Đại Tống Phong Lưu Tài Tử

Chương 187: Giường lớn.

/540


Hồng Diên và Lục Ngạc mừng rỡ nhưng Hồng Diên vẫn ngập ngừng nói:

- Nhưng mà thiếu gia, nô tì vẫn cảm thấy không an tâm.

Thạch Kiên thấy tức cười, hắn nói:

- Có phải chúng ta cần phải “tiền trảm hậu tấu”, đem “gạo nấu thành cơm” nữa thì mới được không?

Hồng Diên đỏ mặt không nói gì, nhưng trông vẻ mặt của nàng thì có vẻ những gì hắn nói rất hợp với ý nàng.

Thạch Kiên lại nói:

- Không được, lần này ta nhất định phải tự quyết định.

Sở dĩ hắn nói như thế là vì hắn đã từng bị Lý Nam làm cho sợ hãi. Nhưng Hồng Diên nghe xong vẫn không yên tâm. Tám năm ròng rã chờ đợi ở Thạch gia, bây giờ nàng đã hai mươi hai tuổi, không thể đợi tới ba mươi tuổi mới được bước vào cửa nữa.

Nàng đang định nói thì gia nhân tới. Hóa ra tên Dương công công tới truyền thánh chỉ. Điều làm Thạch Kiên không ngờ tới là những người đi cùng còn có Triệu Dung và Triệu Cận. Hắn liếc nhìn hai người với vẻ hồ nghi, tuy nhiên việc tiếp chỉ vẫn quan trọng hơn. Giống như những gì Thân Nghĩa Bân dự đoán, triều đình muốn hắn hồi kinh. Thạch Kiên cũng cự tuyệt theo cách của Thân Nghĩa Bân. Đạo lý rất đơn giản, bởi vì chuyến đi tới kinh thành của bọn họ cần thời gian hai tháng, như thế cũng có nghĩa là vẫn chưa hết kỳ báo hiếu.

Dương công công cười nói:

- Thạch đại nhân, lần này ta cũng chỉ là phó sứ tuyên chỉ, chánh sứ thực sự là Công chúa điện hạ và Dung quận chúa. Thạch đại nhân có về kinh thành hay không hoàn toàn không liên quan tới ta.

Lúc này Hồng Diên mới lên tiếng, nàng bực tức nhìn Triệu Dung nói:

- Quận chúa, triều đình có ý gì vậy? Bây giờ triều đình có việc thì gọi thiếu gia ta về, tới khi hết việc thì lại đá thiếu gia ta đi sao?

Tuy nàng không hiểu chuyện đấu đá trong triều đình nhưng nàng nhìn thấy Thạch Kiên sau khi trở về Hòa Châu thì ngày một tốt hơn. Còn khi vào kinh thành thì ngày nào cũng bận túi bụi, lúc nào cũng mặt ủ mày chau. Hơn nữa Thạch Kiên lại vừa mới đồng ý hai ngày nữa sẽ tới nhà nàng cầu hôn, lúc này bảo Thạch Kiên về kinh thì chẳng phải làm hỏng hết mọi việc hay sao?

Triệu Dung gượng cười. Trong chuyện của Thạch Kiên, Lưu Nga đã quá vội vàng. Cục diện trong cung vẫn chưa ổn định thì đã thăng chức cho Lã Di Giản để trong triều có kẻ đối kháng với Thạch Kiên. Nàng liếc mắt về phía Dương công công, tên Dương công công này cũng là một kẻ biết điều, y lập tức nói khoác:

- Đã nhiều năm ta không tới Hòa Châu rồi, không ngờ Hòa Châu lại biến đổi lớn như thế này. Ta ra ngoài đi dạo chút. Quận chúa, Thạch đại nhân giao lại cho người khuyên bảo vậy.

Hòa Châu hiện giờ khác xa so với trước đây. Đầu tiên là Vương Khôn tiếp thu được bài học kinh nghiệm từ lần trước, cộng thêm chuyện Thạch Kiên trở về Hòa Châu nên đem toàn bộ số công xưởng chuyển về Hòa Châu. Điều này giúp cho nền kinh tế của vùng này trở nên giàu có chưa từng thấy. Do trong tay có tiền, hơn nữa tiếp xúc với Thạch Kiên cũng đã lâu, số lượng tiền trong tay càng lúc càng lớn lên khiến y cũng không còn mặn nồng với tiền bạc nữa. Thế là y bỏ tiền ra tu sửa lại mấy con đường, một con đường thông tới phủ Giang Ninh, một đường thông tới bến Dụ Khê. Sở dĩ lựa chọn con đường này, một là vì ở đó thích hợp với việc tạo ra bến tàu nước sâu. Hai là vì nó cách sông Dụ Khê (1) không xa. Sông Dụ Khê không dài, nhưng phía trên thông với Hồ Sào (2), phía dưới lại kéo dài tới Trường Giang. Nó thật sự là một đường giao thông quan trọng của Giang Hoài. Bất luận khi Trần Lâm bắc phạt hay Tôn Tào tranh bá thì đều lợi dụng tuyến đường sông này. Đồng thời còn tu sửa lại con đường tới kinh thành, cuối cùng con đường này dài hơn một nghìn dặm, hao tổn vô số của cải. Nhưng đối với Vương Khôn thì số của cải đó chẳng nhằm nhò gì so với thu nhập hiện giờ của y.

(1) Sông Dụ Khê có tên cổ là Nhu Tu Thủy, bắt nguồn từ cửa Nhu Tu, được hình thành từ thời Tây Hán (năm 206 TCN- năm 25 CN)

http://baike.baidu.com/view/881791.htm#3

(2) Hồ Sào, (chữ Hán: 巢湖; bính âm: Cháo Hú), là một hồ tọa lạc ở điểm gặp nhau của các thành phố Sào Hồ và Hợp Phì ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Đây là hồ lớn nhất An Huy và là một trong năm hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc. Đảo Laoshan nằm bên trong hồ. Khoảng 5 triệu người sống xung quanh hồ và sử dụng hồ làm nguồn thủy lợi, giao thông vận tải và đánh cá. Việc tận dụng hồ một cách nặng nề đã dẫn đến bồi lắng bùn trong những năm gần đây. Xung quanh hồ có các địa điểm du lịch nổi tiếng như Núi Lao, Đền Zhongmiao, Sông Tongyang, Núi Yinping, và các Động những vị thần bất tử. Loại cá bạc, tôm và cua trong hồ này được gọi là Tam Bảo

http://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%93_S%C3%A0o

Cùng lúc đó, dưới sự ảnh hưởng của Giang Cập, đám nhà thám hiểm cũng tu sửa lại tất cả những con đường trong cả nước. Một con đường thông từ kinh thành tới Tuyền Châu, con đường này xuyên thẳng từ Khai Phong qua Bạc Châu (An Huy- Trung Quốc), Lư Châu (phủ Lư Châu cũ, nay là Hợp Phì, tỉnh An Huy Trung Quốc), Hòa Châu, Giang Ninh tới Tuyền Châu. Vì cân nhắc tới vùng ven sông còn có rất nhiều hải thương giàu có nên lại xây dựng một nhánh đường phụ ở Giang Ninh, nhánh đường này chạy qua sông Tùng Thủy (bắt nguồn từ tỉnh Giang Tô, chảy qua thành phố Thượng Hải, đổ vào sông Hoàng Phổ, Trung Quốc), về Hàng Châu rồi tới Tuyền Châu. Còn có một con đường xuất phát từ kinh thành, thông qua Hồ Bắc, Hồ Nam tới Quảng Châu. Và cả con đường tới tây bắc do triều đình tu sửa.

Việc tu sửa những con đường này không phải là một việc đơn giản. Vì lúc này con người vẫn chưa hiểu biết nhiều về đường quốc lộ nên Thạch Kiên phải dựa theo cách làm đường bê tông như ở kiếp trước của hắn để tu sửa đường sá. Hắn chẳng muốn xây xong lại hủy đi, hủy đi rồi lại xây lại để rồi lãng phí cả sức người, sức của. Như thế không chỉ cần tới một lượng lớn đá, cát vàng, xi măng mà còn cần tới một lượng lớn cốt sắt. Do có sự xuất hiện của thuốc nổ khiến việc khai thác quặng đá trở nên dễ dàng hơn. Nhưng Thạch Kiên không muốn sử dụng khoáng sản trong nước. Hắn không chỉ vẽ ra tất cả các vùng có nguồn tài nguyên khoáng sản nổi tiếng nhất ở châu Đại Dương và đại lục Lưỡng Loan mà kiếp trước hắn được biết, hắn còn khoanh vùng tất cả những khu phân bố quặng đá trên quần đảo Phi-li-pin, quần đảo In-đô-nê-xi-a và quần đảo Malay. Điều đó khiến chính phủ Tống triều thật sự cho rằng đất đai của hải ngoại giàu có hơn đất đai của Tống triều, và họ càng thêm quyết tâm không bỏ qua những vùng đất này. Đương nhiên, để tiết kiệm chi phí, triều đình đã tiếp thu ý kiến của Thạch Kiên—xây dựng lại nhà máy luyện thép quy mô lớn ở Tùng Giang. Như thế này sẽ tiến thêm một bước nữa nâng cao địa vị của những nhà thám hiểm. Một điểm quan trọng nhất là khiến cho nguồn tài nguyên nhân lực trở nên quý hiếm hơn rất nhiều.

Lúc đầu vì Thạch Kiên công bố loại máy dệt mới khiến hiện tượng chiếm đoạt ruộng đất trở nên phổ biến hơn. Hơn nữa toàn bộ triều đại nhà Tống cũng không hề tiến hành quản lý chuyện chiếm đoạt đất đai. Việc xây dựng những con đường này mang lại cơ hội tựu nghiệp lớn cho các ngành công nghiệp như: công nghiệp khai thác, công nghiệp kiến trúc, công nghiệp vận tải, công nghiệp dịch vụ ... Vì thiếu công nhân có tay nghề nên không thể không tăng tiền công cho công nhân. Một bản tấu của Hộ bộ (1) có viết: “giữa những năm Tường Phù, thu nhập của những công nhân trong khu giàu có ở Giang Nam không tới bảy mươi đồng một ngày, những công nhân vùng núi cũng không được hai mươi đồng một ngày. Nhưng lúc này thu nhập của họ đã lên tới hơn một trăm đồng một ngày.”

(1) Bộ Hộ hay Hộ bộ (chữ Hán: 戸部) là tên gọi của một cơ quan hành chính thời kỳ phong kiến tại một số quốc gia Đông Á như Trung Quốc, Việt Nam v.v... Bộ Hộ tương đương với Bộ Tài chính ngày nay.

http://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BB%99_H%E1%BB%99

Hiện giờ những hộ lớn có nhiều đất đai cũng đang kêu không có người làm, hoặc không đủ tiền thuê công nhân trồng cây bông. Không còn cách nào khác nên cuối cùng đã xuất hiện tình trạng như ở đời sau này, có vô số những nhà thám hiểm không hợp pháp tới châu Phi, châu Đại Dương và một số vùng khác bắt người về làm công. Tuy nhiên, so với bọn Tây thì hiển nhiên người Tống đối những người bị bắt về còn nhân đạo hơn rất nhiều. Chỉ cần chịu khó làm việc thì đãi ngộ cũng không tới nỗi nào. Có một thời gian, người da đen, da trắng, da vàng xuất hiện khắp nơi trên đất Tống. Tình trạng này còn được mở rộng ra rất nhiều, ngay cả Liêu quốc và Tây Hạ cũng có không ít người tới làm công ngắn hạn cho Tống triều.

Ban đầu, triều đình đối với việc tu sửa đường sá vừa tốn tiền vừa lãng phí thời gian này còn không tán thành. Nhưng sau đó báo cáo thống kê của Hộ bộ đã chỉ ra: khoản chi tiêu của triều đình trong nửa năm qua không những không vì chuyện xây dựng đường sá mà giảm bớt, ngược lại còn tăng lên không ít. Chỉ là rất nhiều đại thần đối mặt với điều này thì không biết phải làm thế nào, bọn họ không biết đây là chuyện tốt hay là việc xấu. Nói tóm lại, trong lịch sử chưa từng xuất hiện tình huống này. Hơn nữa bọn họ cũng không có lý do gì để tố cáo vì một báo cáo thống kê khác của Hộ bộ lại chỉ ra: giữa những năm Tường Phù, các hộ nghèo trong thiên hạ có tổng cộng hơn một trăm sáu mươi vạn hộ thì hiện tại đã giảm xuống còn hơn bốn mươi vạn hộ. Cũng có nghĩa là dân chúng đã bắt đầu được sống trong cảnh mùa màng bội thu, cơm lo áo ấm như những văn nhân đã từng miêu tả.

Vì thế nên Lưu Nga thấy tiền trong quốc khố nhiều không dùng hết thì lại muốn xây dựng thêm một con đường tới Hà Bắc. Nhưng bị đại thần ngăn chặn với lý do sợ người Liêu hiểu lầm. Những đại thần này đều tính toán tới những món tiền nhỏ nhặt, cứ để đám nhà thám hiểm nhiều tiền kia lo liệu, dù sao thì cũng không dùng tới tiền của triều đình. Hiện giờ triều đình có nhiều tiền cũng thật tốt, hễ Thái hậu gặp chuyện vui là hô thưởng. Tuy nhiên chỉ có một số ít đại thần mới hiểu được dụng ý của Thạch Kiên trong việc tới lúc này mới cho ra đời thứ máy móc đó. Vì hiện giờ điều kiện đã chín muồi thì sự việc ắt sẽ thành công, nếu năm đó cho ra đời loại máy móc này thì có thể sẽ vì chuyện sát nhập ruộng đất trong thiên hạ khiến cho những người dân lưu lạc mất đi nơi trú ngụ của mình, tạo ra sự hỗn loạn trong thiên hạ.

Sau khi Dương công công đi khỏi, Triệu Dung mới nói rõ đầu đuôi sự việc. Thì ra sau khi nhận được tin bại trận từ cửa Tam Xuyên thì triều đình trên dưới đều lâm vào cảnh khiếp sợ. Hiện giờ Lưu Nga khó khăn lắm mới ổn định được triều chính, nếu chuyện này loan ra ngoài thì uy tín của bà sẽ bị đả kích nghiêm trọng. Bây giờ bà đã phong tỏa toàn bộ tin tức, ngay cả báo chí cũng không dám đăng tin nữa. Đại thần trong triều càng buông lời dèm pha, lúc này bà mới nghĩ tới tác dụng của Thạch Kiên. Cho dù có bất kỳ chuyện gì thì hắn cũng “nói đâu trúng đó”. Ngay cả vụ án trong Hoàng cung lớn như thế mà hắn cũng tra ra được. Thấy các vị đại thần tranh cãi om sòm thì bà không khỏi oán trách nói:

- Các khanh chỉ lo tranh cãi, có bản lĩnh thì nghĩ ra một cách giải quyết tốt có phải hay hơn không? Nếu có Thạch Bất Di ở đây thì làm gì có nhiều chuyện như thế này?

Câu nói này khiến chúng thần nhìn nhau ngơ ngác. Sự thật, muốn Lý Đức Minh và Tống triều có được giai đoạn “tuần trăng mật”, ngay từ đầu Thạch Kiên đã kiến nghị phải đề phòng người Đảng Hạng. Nhưng sau đó triều đình vẫn cho rằng Nguyên Hạo sa cơ lỡ vận, lúc công kích Lý Sĩ Bân, Thạch Kiên đã đoán trước được Nguyên Hạo chắc chắn sẽ hạ bệ Lý Sĩ Bân. Sau đó là trận tiến công nghi binh vào Duyên Châu, rồi trận phục kích quân viện trợ của Tống triều ở cửa Tam Xuyên và dựa vào đó để có được thắng lợi trong trận phản kích ngoài thành Duyên Châu của Phạm Ung và Chu Lịch. Điều này lại một lần nữa chứng minh tài hoa và cách nhìn nhận sự việc của Thạch Kiên. Ngay cả Tào Vĩ cũng cảm thấy hổ thẹn vì không bằng hắn, huống hồ hắn còn để lại cuốn “Bách chiến sách lược”.

Nhưng bọn Vương Tằng lại thầm phỉ báng Lưu Nga, nếu không phải bà để phòng không đâu thì sao có thể đuổi cậu thiếu niên này đi được? Đương nhiên bọn họ cũng hiểu được tâm trạng Lưu Nga, thế nhưng ngay cả Thạch Kiên mà cũng phải đề phòng thì chẳng phải trong triều này không còn ai đáng để tin cậy nữa hay sao? Mặt khác Thạch Kiên lại là đại thần được Chân Tông ủy thác trước khi qua đời, ngay cả Chân Tông còn phá lệ đồng ý cho hắn tự quyết định chuyện hôn nhân của mình thì lẽ ra phải đối đãi ngoại lệ với hắn mới đúng. Bây giờ xảy ra chuyện lớn mới nghĩ tới hắn.

Thấy đám đại thần này không lên tiếng nữa, Lưu Nga cũng hết cách, đành tuyên bãi triều. Lúc này bà lại nghĩ tới một người, người đó chính là Bát vương Nguyên Nghiễm. Từ sau sự việc của Anh vương phi, Nguyên Nghiễm vẫn luôn giả bệnh để ở nhà. Ông đóng cửa không ra ngoài, cũng không màng sự đời, ngay cả mấy người con trai của ông cũng được ông dặn dò không cho ra ngoài.

Biết Lưu Nga tới vì mục đích gì, Nguyên Nghiễm nói:

- Thần đã bệnh lâu ngày, mọi chuyện trong triều đều không hay biết. Sao có thể nghĩ được cách gì chứ?

Lưu Nga nói:

- Lẽ nào Vương thúc thật sự không quan tâm nữa? Nhưng chuyện này liên quan tới con cháu họ Triệu cơ mà? Triều đình trước thì bị Liêu quốc quản chế, sau lại bị người Đảng Hạng ở phương tây quản chế. Nếu tình trạng này kéo dài thì triều đình càng lúc càng quẫn bách, như thế thật bất lợi cho Đại Tống.

Lúc này Nguyên Nghiễm mới lên tiếng:

- Không phải còn có thiếu niên kia sao?

Lưu Nga ấp úng:

- Nhưng mà, nhưng mà ...

Nguyên Nghiễm tuy không màng sự thế, ông chỉ đứng một bên quan sát nhưng lại nắm được tất cả mọi chuyện. Ông cũng có chút bất mãn với sự vội vàng của Lưu Nga khi đó. Khi đó, để hóa giải mối nguy cho triều đình mà Thạch Kiên đã phải rất mạo hiểm. Lúc Lý Chức gây dựng Thiên lý giáo, không những ông mà ngay cả đám “nhân kiệt” như Đinh Vị cũng không hay biết một chút gì. Nhưng Thạch Kiên lại biết rõ mồn một, hắn đem mối nguy này hóa giải như chưa hề có. Nhưng hắn làm như thế không những không được lợi gì, mà ngược lại còn bị Lưu Nga nghi ngờ. Tuy có thể thừa nhận bản lĩnh trị quốc của bà, nhưng lòng độ lượng của bà thì Nguyên Nghiễm cũng coi như đã hiểu. Hiện giờ ngay cả ông cũng không dám ra ngoài, để tránh bị nghi ngờ.

Nguyên Nghiễm nói:

- Thần già rồi, nếu Thái Hậu muốn hỏi chuyện này thì nên hỏi Dung nhi. Cũng có thể nó có cách.

Lúc này Lưu Nga mới nhớ tới Triệu Dung. Nếu bàn mưu trí thì ngay cả Thạch Kiên cũng còn phải bái phục cô Quận chúa này. Thế là Nguyên Nghiễm gọi Triệu Dung ra, Lưu Nga chỉ nói một câu:

- Thạch Kiên giờ mới chỉ mười sáu tuổi, nhưng đã làm thiếu sư, tham gia chuyện quốc gia đại sự. Sau này hắn còn làm nhiều chuyện đại sự hơn nữa. Tương lai lấy gì sắc phong cho hắn? Mong Dung quận chúa chỉ bảo cho ai gia.

Lúc này bà mới nói tình hình thực tế. Hiện giờ không cần biết chuyện Thạch Kiên tham gia chính sự là thật hay giả, nhưng hắn cũng chỉ còn cách Tể tướng có một bước. Lần này nếu Thạch Kiên thật sự lập công ở Tây Hạ thì chắc hẳn phải phong cho hắn làm Tể tướng. Như thế thì sau này sẽ phải làm thế nào?

Triệu Dung thở dài nói:

- Thái hậu, Thạch đại nhân từ nhỏ đã mất cha mẹ, trước giờ vẫn coi Thái Hậu và Tiên đế là cha mẹ của mình.

Lưu Nga nghe xong thì im lặng. Trước lúc Chân Tông qua đời, Thạch Kiên còn khóc nức nở. Thứ tình cảm phát ra từ tận đáy lòng như thế không thể nào là giả được.

Triệu Dung lại nói:

- “Thích, đẩy chùy cho khách

Thành công, lắng nghe gió núi thổi

Nhàn nhạ, tới đọc hoàng lão

Ngũ thạch luyện lò đồng.”

Chắc Thái hậu đã từng nghe bài thơ này rồi chứ?

Lưu Nga hơi gật đầu. Trong bài thơ này Thạch Kiên viết tới ba nhân vật. Một là Gia Cát Lượng, Lưu Nga biết đây là người hắn sùng bái nhất. Một người nữa là Lý Quảng (1), và người cuối cùng là Trương Lương (2). Bài thơ này rất bình thường, nhưng vì nó là bài thơ do hắn làm nên vẫn nhanh chóng lưu truyền trong thiên hạ.

(1) Lý Quảng (chữ Hán: 李廣; phiên âm Wade–Giles: Li Kuang, bính âm: Li Guang) ??- 119 TCN) là viên võ tướng của triều đình nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc, Lý Quảng dũng mãnh, thiện chiến, giỏi cưỡi ngựa, bắn cung và được tôn xưng là Phi tướng quân (Tướng quân bay). Theo Sử Ký Tư Mã Thiên thì có lần ông cùng vua đi săn và gặp người Hung Nô nhưng đã bình tĩnh dùng mưu trí chống lại chúng thành công. Một lần ông đi dạo gặp một vật giống hình con hổ núp trong bụi, ông dương cung bắn đến khi kiểm tra thì ra là một tảng đá nhưng mũi tên của ông bắn vào đã ngập tảng đá tạo nên một giai thoại. Năm 119 Trước công nguyên, nhà Hán sai Vệ Thanh dẫn quân tiến đánh Hung Nô, Lý Quảng lúc đó đã hơn 60 tuổi cũng tham gia chiến dịch này nhưng ông bị lạc đường trong sa mạc nên hội quân trễ, sau đó tự sát.

http://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%BD_Qu%E1%BA%A3ng

(2) Trương Lương (chữ Hán: 張良; ?-188 TCN) là văn thần có công giúp Lưu Bang đánh đổ nhà Tần và thắng Hạng Vũ trong chiến tranh Hán Sở sáng lập ra nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc.

http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C6%B...%C6%B0%C6%A1ng

Triệu Dung lại nói:

- Kỳ thực Thái hậu vẫn chưa hiểu nhiều về Thạch đại nhân. Đối với Thạch đại nhân mà nói, tiền tài và địa vị chỉ như rác rưởi, có thể nói chàng là người có tính lơ là nhất trong tất cả các bá quan văn võ trong triều. Chỉ là vì được Thái hậu và Tiên đế sủng ái nên chàng muốn làm chút gì đó cho triều đình, giúp triều đình trở nên giàu mạnh hơn, giúp bách tính Đại Tống có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Kỳ thực Thạch đại nhân không hề muốn triều đình phong cho chàng chức quan to, chàng chỉ muốn có được sự tín nhiệm của triều đình để chàng có thể yên tâm làm việc cho triều đình mà thôi.

Nghe xong lời Triệu Dung, lúc này Lưu Nga mới tỉnh ngộ. Ban đầu bà cũng cho rằng cách làm của mình đối với Thạch Kiên là một sai lầm. Bây giờ cuối cùng cũng hiểu được chân tướng sự việc, bà trầm ngâm một lát rồi nói:

- Nhưng giờ sự việc đã tới nước này, ai gia lo hắn vì muốn tránh bị nghi ngờ mà không quay về triều đình nữa. Chi bằng lần này khanh và Cận công chúa cùng tới mời hắn về kinh thành đi.

Còn chưa đợi Triệu Dung phản ứng thì bà đã nhanh chóng khởi kiệu hồi cung. Điều này khiến Triệu Dung cười không được mà khóc cũng không xong. Nàng tốt bụng bày cách cho bà, không ngờ lại bị bà chơi cho một vố.

Triệu Dung đem toàn bộ sự việc kể lại một lần, nàng cũng không sợ Triệu Cận nghe thấy. Đơn giản vì chuyện này vốn cũng chẳng có gì đáng để giấu giếm, hơn nữa Triệu Cận cũng vì chuyện Lưu Nga ép Thạch Kiên ra đi mà tức bà tới mấy ngày.

Thạch Kiên nghe xong thì hỏi:

- Theo ý Dung quận chúa thì giờ bản quan phải làm thế nào?

Triệu Cận không đợi Triệu Dung trả lời, nàng bước lại kéo tay Thạch Kiên nói:

- Thạch đại nhân, ngươi cố giúp Hoàng huynh ta đi. Huynh ấy nghe nói có chuyện người Đảng Hạng quấy nhiễu thì ngày nào cũng ở trong cung than phiền đó.

Thạch Kiên nghe tới đây, câu nói này cuối cùng cũng đánh đúng chỗ yếu của hắn. Quan hệ của hắn và Triệu Trinh không chỉ đơn thuần là quan hệ quân - thần, giữa hai người còn là quan hệ thầy - trò, thậm chí còn có quan hệ như những người bạn với nhau. Hắn nói:

- Thôi được, ta cũng chỉ còn biết nhận lời thôi.

Triệu Cận nghe tới đây thì vui mừng khôn xiết. Dường như nàng cũng cho rằng Thạch Kiên có thể làm được tất cả mọi chuyện. Chỉ cần Thạch Kiên quay về triều đình thì nhất định đám người Đảng Hạng kia sẽ tan thành tro bụi.

Thế nhưng Triệu Dung lại nhíu mày. Từ tận đáy lòng, nàng cũng có cách nghĩ như Thân Nghĩa Bân. Nàng cho rằng lần này Thạch Kiên dễ dàng nhận lời quay về kinh thành hoàn toàn không phải một chuyện tốt.

Thạch Kiên lại hỏi tình hình chiến tranh hiện nay. Khi nghe tới số quân tham gia vào trận chiến của hai bên thì hắn sững người, hắn không ngờ con số lại trở nên lớn như thế. Triệu Dung lại nói:

- Lúc này Thạch đại nhân hồi cung thì sẽ có hai con đương để đi. Một là vào Thư, Xu ...

Thạch Kiên hiểu ý nàng muốn nói. Hiện giờ hắn tham gia vào chuyện chính sự, ý Triệu Dung là trong triều hắn có thể trực tiếp điều động quân vụ tây bắc.

Triệu Dung lại nói:

- Con đường thứ hai, hiện giờ Phạm đại nhân và Dương đại nhân đều nắm chức vụ cấp phó. Ý của triều đình là giữ lại chức vụ chính cho Thạch đại nhân. Thế nhưng hành động này có thể sẽ nguy hiểm, đặc biệt là khi người Đảng Hạng biết được tầm quan trọng của đại nhân, chỉ cần nơi nào có mặt đại nhân thì đều có nguy cơ bị bọn chúng công kích.

Thạch Kiên suy nghĩ một lát mới nói:

- Kỳ thực ta cũng không thành thạo chuyện quân sự.

Đúng lúc này thì Dương công công trở về. Y nghe thấy câu nói này của Thạch Kiên thì thiếu chút ngất xỉu. Y nghĩ bụng “ta nói thật nhé Thạch đại nhân, ngài cũng không cần thiết phải khiêm tốn như thế chứ? Nếu ngài không thạo chuyện quân sự thì có lẽ triều đình sẽ không có ai biết đánh giặc mất.”

Thạch Kiên lại nói:

- Tuy nhiên hiện nay muốn chiến thắng người Đảng Hạng thì bắt buộc phải ra tiền tuyến. Như thế mới có thể ứng phó linh hoạt được.

Điều này cũng phải thôi. Nếu đợi triều đình nhận được tin tức rồi mới tiến hành phán đoán thì “nước trà đã sớm nguội” mất rồi.

Hắn lại nói tiếp:

- Tuy nhiên trong trận này, bất luận Nguyên Hạo thắng hay bại thì trận ở cửa Tam Xuyên y vẫn tổn thất thảm hại nhất. Còn cả trận ở Duyên Châu nữa, cho dù y có chiếm được thành Duyên Châu thì cũng không thể giữ được. Ta nghĩ y sẽ nhanh chóng rút quân về, chỉ là y rút về là để báo cáo kết quả. E rằng những người ở vùng biên giới sẽ bị y bắt cóc và cướp của. Bây giờ Phạm đại nhân đã tới biên giới nên bản quan cũng yên tâm đi nhiều.

Sự thật thì trong lịch sử, Phạm Trọng Yêm và Hàn Kỳ bộc lộ tư chất quân sự trời cho rất cao, ngay cả Nguyên Hạo cũng phải nói: “Tiểu Phạm lão tử không hề dễ đối phó như lão Phạm lão tử.”

Nói tới đây hắn lại thở dài:

- Ta chỉ lo bọn chúng sẽ liên minh với Liêu quốc.

Triệu Cận lại kéo tay Thạch Kiên nói:

- Đúng đấy, thế nên ngươi càng phải trở về giúp Hoàng huynh ta.

Triệu Dung nguýt nàng một cái rồi nói:

- Chuyện ở Công bộ cần Thạch đại nhân, Bộ binh cũng cần Thạch đại nhân, Hộ bộ sắp sửa cũng cần Thạch đại nhân. Công chúa muốn chặt Thạch đại nhân ra làm bao nhiêu phần vậy?

Lúc này Triệu Cận mới nhớ ra chuyện hắn vì mệt mà đổ bệnh, nàng nói:

- Tuy nhiên ngươi phải lo cho sức khỏe của mình đó. Tại sao triều đình nuôi nhiều đại thần như thế mà không có kẻ nào làm nên trò chống gì chứ? Có lẽ ta phải về cung bảo Hoàng huynh ta cắt hết bổng lộc của bọn chúng để phát cho ngươi mới được.

Thạch Kiên vã mồ hôi. Cắt hết bổng lộc của bách quan để phát cho một mình hắn? Như thế đám quan kia không làm ầm lên mới lạ đó.

Triệu Dung lại nói:

- Thạch đại nhân còn quan trọng tiền bạc sao? Nếu chàng muốn phát tài thì đó là chuyện quá dễ dàng.

Triệu Cận lại nghĩ tới ngọc lưu ly, bột kiên cố, còn cả những đồ vật Thạch Kiên mới chế tạo ra đã giúp triều đình kiếm rất nhiều tiền, nàng phụng má hỏi:

- Vậy phải làm thế nào đây?

Thạch Kiên nói:

- Những thứ đó đều không quan trọng. Đợi ta về triều xem cục diện thế nào rồi quyết định sau.

Kỳ thực Triệu Dung cũng nhìn ra tâm ý của hắn. Có thể hắn không thể không tới Tây Bắc. Trải qua một thời gian dài, bây giờ hắn cũng đã chán ngán chuyện đấu đá trong triều rồi.

Lần này Thạch Kiên cũng không gấp đi kinh thành. Cho dù hắn có mọc cánh thì cũng không thể cứu nguy cho Duyên Châu, cộng thêm việc Triệu Dung và Triệu Cận trên đường tới đây không hề nghỉ chân nên cần phải sắp xếp chỗ ăn chỗ nghỉ để bọn họ nghỉ ngơi. Chỉ là Triệu Dung tới phòng Thạch Kiên, thấy trong phòng hắn treo rất nhiều hình uyên ương màu đỏ thì lấy làm lạ.

Thạch Kiên nhìn ánh mắt nàng, nghĩ tới việc nàng vẫn còn chờ đợi “lần đầu tiên” của hắn thì lập tức giải thích. Triệu Dung nghe xong, trông thấy Hồng Diên cúi đầu ngượng ngùng thì cũng không tức giận. Nàng hiểu được tâm trạng của Hồng Diên, dù sao thì tiểu cô nương này cũng không còn ít tuổi nữa, nàng nói đùa:

- Ngươi dùng xà phòng thơm đi. Năm nay hai mươi, sang năm mười tám, càng dùng càng trẻ ra. Đảm bảo ngươi trẻ mãi không già. Dùng sao cũng là đồ do thiếu gia nhà ngươi phát minh ra, muốn bao nhiêu có bấy nhiêu. Cùng lắm thì một ngày dùng nó rửa mặt tám mười lần là được chứ gì.

Nguồn gốc của những câu nói này bắt nguồn từ Thạch Kiên. Đó là những lời quảng cáo cho sản phẩm của hắn. Đám thương nhân Tống triều cũng rất thông minh, không cần thầy nào dạy, bọn họ cũng biết tự nói tốt để quảng bá cho sản phẩm của mình. Đây chính là loại hình quảng cáo đầu tiên, chỉ là Thạch Kiên không quen với những lời lẽ thiếu chau chuốt của họ nên lúc sản phẩm mới ra đời, hắn đã viết cả những từ ngữ quảng cáo ở kiếp trước rồi đưa cho Vương Khôn.

Trong đó từ ngữ quảng cáo nổi tiếng nhất là:

Bàn chải răng — xóa đi tất cả những phiền não, giúp răng trắng như tuyết, thơm mát như hoa.

Kem đánh răng — giúp răng chắc, lợi khỏe, ăn ngon miệng hơn và cho hơi thở thơm tho một cách tự nhiên.

Nhang muỗi — bất kể mèo trắng, mèo đen, bắt được muỗi mới là mèo tốt.

Xà phòng — làn da mềm mại cần một sự chăm sóc kỹ càng, có xà phòng sẽ giúp da chúng ta ngày càng trắng đẹp và mềm mại hơn. Năm nay hai mươi tuổi, sang năm sẽ như mười tám tuổi.

Nước hoa — khiến đàn ông mê mẩn trong mùi hương của các quý bà. Chỉ cần xịt nhẹ một chút, tức khắc sẽ có được sức quyến rũ độc nhất vô nhị.

Lúc nhìn thấy những lời quảng cáo này, Vương Khôn vã cả mồ hôi. Đương nhiên cuối cùng toàn bộ cũng được đưa vào sử dụng. Bách tính Đại Tống thật sự lác cả mắt, nhưng hiệu quả của nó đúng là rất tốt.

Hồng Diên nghe xong nói:

- Đó là thiếu gia lừa người ta thôi. Một ngày rửa mặt tới tám mười lần thì có mà hỏng hết da mặt à?

Triệu Cận đứng bên cười khanh khách. Nàng lớn lên trong Hoàng cung, phụ hoàng và các Hoàng thúc của nàng có ai không có vô số Vương phi đâu, thế nên nàng cũng không ghen. Tuy nhiên nàng nhìn thấy chiếc giường thì nói:

- Chiếc giường này to thật đấy.

Triệu Dung thầm nghĩ “may mà mình tới sớm nếu không chắc con tiểu a hoàn này sẽ chiếm mất chàng rồi”. Nàng nói kèm theo chút ghen tuông:

- Đây là Thạch đại nhân mưu đồ quỷ quyệt, muốn có giường lớn để cùng ngủ đó.

Triệu Cận còn chưa phản ứng, nàng buột miệng nói:

- Như thế này rất hay, Dung tỷ tỷ, dù sao tối nay chúng ta cũng ở lại, chi bằng chúng ta thử xem thế nào nhé!

Mặt trời đã xuống núi, cuối cùng thì người Tây Hạ cũng rút quân sau lần tấn công cuối cùng trong ngày.

Biết rõ chuyện giữ thành hôm nay sẽ rất vất vả nhưng không ngờ lại vất vả tới mức này. Chế độ trưng binh (triệu tập công dân nhập ngũ) của Tây Hạ lấy bộ lạc làm đơn vị, mỗi bộ lạc là một chi nhánh lực lượng vũ trang. Khi trưng binh thì lấy trướng làm đơn vị (mỗi nhà một trướng, tương ứng với một hộ). Đại thể là thanh niên đủ mười năm tuổi được gọi là đinh, cần phải nhập ngũ. Cứ hai đinh thì chọn ra một người làm “chính quân”, chọn hai trong bốn đinh vào quân tạp dịch (làm tạp vụ) và gọi là “phụ đam”. Mỗi phụ đam lại được gọi là một sao, sao là đơn vị quân sự nhỏ nhất. Quân binh của các bộ lạc được gọi là lưu, do thủ lĩnh của các bộ lạc lãnh đạo. Theo quy định của Tây Hạ, chỉ cần là người của chính quân thì sẽ được giao ngựa Trường sinh, lạc đà mỗi loại một con, nếu chết thì phải đền. Từ đoàn luyện sứ trở nên được giao một lều, một ngựa, năm trăm mũi tên, năm con lạc đà. Ngoài ra còn được phát các binh khí và đồ dùng quân sự gồm: cờ, trống, thương, kiếm, côn (giống như gậy), túi (dùng đựng gạo hay lương khô gì đó), xẻng (dùng làm công cụ bới đất), rìu, búa... Từ thưứ sử trở xuống thì không có cờ trống, mỗi người được giao một con lạc đà, ba trăm mũi tên, ba binh sĩ, không có lều bạt nên phải dùng gỗ dựng trướng để ở. Thường thì quy định, cứ ba binh sĩ được ở trong một trướng. Từ điểm này có thể thấy Tây Hạ tuy không giàu có bằng Tống triều nhưng trang bị cho binh sĩ lại hơn Tống triều rất nhiều. Thời Nguyên Hạo, ngoài việc tổ chức “binh nội tộc” chủ yếu là người Đảng Hạng thì y còn chọn một số người dũng cảm, thiện chiến trong đám người Hán bị bắt về để lập ra “binh ngoại tộc”. Đám người này chủ yếu đi trước tấn công, như thế có thể giảm nhẹ thương tổn cho người Đảng Hạng. Đồng thời, để tiện lợi trong việc quản lý và điều khiển quân đội, Nguyên Hạo cũng bắt trước Tống triều, thiết lập “sương” và “quân”. Lấy sông Hoàng Hà làm mốc, chia toàn quốc ra hai sương tả-hữu, thiết lập tổng cộng hai mươi “giám quân ti”. Lần tấn công của Nguyên Hạo vào Duyên Châu, y mang theo một bộ phận binh lực gồm: Tường Hựu quân ti, Gia Ninh quân ti, Tĩnh Tắc quân ti và Thần Dũng quân ti. Vì toàn dân đều là binh lính nên dù Tây Hạ rất nhỏ nhưng binh lực lại không hề yếu, số binh sĩ đạt đến gần năm mươi vạn người. Binh chủng còn chia làm “diều hâu sắt” hay còn gọi là “Thiết lâm”, là đội kỵ binh nổi tiếng nhất Tây Hạ. Loại kỵ binh này có khoảng ba nghìn người, chia làm mười đội. Mỗi đội có ba trăm người, đứng đầu mỗi đội là đội trưởng, đội trưởng đều là những viên tướng dũng mãnh một thời. Sức chiến đấu của đội quân này rất lớn. Ngoài việc dùng nó làm “thần hộ vệ” cho nền thống trị của mình thì Nguyên Hạo còn dùng nó làm đội quân tiên phong trong mỗi trận chiến. Đội kỵ binh này được trang bị rất hùng hậu, có ngựa tốt, áo giáp nặng chém không bị thương. Đội kỵ binh này đã phát huy tác dụng quan trọng nhất trong việc Nguyên Hạo đánh bại Hồi Hột, Thổ Phiên và cả đội quân của Lưu- Thạch. Ngoài ra còn có “Cầm sinh quân”— loại binh chủng khét tiếng hung ác nhất của Nguyên Hạo chuyên cướp bóc và giết chóc, gồm khoảng mười vạn người, đội quân này làm rất nhiều chuyện trời đất không dung đối với các dân tộc khác. “Vệ thú quân”—đội quân giỏi cưỡi ngựa bắn cung được chọn ra từ đám con cháu quý tộc của người Đảng Hạng, có khoảng năm nghìn người. “Bát hỷ quân”— đội bia đỡ đạn cho quân của Nguyên Hạo. Ngoài những đội quân chính quy này thì còn có một lượng lớn dân quân, nếu có chuyện sẽ được điều động. Đội quân này thường ngày vẫn chăm lo sản xuất, khi chiến tranh thì sẽ do thủ lĩnh các bộ lạc chỉ đạo xuất chinh. Đội dân quân này cũng phải trải qua sự huấn luyện vô cùng gian khổ ngay từ nhỏ. Điểm này đúng là khác xa so với Tống triều,. quân tướng chưa qua chiến trận.


/540

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status