Đảo Tường Vy

Chương 18: Mặt trời lặn

/39


Đi tàu thuỷ từ Phnom Penh tới Angko Vát. Buổi sáng mát mẻ, rừng dừa và cây cối vừa bừng tỉnh sau một giấc ngủ say nồng. Sông Mê Kông bát ngát, cứ vươn mãi ra tới chân trời. Bầu trời có những tầng mây trĩu nặng màu hồng xám. Vừa có một trận mưa trong đêm, không khí âm ẩm. Mặt trời vẫn chưa đủ mạnh phá tan tầng mây, chỉ khẽ hắt ra luồng sáng màu da cam sau kẽ mây. Đám Tây ba lô đã vác hành lý xuống tàu, đang lần lượt trèo lên boong, chuẩn bị tắm nắng. Tới trưa, mặt trời sẽ rất gắt, họ sẽ nướng người như thể nướng bánh mì. Tàu đột nhiên khởi động, càng lúc càng nhanh, gió dữ dội ụp xuống. Dọc sông có cây lớn, lũ trẻ dưới gốc cây đua nhau nhảy cẫng lên hua tay chào, thấy rõ những nụ cười trong sáng trên gương mặt chúng. Có lẽ cả cuộc đời chúng sẽ không đi ra khỏi mảnh đất đó. Những người khác đến từ thế giới bên ngoài đem lại cho cuộc sống vốn êm đềm ngày lại ngày của chúng những cảm nhận mới mẻ. Những người trên tàu cũng vẫy tay chào lại. Tàu lại lướt qua một vùng đất bằng phẳng. Những đám chim trắng bay vòng vòng rất thấp, rồi lướt qua cánh đồng, đâm bổ lên trời cao. Ở Phnom Penh, bạn trọ ở khách sạn Narin Guest. Trong thành phố này đã rất khó kiếm những khách sạn mini sạch sẽ như vậy. Tầng trệt có một gian bếp nhỏ. Trên tivi đang chiếu một quảng cáo của Thái rất hay. Tầng một có một gian ngoài trời, đặt bàn gỗ lớn và ghế gỗ tựa cao. Có thể ngồi đó uống rượu, ăn cơm, hóng gió. Bà đầu bếp biết làm món cà ri gà rất ngon, ăn kèm sữa chua và chuối, thêm cả đồ giải khát mát mẻ, ngậm trong miệng là những đá vụn xay nhỏ, cắn lạo xạo. Giường gỗ, dày và chắc chắn. Vỏ gối bằng vải bông, có hình các loài thú, viền hình hoa lá. Y hệt phòng ngủ của trẻ con. Khách Tây đi chân trần trên hành lang gỗ. Trong tiệm nuôi rất nhiều chó, con nhỏ nhất cũng vài tháng tuổi, rất thân thiện, cứ quỳ xuống bên cạnh liếm chân bé gái. Ngoài cửa là con đường cát sỏi. Rất nhiều con đường ở Phnom Penh đều như vậy, gập ghềnh và thô ráp. Xe máy phóng qua, bụi bay mù trời, không ngừng lắc lư. Trước đây, thành phố này đã từng xảy ra bạo lực, chiến tranh, bãi giết người đẫm máu. Vết thương của nó cần có thời gian hồi phục. Nhưng những người đàn ông đã có một gương mặt nhẫn nhục cứng rắn. Một kiểu kiên trì hàn gắn vết thương. Những người từng nhìn thấy máu tươi vẫn còn nhớ mùi máu. Mặc dù họ chỉ im lặng. Nửa đêm mất ngủ, bạn đi chân trần ra sân thượng hút thuốc. Ở đó vẫn có người. Một đám thanh niên Pháp vây quanh chiếc bàn đang thảo luận lộ trình du lịch. Một chàng trai Đài Loan yên tĩnh đọc tiểu thuyết trong góc. Ánh trăng dịu dàng, rải đều xuống như nước hồ đổ nghiêng. Chiếc quạt gió to chậm rãi quay tròn. Dưới chân cột điện, chủ nhân đám xe máy đang tụ tập trò chuyện. Bạn nhớ tới Việt Nam. Cũng cùng là một quốc gia đã trải qua chiến tranh và bị thực dân, nhưng Việt Nam dịu dàng và trầm lắng. Còn Phnom Penh lại là thành phố bi thương, như thể vĩnh viễn không thể nào phục hồi được vẻ nguyên sơ ban đầu. Hơn nữa, nó cứng nhắc đến vậy. Trong viện bảo tàng, tấm hình được mang tính tượng trưng là hình một phụ nữ đang ngồi trước dụng cụ hành hình. Khi sợi dây thép sắp xuyên qua đầu, cái chết đã cận kề nhưng đứa trẻ vẫn đang ngủ say trong lòng mẹ. Gương mặt cô trĩu nặng như thế. Lắng vào tận xương tuỷ. Đã mất hết những khiếp sợ và bi thương. Không. Chỉ khi đối mặt với những khát vọng mãnh liệt của sự sống, chúng ta mới biết sợ. Chỉ khi nhớ lại những niềm vui đã mất, không bao giờ trở lại, chúng ta mới thấm thía đau thương. Trong cảnh giết chóc, rất nhiều người thân, trẻ em, những người vô tội đều chết cả. Thế giới đã rơi vào địa ngục tối tăm. Sự sống chỉ là một trang giấy mỏng manh như vậy, đặt trước mặt khẽ rách toạc. Chỉ có tuyệt vọng. Bạn sẽ không muốn dừng lại ở thành phố này quá lâu. Bên bờ sông, bạn nhìn thấy một tiệm quần áo thời trang, bày biện giống hệt các cửa tiệm thời trang trên đường phố Paris, chỉ bán quần áo được làm bằng tơ lụa. Một chuỗi dây chuyền bằng ngọc rất bình thường cũng bán tới 110 đô Mỹ. Anh xe ôm mách với tôi đó là tiệm của một đại sứ phu nhân. Những quý bà nhàn rỗi không biết làm gì mới tự mình thiết kế một số trang phục để bán. Cạnh đó là một công trường đang xây dựng. Dưới trưa hè nóng nực, đàn ông và đàn bà quấn mặt bằng khăn bông, lầm lũi khuân gạch. Có người quá mệt, lăn ra ngủ dưới bóng khuất một góc tường. Đứa trẻ cởi trần gầy gò đen đúa, tay bế một đứa khác bé hơn, không áo quần, đi như chạy qua đường. Nó không tìm nổi người hảo tâm. Một đôi mắt to đen láy, lạnh lẽo vô cùng. Trong tiệm ăn Tây đẹp đẽ, giá một bữa trưa không rẻ. Nhưng ở ngoại thành, phần lớn mọi người đều sống trong nhà cỏ, nồi niêu xoong chảo đều chất đống. Cả nhà năm sáu miệng người, chen chúc nhau ngủ trên manh chiếu rách. Người dân sống như côn trùng. Nghèo đói như số kiếp cùng chung sống. Vì thế hoà thượng được kính trọng nhất. Tôn giáo biến thành niềm an ủi tinh thần duy nhất. Họ gửi gắm hy vọng vào kiếp sau. Bạn không muốn ở lâu vì chẳng thể làm nổi gì. Bạn chỉ là một kẻ lữ hành, cùng lắm chỉ chụp được vài tấm hình. Nhưng rốt cuộc bạn cũng không tài nào chụp được tiếp, bởi không nỡ chĩa ống kính vào những con người đang khổ nạn kia. Họ có ánh mắt bất hạnh nhưng không hề tự biết, khiến bạn thấy ngượng ngùng. Bạn không thể giải quyết được điều gì. Cũng không thể bố thí. Lầm lũi quay người, bỏ đi. Đó là việc duy nhất bạn có thể làm. Rồi bạn quay về Bắc Kinh, đôi khi đi ngang qua một tiệm ăn, thấy một đám ăn mày chạy ra, rõ ràng vừa được ăn no, trong tay xách một bọc quần áo cũ. Có mấy người mặc rất modern lẫn vào trong, rõ ràng họ tổ chức màn diễn này, ra sức cầm máy DV ghi hình. Họ cứ quay, cứ ghi lại hình ảnh hớn hở mù quáng của đám người đáng thương. Một ông già ăn xin gánh một mớ rách nát, băng qua đầu phố đông đúc, mất dạng rất nhanh. Ông quay lại với cuộc sống của mình, như trước kia, sẽ không có gì thay đổi. Lúc đó, bạn rất muốn tiến lên đập tan cái máy quay phim trong tay người nọ. Gương mặt đắc ý của anh ta thật đáng ghét. Đó là những con người thực sự không có một mái nhà để quay về, thân thể đầy thương tích, giành giật nhau để sống. Thứ nghệ thuật coi thường sự đau khổ sẽ chỉ là giả tạo mà thôi. Sáng ngày thứ ba, bạn ngồi trên tàu. Bạn cứ chờ đợi trên boong. Cầm chai nước suối to, uống nước. Trong boong người ngồi chật cứng nhưng không khí không hỗn độn. Một đôi trai gái người Tây Ban Nha ngồi ngay lên bậc lên xuống, ôm nhau ngủ lơ mơ. Cái dáng họ âu yếm nhau. Đi được nửa đường, một người da đen đến từ Los Angeles cãi nhau với đám người da trắng. Không ai can ngăn họ. Nhưng cuộc cãi vã không rõ nguyên nhân cũng chấm dứt rất nhanh. Bạn đưa cho bé gái mặc áo tím một phong kẹo cao su. Con bé rất xinh, có đôi mắt đen u buồn. Nó trân trọng cất phong kẹo vào túi. Âu yếm nhai. Cuộc hành trình khá dài. Không có cơm trưa. Bạn sẽ thấy rất mệt. Tới khi cập bến, những con thuyền nhỏ của các khách sạn đã sẵn sàng trên sông mời mọc khách. Bến cũ kỹ, mấp mô,con đường đá, dãy hàng quán bẩn thỉu, gián chạy khắp nơi. Quá nhiều gián. Dòng sông vàng đục ngầu bốc mùi thối khẳm. Có người đàn ông gầy gò đen đúa lưng trần đang xúc cá chết dưới đó. Đường đi rất xấu, ven đường là nhà dân làm bằng cây khô và cỏ đắp thành. Đó là nhà của dân nghèo. Nếu khá hơn một chút sẽ làm nhà bằng gỗ, diện tích tất nhiên cũng rộng hơn. Buổi chiều, hầu hết mọi người đều ở nhà ngủ. Đàn ông, đàn bà, trẻ con. Chẳng có gì giải trí, cũng không thể làm việc. Nơi này không có điện, không có nước máy, không có thiết bị vệ sinh, thậm chí không có cả chó. Bên ngoài tấm liếp chỗ ngủ có thể là nơi đổ rác. Cuộc sống của họ như vậy. Khi xe băng qua các con đường, người ta còn khó quên nhất là cánh đồng hoang bát ngát, những thảm cây ngủ im. Trời xanh mây trắng mở ra rất tĩnh mịch. Thiên nhiên vĩnh viễn lặng câm quan sát nỗi khốn khó và con đường bế tắc của loài người. Siêm Reap ở Angko Vát là một thị trấn sạch sẽ. Do nơi này đã biến thành khu du lịch nên thiết kế cũng khá hơn ở Phnom Pênh. Bạn sẽ ở trong phần nhánh của khách sạn Narin. Khách sạn rất mới. Buổi tối trong phòng ăn ở tầng trệt có chiếu phim Mỹ. Một đám khách Tây đã tề tựu ở đó xem ti vi và uống bia. Thời tiết rất nóng, phòng lại không có điều hoà. Bạn cũng có thể xuống lầu uống nước chanh lạnh, ăn một đĩa cơm chiên rau. Có dưa hấu tươi. Người trong khách sạn đều cùng một gia đình, người làm nhân viên, người làm đầu bếp. Họ nấu cháo ăn. Phục vụ rất lễ phép, ấm cúng. Bạn đi tắm hết lần này tới lần khác. Nóng. Đôi khi cái nóng khiến người ta không tài nào thở nổi. Angko chẳng có gì đáng nói. Rất nhiều người tới Campuchia chỉ vì Angko. Bạn lại khác. Bạn cứ đang ngắm nhìn. Cuộc hành trình của bạn khác với mọi người. Bạn cũng không trò chuyện với người khác. Bạn phát hiện thấy cuộc đời của một con người cô độc làm việc trong nhà đã khiến bạn mất đi hứng thú và động cơ đối với ngôn ngữ. Đương nhiên, bạn cũng không có cảm giác có điều gì không đúng. Thứ mà bạn duy nhất nhớ được là gió mát và ánh nắng trưa xuyên vào dãy hành lang dài âm u trong điện Angko. Phía sau cột đá đựng dứng là cây xanh mướt và thảm cỏ dưới nắng chan hoà. Đàn chim bay ngang bầu trời. Có thể nghe thấy tiếng chim kêu và tiếng lá rụng loạt soạt. Chính là âm thanh đó. Đi một đoạn, bạn sẽ ngồi xuống tảng đá. Nghỉ ngơi. Lắng nghe gió. Hòn đá cổ kính và mát rượi. Phía sau trên có vết chạm khắc. Khi con người muốn lưu giữ một số thứ vĩnh hằng luôn nhớ tới điêu khắc. Nhưng khi những hình ảnh này được thể hiện, tất cả những vui buồn đều tan biến như khói mây. Tất cả mọi người đều muốn tới núi Ba Khẳng ngắm mặt trời lặn, vì nghe nói đó là nơi đẹp nhất thế giới khi mặt trời xuống. Thế là lúc hoàng hôn vừa buông, từng đám người bắt đầu tranh nhau trèo lên sườn núi có vách đá dựng đứng. Bãi đất phẳng trên đỉnh núi đã chật kín người. Hầu hết là đủ các dân tộc trên toàn thế giới. Nhưng mặt trời vẫn bị đám mây dày che kín. Giữ lại. Chỉ là một bình nguyên dần nhuốm màu vàng. Hai ngày tiếp đó, bạn vẫn chưa được thấy mặt trời lặn. Cảnh đẹp nhất thế giới có lẽ phải xuất hiện rất hiếm hoi, được ít người chứng kiến. Nó phải thần bí, khác thường. Bạn chợt nghĩ ra cuốn tiểu thuyết của mình. Bạn thấy sau này sẽ viết một cuốn tiểu thuyết. Cuốn đó sẽ có cái kết như sau. Một con người chưa được thấy mặt trời lặn. Một ước hẹn không tài nào thực hiện nổi. Cuộc sống của chúng ta vốn chỉ tiếp tục vì chờ đợi, nhẫn nại vì thất vọng. Một cô gái Trung Quốc thuê một chiếc xe máy, kêu anh tài chở đi thăm Angko. Đó là một thanh niên Campuchia trẻ và đẹp. Họ có ba ngày, cứ xuyên qua những cánh rừng và thảo nguyên của Angko. Từng mất một buổi chiều trong một căn miếu nhỏ vắng khách du lịch, Banteay Samre. Bên trong hoàn toàn lưu giữ được bậc thềm, vách tường và cột trụ cổ kính. Còn đó cả tiếng hoà thượng gõ mõ. Khoảng ba giờ, đột nhiên có một trận mưa khủng khiếp rất hiếm hoi trong mùa khô. Họ bị nhốt trong hành lang. Nghe tiếng mưa rơi trên các tán lá. Có một nụ hôn chưa thực hiện. Cuối cùng, cô gái trả tiền xe hơn gấp đôi. Chỉ vì day dứt hay cảm động? Không cần biết. Đó là một đoạn tình sẽ không có mở đầu. Chỉ đến từ độc thoại. Rất thực. Tiếng mưa rơi là một chi tiết khiến người ta bồi hồi nhất trong cả câu chuyện. Đứng từ góc độ tiểu thuyết, một nụ hôn chưa được thực hiện luôn tuyệt diệu nhất.

/39

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status