Đàn Cổ Cầm Khỏa Thân

Chương 3

/7


Năm 401, triều Đông Tấn

Quân lính đã đóng quân bên bờ sông. Đàn bà đã nhóm lửa nấu bếp. Một nồi súp ngũ cốc sôi sùng sục trên bếp lớn. Lính già và những người bị thương ngồi bên cạnh những người phụ nữ, chọc ghẹo họ. Ôm đứa bé trong lòng, Bà Mẹ Trẻ lánh khỏi đám đông rồi đi bộ đến bến sông.

Mặt trời đỏ rực đang nát vụn ở đằng tây. Những cánh chim lao xuống mặt nước rồi lại vút lên trời để làm thành một đám lốm đốm đen ở giữa vách đá bên sông. Những ngôi làng đính vào bên sườn núi nhanh chóng biến mất trong sương mù đỏ lựng.

Nàng nằm xuống bãi cỏ rồi cởi áo ra. Đứa bé ngậm lấy một đầu vú. Đứa con gái bé bỏng, có nét hao hao giống cha nó. Lúc mới sinh, nó cong queo và nhăn nheo như bà già, còn Bà Mẹ Trẻ cứ nghĩ nó được thác sinh từ một vị thần nào đó bước xuống trần gian để trừng phạt con người. Nhưng dần dần, đầu của đứa bé tròn lại, da mịn màng, đôi mắt sáng lên, trông giống một con mèo con. Đã quen với tiếng chân quân lính, nó rất ít khi khóc, cũng chẳng nhíu mày khi tiếng trống trận đánh dồn và mũi tên bay vùn vụt.

Đứa trẻ mang họ của cha nó, họ Lưu. Bà Mẹ Trẻ không đặt tên cho nó. Đối với tầng lớp thượng lưu, người ta không đặt tên cho con trẻ. Tất cả những cái tên được đặt theo từng thế hệ đã được quyết định bởi những bậc tiền nhân từ xa xưa và ghi trong gia phả. Vậy nên giữa những người thượng lưu với nhau, họ nhận ra phân nhánh và các mối tương quan để chào nhau theo cấp bậc tương ứng. Không hề biết gia phả của hôn phu mình, làm sao Bà Mẹ Trẻ dám tùy tiện đặt tên cho con gái?

Mặc dù bộ ngực bé xíu và phẳng phiu, đứa bé vẫn bấu chặt và bú sữa ngon lành như thể đó là một trái cây mọng nước. Bà Mẹ Trẻ nhìn kĩ khuôn mặt thuôn dài của đứa bé và cảm nhận rằng nó sẽ có một số phận đau buồn. Hôn phu của nàng không phải là quý tộc nên theo luật thừa hưởng, con bé cũng là thường dân. Nó sẽ không bao giờ có được một người chồng quý tộc và không bao giờ được mặc áo lụa.

Đứa bé bấu vào nàng như một con nhện con và phủ quanh nàng một lớp màng ngọt dịu, thơm tho. Khi đã bú no, con bé há cái miệng vẫn còn chưa mọc răng, những giọt sữa nhỏ vẫn còn đọng trên môi. Bà Mẹ Trẻ ôm nó vào lòng, vừa chơi đùa với nó vừa vỗ vỗ nhẹ vào lưng nó cho tiêu sữa. Đó là một phương pháp nàng học được từ những người phụ nữ khác, những người cho rằng đứa bé đang no không được ngủ ngay.

Bà Mẹ Trẻ cù nách đứa bé và nói chuyện với nó. Đứa trẻ buồn buồn, nắm lấy tóc nàng, cắn vào má nàng, gõ gõ vào bụng nàng, quay qua quay lại trên đùi nàng. Nàng cố gọi nó bằng mọi cái tên vụt qua trong đầu: chim sẻ con, dế con, rắn con, ruồi con, muỗi con. Vì giống như những sinh vật tinh nghịch, con bé vò vò váy nàng lại, tháo hết lọn tóc nàng đang quấn, nhỏ nước miếng lên vai nàng, bôi lên mặt nàng.

Áo của Bà Mẹ Trẻ tuột khỏi vai, để lộ ra một cánh tay gầy guộc và những dẻ xương sườn. Bên bờ sông Dương Tử, những bóng ma lởn vởn mò về nhà người sống. Chúng ám vào cơ thể người đang sống rồi lảm nhảm rằng cuộc sống là giả tạo.

Nàng siết chặt đứa bé vào lòng.

Chiến cuộc kéo dài vô tận. Bất cứ phút giây nào Bà Mẹ Trẻ và đứa bé cũng có thể bị giết hoặc trở thành nạn nhân của bệnh dịch tràn lan trong vùng chiến tranh đã tàn phá. Hàng tiếp tế đôi khi bị chặn. Bà mẹ Trẻ chỉ ăn một chén ngũ cốc mỗi ngày. Tóc nàng rụng đi. Ngón tay nàng nứt nẻ. Da nàng khô cằn. Sữa nàng sắp cạn. Sữa là nguồn thức ăn duy nhất cho đứa bé mà nàng có. Sữa là tài sản duy nhất mà nàng sở hữu.

Nàng không đặt tên cho đứa bé vì mỗi ngày thần Chết lại lấy đi sinh mạng của những kẻ mà họ tên đã ghi trong sổ Sinh Tử. Khi những con quỷ đến gần con người để bóp nghẹt hơi thở sinh lực và bắt lấy linh hồn họ, chúng để cho những ai không có tên trong sổ được yên. Không có tên, con bé không tồn tại. Nó giống như người chết. Nó sẽ giấu mình trong bóng tối của những người cùng họ. Đó là lý do vì sao nó không sợ những mũi tên hay binh lính, và nó có thể tươi cười với bão lửa, với xác người, với những con bệnh bị bỏ rơi trên đường đang dần dần hoại tử.

Con bé đã ngủ say. Bà Mẹ Trẻ thở dài. Nàng nằm trên bãi cỏ, quay mặt về phía dòng sông. Mấy tháng trước, chắc nàng không dám ngồi ở một nơi buồn nôn như thế này, cũng không thể ngồi trên mặt đất mà không mọc đầy mụn nhọt. Bây giờ, mặc quần áo rách rưới lốm đốm vết máu, nàng nằm ngủ ngay kề một đống phân bò. Nàng có thể ăn với đôi tay dơ bẩn, còn mùi hôi của nước chua không còn làm nàng buồn nôn nữa. Nàng đã học được từ những người lính già cách hái quả dại và dùng móng tay đào đất để tìm những rễ cây ăn được. Để con gái của nàng được sống, nàng đã trở thành một loài thú hoang.

Nằm nghiêng người rồi bị cơn mệt mỏi nghiền nát, Bà Mẹ Trẻ ngủ thiếp đi. Dòng sông như lấp lánh qua những chiếc lá cỏ dại mảnh dẻ. Một con bướm đen bay dập dờn trên nàng.

- Hãy nhảy múa giùm ta, – nàng thì thầm với nó.

Con bướm đập cánh, vỗ vỗ râu.

Gió nhẹ mân mê khuôn mặt nàng rồi nàng bỗng nghe thấy âm thanh của cây đàn cổ cầm. Có phải là hồn cha nàng đến thăm nàng đó không? Nàng duỗi thẳng chân để bàn chân chạm vào mép nước sông. Nàng đã chết! Chết đi, nàng sẽ trở thành đất được kì cọ bởi cơn mưa, được gió bào mòn, hòa vào cỏ dại. Nàng không còn hối tiếc hay buồn phiền. Nàng hạnh phúc như cánh bướm rong chơi giữa ngày xuân.

Nàng mở mí mắt. Đằng xa, những vệt tối lan tỏa trên mặt sông. Nàng chống tay đứng dậy. Đúng lúc đó, nàng chợt thấy những chiếc thuyền từ phía chân trời tiến lại gần rồi đi ngang qua trước mặt nàng. Những người lính và chỉ huy không mặc giáp trụ, chỉ vấn tóc đơn giản và mặc đồ dơ bẩn tụ họp ở đuôi thuyền. Họ đi đâu? Họ phe nào? Một thuyền lớn có năm cánh buồm xuất hiện. Bà Mẹ Trẻ ôm chặt đứa bé, lao về phía doanh trại.

Quanh ngọn lửa, những người lính già đứng trước những người phụ nữ, giương cung tên sẵn sàng. Con thuyền thả neo. Những người đàn ông bước xuống, đứng theo hàng ngũ bên bờ sông rồi giương cờ xí trong gió, cùng nhau hét lớn:

- Tướng Lưu! Tướng Lưu ra lệnh hạ vũ khí!

Nhận ra chữ “Lưu” được thêu ở giữa lá cờ, những người lính già hạ cung. Một người phụ nữ quay sang nàng.

- Chúc mừng! Hôn phu của nàng quay lại rồi đây!

Nàng không còn tin vào tai mình nữa. Ngày hôn phu của nàng bỏ rơi nàng, chàng mới chỉ là chỉ huy của một toán quân. Nàng nghĩ chàng đã chết, thế mà giờ chàng đã trở thành tướng quân. Nàng đã ngày đêm mong chờ hội ngộ, sự xuất hiện đột ngột này làm nàng cứng đờ người. Khi nàng hết đờ đẫn, định quay về trại tìm một chiếc gương để vấn lại tóc thì chàng đã ở ngay trước mặt nàng, làm nàng chói mắt vì bộ áo giáp sáng rực. Ở chỗ mắt nhìn trên mũ giáp, đôi mắt trừng trừng của chàng làm nàng thấy khó chịu. Xấu hổ vì tình trạng xấu xí của mình, nàng đưa tay lên mái tóc như bụi cây rồi cúi đầu. Nàng muốn biến mất dưới mặt đất.

Chàng bước tới, còn nàng lùi lại. Chàng ôm đứa bé trên tay nàng. Đung đưa trong không khí, đứa bé toét miệng cười.

- Đi thôi! – Chàng ra lệnh cho nàng.

- Xin chờ đã.

Nàng chạy tới chiếc xe, lấy túi quần áo và một sợi dây dài. Nàng quấn nó lại. Sợi dây có bảy nút thắt. Đã bảy lần trăng tròn vành vạnh nàng chẳng nhận được tin gì từ chàng.

Giọng nói như sấm của hôn phu nàng vang lên:

- Bỏ lại đồ đạc đi. Đi.

Nàng chùi nước mắt. Gói quần áo có những mẩu vải mà nàng thu được để những người phụ nữ có thể may một cái áo ấm cho con bé. Sợi dây, nàng dùng như đai quần, mong rằng một ngày nọ có thể dùng nó để thắt cổ tự tử.

- Bỏ lại hết đi. Nhanh lên. Chúng ta phải đi ngay.

Không dám cãi lời chồng, nàng bỏ lại toàn bộ hành lý rồi ngoan ngoãn đi theo.

Chàng sải bước dài đi trước, nàng theo sau, bước từng bước nhỏ. Lính tráng tránh ra hai bên khi họ đi ngang qua. Họ lên thuyền. Chàng đi vào trong một khoang lớn rồi nói nàng nghỉ ngơi. Nàng quay lưng lại phía chàng, mở cúc áo để cho đứa bé bú. Khi nàng quay lại, chàng đã đi mất.

Ngày đang tàn, ánh bạc của những con sóng quét qua vách đá, viết thành những chữ thư pháp lấp loáng. Lính tráng thắp đèn dầu và mang đồ ăn cho nàng. Thức ăn đạm bạc nhưng lại có vẻ sang trọng với nàng vì nàng chưa ăn một bữa cơm nào đúng nghĩa từ lâu rồi. Ôm đứa bé trong lòng, nàng vỗ về nó. Dạ dày nàng thắt chặt đến mức nàng chẳng buồn ăn. Sau bữa tối, nàng xin một bồn tắm. Người ta mang đến cho nàng một chậu nước ấm với một cái gàu. Người ta cũng mang cho nàng một bộ quần áo kiểu dành cho nam nhi lấy từ tủ quần áo của hôn phu nàng.

Nàng say mê bộ quần áo sạch sẽ với mùi thơm của chồng. Nằm trên chiếu, nàng ngủ thiếp đi trong lúc chờ chàng. Chàng chỉ đến khi đêm khuya, tiếng bước chân chàng đánh thức nàng. Nàng đặt con bé xuống giường rồi ngồi nhỏm dậy. Nàng giúp chồng tháo tóc và thay quần áo. Chàng ôm nàng lại, đưa cho nàng một cái gương nhỏ bằng đồng rồi đưa một ngọn đèn dầu tới gần. Trong gương, nàng nhìn mình xấu hổ. Đôi mắt nàng có vẻ lồi to quá khổ so với khuôn mặt chỉ thấy hai gò má lõm sâu và chiếc cằm nhọn hoắt. Một chiếc sẹo nổi rõ trên khuôn mặt nàng, hôm nọ, nàng đã trượt ngã khi chạy vội đến chiếc xe lấy đồ và đập đầu vào phiến đá. Sau lưng nàng, bóng của vị hôn phu lớn dần. Chàng đưa tay lên, cài vào mái tóc nàng một con phượng hoàng bằng vàng có cánh lấp lánh những hạt ngọc trắng.

Nàng không buông quần áo vì sợ chàng sẽ thấy cơ thể ốm yếu của mình. Nàng không cho chàng vuốt ve mình vì sợ lộ ra hai bên hông gầy guộc. Chàng không ép rồi nằm xuống bên cạnh nàng, đặt đầu nàng lên vai mình. Hai chân vạm vỡ của chàng đặt trên hai chân mảnh khảnh của nàng làm nàng không động đậy được. Chàng ngủ say tới mức nàng có thể cảm giác nghe được tiếng tên bay trong hơi thở của chàng.

Nàng cố nhắm mắt. Nàng thấy vui vui. Sự có mặt của chồng đã xua tan cái chết đang ngự trị trong nàng. Khi chồng ôm chặt nàng, chàng truyền cho nàng sự tự tin và sức mạnh của một chiến binh dùng cái chết như một loại vũ khí. Bà Mẹ Trẻ nghĩ tới gia đình mình đã lâu nàng không có tin tức gì rồi lại nghĩ tới người trước đây đã đính ước với nàng. Nàng có cảm giác họ vẫn đang ở bến thuyền. Khi con thuyền đời nàng rời bến để ra sông lớn, họ nhỏ dần rồi biến mất.

Tiếng ồn ào của lính tráng xuyên suốt cả đêm thâu. Họ nhổ neo rồi căng buồm. Căn buồng nhanh chóng ngập đầy tiếng rì rào của sóng. Con thuyền này sẽ đi về đâu? Họ đi đâu? Cứ mỗi lần nàng nhìn thấy chồng mình, chàng lại mang nàng đến một nơi khác, xa hơn rất nhiều những nơi nàng có thể tưởng tượng ra. Tại sao lại là nàng? Tại sao số phận lại muốn họ gắn kết với nhau? Tại sao ở gần chàng, nàng lại quên hết mọi buồn phiền khi chính chàng là người đẩy cuộc đời nàng vào buồn khổ? Chồng nàng rột roạt xoay người lại. Khi nàng áp chặt gò má vào lưng chồng, nàng có thể nghe được nhịp tim của chàng. Nàng đưa tay tìm đứa bé và thấy nó vẫn nằm gần chiếc gối. Cuối cùng thì cơn buồn ngủ cũng đến. Nàng chỉ cầu mong cho ngày đừng bao giờ đến nữa. Một tay ôm chặt chồng còn một tay nắm tay đứa bé, nàng mơ thấy một chiếc thuyền không biết đến bến cuối. Họ trôi đi, bềnh bồng, lắc lư trên dòng Dương Tử, xa khỏi những bờ bãi dơ bẩn.

Đêm căng phồng cánh buồn băng qua cơn sợ hãi.

Đêm làm cho vết thương và cơn giận dữ trở thành vô hình.

Đêm là nơi nương náu của những kẻ ngây thơ.

Buồm đã hạ. Con thuyền thả neo. Sau chân chồng, Bà Mẹ Trẻ ôm đứa bé bước lên bờ. Dọc theo bờ sông là cả một đội quân đứng nghênh đón họ. Hôn phu của nàng nhảy lên một con ngựa đen thắng yên, trang hoàng lộng lẩy. Nàng được dẫn tới một chiếc xe sang trọng treo cờ hiệu trắng trên đó có chữ “Lưu” thêu màu sắc nổi bật. Chồng nàng đánh gót và con ngựa bắt đầu phóng đi. Được kỵ binh hộ tống, nàng đi vào một con đường gập ghềnh.

Sau nhiều giờ rung lắc và những cú dừng đột ngột, nàng nghe giọng chồng mình ra lệnh:

- Hãy vén màn lên.

Trên lưng ngựa, chàng chỉ vào khoảng không gian trước mặt bằng roi ngựa.

- Nó là của nàng. Hãy canh giữ nó cho ta.

Bà Mẹ Trẻ ló đầu nhìn ra và thấy một kinh thành hoang tàn. Những bức tường cao bị phá hủy như thể động đất hay một cơn bão vừa mới ập xuống vùng đất này. Một biển gỗ sơn đen cháy sém lơ lửng trên cánh cổng chính đã được sửa sang lại. Tấm bảng ghi những chữ khắc nổi mạ vàng: “Kinh Châu, Cửa Sông”.

- Từ thời Tam Quốc, thành Kinh Châu đã nổi tiếng là bất khả chiến bại, – chồng nàng nói. – Được các tường cao bao bọc khỏi mọi cuộc tấn công, những kẻ nổi loạn cứ nghĩ đã có được một vị trí bền vững để ta phải nản chí. Sau khi bao vây quanh thành, ta đã cho dựng một con đập trên dòng Dương Tử. Ta đợi đến mùa mưa rồi lệnh cho mở cống. Một ngọn sóng khổng lồ đã mở toang các cánh cổng cho quân ta tiến vào bằng thuyền.

Kinh thành phô ra những con đường u ám. Giữa những đống gỗ cháy rụi đã mọc lên những mái lều và lác đác vài ngôi nhà còn đứng vững trên những cột trụ lem luốc rêu có lẫn bùn lầy. Những con đường hẹp dần rồi trở thành một hẻm dài mới vừa được lót đá. Một đám nhân công chân đất di chuyển các khối đá lớn, giậm nền bằng những cái cuốc nhỏ. Lính tráng quật roi thúc giục họ. Họ vội vàng tránh đường rồi quỳ gối dọc theo đường đi. Mặt cúi gằm, họ chào Bà Mẹ Trẻ bằng những tấm lưng trần gầy guộc và sạm đen với xương sống nhô cao.

Một cánh cổng lớn nhanh chóng hiện ra ngay trước mặt đoàn quân. Trên bảng gỗ sơn viết: “Dinh thự tổng đốc”. Những người lính chào đón họ cũng gầy như đám nông phu. Bà Mẹ Trẻ được dẫn vào cổng sau của một khu vực rộng lớn, nơi có những khu vườn bị phá hủy bao quanh những căn nhà như sắp sụp.

- Nhờ vào vị trí đặc biệt, Kinh Châu cai quản toàn bộ lưu thông trên sông Dương Tử, – chồng nàng vừa mới quay lại với nàng giải thích. – Tôn Quyền ngày xưa đã dựng lên thành này, tòa thành cho phép ông chống lại cuộc xâm lược của Tào Tháo và liên minh phương Bắc. Không có thành này, ông ta không thể dựng lên nhà Ngô.

Lần đầu tiên nàng phát hiện ra chàng không chỉ là một chiến binh đơn thuần. Chàng có một tham vọng, một mục tiêu bí mật. Nàng cúi đầu và không dám đưa ra một lời nào.

- Chính ở đây mà cuộc chiến của ta bắt đầu! – Chàng vừa nói vừa giậm giậm chân trên mặt đất.

Chàng lại ra đi vào lúc đêm xuống. Nàng không dám hỏi chàng đi đâu. Nàng ôm đứa bé trong tay, đi qua những đám hoang tàn. Cơn lũ đã che phủ hết những cánh đồng và phá hủy mọi kho lương thảo, gây ra đói kém và bệnh dịch. Đã quen với việc ngủ dưới trời sao và ăn uống ít ỏi, nàng không hề sợ những điều kiện thiếu thốn không hợp với tầng lớp của mình. Lính tráng bắt đầu xây dựng lại nơi cư ngụ. Một tòa nhà đã bị phá, để lộ ra một lối vào bí mật và một hành lang dài dẫn tới một mê cung dưới lòng đất đầy rẫy xác phụ nữ. Những nàng tỳ thiếp thời xưa đã chạy trốn xuống đó để tránh bị tàn sát. Nét đẹp tinh tế và thông minh. Ở Kinh Châu, qua nhiều cuộc chiến tranh nối tiếp nhau, rất nhiều tổng đốc chọn những tòa nhà để ở mà không biết nó thuộc về thời đại nào và thuộc về những con người như thế nào.

Bà Mẹ Trẻ giật thót, tỉnh dậy giữa đêm. Cơn gió lùa vào tai nàng những tiếng rên xiết yếu ớt. Nàng mò mẫm tìm đôi chân mũm mĩm của đứa bé. Nàng siết chặt đến mức đứa bé bật khóc. Tiếng khóc của đứa bé làm nàng yên tâm. Cả hai vẫn đang sống.

Mùa thu năm đó, Bà Mẹ Trẻ tròn mười bảy tuổi.

Một lần nữa, nàng lại có một mái nhà che trên đầu và một bức tường để che chắn tầm nhìn. Căn phòng trải thảm nhồi bông dày. Nàng duỗi người trong chăn lụa rồi ngủ ngon lành. Trong giấc mơ, nàng được sống lại đoạn đời đã qua. Người ta chuẩn bị lễ mừng thọ của bà cố. Nhân dịp này, các dì, các bác và lũ con cháu, anh em họ ăn mặc như đi dự hội hè. Một khiếu thẩm mỹ tốt thể hiện qua một bộ quần áo nhiều lớp và qua sự lựa chọn một loại vải tông màu tinh tế. Phong cách thể hiện qua những viên đá quý hiếm mà kiểu cọ và màu sắc làm tôn lên vẻ đặc biệt của mái tóc. Sự tỉ mỉ có thể thấy nhờ vào mùi dễ chịu phảng phất quanh những tay áo dài. Các thành viên của gia tộc sưu tầm các loại hương thảo, gỗ trầm, xạ hương và các loại hương khác. Cái đẹp phải được cảm nhận bằng cả năm giác quan. Giống như một thi sĩ chạm khắc nên bài thơ của mình, cha mẹ quý tộc của nàng nghiền nhỏ, hòa trộn và chưng cất để tạo ra nhang trầm có mùi hương phảng phất. Khi được đặt trên một đĩa bạc đun nóng nhẹ trên than gỗ đàn hương, nhang sẽ cháy theo hình vòng cung theo đúng hình dạng của bình xông. Bốn nàng hầu, mỗi người hơ một chiếc áo đã là thẳng thớm rồi đưa qua đưa lại trong khói cho đến khi mùi hương trầm quyện sâu đến tận lớp lót trong cùng.

Mặt dặm phấn trắng, môi tô son hồng, khách mời đến sẽ mang theo các món quà và những lời chúc thượng thọ. Khi họ lướt đi trên những đôi giày cao gót, những viên ngọc thạch đính ở dây thắt lưng bằng lụa đánh leng keng. Họ cầm trên tay một cây quạt lông chim quý hiếm hay một cây chổi phủi bụi có tay cầm bằng ngọc thạch. Bên cạnh hồ, dọc theo con thuyền chiến được sơn vẽ, mọi người bàn về triết lý của các yếu tố tạo nên trời đất; trong nhà, ở tầng thượng, phụ nữ nghe một bản nhạc và ngắm trăng tròn vành vạnh. Mỗi thực khách họa một câu thơ trên một thanh tre, vần điệu ngẫu hứng phải hòa hợp nhau, nối tiếp nhau và tạo thành một bài thơ xiển dương duy nhất… Lúc thức dậy, Bà Mẹ Trẻ nhận ra mình đang ở giữa một công trường khổng lồ, nơi bụi bặm bay tứ tung và tiếng búa tạ, tiếng cuốc xẻng ầm ầm.

Quân triều đình đã đẩy quân Đạo giáo nổi loạn đến bước đường cùng. Trên dòng Dương Tử, hôn phu của nàng truy đuổi thủ lĩnh Tôn Ân, người thủ lĩnh tinh thần sáng chói của quân phiến loạn đến tận biển Đông. Bị bao vây trên một hòn đảo, không còn ai thân tín, Tôn Ân đã nhảy xuống một vực sâu tự sát. Sau chiến thắng này, ngoài chức vụ tướng quân, hôn phu của nàng còn được phong chức tổng đốc. Trong vòng hai năm chiến đấu chống lại quân phiến loạn, từ vị trí một quan lại vô danh tiểu tốt, chàng đã leo lên hàng cao cấp trong quân đội và từ bây giờ đã là một trong những ông tổng quyền lực nhất.

Bà Mẹ Trẻ cố giấu niềm kiêu hãnh và niềm vui. Chiến tranh đã kết thúc, những cơn ác mộng không còn xâm lấn đêm thâu của nàng! Chồng nàng sẽ trở về và không còn cảnh mũ áo ra đi nữa. Họ sẽ có một cuộc đời bình yên và những đứa bé kháu khỉnh. Họ sẽ mở cửa chào đón các nhà hiền triết, thi sĩ, họa sĩ và nhạc công. Tiếng cười, tiếng nhạc, những dạ khúc sẽ không ngừng vang lên trong hoa viên của dinh thự.

Mỗi ngày, Bà Mẹ Trẻ đều cho một con hầu ra cửa thành, chỉ chực thấy bóng hôn phu nàng là tức tốc về báo tin. Nàng sẽ bỏ qua cho chàng, vì đã ăn mà không rửa tay và súc miệng! Nàng cũng sẽ bỏ qua cái kiểu ngồi thô lỗ và giọng nói như gầm thét của chàng, cái giọng ngày xưa nàng chỉ nghe từ miệng của những kẻ đầu bếp mà thôi! Nàng sẽ không còn xấu hổ khi nghĩ tới việc chàng không biết đọc văn tự cổ và viết sai chính tả!

Nhờ nàng khấn trời khấn Phật, cuối cùng chàng cũng trở về trong đoàn hộ tống đông nghẹt những tham mưu và quan lại. Dù cấp bậc mới cho phép dùng gấm vóc lụa là, tổng đốc Lưu luôn mặc một bộ đồ cũ kĩ bằng vải và mang đôi ủng da đã sờn màu. Chàng tiếp tục nói chuyện với quân lính như nói chuyện với anh em. Không giữ kiểu cách, chàng nằm đè lên vợ mình trên giường. Nàng xấu hổ nghĩ rằng từ đây họ sẽ chỉ còn là một thân thể duy nhất, một cuộc đời duy nhất. Chàng nói với nàng lần này chàng muốn có con trai.

Một buổi sáng, lúc thức dậy, nàng nhận ra chàng đã cho gọi quân lính và mặc sẵn áo bào lên đường. Quên cả sự nhút nhát vốn có của mình, nàng giữ chàng lại:

- Hãy ở lại đây. Chàng cần nghỉ ngơi. Chiến tranh kết thúc rồi!

- Ta sẽ trở về sớm thôi, – chàng hứa. – Chiến tranh chưa kết thúc. Các đệ tử của Tôn Ân vẫn chưa khuất phục hết. Chúng tung tin đồn rằng sư phụ chúng đã trở thành Đấng Bất tử. Trên danh nghĩa của hắn, chúng tiếp tục quấy phá.

Không dám nài nỉ, nàng im lặng rồi theo chân chồng, chờ chàng nhảy lên lưng ngựa để nàng cúi mình chào chàng âu yếm. Chàng thắng dây cương rồi ra đi với đoàn quân và lính gác, không ngoái nhìn nàng một lần.

Những căn buồng và hành lang giờ lại thành ra trống vắng! Những chiếc giày thêu mũi cong dễ làm trượt ngã trên mặt đất; Bà Mẹ Trẻ lang thang trong tòa dinh thự đã lại trở nên im lìm. Cầm một cốc trà trên những ngón tay bé nhỏ của mình, nàng chậm rãi đưa lên môi. Nàng hít mùi thơm, nhấp một ngụm rồi nhả vào ống nhổ. Nàng với tay lấy cốc thứ hai. Cốc đầu tiên, hãm từ lá cây, là để súc miệng, làm sạch vòm họng; cốc thứ hai, làm từ bột trà nghiền nhỏ trộn với hạnh nhân nướng mới là để uống. Không có chồng, những bức rèm uể oải gợn sóng; khói trầm bay lởn vởn chẳng thể nào bốc lên đến trần nhà.

Cỏ dại đã được nhổ sạch và cây cối bắt đầu ra hoa. Tre mới trồng đã vút lên tận trời cao. Nàng ngồi ở cái điếm giữa vườn, chơi thử một cây đàn cổ cầm mà nàng mới mua. Những tia sáng vàng nhảy múa trên dây đàn bằng lụa và trượt đi giữa những ngón tay của nàng.

Một thứ âm nhạc sầu thảm cất lên và những ngày đen tối trở về: bị những chiến binh bắt đi, nàng ôm chặt cây đàn cổ cầm của Sái Văn Cơ, cảm giác như cây đàn sẽ bảo vệ nàng, đưa nàng theo một số phận sầu thảm giống như số phận của người chủ cũ… Bụng nàng to lên rồi dần dần nó chiếm lấy vị trí cây đàn trong tay nàng. Vào cái đêm nàng hạ sinh, binh lính đã bị quân phiến loạn phục kích và người ta đã phải giấu nàng trong một chuồng ngựa. Ngày hôm sau, sau trận chiến, nàng không còn tìm lại được chiếc xe cũng như người lính đã chở nàng đi.

Cây đàn cổ cầm đã nhiều lần được cứu khỏi chiến tranh, cuối cùng cũng được hân hoan nhờ chiến tranh. Bà Mẹ Trẻ có cảm giác đứa con gái của mình là hóa thân của nó.

Cũng như con người, đồ vật có cuộc đời của chúng, một chuyến đi của chúng, nàng nghĩ. Một vài trong số đó may mắn thoát khỏi sự phá hủy, băng qua những tai họa không lường trước để rồi lại về với những người còn sống; số khác bị hủy hoại và biến mất không dấu vết. Chiến tranh đã ngấu nghiến mất gia tộc của nàng, quá khứ của nàng. Bù lại, nó cho nàng một người chồng và một đứa bé. Năm 403

Những viên sỏi lấy từ đáy hồ Vĩnh Cửu đã về tới. Đứng trước điếm, sau bức màn the, Bà Mẹ Trẻ điều hành nhân công sắp xếp đá theo đúng bản vẽ của nàng quanh hồ. Một hòn non bộ hiện ra. Cùng với những con đại bàng lượn quanh những mỏm núi là một hang động và một lối đi lên đến tận đỉnh.

- Tướng Lưu đang trong thành!

Những người hầu chạy lại đón chàng. Bà Mẹ Trẻ bối rối. Nàng không ngờ chàng sớm trở lại như vậy. Nàng vội vàng vấn tóc trước gương rồi điểm những hạt lụa vàng trên gò má. Chàng đã tới tự lúc nào, mình đầy đất và khói bụi, lông mày nhíu lại và khuôn mặt căng thẳng. Nàng cúi đầu chào. Tim nàng run bần bật. Nàng sợ chàng sẽ mắng nàng vì để cho mọi thứ lộn xộn như vậy.

Nàng ngước lên, theo dõi phản ứng của chàng và định buông lời giải thích. Nhưng không quan tâm đến hai gò má đang bối rối của nàng, chàng nói:

- Hãy chuẩn bị một bữa tối cho mười một người trong dinh thự của nàng.

Nàng nghẹn lời.

- Ta muốn nó diễn ra trong bí mật, – chàng nói thêm rồi đi ra.

Chàng trở lại khi đêm xuống, mời khách vào bằng cửa dành cho người hầu. Những ngọn đèn yếu ớt rọi vào mái hiên, bóng đen nhảy múa và tòa dinh thự ồn ào. Sau những rèm cửa cuốn, nàng trông coi lũ gia nhân mang rượu và thịt đến.

Sau những trao đổi khách sáo, buổi thảo luận bắt đầu. Nàng nghe giọng chồng mình:

- Lợi dụng sự vắng mặt của các tướng quân lo truy đuổi quân Đạo giáo, tướng Hoàn Huyền đã soán ngôi và tống giam Hoàng đế nhà Tấn. Trên danh nghĩa Hoàng đế, y đã gọi ta về kinh đô. Các ngươi nghĩ thế nào? Ta có phải về không?

Một giọng nói nhanh chóng vang lên:

- Tướng Hoàn Huyền mang mưu đồ soán ngôi triều đình. Hắn cần sự ủng hộ của các tổng đốc khác. Tổng đốc Lưu đã chiến đấu với bọn phản tặc hữu hiệu và quyết tâm. Trong số những phòng tuyến được mở ở dọc sông Dương Tử, chiến thắng của tổng đốc có tính quyết định. Hoàn Huyền không phải không biết sự ảnh hưởng của tổng đốc. Hắn không muốn tổng đốc chống lại hắn nên mới mời tổng đốc về cùng mưu đồ việc lớn. Tổng đốc phải đòi hắn một lãnh địa riêng và một vị trí cao trong triều mới được.

Ai đó trả lời:

- Tổng đốc Lưu không thể bị chỉ tay năm ngón bởi một kẻ bất trung! Tổng đốc không thể phản bội Hoàng đế nhà Tấn và sẽ không thể thề trung thành với kẻ soán ngôi.

Một giọng khác giễu cợt:

- Hoàn Huyền muốn tự xưng hoàng đế và lập nên triều đại mới mang tên hắn. Không ai không biết mưu đồ của hắn. Hắn chỉ xem tổng đốc Lưu như một đối thủ, chứ không phải là một đồng minh. Theo ý ta, hắn mời tổng đốc về kinh thành Kiến Giang để giăng bẫy đó. Một khi đã lên ngôi hoàng đế, hắn hoàn toàn có thể ra chiếu chỉ bắt nhốt tổng đốc khi hắn ra chầu triều.

Một giọng trẻ hơn cất lên:

- Để tránh nhiều đối thủ, Hoàn Huyền có thể gọi tất cả về triều đình, mời tiệc rượu và cho họ uống rượu độc! Hoàn Huyền là một con rắn đã cướp mất chiến thắng của các tổng đốc chiến đấu với phiến quân. Tổng đốc Lưu phải tuyên chiến với hắn. Những tổng đốc khác sẽ theo ngài!

Ý kiến này nhận được sự đồng tình của một người lớn tuổi hơn:

- Từ khi man di xâm lấn, các triều đại Hoa Hạ cứ chập chờn như ngọn đèn dầu, các hoàng đế hết người này đến người khác lên ngôi rồi bị tiêu diệt. Trước Hoàn Huyền, những tổng đốc khác đã bị tấn công theo lệnh bề trên và ai cũng có tham vọng lập nên triều đại riêng. Tổng đốc Lưu có dáng đi như cọp và ánh mắt như rồng. Suy nghĩ và hành động của ngài khác hẳn với những quan lại bình thường. Ngài không thể làm nô lệ được…

Lúc đó chồng nàng nói vào và nhanh chóng kết thúc cuộc thảo luận:

- Tướng Hoàn Huyền mơ chiếm lại phương Bắc và thống nhất Trung Hoa. Y cần ta để hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này. Y sẽ giết ta khi ta đã truy đuổi xong bọn man di và chiếm lại được Trung Nguyên, quê hương của tổ tiên chúng ta. Lúc này, ta vẫn còn thời gian.

Một người trong số họ nổi trận lôi đình:

- Hoàn Huyền dã man và tàn độc. Hôm nay, hắn còn cần ngài để chinh phạt những tổng đốc không tuân lệnh hắn. Ngày mai, khi hắn đã nắm chắc quyền hành, hắn sẽ loại bỏ ngài. Cuộc chiến phương Bắc là một lời hứa mà hắn vẽ vời ra để có được liên minh từ phương Nam thôi.

- Tổng đốc Lưu phải giương cờ tuyên bố độc lập!

Chồng nàng lại nói lớn để cắt lời:

- Các đại nhân, rượu lạnh rồi. Cạn chén!

Bà Mẹ Trẻ nghe tiếng những người đàn ông uống ừng ực từng chén rượu. Chồng nàng nói tiếp:

- Các chiến binh, uống tiếp! Chén này thề kết nghĩa huynh đệ chúng ta vĩnh viễn! Vợ ta đã học được từ thân phụ cách chơi đàn cổ cầm. Ta sẽ nói nàng chơi nhạc cho buổi tiệc này…

Mời phu nhân múa và chơi nhạc trong một bữa tiệc là danh dự hiếm hoi chủ nhà ban phát cho khách. Nhưng Bà Mẹ Trẻ quá thẹn thùng và buồn lo nên chẳng muốn ra mặt. Tại sao chồng nàng lại cắt ngang cuộc thảo luận? Tại sao lại phải dùng âm nhạc để im lặng? Nàng không hiểu gì về tham vọng của những người đàn ông và cái điên cuồng muốn gây ra chiến tranh của họ. Trong số những chiến binh hung tàn nói về sự phản bội và mưu sát, có mấy ai biết thưởng ngoạn tiếng đàn cổ cầm không? Không quan tâm đến tâm trạng của nàng, chồng nàng cứ khẩn khoản mãi. Vì không muốn chồng mất mặt, cuối cùng nàng cũng chấp thuận chơi một khúc.

Nàng lui vào phòng, mặc bộ áo thêu và khoác chiếc áo choàng đen. Nàng thắp trầm lên, rửa tay, nhắm mắt lại và cầu nguyện. Theo lệnh nàng, những con hầu đã đặt trước điếm một bức rèm gió, còn nàng thì ngồi sau đó để những người đàn ông không thấy mặt. Khi nàng gật đầu ra lệnh thì những nàng hầu mới mở cánh cửa cuốn để nàng cúi đầu chào khách.

Gió làm váy áo nàng gợn sóng. Nàng siết nhẹ dây đàn và quyết định chơi khúc Quảng Lăng tán. Ngón tay cái bên trái của nàng đè hai dây đàn nốt cao; tay phải lướt qua bảy dây đàn, làm chúng lần lượt ngân lên. Âm thanh như mưa rơi.

Lúc còn trẻ, thi sĩ Kê Khang đã học được bí quyết của cái rỗng và cái đầy, đã phát hiện ra bí mật của con đường hoàng đạo nhờ chơi đàn cổ cầm. Ông đã đi du ngoạn khắp Trung Hoa và thăm những ngôi đền Đạo giáo. Trên núi Thiên Cung bên bờ biển Đông, ông đã hành hương lên đỉnh núi nơi ẩn sĩ Đạo giáo mà người ta gọi là “Người sống trước dòng sông” đã đắc đạo và trở thành tiên. Ngôi nhà của đạo sư được xây bên cạnh mộ một đạo sĩ cổ xưa, nhà của người sống và nhà của người chết có chung một mái. Như thể, đạo sư để lại thông điệp cho đời sau rằng, sự sống và cái chết chỉ cách nhau một bức tường mà thôi.

Khi đêm xuống và trăng lên, hằng hà sa số ánh bạc lấp lánh trên biển, chiếu sáng cả hòn đảo ngoài khơi xa. Một khúc cổ cầm được tấu lên. Lần theo tiếng nhạc, Kê Khang đi xuống bãi sỏi rồi thấy một túp lều. Ông nín thở đứng nghe ngoài cửa. Âm nhạc im bặt và một người phụ nữ bước ra. Nàng mời ông vào nhà uống trà. Nàng nói với ông rằng nàng đã từng là đạo sĩ trên núi. Dù người sống và người chết không đi cùng một con đường nhưng ông vẫn có cảm giác như gặp được một người bạn tâm giao, một người tình. Sóng nước dập dềnh ru êm dịu, họ đàm luận về các quy luật trên trời, những phương pháp dưới đất, về bí mật của sự đầu thai, về điệu trong thơ, về nhịp trong nhạc, về các thuật vẽ tranh và chơi cờ vây. Bình minh chiếu sáng khung cửa sổ nhắc họ đêm đã tàn và ánh mặt trời sẽ tràn ngập đại dương. Không biết người sống và người chết ngày nào mới lại được gặp nhau nên họ khóc than bịn rịn chẳng rời được nhau.

“Vì chàng làm cho cây đàn cổ cầm vui lên”, nữ sĩ nói với ông, “thiếp sẽ dạy chàng chơi bản Quảng Lăng tán, một giai điệu của trời cao nơi chỉ có thần tiên sinh sống. Đừng bao giờ chia sẻ nó với người phàm.”

Bà Mẹ Trẻ dùng đầu ngón trỏ trái gảy vào từng dây đàn mà ngón trỏ và ngón cái bên tay phải đang ấn giữ. Vọng âm của những con sóng náo động vẳng lên đâu đó, rồi thì những âm thanh trong như pha lê nhảy nhót, giống như những chú chim đang đập cánh.

“Cha của Nhiếp Chính là người rèn kiếm nổi tiếng nhất thời nhà Hàn”, nữ sĩ nói với ông. “Vì cho rằng vũ khí của ông là hạng nguy hiểm nên Hàn vương cho bắt ông chém đầu, viện cớ ông không làm kịp vũ khí để giao đúng hạn. Vốn là người nổi loạn, Nhiếp Chính thề báo thù cho cha. Chàng ẩn cư trong núi suốt bảy năm, học đàn cổ cầm và thuật ám sát dưới sự chỉ dạy của một đạo sĩ bất tử. Chàng làm da mình đen sạm đi và đổi giọng nói bằng cách nhai một loại lá độc. Khi chàng trở về kinh đô nhà Hàn, chàng đi ngang qua nhà cũ của mình. Vợ chàng khi đó đi ra cửa, vừa thấy chàng thì bắt đầu khóc lóc. Chàng hỏi: “Người phụ nữ kia, tại sao ngươi lại khóc?” Nàng trả lời: “Nụ cười của đại nhân làm tôi nhớ lại người chồng đã biến mất bảy năm về trước của mình.” Chàng hỏi: “Nụ cười của ta há chẳng phải hấp dẫn đến mức làm mọi phụ nữ nhớ đến chồng hay sao?” Chàng đi mất rồi cắn răng để phá hủy nụ cười có thể làm hỏng việc của mình. Ăn vận như một nhạc phu ăn mày, chàng chơi đàn cổ cầm trước cửa Tử Cấm Thành. Âm nhạc quyến rũ của chàng thu hút đám đông những người qua đường, trong số đó có những kẻ hầu cận trong triều. Thích thú với tài năng của chàng, vua gọi chàng vào cung và ra lệnh cho chàng chơi nhạc giữa một tòa yến khách. Khúc Quảng Lăng tán đã hút hồn tất cả những ai có mặt. Tranh thủ sự lơi lỏng của đám lính bảo vệ, Nhiếp Chính rút dao nhét sẵn trong cây đàn ra, lao đến chỗ đức vua rồi đâm y một cú chết ngay tức khắc. Nhiếp Chính rạch nát khuôn mặt mình trước khi tự sát để không ai biết chàng là ai, hòng giúp gia đình chàng không bị liên lụy. Xác chàng bị phơi giữa chợ. Một cụ già nhìn thấy ôm ghì lấy rồi khóc sướt mướt. Khi những kẻ qua đường ngạc nhiên vì bà lão dám khóc than thân xác kẻ đã giết vua, bà lão đứng dậy và trả lời: “Con trai ta là Nhiếp Chính! Tên của một người anh hùng phải được ca ngợi mãi nghìn năm sau. Làm sao ta có thể giấu tên tuổi của con ta vì sợ chết được cơ chứ?”.”

Gảy đoạn giữa dây đàn bằng tay trái, Bà Mẹ Trẻ chạy dây cả năm ngón bên phải. Sấm chớp nổi lên những tia sét nổ trên mặt đất. Gió đánh ra những ngọn sóng đập vào nhau rồi vỡ vụn. Giữ ngón cái bên phải cong xuống, Bà Mẹ Trẻ quét qua bảy dây đàn từ trong ra ngoài làm chúng gầm lên như biển cả trong cơn giận dữ.

“Thế giới của con người ngày càng tăm tối. Gió lốc sẽ nổi lên rồi sẽ tới lúc trăng tròn rồi khuyết hàng triệu lần”, nữ sĩ nói thêm khi chiếc bóng nàng nhạt dần đi.

Cánh cửa sổ đã sáng rõ và ngày mới đã tới ở chân trời. Cùng với đêm, căn lều dần biến mất.

“Cuộc sống trần gian đầy khổ cực đối với kẻ nào gắn liền với của cải và dục vọng. Bản Quảng Lăng tán là khúc ca của thi sĩ đã đoạn tuyệt khỏi những đau đớn và là điệu nhạc của những anh hùng không sợ cái chết…”

Tay trái của Bà Mẹ Trẻ quệt vào dây, còn tay phải đập vào đàn. Một chuỗi nốt nhạc càng lúc càng trầm nối đuôi nhau. Nàng đập vào bàn để đàn, giống như bước chân của kẻ ám sát lao tới chỗ vua. Nàng gảy dây đàn, làm nó đập liên tục và thét gầm. Nàng lại thấy hình ảnh cha nàng chậm rãi dạy cho nàng khúc nhạc khó chơi này. Khi nàng chơi nó không còn lỗi, ông mở rộng vòng tay rồi nàng lao vào lòng ông. Bất thình lình ông lùi lại rồi lấy tay áo che mặt. Nàng nghe ông thì thào: “Sau này, con gái của ta, sau này…”

Một cơn sốt xâm chiếm nàng cùng một luồng hơi lạnh phủ hết các ngón tay của nàng. Bàn tay phải dần chậm lại, tay trái giảm bớt áp lực. Âm thanh của cây đàn cổ cầm yếu dần rồi tan trong im lặng.

Bà Mẹ Trẻ chùi nước mắt. Sau tấm mành tre, nàng cúi chào đám đông rồi lui vào phòng.

Thật lâu sau đó, nàng nghe tiếng chân của khách khứa đi đến cánh cửa bên hông nhà. Tiếng xì xầm chào nhau đã tắt, rồi nàng nghe tiếng chân chồng mình đang đến cửa, theo sau là hai người đàn ông. Họ thì thào:

- Tại sao không dấy quân giải thoát cho Hoàng đế?

- Phải nổi dậy ngay lập tức. Khi Hoàn Huyền trở thành bá vương sẽ là quá trễ…

- Phải theo quy luật của trời đất, – chồng nàng trả lời. – Trước khi tống ngục Hoàng đế, Hoàn Huyền đã lấy con dấu triều đình. Từ bây giờ hắn có thể ra chiếu chỉ và ra lệnh cho toàn thể dân chúng. Tất cả những tổng đốc trái lệnh hắn sẽ bị chỉ điểm coi như phiến loạn. Hãy chờ Hoàn Huyền tự xưng bá vương, lập nên vương triều của hắn, rồi nếu hắn từ một kẻ nô bộc chính thức thành một bá vương bất chính, chúng ta sẽ tập hợp được các tổng đốc và loại bỏ hắn như một kẻ soán ngôi… Ta sẽ trở về kinh đô…

- Tổng đốc thật là cao kiến! Hãy ở yên trong bóng tối, đừng manh động.

- Tổng đốc có cùng họ với những hoàng đế nhà Hán. Ngay từ bây giờ chúng ta có thể tung tán tin đồn là ngài có gốc gác trong một gia đình cao quý.

- Tốt, làm như vậy đi. Ta đã quan sát tướng Ngô và tướng Ngụy tối nay, chúng chắc chắn là tai mắt mà Hoàn Huyền gửi đến để hạ độc ta. Đó là lý do vì sao ta nhiều lần cắt ngang cuộc thảo luận của chúng ta. Đêm nay hãy trừ khử chúng. Ở Kiến Khang, cả hai đứa chúng nó thường gặp gỡ một ả điếm tên là Ngọc Bảo. Hãy loan tin đồn rằng chúng giết nhau vì ả.

Mọi người đã đi. Cánh cửa phòng mở ra. Hôn phu của nàng xuất hiện với một ngọn đèn trong tay. Thay vì lao vào chàng và giúp chàng thay đồ, nàng thu mình trước gương trang điểm. Chàng lại gần nhìn nàng trong gương. Chàng lần lượt thổi tắt các ngọn nến. Trong bóng tối, chàng ôm lấy nàng rồi lật ngửa nàng xuống giường.

Hôn phu của nàng tập hợp các chiến binh để bày mưu với họ và kích động họ nổi loạn. Hôn phu của nàng nói dối về nguồn gốc của mình, giả làm con cháu của những hoàng đế. Liệu chàng có cái tham vọng ngây ngô một ngày kia sẽ trở thành hoàng đế và dựng lên vương triều của mình hay không? Nếu âm mưu của chàng không bao giờ thành, liệu chàng có biết rằng chính chàng, cũng như nam nhi cửu tộc nhà nàng, sẽ bị xử tử, còn phụ nữ sẽ trở thành nô lệ hay không? Những ý nghĩ của nàng va vào nhau trong khi tay chồng nàng đang lướt xuống bụng nàng, cởi bỏ chiếc váy của nàng. Nàng nằm im. Chàng đã đưa cả gia đình vào nguy hiểm mà không hề hỏi ý kiến nàng. Dinh thự mà nàng đã xây mới, những mảnh vườn mà nàng đã tạo dựng, những hồ nước nàng đào không chỉ là những tấm gương phản chiếu cái đẹp để xóa đi nỗi sợ hãi. Các quan đại thần trong triều không ngừng đấu đá xảo trá với nhau. Một vụ giết người có thể dẫn đến vụ giết người khác, rồi các mâu thuẫn không bao giờ dứt. Đâu là cái dục vọng kinh hoàng muốn sở hữu, cai quản, thăng quan tiến chức, thân cận hoàng đế, rồi lên ngôi hoàng đế? Tại sao lại muốn trở thành người quyền lực nhất, mưu lược nhất, dữ tợn nhất trong số những người quyền lực, mưu lược và dữ tợn? Bà Mẹ Trẻ đẩy tay chồng ra rồi nằm quay lưng lại.

Một lúc sau, chàng quay lại với nàng sau khi đã cởi bỏ hết quần áo. Chàng ôm nàng và áp chặt nàng vào thân thể cường tráng đầy các vết sẹo. Bất thình lình, nàng nghe tiếng con khóc. Nàng rùng mình, đẩy chồng ra rồi vội vã lấy một cái áo trong bóng tối đẩy cửa ra ngoài. Những nàng hầu đang ngủ ngoài cửa cũng vội vã nhỏm dậy. Chúng cầm đèn dẫn nàng đến phòng đứa bé. Cánh cửa mở ra. Trong ánh đèn lờ mờ, nàng thấy vú em đang mở nút áo cho đứa bé bú.

Bà Mẹ Trẻ khẽ đóng cửa rồi quay về phòng. Chồng nàng đã ngủ. Nàng nằm dài bên cạnh chàng rồi thở dài. Hai cánh tay mạnh mẽ ôm lấy nàng khi chàng nằm lăn lên nàng. Má kề má, ngực kề ngực, chàng di chuyển trên da nàng, trong hơi thở của nàng. Chàng cắm rễ vào da thịt nàng rồi tưới sức mạnh của mình lên nàng. Nước mắt đầm đìa, nàng tha thứ chuyện xâm lược và cướp bóc. Số phận của họ gắn chặt với nhau đến mức nàng không thể chống lại chàng. Khi đẩy cuộc đời họ thường trực trước nguy hiểm, chàng đã không cho nàng thời gian để căm ghét chàng, để từ chối chàng. Đêm nay, cũng như mọi đêm khác, đều có thể là đêm cuối cùng.

Cái chết chia lìa con người nhưng ý niệm về nó lại kéo con người lại gần nhau và xóa đi mọi khác biệt. Đôi tay của chồng nàng, vốn quen cầm kiếm và cung tên, đầy vết chai sần; đôi tay của Bà Mẹ Trẻ vốn chưa bao giờ phải cầm lấy một vật nặng lại mềm mại và nhỏ nhắn. Tay và chân quấn lấy nhau, nàng quên cả nỗi buồn trong quá khứ, còn chàng quên đi tham vọng về tương lai. Oán thù và buồn bã biến mất hết. Bà Mẹ Trẻ thấy hai cánh bướm dập dìu trong đêm dưới ánh sáng trăng. Một con cánh đỏ sọc đen, một con cánh xanh viền trắng. Chúng quấn quýt lấy nhau, rời xa nhau rồi lại đến với nhau. Chúng nhanh chóng hòa vào dòng Dương Tử và bay qua những thác nước đen ngòm.

Năm 404

Hoàng đế nhà Tấn thoái vị và nhường ngôi lại cho Hoàn Huyền, người lập nên nhà Sở. Bà Mẹ Trẻ biết tin rằng ở kinh đô Kiến Khang, hôn phu nàng đã hàng phục hoàng đế mới và thề trung thành với hắn.

Một thời gian sau, chàng mời người anh họ của Hoàn Huyền, người nắm toàn bộ binh quyền đi săn trong núi phía Bắc. Một bữa tiệc nhạc và vũ công được tổ chức ở dinh thự.

Ngồi sau tấm rèm ngọc, Bà Mẹ Trẻ chờ khách khứa tới. Đồ ăn và rượu đã nguội lạnh trong những đĩa vàng; vũ công ngủ gục trên gối cho đến khi đêm ập đến. Chẳng thấy hôn phu cũng chẳng thấy khách nào tới.

Ngày hôm sau, nàng biết tin hôn phu của mình đã làm một cuộc soán ngôi được chuẩn bị bí mật từ lâu: anh họ của Hoàn Huyền đã bị giết và đám thân cận bị tàn sát. Sau đó, hôn phu nàng đã vội vã rời khỏi Kinh Châu để gặp đoàn thuyền chiến của chàng. Từ giữa dòng Dương Tử, chàng đã tuyên chiến với Hoàn Huyền, kẻ soán ngôi và kêu gọi các tổng đốc nổi dậy.

Bà Mẹ Trẻ mở hòm rương rồi lấy ra một mảnh lụa mà chồng nàng đã tặng nàng. Nàng cho mang đến những chai giấm ngọt, ngỗng quay và cá phơi khô, những đặc sản của thành Kinh Châu. Nàng đặt hết vào trong một gói hàng rồi đặt vào một lá thư. Không biết mình còn sống được bao lâu, nàng xin gặp lại mẹ nàng.

Lính mang các món quà đi nhưng sớm quay trở về vài ngày sau đó với gói hàng còn nguyên. Họ nói rằng thân mẫu nàng từ chối nhận quà và bảo chúng trở về.

Đêm đến, thu mình trong phòng, nàng khóc cay đắng. Ngày xưa, nàng nghe ông nội nói: “Người thượng lưu, giới quý tộc ở Trung Nguyên chỉ gặp gỡ những người thượng lưu thôi!” Kết hôn không môn đăng hậu đối với một người nhà binh gốc gác bình dân, nàng đã bị loại khỏi thế giới này.

Cây cối mà nàng đã trồng những năm qua bắt đầu nở hoa. Ngọn non bộ giờ đã phủ cỏ xanh rì, trên đó là một ngôi nhà cảnh có mái ngũ giác. Những cây cầu đã bắc xong. Dọc theo hành lang quanh tòa nhà, những bức vẽ đã bắt đầu. Đối với xà nhà và mái nhà, Bà Mẹ Trẻ đã chọn một trăm cảnh lịch sử và vô số các hình họa phúng dụ. Nàng không muốn ra đi. Qua từng công trình một, nàng đã chậm rãi tạo dựng thế giới của mình trong buồn rầu. Cái đẹp là niềm đam mê của nàng. Cái đẹp xoa dịu nàng.

Trong thành, nơi hôn phu của nàng đã cho nhiều toán quân tới đóng, nàng chỉ có binh lính theo hầu chứ không được gặp người thân. Dù những bữa ăn vẫn còn đạm bạc, nàng không còn phải ăn rễ cây bùi nhùi hay vỏ ngũ cốc nữa. Hôn phu của nàng đã ra lệnh cho người mang cá tươi mới bắt dưới sông lên cho nàng mỗi ngày. Nhưng sáng nay, không thấy chúng đem tới. Người ta giải thích với nàng rằng những xác chết sau trận thủy chiến đã làm dòng sông nhiễm độc.

Bà Mẹ Trẻ câm lặng vì sợ hãi. Nàng đã thức dậy lúc nửa đêm, tim đập thình thịch, trán vã mồ hôi. Nàng đã vội vã lao đến phòng đứa con gái, rồi ngồi canh giữ nó mặc cho vú em can ngăn. Tiếng khóc của đứa trẻ làm nàng yên tâm. Đêm, không ngủ được nên nàng đi lại lang thang trong vườn dưới những tán cây trẩu đang nở hoa.

Ánh trăng chiếu xuyên qua các tán cây, soi sáng vô số những bông hoa màu xanh và những cây mẫu đơn vàng. Bên bờ hồ, bước chân nàng làm lũ ếch sợ hãi nhảy xuống mặt nước. Trăng vỡ ra thành hằng hà sa số những con cá li ti.

Chồng nàng lúc này đang làm gì, ở nơi đâu trên dòng sông? Chàng đang nghỉ ngơi sau một ngày chiến đấu? Hay chàng có đang ngắm trăng mơ màng đến những chiến trận mới chăng? Dù chàng chưa bao giờ nói với nàng nhưng nàng biết cha mẹ chàng là những nông dân không biết đọc biết viết. Làm sao một đứa con của nông dân lại có thể đánh thắng Hoàn Huyền gốc gác từ những vương hầu và hoàng tử sáng ngời?

Cha hắn là Hoàn Ôn, quan thống soái của triều Tấn, đã cưới Công chúa Nam Khang. Người ta kể rằng nàng là con gái đầu trong một gia đình hoàng tộc và là con gái yêu của cha nàng. Công chúa Nam Khang thích võ thuật và là nỗi sợ hãi cho các anh chị em. Nàng đã được chọn làm thiếp cho Hoàn Ôn vì hắn là tướng quân khéo léo nhất và mạnh mẽ nhất của đế chế. Khi hắn đánh bại vương triều ở vùng núi Tây Nam, trong số chiến lợi phẩm hắn đem về có cô em gái của Vua Lý, hắn giấu nàng trong một dinh thự bên ngoài kinh đô. Khi công chúa Nam Khang biết chuyện tình bí mật này, nàng đã cầm kiếm, nhảy lên ngựa và phóng về miền quê cùng những nàng hầu ăn mặc như chiến binh. Nàng đã đánh tan đám binh lính bảo vệ Công chúa Lý và đạp cửa xông vào phòng. Nàng công chúa nhỏ đang ngồi vấn tóc bên gương. Mái tóc dài của nàng quấn quanh khuôn mặt trắng trẻo và mảnh dẻ rồi lượn xuống đến đôi chân như một dòng suối đen. Không thèm quay lại, nàng ngước nhìn hình ảnh kẻ tình địch trong gương đang lăm lăm thanh kiếm.

“Triều đại của tôi và gia đình tôi đã bị giết sạch, từ ngày đó tôi chỉ muốn chết thôi. Tỷ tỷ, đừng ngần ngại nữa. Giết tôi đi, xin hãy giết tôi đi.”

Công chúa Nam Khang xúc động vì nỗi tuyệt vọng của nàng. Công chúa buông kiếm, ôm chặt nàng vào lòng.

“Chính ta còn bị vẻ đẹp của nàng chinh phục nữa, nói chi đến Lão Già Khốn Nạn kia!”

Bà Mẹ Trẻ không gặp lại chồng từ ngày bữa tiệc trở thành bãi máu. Người ta nói chàng đã được các tổng đốc muốn chém đầu Hoàn Huyền phong làm tư lệnh. Nếu chàng thắng cuộc chiến này, ai sẽ là kẻ thù tiếp theo của chàng?

Ngày như dải lụa cuộn vào rồi lại nhả ra. Những ngày đã qua là những phiến lá đã được vẽ, còn những ngày sắp đến là những chiếc lá còn trinh nguyên. Chúng rụng xuống từ trời cao như những bông tuyết xen vào cánh hoa mận rồi rơi lên bàn tay đang mở rộng của Bà Mẹ Trẻ, người có cuộc đời giống như một cuộn tranh thật lớn.

Những quả vải, mới vừa hái trên đồi Nam, được thuyền bè trở về và tỏa hương thơm ngào ngạt khắp dinh thự của nàng.

Bà Mẹ Trẻ chuẩn bị mực, màu và nước sạch đựng trong đĩa và chai lọ. Nàng trải một dải lụa trên chiếc bàn thấp, nhúng đầu bút vào mực rồi phác những nét đầu tiên. Theo từng đường nét, những ngọn sóng trào dâng rồi trở thành những thác nước. Những thác nước lại xô nhào về phía trời cao rồi cuồn cuộn dưới dòng chảy giữa hai bờ.

Dòng sông là điểm bắt đầu, thời thơ ấu. Dòng sông quét qua mặt đất, để lại vô số ao hồ. Một tường thành màu mật ong chạy quanh một kinh thành đầy kênh rạch và bo quanh những ao hồ đầy hoa sen, hoa súng, những cây cầu hình bán nguyệt, những cây dương liễu nhúng tóc vào mặt nước, những thi sĩ và những nghệ nhân.

Những buổi tiệc sang trọng không dừt nhưng sương mù bỗng nổi lên cùng từng đám thuyền chiến từ đâu kéo tới. Chiến tranh bắt đầu từ thượng nguồn và hạ nguồn dòng sông. Một cơn mưa tên ập xuống kinh thành, từ kinh thành túa ra từng toán lính tráng. Tay cầm khiên, giáo mác, búa và kiếm, binh lính lao vào nhau, hòa vào nhau, để lại sau lưng họ một mặt đất đầy rẫy xác chết và những vũ khí gãy nát.

Những con thuyền chiến mờ đi trong sương mù, những con thuyền chiến biến mất. Thành quách nghẹn ngào trong im lặng, tất cả những cánh cửa đều bị mở toang. Tiếng chó sủa văng vẳng lang thang khắp ngõ. Chúng cắn tai những người hấp hối đang bơi trong vũng máu, xé nát cánh tay những phụ nữ bị ném lên mái chùa, cắn cụt ngón chân của những người đàn ông bị phanh thây trên từng thân cây. Chúng chạy vào các tòa nhà, kéo lụa là về làm nùi ổ cho chúng rồi nằm đó thở hổn hển.

Chiến tranh là linh hồn của dòng sông. Chiến tranh là mất đi tuổi ngây thơ. Những ngọn thác rì rầm tiếng ngựa hí và tiếng vùn vụt của giáo mác. Bên bờ sông, đất đai màu mỡ làm người ta phải đánh nhau để giành lấy chúng. Khi chiến trận chấm dứt, những mô đất nổi cao ở góc phố, ở giữa đồng, hay ở dưới chân những cây cối đang nở hoa um tùm. Đó là nơi nông dân thờ những anh hùng đã trở thành huyền thoại. Họ dâng cúng cho linh hồn những anh hùng đó, xin họ ban lại những cuộc hôn nhân hạnh phúc và phù hộ cho tai qua nạn khỏi.

Bên bờ sông, những anh hùng sống mãi. Các triều đại đổi thay làm tên tuổi của họ lừng danh hơn nữa. Hình ảnh của họ được sơn vẽ hoặc khắc vào gỗ, chiến công của họ được ghi trong những cuốn địa đồ. Họ xâm chiếm những buổi trà dư tửu hậu và nói chuyện qua miệng lưỡi của những kẻ ngợi ca cuồng tín. Họ ám vào những người diễn viên lưu động diễn lại những chiến công của họ trong góc phố góc chợ.

Gió thổi qua bờ sông. Những đám mây biến thành cơn mưa vần vũ. Những ngọn sóng đập nát vào bờ, nhấn chìm đồng ruộng rồi rút ra để lại những ngôi làng bị tàn phá. Vô cảm với nỗi khốn khổ của con người, dòng sông lại tiếp tục lên đường ra biển lớn. Cũng như vòng luân chuyển vĩnh cửu này, con người sinh ra bên sông tiếp tục xây dựng lại kinh thành bị tàn phá, cày cấy lại những ruộng lúa bị ngập úng. Và cuộc đời lại nở hoa.

Mùi hương ngai ngái của hoa cúc bay quanh ngôi nhà. Mùa thu đã đến.

Bà Mẹ Trẻ nghe có tiếng xao động trong kinh thành, thậm chí tiếng huyên náo nhỏ nhất cũng làm nàng run lên. Nàng tưởng tượng cảnh chồng nàng thất trận, còn quân lính của Hoàn Huyền ùa vào kinh thành để tiêu diệt những người thân cận và hủy diệt dòng họ.

Cuộc đời là một giấc mơ mà Bà Mẹ Trẻ ghi lại trong bức tranh của mình.

Nơi những hố sâu dưới lòng sông, nuối tiếc và sầu não chỉ là bọt sóng mà thôi. Khi đến tuổi trưởng thành, dòng sông chậm lại. Sương mù tản ra rồi nhập vào đặc nghẹt. Những con thuyền như đang trôi đi giữa trời. Bầy mòng trở thành những chấm đen treo lơ lửng trên một nền màu nâu. Núi Bắc nhô ra, cắt dòng sông bằng những vệt tối có viền.

Núi Bắc rất nguy hiểm, những người hầu thường rỉ tai nhau như vậy. Ở đó, thời gian trôi đi rất nhanh và những cơn bão dường xuất hiện như không báo trước. Những con đường mòn biến mất vào trong những ngọn đèo mù tối vì bị mây phủ, nơi cọp beo rình mò lảng vảng. Du khách thường bị những băng đảng trộm cướp dùng vũ khí tấn công. Đó là những người lính chạy trốn khỏi vương triều phương Bắc và những người nông dân không chịu nộp thuế cho triều đình miền Nam. Họ sống lẩn khuất trong rừng rậm, trong những ngôi làng được xây trên những độ cao bất khả xâm phạm. Sự xuất hiện đáng sợ của họ không làm mờ đi ánh sáng chói của bảy ngôi đền thờ Phật giáo. Nhờ vào sự bảo trợ của các Hoàng đế nhà Tấn, sự trong sạch của các nhà sư và các nữ tu đã thu hút vô số người hành hương kéo về.

Mới đây, Bà Mẹ Trẻ vừa gửi bố thí đến chùa Đại Bi, một ngôi chùa nổi tiếng của núi Bắc. Lo lắng cho cuộc đời của chồng và con gái, nàng xin các nữ tu cầu nguyện cho họ. Một ngày nọ, đại sư Phát Quang đến thăm nàng để ngỏ lời cảm ơn. Từ đó, theo lời thỉnh cầu của Bà Mẹ Trẻ, bà thường lui tới và giúp nàng học kinh Phật.

Sư Phát Quang không sợ trộm cướp và cọp beo vì sư học võ thuật. Sư biết dùng kiếm đạo nhưng không bao giờ mang theo. Sư xuống núi với tay không và đề huề gió trong tay áo. Theo thỉnh cầu của Bà Mẹ Trẻ, sư chấp nhận tham gia một buổi biểu diễn. Lính tráng cầm giáo mác và kiếm vây lấy sư. Sư dùng sức mạnh tấn công của họ để tung mình vào không trung. Sư đi lại trên vai họ, giẫm chân lên đầu họ và lướt qua những lưỡi gươm của họ. Thấy sư di chuyển trên cao như một cánh chim lớn, Bà Mẹ Trẻ mỉm cười mơ mộng.

Núi Bắc gồm những đám mây đen của người chết và những đám mây vàng của những bức tượng Phật, sư Phát Quang nói với nàng. Những người leo lên núi sẽ biến mất hoặc tìm lại được niềm hy vọng. Dù chết hay được chữa trị, dù trôi mãi vào hư ảo hay băng qua những ngọn sương mù và ôm choàng ánh sáng, ngọn núi luôn mang lại sự lựa chọn một số phận. Bà Mẹ Trẻ nhìn đứa con gái chơi với đám người hầu trong vườn. Lên bốn tuổi, Huệ Viên lanh lẹ và náo nhiệt. Nó là sợi dây nối nàng với thế giới tục, không cho nàng trở thành nữ tu.

Trên bức tranh, dòng Dương Tử kéo dài vô tận và núi Bắc trập trùng hết đỉnh này đến đỉnh khác, hết thung lũng này đến thung lũng khác. Những mái nhà thếp vàng của các đền đài trôi trong mây. Trên một con đường mòn dốc đứng, Bà Mẹ Trẻ vẽ thêm một nam nhi mặc đồ trắng. Chàng mang trên lưng một cây đàn cổ cầm cùng kiểu dáng với cây đàn của nàng Sái Văn Cơ. Núi cao và rộng, con người xuất hiện bé nhỏ và đơn độc. Bà Mẹ Trẻ đã cho chàng một cái bóng cao ráo của cha nàng, tướng người ngạo nghễ của chồng nàng và vẻ phiền muộn của chính nàng.

Bất ngờ, một tiếng xì xào lớn ập vào phố. Tiếng la hét lặp đi lặp lại của binh lính, lính gác, nô lệ và người hầu ập đến tai Bà Mẹ Trẻ đang vẽ:

- Đại nhân đã chiến thắng, đang trên đường trở về. Hãy chuẩn bị đón tiếp ngài!

Từ phòng ngủ đến cổng vào, từng cánh cửa nối tiếp nhau rộng mở. Nhạc và tiếng hò hét nổi lên. Tòa thành trong cơn cực hỷ, toàn bộ dân chúng hô to tên chồng nàng, người chiến thắng trong cuộc chiến chống kẻ soán ngôi Hoàn Huyền.

Mặt đất rung lên. Nàng có cảm giác như một đoàn quân vừa ùa vào dinh thự của mình. Chồng nàng, nóng lòng được gặp vợ, đã phóng ngựa đến thẳng chỗ nàng.

- Ta sẽ đi ngay lập tức, – chàng hét lên ngay khi thấy nàng. – Hoàn Huyền đã chết nhưng lũ thân cận của hắn vẫn đang bắt Hoàng đế làm con tin ở sâu trong vùng Tây Nam. Ta phải quay lại đó! Trong khi chờ đợi, ta muốn có một đứa con trai. Ta phải có một đứa con trai!

Con ngựa đen của tướng Lưu giậm chân trong chuồng. Nó bồn chồn gõ cộc cộc xuống mặt đất rồi đạp vào cửa chuồng bằng bộ vó chân sau. Cuồng Phong ghét sự yên tĩnh, sự ngơi nghỉ, ghét những cọng rơm khô. Nó không thích đứng không có bộ yên cương và không có sức nặng của người ngồi trên đó. Nó ghét bị gỡ mất tấm mặt nạ bằng đồng. Không có đồ trang sức bằng tía đội trên đầu, nó thấy mình rất tệ. Nó sợ trại huấn luyện, nơi người ta bắt nó chạy vòng vòng phát chán và sợ cái chuồng được những người lính trẻ chưa ra trận lần nào quét sạch sẽ mỗi ngày. Sự chiều chuộng của họ sỉ nhục nó. Họ cho nó ăn cà rốt, cọ mông cho nó và thì thầm vào tai nó. Họ tắm cho nó bằng nước ấm. Khi nó vã mồ hôi, họ lau cẩn thận, tỉ mỉ. Đêm tới, trước khi bỏ đi, họ đặt lên lưng nó một tấm thảm lụa thêu hoa và chim chóc. Đứng trong đêm lại phải mang một cái mền nực cười, Cuồng Phong nghiền ngẫm những ý nghĩ tệ hại. Đôi lúc nó nghĩ nó đã bị cho nghỉ, đôi lúc nó nghĩ chắc đang có âm mưu gì đó lởn vởn quanh đây cốt làm cho cơ bắp của ta nhão nhoẹt ra, làm chân ta đứng không vững, làm gối ta yếu mòn. Nó đạp mạnh từng cú và hí lên giữa đêm khuya. Nó khóc vì không còn được nghe tiếng trống trận đánh dồn, tiếng vũ khí va vào nhau, tiếng mặt đất gầm gừ. Nó sống nhờ phi nước đại, nhảy lên mặt nước, trên cỏ, trên những bãi đá gập ghềnh, nhờ leo trèo trên những ngọn núi cao và lao xuống những sườn đồi dựng đứng. Nó thích mùi mồ hôi của binh lính dưới ánh mặt trời, tiếng ù ù điếc tai và tiếng hét của chiến tranh làm rung cả mặt đất. Cuồng Phong giậm vó khi nó nghe tiếng tù và cùng tiếng trống. Nó nhảy về phía trước, phóng vùn vụn trên mình lũ giặc để đạp chúng và cắn chúng. Có những con ngựa giãy nảy lên hất chủ nhân xuống đất. Những con khác dũng cảm hơn thì lao vào đánh nhau. Cuồng Phong cảm nhận được ý chí của chủ nó. Cơ thể của họ trong cuộc chiến chỉ còn là một. Nó ngoặt mình, lao tới, lùi lại, chồm lên, đá hậu, đá vó.

Cánh cửa chuồng ngựa mở ra và ánh sáng ban ngày nhấn chìm nó. Lính tráng dẫn nó ra rồi thắng yên cương cho nó trong sân. Cuồng Phong vểnh tai lên rồi giậm chân vui mừng. Tướng Lưu đến gần rồi nhảy lên lưng nó. Không chờ chủ ra lệnh, vì sợ ông ta lại nhảy xuống, Cuồng Phong chạy nước kiệu ào ra cổng, đầu ngước lên kiêu hãnh. Nghe tiếng một người phụ nữ đi theo ông chủ, nó kêu lên. Đó là một tiếng khóc nghẹn ngào:

- Chàng ơi, khi nào chàng trở về?

- Ta sẽ sớm trở về… Hẹn ngày chiến thắng!

Năm 405

Thời gian đình chiến rất ngắn ngủi. Chiến tranh lại tiếp diễn. Tin tức cứ lần lượt đến tai Bà Mẹ Trẻ. Chồng nàng được tôn làm thủ lĩnh tối cao đã chinh phạt đến tận vùng núi Tây Nam. Những lời đồn đại âm mưu nói rằng không phải chồng nàng đang truy tìm những thân cận của Hoàn Huyền, mà là đang tìm diệt tất cả những ai không đồng lõa với mình.

Bà Mẹ Trẻ ngồi xuống bên chiếc gương đồng. Khung gương tròn tráng thủy ngân phản chiếu khuôn mặt tròn trĩnh của nàng. Làn da nàng trước kia đen sạm vì gió sương qua những trận chiến, nay đã trở lại trắng trẻo như xưa. Mái tóc nàng lại trở nên óng mượt. Khi nàng cười, đôi môi hồng hé mở hai hàng ngọc ngà trắng muốt. Từ ngày chồng nàng ra đi, Bà Mẹ Trẻ không son phấn nữa. Tuy nhiên, khi để mặt mộc, nàng lại giống như một bông hoa mẫu đơn nở vào độ xuân thì, càng ngày càng đẹp. Vẻ đẹp của nàng làm nàng sầu não và nàng đã chán phải nghe lời tán dương của bọn hầu gái trong nhà. Một bông hoa mẫu đơn không còn đẹp khi nó nở trong đêm đơn gối chiếc. Không có chồng nhìn ngắm, vẻ đẹp xuân sắc của người vợ không còn giá trị gì.

Vẻ xinh đẹp của người phụ nữ phải chăng đang báo hiệu độ xuân tàn? Da nàng sẽ nhanh chóng mất đi vẻ tươi tắn và trán nàng rồi sẽ đầy nếp nhăn. Bà Mẹ Trẻ không muốn đẹp nữa, nàng muốn làm chồng thỏa mãn và mang thai. Nàng muốn mình có mang và sinh một đứa con trai. Nàng mơ được mang thai trong một căn phòng ấm áp trên nệm lông. Nàng muốn được quấn đứa bé mới sinh trong lụa êm ái và có đầy đủ sữa cho con bú. Lũ gia nhân lấp lửng nói với nàng rằng chồng nàng có một dinh thự sang trọng ở kinh đô Kiến Khang. Bà Mẹ Trẻ sôi máu. Trái tim của chồng nàng chắc đang bị lũ tỳ thiếp trẻ hơn và quyến rũ hơn nàng bắt giữ rồi.

Nàng viết thư cho chàng rồi lại xé đi. Chàng chắc không hiểu những lời nàng nói bóng gió, những điều nàng liên hệ tới những áng văn cũ, những đoạn nàng trích thơ cổ xưa và những bài thơ vận dụng nét đẹp của thể phú thời nhà Hán.

Nàng quay sang mẹ mình, cầu xin bà chấp nhận nàng: “Con hoẵng lạc lối tìm mẹ trong rừng thông, con ngỗng rừng mỏi cánh muốn về ngơi nghỉ trên đất tổ.” Người đưa tin đã trở về. Mẹ nàng vẫn im lặng.

Một vị khách không mời đã kết thúc chuỗi ngày day dứt đơn độc của nàng. Một phụ nữ trạc tuổi Bà Mẹ Trẻ xuất hiện trước cửa nhà nàng, dẫn theo một đứa con gái. Cả hai đều mặc đồ nhà nông.

- Đây là người vợ đầu tiên của đại nhân, nàng Tăng, – viên quản quân giới thiệu.

Bà Mẹ Trẻ nghẹn lời tê cứng cả người trước người chị em của mình. Nàng không biết là chồng mình có một người vợ khác. Nàng không biết cuộc đời kẻ bắt cóc mình trước khi hắn chiếm đoạt nàng.

Nàng Tăng cùng tuổi với chồng nàng. Khuôn mặt rám nắng của nàng đầy những nếp nhăn và chấm nâu. Giống như một nàng hầu, nàng mặc một bộ áo vải không nhuộm màu, vấn tóc thành búi rồi giữ bằng một cây cài gỗ và quấn lại bằng một sợi gai dầu. Bà Mẹ Trẻ không biết phải xưng hô thế nào: là người thượng lưu, luật cấm nàng cúi mình trước phàm phu tục tử, còn trong vai trò là vợ thứ, nàng phải cung kính người vợ cả.

Nàng Tăng nhìn nàng từ đầu tới chân.

- Đừng chào ta, – nàng ta nói giọng sang sảng. – Ta chỉ là một kẻ quê mùa thôi. Quỳ xuống Hưng Đệ, hãy chào mẹ của con đi. Con phải nghe lời mẹ đó.

Bé gái quỳ gối rồi cúi đầu chào. Không chờ Bà Mẹ Trẻ phản ứng, nàng Tăng nói ngay:

- Hãy chỉ cho ta phòng của Ký Nô, và ta sẽ không làm phiền nàng nữa. Con gái ta và ta sẽ đến sống ở nhà chàng.

Bà Mẹ Trẻ lấy quạt lụa che nửa dưới khuôn mặt và cắn môi. Ký Nô, “đồ bỏ đi”, là tên tục của chồng nàng? Chàng có phải là một nô lệ trước khi trở thành thủ lĩnh quân đội không? Nàng gắng gượng không hỏi han rồi dẫn cô vợ cả về phòng tổng đốc.

- Sang trọng quá! – Nàng Tăng thốt lên ngay từ cái nhìn đầu tiên. – Binh lính giày xéo ruộng đồng và phá hết các kho thóc. Khắp nơi nông dân đói khổ. Sao Ký Nô lại có thể giữ lụa là, gấm vóc trong phòng ngủ như màn trướng như vậy được? Tháo hết xuống cho ta!

Bà Mẹ Trẻ cúi đầu, cố giấu đôi giày lụa thêu đính ngọc trai dưới chiếc váy dài. Nàng Tăng quay về phía nàng.

- Tin đồn đến tận miền quê nơi ta đang canh giữ ngôi nhà và mồ mả tổ tiên của hắn. Ta đã quyết định đi tìm gặp và nói cho hắn nghe ý kiến của ta.

Bị bối rối nên Bà Mẹ Trẻ đành im lặng.

Nàng Tăng tiếp tục:

- Dù có danh dự của một thủ lĩnh tối cao nhưng Ký Nô không được quên gốc gác của mình. Nàng không phải là vợ một thương nhân giàu có đâu, mà là vợ của một nông dân được may mắn. Sự giàu sang và phí phạm đã làm hắn ngoảnh mặt đi! Nhìn đây, ta có mang theo cái này.

Nàng ta xắn tay áo lên, giật lấy túi vải từ tay con hầu rồi lôi ra một bộ đồ đã gấp cẩn thận, trải nó ra dưới mắt Bà Mẹ Trẻ. Mùi mỡ lan khắp nơi. Đó là áo choàng đàn ông bằng vải lót bông may từ những mảnh vá của vải cũ.

- Một trăm lần tay ta vá đi chắp lại, Ký Nô đã từng mặc nó suốt tuổi trẻ của mình. Đó là cái áo duy nhất của hắn! Hắn không được quên hắn đã từng đói ăn và khổ nhọc kiếm từng bát gạo thế nào! Hắn phải ngừng đánh nhau lại ngay. Ở quê, nông dân sẽ nổi giận!

Ở cửa phòng, Huệ Viên đến chào Mẹ Lớn. Không hiểu chuyện người lớn nên nó lặp lại lời lẽ văn vẻ mà bà vú nuôi đã dạy nó.

- Lại một đứa con gái nữa! – Nàng Tăng hét lên khi nhìn thấy nó. – Chuyện gì đã xảy ra vậy? Khi con gái hắn chào đời, Ký Nô đã gọi nó là Hưng Đệ, “đứa con gái dẫn các anh em đến”, hòng sau đó, hắn sẽ có được nhiều con trai. Hắn ra chiến trận ngay sau đó rồi thì ta chẳng còn gặp hắn lần nào nữa. Làm sao hắn để cho bụng nàng cũng lại sinh ra con gái như vậy? Quả thật là ta thấy thương xót cho chúng ta quá!…

Chồng nàng lâu chẳng thấy về. Người ta nói rằng chàng đã ở lại triều đình và điều khiển việc triều chính quốc gia đại sự.

Khi chạy trốn sang phía tây, Hoàn Huyền dẫn theo Hoàng đế nhà Tấn bị soán ngôi. Hoàn Huyền đã thất trận, Hoàng đế không vì thế mà được tự do. Bị kẹt trong thâm sơn cùng cốc Tây Nam, Hoàng đế bây giờ là tù nhân của tướng Lưu, kẻ chiến thắng. Những lời bôi nhọ nói rằng khi đã chiếm được kinh thành Kiến Khang, không cần lo ngại vì Thiên tử không có ở đó, tướng Lưu đã quyết định theo gương Hoàn Huyền trèo lên ngai vàng để thành Hoàng đế.

Lo sợ cuộc nổi loạn của các tổng đốc khác, thành Kinh Châu đóng kín các cửa thành. Ngoài đường, binh lính rà soát khắp lượt. Lính bảo vệ dinh thự đã tăng lên gấp đôi. Cả hai người vợ đều hốt hoảng. Cùng lo sợ như nhau nên họ quên đi mâu thuẫn của mình về cuộc đời thủ lĩnh tối cao và sống chung với nhau từng ngày.

Nàng Tăng đã thôi chê bai Bà Mẹ Trẻ và Bà Mẹ Trẻ cũng chấp nhận có một người chị em phàm phu tục tử. Nàng Tăng đã thay đổi căn phòng Ký Nô mà nàng đang cai quản. Vải gai dầu đã thay thế những bức trướng bằng lụa và những tấm màn vải thay cho nệm thêu gấm phủ. Đem những công cụ bằng gỗ có cán sắt từ miền quê lên, nàng ta đặt chúng ở giữa phòng. Bà Mẹ Trẻ tò mò hỏi xem chúng dùng để làm gì.

- Cái này là cái bừa! – Nàng Tăng giải thích. – Không có bừa nông dân không thể làm đồng. Nó dùng để vỡ đất và loại bỏ những hạt sỏi. Đất cũng giống như bột. Phải lọc bột trước khi làm bánh mì. Đất phải được làm tơi trước khi nhận hạt gieo xuống.

Bà Mẹ Trẻ tròn mắt. Nàng từng biết công cụ này qua sách Kinh thi mà nàng học lúc bé. Nàng không biết tí gì về cách dùng nó, giống như nàng không biết tí gì về cách người ta làm bánh mì. Nàng nắm lấy cán bừa rồi nhấc lên.

- Không phải ở đây! Trong vườn cơ! – Nàng Tăng hét lên.

Trước khi tiếng hét của nàng Tăng chấm dứt, Bà Mẹ Trẻ đã lảo đảo và cán cái bừa gãy làm đôi.

Nàng Tăng tiếp tục bực dọc:

- Nàng có biết lưỡi cày là cái gì không? Nếu nông dân giàu, anh ta sẽ móc nó vào một con bò hay con ngựa, nếu anh ta nghèo thì vợ anh ta phải kéo cày thay bò ngựa. Lưỡi cày sẽ đào thành các luống đất…

Bà Mẹ Trẻ nhớ tới dinh thự, nơi nàng đã lớn lên. Nó cũng có những khu vườn để trồng rau và ngũ cốc để lấy mùi hương đồng nội và những công dụng lạ lẫm.

- Đây là cái xiên lật đất, còn kia là lưỡi trở rơm… Đó là những dụng cụ Ký Nô đã dùng khi đi làm đồng. Nhà hắn là một trong những nhà nghèo nhất làng… Nàng đừng đụng vào cái gì hết! Ta sẽ ra lệnh dành riêng một khu vườn để ta dạy nàng trồng rau!

Cây sơn trà đã trổ bông. Khi những nải chuối vẫn còn xanh thì cam đã vàng mọng. Ở phía nam sông Dương Tử, mùa đông dịu hiền như dòng sữa nhưng nàng Tăng lại chẳng quen sống sung sướng.

Thông qua nàng, Bà Mẹ Trẻ biết được chồng nàng mồ côi mẹ từ lúc chào đời. Cha chàng nghèo đến mức không nuôi nổi chàng. Giận đứa con làm vợ mình chết, ông ta quyết định dìm đứa bé xuống nước. Một người chị họ biết được ý định đó. Vì bà ta vừa sinh con nên bà ta nói sẽ cho đứa trẻ bú sữa. Từ lúc đó, người ta gọi chàng mồ côi là Ký Nô, nghĩa là “đứa trẻ bị bỏ đi”. Lúc vừa lên năm, Ký Nô đã ra đồng. Lên mười hai tuổi, cô gái trẻ Tăng trở thành hôn thê của Ký Nô, lúc đó vẫn chỉ là thằng nhóc còn nhỏ con hơn nàng. Từ lúc đó nàng phải kéo cày. Lúc trưởng thành, Ký Nô hay nóng nảy và thường xuyên cãi nhau với cha chàng. Chàng bỏ bê việc đồng áng để đi chơi với lũ du thủ du thực trong làng, những kẻ đã dạy chàng đánh đấm và dùng đao kiếm. Để được gia đình tha thứ, nàng Tăng đã phải làm việc không ngơi nghỉ. Nhờ một người bạn, Ký Nô đã kiếm được một việc làm trong thành và trở thành lính gác cổng.

Sau đó, chàng càng ngày càng ít về quê, những chuyến về quê của chàng ngày càng ngắn và cách nhau rất xa. Sau khi đi lính, chàng để nàng Tăng gánh vác cha nàng, mẹ kế và hai đứa em cùng cha khác mẹ, chàng thỉnh thoảng gửi tiền về nhưng không bao giờ gặp nàng nữa.

- Hắn còn không biết mặt con gái hắn, – bà vợ cả oán hận. – Ta còn phải chờ hắn bao lâu nữa? Mùa xuân, ta phải trở về quê để lo gieo mạ. Cha mẹ ta già rồi. Chỉ còn đôi tay ta mới lo cho họ được thôi!

Khi thấy phải ở kinh thành ngày dài đoạn tháng, nàng Tăng bắt đầu lo lắng. Nàng ghét cuộc sống bị giam cầm trong dinh thự lặng im và chỉ mong ngóng ngày trở về quê.

- Ta thấy cuộc đời em thật chán nhỉ! – Nàng ta than thở với Bà Mẹ Trẻ. – Ở đây, ta sẽ già đi trước mười tuổi mất! Ta cần phải để cho xương cốt vận động và hít thở ánh mặt trời. Ở trong làng, những cánh cửa không bao giờ đóng và những người hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Những đứa trẻ và lũ chó chạy quanh khắp nơi và ăn khi đồ ăn dọn sẵn. Khắp nơi tràn ngập tiếp cười, tiếng cãi cọ, tiếng hát, tiếng nghé ọ và tiếng gà gáy ò ó o. Ở đây, ta phải sống với lũ chim chậu cá lồng chẳng biết bay, suốt ngày cứ lượn lờ như con bệnh!

Nóng lòng muốn làm xong bộ đồ cưới cho em trai Ký Nô, nàng Tăng cho người mang đến một khung dệt và bắt đầu công việc. Bà Mẹ Trẻ đi theo nàng và nhìn con quay chạy giữa những sợi chỉ, thích thú nhìn những động tác lanh lẹ của người dệt vải.

Những sợi chỉ trong suy nghĩ của nàng cũng rối rắm như vậy.

Hoàn Huyền từng có quan hệ với hoàng tộc. Lúc năm tuổi, hắn được thừa kế chức công hầu và hai mươi ba tuổi hắn đã được chỉ định làm người chăm sóc hoàng tử thừa kế ngai vàng. Dù mang dòng máu quý tộc, khi hắn đoạt ngai vàng, dân chúng đã nổi dậy gọi hắn là kẻ soán ngôi. Chồng nàng sinh ra giữa những người nghèo khó nhất của vương quốc. Nếu chàng có đội vương miện Thiên tử trên đầu thì chàng còn có nhiều kẻ thù hơn Hoàn Huyền. Những người có phẩm tước và quý tộc sẽ chẳng muốn quỳ gối tuyên thệ trung thành trước mặt một người từng lem luốc trên đồng ruộng. Bị xa lánh, bị khinh miệt, chàng chắc phải đối mặt với các tổng đốc lợi dụng tầng lớp thấp kém của chàng mà tuyên chiến chống lại chàng.

Gió thổi qua. Những đám mây hạ xuống thành Kinh Châu rồi phủ lấy nó bằng một lớp sương mỏng. Cơn mưa lạnh tí tách trên mái nhà. Từng khóm tre, bụi chuối ngả nghiêng.

Trước gương, Bà Mẹ Trẻ chải mái tóc dài bằng một cái lược gỗ hình con chuồn chuồn. Nàng mân mê con phượng hoàng vàng cánh nạm ngọc trai chồng nàng tặng rồi đóng hòm đồ trang sức lại.

Năm 406

Một sáng tinh mơ, nàng Tăng mặc một chiếc áo khoác chằng đụp cùng đứa con gái đến gặp Bà Mẹ Trẻ.

- Trong mơ ta thấy mình trở về làng. Không có ta, mạng nhện đóng trên trần nhà, còn đất đai của tổ tiên không ai tưới tiêu, cày cấy. Cha mẹ chồng ta phàn nàn mãi vì ta đi vắng, họ muốn ta về chuẩn bị nhà cửa đón Tết. Mấy đứa cháu gái thì cãi cọ om sòm. Áo quần chúng còn chưa may vá lại. Ta cho đóng móng lừa rồi. Ta phải về thôi.

- Hãy ở lại đi, – Bà Mẹ Trẻ nước mắt đầm đìa. – Hôn phu chúng ta có lẽ sẽ trở về đón Tết. Nếu chàng không thấy nàng, chắc chàng sẽ thất vọng lắm.

Nàng Tăng lắc đầu rồi đưa cho Bà Mẹ Trẻ một bọc quần áo.

- Đây là cái áo khoác cũ ngày xưa Ký Nô vẫn mặc. Nó sẽ giúp hắn nhớ lại thời trai trẻ khi chúng ta chật vật kiếm cái ăn qua ngày. Sự giàu sang quyền lực, công danh chỉ là ảo ảnh. Chỉ có mảnh đất đã nuôi lớn con người, con vật, đồng ruộng và bốn mùa mới là vĩnh cửu. Hắn không được quên những giá trị của nhà nông.

Nàng Tăng và cô gái đi rồi, Bà Mẹ Trẻ lại rơi vào cảnh buồn bã. Những cơn mưa mùa đông càng ám ảnh nàng, những bông hoa thủy tiên đã nở và năm mới sắp đến. Ôm Huệ Viên trong tay, nàng nghe tiếng những cánh hoa đập vào thành cửa sổ thành tiếng trong thành Kinh Châu. Khi còn trẻ, thời điểm này là lúc nàng đến chúc thọ ông nội và ngắm những chiếc đèn lồng hình hoa và thú trôi bềnh bồng trên những con kênh.

Bên kia đường chân trời mờ sương, chồng nàng đang viết nên một trang sử mới. Chàng đã cứu được Hoàng đế bị đày ải trở về và khôi phục nhà Tấn. Ngay khi lên ngôi, Hoàng đế đã phong cho kẻ cứu mạng mình chức thị trung, xa kỵ tướng quân, thống soái quân đội.

Bà Mẹ Trẻ đã mệt mỏi. Những tin đồn mà nàng nghe chỉ là những lời vu khống. Chồng nàng là một người thông minh, một chiến lược gia tài ba. Chàng thích vinh quang của kẻ chinh phục hơn là vẻ khoa trương của một hoàng đế phù phiếm.

Tiếng cồng rung chuyển đất trời. Chồng nàng trở về giữa cơn mưa hoa trắng. Nàng mặc bộ đồ trắng lộng lẫy vội vã đón chàng về. Chàng mặc bộ áo bào vàng và đeo thắt lưng màu tím, dấu hiệu của đẳng cấp tối cao trong triều đình, tuy nhiên chàng thì vẫn không đổi, có chăng chỉ là ở chỗ những nếp nhăn đã sâu hơn, bước chân nặng nề hơn giống như mang chì trong từng suy nghĩ. Nàng ngả mình vào chàng và hít thở mùi của hòa bình.

Đêm quá ngắn. Ngay khi bình minh, dinh thự đã đầy lính. Những tướng lĩnh diễu qua lại và những cuộc gặp gỡ diễn ra quanh một bàn cờ lớn. Mọi người lần lượt bàn tán rồi di chuyển từng con chốt trên bàn cờ. Khác với những con chốt trắng và đen trong cờ vây chỉ thể hiện hai quân đối đầu, trên bàn cờ của chồng nàng, có hơn hai mươi màu đại diện cho hàng chục vương triều man di ở phía Bắc Dương Tử và hàng chục tổng đốc độc lập ở bờ Nam. Đầy tham vọng và gian trá, đến lượt mình, những tổng đốc ở bờ Nam nổi dậy. Chiến thuật của chồng nàng làm họ yếu dần về quân sự bằng cách đẩy họ tới những cuộc chiến phương Bắc, rồi chàng cũng sẽ lần lượt thâu tóm từng vương triều man di bằng cách chia rẽ chúng.

Giờ thì nàng hiểu được tại sao tóc chồng nàng bạc đi! Chàng đột ngột lên đường đi Kiến Khang, nơi những tổng đốc đã hội đủ quân lính chờ lệnh chàng. Chàng ra đi mang theo cả niềm vui của người vợ và phá tan ước mơ có một đứa con của nàng. Nhưng Bà Mẹ Trẻ không có thời gian để cô đơn lâu, vị thủ lĩnh tối cao đã trở về và những chuyến đi về của chàng như mắc cửi. Chàng cho đổi lính gác và để lại cho Bà Mẹ Trẻ chiếc áo bào của thủ lĩnh. Nàng cất nó trong rương và buộc chìa khóa lên thắt lưng của mình. Được chàng tin tưởng, nàng tràn ngập niềm vui lẫn buồn bã. Những người phụ nữ cũng là những người lính bị đặt vào những vị trí sinh tử trên bàn cờ. Quê hương, cha mẹ và mộ tổ tiên đối với nàng Tăng; còn đối với nàng là Kinh Châu, cửa sông Dương Tử, nhà ngục và nhà dân, tất cả cũng mỏng manh và phù phiếm như nàng.

Chồng nàng đã lên đường, những căn phòng lại rộng quá đỗi, quá rộng cho nàng và Huệ Viên. Bà Mẹ Trẻ lại cầm cọ vẽ. Trên tấm lụa đã trải ra, dòng sông đe dọa mặt trời nhợt nhạt. Trên bờ Nam, những con ngựa thoắt ẩn thoắt hiện, những chiến xa xếp hàng sin sít, những chiếc thuyền bồng bềnh trên sóng nước. Nàng thêm vào một trại lính và một mái lều tím bao quanh là những lều nhỏ màu trắng. Đó là khu lều của thủ lĩnh, chồng nàng.

Chiến tranh sắp đến, nhưng chiến tranh còn chực chờ.

Chồng nàng trở về và họp kín với những người thân cận cùng một danh sách trong tay. Vào giữa đêm thâu, chàng cầm cọ viết, vòng những cái tên bằng mực đỏ và thêm những cái khác vào cạnh bên. Rồi chàng nằm xuống bên cạnh nàng. Thay vì ôm nàng vào lòng, chàng nằm quay lưng lại và ngủ thiếp đi. Ít lâu sau đó, nàng được biết rằng các quan lại trong triều đã bị xử chém và bị thay thế.

Chồng nàng rời khỏi Kinh Châu, rồi nhanh chóng trở về. Đi lang thang sau những cánh cửa cuốn, nàng lắng nghe cuộc đối thoại:

- Thưa đại nhân, đây là gia phả triều nhà Hán mà nô tài đã lấy từ Tàng thư hoàng tộc ra. Phân nhánh liên quan đến Sở vương Lưu Giao đã bị thay đổi. Tên của tổ tiên chúng ta đã được thêm vào. Từ nay, không ai có thể nghi ngờ nguồn gốc hoàng tộc của chúng ta.

- Còn việc này nữa: vợ thứ hai của ta là một người thượng lưu. Nhưng trước kia ta đã cưới nàng Tăng. Tăng là một cái tên ô nhục ở miền quê. Ta không muốn ly hôn với một người phụ nữ tiết hạnh và chung thủy,

- Ở trong triều có một viên thư lại trong cung tên là Tăng Vương. Chắc sẽ không khó, nô tài sẽ thuyết phục con cháu nhà Tăng Vương mở rộng gia phả.

- Hãy làm như vậy trước khi ta đi lên phương Bắc.

- Đại nhân có mệnh rồng, điều đó đã thấy trong chiêm tinh. Cuộc chiến phương Bắc sẽ dẫn ngài đến vinh hiển.

- Đừng có nịnh bợ nữa. Ta đang phải thận trọng…

Đêm, Bà Mẹ Trẻ thấy các giấc mơ lạ kéo đến: những thảo nguyên rực cờ trướng và những cánh đồng ngũ cốc bị biến thành chiến trận. Vô số các ông vua, tể tướng, các chiến lược gia, các chiến binh, đi ngựa hay đi bộ, kéo dài từ bầu trời thấp đầy mây phủ đến. Tên họ trở thành một bài thơ dài, một câu chuyện thê lương trong tiếng than thở não nề của cây đàn cổ cầm. Họ lắc đầu, cười khẩy, nhăn trán, cười ma mãnh, nhíu mày, vuốt râu, trợn mắt. Mặt mũi họ tái xanh vì sợ, đỏ lên giận dữ, tím lại vì buồn rồi ngâm vào nước lạnh của dòng sông, ném vào những cơn bão lửa, nhảy múa trên những lưỡi kiếm và được tưới đẫm bằng máu của kẻ thù.

Bà Mẹ Trẻ giật mình tỉnh dậy. Căn phòng tối đen như ngôi mộ. Tay nàng mò mẫm chạm vào thân thể của chồng mình. Chàng chết rồi sao? Họ đang ở thời đại nào? Họ được chôn và đưa vào hầm bao lâu rồi? Một cơn sợ hãi khó tả xâm chiếm nàng. Nàng lắc chàng thật mạnh. Chàng động đậy rồi tỉnh giấc, tay lăm lăm thanh kiếm. Ngay lúc nghỉ ngơi chàng cũng cảnh giác.

- Thiếp đây, – nàng nói.

Chàng thả lỏng, cúi xuống rồi ngả người lên nàng.

- Một đứa con trai, – chàng nói.

Bà Mẹ Trẻ rên rỉ và thở dài. Cái chết đã trở thành cuộc sống kêu kèn kẹt dưới da nàng, đến tận đầu ngón tay. Một thứ âm nhạc từ trong bụng nàng vang lên, làm rung làn da và lên tới tận cổ họng thành một lời oán trách đôi lúc dâng cao, đôi lúc nặng nề.

Khi nàng thức dậy, chồng nàng đã ra đi. Trong vườn, mùi hương ngai ngái của hoa cúc lượn lờ. Sắp tới trung thu. Một lần nữa, mẹ nàng gửi trả lại bức thư mà nàng đã viết cho bà.


/7

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status