Đơn Kiếm Diệt Quần Ma

Chương 13: Đằng xà thần tiên thất đạo hãi tuyệt nghệ

/29


Dư Vân đưa mắt nhìn xung quanh, thấy các hảo thủ của chòi canh của Hắc Long Hội đã bị bọn Ải Phương Sóc lúc mới tới điểm huyệt hết, nên tên nào tên nấy đều cứng đờ như tượng gỗ vậy, và cứ trợn tròn đôi mắt ra tức giận mà không sao cử động được. Chàng suýt bật cười ra tiếng, bỗng sực nghĩ ra một kế, liền khẽ nói với Khấu, Lý hai người rằng:

- Hai bạn, tối hôm nay thật may mắn cho chúng ta, bọn giặc đã gây chiến tàn sát lẫn nhau, vậy chúng ta còn đứng ở đây làm gì nữa. Hai vị cứ từ từ lui về phía chuồng ngựa, lấy ngựa ra ở phía sau khách sạn bôn tẩu luôn, tôi sẽ đuổi theo sau. Bằng không, chúng ùa cả lên vây đánh chúng ta, lúc ấy muốn thoát thân rất khó.

Hai người thấy Dư Vân nói rất phải, liền lui từng bước một về phía sau...

Ải Phương Sóc với anh em Đông Phương Ngọc Côn thấy Dư Vân và Khấu, Lý ba người không thèm đếm xỉa tới bọn mình, tức giận vô cùng, bèn nghĩ thầm:

- Sao lại có chuyện lạ như thế được? Chẳng lẽ chúng ta giúp chúng như vậy là không nên sao?

Cũng vì vậy, bọn Ải Phương Sóc ba người càng đứng càng xa dần bọn Dư Vân làm như không ai thèm làm quen với ai cả.

Sự thật thì Khấu, Lý hai người là người đương sự, tất nhiên đều hoảng sợ hơn ai hết, nên làm gì còn có tâm trí để nói vài lời cảm ơn khách sáo nữa. Chỉ có một mình Dư Vân là làm như ta đây, coi vẻ rất kiêu ngạo. Nếu chàng không làm như vậy, thế nào bọn Ải Phương Sóc cũng chạy lại quấn quít, như vậy thoát thân sao nổi?

Góc bên kia, Tiêu Diệu Vũ Sĩ Bành Phi giao chiến với Linh Quan Cự Sát Hồng Trường Thanh thật là nan phân nan giải. Cả hai đều là quái kiệt rất có tiếng tăm trong lục lâm, cùng ghét cái thói làm kiêu của nhau, cùng giở tuyệt học ra tranh thư hùng.

Lúc ấy, Thông Thiên Kinh thấy hai người không ai chịu nhường ai, trong lòng mừng thầm và nghĩ:

- Dịp may hiếm có, sao không nhân lúc mọi người đều chăm chú vào trận đấu của hai quái kiệt, mà ra tay cướp lấy vật báu, có phải là hơn không?

Nghĩ đoạn, y liền ra hiệu ngầm cho các thủ hạ, chỉ thấy kêu đến “soẹt” một tiếng, đã có mười mấy cái bóng người, như gió lốc vậy, nhảy xổ tới đánh bọn Dư Vân.

Ngờ đâu bọn Vương Giực vừa nhảy xổ tới chỗ đứng của bọn Dư Vân thì chẳng thấy một ma dại nào cả, mới hay Dư Vân và Khấu, Lý hai người đã bôn tẩu từ lâu rồi, và biết đại sự đã hỏng bét cả, cũng không thèm để ý tới bọn Ải Phương Sóc, vội lẻn sang phía bên chạy luôn.

Bọn Ải Phương Sóc thấy bọn Vương Giực xông lại bên phía mình đứng, cả ba đều sửa soạn nghênh chiến, chờ chúng tới gần là hạ thủ liền, đột nhiên thấy bọn giặc ấy lẻn chạy sang phía bên đi mất, đều ngẩn người ra, không hiểu tại sao, nhưng tới khi quay lại nhìn về phía sau, mới hay bọn Dư Vân ba người cũng biến mất rồi.

Tới lúc này, bọn Ải Phương Sóc mới tỉnh ngộ, tại sao bọn giặc xông lại mà không giao chiến với bọn mình, lại lẻn chạy đi tức là do chúng đã mất khổ chủ và lẻn đuổi theo. Bọn Ải Phương Sóc còn một điều kinh ngạc hơn nữa, là bọn Dư Vân đi như vậy, sao bọn họ không hay biết một tí gì? Vì tai mắt của ba người rất minh mẫn, trong cả vòng năm trượng vuông, chỉ một cái lá rơi xuống, họ cũng biết liền. Mà nay bọn Dư Vân đứng cách xa họ chỉ có hai trượng thôi, bọn Dư Vân bỏ chạy sao họ không nghe thấy một tiếng động gì cả?

Ải Phương Sóc lắc đầu nhìn Đông Phương Ngọc Côn và Khương Tôn Diệu hai người, cười gượng một tiếng rồi nói:

- Hai cậu nhãi, đêm hôm nay chúng ta thật là mắc hỡm rồi đấy nhé? Tới giúp sức người ta không thèm cảm ơn thì chớ, lại còn cụp đuôi lẳng lặng bỏ chạy. Chúng ta còn đứng ngẩn người ra đây làm gì nữa? Muốn hít gió bắc hay muốn xem ma quỷ đánh nhau? Thôi đi!

Thiên Cương Kiếm Đông Phương Ngọc Côn, và Hắc Ma Lạc Khương Tôn Diệu đều nhìn cả cười, rồi cùng Ải Phương Sóc quay mình rút lui liền, chỉ trong nháy mắt, cả ba cùng biến mất trong bóng tối rồi.

Đáng cười thay Linh Quan Cự Sát Hồng Trường Thanh và Tiêu Diệu Vũ Sĩ hai người vẫn đánh đến râu tóc dựng ngược cả lên. Người nào cũng muốn giết chết được đối phương mới hả dạ, nên không ai dám chểnh mảng một tí nào cả, vì vậy cả hai cũng không hay biết những người kia đã bỏ chạy hết rồi. Linh Quan Cự Sát Hồng Trường Thanh vẫn còn tin tưởng đảng viên Hắc Long Hội mình đang giám thị mấy người kia, nếu có gì hơi khác là chúng tới phi báo cho mình hay ngay, nhưng y có ngờ đâu, khi bọn Ải Phương Sóc tới đã điểm huyệt hết những thủ hạ của y đang canh gác tại các chòi canh vây xung quanh đấu trường rồi. Lúc ấy chỉ có thủ hạ của Tiêu Diệu Vũ Sĩ đứng cạnh ở đó là phát giác người của đối phương đã bôn tẩu hết, và cả bọn Vương Giực cũng chạy nốt, vội kêu la:

- Hai vị đương gia còn tận lực đánh nhau như vậy làm gì nữa. Người có của đã chạy hết cả rồi!

Tiêu Diệu Vũ Sĩ Bành Phi nghe thấy thủ hạ nói như vậy đã giật mình phát giác trước, vội đánh mạnh hai chưởng để đẩy lui Hồng Trường Thanh, rồi nhún mình nhảy một cái ra ngoài ba trượng, quay đầu lại quát lớn:

- Họ Hồng kia, trận đấu của chúng ta vẫn chưa xong đâu, bạn cứ ghi nhớ lấy, một ngày gần đây chúng ta lại tái chiến.

Nói xong, y vẫy các đồng đảng một cái, thế là hơn hai mươi cái bóng đen chạy nhanh như chớp, biến mất.

Linh Quan Cự Sát Hồng Trường Thanh ha hả cười, nhưng cơn tức giận vẫn không sao nguôi được, liền giở song chưởng lên đánh mạnh xuống mặt tuyết mấy cái, mảnh tuyết bắn tứ tung, nhờ vậy mới hơi dễ chịu một chút. Gió bắc thổi tới, đầu óc mới bình tĩnh dần, quay lại nhìn xung quanh, thấy chỉ còn lại có bảy tám người thôi, và nửa số mấy tên thủ hạ đều bị thương khá nặng cả, liền thở dài một tiếng, tự biết là thất bại nặng nề quá nỗi rồi, vì khu vực kiểm soát của đảng mình, lại có bao nhiêu chòi canh bao vây như vậy mà người ta ung dung rời đi, như vậy khỏi nói, từ nay thiên hạ sẽ không còn coi Hắc Long Hội của mình ra cái quái gì nữa! Còn tên thư sinh tuổi trung niên đó mới ra tay đánh một chiêu, mình đã nhận thấy y là một cao nhân võ học giỏi khôn tả, chắc bọn Vương Giực đuổi theo cũng bị đại bại như bọn mình thôi! Nếu ta không biết thời cơ mà thâu tay ngay, thì cả tên tuổi cũng bị mất nốt. Y lẳng lặng nghĩ một hồi như thế, mới lủi thủi thâu thập tàn cục mà rút lui.

Sáng sớm ngày hôm sau, gió bắc thổi mạnh hơn hôm trước, trên đường không có một bóng người đi lại, chim chóc và thú vật đều ẩn núp trong hang hố, không dám ló đầu ra. Lúc ấy, trên đường cái quan từ Nhạn Môn Quan tới huyện Đại, có ba người cởi ngựa đang đi tới, mấy con ngựa không chạy như ngày thường, cứ vừa đi vừa nhảy, vì tuyết dày quá, ngập tới đầu gối thì ba con thú ấy phóng sao được? Cũng vì đi như vậy ba con ngựa mỏi mệt vô cùng, thở hơi như phun khói ra vậy.

Dư Vân tay cầm một cây roi ngựa dài bảy tám thước, cứ vụt gió lia lịa, tiếng kêu “bộp bộp” vang đi thật xa, vẻ mặt hình như dễ chịu và khoan khoái lắm. Trái lại Khấu Kỳ, Lý Thiếu Lăng nét mặt nghiêm nghị, tinh thần căng thẳng, hình như đang bị sức nặng đè nén trên ngực vậy, với vẻ mặt tươi cười ở Dương Gia Tập hôm trước khác hẳn, thỉnh thoảng quay đầu lại xem, bọn giặc có đuổi theo hay không?

Dư Vân thấy vậy vừa cười vừa nói:

- Hai vị khỏi phải lo lắng như vậy, cứ yên trí mà đi. Nếu bọn giặc vô liêm sỉ còn dám đuổi theo, thì tôi sẽ cho chúng trở về nhà ngay, chưa chừng tôi còn tiễn hai vị tới tận nơi cũng nên? Có phải hai vị đi Thái Nguyên không?

Ba người từ Dương Gia Tập đi qua Nhạn Môn Quan vào trong quan ải mãi tới giờ chưa hề nói với nhau nửa lời, lúc này mới phá tan không khí trầm lặng đó.

Khấu Kỳ liền vừa cười vừa đáp:

- Đêm hôm qua được đại hiệp tương trợ, chúng tôi không biết nói thế nào để cảm tạ cho phải. Vì chúng tôi ước đoán, đại hiệp tất không phải là người hay câu nệ nhỏ mọn như vậy. Nếu chúng tôi dùng lễ nghi của người tục để cảm tạ thể nào cũng bị đại hiệp cho là giả dối. Chẳng hay quý danh là gì? Đại hiệp có thể cho anh em chúng tôi biết không?

Dư Vân ha hả cười rồi đáp:

- Tôi là Dư Vân, hai vị gọi tôi là đại hiệp, thật không xứng đáng chút nào. Hai vị đã biết tôi là người không thích câu nệ thì đừng có xưng hô với ai như thế nữa... Kể ra hai vị cũng bạo gan thật! Lúc ở Dương Gia Tập ăn nói thật lộ liễu và cười nói không còn kỵ nể ai cả. Như vậy, có phải là hai vị tự mang họa vào thân không?

Khấu Kỳ xấu hổ vô cùng, cười gượng rồi nói:

- Nước đến chân, chúng tôi bất đắc dĩ phải làm ra vẻ như vậy. Sự thật chúng tôi chỉ có Hà Thủ Ô thôi, chớ có Long Cung Tứ Châu đâu?

Dư Vân ngạc nhiên hỏi:

- Sao lại có chuyện lạ lùng như thế? Các nhân vật trong hắc đạo giang hồ, bao giờ cũng điều tra kỹ lưỡng mới dám ra tay lấy cướp. Chắc bên trong có điều gì bí mật, người ngoài không sao biết được phải không?

Lý Thiếu Lăng vội tiếp lời đáp:

- Điều này chỉ nên trách cứ Khấu sư huynh, sau khi say rượu lỡ lời mà gây nên tai họa. Vì gia sư Điền Tú (ông già câu cá ở tỉnh Vân Nam) ba tháng trước có chút hiềm oán với chưởng giáo Ngũ Đài Nguyên Trân Tử, hẹn nhau ở chân núi Ngũ Đài. Nguyên Trân Tử tuy bị gia sư đánh cho bả vai bị thương, nhưng gia sư cũng bị đối phương dùng chưởng đả thương ở ngực, tạng phủ hầu như sắp thối nát, chỉ có Thiên Niên Hà Thủ Ô mới có thể chữa khỏi, may thay bạn thân của gia sư là Phương Trượng chùa Thanh Thiền Tịch Trần đại sư nói:

- Đại sư có người bạn là Quang Lộc Tự Khanh Trần Quang Phổ, trong nhà có hai cây Thiên Niên Hà Thủ Ô đã thành hình. Mười năm trước đây, Tịch Trần đại sư đã cứu toàn gia Trần Quang Phổ khỏi chết, nên người đó mới tặng đại sư một cây Thiên Niên Hà Thủ Ô. Nhưng đại sư lấy lẽ là người xuất gia, tuổi đã ngoài tám mươi rồi, có được vật báu đó cũng uổng phí mất thôi, từ chối liền. Và bảo khi nào dùng linh dược đó sẽ cho người tới xin.

Thế là đại sư huynh đệ chúng tôi cầm chuỗi hạt trầm hương làm tin, tới nhà Trần Quang Phổ xin Hà Thủ Ô. Quả nhiên, trông thấy chuỗi hạt của đại sư Trần Quang Phổ liền tặng ngay cho món linh dược đó.

Đang định rời khỏi kinh thành thì anh em chúng tôi gặp một người bạn võ lâm. Anh ta mời chúng ta lên tiệm ăn Đông Lai Thuận nhậu nhẹt, trong lúc say sưa, Khấu sư huynh lấy Hà Thủ Đô ra khoe, và còn nói với người bạn nọ rằng, không ngờ chuỗi hạt trầm lại hữu dụng hơn cả Long Cung Tứ Châu.

Bất đồ, Hắc Long Hội có một tên đồ đảng ngồi ăn uống cạnh đó, có lẽ y nghe lầm chúng tôi có cả Long Cung Tứ Châu cũng nên, liền vội vàng bỏ đi luôn, tới khi anh em chúng tôi giác ngộ là lỡ lời thì sự đã muộn quá rồi, cho nên suốt dọc đường có chuyện lôi thôi xảy ra luôn, nhưng nhờ được sự cải trang khéo léo của chúng tôi, mới thoát khỏi được những tai ách đó.

Bất cứ chúng tôi phủ nhận thế nào, bọn phỉ đồ vẫn không tin là chúng tôi không có Long Cung Tứ Châu ở trong người. Chớ chúng có biết đâu, Long Cung Tứ Châu hiện đang nằm ở trong cung cấm!

Khấu Kỳ tiếp lời nói:

- Sau khi gia sư bị thương, được Tịch Trần đại sư cho uống linh dược để bảo tồn tánh mạng, nhưng chỉ có thể duy trì được năm tháng là cùng, nếu qua thời gian đó, dù Hà Thủ Ô có đem về kịp cũng vô dụng. Bọn giặc ở trong kinh nghe thấy anh em chúng tôi có Thiên Niên Hà Thủ Ô một củ, vội phi báo cho võ lâm trong nội quan nghe liền. Vì vậy, anh em chúng tôi phải đường tắt, vòng qua những lối nhỏ mà đi.

Ngờ đâu chúng tôi vẫn không tránh khỏi phỉ đảng theo dõi. Môn linh dược hãn thế này với nhà võ quí lắm, vì uống nó có thể tăng thêm một giáp công lực. Cho nên, không riêng phỉ tặc muốn cướp đoạt, mà cả những nhân sĩ chính phái cũng mong có được. Nhưng trăm sự cũng bởi anh em chúng tôi dại ý mà nên cả. Bây giờ tuy đã thoát khỏi miệng hùm của Hắc Long Hội thật, nhưng còn từ đây tới tỉnh lỵ Thái Nguyên, giữa đường còn có bên trái phái Ngũ Đài, bên phải nhóm trong Sơn Mạch núi Vân Trung. Cho nên chúng tôi lo âu hết sức. Nghe hai anh em Khấu, Lý nói xong, Dư Vân mới hay đầu đuôi câu chuyện, ngẫm nghĩ giây phút liền đáp:

- Nếu hai vị lo ngại dọc đường còn có biến cố xảy ra nữa, thì phải làm như thế này mới được vẹn toàn, nhưng không hiểu hai vị có tin cậy tôi không? Nếu hai vị tin tôi thật sự thì cứ việc đưa món thuốc báu ấy cho tôi. Hai vị cứ đi tay không, tôi thì đem tới chùa Thanh Thiền, nơi dưỡng bệnh của lệnh sư.

Khấu Kỳ móc túi lấy luôn cây Hà Thủ Ô ở trong túi ra tức thì, cây thuốc ấy trông như một đứa con nít, có đủ tay chân, màu trắng xám, đưa vào tay Dư Vân vừa cười vừa nói:

- Dư đại hiệp hay nói bông quá, chúng tôi sao không dám tin ngài. Như thế làm phiền đại hiệp nhiều quá. Sự thật Dư đại hiệp muốn được cây Hà Thủ Ô dễ như trở bàn tay.

Dư Vân vừa cười vừa cầm lấy cây Hà Thủ Ô, đưa lên mũi ngửi thấy mùi thơm xông lên tận óc, khiến tinh thần sảng khoái tức thì, liền bỏ vào trong túi, thở dài và nói:

- Môn thuốc báu hãn hữu này, quả thật hấp dẫn người ta mạnh quá, ngay như Dư mỗ đây cũng mê nó lắm.

Nói tới đây, bỗng chàng nghiêm nét mặt lại, trịnh trọng bảo hai người rằng:

- Dọc đường bất cứ gặp ai, nếu họ có hỏi tới cây thuốc Hà Thủ Ô này, hai vị cứ nói dối là Hắc Long Hội cướp đi rồi. Mặc dầu câu chuyện bịa đặt rồi trước sau cũng phải vỡ lở, nhưng chúng ta kéo dài được thời gian nào hay thời gian đó, chờ tới khi mọi người biết mình bịa đặt chớ không phải sự thật thì lệnh sư đã khỏi rồi, còn lo ngại gì nữa.

Khấu, Lý hai người đều tán thành biện pháp đó, và cũng nhận thấy Dư Vân rất có đầu óc, võ công lại cao siêu tới mức không sao đo lường được, mình hai người ra đời đã hơn hai mươi năm rồi, mà sao chưa nghe thấy ai nói tới tên tuổi người này, nhưng bây giờ không tiện hỏi lai lịch người ta tại nơi đây. Vì vậy hai người cứ tấm tức trong lòng.

Dư Vân lại nói thêm một câu rằng:

- Nếu dọc đường có việc gì xảy ra tốt hơn hết hai vị làm như không quen biết tôi nhé?

Lúc ấy, bỗng nghe thấy phía sau lưng có tiếng quát tháo rầm rĩ, cả ba người đều quay lại xem, thấy đằng sau có mười mấy cái bóng đen đang phóng ngựa đuổi theo tới.

Dư Vân bật cười và nói:

- Thiên hạ lại có những kẻ không sợ chết như vậy, có lẽ hôm nay Dư mỗ đến phải làm phúc cho chúng mới xong. Hai vị hãy đứng bên làm khán giả để Dư mỗ ra tay cho mà coi. Khấu, Lý hai người gật đầu, nhưng trong lòng vẫn áy náy lo âu vô cùng, vì thấy việc này chưa xong, việc nọ đã tới, nguy nan trùng trùng.

Tuy hai người đã biết công lực của Dư Vân giỏi như thế nào rồi, và cũng đoán chắc thể nào chàng cũng sẽ đưa Hà Thủ Ô đến tận nơi, nhưng họ chỉ lo khi rời chàng còn nhiều nguy hiểm theo sau thì biết nhờ ai cứu giúp cho?

Chỉ trong nháy mắt mười mấy tên phỉ đồ đã lên tới gần rồi. Dư Vân ha hả cười, quất chiếc roi ngựa một cái, chỉ nghe thấy “soẹt” một tiếng, phía trước mặt xa chàng bảy thước, bỗng biến thành một bức tường sắt tạo bằng sức mạnh của chàng. Có hai tên giặc không may xông ngay vào trong phạm vi sức mạnh đó, la thét hai tiếng, ngã ngửa ra tức thì. Hai tên giặc ấy má bên phải đều bị roi quất trúng, có vết thương dài chừng ba tấc, sâu thấy xương, máu tươi nhỏ giọt chảy ra, trông thật rùng rợn kinh hãi, đau quá cả hai đều chết giấc liền.

Bọn giặc thấy vậy đều giật mình kinh hãi. Thông Thiên Kình (cá voi thông lên tận trời)

Vương Giực cười một tiếng nham hiểm và nói:

- Các hạ là ai? Vương mỗ có định thử sức với các hạ đâu mà các hạ lại cản trở lối đi của Vương mỗ thế?

Dư Vân sầm nét mặt lại đáp:

- Mặc tôi là ai, bạn khỏi cần biết tới. Riêng có Long Cung Tứ Châu và Hà Thủ Ô nghìn năm thì bạn đừng có mơ tưởng tới làm gì! Bạn nếu nghe lời khuyên bảo của tôi, cùng các thủ hạ mau mau trở về đi để tôi đỡ phải mang thêm sát nghiệp vào người.

Thông Thiên Kình Vương Giực đảo lộn hai con ngươi, rồi lại cả cười một hồi, tiếng cười nghe rất chói tai, rồi quát lớn:

- Ta Thông Thiên Kình, lần đầu tiên mới nghe thấy lời nói ngang tàng như thế này. Hừ hai thế võ của các hạ kể cũng khá đấy, nhưng trong mắt Vương Giực này thì vẫn không ra nghĩa lý gì!

Nói xong, y đưa mắt ra hiệu cho hai tên giặc, liền quát lớn:

- Lên!

Chỉ thấy thân hình của mấy tên giặc đó cử động một cái.

Dư Vân đã quát lớn:

- Các ngươi muốn chết phải không?

Chàng lại quất roi ngựa một cái, tiếng kêu “bốp, bốp!” liên tiếp, lại có bốn năm tên giặc bị thế roi của chàng đánh trúng, bắn tung lên như bay vậy.

Còn những tên khác chưa bị đánh phải đều kinh hoảng hết vía, không hẹn mà nên, cùng lui về phía sau. Còn Vương Giực cũng sợ đến trợn mắt lè lưỡi không nói nên lời.

Dư Vân cười nhạt một tiếng và nói:

- Vương Giực, mi mệnh danh là Hoàng Hà Nhất Quái, có lẽ phải trông thấy nước sông

Hoàng Hà, lòng mi mới chịu chết chắc?

Nói xong, chàng hơi rung động cổ tay phải một cái, chiếc roi đã như mũi tên và nhanh như chớp nhoáng, điểm thẳng vào Kiên Tĩnh huyệt ở trên bả vai. Vương Giực không ngờ chàng ra tay nhanh đến thế, giật mình trống ngực đánh liên tiếp, lúc ấy không còn nghĩ ngợi gì nữa, vội dùng gót chân điểm đất, thân hình nằm ngửa về phía sau, vừa đụng mặt đất, liền nhảy lui lại hơn hai trượng, người chưa đứng vững đã thấy Dư Vân rời khỏi yên ngựa phi lên trên cao, chỉ nghe thấy tiếng gió động, đầu roi đã tới trước mặt rồi. Biết không làm sao nữa, đánh liều đưa mạnh song chưởng ra cướp đoạt chiếc roi của địch.

Khi nào để cho y cướp được cây trường tiên ấy, Dư Vân chỉ giở cổ tay lên rung mạnh một cái chiếc roi ấy đã nhanh nhẹn cuốn luôn vào dưới hông của Vương Giực rồi. Thấy vậy, Vương Giực hoảng sợ đến mất cả hồn vía, mồ hôi lạnh toát ra như mưa, cố gượng lui về phía sau để tránh, nhưng đã muộn rồi, chiếc roi cuốn chặt lấy người, không sao phản kháng được nữa.

Lúc ấy đồng đảng của y thấy tình thế khẩn cấp, cùng quát lớn và rút khí giới ra, nhảy xổ vào tấn công Dư Vân, muốn kịp thời cứu được Vương Giực.

Chỉ nghe thấy Dư Vân ha hả cười một hồi thật dài, thân hình của Vương Giực bị bắn tung lên không. Tiếp theo đó, Dư Vân rung động hai cánh tay một cái, những khí giới của mấy tên giặc đánh tới đều bị hất rơi xuống mặt tuyết. Tất cả hổ khẩu tay của bọn giặc đều bị toạt ra. Tên nào tên nấy đều ngẩn người ra, đồng thời Dư Vân quay roi lại quất mạnh một cái, bọn giặc chưa kịp kêu la, đã nằm té xỉu xuống mặt đất rồi.

Lúc ấy Vương Giực đã rơi ngã xuống mặt tuyết, Dư Vân phi thân như bay tới trước mặt đối thủ liền, mồm tủm tỉm cười. Tuy hắn bị tung ra xa mười mấy trượng, Vương Giực không bị một vết thương nhỏ nào, nên vừa thấy kẻ địch phi tới, trong lòng vẫn chưa chịu thua, lão lộn một vòng đứng dậy luôn, như một con hổ điên khùng, múa song chưởng đánh liền, và y đã giở hết mười hai thành sức lực, chỉ muốn đánh chết Dư Vân tức thì.

Ngờ đâu chưởng lực của y vừa đánh tới người Dư Vân đã cảm thấy sức lực đó biến đi đâu mất, chỉ thấy đối phương phát ra một sức hút mạnh vô cùng, song chưởng của mình không sao rút trở lại được nữa.

Dư Vân cười nhạt một tiếng, tay trái khẽ phẩy một cái, đã đánh cho Vương Giực một cái bạt tai rồi. Thông Thiên Kình chỉ thấy đôi mắt nổ đom đóm lửa ra, hai tai kêu ù ù, má bên phải sưng húp lên và đỏ hơn son.

Dư Vân khẽ cười một tiếng một tiếng và nói:

- Sao tới giờ phút này mà lòng của ngài vẫn chưa chịu thua hẳn? Thôi được, ngài có bao nhiêu tài nghệ cứ việc giở ra hết đi!

Lúc ấy, Vương Giực đã mất hết hung hăng, hai mắt trợn trừng, chỉ thở hồng hộc, chớ không sao nói nổi nửa lời. Dư Vân vừa cười vừa nói:

- Tại sao ngài không nói? Bao nhiêu hung hăng lúc nãy đi đâu cả rồi? Thoạt tiên, tôi tưởng ngài tài ba xuất chúng lắm, không ngờ chỉ có vậy thôi! Có mau bước ngay đi nơi khác không? Còn đứng sững ra trước mặt tôi làm gì thế này?

Nói tới đó, chàng vừa giơ tay lên một cái dọa đánh, Vương Giực bị đánh đã sợ rồi, lúc này không còn máu hăng như trước nữa, nên không dám ở lại nửa phút, ôm đầu cúi mặt chạy thẳng, mấy tên giặc nọ cũng biến mất đã lâu, chỉ còn lại mấy cái xác chết nằm ở đó thôi.

Khấu Kỳ và Lý Thiếu Long chỉ thấy Dư Vân cầm roi ngựa đánh chơi đùa mấy cái thôi, chớ chưa chính thức giở thế võ nào ra, đã đánh chết hay làm cho mười mấy tên phỉ tặc khiếp đảm bỏ chạy tức thì, cả Thông Thiên Kình Vương Giực một tên giặc oai trấn cả một vùng thượng du sông Hoàng Hà cũng bị chàng đánh đuổi như một đứa con nít vậy. Như vậy ân sư bọn mình Điền Trì Điểu Tú có ra tay đối địch cũng khó lòng thắng nổi y.

Hai người nghĩ ngợi như vậy, nên không dám thở mạnh nói năng gì, hết sức chìu

chuộng Dư Vân, nhưng trong lòng lại bán tín bán nghi, họ nghi chàng là cao thủ lớp người lão tiền bối này tái xuất sơn, võ công mới cao siêu đến không có mức lường. Họ lại thấy chàng chỉ trạc độ bốn mươi tuổi là cùng, thì điều họ vừa nghĩ là sai! Lúc ấy, Dư Vân đã phi thân lên mình ngựa rồi, gò cương quay ngựa lại tiếp tục lên đường. Khấu, Lý hai người thay đổi hẳn thái độ, đối xử với chàng hết sức cung kính, khiến chàng khó chịu quá, liền vừa cười vừa nói:

- Hai bạn làm gì thế? Có phải hai bạn không muốn làm bạn với Dư mỗ đấy không?

Hai người vội đáp:

- Trước mặt đại hiệp, chúng tôi là kẻ hậu bối, đâu dám thất lễ.

Dư Vân lắc đầu không nhịn được cười và nói:

- Không ngờ hai bạn thích theo đòi người trần tục như vậy, thì tùy hai bạn đấy! Ba người đi được hơn tiếng đồng hồ, vẫn không thấy Tiêu Diệu Vũ Sĩ đuổi theo tới, chắc chúng gặp Vương Giực rồi, nên không dám tiến lên nộp mạng nữa. Vừa đi qua Hanh huyện, tiết trời xấu vô cùng, mây đen kéo tới che lấp cả mặt trời, tựa như lúc hoàng hôn vậy.

Gió bắc càng ngày càng lớn, sau một trận mưa lớn, trời lại mưa tuyết, tình cảnh này rất hiếm có, vì nơi đó đã là Giang Nam rồi. Lúc ấy, ngựa của ba người không khó đi như trước, vì đã hết lầy tuyết rồi, nên cả ba con thú đều phóng nhanh hơn trước nhiều, nhưng đi trong mưa lớn, quần áo của ba người vừa ướt đẫm vừa nặng trĩu, khó chịu vô cùng, và chỉ có thể trông thấy mười trượng xa gần là cùng.

Riêng Dư Vân, có thể trông xa được ba bốn chục trượng, chàng bỗng thấy phía trước mặt có bảy tám người ngựa đang dầm mưa đi tới, biết ngay là bọn người định giở trò cướp giật đây, vội gò cương lại, quát hỏi:

- Hai bạn, phía đằng trước có người tới, cứ theo lời dặn của tôi mà hành động và đối phó với chúng. Dư mỗ sẽ theo sau tới ngay.

Hai người gật đầu, liền thúc ngựa phóng lên. Dư Vân ngừng lại nghĩ thầm:

- Mấy người tới đây không biết có ý định gì? Nếu bảo chúng vì Hà Thủ Ô mà tới cũng không đúng, vì chúng làm sao biết Khấu, Lý hai người lúc này đi qua con đường này được? Như vậy, bọn chúng tới đây đón đường để làm gì?

Lúc ấy, chàng đã trông thấy Khấu, Lý nói chuyện với bọn người kia ở đằng xa rồi, liền thúc ngựa tiến lên xem, thấy bọn người kia là bảy đạo sĩ, biết ngay là môn hạ của phái Ngũ Đài rồi, nhưng tại sao bọn họ là người đi tu mà còn tham lam như vậy hay sao? Nghĩ tới đó, chàng đã nổi giận liền hai chân thúc mạnh vào hông ngựa, con thú chỉ hai ba bước đã nhảy tới trước mặt Khấu, Lý hai người, cản ngay bọn môn hạ của phái Ngũ Đài lại và quát lớn với anh em Khấu, Lý rằng:

- Ta chỉ tưởng các ngươi đã bay lên trời rồi, không ngờ lại để cho ta đuổi kịp, đã chịu hiến Hà Thủ Ô cho ta chưa? Nếu hai ngươi ngoan ngoãn biết điều thì chúng ta còn làm bạn với nhau được.

Thấy Dư Vân giả bộ y như thật, Khấu, Lý hai người cười thầm, nhưng bề ngoài vẫn làm như không quen biết nhau vậy. Khấu, Lý cười nhạt một tiếng rồi đáp:

- Sao các hạ vẫn không chịu tin lời nói của chúng tôi? Quả thật hai vật báu đó đã bị Hắc Long Hội đoạt mất rồi. Sao các hạ không đi kiếm Linh Quan Cự Sát Hồng Trường Thanh mà cướp lại? Đuổi theo anh em chúng tôi làm gì?

Chỉ thấy đạo sĩ gầy cao đứng đầu bọn đạo sĩ mỉm cười nói:

- Khấu, Lý hai vị thí chủ khéo bịa đặt thật. Vừa rồi bần đạo đã nhận thơ của Hồng Hội Chủ do chim bồ câu đem tới, Thiên Niên Hà Thủ Ô vẫn ở trong người của hai vị thí chủ, Hồng Hội Chủ là người rất có tín nhiệm, không khi nào lại nói dối đánh lừa bần đạo đâu! Dù bần đạo để hai vị đi qua nơi đây, nhưng hai vị tránh sao khỏi các chòi gác của Thanh Phong Bang phục kích? Thà theo bần đạo trở về Ngũ Đài Sơn, bần đạo chỉ xin nửa chỉ Hà Thủ Ô thôi. Như vậy hai vị không tổn thất là mấy, và ở lại chơi trên tệ sơn độ nửa tháng bần đạo với các sư đệ sẽ hộ tống hai vị về tới Thái Nguyên, cam đoan bình yên vô sự. Vả lại bệnh của lệnh sư chỉ cần phục độ nửa chỉ là đủ, như vậy hai vị có tặng nửa chỉ kia cho bần đạo, cũng không mất mát và tổn hại gì mà? Hơn nữa, nhờ sự hiến tặng này, những oán hận xưa kia giữa lệnh sư với Chưởng Giáo của tệ phái cũng có thể xí xóa hết, có phải là lưỡng toàn kỳ mỹ không?

Nói xong, vị đạo sĩ ấy cứ nhìn thẳng vào mặt Khấu, Lý hai người để đợi chờ trả lời.

Dư Vân liền đỡ lời cười nhạt nói:

- Hừ, các người nói dễ nghe quá, còn ta thì sao? Chẳng lẽ ta từ nghìn dặm xa xôi theo dõi tới đây để hít gió bắc suông hay sao?

Đạo nhân nọ liền biến sắc mặt nói:

- Bạn là ai? Sao dám vô lễ với bần đạo Tỉnh Hư chân nhân như vậy?

Dư Vân ha hả cười đáp:

- Không ngờ Ngưu Tị Tử (người ta gọi những đạo sĩ là thằng mũi bò như vậy là ác ý lắm) Ngũ Đài Sơn cũng bị mắc hỡm bọn giặc như vậy. Ai ai cũng không thể tin được, môn hạ của phái Ngũ Đài lại đi cướp cơm chim như thế này? Có phải đó là quy luật của phái Ngũ Đài như thế không? Sao các ngươi không công bố cho võ lâm hay?

Tỉnh Hư chân nhân bị Dư Vân mỉa mai, mặt đỏ bừng, liền rút kiếm ra, nhảy ra đứng chỗ chư vị, lấy thế đợi địch, cũng cười nhạt một tiếng và đáp:

- Các hạ dám ăn nói ngông cuồng ở trước mặt bần đạo như vậy, tất phải có tài nghệ kinh người mới táo gan như thế được? Nếu thắng nổi bần đạo thì khỏi tốn hơi sức nói, bằng không, bần đạo không để cho các hạ hỗn láo như thế này đâu!

Lúc ấy mưa to lắm, bảy đạo sĩ phái Ngũ Đài đều ướt như chuột lột cả, nước dưới chân cũng lên tới đầu gối, gió bắc càng ngày càng thổi mạnh, lời nói hai bên tuy nói thật to, mà lọt vào tai nhau chỉ như tiếng muỗi kêu vậy thôi.

Dư Vân ngồi trên lưng ngựa, bị mưa tạt vào mặt, khó chịu vô cùng, tay trái cứ phải lau vuốt luôn luôn, bỗng nghe thấy Tỉnh Hư chân nhân nói như vậy và còn rút kiếm ra đứng lấy thế đợi chiến đấu. Chàng sầm ngay nét mặt, “soẹt” một cái đã rút roi ra liền, và chiếc roi đó cuốn một vật gì có ánh sáng ló ra, bắn lên trên không.

Tỉnh Hư chân nhân là đệ tử thủ tọa của Ngũ Đài Phái, võ học đứng số hai trong phái, chỉ sau sư phụ là Trưởng Giáo Nguyên Chân Tử thôi. Đạo nhân đã nổi tiếng về ba môn võ học, chưởng, kiếm và ám khí. Được giang hồ ban khen là tam tuyệt, nhất là kiếm thuật, Tỉnh Hư chân nhân lại càng tỏ ra tinh xảo hơn hết, bình sanh không hay tự phụ.

Chân nhân chưa kịp trông thấy đối phương ra tay, đã thấy hổ khẩu của mình bị rung động mạnh, thanh kiếm suýt bị cướp mất. Tỉnh Hư xấu hổ vô cùng, liền tấn công lại hai chưởng cùng một lúc, vừa đánh người vừa đánh ngựa. Dư Vân không muốn đánh Tỉnh Hư, chỉ muốn can thiệp để bảo vệ Khấu, Lý được an toàn và Hà Thủ Ô khỏi mất. Nay, thấy Tỉnh Hư ra tay định giết chết ngựa mình thì tức giận vô cùng. Chàng liền thu roi lại, tự động phi tới, tấn công vào song chưởng của Tỉnh Hư. Tỉnh Hư bị roi địch trói chặt hai cổ tay, đau đớn đến nỗi phải nghiến răng gắng chịu. Dư Vân không muốn làm y mất sĩ diện với mọi người, nên buông thõng chiếc roi tức thì. Như vậy Tỉnh Hư mới được lui phía sau, mặt tái mét. Dư Vân tỏ vẻ khinh miệt:

- Tỉnh Hư, người đã làm mất hết sỉ diện của Ngũ Đài Phái rồi.

Chàng vừa nói dứt, có một đạo sĩ trong nhóm Ngũ Đài nhảy ra mỉm cười, nói:

- Thắng bại là lẽ thường, chúng tôi vì cần nửa cây Hà Thủ Ô để cứu chữa sư trưởng đau nặng nên mới hành động như thế, sao các hạ mạt sát chúng tôi đến thế.

Dư Vân đáp:

- Nếu cần Hà Thủ Ô, thì quí vị phải hộ tống đến nơi đến chốn rồi yêu cầu tặng một nửa, có phải là lễ nghĩa song toàn không?

Tỉnh Hư nghe nói nổi giận liền ra lệnh cho sáu đạo sĩ bày kiếm trận, thách Dư Vân vào phá. Dư Vân nhận ra là Thất Tinh Kiếm Trận, không sợ hãi, phi luôn vào trong kiếm trận.

Giây lát, Dư Vân hiểu ngay những chỗ ảo diệu của Bắc Đẩu Kiếm Trận. Chúng bảy người liên phòng, liên hợp bốn mươi chín biến hóa. Tinh hoa của kiếm trận là nhờ ở kiếm bộ hợp nhất, bên trong bao hàm ngấm ngầm Thực Trung Sinh Hư, Hư Trung Sinh Thực giữ vững lập trường, địch chưa động, ta không động, hễ địch động, ta động trước, dùng mười hai bí quyết đó mà cướp lấy cơ hội ra tay trước địch.

Chàng đã hiểu rõ bí quyết của kiếm trận đó rồi, không muốn kéo dài thời gian nữa, đột nhiên thét lớn một tiếng, thân hình biến đổi thật nhanh, trường tiên thâu vụt ra, chớp nhoáng như điện quang, thoáng cái đã đổi luôn ba thế, cuốn hết bảy thanh kiếm của địch, rồi hất mạnh cho bay đi nơi khác.

Không ngờ, roi ngựa của chàng vừa đụng phải màn kiếm, bảy thanh kiếm ấy hình như có một sức lực ngầm rung động phản trở lại, suýt rơi trường tiên ấy xuống đất, ngạc nhiên vô cùng, liền đổi sắc mặt tức thì.

Lúc này, chàng cũng không còn nghi kỵ vì sử dụng thần công mà làm cho người đời kinh hãi nữa, liền giở Di Lặc Thần Công ra, dồn cả vào đầu chiếc roi, chỉ nghe thấy xịt xịt mấy tiếng, bảy thanh trường kiếm của bảy đạo nhân đã bị cuốn bay lên trên không, và xoay tít rơi xuống vũng nước mưa ở cạnh đó.

Tuy bị cướp mất trường kiếm, bảy đạo nhân vẫn còn hai bàn tay, nên họ lại giở song chưởng ra, xông lại bao vây đối phương, nên trận pháp của họ không bị nao núng chút nào.

Dư Vân lại khua tay trái một cái. Tỉnh Hư chân nhân chỉ thấy hai mắt hoa lên, không trông thấy đối phương ra tay như thế nào, chỉ thấy cánh tay phải bị đã bị Dư Vân dùng Hiên Viên Thập Bát Giải thủ pháp bắt chặt lấy, và kéo ra ngoài kiếm trận rồi. Sáu đạo nhân kia tấn công tới để cứu sư huynh thì đã muộn mất một bước rồi. Tỉnh Hư chân nhân chỉ thấy trong người như có kiến bò quanh, buồn tê, nhức khó chịu vô cùng, mồ hôi lạnh trên trán toát ra hòa lẫn với nước mưa chảy ròng xuống hai má, khó mà phân biệt nổi, đang cảm thấy khó chịu hết sức, bỗng thấy khuỷu tay nhẹ hẳn, thì ra Dư Vân đã buông tay ra rồi.

Thấy Dư Vân nhìn thẳng vào mặt mình mỉm cười, Tỉnh Hư chân nhân xấu hổ vô cùng, lẩm bẩm nói:

- Bần đạo tự nhận thua trận, cùng các sư đệ trở về núi tức thì, sau này sẽ có ngày tái kiến.

Nói xong, lão đạo sĩ quay mình đi thẳng, sáu đạo sĩ nọ nhìn sau lưng Tỉnh Hư chân nhân tỏ vẻ tức giận cũng đi theo nốt.

Dư Vân quay lại nhận Khấu Kỳ và Lý Thiếu Lăng vừa cười vừa nói:

- Phen này Tỉnh Hư Ngưu Tị Tử trở về Ngũ Đài sẽ chịu khổ với các sư đệ, cứ xem sự tức giận của sáu đạo sĩ nọ, ta đã đoán ra ngay.

Lý Thiếu Lăng vừa cười vừa đáp:

- Ai bảo hắn cưỡng làm gì? Còn oán ai được nữa?

Nói tới đó, chàng ngửng lên nhìn trời một cái lại nói tiếp:

- Trận mưa này còn lâu lắm mới có thể tạnh được. Dư đại hiệp, chúng ta lại tiếp tục lên đường đi.

Dư Vân gật đầu, phi thân lên mình ngựa, ba người lại phóng nước đại dưới mưa tầm tã. Ngày hôm đó mưa mãi không tạnh, đường cái lầy lội khó đi, cũng may dọc đường không có chuyện gì xảy ra cả. Thỉnh thoảng thấy có mấy bọn người đội nón đi qua là hơi đáng nghi ngờ thôi. Thấy bọn chúng đi ở phía xa, không tới quấy nhiễu mình, Dư Vân cũng không muốn sinh sự, cứ phi ngựa chạy thẳng.

Tới Hương huyện, trời đã tối, ba người liền vào khách sạn nhỏ nghỉ ngơi. Nhưng Khấu Kỳ và Lý Thiếu Lăng vào thuê phòng trước, Dư Vân nửa giờ sau mới tới, giả bộ như không quen biết nhau vậy. Cả ba cùng nhờ phổ ky ra phố mua quần áo hộ, tắm rửa xong liền thay đổi quần áo mới Dư Vân thuê một căn đơn phòng, gọi mấy món ăn lên để ăn ở trong phòng.

Ngoài cửa sổ vẫn còn mưa to, trong nhà hơi mốc xông lên mùi thật khó chịu vô cùng. Dư Vân nhìn ra ngoài cửa sổ nghĩ:

- Mưa lớn thế này, ngày mai lên đường sao được?

Chàng chỉ mong sớm ngày tới Thái Nguyên thôi, cơm nước xong đứng dậy lẩm bẩm nói:

- Ta nên ra ngoài xem có cái gì lạ không đã!

Chàng liền ra mở cửa, lúc đi qua phòng hai người kia, làm như không định tâm vậy, khẽ dùng khuỷu tay đụng vào cánh cửa phòng một cái. Ngờ đâu, cửa phòng đó không gài then, mở toang ra tức thì.

Dư Vân liếc mắt trông thấy trong phòng trống không, chả có một bóng người nào cả, giật mình chạy ra phía sau, phía trước khách sạn tìm kiếm, cũng không thấy mặt hai người đâu cả, trong lòng nghĩ thầm:

- Mưa to thế này hai người còn đi đâu nữa? Lạ thật?

Chàng lại vội vàng trở về phòng, mùi hơi mốc và ẩm thấp lại xông lên mũi, chắc phía sau nhà không khí không được lưu thông mà nên, đành phải dùng cây gỗ con chống cánh cửa sổ lên một nửa, gió lạnh thổi tới, cái mặt nạ da người dính khó chịu vô cùng, vội cởi ra lấy khăn tay lau chùi cho thật khô.

Chàng để lộ bộ mặt đẹp như ngọc, trắng như ngà, ngoài cửa sổ bỗng có tiếng kêu ủa, nhưng bị tiếng mưa gió che lấp nên không nghe thấy gì. Lại đeo mặt nạ lên, Dư Vân móc túi lấy một hạt minh châu ra, đây là tặng vật của Triệu Liên Châu, người vợ chưa cưới ở nhà Chu Duy Thành ngấm ngầm đưa cho, để trên tay ngắm nghía ngẩn người ra một hồi, tự nghĩ rằng:

- Mình đi khắp chân trời góc bể tầm thù mãi thế này, thật là phụ mất thâm tình của người ngọc! Từ khi mình rời khỏi Thương Châu lên phía bắc. Chu, Triệu hai nàng đều mắt đỏ và sưng, tỏ vẻ quyến luyến vô cùng...!

Bỗng thấy ánh sáng đèn tối sầm, một luồng gió thổi qua, cái que chống cửa sổ rơi xuống đất, cánh cửa sập xuống kêu đến thình một tiếng, ánh sáng đèn lại sáng như thường, nhưng chỉ trong nháy mắt hạt châu trong tay chàng đã biến mất, công lực cao siêu như Dư Vân mà không cảnh giác cấp thời, thật là không ai có thể tưởng được?

Thì ra, Dư Vân mải nhìn hạt châu, mất hết tinh thần, tới chừng nghe thấy tiếng gió mới hay có người đã lẻn vào trong phòng, tới lúc cảnh giác đã muộn một bước, đối phương đã nhảy ra ngoài cửa sổ đi rồi, và cánh cửa sổ cũng đóng sập xuống luôn, nhưng trong không khí vẫn còn mùi thơm phảng phất, rõ ràng là mùi thơm của phấn son, nên chàng đoán ngay ra, người lẻn vào đó là một thiếu nữ, nhưng người ta làm như vậy, tất nhiên là không có chút ác ý gì cả. Nhưng tại sao nàng làm như vậy?

Dư Vân nghĩ mãi không ra nguyên nhân, liền mở cửa sổ, thoáng cái đã ra bên ngoài rồi. Lúc ấy, mưa đã nhỏ dần, chàng trông thấy trên góc mái hiên có một cái bóng đen đứng đó, khẽ thét một tiếng, nhảy ngay lên trên, nhưng khi chàng nhảy lên thì bóng đen nọ đã chạy ra xa bảy tám trượng rồi, cũng phải khen thầm rằng:

- Khinh công khá cao thật!

Từ khi chàng hạ sơn tới giờ, lần đầu tiên thấy người có khinh công cao như vậy. Với khinh công cái thế của chàng thì chàng muốn bắt được người ấy dễ như trở bàn tay, nhưng vì không quen đường lối, và hơn nữa đối thủ khôn ngoan lắm, cứ chạy quanh co, thoáng cái biến mất, thoáng cái lại hiện ra nơi khác.

Dư Vân cứ theo dõi cái bóng đen ấy ở trên mái nhà, chạy sang đông, lại trở về tây một lát lâu mới thấy cái bóng đen ấy đó ẩn mặt trong một căn nhà lớn ở cạnh thành.

Đứng trên nóc nhà do dự hồi lâu, Dư Vân nghĩ thầm:

- Người đó dụ ta tới đây để làm gì thế?

Chàng vẫn không quản ngại nguy hiểm, nhảy luôn xuống bên dưới, tới trước cửa sổ một căn phòng có ánh đèn ló ra, hình như bên trong có ba bốn người đang chuyện trò, liền lắng tai nghe, bỗng thấy một người nói:

- Hai tên nọ cũng đáng chết thật, lại vào trọ ngay khách sạn của đường chủ mới bị bắt tới đây còn mơ hồ không biết gì cả. Thật là thiêu thân nẩy lửa, chúng tự đem mình vào chỗ chết!

Dư Vân giật mình kinh hãi không hiểu hai người bị bắt đó có phải là anh em Khấu, Lý không? Chàng lại lắng tai nghe, thấy người khác nói:

- Anh đừng có hớn hở mừng vội, chán chuyện theo sau nữa đấy! Tôi vừa ở bên trong ra, nghe nói khám người hai tên vừa bắt được đó, không thấy Hà Thủ Ô và Long Cung Tứ Châu đâu cả, chỉ thấy có một chuỗi hạt phật châu thôi, không biết có phải của con lừa hói đầu họ Hà vẫn thường dùng không? Ngụy đường chủ tức giận vô cùng, dùng khổ hình bắt hai tên đó cung khai, nhưng chúng bảo hai vật đó đều bị Tổng Trại Chủ Hắc Long Hội Linh Quan Cự Sát Hồng Trường Thanh cướp mất rồi, Ngụy đường chủ không tin vì thấy thám tử phi báo Hồng Trường Thanh, Bành Phi, Vương Giực, Long Môn Ngũ Quái và môn hạ của Ngũ Đài đều bị rụng cánh đại bại tất cả, nhưng vẫn không thấy hai vật báu đó, thế mới lạ chớ?

Lúc này Dư Vân mới tỉnh ngộ, họ nói hai người bị bắt tất là Khấu, Lý rồi. Và cái bóng đen dụ mình tới đây có ý đưa đường cho mình tới cứu hai anh em họ. Nhưng người đó là ai? Thật là một nghi vấn?

Chàng lại nghe thấy một người khác nói:

- Hay là chúng đã dùng lối bảo tiêu ngầm mà đem hai vật đó đi trước rồi?

- Cái đó cũng chưa biết chừng.

Người thứ hai lại trả lời như trên và nói tiếp:

- Sau hai tên đó vào khách sạn lại có một chàng đồ hủ tuổi trạc trung niên tới. Nghe nói võ công của y cao cường lắm, bảy đạo sĩ của phái Ngũ Đài cũng bị y đánh gãy gục. Không ai biết đồ hủ ấy thuộc bang phái nào?

Theo lời báo cáo của các anh em phụ trách khu Ngũ Đài cho hay, y còn tự xưng là một tướng cướp độc hành nữa. Chỉ có một điều lạ nhất là trong giang hồ chưa hề nghe thấy ai nói tới có người như thế cả. Và còn một điều ngạc nhiên hơn nữa là y dám ra tay cướp bóc ở khu vực thuộc phạm vi Thanh Phong Bang chúng ta đấy. Nếu tài nghệ của y không cao cường thì khi nào y dám táo gan như vậy? Cho nên, Ngụy Đường chủ mới ngần ngại không dám ra tay vội, và muốn canh ba đêm nay dùng mê hồn hương làm y mê man đi đã, rồi bắt về tra hỏi lai lịch thì sẽ rõ ngay.

Dư Vân nghe thấy chúng nói như vậy, tức giận vô cùng, nhưng nghĩ tới kẻ thù đánh cha mình hiện đang ẩn núp trong Thanh Phong Bang, hận táng gia bại sản Giang Dao Hồng cô nương cũng là bang này lại còn bắt nhốt Khấu, Lý hai người nữa. Thật là thù mới hận cũ đều dồn cả vào một lúc, chàng dùng ngón tay trỏ khẽ búng giấy trên cửa sổ hai cái, rồi vội lên ra góc nhà ẩn núp. Trong nhà liền có tiếng hỏi:

- Ai thế?

Tiếp theo đó, có một người mở cửa sổ ngó đầu ra nhìn xung quanh thấy không có người nào cả, miệng lẩm bẩm nói:

- Ai lại tinh nghịch như thế?

Nói xong, cũng tại sao tử thần chiếu mệnh, y lại còn đi ra ngoài xem xét lại. Đứng trong bóng tối, Dư Vân vận dụng ngầm yếu quyết chữ “hấp” của môn Di Lặc Thần Công, hữu chưởng đưa ra lại kéo lại một cái, người nọ như đi bộ vậy, từ từ đi tới góc nhà, thật là ngoan ngoãn vô cùng.

Thủ pháp ấy của chàng tuyệt thật, người nọ sợ quá không dám lên tiếng nữa. Dư Vân điểm vào hông tên nọ một cái, khẽ đặt y nằm xuống đất rồi lại chạy tới cửa sổ khẽ gõ mấy cái nữa.

Trong nhà lại có tiếng vọng ra:

- Lý Hựu Tử, là ai thế? Có việc gì mà làm kinh hoảng như vậy? Vào trong này nói không được hay sao? Tên ấy tuy nói như vậy, vẫn đẩy ghế đứng dậy, nhưng vẫn chưa chịu ra ngay, lại uống thêm một hớp rượu nữa. Lại một người khác nói:

- Lão Vương, anh mau ra đây xem, biết đâu đường chủ có việc gì sai bảo chăng? Đêm hôm tôi phải trực đêm, khỏi phải đi đâu cả.

Người tên là lão Vương lại uống thêm hớp rượu nữa, và nói:

- Có việc gì vào trong này nói có hơn không? Cứ gõ cửa sổ hoài làm gì?

Tuy vậy, y vẫn đi ra ngoài nhà. Dư Vân lại dùng thủ pháp lúc trước khẽ điểm huyệt cho ngã lăn ra đất.

Dư Vân đoán trong nhà chỉ còn một người thôi, liền lẻn luôn vào, thấy một tên đại hán vạm vỡ, mắt to lông mày thô, đang ngồi trên chiếc ghế dài, gác một chân lên mặt ghế, thủng thẳng uống từng hớp rượu một, trên bàn còn bày ba bốn đĩa thức ăn nhậu, dưới đất những xương vứt bừa bãi.

Tên đại hán vạm vỡ ấy đang ăn ngon miệng, bỗng trông thấy Dư Vân đứng ở phía trước mặt, mở mồm định kêu la. Dư Vân vội giơ tay ra kéo vai y một cái miệng khẽ quát:

- Nếu mi kêu la, ta giết chết ngay.

Đại hán nọ bị kéo đau quá, liền van lơn nói:

- Đại hiệp, xin ngài tha cho cái mạng chó này được khỏi chết.

Mặt y tái mét, mình mẩy run cầm cập.

Dư Vân mỉm cười nói:

- Tha cho cái mạng chó mi khỏi chết không khó. Mi cứ cho ta hay, hai người bị bắt ở khách sạn hiện đang nhốt ở đâu? Nói xong ta tha ngay.

Đại hán nọ vội đáp:

- Đêm hôm nay tiểu nhân trực đêm, không trông thấy họ bị dẫn vào hồi nào, nhưng nghe những người bạn nói, hiện giờ hai người ấy vẫn để ở trên nghị sự sảnh. Ngụy đường chủ đang dùng thủ pháp Khuất Cân Thấu Cốt để tra hỏi, nhưng họ nhất định không chịu nói hai vật báu đó giấu ở đâu. Có thế thôi, còn việc khác thì tiểu nhân không biết gì cả.

Dư Vân vội hỏi:

- Nghị sự sảnh ở về phía nào?

Đại hán nọ đáp:

- Đi về phía trái, lại quay sang bên tay phải, xuyên qua hành lang thì tới liền.

Dư Vân nghe xong mỉm cười nói:

- Tử tội tuy miễn, nhưng tội sống thì không thể tha thứ được, bạn hãy chịu khó một tí vậy.

Nghe thấy chàng nói như vậy, đại hán nọ sợ đến tái mét mặt lại. Dư Vân chỉ khẽ điểm vào sau gáy một cái, đại hán nọ chết giấc liền.

Dư Vân theo lời đại hán chỉ bảo, nhờ được thân pháp nhanh nhẹn, đi lẻn lên mái nhà. Trong đêm khuya lại thêm mưa gió, tuy có ba bốn chòi canh ngầm thật nhưng không ai biết đã có người lạ lẻn vào. Dư Vân đi tới cạnh nghị sự sảnh đã thấy đèn đuốc sáng choang, ngoài cửa sảnh có hai người đứng canh gác.

Chàng hơi trù trừ một tí, liền nghĩ ra ngay một kế, núp ở trong bóng tối vỗ tay hai cái thật mạnh. Hai tên canh gác đó nghe thấy tiếng động nhìn xung quanh. Thân pháp của Dư Vân nhanh nhẹn vô cùng, giở bộ pháp Huyền Thiên Thất Tinh ra, thoáng cái đã tới phía sau hai tên nọ và đưa tay điểm huyệt luôn. Rồi chàng giấu hai tên nọ vào một xó, những người trong sảnh không hay biết gì cả.

Dư Vân trông thấy Khấu Kỳ với Lý Thiếu Lăng hai người nằm ở dưới đất, mặt nhăn nhó chắc đau đớn lắm. Trước mặt hai người có ba bốn người tra hỏi, không cần nói rõ, ai cũng biết mấy tên đó là người trong Thanh Phong Bang rồi.

Một tên lông mày rậm, râu quai nón trong bọn đang chỉ vào mặt Khấu, Lý hai người quát hỏi:

- Nếu hai ngươi không chịu nói hai vật báu hiện cất giấu ở đâu, sẽ biết Thấu Cốt Khuất Cân thủ pháp của Ngụy Nhạn này lợi hại như thế nào liền.

Dư Vân nghe thấy tên nọ nói như vậy, cả giận, phẩy mạnh song chưởng một cái, một luồng gió mạnh lùa vào trong sảnh, chỉ trong chớp mắt, đèn nến đều tắt hết. Chàng theo chưởng phong xuyên vào.

Lúc ấy, trong sảnh tối đen như mực, không có một tiếng động nào cả, chỉ nghe thấy Ngụy Nhạn quát lớn:

- Các con, mau lấy lửa ra đây.

Tiếng gọi đó chưa dứt, lại nghe thấy tiếng động kêu lộp bộp một hồi, tới khi thủ hạ của Ngụy Nhạn đem đèn đóm vào, đã thấy Ngụy đường chủ và ba bốn thủ lãnh nằm chết dưới đất rồi, hai người bị bắt thì mất tích, trong sảnh náo loạn một trận tức thì.

Thì ra, Dư Vân dùng chưởng phong đánh tắt đèn lửa xong, liền lẻn vào cứu Khấu, Lý, hai người ở chỗ góc sảnh, giải huyệt cho họ xong, khẽ dặn rằng:

- Hai vị cứ đợi chờ ở đây, để tôi ra thu xếp bọn chúng đã.

Nói đoạn, chàng lẻn vào giữa sảnh, giở tuyệt kỹ độc đáo Hiên Viên Thập Bát Giải ra, điểm huyệt cho bốn tên giặc chết liền, lại phi thân ra cùng với Khấu, Lý. Hai người cảm tạ Dư Vân đã cứu cho khỏi chết.

Khấu Kỳ hỏi:

- Tại sao đại hiệp lại biết anh em chúng tôi bị bắt?

Dư Vân xua tay đáp:

- Hãy đừng nói chuyện ấy vội. Bây giờ hãy trừng trị những tên giặc trong khách sạn này đã, vì chúng đều là thủ hạ của Thanh Phong Bang đấy.

Dư Vân nói xong liền lẻn ra ngoài phòng, Khấu, Lý hai người ngẩn người ra và đều thán phục Dư Vân có trí cùng võ học cao siêu đến nỗi không lường được. Chỉ một giây phút thôi, Dư Vân đã trở về phòng và nói:

- Xong rồi, tất cả nhân viên làm trong khách sạn này đều bị tôi điểm huyệt cho câm, mê man và phế hết võ công nữa. Chúng ta mau vào đằng sau dắt ngựa ra, lên đường tức thì, rồi vừa đi vừa nói chuyện sau.

Khấu, Lý hai người cũng biết tai mắt của Thanh Phong Bang lợi hại lắm. Vừa rồi Ngụy Nhạn bị giết, hiện giờ chắc đang náo loạn lung tung, chưa chừng bọn chúng tới đây khám xét cũng nên? Tuy có Dư Vân ở đây không sợ gì bọn chúng thật, nhưng ở lại để mang thêm phiền phức vào người làm gì? Chi bằng đi ngay có hơn không? Thế là ba người ra đi về phía Thái Nguyên.

Vừa đi Dư Vân vừa hỏi hai người tại sao bị chúng bắt mà để yên không la lên?

Lý Thiếu Lăng nói:

- Chúng tôi cơm nước xong, vì mấy ngày hôm nay mệt nhọc quá, liền lên giường đi nghỉ luôn, rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết, tới khi thức tỉnh mới hay đã tới nhà tên Ngụy Nhạn rồi. Còn những chuyện sau đó thì đại hiệp đã biết hết cả, nhưng tại sao đại hiệp lại biết anh em chúng tôi bị bắt?

Dư Vân liền đem câu chuyện vừa rồi kể hai người nghe, rồi vừa cười vừa nói:

- Viên minh châu ấy mất cũng đáng lắm, nhưng không biết người đó là ai?

Khấu, Lý hai người cũng áy náy trong lòng. Người đó giấu giếm như vậy chắc có nỗi khổ tâm gì đây.

Ba người đi được hai tiếng đồng hồ nữa, trời đã sắp sáng, dọc đường không bị cản trở gì cả, chắc Thanh Phong Bang không ngờ Khấu, Lý hai người lại bôn tẩu trong lúc đêm khuya mưa lớn như vậy? Ba người đã trông thấy hình bóng thành Thái Nguyên rồi.

Khấu, Lý cười nói:

- Chúng ta đi thẳng về phía tây nam, chỉ giây lát nữa là tới chùa Thanh Thiền rồi.

Thanh Thiền Tự trước kia tên là Thiên Long Tự, kiến thiết từ đời Bắc Tề là một trong ba thạch thất (hang đá) lớn nhất của Trung Hoa, bên trong có hai mươi bốn căn thạch thất, bốn pho tượng Phật đá, điêu khắc rất tinh xảo, là tinh hoa của nghệ thuật đời cổ Trung Hoa, phía đông cách ngôi chùa độ một dặm, đục vách là ao, cạnh ao có Thiên Long Miếu, bên trong có thiêu phật lầu, tới nhà Thanh, vua Thuận Trị bỏ ngôi báu, tới Thiên Long Tự cắt tóc đi tu. Sau vua Khang Hy mới đổi tên ngôi chùa ấy là Thanh Thiền Tự, cho tới đời vua Càn Long, chùa đó lại được dùng tên Thiên Long Tự.

Lúc ấy, Dư Vân vừa cười vừa nói:

- Hai vị đi trước, Dư mỗ theo sau sẽ tới.

Nói xong, chàng thúc ngựa đi thẳng vào thành Thái Nguyên.

Khấu Kỳ, Lý Thiếu Lăng hai người đi về phía tây nam, nửa giờ sau đã tới Thanh Thiền Tự vừa vào tới cửa trong đã thấy tri khách tăng (sư tiếp đón khách thập phương) Quảng Nguyên đại sư ra nghênh đón, vừa cười vừa nói:

- Hai vị thí chủ bây giờ mới tới, dọc đường chắc vất vả lắm? Dư thí chủ tới đây đã lâu rồi.

Hai người ngạc nhiên, rồi nhìn nhau cười, cùng rảo cẳng đi vào trong phương trượng thất, xa xa đã nghe thấy tiếng cười nói của Dư Vân và sư phụ Điền Trì Điếu Tú rồi, liền vén cửa màn lên bước vào, Dư Vân đứng ngay dậy vừa cười vừa nói:

- Dư mỗ đã tới trước vài bước, xin hai vị đừng trách nhé?

Hai người trông thấy sư phụ mình tinh thần sảng khoái, biết là đã uống Thiên Niên Hà Thủ Ô, liền nói:

- Không dám! Dư đại hiệp quả thật là nghĩa khí cao cả quá, suốt dọc đường đều che chở cho, anh em chúng tôi mới được bình yên về tới đây. Xin cho anh em chúng tôi được bái tạ ở nơi đây.

Nói xong, hai chàng quỳ xuống vái lạy. Dư Vân từ chối không được.

Điền Trì Điếu Tú ha hả cười và nói:

- Lão đầu sói này nổi lòng từ thiện từ bao giờ thế?

Tỉnh Trần Thiền Sư nhắm mắt mỉm cười, nhưng không nói gì cả. Khấu Kỳ và Lý Thiếu Lăng hai người lúc này mới hay, khi Dư Vân đi tới Thiên Long Tự đã quét bọn thủ hạ Thanh Phong Bang ẩn phục trong rừng thông ở gần chùa, trong lòng càng kính phục và cảm ơn thêm. Mấy người chuyện trò độ nửa giờ, Điền Trì Điếu Tú đứng dậy vừa cười vừa nói:

- Dư đại hiệp, vết thương của lão đã lành mạnh rồi, muốn trở về Vân Nam tức thì. Khi đại hiệp đi Vân Nam du ngoạn, thế nào cũng mời tới hàn xá ở chơi một vài bữa để lão được tận nghĩa địa chủ một phần nào.

Dư Vân cười đáp:

- Điều này là lẽ dĩ nhiên rồi. Khi tại hạ tới Vân Nam, lão hiệp không cho gọi cũng phải đến quí phủ bái vọng rồi.

Điền Trì Điếu Tú liền quay lại cáo từ Tỉnh Trần đại sư rằng:

- Đại sư, đệ tới đây quấy nhiễu bấy lâu, lại được đại sư cứu giúp cho, ơn đức này không biết lấy gì báo đền mới phải? Sang năm, cũng ngày hôm nay tiểu đệ thể nào cũng tới bái vọng Phật giá.

Tỉnh Trần đại sư mở mắt mỉm cười đáp:

- Bạn thích tới cứ việc tới, cửa chùa Thanh Thiền này, lúc nào cũng mở rộng. Bần tăng không có lời gì để tặng, chỉ dặn bạn thượng lộ bình yên thôi.

Nói xong, lão tăng đứng dậy tiễn khách liền. Ra tới cửa chùa, lúc sắp đi, Điền Trì Điếu Tú móc túi lấy một chỉ Hà Thủ Ô to bằng ngón tay cái và một con dao găm Linh Tê ra tặng cho Dư Vân, vừa cười vừa nói:

- Lão chỉ dùng nửa cây đã khỏi rồi, còn lại ba khúc, nay xin tặng đại hiệp một chỉ, uống Thiên Niên Hà Thủ Ô này có thể tăng thêm công lực. Còn con dao găm Linh Tê này lão lượm được ở trong núi Mang Tang Sơn, nó có thể cắt vàng chém ngọc. Lão biết võ học của đại hiệp phi phàm, chính ra không cần dùng tới vật này đâu, nhưng lão tặng đây là để được yên tâm và để bày tỏ chút lòng thành đó thôi.

Thấy Điếu Tú thành tâm như vậy, Dư Vân đành phải nhận. Khấu Kỳ và Lý Thiếu Lăng hai người quyến luyến không nỡ chia tay, đành gạt lệ theo sư phụ trở về miền nam. Dư Vân cũng từ biệt Tỉnh Trần Thiền Sư.

Trở về khách sạn Mậu Nguyên ở trong thành Thái Nguyên, Dư Vân ngủ nửa ngày mới thức tỉnh, sửa soạn ra phố du ngoạn các thắng cảnh của tỉnh lỵ Sơn Tây.

Ngày hôm sau, chàng lại đi xem Phong Động, nơi đây cách thành Thái Nguyên chừng mấy chục dặm, là một thắng cảnh có tiếng. Chàng bước vào trong động, phải vận dụng nội công mới trông thấy rõ tình cảnh bên trong, thấy trên vách đá đều là những kinh kệ và bút pháp tuyệt đẹp, là người viết chữ hay, nên lưu luyến thưởng thức mãi không chịu đi về.

Chờ tới khi chàng xem xong tất cả các vách có bút pháp, trời đã quá trưa, đang định đi ra bỗng nghe thấy ngoài c

/29

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status