, Đại học Z có tổ chức một buổi tiệc rượu nhân ngày nhà giáo Trung Quốc, Tạ Bác Văn sẽ mời Từ Nghị Giang dự tiệc, cùng tham dự còn có vợ của Tần Quan. Cậu thử nghĩ mà xem, nếu sau bữa tiệc rượu đó Từ Nghị Giang hãm hiếp cô ta, mối quan hệ giữa Tần Quan và tổ chức kia sẽ trở nên như thế nào? Mà không chỉ vậy, tập đoàn sẽ còn can dự vào việc tố tụng trong vụ án hiếp dâm đó, đến lúc ấy Từ Nghị Giang đừng mong thoát khỏi cái chết.

Tôi đưa mắt nhìn ông ta. Khối lượng công việc xem chừng không nhỏ chút nào.”

Tạ Bác Văn sẽ bỏ thuốc mê vợ của Tần Quan, đồng thời cũng sẽ cho Từ Nghị Giang uống thuốc kích dục.” Chủ nhiệm Viên nói. Nhưng cấp trên biết rõ sự lợi hại của Từ Nghị Giang, lo rằng chỉ có thuốc kích dục không thôi thì chưa thể hoàn toàn khống chế người này, vậy nên mới yêu cầu cậu ra tay tác động vào tâm lý của ông ta. Từ Nghị Giang sẽ đến hội trường vào đúng bảy giờ tối ngày 10 tháng 9, nhiệm vụ của cậu chính là chuẩn bị sẵn sàng từ trước để khơi dậy ham muốn tình dục của ông ta vào tầm sáu giờ tối cùng ngày, khiến ông ta không thể kiềm chế được dục vọng của bản thân trong vòng mấy tiếng đồng hồ sau đó. Nếu thực sự cần, tập đoàn sẽ sắp xếp cho cậu tiếp xúc với ông ta. Chủ nhiệm Viên vừa nói vừa đưa cho tôi một xấp tài liệu. Các thông tin có thể điều tra được về Từ Nghị Giang đều nằm cả ở đây rồi.

Tài liệu mà Chủ nhiệm Viên cung cấp vô cùng tường tận và tỉ mỉ, tôi rất nhanh đã phát hiện ra hai chi tiết đáng chú ý: thứ nhất, Từ Nghị Giang trải qua hai cuộc hôn nhân; thứ hai, trong quãng thời gian từ sáu tới bảy tuổi, cha ông ta từng ngoại tình với một người đồng nghiệp nữ trong suốt một năm ròng, trong thời gian này người phụ nữ đó còn thường xuyên dẫn Từ Nghị Giang ra ngoài chơi.

Sáu đến bảy tuổi là thời kỳ cuối của giai đoạn đầu của quá trình phát triển tâm lý tình dục của trẻ em, chứng mặc cảm Oedipus sẽ dần mất đi. Trong thời gian này, các bé trai sẽ bắt đầu nảy sinh cảm giác ngưỡng mộ mãnh liệt đối với cha mình, kèm theo đó là nguyện vọng bắt chước. Nếu trong thời gian này Từ Nghị Giang nhận thức được, thậm chí là tận mắt nhìn thấy tình yêu của cha mình với người thứ ba, vậy thì xuất phát từ sự ngưỡng mộ đối với cha mình, trong nội tâm của ông ta cũng sẽ nảy sinh tình yêu đối với người thứ ba. Nếu thứ tình yêu này không được can thiệp hoặc ngăn cản kịp thời, nó sẽ chẳng khác nào sự chuyển dời và kéo dài của chứng mặc cảm Oedipus, từ đó làm ảnh hưởng tới quan niệm cả đời của Từ Nghị Giang trong việc yêu đương và lựa chọn bạn tình.

Trực giác nói cho tôi biết, hai cuộc hôn nhân của Từ Nghị Giang ắt hẳn là có liên quan tới chuyện này.

Trong vòng mấy ngày sau đó, tôi dựa theo mạch suy nghĩ này mà tiến hành đi sâu vào điều tra. Đối tượng ngoại tình của cha Từ Nghị Giang năm đó tên là Thẩm Yến Quân, năm 2001 đã qua đời ở nước ngoài, hiện giờ cũng chẳng còn bao nhiêu người thân quen với cô ta còn tại thế. Hết cách, tôi chỉ đành bắt tay vào điều tra chuyện hôn nhân của Từ Nghị Giang. Người vợ đầu của Từ Nghị Giang tên là Triệu Minh Hà, sinh năm 1959, là bạn học thời đại học của Từ Nghị Giang. Hai người bọn họ kết hôn năm 1982, đến năm 1998 thì ly hôn. Ngay sau đó, Từ Nghị Giang kết hôn với người vợ thứ hai là Giang Mộng Như. Giang Mộng Như sinh năm 1973, so với Từ Nghị Giang thì nhỏ hơn những mười lăm tuổi.

Dưới sự giúp đỡ của Chủ nhiệm Viên, tôi đã tiến hành tiếp xúc với rất nhiều người biết rõ nội tình, thậm chí còn từng trò chuyện với chính Triệu Minh Hà trong vòng hơn một tiếng đồng hồ nữa. Sau một quá trình không ngừng sàng lọc, so sánh và phân tích, tôi rốt cuộc đã phát hiện ra bí mật trong hai cuộc hôn nhân của Từ Nghị Giang.

Hồi còn trẻ Triệu Minh Hà rất thích mặc váy dài kẻ caro, mãi đến đầu những năm chín mươi thì mới bắt đầu thay đổi phong cách. Theo như lời bà ta kể lại, Từ Nghị Giang bắt đầu xa lánh bà ta vào khoảng năm 1992. Cùng với đó, bắt đầu từ thời học sinh Giang Mộng Như đã có một niềm yêu thích đặc biệt vói những chiếc váy dài kẻ caro rồi, mãi đến năm 2006 cô ta mới thay đổi phong cách ăn mặc theo lời đề nghị của một người bạn. Mà theo như lời kể của người biết rõ nội tình, chính trong năm 2006 tình cảm giữa Từ Nghị Giang và Giang Mộng Như đã bắt đầu xảy ra tình trạng rạn nứt.

Thời gian hai đời vợ thay đổi phong cách ăn mặc hoàn toàn trùng khớp với thời gian quan hệ giữa bọn họ và Từ Nghị Giang rạn nứt, điều này e rằng không thể giải thích bằng một câu trùng hợp được.

Sau đó, tôi lấy váy dài kẻ caro làm xuất phát điểm, lại một lần nữa tiến hành điều tra về đối tượng ngoại tình của cha Từ Nghị Giang hồi trẻ là Thẩm Yến Quân. Bởi vì bà ta xuất ngoại ở tuổi trung niên, chẳng còn bao nhiêu bạn bè người thân trong nước, việc điều tra vì thế mà gặp phải khó khăn rất lớn. Mãi đến trưa ngày mùng Chín tháng Chín tôi mới tìm được một người bạn của bà ta hồi trẻ, đó là một bà cụ tên là Lý Miên.

Lý Miên nói cho tôi biết, hồi trẻ Thẩm Yến Quân nổi tiếng xinh đẹp và sành điệu, mà điều khiến người ta khó quên nhất chính là những chiếc váy dài kẻ caro đủ mọi chủng loại của bà ta - hồi ấy, đó tuyệt đối là cách ăn mặc thời thượng nhất. Lý Miên còn kể khi cha Từ Nghị Giang đi gặp Thẩm Yến Quân thì thường xuyên dẫn theo Từ Nghị Giang. Sau khi Thẩm Yến Quân xuất ngoại, Từ Nghị Giang còn từng tới tìm bà ta để hỏi thăm tin tức về Thẩm Yên Quân nữa. Có thể nhận ra, tình cảm của Từ Nghị Giang với Thẩm Yến Quân kỳ thực vô cùng sâu sắc.

Sự việc đã trở nên hết sức rõ ràng: Hồi sáu, bảy tuổi, xuất phát từ tâm lý bắt chước cha mình, Từ Nghị Giang đã nảy sinh tình yêu với người tình của cha mình hồi đó, điều này cũng tương đương với sự chuyển dời và kéo dài của chứng mặc cảm Oedipus. Trong thời đại đó, những chiếc váy dài kẻ caro của Thẩm Yến Quân để lại trong lòng người ta ấn tượng sâu sắc nhất, vì thế trong những năm tháng sau này, chúng đã trở thành nơi gửi gắm tình yêu của Từ Nghị Giang với bà ta. Chuyện xảy ra giữa Từ Nghị Giang và hai đời vợ chính là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này.

Thế cho nên, nói một cách đơn giản thì những người phụ nữ mặc váy dài kẻ caro dễ khiến Từ Nghị Giang này sinh ham muốn tình dục nhất.

/47

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status