Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 56: TÂY TUYẾN VÀ BẮC TUYẾN

/130


Báo cáo xong tình hình các xứ A Lạp Bá, Quảng Tế Pháp sư lại thở dài nói :

- Thánh hoàng. Tuy rằng tình hình nhìn chung rất thuận lợi, nhưng tình hình Âu Châu bất ổn cũng khiến bản triều gặp phải không ít khó khăn.

Giang Phong cau mày hỏi :

- Bản triều chỉ mới tiến quân đến các xứ A Lạp Bá, quan hệ gì đến Âu Châu ?

Quảng Tế Pháp sư nói :

- Khải tấu Thánh hoàng. Bản triều đang gặp phải vấn đề người Do Thái di cư. Từ khi hội đồng quản hạt của Thành Jerusalem được thành lập, có sự tham gia của đại diện người Do Thái, vô số người Do Thái trên khắp Âu Châu đang đổ về Jerusalem. Hiện tại đã có gần 10 vạn người Do Thái đến xin định cư ở Jerusalem, và còn có gấp mấy lần số đó đang tiếp tục đổ về. Tuy rằng người Do Thái có thể tự hỗ trợ lẫn nhau, không đến nỗi tạo thành gánh nặng cho bản triều, nhưng có quá nhiều người di cư đến như thế cũng gây ra ít nhiều bất ổn.

Giang Phong hỏi :

- Vì nguyên nhân gì mà bọn họ bỏ nơi sinh sống kéo nhau di cư đến Jerusalem. Di cư qua mấy nghìn dặm không phải là việc dễ dàng.

Quảng Tế Pháp sư nói :

- Khải tấu Thánh hoàng. Người Do Thái buộc phải di cư vì sự bài xích và tàn hại của các vương quốc và lãnh địa ở Âu Châu. Những năm gần đây, rất nhiều người Do Thái bị tàn sát và trục xuất, những người còn sống sót phải lang thang khắp nơi. Năm Tân Mùi (1391), vương quốc Tây Ban Nha tàn sát hơn 4.000 người Do Thái ở Seville, tiếp đó là hàng nghìn người bị Tòa án dị giáo bắt giam, tra tấn và thiêu sống, người Do Thái đã phải bỏ trốn khỏi Tây Ban Nha. Năm Giáp Tuất (1394), vương quốc Pháp Lan Tây tịch thu tài sản và trục xuất hơn 10 vạn người Do Thái ra khỏi lãnh thổ. Ở Đức Ý Chí, người Do Thái bị xem là vật hiến tế trong các buổi tế thần. Ở khắp các vương quốc và lãnh địa ở Âu Châu đều có những sự việc tương tự. Theo tin tức thu được, ở Âu Châu cứ vài chục năm là những việc như thế lại xuất hiện một lần. Người Do Thái giỏi kinh doanh, đa phần giàu có. Các quốc vương và lãnh chủ ở Âu Châu cứ chờ người Do Thái tích tụ được một số tài sản lớn là lại trục xuất và tịch thu tài sản của họ. Quá trình cứ thế lập đi lập lại.

Giang Phong hỏi :

- Bọn họ sử dụng lý do gì để bức hại người Do Thái ?

Quảng Tế Pháp sư nói :

- Khải tấu Thánh hoàng. Đa phần buộc tội tổ tiên người Do Thái đã sát hại Thần của Cơ Đốc giáo. Ngoài ra còn có những buộc tội người Do Thái thực hiện những nghi lễ tế ma quỷ, dùng máu trẻ em để hiến tế; bỏ độc vào giếng nước hại người Cơ Đốc giáo; xúc phạm Thần của Cơ Đốc giáo bằng các nghi thức ma quỷ, …

Giang Phong khẽ thở dài, nói :

- Xem ra ở Âu Châu, người Do Thái bị xem là ma quỷ, là xấu xa tàn ác.

Quảng Tế Pháp sư nói :

- Khải tấu Thánh hoàng. Đúng thế đấy ạ ! Người Âu Châu mỗi khi gặp phải tai họa gì hầu như đều cho rằng có nguyên nhân từ người Do Thái, rồi sát hại người Do Thái để hiến tế hoặc trả thù.

Giang Phong trầm ngâm giây lát, rồi phán :

- Cố hỗ trợ họ. Nhưng để tất cả tập trung ở Jerusalem cũng không ổn. Tìm cách phân tán một phần về các tỉnh khác. Người Do Thái giỏi kinh doanh buôn bán, phân tán đi các tỉnh có lợi cho phát triển thương mại.

Quảng Tế Pháp sư cung kính vâng dạ, đoạn nói :

- Khải tấu Thánh hoàng. Hiện tại Âu Châu đang rất rối ren. Hầu như dân các xứ Âu Châu đều theo Cơ Đốc giáo, nhưng hơn chục năm nay, Cơ Đốc giáo lại đồng thời có đến 3 vị giáo chủ : Gregorius XII ở Roma, Benedictus XIII ở Avignon và Alexander V ở Bolonia; khi Alexander V qua đời thì Gioan XXIII lên thay. Cả 3 vị này đều tự xưng mình là đại diện của giáo hội. Các quốc vương và lãnh chủ chia bè kết phái tấn công lẫn nhau. Mấy năm trước, Gregorius XII buộc phải rời giáo đô Roma vì chiến tranh. Roma thuộc về Gioan XXIII, thì đến năm ngoái Gioan XXIII cũng phải chạy khỏi Roma. Ở Âu Châu hiện nay rất loạn, vô cùng loạn.

Giang Phong nói :

- Hiện tại bản triều chưa thể can thiệp vào đó. Truyền quốc thư yêu cầu bảo hộ các quyền lợi của bản triều không bị xâm phạm. Mục tiêu ưu tiên của bản triều hiện tại là Minh triều.

Quảng Tế Pháp sư cung kính vâng dạ. Giang Phong lại hỏi :

- Việc bắc phạt thế nào rồi ?

Quảng Tế Pháp sư liền báo cáo chiến quả của các đạo quân bắc phạt. Đối với đạo quân của Phạm Thế Căng, hiện tại Trương Phụ và Mộc Thạnh đang bị vây trong thành Thăng Long, hầu như toàn bộ lãnh thổ của Đại Việt đều đã được giải phóng. Phạm Thế Căng đang tập trung binh lực chuẩn bị giải quyết cho xong thành Thăng Long để còn tiếp tục bắc tiến.

Tây lộ do Lý Ngân chỉ huy cũng đã kiểm soát được bộ phận phía nam của cao nguyên Vân Quý. Tây lộ có 4 đạo quân Uy Vũ, Uy Nghĩa, Uy Đức, Trấn Biên dẫn theo 10 vạn dân binh Thái – Lào, tiến vào cao nguyên Vân Quý. Chính quy quân tấn công chiếm lĩnh các phủ huyện, sau đó giao lại cho dân binh phòng thủ, quản lý. Dân binh chiến lực không bằng được chính quy quân, nhưng cũng đủ để phòng thủ các phủ huyện, hoặc đối phó những đạo quân thông thường. Hiện tại Tây lộ đại quân đang áp sát Côn Minh, thủ phủ của Vân Nam. Đạo quân Vân Nam sang tiếp viện cho bọn Trương Phụ vừa nghe tin đại quân áp cảnh, chưa ra khỏi biên giới đã phải vội vã rút về, bị Trấn Biên quân chặn đánh trên đường, tan rã hoàn toàn. Quá nửa Vân Nam đã bị Đế quốc kiểm soát.

Đông lộ Đại quân do Triệu Phong chỉ huy, từ Đài Loan tấn công chiếm lĩnh các phủ huyện duyên hải vùng Quảng Đông, Phúc Kiến; cướp phá các phủ huyện duyên hải cùng Chiết Giang, Tô Châu (do gần Kim Lăng, nơi tập trung quân tinh nhuệ của Minh triều, nên không chiếm lĩnh). Hiện tại các hạm thuyền của Bắc Dương Hạm đội đã tiến vào Trường Giang, áp sát phong tỏa Kim Lăng và cắt đứt tuyến giao thông vận tải trên Đại Vận Hà.

Chú : Chữ ‘Pope’ trong tiếng Anh xuất phát từ chữ ‘papa’ trong tiếng Latinh. Tuy nhiên, đây là từ ngữ gốc Hy Lạp Cổ, dùng để chỉ người cha trong gia đình. Ban đầu, người Công giáo Đông phương nói tiếng Hy Lạp hoặc Tây phương nói tiếng Latinh đều dùng chữ ‘papa’ để gọi các vị giám mục, linh mục trong giáo hội, thể hiện sự tôn trọng, kính cẩn. Ngày nay, Giáo hội Chính Thống Hy Lạp, Chính Thống Nga và Serbia vẫn sử dụng cách gọi như thế. Tuy nhiên, Giáo hội Công giáo Roma chỉ sử dụng từ ngữ này dành cho vị giám mục Roma. Lịch sử Giáo hội Công giáo Roma ghi nhận, Grêgôriô VII (1073-1085) là người đã chính thức giới hạn việc dùng từ ‘papa’.

Từ ‘giáo hoàng’ trong tiếng Việt thực ra không dịch sát từ gốc Latinh, nó được dịch một cách cảm quan từ người Công giáo đối với vị lãnh đạo tinh thần của mình. ‘Giáo’ nghĩa là Giáo hội, ‘hoàng’ nghĩa là ông vua, người lãnh đạo giáo hội. Các giáo dân Công giáo Việt Nam thường sử dụng danh xưng Đức Thánh Cha. Thật ra chức vụ chính thức của Ngài là : Giám mục Roma, mục tử đoàn chiên chúa. Trong lịch sử, có nhiều vị đã được bầu lên, nhưng qua đời trước khi đảm nhiệm chức vụ mục tử đoàn chiên chúa, và cũng không được chính thức xem là ‘Pope’. Ban đầu, Cơ Đốc giáo bị Đế quốc La Mã cấm đoán. Đến thời Hoàng đế Constantinople mới được công khai truyền giáo. Khi đó Cơ Đốc giáo có 5 trung tâm tôn giáo là : Jerusalem, Antioch, Roma, Alexandria, và Constantinople; 5 vị Giám mục của những nơi này là những vị đứng đầu giáo hội, địa vị ngang hàng nhau. Trong đó, Jesusalem được tôn vinh là ‘Mẹ Giáo Hội’ (Mother Church); Alexandria được xem là trung tâm học thuật của Cơ đốc giáo. Trong số 5 vị Giám mục đó, chỉ có Giám mục Roma và Giám mục Constantinople tranh giành quyền chủ trì các Công đồng, cũng là người đại diện của Chúa, dẫn đến cuộc Ly giáo Đông - Tây vào năm 1054.

Cách dịch sai này cũng giống như dùng từ ‘Thiên Chúa giáo’ để chỉ Giáo hội Công giáo Roma, do yếu tố lịch sử, bắt nguồn từ việc Công giáo Roma là giáo hội thuộc Kitô giáo được truyền bá vào Việt Nam sớm nhất. Thuật ngữ ‘Kitô giáo’ (thường được người Công giáo Roma sử dụng) hay ‘Cơ Đốc giáo’ (thường được người Tin Lành sử dụng) được dùng để chỉ các tôn giáo khởi nguồn từ Chúa Kitô (Chúa Cơ Đốc, Christ). Tín đồ được gọi là ‘Kitô hữu’. Nhưng theo ngữ nghĩa, Cơ Đốc giáo hoặc Kitô giáo (Christianity) bao hàm các tôn giáo khởi nguồn từ Chúa Cơ Đốc hoặc Chúa Kitô (Christ), bao gồm cả Công giáo Roma, Chính Thống giáo Đông Phương, Tin Lành, Anh Giáo, giáo hội Luther, … Tương tự, Thiên Chúa giáo nên được hiểu là ‘Các tôn giáo thờ phụng Thiên Chúa’. Vì vậy, thuật ngữ ‘Thiên Chúa giáo’ nên dùng cho ‘Các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham’, vì các tôn giáo này có một điểm chung là xác quyết niềm tin của mình vào Thiên Chúa. ‘Các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham’ bao gồm Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo, Hồi giáo, Mormon và nhiều giáo phái nhỏ khác.


/130

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status