Đi Xuyên Hà Nội

Chương 30 - Chuyện Đỏ Đen Ở Hà Nội

/36


Nhận xét về đặc tính chung của người Việt, trong Việt Nam lược sử, sử gia Trần Trọng Kim cho rằng dân Việt Nam có tính máu mê cờ bạc. Trong Việt Nam văn hóa sử cương, học giả Đào Duy Anh cũng nhận xét tương tự. Chuyện đỏ đen diễn ra khắp nơi, song nhiều nhất vẫn là ở Thăng Long-Hà Nội...

Lịch sử ghi chép lại nhiều ông vua ở các triều đại phong kiến Việt Nam là bậc minh quân với bầy tôi hiền, lấy dân làm gốc để vi quốc song cũng không thiếu các ông vua sống xa hoa, ham cờ bạc, dung túng quan tham khiến quan liêm và dân chúng oán hờn. Trong số các ông vua ấy phải kể đến Trần Dụ Tông (1336-1369). Là ông vua thông tuệ, học vấn cao minh, Trần Dụ Tông chăm lo việc võ, sửa sang việc văn khiến các di thần đều phục. Đời Thiệu Phong (niên hiệu đầu tiên của Dụ Tông) chính sự tốt đẹp. Thế nhưng càng về sau càng đổ đốn, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Trần Dụ Tông họp các nhà giàu ở làng Đình Bảng, làng Nga Đình ở Quốc Oai vào cung đánh bạc làm vui, một tiếng bạc đặt 300 quan, ba tiếng thì đặt gần 1000 quan”. Để có tiền ăn chơi và đánh bạc, Dụ Tông cho đúc đồng Thiệu Phong thông bảo, theo giá trị truyền thống vào thời đó, 1 lạng bạc bằng 1 quan, 1 quan bằng 10 tiền và bằng 690 đồng, như vậy một tiếng bạc của Dụ Tông tương đương với 300 lạng bạc. Nếu quy đổi 300 lạng bạc ra tiền đồng ngày hôm nay thì đó là một số tiền vô cùng lớn. Việc Dụ Tông làm bậy, biến cung đình tôn nghiêm thành chỗ chơi bạc đã đi ngược lại tâm đức của các vua Trần trước đó vốn nghiêm khắc với trò đỏ đen. Năm 1269, quan thượng phẩm Nguyễn Hưng tụ tập bọn nha lại đánh bạc trong tư dinh, việc bị phát giác, vua Trần Anh Tông (1271-1314) sai vệ úy đánh chết Nguyễn Hưng còn bọn tòng phạm bị phạt nặng. Sách Việt sử tiêu án đã phê phán Trần Dụ Tông: “Làm vua một nước mà mở sòng bạc để lấy hồ thật đáng bỉ”. Còn Đại Việt sử ký toàn thư dẫn lời sử gia Phan Phu Tiên: “Dụ Tông công nhiên làm bậy, gọi những nhà giàu vào cung đánh bạc để rồi sau người trong nước bắt chước cái dở ấy không thể ngăn cấm được nữa cuối cùng vì tệ đánh bạc mà mất nước”. Vì quá ham mê chơi bời và bài bạc nên Dụ Tông mất năm 34 tuổi. Sau khi ông mất, bão táp trong cung đình nhà Trần nổi lên vì bà Hoàng thái hậu nhất định đòi lập người con nuôi của Cung Túc Vương là Dương Nhật Lễ. Nhật Lễ lên ngôi vua muốn cải họ Dương để dứt ngôi nhà Trần nên đã giết Hoàng thái hậu và Cung Định Vương, Cung Tĩnh Vương sợ hãi phải trốn lên Đà Giang. Các tôn thất nhà Trần hội nhau khởi binh giết chết Nhật Lễ rồi lên Đà Giang rước Cung Tĩnh Vương về làm vua (là Trần Nghệ Tông).

Sau khi đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi Đại Việt, Lê Lợi lên ngôi năm 1428, một năm sau nhức nhối vì tệ nạn đánh bạc từ kinh đô lan ra khắp nơi làm suy đồi đạo đức, Lê Thái Tổ đã ra chỉ dụ, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Ra lệnh cho các quan kinh đô và các lộ, huyện, xã rằng, kẻ nào du thủ du thực đánh cờ đánh bạc thì quan ty, dân binh bắt để trị tội. Kẻ đánh bạc thì chặt năm ngón tay, đánh cờ chặt một ngón”. Đến đời vua Lê Nhân Tông (1441-1459), Lê Nhân Lập là con của Thiếu úy Lê Lan cùng bọn người xấu trong thành là Nguyễn Thọ Vực họp nhau đánh bạc, trộm cướp. Trước những việc làm bậy bạ, triều đình đã cho quân đến nhà Vực, dụ Lập và đồng bọn ra rồi chém thẳng tay khi bọn chúng đang đánh bạc ở nhà Vực. Trong 24 điều huấn của Lê Thánh Tông, điều đầu tiên là “Cha mẹ dạy con phải dùng khuôn phép hợp với lẽ phải: Con trai, con gái đều dạy cho có nghề nghiệp, không được để buông tuồng, đắm đuối vào cờ bạc...”

Đến triều vua Tự Đức, dù cấm song cờ bạc vẫn tràn lan từ thôn quê đến thị thành khiến nhiều nhà Nho yêu nước đau xót. Trong Phú Tài bàn, Nguyễn Thiện Kế, một trong những lãnh tụ của nghĩa quân Bãi Sậy, đã than về nạn đánh tài bàn: “Thím khách, cô Tây, bác thông cậu ký, thầy giáo, thầy Nho, cụ tổng cụ lý; ông cả, bà lớn, bố cu, mẹ đĩ; đến cả sãi chùa, cùng đàn trẻ bé; rằng buồn ông chơi, thấy vui cháu ké. Than ôi!”. Sau khi chiếm thành năm 1882, sang năm 1883, để có nguồn thu, chính quyền Pháp cho phép mở các cửa hàng bán thuốc phiện, tiệm hút và sòng bạc ở Hà Nội để thu thuế. Trúng thầu không ai khác ngoài Hoa thương. Bài ca khuyên răn cờ bạc xuất bản năm 1921 bằng chữ Nôm có câu:

Bỏ tài bàn đố chữ đi thôi

Tổ tôm xóc đĩa sợ rồi...

Tài bàn, tổ tôm, xóc đĩa vốn là bài lá có từ lâu nhưng đố chữ là trò chơi lần đầu xuất hiện. Người Pháp gọi là toóng sít bết (Le jeu des 36 bêtes). Đố chữ chỉ có ở Hà Nội vì trò này cần phải biết chữ Hán lại phải nơi đông đúc để thu hút người chơi. Phố Hàng Buồm có một sòng đố chữ, chủ là Hoa kiều tên Vầy, gốc Quảng Đông. Sáng ra ông Vầy cho treo bảng viết một câu thơ Trung Hoa cổ có bảy chữ bằng mực trước cửa nhà nhưng bỏ trống một chữ. Bên cạnh treo bảng có 36 chữ để người chơi lựa chọn và điền vào chữ bỏ trống. Người chơi đặt bao nhiêu tùy thích nếu trúng được gấp 36 lần. Và người chơi cũng không cần lên Hàng Buồm, gần như mỗi phố đều có một người “đại thu” (giống như đại lý cho chủ đề bây giờ). Kẻ không biết chữ nghĩa, thơ phú thì hóng hớt đặt tiền theo kẻ biết và vì bí mật nên đố chữ lôi kéo rất đông cả đám mũ cao áo dài. Buổi chiều, đến giờ công bố giải, sòng đánh một hồi trống rồi mở cái cuốn chữ treo trước cửa. Và từ đây kết quả lan ra khắp thành phố, kẻ cười người tiếc vì đoán sát sàn sạt, lại có kẻ mếu máo cho số mình đen đủi nên đi cầu thánh, cầu tiên, ăn chay nằm mộng, lễ gốc đề gốc đa, lễ ma xó để mong đoán trúng chữ. Nhưng người chơi không biết chủ sòng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, họ thay đổi chữ nếu thấy nhiều người đoán đúng và người chơi dù biết chữ đó không hợp cũng không thể kiện lên quan Pháp. Vì thế Bài ca khuyên răn cờ bạc khuyên dân Việt không nên chơi đố chữ vì trò này làm giàu cho Hoa kiều. Khi đố chữ không còn thu hút nữa thì chủ sòng xoay sang trò đố con vật. Họ đưa ra bảng có tên 36 con vật ở dưới kèm theo câu thơ ngắn được phiên ra âm Việt, ví dụ con gà họ ra thơ như sau:

Không chồng mà đẻ mới ngoan

Có chồng mà đẻ thế gian sự thường

Cách chơi cũng na ná như chơi đố chữ, ai đoán trúng được gấp 36 lần số tiền bỏ ra.

Một trò khác cũng thu hút khá đông những người mê đen đỏ là sòng phán thán nôm na là xóc đĩa hay đơn giản là chơi chẵn lẻ. Chủ sòng đồng thời cũng là nhà cầm cái cũng hầu hết là Hoa kiều, họ nộp thuế cho thành phố vì thế sòng mở cả ngày đêm. Trò này phần thắng thường thuộc về nhà cái vì họ trường vốn. Tuy nhiên rất nhiều người thích chơi tổ tôm, tài bàn nên xuất hiện khá nhiều nhà gá bạc lậu. Chủ nhà lo chỗ ngồi, nước thuốc, ăn uống, đảm bảo an toàn. Cứ mỗi ván ù thì người ù phải trả cho nhà cái một khoản gọi là cắt hồ vì thế mới có câu “Thứ nhất gột cá, thứ nhì gá bạc”. Thời Pháp thuộc, Mã Mây nổi tiếng là phố gá bạc, chủ chứa gồm cả người Hoa lẫn người Việt. Họ nộp tiền bảo kê cho cảnh sát. Khách chơi không chỉ người trong phố mà còn là các ông chánh tổng hay lý trưởng ở quê ra mua sắm cho làng ghé vào, cánh buôn nước mắm Nghệ An ra Hà Nội cũng có ông hết tiền về đành ở lại Hà Nội làm “bạt tê” (phu khuân vác) trong chợ Đồng Xuân. Ngày quốc khánh Pháp (14-7), chính quyền cho đánh thỏa mái không bắt phạt vì thế cả thành phố chỗ nào cũng có đám bạc, riêng phố Mã Mây, bàn đánh bạc kê ra cả vỉa hè. Nhiều người thua đã mất hết gia sản, Hà Nội báo năm 1936 có bài viết về ông Nguyễn Thành Khanh ở phố Cầu Gỗ phải gán nhà, vợ con ra sống gầm cầu Long Biên còn ông nhảy cầu Long Biên tự tử. Cũng có người thua bạc phải gán con gái làm lẽ cho các ông già, lại có kẻ gán cả vợ. Ngoài bãi sông Hồng, dân lao động nhập cư ít tiền nên chơi cò con nhưng khối kẻ nợ nhà cho vay lãi không giả được lao xuống sông Hồng. Cũng trong những năm 1930, nhiều nhà ở phố Hàng Bông, Hàng Gai mua ô-tô kinh doanh, chở đám hỏi, đám cưới, đi lễ và đưa người từ các tỉnh về đánh chắn, tổ tôm ở các sòng lậu của Cả Sinh, Ba Vê. Những năm này, phố Khâm Thiên không chỉ nổi tiếng về cô đầu mà còn là phố có nhiều sàn nhảy. Nhiều nhà văn, nhà báo ra đây hát cô đầu, uống rượu, hút thuốc phiện và đánh bạc bằng bài Tây. Kiểu đánh lần đầu xuất hiện ở đây nên người ta gọi là chơi KT (Khâm Thiên). Mỗi người chơi được chia bốn cây, hai cây đầu lật ngửa, ai chấp nhận chơi tiếp thì người cầm cái mới chia nốt hai cây, người không theo sẽ phải mất tiền một khoản tiền (do người chơi thống nhất từ đầu) còn người chơi tiếp, nếu thua sẽ phải trả số tiền mà nhà cái đưa ra. To nhất là át, tiếp theo là K, Q, J... nhỏ nhất là 2 và chất lớn nhất là cơ rồi đến rô, bé nhất là nhép, ví dụ cùng đôi át nhưng đôi có át cơ to hơn đôi át có chất rô. Với bài lẻ (tức là không có đôi, ba hay tứ quý), người có quân to nhất thì người đó thắng. Nếu bài có bốn quân cùng chất sẽ thắng bài lẻ. Ván nào có tứ quý thì người có tứ quý sẽ cầm cái và nhà cái có quyền đưa ra mức tiền cho làng theo. Năm 1952, ở chiến khu Việt Bắc, thanh niên Hà Nội đi kháng chiến chán trò tú lơ khơ đã nghĩ kiểu chơi mới gọi là Tiến lên, trò này dễ chơi và vui nên nhanh chóng lan ra khắp Việt Bắc. Người thua bị bôi nhọ nồi lên mặt hay bị búng tai và phải chia bài. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lúc chờ mệnh lệnh tấn công một số chiến sĩ vẫn chơi Tiến lên như hình thức giải tỏa áp lực chiến trường.

Sau 1954, cờ bạc bị cho là tệ nạn xã hội phải loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội, kẻ chứa lẫn người đánh nếu bị bắt sẽ chịu án tù. Ai cũng biết “Cờ bạc là bác thằng bần/Cửa nhà bán hết đưa chân vào cùm”. Song đến đầu những năm 1970, một số thanh niên Hà Nội ham cờ bạc vẫn chơi KT và rồi trò này mất hẳn, thay KT họ chơi rút xì, ba cây. Và cũng thời kỳ, mỗi tiểu đội đi B được phát một bộ bài cho chiến sĩ chơi Tiến lên.

Vào những năm 1984, Hà Nội xuất hiện trò đánh đề, cũng không rõ lan từ miền Nam ra hay từ Trung Quốc sang. Lại có cả thơ cổ súy cho môn cờ bạc này:

Ai ơi chớ bỏ số đề

Sáng đi một chục tối về bảy mươi

Kết quả đề là hai số cuối của giải xổ số độc đắc (sau này họ nghĩ ra nhiều kiểu khác nhưng cũng vẫn dựa vào kết quả xổ số). Và cũng không biết từ năm nào sinh ra thơ đề, người đánh căn cứ vào thơ đề rồi luận ra mình sẽ đánh con gì. Năm 1993, tôi xuống Tam Điệp viết bài về xẻ núi tìm kho báu. Chuyện về kho báu này rất ly kỳ, chính tỉnh Ninh Bình khi đó đã làm công văn xin chính phủ cho khai quật và Thủ tướng Võ văn Kiệt đã đồng ý. Về gốc tích của kho báu có hai câu thơ:

Giờ Ngọ lên đỉnh Núi Chùa

Bóng đâu đào đấy ắt là có ăn

Một đại đội công binh đã xẻ đôi Núi Chùa nhưng cũng chẳng tìm thấy gì. Trở về Hà Nội, tôi đọc hai câu thơ đó cho một anh đánh “cò con” ở phố Quang Trung. Anh luận giờ Ngọ tức từ 11 đến 1 giờ, thế là anh đánh con 11, 12 và 01 mỗi con một chục. Chiều hôm đó đề về 12, trừ vốn anh cũng kiếm được 670.000 đồng. Ngày hôm sau anh lại nằn nì tôi nhớ thêm câu thơ nào về kho báu Núi Chùa đọc cho anh đánh. Tôi nhớ ra câu về ăn chia:

Tìm được phải chia làm ba

Nhà nước và xã còn ta một phần

Anh luận chia ba tức là 30, để chắc ăn anh đánh cả số lộn là 03, anh xuống tiền mỗi con 400.000 đồng. Chiều đề về 64, tôi chạy mất dép, vài tháng sau mới dám quay lại nhà anh. Người đánh thua nhiều hơn trúng nên có thơ khuyên “Đánh đề ra đê mà ở”, nhưng chiều chiều cứ nghe thắng bé rao bán kết quả xố số “chết cả đây” mua một tờ rồi ngẩn ngơ “giá như”.

Dù xuất hiện số đề nhưng trên hè phố vẫn có các đám cờ bạc cò con. Năm 1986, trước cổng Thư viện Khoa học xã hội ở phố Lý Thường Kiệt lúc nào cũng có vài đám bạc sinh viên đánh Tiến lên ăn tiền. Công an bắt nhưng mục đích họ chỉ thu tiền nên nắm tay rất hờ “con bạc” có ý cho chạy nhưng các cậu không hiểu ý cứ để cho họ dẫn về đồn. Trên đường đi, anh công an ghé tai “mày muốn thông báo về trường à”, lúc đó mới hiểu ý vùng chạy. Thư viện Quốc gia cũng là nơi đánh bạc của sinh viên, từ ba cây, xóc đĩa đến Tiến lên, có sinh viên máu mê cờ bạc khi đó bây giờ thành đại gia.

Sang những năm 1990 xuất hiện môn bài mới là tá lả. Cái tên cũng cho thấy nó xuất xứ từ Trung Quốc do dân buôn sang đánh hàng “nhập khẩu”. Và nó lan truyền nhanh chóng, không chỉ thường dân mà một số cán bộ cũng rất thích môn này.

_________________

/36

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status