Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh 1

Chương 38: Cố hương

/64


“Người đức độ, nhân ái sống chan hòa với mọi người;

Động vật cùng loài, sống gắn kết thành bầy trên đồng cỏ.”

(Cách ngôn Sakya)

Khi chúng tôi rời khỏi trang viên Shalu, Kangtsoban gào khóc dữ dội, kiên quyết không cho Kháp Na lên xe ngựa. Chủ nhà phải nhờ đến mấy tỳ nữ lực lưỡng mới có thể khống chế được cô nàng. Jichoi sa sầm mặt mày, từ biệt qua quýt với hai anh em Bát Tư Ba. Xem ra, với huyết thống cao quý, gia đình giàu có, sung túc, Vạn hộ hầu Shalu đã rất tự tin về cuộc hôn nhân này. Nếu tin tức truyền ra ngoài, chắc chắn bàn dân thiên hạ sẽ không khỏi kinh ngạc khi Bát Tư Ba khước từ thẳng thừng cuộc hôn nhân có lợi nhường ấy.

Chúng tôi lên đường, Bát Tư Ba, Kháp Na và tôi bắt đầu rơi vào trạng thái khó xử chưa từng thấy. Bấy lâu nay, khi phép thuật ngày một cao, tôi rất thích hóa thành người, kể cả phải cải trang thành người hầu cũng không sao. Nhưng hôm nay, tôi chẳng buồn hóa phép nữa, lẳng lặng làm một tiểu hồ ly kiệm lời. Kháp Na và Bát Tư Ba cũng không ai bảo ai, đều lặng lẽ, ít nói.

Tháng 5 năm 1265, sau hành trình một năm tròn gian khổ, cuối cùng, hai anh em Bát Tư Ba cũng trở về quê hương Sakya mà họ đã cách biệt hai mươi mốt năm. Tên gọi Sakya hàm chứa rất nhiều ý nghĩa: là địa danh, tên ngôi đền, thậm chí là tên gọi của cả một gia tộc. Cái tên Sakya đã đè nặng trên đôi vai gầy guộc của cả hai anh em nhiều năm qua, vậy mà họ lại chẳng có chút ấn tượng nào về hình thù của cố hương.

Sau một năm ròng vượt đèo vượt núi, rốt cuộc tôi đã hiểu vì sao Bát Tư Ba muốn di dời thành trì của giáo phái. Ngôi đền Sakya tọa lạc trên khu đồi phía nam của dãy núi Benbo, nằm bên bờ Bắc sông Trum-chu, xung quanh chỉ toàn núi cao, đồi trọc, đá sỏi cằn cỗi. Xây đền trên núi vốn là kiến trúc truyền thống của Tây Tạng, đảm bảo độ an toàn, đề phòng bị tấn công. Ngôi đền nằm trên độ cao bốn nghìn ba trăm mét so với mực nước biển, khí hậu giá buốt, cây cỏ thưa thớt. Thảng hoặc trên các lũng sông, người dân nơi đây có thể trồng lúa mì thanh khoa và rau cải, điều kiện địa lý của vùng đất này có thể nói là kém nhất ở đất Tạng. Nếu trong gia tộc Sakya không xuất hiện đại sư Ban Trí Đạt và Bát Tư Ba thì thật khó có thể thoát khỏi nghèo nàn để sánh ngang với các giáo phái lớn khác, càng không thể trở thành giáo phái thủ lĩnh của cả đất Tạng.

Ngôi đền là toàn bộ thành trì của giáo phái Sakya, quanh ngôi đền chỉ có vài hộ dân thưa thớt. Sự kết hợp của ba màu: đỏ, trắng và xanh vốn là nét đặc trưng của phái Sakya xuất hiện và nổi bật ở mọi nơi. Thứ màu sắc rực rỡ, bắt mắt ấy từ xa có thể quan sát rất dễ dàng. Những năm qua, Bát Tư Ba không ngừng chuyển toàn bộ số bổng lộc có được do triều đình và quý tộc Mông Cổ ban thưởng về Sakya và lệnh cho bản khâm Shakya Zangpo tu sửa ngôi đền sao cho thật khang trang. Thế nên, ngôi đền nhỏ bé trước kia, sau khi nhận được nguồn tải trợ dồi dào từ Bát Tư Ba, đã ngày một mở rộng, trở thành một quần thể kiến trúc tráng lệ trải dài khắp một vạt núi.

Người của giáo phái tề tựu đông đúc về đây, đứng chen chân trên khắp con đường dẫn từ núi Benbo về ngôi đền. Mười mấy chiếc kèn dài Dungchen và kèn ốc loa rền vang, chấn động cả vùng núi. Xe ngựa của Bát Tư Ba và Kháp Na được trang trí những dòng cờ phướng và hoa cánh bướm sặc sỡ. Hàng ngũ nghênh đón đứng chờ từ rất sớm. Xe ngựa chầm chậm tiến sát chân núi, đám đông dân chúng hai bên đường hò reo phấn khích khi Bát Tư Ba và Kháp Na vẫy tay chào họ.

Xe ngựa không thể đi tiếp vì núi cao dốc đứng, Bát Tư Ba và Kháp Na bèn xuống ngựa. Hôm nay, họ ân vận rất mực sang trọng. Hai anh em ngước nhìn những bức tường kiên cố và những dãy nhà khang trang của ngôi đền bằng ánh mắt đầy háo hức. Quê hương đang ở ngay trước mắt họ. Hai người ngước nhìn đền đài, lầu các trên cao, không khỏi xúc động.

Bản khâm Shakya Zangpo bước đến, dâng khăn lụa Ha đa cho Bát Tư Ba. Một phụ nữ chừng ba mươi tuổi, môi thắm má hồng bước tới dâng khăn lụa cho Kháp Na. Khi cậu ấy còn đang băn khoăn, nhìn người phụ nữ chăm chú thì cô ấy chừng như không kìm nổi, nắm chặt tay Kháp Na:

- Kháp Na, em trai út của ta, ta là chị cả Zhuoma của đệ.

Thì ra đó là cô em gái chỉ kém Bát Tư Ba vài tháng tuổi, là con gái của dì ba. Bát Tư Ba và Kháp Na vội vàng đáp lễ, Zhuoma tươi cười đưa hai người đi giới thiệu với họ hàng, bè bạn. Ba trong số năm người vợ của cha họ đã qua đời, chỉ còn lại dì ba và dì năm. Dì ba là mẹ đẻ của Zhuoma, còn dì năm thì sinh ra Yeshe. Còn có cả vợ chồng chị hai, vợ chồng chị ba, vợ chồng chị tư và hàng đàn các cháu trai, cháu gái. Chỉ riêng việc nhớ tên từng người thôi cũng đủ hoa mắt chóng mặt.

Kháp Na đưa mắt nhìn hết một lượt đám động họ hàng thân thích, hỏi Zhouma:

- Anh rể đâu rồi chị?

Nào ngờ Zhouma nước mắt ngắn dài, buồn bã cúi đầu:

- Chàng mắc bệnh và qua đời mấy năm trước rồi.

Biết mình lỡ lời, Kháp Na vội xin lỗi.

- Không sao! Hai người trở về từ đất Hán, còn đem theo bao nhiêu tráng sĩ thế này, chọn cho Zhouma một người để nó đầu gối tay ấp nửa đời còn lại là được mà!

Giọng nói khàn khàn của một phụ nữ cất lên. Thì ra đó là dì năm. Bà ta chưa đến năm mươi tuổi, ngọc ngà, châu báu ngồn ngộn khắp người, chạc “ba châu” trên đỉnh đầu trĩu nặng, chỉ chực rơi xuống đất. Bà ta gầy gò, nhỏ thó, làn da nhăn nheo nhưng gương mặt trang điểm kĩ càng vẫn giữ được nét xinh đẹp khi xưa.

Kháp Na chẳng buồn để ý đến bà ta. Cậu quay đầu, theo Bát Tư Ba lên núi. Hai anh em họ không bao giờ tha thứ cho bà ta. Dì năm tuy xấu hổ nhưng không dám bỏ đi trước mặt mọi người. Tiếng cười rúc rích lan trong đám động, bà ta uất hận, vần vò chiếc khăn tay, như thể muốn vắt nó ra nước.

Núi cao, bậc dựng đứng, Kháp Na thở phì phò, trống ngực đập thình thịch. Bước vào gian chính điện, tôi thấy ở giữa đặt một bức tượng Bồ Tát Văn Thù mạ vàng rất lớn, một bên đặt tượng thờ vị pháp vương đời thứ nhất Kunga Nyingpo và đời tứ hai Sonam Tsemo, một bên đặt tượng thờ pháp vương đời thứ ba Dragpa Gyaltsen và đời thứ tư Ban Trí Đạt. Bốn vị pháp vương đầu đội mũ đỏ, thân khoác lễ phục, tay kết hình pháp ấn. Hai anh em Bát Tư Ba vái lạy thành khẩn, dâng lên bảy bát nước thánh mang về từ hồ thiêng Yamdrok-tso và tự tay thay đèn dầu cho ban thờ Phật.

Nghỉ ngơi được một lát, Bát Tư Ba liền thúc giục Shakya Zangpo đưa chúng tôi đi tham quan ngôi đền. Dù sắc mặt còn hơi nhợt nhạt vì mất sức, Kháp Na vẫn kiên trì đi cùng, chúng tôi đến từng Labrang [1] vái láy Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Bồ Tát Kim Cương Thủ. Sau đó, Shakya Zangpo đưa hai anh em họ đến một khu nhà vắng vẻ. Thiết kế phòng ốc hoàn toàn không giống các Phật điện, vẻ xinh xắn, trang nhã khiến cho khu nhà khác biệt hoàn toàn khi đứng cạnh các gian thờ Phật.

Tiếng cửa gỗ bật mở ken két, bụi bay mù mịt. Giữa phòng đặt một bức tượng Bồ Tát nho nhỏ, hai bên là những hố tròn, bên trên xếp những tấm đệm trải cũ mèm, nhàu nát. Trên tường vốn có những bức bích họa được điêu khắc tinh xảo nhưng vì bụi phủ đã lên nên sắc màu phai nhạt, thậm chí đôi chỗ còn bị tróc lở. Chậu than lớn nguội ngắt trên nền đất, xỉ than và khói bụi trộn lẫn, như một minh chứng của tháng năm dằng dặc.

Bát Tư Ba đưa mắt nhìn quanh rồi bất chợt run rẩy:

- Đây là...

Giọng nói già nua của Shakya Zangpo cất lên:

- Pháp vương có thể vẫn nhớ, Bạch Lan Vương có lẽ là không. Đây chính là nơi ở của mẫu thân hai vị. Hai anh em ngài đều ra đời ở đây.

Kháp Na giật mình nhìn anh trai. Bát Tư Ba, mắt ngấn nước, gật đầu với em trai. Kháp Na bồi hồi bước về phía buồng ngủ, đẩy cánh cửa, đồ vật đầu tiên xuất hiện trước mắt cậu là những đồ chơi của trẻ nhỏ: chiếc nôi dành cho trẻ sơ sinh, thùng gỗ tập đứng, ngựa gỗ, ghế xích đu, xe đồ chơi... Shakya Zangpo mở rộng cửa sổ để ánh trăng rực rỡ ùa vào căn phòng, chùm sáng nhảy múa trên những đồ dùng dành cho con nít đã phủ bụi thời gian, khiến cho chúng càng trở nên hư ảo.

=========

[1] Labrang trong tiếng Tạng có nghĩa là Phật điện.

Bát Tư Ba lại gần con ngựa gỗ, khẽ đung đưa, làm dậy lên một cơn sóng bụi. Chàng khẽ nói:

- Kháp Na à, ta còn nhớ năm đệ ba tuổi, ta thường cho đệ cưỡi con ngựa gỗ này. Khi ấy, đệ đã cười giòn tan, gương mặt ngây thơ, rất đỗi đáng yêu. Mẹ ngồi bên cạnh, vừa xâu chuỗi hạt vừa mỉm cười nhìn hai anh em nô đùa. Ta không bao giờ quên khoảng thời gian hạnh phúc, ngọt ngào ấy.

Kháp Na quay đầu lại hỏi Shakya Zangpo:

- Lúc đại ca ra đời thì sao?

Shakya Zangpo đến bên cạnh Bát Tư Ba, nhìn chàng với ánh mắt hiền từ, nhân hậu:

- Tôi còn nhớ, pháp vương là con đầu, lại là con trai nên khi ấy, đại sư Ban Trí Đạt và cha hai người mừng đến nỗi cả đêm không ngủ, cứ ngồi lặng lẽ bên cạnh, ngắm nhìn ngài, chẳng nỡ rời mắt, miệng không ngừng thốt lên: “Sakya có người nối dõi rồi!” Khi ấy, cha ngài đã ngoài năm mươi, đối với cha ngài nói riêng, với giáo phái nói chung, việc sinh con nối dõi là vô cùng quan trọng. Chẳng ngờ sau đó, cha ngài lại có thêm ngần ấy người con. Có điều, pháp vương từ nhỏ đã thông minh, sáng láng nên được cha rất mực thương yêu. Chỉ tiếc rằng sau đó, cha ngài đã...!

Đại sư Shakya Zangpo năm nay đã ngoài sáu mươi, chuyện đau lòng năm xưa khiến ngài ủ dột lắc đầu, gương mặt già nua, buồn thương khắc khoải:

- Sau đó, mẫu thân của hai người cũng qua đời. Đại sư Ban Trí Đạt vô cùng đau lòng, lại thương hai người trẻ dại, côi cút, đã đưa cả hai về nơi ở của mình để tiện chăm sóc, bảo vệ. Trước khi hai người ăn bất cứ món gì, cũng phải có người nếm thử, không người lạ nào được phép lại gần. Khi đại sư chuẩn bị lên đường đi Lương Châu, hai người còn rất nhỏ, đại sư vốn không định đưa hai người đi cùng vì chặng đường quá gian nan, hiểm trở. Nhưng ngài lại chẳng yên lòng nếu để hai người ở lại, sau khi suy xét cặn kẽ mọi bề, ngài đã hạ quyết tâm lớn. Khi ra đi, đại sư biết rằng mình chẳng thể quay lại quê hương được nữa. Ngay cả hai người, cũng phải mất hai mươi mốt năm mới hồi hương.

Nhắc lại chuyện xưa, hai anh em không khỏi xúc động, nước mắt lưng tròng. Kháp Na lại gần chiếc nôi của trẻ sơ sinh, âu yếm vuốt ve:

- Đại ca, xin hãy cho người tu sửa lại căn phòng, đệ muốn ở lại nơi này.

Ngai Shakya Zangpo vội can ngăn:

- Nơi đây đã lâu không có ai ở, phòng ốc cũ nát. Chúng tôi sẽ sắp xếp nơi ở tốt nhất cho Vương gia.

- Ta không cần nhà cao cửa rộng, cơm ngon áo đẹp, ta muốn ở đây, vì ta muốn được gần mẹ ta.

Kháp Na nhìn đăm đăm lòng bàn tay đầy bụi của mình, thở dài:

- Ta không còn nhớ chút gì về hình dáng của mẹ.

Bát Tư Ba quay lại, nhẹ nhàng nói với ngài Shakya Zangpo:

- Xin đại sư hãy chiều theo ý muốn của Kháp Na.

Sau khi nhận lệnh, Shakya Zangpo lập tức tập trung nhân lực, tiến hành trùng tu phòng ốc. Bát Tư Ba bận bịu với công việc chính sự, còn Kháp Na thì cả ngày cùng đám thợ thu dọn căn phòng. Cậu không muốn vứt bỏ bất cứ vật dụng gì, kỳ công lau dọn sạch sẽ rồi đặt vào chỗ cũ. Dưới sự giám sát và đốc thúc của Shakya Zangpo, công việc trùng tu nơi ở của Kháp Na được tiến hành nhanh chóng, chưa đầy một tháng đã biến thành một khu nhà tươm tất. Từ đó về sau, Kháp Na quyết định sống trong căn phòng năm xưa của mẹ cậu. Là người ham mêm đọc sách, cậu đã đặt cho khu nhà của mình cái tên rất nho nhã: Lang Như Thư Lầu [2].

Khi Kháp Na dồn toàn bộ tâm trí vào công cuộc trùng tu Lang Như Thư Lầu thì cũng là lúc Bát Tư Ba bận tối tăm mặt mũi. Chàng muốn xây dựng một chính quyền thống nhất trên đất Tạng: chính quyền Sakya, điều mà kể từ khi vương triều Tufan sụp đổ đến nay, chưa từng xuất hiện trên đất Tạng. Việc làm cần thiết đầu tiên mà chính quyền mới này phải thực hiện đó là: phân chia vạn hộ hầu của đất Tạng. Lẽ dĩ nhiên, các giáo phái lớn và các đại lãnh chúa phải là một trong số các vạn hộ hầu, nhưng bên cạnh đó, Bát Tư Ba cũng muốn nâng đỡ một số thế lực mới, để kìm hãm các giáo phái vốn chiếm hữu những mảnh đất trù phú nhất và số lượng dân cư đông đúc nhất, đặc biệt là phái Drikung và Phaktru ở Tiền Tạng.

Đúng lúc đó, Thiên hộ hầu Yarseng thuộc phái Phaktru lặng lẽ đến Sakya.

Lúc này, phái Phaktru mới ra đời được chừng sáu mươi năm, do dòng họ Lang nổi tiếng ở vùng núi Sơn Nam sáng lập. Tuy là giáo phái ra đời muộn nhất ở đất Tạng nhưng phái Phaktru có một nền tảng vô cùng vững chắc. Vùng Sơn Nam vốn là cái nôi của vương triều Tufan, sở hữu những cánh đồng phì nhiêu, màu mỡ, rộng lớn nhất đất Tạng. Gia tộc Lang đời đời kế thừa quyền cai quản vùng đất trù phú ấy. Các pháp vương của giáo phái này đều là những người tài ba, lỗi lạc, hoài bão lớn lao. Dưới sự nỗ lực không ngừng của các vị pháp vương từ đời thứ nhất đến đời thứ tám, phái Phaktru phát triển rất nhanh chóng, hiện đã xếp ngang hàng với phái Drikung ở La-ta về diện tích đất đai chiếm hữu.

Thiên hộ hầu Yarseng chịu sự cai quản của phái Phaktru, đất đai của thiên hộ hầu này chính là vùng lũng sông Yarlung – cái nôi của vương triều Tufan. Gia tộc Yarseng lâu đời hơn cả gia tộc Lang của phái Phaktru vì huyết thống của dòng họ này có thể tính từ thời đại Tufan. Thiên hộ hầu Yarseng từ lâu đã rất bất mãn với thân phận của một thiên hộ hầu nhỏ bé mà phái Phaktru phong cho ông ta nên đã âm thầm đến Sakya ngay khi hay tin Bát Tư Ba trở về đất Tạng.

Điều này cũng hợp ý Bát Tư Ba vì chàng không hề muốn thế lực của phái Phaktru ngày một lớn mạnh và bành trướng. Thiên hộ hầu Yarseng và Bát Tư Ba đã trao đổi rất lâu. Ba ngày sau, Yarseng lặng lẽ rời Sakya.

Ngày mà Kháp Na dọn vào sống trong Lang Như Thư Lầu cũng là ngày Bát Tư Ba bước đầu hoàn thiện kế hoạch phân chia mười ba vạn hộ hầu và số lượng các cư dân Mid, cư dân Lad thuộc quyền sở hữu của các vạn hộ hầu này. Ngắm nhìn Bát Tư Ba miệt mài viết lách bên bàn làm việc trong Phật điện Lakhang, tôi không khỏi lo lắng:

- Chàng thăng chức cho Thiên hộ hầu Yarseng thành vạn hộ hầu, lại cắt một mảnh đất lớn của phái Phaktru chia cho ông ta, chàng không sợ phái Phaktru tức giận sao?

Bát Tư Ba dừng bút, hàng mày dài xô lại:

- Chắc chắn họ sẽ tức giận. Ngoài Phaktru, ta còn cắt nhiều hộ dân ở Nagarze của phái Drikung cho Vạn hộ hầu Yamdro. Ta phải làm vậy để cân bằng số lượng các hộ dân thuộc quyền cai quản của mười ba vạn hộ hầu ở đất Tạng, vì sẽ không ổn nếu để thế lực của hai giáo phái này quá lớn mạnh.

- Và rồi sẽ có kẻ cười người khóc. – Tôi nhìn Bát Tư Ba mà lòng đầy lo âu. – Vậy là từ nay, chàng sẽ phải đối đầu với mối hiềm khích của hai phái Drikung và Phaktru.

Bát Tư Ba khẳng khái đáp:

- Dù biết sẽ kết mối thù hằn nhưng ta không thể làm khác. Tuy phái Sakya được Đại hãn nâng đỡ nhưng thực lực của giáo phái chúng ta chẳng thể so sánh với Drikung và Phaktru. Ta làm cho sức mạnh của họ giảm đi, cũng là vì lo nghĩ cho tương lai của giáo phái mình.

Trong lòng tôi cứ dấy lên cảm giác nơm nớp lo sợ, mí mắt giật liên tục, nhưng vẫn cố gượng cười:

- Mong là sẽ không xảy ra chuyện gì.

Bát Tư Ba đứng lên, chậm rãi bước đi trong Phật điện trong bóng chiều nhập nhoạng, lưng hơi còng xuống vì đã nhiều ngày miệt mài bên bàn làm việc. Từ khi trở về đất Tạng, chàng có quá nhiều việc phải suy nghĩ, mỗi ngày chỉ ngủ chừng ba canh giờ, giấc ngủ chẳng sâu, rất dễ tỉnh giấc, ăn uống cũng không được ngon miệng nên ngày càng gầy. Tuy mới ba mươi tuổi, gương mặt vẫn tuấn tú, điển trai như xưa nhưng trên vầng trán cao đã xuất hiện đôi ba nếp nhăn. Lúc chàng mỉm cười, khóe mắt cũng xếp nếp những dấu vết của thời gian và sự lo toan mòn mỏi.

Lòng tôi bỗng chùng xuống khi ngắm nhìn dáng hình cao gầy, cô độc ấy. Cũng giống như Kháp Na, tôi rất muốn chia sẻ nỗi vất vả với chàng, nhưng chẳng giúp được gì.

Tin tức về việc phân chia mười ba vạn hộ hầu truyền khắp vùng Hậu Tạng, làm dấy lên sự phản kháng. Năm Vạn hộ hầu Lalo, Laqiang, Chumig, Gyangtso và Shalu đã liên kết lại phản đối Bát Tư Ba cắt hàng nghìn họ dân Lad của họ, chuyển thành cư dân Mid. Riêng Vạn hộ hầu Shalu và Chumig, vì là hai vạn hộ hầu lớn nhất Hậu Tạng nên đã bị cắt ba nghìn họ dân để chuyển thành những cư dân Mid phải nộp thuế cho nhà nước. Cả năm vạn hộ hầu đều lên tiếng chỉ trích và cho rằng quyền lợi của mình bị tổn hại nghiêm trọng. Họ kiên quyết phản đối sự phân chia này.

Mùa thu năm đó, thời tiết ở Sakya đột ngột thay đổi, suốt mùa mưa gió dầm dề, cả vùng Sakya chìm trong bầu không khí âm u, ẩm thấp đến ngột ngạt. Giữa lúc nước sôi lửa bỏng ấy, một nguồn tin quan trọng được truyền về Sakya: người đứng đầu cuộc chống đối chính là Vạn hộ hầu Shalu – ngài Jichoi mà trước đó từng niềm nở tiếp đón Bát Tư Ba tại dinh cơ của mình.

Ông ta muốn trả thù vì chúng ta không chấp nhận cuộc hôn nhân đó.

Kháp Na mặt mày biến sắc, phẫn uất đập tay xuống mặt bàn.

=========

[2] Có nghĩa là: nhà sách Lang Như. Lang Như vốn là tên một ngôi đình nổi tiếng trong Di Hòa Viên, ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (DG)

Bát Tư Ba nghiêm nét mặt:

- Ta đã sớm dự liệu được tình huống này. Không ai dễ chịu khi da thịt mình bị cắt xén.

- Vậy huynh định xử trí ra sao? Hiện mới chỉ có vùng Hậu Tạng gây rối loạn, nửa tháng sau, tin tức sẽ truyền đến vùng Tiền Tạng, khi đó, chắc chắn Drikung và Phaktru sẽ liên kết tất cả các giáo phái để chống lại Sakya. Đến lúc đó, chúng ta sẽ chẳng thể làm gì ngoài việc gửi tấu chương xin Đại hãn điều quân đến đây.

- Đây là mâu thuẫn của nội bộ đất Tạng, chưa đến bước đường cùng, ta tuyệt đối không nhờ vả quân đội của người Mông Cổ. – Bát Tư Ba đăm chiêu suy nghĩ. – Thế này vậy, ngày mai ta sẽ đi Chumig một chuyến. Vạn hộ hầu Chumig là người hòa nhã nhất trong số năm vạn hộ hầu ở Hậu Tạng. Ông ta lại có quan hệ rất tốt với giáo phái chúng ta. Ta sẽ thử thuyết phục ông ta xem sao.

Kháp Na lo lắng lắc đầu:

- Lẽ nào phải đi thuyết phục từng người một? Và dù đại ca có thuyết phục được cả bốn vạn hộ hầu đó đi nữa thì vẫn còn Vạn hộ hầu Shalu. Ông ta là người đứng sau chỉ huy mọi chuyện, sức ảnh hưởng của ông ta ở Hậu Tạng rất lớn, không dễ dàng thuyết phục được ông ta đâu.

- Được người nào hay người đó.

Bát Tư Ba tỏ ra rất quyết tâm, chẳng chút nề hà. Chàng vừa thu dọn giấy tờ trên bàn vừa nói với Kháp Na:

- Ngày mai đệ hãy đi cùng ta.

Kháp Na nhìn Bát Tư Ba chăm chăm, ậm ừ đáp lời.

Không ngờ, tối đó, Kháp Na bị cảm lạnh, ngày hôm sau thì sốt cao. Ở nơi núi cao, băng giá này, một trận cảm thông thường cũng có thể lấy mạng người ta. Thế nên, Bát Tư Ba đã để Kháp Na ở lại, đồng thời dặn dò người nhà phải mời thầy thuốc tốt nhất đến chữa bệnh cho Kháp Na rồi vội vã lên đường khi mới tờ mờ sáng.

Tôi bưng chén thuốc đến bên giường, gọi khẽ. Sau khi Mukaton qua đời, Kháp Na mắc bệnh ho khan mãn tính. Trở về cùng cao nguyên băng giá, sức khỏe cậu ấy ngày một yếu đi, cứ một thời gian lại ốm một trận. Mấy năm qua, tôi gần như thuộc làu các vị thuốc mà Kháp Na uống nên cũng dễ chăm sóc cậu ấy.

Kháp Na chừng như rất mệt mỏi, xua tay:

- Tiểu Lam, không cần ở lại chăm sóc ta đâu, mau đi bảo vệ đại ca!

Tôi đặt chén thuốc xuống, kê cao gối giúp cậu ấy ngồi dậy.

- Nhưng Lâu Cát dặn tôi phải ở lại chăm sóc cậu.

- Ta chỉ bị cảm nhẹ, không sao đâu. Ta rất lo cho sự an nguy của đại ca. Huynh ấy gánh vác trọng trách lớn lao, lại vào thời điểm cam go này, rất dễ có kẻ sinh lòng muốn hãm hại huynh ấy. Huynh ấy là rường cột của giáo phái, nếu huynh ấy có mệnh hệ gì, giáo phái chúng ta sẽ nguy mất. Ta không muốn có bất cứ chuyện gì xảy ra với huynh ấy...

Cậu ấy phải dừng lại vì cơn ho ập đến, một lát sau, ánh mắt khẩn thiết hướng về phía tôi:

- Em hãy đi và bảo vệ huynh ấy, chỉ có như thế ta mới an lòng.

Lời nói của cậu ấy khiến tôi bất giác thấy lo cho sự an nguy của Bát Tư Ba nhưng tôi cũng không an tâm khi thấy Kháp Na nằm dài trên giường bệnh.

- Nhưng cậu cũng cần có người ở bên chăm sóc.

Cậu ấy bật cười khanh khách:

- Ta là con út của giáo phái, lại là một vương gia. Chỉ cần ta gật đầu, sẽ có hàng dài những người muốn được chăm sóc cho ta.

Bỗng tôi nảy ra một ý định, vỗ tay đắc chí:

- Cứ làm vậy đi.

Sau đó, tôi cúi xuống, tìm kiếm bờ môi cậu ấy.

- Tiểu Lam!

Cậu ấy hốt hoảng nghiêng đầu sáng bên, tránh nhé, lấy tay che mặt, hơi thở gấp gáp, giọng nói hổn hển:

- Em làm gì vậy?

Tôi ấm ức:

- Tôi chỉ định truyền linh khí cho cậu thôi mà. Như thế, cậu sẽ nhanh chóng khỏi bệnh và chúng ta có thể lập tức lên đường, đuổi theo Lâu Cát.

- Không được!

Cậu ấy nghiêm giọng từ chối khiến tôi giật mình sợ hãi. Phản ứng của cậu ấy quá gay gắt.

Thấy tôi nhìn với vẻ kinh ngạc, Kháp Na vội vàng giải thích:

- Ta không muốn em làm như vậy. Vả lại, đại ca đã lên đường được một thời gian rồi, chắc chắn ta không thể đuổi kịp huynh ấy, nhưng em có thể sử dụng phép thuật để đuổi theo huynh ấy. Ta sẽ ở lại đây, chịu khó dưỡng bệnh, chờ hai người trở về.

Cậu ấy nói cũng có lý, tôi liền gật đầu tán đồng:

- Nhưng cậu phải hứa sẽ uống thuốc đúng giờ và giữ gìn sức khỏe.

Cậu ấy vội vã nhận lời:

- Ta biết rồi, em mau đi đi.

Tôi gật đầu, định biến hình để lên đường thì chợt nghe cậu ấy khẽ gọi:

- Tiểu Lam!

Tôi quay đầu lại, bắt gặp ánh mắt tha thiết của Kháp Na.

- Có chuyện gì vậy?

Cậu ấy lặng nhìn tôi một lát rồi mỉm cười dịu dàng:

- Không có gì, ta chỉ muốn gọi em một tiếng vậy thôi, em mau đi đi.

Trên đường đuổi theo Bát Tư Ba, tôi cứ băn khoăn mãi về nụ cười của Kháp Na. Nụ cười đó rất đẹp, ánh mắt đó lấp lánh, trong veo. Tôi ở bên cậu ấy đã lâu nên gần như thuộc làu từng cử chỉ, động tác của biểu cảm của cậu ấy. Không hiểu sao, cảm giác bất an cứ cuồn cuộn trong lòng tôi. Vì sao nụ cười tuyệt đẹp ấy lại chất chứa dư vị của nỗi bi ai, tuyệt vọng?

~.~.~.~.~.~

- Tuy chỉ tồn tại chừng một trăm năm vào triều đại nhà Nguyên và tan vỡ khi triều Nguyên sụp đổ nhưng chính quyền Sakya đã có ảnh hưởng rất lớn đến vùng Tây Tạng.

Tôi tập tễnh đến bên cửa sổ, ngước nhìn bầu trời đêm khi tuyết đã ngừng rơi, gió dữ đã thôi thét gào, phá phách. Tôi quay lại bên lờ sưởi, chậm rãi giải thích cho chàng trai trẻ:

- Chàng đã thiết lập một thể chế hành chính với sự hợp nhất của chính trị và tôn giáo, nhưng chàng không giữ thân phận của một quốc vương. Chính quyền ấy có được nhờ triều Nguyên nên chỉ có thể phát huy hiệu lực khi được hoàng đế Mông Cổ thừa nhận.

Chàng trai trẻ gật đầu tán đồng:

- Hồi đi du lịch Tây Tạng, tôi đã đọc các tài liệu liên quan và biết rằng, Tây Tạng trở thành một phần không thể tách rời của Trung Quốc kể từ triều Nguyên, sau đó không còn bị chia năm xẻ bảy như trước kia nữa.

Tôi gật đầu:

- Đúng vậy. Sau khi triều Nguyên sụp đổ, bất kể giáo phái nào ở Tây Tạng muốn xây dựng chính quyền địa phương đều phải được vương triều trung ương thừa nhận. Thể chế chính trị này đã duy trì suốt hơn năm trăm năm kể từ thời đại của Bát Tư Ba cho đến thời nhà Thanh. Chính vì vậy, chúng ta thường hiểu rằng, Tây Tạng trở thành một phần của các vương triều Trung Nguyên vào thời đại của nhà Nguyên.

Chàng trai trẻ tổng kết:

- Bởi vậy, công lao của Bát Tư Ba đối với lịch sử và bản đồ Trung Quốc lớn hơn bất cứ nhà sư nào trước đó.

Tôi mỉm cười tán đồng:

- Cậu nói chí phải.


/64

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status