Đi Xuyên Hà Nội

Chương 28 - Ngõ Hà Nội

/36


Trước khi người Pháp nhúng tay vào quy hoạch Hà Nội cuối thế kỷ XIX theo kiểu phương Tây thì đô thị này phát triển tự phát không theo một trật tự nào. Bản đồ Hà Nội do Phạm Đình Bách vẽ năm 1873 cho thấy thời vua Tự Đức, Hà Nội còn nhiều hồ ao, các phố (chỗ bán hàng của các phường nghề) cong queo, trục đường chính đi lại giữa những phường nghề nối ra phố cũng không mấy thẳng.

Năm 1884, công sứ Bonnal quyết định cải tạo Hà Nội, việc đầu tiên ông ta cho làm đường xung quanh hồ Gươm và lên kế hoạch xây tòa đốc lý (nay là UBND thành phố Hà Nội), bưu điện, phố Tràng Tiền, Bắc Bộ phủ... ở phía đông hồ. Giữa bưu điện và tòa đốc lý làm vườn hoa dành riêng cho người Pháp vui chơi. Năm 1888, Hà Nội trở thành thành phố nhượng địa thì chính phủ bảo hộ đã đưa kiến trúc sư từ Pháp qua quy hoạch tổng thể và chi tiết với chủ trương chia Hà Nội thành hai khu vực riêng biệt. Với khu vực “36 phố phường”, họ cho nắn thẳng các phố tên Hàng, nhà dân trong khu vực này sửa sang hay xây mới phải theo đúng chỉ giới do thành phố cắm mốc. Họ cho làm vỉa hè, đào cống ngầm và hệ thống rãnh thoát nước, các đường nhỏ cũng trở thành phố, phá bỏ đê phụ (từ Nguyễn Hữu Huân đến Lý Thái Tổ hiện nay) khiến khu vực này có mang dáng dấp như phố ở phương Tây. “Ba sáu phố phường” vốn là đất Kẻ Chợ, nên đất chật người đông lại là nơi dễ kiếm tiền vì thế giá đất rất đắt. Cuối đời vua Tự Đức, đất trống chả còn bao nhiêu nên khi thành phố thực hiện quy hoạch thì khu vực này cũng rất ít ngõ có tên, tất cả chỉ trên một chục như: Yên Trung (phố Hàng Giầy), Gia Ngư (phố Hàng Đào), ngõ Hàng Khoai I, Hàng Khoai II (phố Hàng Khoai), ngõ Hàng Đậu (phố Hàng Đậu), Hàng Hương (Lý Nam Đế qua Phùng Hưng)... Tuy nhiên ngõ đánh theo số nhà thì khá nhiều vì trước đó là ngách nhỏ của các làng. Với các ngõ có tên, Sở Lục lộ quy định “chiều ngang phải đủ để xe tang ra vào”. Theo thời gian nhà cửa ở các ngõ thay đổi nhưng đến nay chiều rộng cơ bản vẫn không thay đổi.

Bên cạnh quy hoạch khu “36 phố phường”, chính quyền thành phố cũng tiến hành xây khu phố hoàn toàn mới (hay còn gọi là khu phố Pháp) ở phía nam hồ Gươm. Họ đền bù cho dân các làng, sau đó làm sẵn đường, vỉa hè, hệ thống thoát nước, đặt tên phố rồi mới bán. Tuy nhiên diện tích lô nhỏ nhất là 300m2nên chỉ người lắm tiền nhiều của mới mua được. Và chủ đất muốn xây bắt buộc phải theo quy định, ví dụ khoảng cách từ hàng rào ra mép vỉa hè phải là 7 mét, chiều cao phải tỷ lệ thuận với chiều rộng của đường cùng rất nhiều những quy định khác. Vì khu phố hoàn toàn mới nên ngõ có tên và ngõ đánh theo số cũng rất ít. Các phố Đồng Khánh (nay là Hàng Bài), Gia Long (nay là nửa đầu phố Bà Triệu), Tràng Tiền... không có ngõ có tên. Phố Carreau (nay là Lý Thường Kiệt) chỉ có ngõ Lý Thường Kiệt, phố Gambetta (nay là Trần Hưng Đạo) dài hơn cây số cũng chỉ có ba ngõ gồm: Tức Mạc, Hà Hồi và Vạn Kiếp; phố Rollandes (nay là Hai Bà Trưng) có ngõ Hai Bà Trưng và Hàng Thịt... Nói chung ngõ có tên rộng hơn ngõ đánh số. Ngõ không tên được chính quyền bắt đầu đánh số khi Hà Nội trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương năm 1902. Song sau năm 1954, Hà Nội xuất hiện thêm nhiều ngõ số, nguyên nhân là trong thiết kế chủ nhà dành một phần đất làm lối đi vào bên trong (thiết kế như vậy để tránh đi qua cửa hàng), sợ bị quy thành phần tư sản, họ đã cho dân không nhà ở nhờ nên từ một số nhà chỉ có một chủ giờ trở thành nhà nhiều chủ và lối đi vào gian trong trở thành ngõ của các hộ ở nhờ.

Thời vua Tự Đức (1847-1883) các làng ở phía nam và phía Tây bắc thuộc đất của tỉnh Hà Đông. Khi Hà Nội thành nhượng địa, chính quyền bảo hộ mở rộng các con đường sẵn có với khu vực xung quanh để thuận lợi cho các hoạt động quân sự và phát triển kinh tế. Đường Thiên lý qua các làng Tương Mai, Hoàng Mai, Hồng Mai, Bạch Mai... được mở rộng trở thành phố. Đầu những năm 1920, đô thị hóa tự phát ở các làng này diễn ra rất mạnh. Nguyên nhân là nội đô quá chật chội, giá đất lại cao trong khi đất các làng ngoại ô còn rộng, giá lại rẻ nên nhiều người mua lập cơ sở sản xuất, để ở, có người mua mở cửa hàng buôn bán. Đô thị hóa tự phát dẫn đến các ngõ vào làng trở thành ngõ phố. Theo bản đồ thành phố in năm 1960, phố Bạch Mai có 25 ngõ trong đó có 22 ngõ có tên và 3 ngõ là số. Phố Khâm Thiên có tới 32 ngõ và chỉ 2 là số còn lại là ngõ có tên. Ngõ Chợ, ngõ lớn nhất của phố Khâm Thiên nhưng trong ngõ này lại có 23 ngõ với 9 ngõ có tên. Phố Nam Đồng có 14 ngõ... Nếu tính tổng số ngõ có tên xuất xứ từ ngõ làng thì 3 quận nội thành cũ gồm: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình có khoảng 150 ngõ.

Ngõ Hà Nội có nhiều chuyện. Ngõ Phất Lộc chủ yếu dân họ Bùi tỉnh Thái Bình, một người trong họ này xem bói thầy phán nếu lên Thăng Long lập nghiệp sẽ thành đạt. Thế là một số nhà dắt díu nhau lên sau đó nhiều nhà lên theo. Ngõ Hài Tượng trước khi thành ngõ là đất hoang, khi những người thợ làm giầy từ Hải Dương lên ở đây lập xóm nên có tên là Hài Tượng. Ngõ Ăn Mày (nay là ngõ Đoàn Kết, phố Khâm Thiên) xưa là khu đất hoang, tối tối vài chục gia đình ăn mày dựng lều nấu ăn và tạm ngủ ở đây nên khi thành ngõ dân phố gọi là ngõ Ăn Mày. Phố Bạch Mai có ngõ Lò Lợn vì có nhiều gia đình làm nghề mổ lợn, thậm chí ở phố này còn có ngõ mà dân đặt là ngõ Chuồng Xí, lý do trong ngõ có bãi đất hoang, sáng sớm người lớn và trẻ con ra đây ị... Phố Trương Định có ngõ Trại Cá, sở dĩ có tên này vì dân gột cá ở Hà Nam lên quây quần ở đây. Ngõ Đào Duy Từ (nối từ phố Tạ Hiện sang phố Đào Duy Từ), xưa gọi là ngõ Sầm Công, nơi trú ngụ của Hoa kiều. Khi giặc Thanh bị quân Quang Trung vây ép ở đồn Khương Thượng, viên tướng Sầm Nghi Đống phải tự thắt cổ tự tử thì Hoa kiều lập đền thờ viên tướng xâm lược này. Sách Việt Nam lược sử của Trần Trọng Kim viết: “Về sau bọn khách trú ở Thăng Long làm cái đền thờ Sầm Nghi Đống ở ngõ Sầm Công, sau Hàng Buồm, nữ sĩ Hồ Xuân Hương có bài vịnh tuyệt cú mèo rằng:

Ghé mắt trông ngang thấy biển treo

Kìa đền Thái Thú đứng cheo leo

Ví đây đổi phận làm trai được

Thì sự anh hùng há bấy nhiêu”.

Đền này hiện không còn nhưng vẫn còn chỗ để bát hương và mồng Một ngày rằm dân phố vẫn hương khói. Tốn nhiều giấy mực của kẻ viết lách có lẽ là ngõ Tạm Thương, người cho ngõ này xưa kẻ bị bệnh phải nằm tạm ở đây trước khi đưa vào chữa ở nhà thương Phủ Doãn nên gọi là Tạm Thương. Có người giải thích thời vua Minh Mạng ngõ có kho tạm trữ thóc thu thuế của nông dân trước khi chuyển vào kho chính trong thành nên mới có tên Tạm Thương. Song lại có giải thích khác, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, ngõ có nhiều nhà thổ và tối tối lính Pháp ở trong thành mò ra đây giải khuây. Không chỉ có lính Pháp, đàn ông Việt Nam trốn vợ lên đây gặp các em gái quê mười bảy mười tám mơn mởn, hú hí xong ra về cũng thấy nhơ nhớ các em ngực căng tròn nên các ông rủ nhau “hư hỏng” nói lóng là đi Tạm Thương. Còn câu “Trai ngõ Trạm, gái Tạm Thương” thì cũng có vài cách cắt nghĩa [1]. Nhà thơ Chế Lan Viên có vẻ khá hiểu ngõ này khi viết:

Sương giăng mờ trên ngõ Tạm Thương

Ngõ rất cụt mà lòng xa thẳm

Ngõ bẩy thước mà lòng muôn dặm

Thương một đời dâu phải tạm thương

Trước 1954, rất nhiều trí thức, công chức cao cấp hay tầng lớp trung lưu thích sống ở các ngõ khu phố Pháp vì yên tĩnh, thưa dân. Bác sĩ Trần văn Lai, Thị trưởng người Việt Nam đầu tiên của Hà Nội (từ 7-1945 đến 8-1945) sống ở ngõ Tức Mạc. Ngõ này trước tên là Tân Hưng, khi ông Lai làm Thị trưởng, việc đầu tiên ông cho giật đổ nhiều tượng mang tính “thực dân” trong đó có Nữ thần Tự do (dân gọi tượng Bà đầm xòe), ở vườn hoa Cửa Nam, tượng công sứ Paul Bert ở vườn hoa Paul Bert (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ); vườn hoa Robin ông cho đổi thành Chi Lăng (nay và vườn hoa Lênin)... Việc thứ hai ông xóa bỏ phố mang tên người Pháp thay bằng tên anh hùng danh nhân trong lịch sử. Ông lấy tên Tức Mạc (vốn ở Phủ Thiên Trường thời nhà Trần) đặt cho ngõ Tân Hưng. Ngõ Dã Tượng (phố Dã Tượng), cũng có nhiều công chức làm việc ở tòa án đã mua hoặc thuê ở đây đi làm cho tiện. Và đặc biệt ngõ Hà Hồi có rất nhiều nhà tư sản và công chức cao cấp người Pháp. Nói chung các ngõ này sang trọng, người lạ vào lần đầu có chút ái ngại.

Nếu cộng chiều dài của ngõ có tên và ngõ số ở 4 quận nội thành cũ thì dài hơn chiều dài của các con phố cộng lại. Và dân sống trong các ngõ cũng đông hơn nhiều so với số dân ở mặt phố. Phần lớn dân ngõ làng lên ngõ phố là cùng làng, dây mơ dễ má với nhau, họ chăm chỉ, thuần tính. Nhưng sau 1954 và cho đến đầu thế kỷ XXI, ngõ chật chội hơn, dân đông hơn. Nhiều người lầm tưởng sống ở trong ngõ lắm thành phần nên phức tạp nhưng không phải như vậy. Câu “hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau” là đúng với dân ngõ, rất khó có thể vay gạo, xin tí muối ở các khu chung cư hay dân hàng phố nhưng việc đó lại rất dễ ở đây vì “đồng cảnh tương lân”, chỉ có người nghèo mới sống trong ngõ. Họ mang đậm nét thị dân là tình cảm, chịu khó, chịu đựng và bất cần nhưng không bất nhẫn. Hiểu ngõ tức là hiểu Hà Nội. Có một điều rất lạ là tại nhiều con ngõ có nhiều quán ăn trông xộc xệch nhưng đã ăn thì khó quên, có dịp là quay lại, chẳng hạn như bún cá ở Hồng Phúc, bún đậu mắm tôm ở Phất Lộc, phở gà ngõ Hàng Chỉ...

Nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Trần Huyền Trân thủa nhỏ sống ở ngõ Cống Trắng (phố Khâm Thiên), cạnh các gian nhà lụp xụp cho các cô đầu thuê và ông từng viết thư thuê vì các cô không biết chữ. Sau này hình ảnh ngõ Cống Trắng vẫn còn hiện ra trong bài thơ Đôi mùa của ông.

Ngõ hoang đã nở dăm màu bướm

Đây lúc đôi mùa đưa tiễn nhau

Nhà thơ Bằng Việt không sống trong ngõ nhưng trong bài Trở lại trái tim mình sáng tác năm 1967, nhà thơ Bằng Việt viết:

Tôi trở về những ngõ quen xưa

Mỗi ngõ nhỏ giấu một lời tâm sự

Chắc Bằng Việt có những kỷ niệm với một con ngõ Hà Nội nào đó. Ngõ không chỉ vào thi ca, văn chương mà còn vào âm nhạc những câu hát giản dị mà ngậm ngùi “Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó, đêm lặng nghe trong gió, tiếng sông Hồng thở than” của nhạc sĩ Lê Vinh.

Có rất nhiều văn nghệ sĩ từng hoặc hiện vẫn sống trong ngõ. Một nhà văn in 8 tiểu thuyết và nhiều tập truyện ngắn sinh ra trong con ngõ ồn ào bậc nhất Hà Nội - ngõ Chợ Khâm Thiên bà là Nguyễn thị Ngọc Tú (1942-2013). Học giả nổi tiếng Nguyễn Hiến Lê (1912-1984), người đã xuất bản hàng trăm đầu sách nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là triết học từng sống trong ngõ Phất Lộc những năm 20 và đầu thập niên 30 thế kỷ XX. Nhà văn Tô Hoài (1920-2014) cũng mua được nhà ngõ Đoàn Nhữ Hài (sau này đổi thành phố) bằng tiền nhuận bút của kịch bản phim Vợ chồng A Phủ. Chính từ ngôi nhà trong con ngõ này, nhiều tác phẩm lớn của ông đã ra đời. Nhà văn Kim Lân (1920-2007), tác giả của truyện ngắn nổi tiếng Vợ nhặt từng sống trong ngõ Hà Hồi. Nhà văn Vũ Bão (1931-2006) cũng sống trong ngõ Quỳnh, tác giả của hàng loạt tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản phim với giọng điệu châm biếm, diễu cợt sâu cay. Tuyên ngôn của ông về thật đáng trân trọng: Thở bằng lá phổi của mình, nhìn đời bằng đôi mắt của mình, suy nghĩ về lẽ đời bằng cái đầu của mình, đi bằng đôi chân của mình và không bao giờ viết bằng ngòi bút đã bị bẻ cong. Họa sĩ Thành Chương nổi danh với Biệt phủ Thành Chương từng sống trong ngõ Quỳnh. Tại con ngõ gần đầu phố Giang Văn Minh, có một họa sĩ không chỉ nổi tiếng với những bức họa với gam màu trầm ấm, ông còn là nhà văn gây ấn tượng mạnh với bạn đọc. Từ năm 2005 đến đầu năm 2015, ông cho ra mắt gần 20 tác phẩm gồm: tiểu thuyết, truyện ngắn và tản văn chỉ duy nhất một đề tài Hà Nội. Truyện dài Dằng dặc triền sông mưa được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng năm 2014. Rất bất ngờ, tháng 3-2015, mới biết ông làm thơ từ lâu mà thơ ông hay vô cùng. Đó là Đỗ Phấn.

Có thể ngõ làm cho đô thị mềm hơn trước những phố ngang, đường dọc khô cứng, là nơi giấu diếm cái nghèo. Nhưng Hà Nội hôm nay có quá nhiều ngõ đã tạo ra ma trận đô thị, đó là thất bại của quy hoạch Hà Nội.

--- ------ -------

[1] Xem bài “Trai ngõ Trạm, gái Tạm Thương”.

/36

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status