Đơn Kiếm Diệt Quần Ma

Chương 1: Theo chí cha tòng sư học nghệ - Báo thâm thù kiếm địch bốn phương

/29


Kế thừa dòng máu của cha, người đã từng la Truy Hồn Phán của hai giới Hắc Bạch, Tạ Vân Nhạc với đơn kiếm khuấy động giang hồ, truy tìm kẻ thù giết cha mẹ năm xưa. Con người nho nhã, tinh thông y đạo, lại hay tương trợ kẻ thế cô, chàng đã làm quần ma bạt vía.

Nhưng cũng cái tên Quái thủ thư sinh với gương mặt lầm lì đó lại làm động lòng biết bao người đẹp : Triệu Liên Châu, Chu Nguyệt Nga, Nghê Uyển Lan, Cố Yên Vân, Phó Uyển … Mỗi nàng một thanh bảo kiếm làm tín vật cho tình yêu.

* * *

Giữa đời Vua Càn Long, trong võ lâm xuất hiện một quái kiệt. Không ai biết người ấy xuất thân và lai lịch ở đâu và cũng không biết chàng theo học môn phái nào? Chỉ biết võ công của chàng tinh tuyệt, hành sự lại khác người thường, thật là đi không hình bóng, tới vô tung tích, không ai hay biết chỗ ở của chàng ở đâu. Trong cuộc đại hội quần hùng ở trên đỉnh núi Phù Dung, một mình chàng đã tiêu diệt sạch mấy chục tay cao thủ. Sau vụ chém giết đó, không ai trông thấy mặt chàng nữa. Thật đúng câu phương ngôn: Thần long kiếm thủ bất kiến? (Rồng thần thấy đầu không thấy đuôi).

Mấy trăm năm sau, các nhân sĩ trên giang hồ vẫn còn nhắc nhở tới chuyện đó. Những lúc trà dư tửu hậu, các cụ bô lão hay đem chuyện ấy ra truyền tụng, vẽ hình tả bóng, hình dung như sự thật vừa mới xảy ra vậy. Nhưng chuyện đó là hư là thật quý vị độc giả nên tự phân giải lấy.

Hãy nói, ở huyện Hưng Quốc tỉnh Giang Tây, về phía tây nam năm mươi dặm có một dãy núi, trên có một ngôi chùa lớn. Chùa ấy tên Bảo Hoa Cổ Sát. Ngôi chùa này tuy ở trong loạn sơn hoang lĩnh nhưng nổi tiếng khắp thiên hạ. Tương truyền ngôi chùa này kiến tạo từ thời Ngũ Hồ Loạn Hoa, tới đầu đời nhà Đường Tiên Ông Mã Tổ đắc đạo ở đó. Cửa chùa ở lưng núi, nhưng phía sau chùa ở tận trên đỉnh núi, như vậy đủ thấy ngôi chùa ấy lớn biết bao, lại còn rất huy hoàng nữa.

Gian thứ ba trong chùa là Linh Cốt Điện (nơi an táng tro hài cốt của các vị tăng giả). Dưới sàn ở trước điện có hai cây bách cổ trồng hai bên, cao hơn ba mươi trượng, thân cây lớn vừa bốn người ôm. Nghe nói hai cây đó do tay Mã Tổ trồng, tuổi cây đã tới nghìn năm. Những cành lá rụng, cắm vào trong lư hương đốt thơm tho vô cùng.

Lúc ấy vị chủ trì của ngôi cổ sát đó là Minh Lương đại sư. Năm nay tuổi đã ngoài bảy mươi. Minh Lương đại sư hồi thiếu thời là một tú tài, vì thi hội cứ rớt liền mấy khóa, nản chí bỏ học, suốt ngày ngao du sơn thủy đi khắp các danh sơn đại xuyên, khi tới phía Bắc Thiên Sơn tình cờ gặp một vị cao tăng chỉ bảo triết lý liền cắt tóc đi tu. Lão hòa thượng học rộng tài cao, cầm kỳ thi họa đều tinh xảo, và còn giỏi tài khắc ấn nữa. Duy có một điểm rất lạ là không ai biết hòa thượng là người biết võ hay không, đến cả chư tăng trong chùa cũng không ai biết. Tuy tuổi đã ngoài bảy mươi, đại sư quanh năm chỉ mặc có cái áo bào vải màu xám thôi, đi đường lúc nào cũng cứ rảo bước như bay, không kém gì những người trung niên ba bốn mươi tuổi thiện võ nghệ.

Một buổi sáng nọ, mặt trời chưa mọc, sương mù vẫn phủ đầy núi, lại thêm mưa phùn ướt át, có một thiếu niên ở trên đỉnh núi Di Lạc đối diện với núi Bảo Hoa, hấp tấp chạy xuống, thân hình như bay, chân không điểm mặt đất, tiến thẳng tới cửa ngách Nghênh Vân của chùa Bảo Hoa, đẩy cửa đi vào, xuyên qua hành lang, lên tới đại điện gian thứ ba của Bảo Hoa tự, vào luôn văn phòng của lão hòa thượng.

Thiếu niên nọ diện mạo anh tuấn, mặt ngọc, môi son, vai vượn lưng ong, riêng có đôi lông mày châu lại, tỏ vẻ lo âu, gặp tăng chúng trong chùa chỉ khẽ gật đầu chào, chân vẫn không ngừng bước. Chư tăng đều lấy làm lạ, nhưng không tiện hỏi tại sao. Lúc ấy Minh Lương đại sư vừa tụng kinh sáng xong, đang tĩnh tọa trong văn phòng, nghe thấy bên ngoài có tiếng chân nhộn nhịp hấp tấp, liền mở mắt ra coi, đã thấy thiếu niên nọ vén màn bước vào, vẻ mặt ủ rũ âu sầu.

Lão hòa thượng trông thấy hiểu ngay có chuyện chẳng lành, cũng chau mày, vẫn giữ ôn hòa, cất tiếng hỏi:

- Vân Nhạc, sao sáng sớm thế này đã sang đây? Trông mặt con khó coi thế kia, có phải bệnh của cha con tái phát phải không?

Thiếu niên vái chào xong, liền đáp:

- Thưa đại sư, sáng nay vào giờ tí, bệnh cũ của gia phụ lại lên cơn, nhưng lần này khác hẳn mọi lần, cứ ho ra máu luôn luôn. Lúc gia phụ nói là hơi tắc cổ, máu đưa lên sùng sục, chân khí không sao điều hòa được. Vừa rồi gia phụ đã uống linh dược của đại sư ban cho, bây giờ thấy hơi dễ chịu một tí, nhưng gia phụ nói có lẽ lần này không...

Nói tới đây chàng bỗng nghẹn ngào, phải ngừng giây phút mới nói tiếp được:

- Cho nên gia phụ mới sai đệ tử sang mời đại sư qua bên đó một phen.

Lão hòa thượng thở dài một cái, rồi nói:

- Vân Nhạc, việc này sớm muộn thế nào cũng phải phát sinh, con còn lạ gì nữa. Nhưng điều cần nhất bây giờ là con chớ có tỏ vẻ lo âu trước mặt cha con, để ông ta khỏi khó chịu. Trong hai ba ngày nữa chắc chưa hề gì đâu. Con hãy trở về trước, bần tăng sẽ sang sau.

Thiếu niên nọ vâng lời, cúi chào xong, liền ra khỏi văn phòng, qua sơn môn, xuyên cánh đồng dưới chân núi, rồi lên núi Di Lạc, khi tới đỉnh, ngừng lại xung quanh, thấy bốn bề không có bóng người, mới hít mạnh một hơi đơn điền chân khí, giở khinh công thượng thặng ra, nhảy lên phía trên, như vượn nhảy hạc bay vậy, chỉ trong chốc lát đã lên đỉnh chót vót. Thiếu niên nọ thở nhẹ một cái, rồi tiến về phía sau núi.

Hậu sơn không có một cây cỏ nào, chỉ toàn là đá. Những núi thuộc vùng này đa số không có cây cỏ vì nơi đây là mỏ quặng. Chỉ thấy thiếu niên nọ chạy như bay, tới một chỏm núi tận cùng, liền ngừng chân lại. Nơi đây một bên là vách núi lởm chởm, một bên là hang sâu. Trước mặt thiếu niên có một tảng đá cao mười mấy trượng, phía trên có hở một khe khá lớn. Thiếu niên nhún vai một cái nhảy lên cao bảy tám trượng, khi đuối sức sắp rơi xuống, thấy chân chàng đạp lên nhau, co mình một cái, lại lên được năm sáu trượng cao nữa. Đột nhiên chàng giương hai cánh tay ra, lượn một vòng đã nhẹ nhàng rơi xuống một hòn đá ở trong khe. Tuyệt đỉnh khinh công của chàng vừa biểu diễn gọi là Thế Vân Tung hay là Thất Cầm Thân Pháp, là một thế khinh công rất khó luyện và rất ít người biết tới. Khe núi đó rất thấp, thiếu niên ấy phải cúi đầu mới vào được cái động ở cạnh khe.

Bỗng nghe thấy một giọng yếu ớt hỏi:

- Vân Nhạc, lão sư phụ đã tới chưa?

Thiếu niên đáp:

- Thưa cha, lão sư phụ sắp tới đấy ạ.

- Ừ!

Tiếng nói của ông già yếu ớt và sầu não khác hẳn mọi ngày, thiếu niên thấy lo âu vô cùng. Trong động chỉ có một ngọn đèn dầu thắp cả ngày đêm vì không có ánh sáng mặt trời chiếu vào, trong động lúc nào cũng tối om như ban đêm. Động này có hai căn thạch thất do nhân công tạo nên. Căn trong bày những lò, bàn, ghế, bát, chén, rổ, rá vân vân, ngoài ra ở góc trong phòng có một đống sách mấy chục cuốn. Căn ngoài chỉ có hai cái chõng tre bày hai bên. Một ông cụ già nằm trên chõng phía tây, người gầy gò, hơi thở hổn hển, tóc dài và bù rối, hình như đả lâu chưa gội và chải chuốt. Thiếu niên bước vào vội đến bên cạnh cụ già rồi nói:

- Cha, ngực đã đỡ đau chưa?

Vừa nói chàng vừa phành áo ông cụ ra, hai tay cứ xoa bóp liên tiếp.

Hình như thấy dễ chịu hơn, ông cụ thở dài một cái, liền nói:

- Vân con, mấy năm liền con vất vả quá, tội nghiệp cho con. Có nhiều việc con còn chưa hay biết. Cha cứ để trong lòng mãi không dám kể cho con hay, sợ phân tâm học võ của con đi. Nhưng bây giờ cha tự biết dầu đã sắp cháy cạn, rời khỏi thế gian này chỉ là chuyện chốc lát thôi. Nên mối thù huyết hải của cha đều trông mong vào mình con báo trả đấy. Tất cả nhân quả và lai lịch xuất thân của cha, Minh Lương đại sư đều biết rõ hết. Lát nữa lão sư phụ tới sẽ do ông ta nói cho con hay. Cũng may con đã trưởng thành, cha đỡ phải lo ngại, chỉ có một điều ân hận là cha chưa được trông thấy con thành gia lập thất thôi. Thiếu niên nghe người cha nói xong, nước mắt chảy quanh vội nói:

- Sao cha lại nói những lời tiêu cực như thế làm gì? Lão sư phụ nói...

Chưa dứt lời, chàng thấy cửa động có bóng người, một luồng gió nhẹ đưa tới, Minh Lương đại sư đã vào trong động rồi.

Thiếu niên đứng dậy cúi chào, ông cụ cũng cố gượng định ngồi dậy. Lão hòa thượng giơ tay ra cản, mỉm cười nói:

- Vân huynh, cứ việc nằm xuống thì hơn. Bây giờ huynh không nên cử động nhiều. Nói xong lão hòa thượng đưa luôn một viên thuốc, ông cụ cầm lấy uống liền, cười chua chát một tiếng nói:

- Như vậy đệ xin tuân theo.

Nói tới đó, ho một tiếng, ông cụ lại nói:

- Đại sư hà tất phải mất công như vậy, chỉ mất viên thuốc quý báu Trường Xuân Đơn Dược này thôi. Chớ sự thật sáng nay đệ đã tự thăm mạch rồi, thấy lục mạch tán loạn, không có cách gì cứu vãn được, dù có linh đơn diệu dược cũng không thể nào kéo dài được thêm ba ngày thọ. Như vậy thà sớm ngày lìa khỏi trần còn hơn là cứ dằng dai thế này mãi. Chỉ vì chưa dứt tâm niệm, cho nên đệ mới cho cháu Vân sang mời đại sư, để nhờ vả đôi chút. Bấy lâu nay cháu Vân được đại sư chỉ điểm cho rất nhiều, nhưng cháu nó vẫn chưa tận lễ đệ tử, đệ muốn bắt đầu từ ngày hôm nay, cháu Vân xin vái làm môn hạ của đại sư, mong đại sư dạy bảo cho cháu nghiêm ngặt chút nữa, năm sau xin truyền thụ cho nó Hiên Viên Chân Kinh của đệ nhặt được. Khi nào thành nghề đại sư mới cho nó hạ sơn tìm kiếm kẻ thù, và tại sao có mối thù oán ấy cũng xin đại sư cho hay rõ nguyên nhân. Đây là lời yêu cầu trước khi vĩnh biệt của đệ, xin đại sư vui lòng nhận.

Lão hòa thượng mỉm cười nói:

- Những việc sau này đã có bần tăng xử trí, Văn huynh hãy nên tĩnh dưỡng, không nên nói nhiều mà hao tổn tinh thần, nên ngủ một giấc thì hơn.

Nói xong lão hòa thượng giơ tay ra khẽ điểm yếu huyệt bệnh nhân, ông cụ ngủ thiếp tức thì.

Lão hòa thượng nghĩ một lát, liền nói:

- Vân Nhạc, con lại đây.

Thiếu niên đang đứng cạnh giường cha khóc, nghe đại sư gọi liền tới ngay.

Lão hòa thượng thở dài một tiếng rồi nói:

- Vân Nhạc, con chớ có bi thương quá như vậy. Người đời có ai tránh khỏi phải chết đâu? Cha con được tắt nghỉ trên giường như thế này là phúc đức lắm rồi. Người trong giang hồ đã có mấy người được như thế này đâu? Đã đôi ba phen rồi, cha con cứ nài bần tăng nhận con làm đồ đệ, bần tăng cực lực từ chối, không phải là bần tăng có ý nghĩ gì khác đâu. Sở dĩ bần tăng không nhận dạy con là vì tất cả tăng lữ trong chùa Bảo Hoa không ai biết lão hòa thượng này biết võ cả. Tối đa chúng chỉ có thể đoán bần tăng hơi biết chút võ nghệ để luyện tập cho khỏe mạnh thôi. Khi con đã bái lão hòa thượng đây là sư phụ thì phải thay đổi cách xưng hô, vả lại cha con nhiều kẻ thù lắm, vạn nhất sơ hở để chúng biết chuyện, không những đại địch thâm thù của cha con kéo tới đây náo loạn mà còn gây cho chùa Bảo Hoa thêm tai ách, ta cứ chối mãi là thế. Mấy năm nay con đã học hết võ công của cha con rồi, duy có kinh nghiệm còn hơi kém. Lão hòa thượng này thấy nhân phẩm xương cốt căn bản của con đều khá cả, đã hứa trong lòng từ lâu rồi, nhưng chưa tới thời cơ không chịu nhận ngay mà thôi. Từ ngày hôm nay trở đi con đã là môn đồ của lão, đến giờ lão sẽ dạy võ cho con, chớ có lui tới bên chùa, luôn luôn để tránh tai mắt mọi người, nghe chưa?

Lúc này thiếu niên vừa đau đớn vừa hoan hỉ, cung kính quỳ xuống lạy ba lạy, cất tiếng gọi:

- Sư phụ!

Lão hòa thượng mỉm cười bảo thiếu niên đứng dậy.

Ba năm trước, thiếu niên đã nghe cha chàng nói Minh Lương đại sư võ công siêu thần nhập hóa. Hiện giờ trong võ lâm có lẽ không ai địch nổi. Nghe đồn đại sư là môn đồ của Vô Vi Thượng Nhân ở Tráp Vân Nhai trên núi Bắc Thiên Sơn. Hai trăm năm trước đó, Vô Vi Thượng Nhân đã được thiên hạ tôn làm đệ nhất kỳ nhân, sau không ai biết hành tung của Thượng Nhân cả. Cha chàng lại nói, nếu chàng học được một hai mươi phần trăm võ nghệ của Minh Lương đại sư cũng đủ thu dụng cả một đời rồi, nay chàng lại được nhập môn của đại sư, nếu không vì cha bệnh nặng thì có lẽ chàng sung sướng đến nhảy nhót như chim như vượn rồi.

Minh Lương đại sư thấy chàng hớn hở mừng thầm, một mặt lại sầu não lo âu bệnh tình nguy cấp của cha, liền nghĩ thầm:

- Thằng nhỏ này tội nghiệp thật, ta phải truyền thụ hết võ nghệ cho y, để tạo nên một kỳ tài trong võ lâm. Nhưng sau này y vào giang hồ, sát nghiệp cũng nặng lắm, y sẽ tạo nên họa kiếp vô biên, ta phải dùng quảng đại từ bi của cửa Phật mà cố giải cho y vậy.

Nghĩ đoạn, đại sư nói với thiếu niên rằng:

- Vân Nhạc, con lên sáu đã theo cha tới núi Di Lạc Phong này, có rất nhiều việc con không hay biết tới. Cha con họ Tạ tên là Vân, vốn dĩ là một đại hiệp tiếng tăm lừng lẫy khắp võ lâm, tự thành lập một nhà võ riêng, chứ không thuộc một môn phái nào. Cha con lại giấu không cho ai hay sư môn của ông ta thuộc môn phái nào, nên giang hồ nhân sĩ không biết lai lịch của cha con. Chưa đầy ba mươi tuổi cha con đã nổi tiếng oai trấn quan nội quan ngoại và Lạc Trung. Trong võ lâm đặt cho ông ta một biệt hiệu là Truy Hồn Phán (Phán Quan bắt hồn ở dưới âm). Tính cương trực, coi kẻ gian như kẻ thù, cha con gặp bất cứ nhân vật nào trong Hắc Đạo cũng giết liền (Hắc Đạo là tiếng của giới võ dùng để gọi giặc cướp). Không những thế cả các nhân sĩ hay môn hạ của các chính phái trong võ lâm có phạm lỗi lầm gì, mà gặp phải cha con là bị cắt tai xẻo mũi ngay thậm chí còn bị phế hết võ công nữa...

Thủ đoạn xử trí kẻ gian hay người có lỗi của cha con quá độc ác và tàn nhẫn. Vì vậy dần dần các phái chính tà đều nổi giận định giết chết cha con để rửa hận cho những kẻ đã bị hại. Nhưng hành tung của cha con phiêu hốt lắm, lại không có chỗ ở nhất định nên bọn thù địch không sao kiếm thấy được.

Cũng có một đôi khi chúng tình cờ gặp cha con ở dọc đường, nhưng vì chúng người ít thế cô, tự biết địch không nổi nên không dám gây hấn. Như vậy trải qua mấy năm cha con vẫn giữ nguyên tánh nết và thái độ ấy. Năm ấy lão hòa thượng ở nhờ chùa Ô Vưu, tại bờ sông Gia Linh, gặp cha con thường tới chùa đó du ngoạn, nên mới quen biết, đi lại với nhau lâu ngày trở thành bạn thân. Tới khi lão tăng hay biết hành vi dĩ vãng của cha con thường hay khuyên nhủ, nhờ vậy cha con mới đỡ tàn ác hơn trước và chịu ẩn tích một nơi. Năm sau cha con lấy mẹ con, làm nhà ở trong một làng đánh cá tại bờ sông Gia Linh, suốt ngày ở nhà, không lý đến giang hồ thị phi. Tới năm thứ ba thì con ra chào đời. Cha con phong kiếm thúc thủ, ẩn dật trong điền viên để mong được an hưởng thiên nhiên.

Ngờ đâu nhân quả trời định, không ai có thể cưỡng được. Năm con lên ba, cha con ẵm con tới chùa Bảo Hoa thăm lão tăng. Thấy sắc mặt cha con tối sầm, lão tăng thúc giục cha con nên trở về nhà ngay. Mới ở chơi được ba ngày cha con với con phải trở về nhà liền. Ngờ đâu vừa về tới cửa cha con đã thấy xác mẹ con nằm trên giường đằng sau lưng có vết thâm in rõ hình một bàn tay bảy ngón, hiển nhiên có người dùng trọng thủ đánh chết bà ta. Khâm liệm và chôn cất mẹ con xong cha con hủy nhà đi kiếm kẻ thù. Lão hòa thượng đã khuyên can ông ta, nên nhẫn nhục chịu đựng, chờ nuôi con nên người rồi hãy đi kiếm kẻ thù cũng chưa muộn. Tội nghiệp cha con, cõng con trên lưng đi chân trời góc biển để kiếm kẻ thù. Năm này qua năm khác cha con vẫn chưa điều tra ra ai là kẻ đã giết mẹ con. Sau cha con đi qua núi Hoa Sơn, nhặt được cuốn Hiên Viên Kinh ở trong khe núi. Bên trong toàn là chữ Giáp Cốt Vân Tự (Thời thượng cổ người ta khắc chữ vào mai rùa hay trên xương thú, chữ ấy tựa như chữ Triện bây giờ, nhưng rất khó hiểu). Cha con vội vàng đem tới đây, định cho lão xem vì lão tăng tinh thông Giáp Cốt Văn. Ngờ đâu giữa đường tung tích hơi lộ một tí cha con bị kẻ thù theo dõi ngay. Chúng tập hợp mười mấy tên cao thủ đều buộc khăn che mặt, chờ đợi ở bờ hồ Động Đình tại Tam Xương, trong đêm khuya đen tối chúng quay lại tập kích. Cha con dù võ công có cao cường đến đâu cũng không sao địch nổi mười mấy tên cao thủ các phái chính tà, huống hồ lại cõng con ở trên lưng. Hỗn chiến mấy tiếng đồng hồ, cha con bị đánh mấy cái vào ngực, nội thương rất nặng, lại bị kẻ địch điểm trúng ba chỗ trọng huyệt. Cũng may cha con sử dụng ngay Kim Cương Thiền Công do lão tăng truyền cho, để bảo vệ lấy các nơi cốt yếu ở trước ngực mới khỏi chí mạng tại chỗ.

Nhưng mấy vết thương bị lúc đầu nặng quá, cha con tự biết còn đánh nữa sẽ chết cả hai cha con, mới thí mạng đánh phá vòng vây chạy thoát khỏi chỗ đó. Ngày phục đêm đi, cha con vất vả hết sức mới chạy tới đây được. Lão tăng liền giấu cha con và con vào sau núi Di Lạc, tức cái động này đây, vì dãy núi này trơ trọi không có một cây cỏ nào, bất cứ là ai cũng không thể nào nghi ngờ được cha con và con trốn ở đây. Nhưng nguyên khí của cha con bị tổn thương quá nặng, tuy đã uống Trường Xuân Đơn của lão tăng rồi cũng chỉ kéo dài được mười mấy năm tuổi thọ thôi, chớ cha con không thể nào đối địch với người được. Và mỗi năm cứ đến ngày trước mùa xuân, hạ cha con thế nào cũng thấy vết thương đau nhức. Vì vậy cha con tự biết không thể nào đi kiếm kẻ thù mà trả được, mới nhất tâm nhất ý đem hết võ nghệ độc đáo của ông ta truyền thụ cho con, mong con sau này thừa kế tâm nguyện tìm kiếm cho được kẻ địch để trả mối thù bất cộng đái thiên ấy.

Nói xong, Minh Lương đại sư thở dài một tiếng.

Lúc này Tạ Vân Nhạc nước mắt nhỏ ròng xuống hai má thổn thức không ngớt.

Lão hòa thượng nói:

- Con nên nín ngay đi, chỉ hai tiếng đồng hồ sau cha con sẽ lai tỉnh. Bây giờ bổn sư rời khỏi đây đến lúc ấy sẽ trở lại.

Nói xong đại sư ra khỏi động, Tạ Vân Nhạc tiễn ra tận cửa động, chỉ thấy lão hòa thượng như người đằng không, nhảy xuống sườn núi tới một mỏm đá lại nhảy tiếp như trước, mấy cái nhún nhảy đã mất hình bóng ông ta rồi.

Tạ Vân Nhạc nghĩ thầm:

- Ta chỉ mong học được một nửa võ công của sư phụ cũng đủ dương danh võ lâm và thề sẽ giết hết kẻ thù đã hãm hại cha mẹ ta, cả những người có chút liên can vào hai vụ ám hại ấy ra cũng không buông tha.

Ý niệm của chàng lúc này sẽ gây nên sát nghiệp vô biên ngày sau. Đó là chuyện sau, tạm không nói tới.

Năm ngày hôm sau, Tạ Văn đã trút hơi thở cuối cùng, Tạ Vân Nhạc khóc lóc thảm thiết. Cha con sống với nhau mười mấy năm trời nay bỗng vĩnh biệt làm sao mà chẳng đau đớn như vậy?

Lúc ấy Minh Lương đại sư cũng đứng cạnh đó, hết sức khuyên can Tạ Vân Nhạc mới chịu nín, rồi ở phía sau núi kiếm nơi cát địa chôn cất thi hài của Tạ Vân. Từ đấy trở đi bất cứ lúc nào cảm hoài tới thân thế của mình là Tạ Vân Nhạc ra phần mộ của cha khóc lóc tế lễ một hồi.

Một hôm, lão hòa thượng tới phía sau núi Di Lạc vào trong động gọi Vân Nhạc tới trước mặt, thần sắc nghiêm trang nói:

- Vân Nhạc, ngày hôm nay sư phụ bắt đầu dạy con bổn môn Quy Nguyên Cư Bản Thổ Nạp Tọa Công (căn bản luyện nội công), con phải kiên nhẫn luyện tập không ngừng một ngày nào cả, như vậy rất có ích cho con sau này luyện Di Lạc Thần Công. Ngoài ra, bảy mươi hai thức Truy Vân Trích Nguyệt kiếm pháp (đuổi mây hái trăng) và chín mươi bảy thức Phi Long Chưởng của cha con truyền cho, con phải nên đem ra chuyên luyện tập lại luôn. Cái gì cũng vậy, thu năng sinh xảo có quen tay mới giỏi được, thì võ nghệ cũng thế, con cần phải biết nhất chưởng nhất kiếm của cha con cũng là tuyệt kỹ của võ lâm đấy. Cha con chỉ nhờ có hai môn đó mà khét tiếng võ lâm con có hiểu không?

Nói xong, hòa thượng đem khẩu khuyết thổ nạp truyền thụ cho Vân Nhạc rồi mới rời khỏi nơi đó.

Sau đó cứ sớm tối là Tạ Vân Nhạc ngồi xếp bằng tròn tĩnh tọa, cần mẫn luyện tập công lực thổ nạp, cảm thấy buổi sáng luyện xong thì tinh thần sảng khoái, chiều tối luyện xong là mất hết mệt mỏi. Mỗi ngày chàng đem kiếm chưởng ra phúc tập, ngày một tiến bộ dần, kiếm phát ra khi thâu lại rút về liền, biết là do công lực thổ nạp mà nên, hớn hở vô cùng. Vì thế có khi một ngày chàng tĩnh tọa đến mười mấy lần cho chóng thành công.

Một tháng sau lão hòa thượng trở lại hang động, thấy Vân Nhạc thần quang nội uẩn, biết đã tiến bộ khá nhiều cũng mừng thầm, liền bắt đầu truyền thụ Di Lạc Thần Công cho chàng, và còn giảng giải đôi ba phen từng miếng từng thức của mười hai cách thức trong thần công đó, đồng thời còn diễn giải cho chàng xem. Tạ Vân Nhạc vốn dĩ thông minh lại có cơ sở võ công chỉ điểm một cái là hiểu ngay.

Lão Hòa Thượng nói:

- Di Lạc Thần Công này với Huyền Môn Cương Khí cùng là hai thứ kỳ tuyệt khí công của võ lâm, nhưng Huyền Môn Cương Khí hơi táo bạo hơn và cương mạnh hơn dễ phát khó thâu. Di Lạc Thần Công thì không có khuyết điểm ấy, khinh trọng đều do ý niệm của người mà động, luyện tới lúc thật tinh xảo có thể đánh người bị thương một cách vô hình, tự thân lại cứng như gang thép. Bất cứ thủ pháp nặng tới đâu cũng không thể đánh con bị thương được. Trước khi truyền thụ cho con khẩu khuyết thổ nạp với Di Lạc Thần Công này đều là nội công để bảo vệ tánh mạng của mình đấy. Mong con khắc khổ luyện tập, một tháng sau sư phụ trở lại.

Nói xong, đại sư đi liền.

Hàng ngày mới sáng tinh sương, Tạ Vân Nhạc đã bò lên trên đỉnh núi cao chót vót, học tập Di Lạc Thần Công. Lúc đầu chàng còn chưa thấy cái hay cái tuyệt của nội công đó. Nửa tháng sau chỉ thấy một luồng hơi Dương Hỏa chạy quanh khắp thân thể, ngũ quan bách khiếu đều khoan thái vô cùng. Chàng thử nhịn hơi đánh ra một chưởng, một cành cây to bằng miệng bát gãy ngay tức thì, chàng giật mình nghĩ thầm:

- Thật không ngờ ân sư dạy bảo cho ta mười hai thức Di Lạc Thần Công lại có oai lực lớn đến thế?

Từ đó chàng luyện tập lại càng siêng năng hơn trước, quả nhiên hễ ý niệm của chàng muốn là núi đá cũng phải tan vỡ.

Lão hòa thượng theo đúng ngày giờ hứa hẹn tới nơi, bảo Vân Nhạc diễn tập lại mười hai thức Di Lạc Thần Công cho xem. Lão hòa thượng xem xong mỉm cười nói:

- Con sẵn có thông minh lại thêm chịu khó mới tiến tới mức này. Nơi đây sơn dã vắng vẻ, lúc nào cũng có thể luyện tập được.

Nói xong, đại sư lại đem Kim Cương Phục Hổ Chưởng ba mươi sáu thức và Huyền Thiên Thất Tinh kiếm pháp tám mươi mốt miếng truyền thụ cả cho Vân Nhạc.

Sau đó, cứ năm ba hôm lão hòa thượng lại tới một lần, cứ truyền thụ luôn cho Vân Nhạc chưởng, kiếm, ám khí tuyệt kỹ và nội ngoại công.

Tạ Vân Nhạc võ công một ngày tiến nghìn dặm, không phân biệt nắng mưa nóng rét, hàng ngày cứ đến lúc trăng lên là một mình chạy tới mộ cha kỳ lạy khóc lóc, vái thầm rằng:

- Cha cứ yên tâm, con thế nào cũng báo thù được.

Chớp mắt đã trải qua nửa năm, một hôm lão hòa thượng tới, lấy cuốn sách giấy da dê ra, nghiêm nghị nói:

- Cuốn này là cuốn kinh Hiên Viên mà cha con đã nhặt được, trong ấy ghi rõ những huyệt đạo của thân người, cứ theo cuốn kinh này luyện tập con có thể lăng không phất huyệt (lướt trên không mà phất trúng yếu huyệt của địch được) và cũng có thể giải huyệt nữa, muốn địch sống chết do mình định đoạt. Trong này lại có Kim Trâm Cứu Huyệt những cách chữa bệnh bí truyền. Sách này còn có một cái tên nữa là Hiên Viên Thập Bát Giải. Từ nay, mỗi ngày sư phụ sẽ giảng giải cho con một đoạn, còn nội dung thì con tự tham khảo lấy, thông minh như con chắc không phải là chuyện khó.

Từ đó trở đi, hàng ngày Tạ Vân Nhạc lấy cuốn kinh ấy ra đọc, Giáp Cốt Văn tuy khó nhưng chàng có tâm không quả ngại khó khăn nỗ lực nghiên cứu. Tục ngữ có câu: thiên hạ vô nan sự, quả thật không sai.

Không biết lão hòa thượng kiếm ở đâu ra một người hình nhân bằng da, vẽ rõ các huyệt đạo ra bên ngoài. Lão hòa thượng bắt Vân Nhạc lăng không điểm huyệt. Lần này thật khó quá, lúc đầu Tạ Vân Nhạc đến nỗi hoa cả mắt, lầm lẫn lung tung, lâu lâu mới thuần thạo dần. Ba tháng sau chàng đã có thể hái hoa ngắt lá ném trúng người nào cũng bị thương liền.

Từ đấy đại sư bắt chàng buổi sáng tập võ, buổi chiều luyện văn và còn dạy cả y học, thượng thặng khinh công, lăng không bộ, hư thân pháp vân vân.

Một năm sau, Tạ Vân Nhạc đã là thiếu niên mười tám tuổi, càng lớn càng đẹp trai, chỉ phải nỗi suốt ngày lầm lì chẳng nói chẳng rằng. Thấy vậy lão hòa thượng để mặc chứ không khiển trách và cũng không bắt chàng thay đổi vì chàng sống trong hoang sơn cùng lãnh từ hồi còn nhỏ ít tiếp xúc với người ngoài, mới điêu luyện thành tánh nết lạnh lùng ấy.

Một hôm lão hòa thượng lại tới sơn động nói với Tạ Vân Nhạc rằng:

- Con đã học hết võ nghệ của thầy rồi, bây giờ con chỉ kém kinh nghiệm và lão luyện thôi. Từ nay con có thể hạ sơn trả thù cho cha mẹ, nhưng mong con biết thiện thể thiện tâm, chớ có chém giết những kẻ vô tội, chọn bạn phải cẩn thận, chớ có cố chấp ý kiến của mình, và còn một điều là con đừng cho mọi người nào hay biết tên họ của sư phụ, đồng thời bất đắc dĩ lắm con mới được sử dụng Di Lạc Thần Công đối địch.

Lão hòa thượng hành cước khắp thiên hạ, biết hết các nhân vật giang hồ, phái nào võ công kém, giỏi, phái nào chánh, tà lúc này cũng kể hết cho chàng hay. Còn dạy chàng những lệ luật phép tắc của giang hồ, cách đối xử với các giới võ lâm vân vân. Lại đưa cho chàng hai trăm lạng bạc, một thanh kiếm mềm bằng ô kim, rồi dặn chàng ngày hôm sau hạ sơn khỏi phải sang chùa Bảo Hoa từ biệt nữa.

Tạ Vân Nhạc nước mắt ràn rụa không nỡ chia tay. Lão hòa thượng cũng phải cảm động, nghiến răng rảo chân đi thẳng ra cửa động về bên chùa.

Tuy không muốn, nhưng Tạ Vân Nhạc nghĩ tới mối thù của cha mẹ lại mong có cánh bay đi ngay, liền vào trong động thu xếp, tối hôm ấy lại tới mộ cha khóc lóc tế lễ một hồi mới về ngủ.

Sáng sớm hôm sau, Tạ Vân Nhạc sửa soạn hành lý, quấn thanh ô kim nhuyễn kiếm vào lưng, những sách vở của chàng nửa tháng trước lão hòa thượng đã đem về bên chùa tồn trữ rồi, chỉ bỏ lại bát đĩa nồi niêu, chớ không còn cái gì quan trọng để lại cả. Tuy vậy chàng ở sơn động này đã mười mấy năm trời, nay bỗng ly biệt sao chẳng lưu luyến đôi chút, tần ngần lát lâu đành giậm chân quay người đi thẳng ra ngoài cửa động, hướng về phía chùa Bảo Hoa vái bốn vái, nhún mình một cái phi thân chạy như bay xuống núi rồi một mạch đi thẳng. Từ đấy trở đi, trong võ lâm sát nghiệp lan ra chỉ vì thù cha mẹ, chàng gây ân kết oán với giang hồ.

Hãy nói Tạ Vân Nhạc vai đeo hành trang, xuống tới chân núi Di Lạc quay đầu nhìn lại, nghĩ tới chuyến đi này không biết ngày nào mới trở lại chỗ đã sống mười ba năm qua, trong lòng âu sầu, khẽ thở dài quay người đi thẳng lên đường. Từ núi Di Lạc đi về phía nam ba mươi dặm tới chợ Long Khẩu. Từ nơi đây tới Cống Châu phải đi một trăm sáu mươi dặm đường thủy lộ.

Tạ Vân Nhạc tới Long Khẩu vừa gặp ngày phiên chợ, dân các làng lân cận đi chợ đông như ngày hội, bốn năm nghìn người chật ních trên phố Ma Thạch. Chàng phải len lỏi mãi mới đi tới một tửu quán, gọi qua loa vài món ăn cho đỡ đói, ngồi tựa tường nghĩ ngợi:

- Ta phải quyết định trước cuộc hành trình, có lẽ phải đi đường thủy ra tỉnh. Ngoài tỉnh là phủ Nam Xương, nơi tụ họp đông đảo các văn nhân võ sĩ...

Theo lời dạy bảo của ân sư muốn dò hỏi hành tung của các nhân vật trong giang hồ thì phải hỏi các tiêu cục (nhà chuyên môn nhận bảo vệ hành khách và hàng hóa) hay các bang hội. Khi tới đó, với võ nghệ của ta muốn kiếm việc làm trong tiêu cục chắc không đến nỗi khó khăn. Bằng không ta đi về phía tây vào Tứ Xuyên, tế lễ ngôi mộ của mẹ ta rồi tìm kiếm manh mối kẻ thù năm xưa cũng được. Nghĩ đoạn chàng gọi tiểu nhị tới hỏi có thuyền nào chở hành khách không? Tên tiểu nhị tủm tỉm cười trả lời:

- Thưa tướng công, mấy ngày hôm nay không có thuyền nào chở khách cả, nếu tướng công muốn đi thì chú họ của tiểu nhân có một chiếc thuyền lớn, trưa ngày hôm nay sẽ đi thẳng ra tỉnh. Tiểu nhân xin giới thiệu cho.

Nói xong tên tiểu nhị ra ngoài phố gọi một người nhà quê tới dặn dò mấy câu rồi đưa vào trong tửu điếm giới thiệu. Thỏa thuận tiền nong xong, Tạ Vân Nhạc gọi tiểu nhị lại trả tiền cơm nước, rồi theo người nọ ra ngoài bến đò. Trước khi đi chàng thưởng cho tiểu nhị một lạng bạc, hắn cả mừng tiễn chàng ra tận cửa điếm.

Trên sông thuyền ghe đậu san sát có tới hai ba trăm chiếc. Tạ Vân Nhạc theo người nhà quê đi qua mấy chục chiếc đậu gần bến rồi mới tới chiếc thuyền lớn của người nọ.

Chủ chiếc thuyền đó họ Trương, là một nhà buôn thật thà chất phát là chú họ của tên tiểu nhị, nghe thấy người nhà quê nói ý muốn của Tạ Vân Nhạc, liền trả lời:

- Tôi hoan nghênh, từ đây tới tỉnh thành tuy hơn ngàn dặm thật, nhưng thuận buồm xuôi gió thì hai mươi ngày thì tới.

Nói đoạn chủ thuyền dẫn Vân Nhạc vào trong khoang, thì ra trong chiếc thuyền lớn ấy có tám khoang nhỏ. Phía trước bốn và phía sau bốn, còn cái khoang lớn nhất ở giữa để làm phòng ăn, một cái ở phía đuôi để cho phu thuyền ngủ, còn ba khoang đều chồng chất đầy những da cừu, thuốc lá và vài thứ thổ sản chở đi tỉnh thành bán. Phía đằng mũi, hai cái khoang chủ thuyền và gia quyến ở, còn hai cái bỏ không. Thấy cái khoang thứ tư đằng mũi ra vào rất tiện Vân Nhạc liền chọn lấy cái khoang đó.

Vào trong khoang, Vân Nhạc thấy có cửa sổ rộng rãi khoáng đạt, sạch sẽ vô cùng, trong lòng mừng thầm, lại trở ra cảm tạ chủ thuyền.

Thuyền nhổ neo khởi hành, Vân Nhạc hay đứng trên mũi thuyền ngắm phong cảnh khoan khoái vô cùng.

Vài ngày sau chàng đã học được các mánh lới chở thuyền và những thuật ngữ, thỉnh thoảng cũng ra giúp các phu thuyền một tay. Ngoài ra, chàng cứ đóng kín cửa khoang, luyện tập tọa công, ôn lại Di Lạc và Quy Nguyên hai thần công. Hễ tới một thị trấn nào, thuyền đậu lại bến là chàng lên bờ kiếm nơi thanh vắng ôn lại kiếm, chưởng một hồi, rồi mới về thuyền, không bao giờ đi chơi với ai ở trên bờ cả.

Lâu ngày các người trên thuyền đều cảm thấy tánh tình của chàng kỳ lạ lắm, nhưng thấy chàng hòa nhã lễ phép nên không ghét bỏ.

Nửa tháng sau, thuyền đã đi được hơn sáu trăm dặm rồi, tuy nước xuôi nhưng ngược gió mỗi ngày chỉ đi được hai ba mươi dặm thôi, có khi gió lớn quá, thuyền cứ đứng yên một chỗ, tất cả phu thuyền phải lên bờ kéo.

Cũng may, Tạ Vân Nhạc không có việc cần nên không vội lắm, cứ thản nhiên chờ đợi. Qua phủ Lư Linh, các thuyền phải liên kết thành bang mới dám đi. Hai mươi mấy chiếc thuyền nối đuôi nhau dài dằng dặc, mỗi khi đậu nghỉ các thuyền quây quần lại, khói bốc lên như một đám cháy nhỏ, tiếng người ồn ào náo động cả một vùng vui vẻ náo nhiệt vô cùng. Cô đơn từ nhỏ, nay thấy thấy lũ trẻ của các thuyền tụ tập lại vui chơi, Vân Nhạc cũng cùng tham dự trò bịt mắt bắt dê vân vân.

Chiếc thuyền lân cận có một tiêu sư tên là Lý Đại Minh, tuổi trạc bốn mươi, mặt tròn trĩnh, thấy ai cũng tươi cười, lúc nào gặp Vân Nhạc cũng chào hỏi ân cần. Vài ba ngày sau, hai người đã quen nhau, thường thường sang thuyền nhau trò chuyện, nhậu nhẹt. Chuyện gì cũng nói tới, riêng về võ nghệ Tạ Vân Nhạc tuyệt nhiên không nói nửa lời.

Tạ Vân Nhạc thấy Lý Đại Minh nhận là tiêu sư, để ý xem thấy thân binh họ Lý vạm vỡ, bắp thịt nở nang, hai tay cứng cáp, hình như ngũ môn ngoại công đã có sáu bảy mươi phần trăm kinh nghiệm. Tuy người thô lỗ, Lý Đại Minh rất thành thật chất phát, nên Vân Nhạc muốn kết giao để mong dò biết tin tức kẻ thù hoặc chuyện dĩ vãng của cha mình.

Lý Đại Minh lăn lộn trên giang hồ đã lâu mới dưỡng thành tạp khí hào phóng hiếu khách, thấy Tạ Vân Nhạc khôi ngô tuấn tú, văn vẻ nho nhã nên có thiện cảm ngay. Nhiều lúc chuyện trò tới võ lâm điển cố, Lý Đại Minh đem chuyện gặp gỡ trong khi bảo tiêu ra khoe khoang. Tạ Vân Nhạc chỉ mỉm cười, ngẫu nhiên chàng cũng có tham bác một vài câu, nhưng chỉ nói những câu tán dương thôi. Chàng tự hiểu dò hỏi chuyện dĩ vãng của cha mình ngay, nhỡ đối phương hay biết lại nghi ngờ mình thì hỏng hết kế hoạch đã định.

Võ công của Tạ Vân Nhạc bây giờ có thể nói là đã tới chốn tột mức, vì chưa hề giao chiến với ai nên vẫn chưa biết mình giỏi tới mức nào. Người thường luyện nội công tới mức đầy kinh nghiệm là hai huyệt thái dương nở nang phồng lên. Nhưng chàng lại khác hẳn, vì Quy Nguyên Tọa Công khiến khí thần đều nội liểm, chỉ có hai mắt thần quang chói lọi, kỳ dư đều như người thường. Vì vậy lão luyện như Lý Đại Minh cũng không biết được chàng là người có võ công tuyệt học.

Một hôm Lý Đại Minh đột nhiên hỏi Tạ Vân Nhạc rằng:

- Lần này đệ ra tỉnh thành đi thăm bà con hay là chuẩn bị đi thi.

Vân Nhạc cả cười một hồi rồi nói:

- Lý huynh, có ai lại cuối năm mùa đông này chuẩn bị đi thi chớ? Chắc huynh định nói đùa đệ phải không?

Lý Đại Minh mặt đỏ bừng, có vẻ ngượng trả lời:

- Hiền đệ chớ hiểu lầm lời hỏi của ngu huynh. Vì xưa nay vẫn có người nửa năm hay một năm trước đã ra ngoài tỉnh thành sửa soạn thi cử rồi, cho tới khi thi xong mới về nhà. Tôi cũng tưởng chú như những người khác mới hỏi như thế.

Nghe thấy Lý Đại Minh nói như vậy, Vân Nhạc nghĩ thầm:

- Mình mới bước chân vào đời, không hiểu tí gì. Sau này nói chuyện ta phải cẩn thận mới được. Hôm nọ y đã hỏi ta một lần rồi, ta trả lời ra tỉnh đi thăm một vài thắng cảnh ở ngoài đó, y có vẻ không tin, cho nên hôm nay hỏi lại vấn đề ấy.

Nghĩ đoạn chàng cười nói:

- Lý huynh, tiểu đệ nói đùa đấy thôi, xin chớ có trách cứ nhé! Từ nhỏ đệ đã tuân theo giáo huấn, cấm không được làm quan. Lần này tiên phụ đã khuất núi, trước khi tắt thở có trối lại bảo phải ra ngoài tỉnh kiếm việc làm, chớ không có ý gì khác cả.

Lý Đại Minh vỗ đùi đến “bốp” một cái, ha hả cười nói:

- Hiền đệ sao không sớm cho ta hay. Không phải Lý Đại Minh này nói khoác, ta quen biết rất nhiều, giới thiệu việc làm cho chú thật dễ như trở bàn tay... À, tôi nghĩ ra một việc... Ba tháng trước đây, kế toán viên của tệ tiêu cục tạ thế, chưa có người thay thế, không biết bây giờ có ai làm chưa? Nếu chưa tôi có thể giới thiệu chú vào làm. Ông chủ tin tôi lắm, tôi đã nói tất phải được.

Tạ Vân Nhạc vội đứng dậy chắp tay cảm tạ nói:

- Được như vậy đệ xin cảm tạ trước.

Lý Đại Minh cười nói:

- Chúng ta là anh em chí thân, hà tất chú phải khách sáo như vậy. Nào để tôi mời chú cạn một chén.

Nói xong, hai người mời rượu lẫn nhau.

Thuyền qua trấn Chương Thu. Tiết trời càng xấu thêm, gió bắc lại thổi mạnh hơn trước, mưa tuyết xuống liên miên phủ khắp mọi nơi, tất cả nhà cửa, cánh đồng, rừng núi ở hai bên bờ đều trắng xóa, bốn bề không trông thấy một bóng người lai vãng, cảnh vật càng tiêu điều thêm. Vân Nhạc ra ngoài thưởng tuyết miệng ngâm nga những bài thơ tả cảnh. Lý Đại Minh trông thấy, nghĩ thầm:

- Nho sinh có khác, cảnh tuyết đẹp đẽ gì mà y cũng chịu khó ra xem.

Ngày qua tháng lại, tới ngày hai mươi sáu tháng chạp mới đến tỉnh thành. Tạ Vân Nhạc theo Lý Đại Minh lên bờ. Chàng chỉ có một bọc hành lý thôi nên muốn đi đâu cũng dễ dàng. Trấn Thái Tiêu Cục ở Dương Gia Xiểng. Cửa cao nhà rộng, trước cửa có một đôi sư tử đá, khí phách phi thường. Nơi đây là địa điểm phồn thịnh nhất, dân cư trù mật. Dù trời mưa tuyết mà người đi lại vẫn đông đúc như ngày hội.

Tạ Vân Nhạc vào ngủ trọ một khách sạn ở trước cửa tiêu cục. Năm hết tết đến tới nơi, không tiện nói với tổng tiêu đầu vội, định chờ tới ngày khai xuân mới tùy cơ mà thuyết. Nhưng hàng ngày Lý Đại Minh vẫn đến khách sạn rủ Vân Nhạc sang quán Tùng Hạc Viên gần đó nhậu nhẹt trò chuyện, và cũng có đôi khi đưa chàng vào tiêu cục chơi. Vợ Lý Đại Minh cũng hiền thục, coi chàng thiếu niên này như con cháu nhà vậy. Thấy bà ta đối xử tử tế quá, Vân Nhạc rất cảm động, định tâm sẽ kiếm cơ hội để trả ơn.

Trong mấy ngày liền Tạ Vân Nhạc đi dạo khắp nơi danh lam thắng cảnh thành Nam Xương như là: Đằng Vương Các, Bách Hoa Châu, Vân Thọ Cung vân vân. Nơi nào chàng cũng lưu luyến đến nửa ngày ngắm cảnh ngâm thơ, để qua khoảng thời gian nhàn rỗi.

Tổng tiêu đầu của Trần Thái Tiêu Cục là Hạ Hầu Hàm, biệt hiệu Đa Ty Thần Viên (con vượn thần nhiều cánh tay), năm nay tuổi đã ngoài sáu mươi là đệ tử tục gia của phái Võ Đang (đệ tử Võ Đang nào không đi tu làm đạo sĩ là đệ tử tục gia) khinh công nhanh nhẹn nhảy như vượn. Ở hai cánh tay mỗi bên buộc một cái nỏ cắm mười hai mũi tên Phượng Hoàng, chỉ co hai cánh tay là hai mươi bốn mũi tên bắn ra như mưa ngay, lợi hại vô cùng.

Nhưng Hạ Hầu Hàm không gặp phải tay cường địch thì không bao giờ sử dụng tới cái nỏ máy ấy. Sở dĩ ông ra được mệnh danh là Đa Ty là do có hai cái nỏ máy ấy mà nên. Ông ta lại có ba mươi chín thức Thái Cực Thủ và sáu mươi bốn miếng Long Hổ Đoạn Hồn Đao cũng oai trấn giang hồ.

Hạ Hầu lão tiêu đầu có hai người con, một trai và một gái. Trai tên là Hạ Hầu Nhi, mười một tuổi, gái là Hạ Hầu Uyển Trân chín tuổi. Lão tiêu đầu rất cưng hai con, đã cho học võ từ thuở mới biết đi, lúc nhàn rỗi đích thân dạy hai con những sở trường của mình. Vì kém học lão tiêu đầu muốn kiếm một thầy học có tài đức để dạy văn cho hai con, mong chúng sau này trở nên văn võ toàn tài.

Tạ Vân Nhạc theo Lý Đại Minh tới tiêu cục chơi luôn, đã gặp lão tiêu đầu một vài lần. Thấy Vân Nhạc thiếu niên nho nhã, lão tiêu đầu định mướn chàng làm thầy dạy cho hai con, nhưng không biết chàng có chịu dạy hay không nên lão chưa dám lên tiếng hỏi.

Một hôm lão tiêu đầu thử hỏi:

- Lý tiêu đầu, Tạ tiên sinh tuổi trẻ thế này mà làm kế toán viên, suốt ngày tiếp xúc với những kẻ chợ gian thương luôn dễ bị tiêm nhiễm những thói xấu, nên tôi định nhờ ông ấy dạy bảo cho các cháu học hành, chẳng hay ông ta chịu nhận lời hay không?

Lý Đại Minh đáp:

- Tổng tiêu đầu có nhã ý như vậy, chú ấy chắc hẳn sẽ vui lòng nhận lời.

Chàng liền sang bên khách sạn nói cho Vân Nhạc hay. Quả như lời nói của Đại Minh, Vân Nhạc nhận lời ngay. Tổng tiêu đầu cho chọn ngày lành tháng tốt để hai con bái kiến lão sư và thiết tiệc mời Vân Nhạc.

Từ đó Vân Nhạc dọn vào ở trong thư phòng tại phía sau nhà tiêu cục, ngày ngày dạy hai trẻ học thiên gia thi và kinh thư.

Các người làm trong tiêu cục từ trên chí dưới, từ trẻ đến già đều mến Vân Nhạc. Ai cũng nhận thấy là chàng là người hòa nhã khả ái, riêng có đôi mắt sáng quắc là khiến mọi người không dám nhìn vào mặt chàng thôi.

Có khi, Vân Nhạc cũng tới luyện võ trường xem tổng tiêu đầu dạy võ cho hai trẻ. Lão tiêu đầu hỏi chàng xem mình dạy võ ra sao? Vân Nhạc cười và thoái thác là không biết võ.

Hai vợ chồng lão tiêu đầu rất kính trọng chàng, thấy chàng ít quần áo, liền may cho mười mấy bộ một lúc...

Chàng nghĩ:

- Ân tình này ta biết báo đáp bằng cách nào đây?

Hai tháng sau, có một hôm lão tiêu đầu vẻ mặt không vui, ngồi bàn định với các tiêu đầu ở trong khách sảnh, không biết nói những gì Vân Nhạc tai mắt tinh thông lắm, tiếng động của hoa rơi lá rụng ngoài hai ba mươi trượng cũng nghe thấy được. Muốn tránh khỏi người ngoài nghi ngờ chàng vội lánh xa đằng khác. Chờ cơm tối xong, chàng tới nhà Đại Minh, kéo anh ta ra một nơi vắng hỏi xem ngày hôm nay lão tiêu đầu bàn tán việc gì?

Lý Đại Minh nói:

- Hồi tháng ba năm ngoái, tiêu cục nhận bảo hộ một món ám tiêu đi miền tây tỉnh Hồ Nam (ám tiêu là những vàng bạc châu báu giấu kín trong người). Khi đi qua Linh Lăng Kim Phương Lãnh, ba tên giặc ở trên Lãnh là Phi Thiên Ngô Công Trình Xuyên, Hắc La Hán Ngô Minh và Cửu Vĩ Điêu Ngãi Hóa mệnh danh là Xương Đông Tam Ác hạ sơn đánh cướp. Chỉ đánh vài hiệp, Ngô Minh đã bị trúng nỏ Phượng Hoàng của lão tiêu đầu chết tại chỗ. Không ngờ Ngô Minh lại là môn hạ của Xuyên Nam Đại Bi Tự, Tiếu Diện Vô Thường Hoằng Nhất Đại Sư. Hoằng Nhất tuy là sư nhưng lại là một tên giặc có tiếng là Ma Tinh ở vùng tây nam, các phái chánh tà đều phải nhường nhịn y phần nào. Thấu Cốt Âm Phong Chưởng của y đánh trúng địch thủ là kẻ địch ấy chết liền, độc hiểm vô cùng. Nghe nói y đã tới đây trả thù cho môn hạ. Như vậy lão tiêu đầu không lo lắng sao được? Hiện ông ấy đang phái người đi mời các tay năng thủ tới tương trợ.

Nghe xong, Vân Nhạc mỉm cười nói:

- Lão tiêu đầu tử tế như thế, đệ chắc thế nào cũng phùng hung hóa cát ngay. Đệ xem tên Hoằng Nhất hòa thượng chưa chắc đã lợi hại như đại huynh vừa nói đâu?

Lý Đại Minh châu mày nói:

- Hiền đệ là văn sinh, làm sao biết được các kỳ nhân, dị sĩ, tà ma, ngoại đạo trong giang hồ lợi hại như thế nào? Còn những người biết vài miếng võ quê mùa như tôi không biết bao nhiêu mà kể, thật là hằng hà vô số.

Tạ Vân Nhạc cả cười, từ biệt ra về, trong óc tính toán làm thế nào để ra tay trợ giúp được?

Mấy ngày sau, lúc giữa ngọ, có hai tay cao thủ tới tiêu cục là Càn Khôn Thủ Lôi Tiếu Thiên và Lưỡng Nghi Kiếm Khách Từ Đông Bình.

Lôi Tiếu Thiên là đệ tử độc truyền của Tần Lãnh Dật Tú, một võ sư đã danh trấn giang hồ hồi năm mươi năm xưa, võ học kinh người, ít người địch nổi ba mươi sáu thức Càn Khôn Thủ của Tiếu Thiên. Tánh rất khôi hài, được tiếng là nhân vật bản lãnh trong giang hồ, Tiếu Thiên tuổi mới ngoài bốn mươi, người gầy gò, mặt khôi ngô, hai mắt rất có tinh thần.

Lưỡng Nghi Kiếm Khách là đệ tử thủ truyền của môn phái Hằng Sơn và là người Chưởng môn tương lai của phái ấy, mệnh danh là một trong bốn kiếm thủ nổi tiếng Giang Nam, mặt trông như tú sĩ trung niên, râu ba chòm, phong thái rất đẹp, tuổi trạc năm mươi, trên lưng đeo một thanh bảo kiếm cổ.

Lưỡng Nghi Kiếm Khách là người được lão tiêu đầu mời tới trợ giúp, còn Lôi Tiếu Thiên tự động tới. Lôi Tiếu Thiên phiêu lưu quanh năm ngày tháng, lần này đang ở chơi nhà Lưỡng Nghi Kiếm Khách, liền theo tới để tương trợ.

Thấy hai người tới, lão tiêu đầu cả cười ra nghênh đón và nói:

- Có Lôi lão đệ tới nữa, lão huynh yên trí vô lo rồi.

Lôi Tiếu Thiên mặt lạnh lùng vênh váo nói:

- Khỉ già đừng có nâng ta quá cao, chỉ sợ té xuống một cái gãy lưng thì liệu cái tiêu cục này có thể nuôi được ta suốt đời không?

Lão tiêu đầu biết y nói bông, vội mời hai người vào nhà.

Tối hôm đó, bày biện thịnh soạn, có mời cả Vân Nhạc ngồi tiếp. Trong khi chén tạc chén thù Lôi Tiếu Thiên cứ nhìn Vân Nhạc luôn luôn, vì thấy chàng quen mặt lắm, hình như đã gặp nhau ở đâu rồi, nghĩ mãi mới đoán ra chàng họ Tạ, có lẽ là con cháu gì của Truy Hồn Phán Tạ Văn trong võ lâm đồn chết đã lâu chăng? Truy Hồn Phán là bạn thân của sư phụ y Tần Lãnh Dật Tú, hàng năm Tạ lão hiệp cũng tới Tần Lãnh thăm sư phụ y một lần. Lúc ấy Lôi Tiếu Thiên chưa được phép hạ sơn, thường đứng hầu cạnh sư phụ và hồi đó Tạ Văn mới ngoài ba mươi, hình dáng mặt mũi giống hệt Tạ Vân Nhạc bây giờ. Sau khi học mãn khóa võ, Lôi Tiếu Thiên ở trong giang hồ còn gặp Tạ Văn mấy lần và được Tạ Văn giúp cho nhiều việc nên ấn tượng rất sâu sắc, mới dám quả quyết Vân Nhạc là đệ nhị hóa thân của Tạ Văn. Nhưng theo lời đồn của giang hồ thì năm xưa Tạ Văn bị mườ mấy tay cao thủ vây đánh, tuy phá vòng vây chạy thoát, những tay cao thủ nọ vẫn không buông tha, đuổi theo kỳ cùng, sau thấy trong núi Võ Công có hai cái xác, một già một trẻ, thịt đã rữa hết chỉ còn trơ hai bộ xương thôi. Lúc ấy các cao thủ mới chịu thôi, yên trí Truy Hồn Phán đã chết rồi.

Nếu tin đồn đó là thật, thì thiếu niên này không phải là con của Tạ Vân. Lôi Tiếu Thiên mới nghi hoặc mãi không biết thật hư ra sao, nhưng càng nhìn kỹ càng thấy thiếu niên giống hệt Tạ Văn.

Vân Nhạc thấy Lôi Thiếu Thiên cứ nhìn mình luôn và sắc mặt thay đổi khác thường, chàng cũng nhìn lại Tiếu Thiên mỉm cười gật đầu chào, trong lòng cũng hồ nghi, nghĩ thầm:

- Tên Lôi Tiếu Thiên này lạ thật, cứ nhìn mình luôn luôn như thế làm gì? Hay là y đã nhận ra khuyết điểm gì của mình chăng?

Bụng nghĩ như vậy Vân Nhạc vẫn tỏ vẻ điềm tĩnh nâng chén lên mời.

Hạ Hầu lão tiêu đầu thấy Lôi Tiếu Thiên cứ ngắm nhìn ông giáo họ Tạ, liền vuốt râu cười nói:

- Lôi lão đệ chớ có coi Tạ tiên sinh ít tuổi, ông ta tài cao học rộng lắm đấy. Tất cả văn kiện của tiêu cục này đều do ông ta viết cả, văn chương cao thâm, chữ viết rất đẹp.

Lôi Tiếu Thiên ha hả cả cười, rồi nói:

- Tôi cũng nhận thấy Tạ tiên sinh thần thái hơn người, ôn văn nho nhã, mới phải ngắm nhìn mấy lần như vậy.

Mấy lời đó giấu giếm những hành động ngờ vực của ông ra rất khéo.

Tiệc xong, Tạ Vân Nhạc cáo mệt về phòng trước.

Lôi Tiếu Thiên nói với Từ Đông Bình và Hạ Hầu Hàm rằng:

- Tiểu đệ thấy Tạ tiên sinh tiềm tàng không lộ liễu, chắc là người hoài bão tuyệt học. Tại sao Hạ Hầu huynh bấy lâu nay mà không hay biết gì? Có lẽ khỉ già coi trật rồi.

Hạ Hầu Hàm đáp:

- Người ta là văn sĩ, có cái gì khả nghi nào? Nếu quả thật đúng như lời nói của huynh ông ta là người hoài bão tuyệt học thì hà tất phải làm thầy giáo quèn ở trong tiêu cục này làm gì? Hay là huynh cho ông ta tới đây để tỵ nạn chăng? Nếu thật thế thì thiếu gì nơi tỵ nạn, ông ta hà tất phải ẩn núp ở chốn tiêu cục đông người ra vào thế này? Không sợ kẻ thù phát giác hay sao?

Từ Đông Bình cũng lên tiếng nói:

- Đúng như lời nói của chú Tiếu Thiên, tôi cũng nhận thấy người này khả nghi lắm. Cứ xem đôi mắt của y ẩn hiện thần quang thì đủ biết y là người hoài bão võ học rất cao. Nhãn quang của Tạ tiên sinh khiến ai trông thấy cũng phải sờn lòng, chỉ có thế thôi, chớ không có điểm gì khác cả. Nếu nói y tuổi chưa đầy hai mươi mà có thể luyện tới mức nội liệm hết tinh hoa anh khí thì khó thể tin được. Nhưng bất cứ điều đó hư thực thế nào, chúng ta không cần để ý tới, chúng ta chỉ biết ông ta là người chính nhân quân tử không phải lo ngại, đề phòng tới y luôn và có thể làm bạn với y là được rồi. Còn quả thật y hoài bão võ công tuyệt học mà giấu giếm chúng ta thì chắc y có một nỗi khổ tâm gì đó không thể lộ liễu ra được cũng nên?

Lôi Tiếu Thiên tít mắt cười nói:

- Lần này tên Hoằng Nhất tới miền tây này tầm thù, tuy nhiên lợi hại thật. Nhưng có một mình y, chưa chắc đã là gì nổi được Lôi Tiếu Thiên này. Chỉ sợ y còn có tay cao thủ khác đi với hay tới đây trước y mới là một điều đáng lo ngại. Từ khi đệ trông thấy Tạ tiên sinh thì bao điều lo âu đã tiêu tan hết. Đệ chắc ông ta thế nào cũng ra tay giúp ngầm chúng ta. Lão khỉ già, huynh đã gặp may rồi đấy. Nếu không tin, huynh có dám đánh cuộc với đệ không?

Hạ Hầu Hàm nghe thấy Tiếu Thiên nói như vậy, trong lòng bán tín bán nghi.

Chớ có thấy Lôi Tiếu Thiên tánh hay khôi hài, chuyện gì cũng nói như hư như thực, nhưng y không đem chuyện của Truy Hồn Phán Tạ Văn ra nói cho mọi người hay là y biết, nếu Tạ Vân Nhạc là dòng dõi thật, sở dĩ chàng giấu giếm như vậy là muốn dò thám kẻ thù giết cha chàng năm xưa. Mà nay y nói toạc chuyện bí mật ra tất gây phong ba lớn trong giang hồ và chính y cũng bị phiền não lây. Hoặc là vì thế mà Tạ Vân Nhạc thù hằn y thì sao? Y khôn ngoan hơn người mới biết cư xử như vậy.

Từ Đông Bình nói:

- Từ ngày mai trở đi, thấy Tạ tiên sinh chúng ta nên đối đãi như ngày thường, chớ có thái độ khác khiến ông ta sinh nghi thì bất tiện đấy.

Lôi Tiếu Thiên chỉ mỉm cười chớ không nói gì nữa.

Mấy ngày liền, Càn Khôn Thủ Lôi Tiếu Thiên vào trong thư phòng kiếm Tạ Vân Nhạc chuyện trò, hai người thấy rất ý hợp tâm đầu.

Tần Lãnh Dật Tú ở trong võ lâm có tiếng là tài tử nên xây riêng một thư phòng bốn bên tường đều xếp đầy đồ thư, hằng ngày chỉ thích thú đọc sách. Lôi Tiếu Thiên là đệ tử duy nhất của Dật Tú, vì ảnh hưởng sư phụ cũng có đôi chút học vấn, cầm kỳ thi họa đều tinh xảo, thường hay tự phụ lập luận cao siêu, lại thêm tính khôi hài, ăn nói văn nhã và châm biếm nên Tạ Vân Nhạc mến y lắm.

Tạ Vân Nhạc đã nhận xét thấy Lôi Tiếu Thiên văn võ toàn tài lại ôn hòa, dần dần kết thành bạn chí thân. Suốt ngày hai người chỉ trò chuyện tới những thần thoại trong văn lâm chớ không nói nửa câu võ công nào.

Mỗi khi hai đứa trẻ Hạ Hầu vào trong thư phòng bắt gặp Lôi Tiếu Thiên là đòi dạy mấy thế võ độc đáo ngay. Có khi Lôi Tiếu Thiên vui lòng ngẫu nhiên lộ một miếng nửa thế võ, mục đích để thăm dò xem Tạ Vân Nhạc có biết võ không? Nhưng Vân Nhạc trợn tròn đôi mắt ngạc nhiên rồi nói:

- Ngày hôm nay đệ mới được sáng mắt ra. Như vậy đủ thấy trong ngũ hồ tứ hải không thiếu gì chuyện kỳ lạ có khác? Quả thật lần đầu tiên đệ được mục kích tài ba không tiền khoáng hậu này, y như các vị hiệp nghĩa Cầu Diễm Công, Không Không Kiếm Khách trong tiểu thuyết kiếm hiệp vậy!

Lôi Tiếu Thiên thấy chàng giả bộ rồng giống rồng, giả bộ hổ y như hổ, hàm súc cao thâm thế này thật ít người sánh bằng.

Một hôm, Lôi Tiếu Thiên lại tới thư phòng chuyện trò tri kỷ với Tạ Vân Nhạc, đang cao hứng đàm luận không biết hữu ý hay vô tình, Lôi Tiếu Thiên bỗng sắn tay áo lên tận cánh tay, chống đầu cười nói. Tạ Vân Nhạc trông thấy từ cổ tay tới khuỷu tay của Tiếu Thiên có một vết thẹo đao thương màu tía hồng, liền kinh hãi hỏi:

- Vết thương nặng thế này huynh bị từ hồi nào thế?

Lôi Tiếu Thiên thở dài một tiếng:

- Tạ hiền đệ muốn hỏi lai lịch của vết thương này. Lôi mỗ xin tường thuật tức thì. Hai mươi năm trước đây, Lôi mỗ mới bước chân vào giang hồ không bao lâu, đi qua Bá Linh, vì sự bất bình gây hấn với Thiểm Nam Tứ Nghĩa, giao chiến nửa ngày. Sau vì thế cô, Lôi mỗ mới bị con dao tẩm độc chém phải khuỷu tay này, lúc ấy máu chảy lai láng, độc ăn sâu vào trong da thịt, nguy hiểm vô cùng. May được nghị thúc Tạ Văn kịp thời cứu chữa cho, mỗ mới khỏi chết. Tạ nghị thúc giang hồ tôn hiệu cho là Truy Hồn Phán, võ học tuyệt thế, thấy Tứ Nghĩa không theo quy luật giang hồ bốn người đánh một như vậy liền nổi giận đi kiếm Tứ Nghĩa.

Chỉ trong chớp mắt Tạ nghị thúc đã giết chết ba người và đả thương một người. Không ngờTứ Nghĩa lại là đệ tử đời thứ ba của phái Cùng Lai, tên đệ tử bị thương chạy về đặt điều gây thị phi. Từ đấy phái Cùng Nam thù hằn Tạ nghị thúc, thề phải diệt trừ được ông ta mới thôi. Có nhiều lần chúng đón đường đánh trộm nhưng không làm gì được Tạ nghị thúc. Ông ta là ân sư và cũng là bạn tốt của mỗ, dạy bảo điều hay lẽ phải cho mỗ rất nhiều, sau đó mỗ còn được gặp ông ta mấy lần.

Mười mấy năm trước đây, nghe đồn Tạ nghị thúc lưng cõng con nhỏ, đi qua Tam Xương bị mười mấy hảo thủ của các phái chánh tà tập kích ngầm, bị thương nặng rồi chết. Như vậy đủ thấy giang hồ ân oán thị phi, rất khó phán đoán minh bạch. Bây giờ ông ta đã là người thiên cổ rồi, mỗi lần tôi thấy vết thương này là ngh

/29

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status