Đại Tống Phong Lưu Tài Tử

Chương 185: Cô thành. (hạ)

/540


Lát sau, cơm chiều được đưa tới. Các chỉ huy của thành Duyên Châu đang ở trên cổng thành cùng Chu Lịch nhìn doanh trại của người Đảng Hạng nên binh sĩ chẳng còn cách nào khác là đem cơm lên mặt thành.

Lúc này Chu Lịch lại hạ lệnh cho toàn quân nghỉ ngơi. Phạm Ung hiện là chỉ huy tại thành này. May mà ông ta không giỏi nhưng cũng không ngoan cố cũng không giận. Ông ta còn tưởng cho binh sĩ nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe để hôm sau chống lại sự tấn công của người Đảng Hạng.

Thấm thoắt canh bốn đã đến, Chu Lịch vẫn ở trên cổng thành cầm kính viễn vọng nhìn. Lúc này Phạm Ung ngáp ngắn ngáp dài, nhiều lúc không nhin được muốn ngủ gục. Chỉ có Thôi Diệt Lang và Đinh Mão vừa được vào quân doanh nên vô cùng hưng phấn, tò mò lúc thì nhìn Chu Lịch lúc thì đi lại trên tường thành.

Đây đang là thời điểm yên tĩnh nhất trong đêm, chỉ có tiếng côn trùng rỉ rả ở góc tường. Thôi Diệt Lang và Đinh Mão cũng nhìn thấy doanh trại của người Đảng Hạng phía dưới thành dang rất im lặng. Chỉ có vài bong binh sĩ đi qua lại canh gác. Rốt cục bọn họ quan sát mãi cũng chán. Bọn họ quay đầu lại nhìn Chu Lịch nhưng bọn họ thấy nét cười hung tợn của Chu Lịch ngày càng đậm. Họ cũng biết Chu Lịch chẳng thể thích thú một cách vô lý được, việc này nhất định có liên quan đến lá thư của thiếu gia. Cuối cùng Chu Lịch hạ lệnh. Tất cả binh sĩ rời giường lặng lẽ cầm lấy vũ khí chuẩn bị đợi lệnh bất cứ ai phát ra tiếng động “chém không tha”.

Chỉ chốc lát binh lính đã tập hợp thành đội ngũ, Chu Lịch nói:

- Các anh em có sợ không?

- Không sợ!

Binh lính đáp.

Về phần không sợ là thật hay giả thì chỉ trời mới biết.

Chu Lịch nói:

- Nếu vậy hãy cùng ta ra ngoài thành.

Nói xong ông ta cầm đại đao lệnh cho binh lính mở cửa thành. Dẫn đầu đoàn quân tiến về hướng đại doanh của quân Đảng Hạng.

Chỉ thương cho Phạm Ung ở sau sợ đến ngẩn người, hai chân run như cầy sấy. Mấy ngàn quân vốn không dũng mãnh bằng người Đảng Hạng lại tiến về đại doanh mười vạn quân Đảng Hạng, vậy chẳng phải đi chịu chết hay sao! Quan trọng nhất là ông ta lại còn yêu cầu quân tiếp viện đi chậm lại, thành Duyên Châu còn cần phải dựa vào mấy ngàn quân này để phòng thủ.

Trời đêm trong lành, trăng sao lác đác dưới bóng đêm.

Cùng xông ra ngoài theo Chu Lịch là năm thiếu niên nữa. Ban ngày số người Đảng Hạng bị Chu Sỉ, Chu Lịch giết (Đảng Hạng là một nhánh của dân tộc Khương, thời bắc Tống ở Trung Quốc, đã lập nên chính quyền Tây Hạ) cũng không bằng tên Địch Thanh mặt mày thanh tú, mặc dù không tình nguyện nhưng họ vẫn phải công nhận Địch Thanh là thủ lĩnh. Bây giờ tuy Địch Thanh vẫn chỉ là một thiếu niên nhưng đã biểu hiện rõ tiềm chất của một sát tướng. Đối với chuyện chiến tranh, y không những không sợ hãi, mà ngược lại còn cảm thấy rất hưng phấn.

Cũng như vậy, Đinh Mão giờ cũng đã lớn. Thạch Kiên đã tốn rất nhiều tâm huyết cho y, tuy giờ y vẫn đánh không lại Thôi Diệt Lang, nhưng cũng vô cùng dũng cảm. Hiện giờ chỉ mong báo đáp Thạch Kiên. Thôi Diệt Lang chưa từng ra chiến trường nhưng lại là một tay cáo già vì theo sau Thạch Kiên, đã từng gặp mấy trận đại chiến, rất nhiều lần giành thắng lợi nên không hề sợ hãi.

Y còn nói đùa với Đinh Mão:

- Đinh Mão, huynh còn nhớ một bài từ của thiếu gia có câu: “Đói, vùng lên ăn thịt giặc Hồ; Khát, cười chém Hung Nô uống huyết” chứ?

Đinh Mão nói:

- Huynh giết địch thì được, nhưng đừng có ăn thịt người, uống máu người. Đó chỉ là một cách thức so sánh của thiếu gia, nếu huynh mà làm thế thật thì đừng trách ta không thèm quen huynh đó.

- Hừ, huynh bây giờ đi theo sư phụ huynh nên càng lúc càng vô vị rồi. Chẳng qua ta chỉ đùa một chút thôi. Huynh thấy Chu tướng quân đã từng uống máu người khiến một tên phản quân sợ chạy mất đó thôi. Tiểu Chu tướng quân, máu người có mùi vị thế nào vậy?

Nói rồi Thôi Diệt Lang vỗ vỗ lên vai Chu Sỉ.

- Máu người chẳng có mùi vị gì cả, chỉ là nhạt nhạt tanh tanh rất khó uống.

Chu Sỉ đáp.

Lúc này đến lượt Thôi Diệt Lang mở to mắt, một hồi lâu sau mới nói:

- Hôm đó ở trên tường thành huynh uống máu tên loạn đảng kia thật sao?

- Ta đâu muốn uống, nhưng nó cứ chảy vào miệng ta, ta cũng chẳng còn cách nào cả.

Sắc mặt Thôi Diệt Lang trở nên khó coi, một lúc lâu sau mới thở ra hơi rồi nói:

- Huynh cừ thật!

Sau đó đám “mãnh nhân” rời khỏi thành. Địch Thanh ở một bên trông thấy thì tức cười, y hoài nghi nếu không phải đang gấp rút hành quân thì liệu đồng chí Tiểu Thôi này có ghé vào ven đường để nôn hay không nữa. Xem ra tên Tiểu Thôi này chỉ khua môi múa mép thế chứ thực chất cũng chỉ là một nhân vật “Diệp Công thích rồng” mà thôi. (Diệp Công là quý tộc nước Sở thời Xuân Thu, Diệp Công rất thích rồng, toàn bộ đồ đạc trong nhà đều có khắc rồng trang trí. Rồng thật trên trời biết được nên đến nhà Diệp Công xem thử, thò đầu bên cửa sổ ngó vào xem, Diệp Công nhìn thấy rồng thật, sợ đến nỗi mặt không còn giọt máu nào, chạy biến mất tiêu. )

Chu Lịch nghe xong thì thấy buồn cười. Tuy nhiên trông thấy hai cậu thiếu niên bây giờ vẫn còn tâm trạng nói đùa thì nghĩ những người trong nhà Thạch đại nhân ra quả là khác biệt. Đương nhiên y cũng không biết, những thiếu niên này sau này cũng đều trở thành những mãnh tướng danh chấn một phương. Hơn nữa chuyện “uống máu, ăn thịt người” bọn họ cũng đều trải qua, đến nỗi kẻ địch nghe thấy hung danh của bọn họ còn phải run sợ nữa là.

Lần này người Tây Hạ đúng là đắc ý thật rồi. Trong lòng bọn họ, binh lính Tống triều vốn rất hèn yếu, lần này số lượng của bọn họ lại gấp hàng chục lần binh sĩ thành Duyên Châu. Bọn họ có nằm mơ cũng không nghĩ tới người Tống lại có gan bí mật đánh úp doanh trại, phần lớn lính gác trước cửa doanh trại đang ngủ gật. Đây cũng là vì bọn họ đối mặt với quân Tống, nếu đối mặt với quân Hồi Hột và quân Thổ Phiên hung ác thì bọn họ cũng không dám như thế này. Đó cũng là nguyên nhân mấu chốt dẫn tới thắng lợi lớn nhất từ trước tới nay của Tống triều.

Khi tên lính gác đầu tiên trông thấy binh sĩ Tống triều tiến tới, lúc y còn đang hoang mang thổi kèn lệnh thì Chu Lịch đã dẫn người tới vị trí rất gần. Theo sau cái vung tay của Chu Lịch, vô số hỏa tiễn bắn vào doanh trại của người Đảng Hạng. Sau đó Chu Lịch gào lên một tiếng, nhanh như cắt, một tên lính gác còn chưa kịp phản kháng thì đã bị một đao của y khiến đầu bay khỏi cổ. Đồng thời máu của tên người Đảng Hạng này cũng bắn lên mặt y, nhưng Chu Lịch chỉ lấy tay lau đi rồi lại tiếp tục xông tới tên binh sĩ thứ hai.

Cùng lúc này, Địch Thanh cũng dùng đao giết chết một tên binh sĩ Đảng Hạng. Chu Sỉ thấy lần này Địch Thanh lại tranh đi trước y thì cũng tức giận như cha của y, y gào lên một tiếng rồi trở thành tướng sĩ thứ ba của quân Tống chém chết người Đảng Hạng.

Có ba người này dẫn đầu, cũng khiến cho sĩ khí của binh sĩ Tống triều trở nên sục sôi hơn nhiều. Trong đó Thôi Diệt Lang theo sau Địch Thanh nói:

- Đại ca “công tử bột” à, ta không ngờ huynh lại lợi hại thế đấy.

Địch Thanh tức trợn ngược mắt lên, trong lòng nghĩ “ngươi gọi đại ca thì là đại ca, sao còn phải thêm công tử bột vào? Công tử bột là do cha mẹ ta gọi, ta muốn thế sao?”

Thôi Diệt Lang lại nói:

- Đại ca công tử bột, bản lĩnh của huynh tốt như thế, có thể dạy tiểu đệ vài chiêu không?

Địch Thanh lại nghe thấy “công tử bột”, thiếu chút thì té xỉu. Trong lòng nghĩ “ ngươi cứ gọi công tử bột đi, ta sẽ không dạy ngươi bất cứ một chiêu nào hết. ”

Thôi Diệt Lang dùng một cây gậy sắt phang chết một tên người Đảng Hạng đang nhào tới rồi lại nói:

- Ta nói này đại ca công tử bột, sao huynh chỉ hừ thế? Đáp lại ta một câu có được không?

Địch Thanh bị mấy tiếng “công tử bột” liên tiếp của Thôi Diệt Lang khiến y tức sắp nhảy dựng lên. Y kêu lên “oa oa” rồi xông đến đám người Đảng Hạng trút giận. Thân thủ y vốn rất tốt, giờ đang tức giận thì quân giặc lại càng tan tác tơi bời. Thôi Diệt Lang trông thấy bản lĩnh này của y thì cũng xông lên như một con mãnh thú.

Tóm lại, đánh xong trận này Địch Thanh thiếu chút thì bị đồng chí Tiểu Thôi làm cho “đại não không bình thường”. Y vốn chỉ là một tên tội phạm, bổng lộc chẳng bao nhiêu nhưng vì lập công lớn nên được ban thưởng. Việc đầu tiên y làm là cho thợ rèn đánh một chiếc mặt nạ bằng đồng, trong lịch sử y cũng đeo mặt nạ. Cũng là vì diện mạo y không hung ác, đeo chiếc mặt nạ đó có thể hù dọa kẻ thù và trở thành một tướng quân mặt lạnh có tiếng. Nhưng hiện tại y đeo chiếc mặt nạ đó trước nhiều năm so với lịch sử là vì bị Thôi Diệt Lang bức tới bước đường cùng.

So với ba thiếu niên này, Chu Hận và Đinh Mão có chút thua kém hơn. Đặc biệt là Đinh Mão, trong trận đánh đầu tiên vẫn còn chưa quen. Đám Địch Thanh giết chết tới bốn năm tên địch thì cậu mới chỉ đánh được mười mấy chiêu với tên người Đảng Hạng, rồi dùng vũ khí trên tay giết chết tên đó. Nhưng sau đó tâm lý cũng bình thường trở lại, dần dần ý chí chiến đấu cũng bùng lên.

Sáu người này giống như một mũi tên sắc nhọn không thể chặn lại được, gần như không có tên người Tây Hạ nào địch được với họ, điều này càng khiến binh lính Tống triều lấy lại lòng tin. Lúc này đám quân Tây Hạ vốn binh lúc canh ba mới tới, không ngủ đủ, hiện tại binh lính lại đang trong giấc mộng, lần này quân Tống tập kích căn bản không hề liệu tới. Đầu tiên bị quân Tống đốt doanh trại, sau đó nghe thấy tiếng chém giết khắp nơi. Bọn họ áo giáp còn không kịp mặc đã thấy quân Tống xông tới trước mặt. Bọn họ thấy nơi nào cũng có ánh lửa nơi nào cũng có quân Tống. Mặt khác lại không có một tổ chức thống nhất, binh sĩ không tìm được tướng lĩnh, tướng thì không tìm thấy quân cho dù bọn chúng có dũng cảm hơn nữa thì cũng không thoát khỏi kết cục thất bại.

Khi một tên binh sĩ cảm thấy không ổn rồi bỏ chạy thì càng lúc càng có nhiều binh sĩ Tây Hạ tháo chạy về hướng tây, có tên còn không mang theo cả binh khí. Nếu chỉ nói về hận thù đối với người Đảng Hạng thì không có ai trong đám người này so được với Chu Lịch. Một là cái chết của Bùi Tế, thứ hai cũng là một người Thổ Phồn giả mạo nên những năm qua cũng chịu không ít sự ức hiếp của người Đảng Hạng. Y lại mang theo binh sĩ tiếp tục truy sát đến hơn ba giờ sau. Truy sát tới hơn bốn mươi dặm đường, vì lo đại quân của Nguyên Hạo quay về nên mới dừng bước.

Lần này tổng cộng tiêu diệt gần sáu nghìn tên giặc Tây Hạ, bắt sống hơn ba nghìn tên tù binh, thu được vô số binh khí. Chỉ là toàn bộ chiến mã đều bị Nguyên Hạo đem đi nên chỉ bắt được mấy con do bọn chúng giữ lại dùng làm công cụ báo tin lúc cần.

Đáng thương cho Phạm lão phu tử, trông thấy kết quả như thế thì như lạc trong sương mù, không ngừng dụi mắt bởi không tin vào mắt mình.

Lúc này Chu Lịch mới đưa bức thư Thạch Kiên viết cho ông ta xem, Phạm Ung trông thấy bên trong chỉ có vài chữ rất đơn giản: “Đám quân họ Lý sau khi được tin bại trận ắt sẽ tới thành Duyên Châu, phô trương thanh thế công kích Duyên Châu để dụ quân chi viện của ta tới. Ban đêm sẽ điều động đại quân tới phục kích ở cửa Tam Xuyên, đây là cơ hội để phản kích. Quân địch ước đoán quân ta ở trong thành lo sợ, không lường được quân ta dám ra khỏi thành tập kích. Nếu bỏ lỡ cơ hội này, khi trận chiến ở cửa Tam Xuyên bắt đầu, quân địch sẽ không còn nhiều quân vây thành Duyên Châu, nhất định sẽ cẩn thận đề phòng. Lúc đó mà tấn công thì nhất định sẽ đại bại. Quân ta lâu ngày không ra trận, quân lực thiếu thốn, sĩ khí yếu kém nên cần mượn trận đánh này để tăng nhuệ khí cho quân ta. Chu tướng quân nhất định phải ghi nhớ, nếu không có trận này thì trận ở cửa Tam Xuyên sẽ thất bại nặng nề, sĩ khí quân ta sẽ càng suy yếu, thành Duyên Châu sẽ rơi vào tình thế nguy cấp. ”

Phạm Ung xem xong, gương mặt lại bắt đầu lo lắng. Phải biết rằng, một khi hai người Lưu Thạch (Lưu Bình và Thạch Nguyên Tôn ) đại bại thì thành Duyên Châu sẽ trở thành một “Cô thành” giống như Linh Châu năm xưa. Hơn nữa, vì trận đánh này khiến Nguyên Hạo càng thêm tức giận nên Duyên Châu vẫn ở trong tình thế cực kỳ nguy hiểm.

Hiện giờ Phạm Ung cũng bắt đầu giống những người dân thường kia, bắt đầu trở nên sùng bái Thạch Kiên. Cần phải biết rằng, hơn mười ngày trước hắn vẫn còn ở Hòa Châu nhưng đã trông thấy cảnh tượng ngày hôm nay, tính đến tối qua, người Tây Hạ vừa nghỉ chân, còn chưa phòng bị, chỉ một trận đánh úp đã thành công. Ông lập tức phái người thông báo cho hai người Lưu, Thạch, đại quân tới cửa khẩu Tam Xuyên nhất định phải cẩn thận. Đồng thời kéo tay Thôi Diệt Lang, bộ mặt cợt nhả nói:

- Đại nhân nhà cậu có nói với cậu mưu kế gì để phòng thủ thành Duyên Châu không?

Điệu cười này nếu xuất hiện trên mặt Hạ Tủng thì người ta còn thấy bình thường, nhưng lại xuất hiện trên gương mặt lão phu tử thường ngày vẫn trang nghiêm khiến những người như Địch Thanh cũng phải nổi da gà.

Thôi Diệt Lang cũng không chịu nổi đấy chứ, nhưng giờ tay cậu đang bị lão phu tử này giữ chặt, cũng không thể vô lễ rút tay lại. Cậu cố nén lại, cố gắng để không nhìn vào mặt ông ta rồi nói:

- Ta nói thật nhé Phạm đại nhân, ngài coi thiếu gia nhà ta là thần thật sao? Ở Hòa Châu, chỉ cần phất tay một cái là người Đảng Hạng đã tan thành tro bụi sao?

Mọi người cùng cười to, hai lần Thạch Kiên làm chuyện quái quỷ trong cung với Lôi Doãn Cung cũng được “báo chí” ra sức tuyên truyền, người trong thiên hạ đồn đại. Đương nhiên dụng ý trong hành động lần này của triều đình là tiến thêm một bước để lão bách tính không bị mắc lừa bởi những trò giả thần giả quỷ kia nữa. Hạ Tủng còn đặc biệt viết một bản tấu đề nghị cấm toàn bộ tà đạo trong thiên hạ, đặc biệt là vùng Giang Nam. Bản tấu chương này “văn phong hoa mỹ”, ngay cả Thạch Kiên cũng không thể không vỗ tay khen ngợi. Lưu Nga đặc biệt ban thưởng cho Hạ Tủng, lại còn đăng bài tấu chương này lên mặt báo. Hơn nữa còn nảy sinh hoài nghi gã có phải là một tên tiểu nhân không nữa.

Bây giờ Thôi Diệt Lang nói như thế, Phạm lão phu tử cũng cảm thấy có phần ngượng ngùng. Cậu thiếu niên này được Thạch Kiên nuôi dưỡng nên nói rất chính xác. Thạch Kiên cũng không phải thần tiên, hắn có thể làm được như thế này đã sắp trở thành “thần nhân” rồi, còn mong hắn ở Hòa Châu mà có thể giải vòng vây cho Duyên Châu thì thật quá sức tưởng tượng.

Thôi Diệt Lang trông thấy sắc mặt ông lập tức trở nên thất vọng thì nói:

- Tuy nhiên, Phạm đại nhân, thiếu gia nhà ta đã viết một bản tấu gửi về kinh thành, có lẽ không lâu nữa sẽ có quân chi viện tới thôi. Thế nhưng trước khi họ tới thì chúng ta nhất định phải bảo vệ thành Duyên Châu thật tốt. Còn nữa, ta thường nghe thiếu gia nhà ta nói: “nếu không được trọng thưởng hậu hĩnh thì binh sĩ sẽ không bán mạng”. Chẳng hạn như thiếu gia nhà ta rất tốt với bọn ta nên lúc thiếu gia gặp nạn thì bọn ta nhất định sẽ liều mạng bảo vệ thiếu gia. Đạo lý này cũng giống như thế thôi.

Phạm Ung hiểu ra ý của cậu ta. Vì Nguyên Hạo phát động chiến tranh, thủ đoạn còn thô bạo hơn cả người Tống, có những khi chiến tranh chỉ đơn giản để bắt người cướp của. Đây cũng là một trong những lí do vì sao Tống triều đối với dân tộc Thổ Phồn không hề tốt, nhưng vẫn có các bộ tộc quy phục Tống triều, thậm chí còn liên kết với Tống triều. Thế nhưng Tống triều không biết tự lượng sức mình, cuối cùng lại khiến cho Tây Hạ lớn mạnh. Trong trận chiến này không thu được nhiều chiến mã nhưng cũng thu được vô số tài sản, còn có cả không ít súc vật như trâu, bò, dê. .. do Nguyên Hạo cướp về.

Phạm Ung tuy không hiểu việc quân sự nhưng ông ta cũng không phải một tên tham quan nên đã hạ lệnh đem hết số tài sản thu được chia cho binh sĩ và dân chúng quanh vùng đã từng bị cướp bóc. Số còn lại chia cho dân chúng đói khổ trong thành. Hành động này thu được sự hưởng ứng của vô số người, đặc biệt là đám binh sĩ. Kỳ thực Thạch Kiên và rất nhiều người cùng phạm phải một sai lầm, cho rằng Cấm quân chỉ có nhiệm vụ canh giữ kinh thành. Nhưng đến với thời đại này hắn mới hiểu, thực ra chỉ có một bộ phận Cấm quân bảo vệ kinh thành, còn phần lớn Cấm quân bảo vệ ở khắp nơi, đặc biệt là số lượng Cấm quân vùng biên giới cũng không hề ít hơn so với kinh thành. Nhưng đãi ngộ của đám Cấm quân này không giống với Cấm quân trong kinh thành. Đồng thời quân đội vùng biên giới ngoài đám Cấm quân này ra còn có Sương quân, Hương quân. Đãi ngộ của Sương quân, Hương quân thì càng kém hơn. Đám quân biên giới này ngày thường sống rất cực khổ, đây cũng là một nguyên nhân khiến cho tinh thần chiến đấu của binh lính Tống triều sa sút.

Hành động này của Phạm Ung không thể không khiến tất cả binh sĩ mang ơn. Đồng thời cũng ông thành công trong việc kêu gọi bảo vệ chiến địa nóng bỏng Duyên Châu.

Phạm Ung ở đây nên không thể nhìn ra nguyên nhân tất bại của trận chiến ở cửa Tam Xuyên, chỉ là ông ta quá tin tưởng ở Thạch Kiên. Thế nhưng các đại lão trong triều lại như nhìn thấu điều huyền bí trong đó. Khi thư báo thắng trận và thư cầu viện tới kinh thành, Tào Vĩ liền vạch ra:

- Quân ta lần này nhanh chóng giành thắng lợi nhưng sẽ có thất bại lớn hơn rất nhiều.

Thế là lập tức thông báo cho quân Tuy Đức, Uy Đức, Khánh Thành, Thanh Bình, Vĩnh Hưng … khẩn trương điều động quân đội chi viện cho Duyên Châu. Đồng thời còn phong cho Phạm Trọng Yêm làm chỉ Thứ sử quân Vĩnh HưngThiểm Tây kinh lược an phủ phó sứ; nội thị được tín nhiệm là Dương Tuý đến Duyên Châu phủ làm phó tổng quản khâm sai sai ở Duyên châu nắm thông tin về tình hình quân sự.

Chiếu thư này được hạ rất kỳ quái, chỉ có hai cấp phó mà có thể nắm bắt quân tình? Phạm Trọng Yêm điều tới tây bắc là có nguyên do của nó, Anh chàng tiểu Phạm này ở biên giới nhiều năm, giống như Khấu Chuẩn, vừa tới kinh thành đã thao thao bất tuyệt. Chỉ cần cậu ta thấy gai mắt với ai thì sẽ dâng một bản tấu tố cáo kẻ đó. Hơn nữa còn khác Khấu Chuẩn ở chỗ, cậu ta chắc chắn sẽ tấu đúng yếu điểm của người đó, khiến cho toàn bộ đại thần trông thấy cậu ta thì chẳng khác gì trông thấy “ôn thần”. Lưu Nga cũng cảm thấy phiền phức. Đương nhiên, Dương Tụy Huân là một nội thị được bà sủng ái, hơn nữa lại có kinh nghiệm trên chiến trường, do đó điều tới tới Duyên Châu thì cũng có thể lý giải được. Thế nhưng chức vụ chính đi đâu rồi?

Nhưng hai người này vẫn còn chưa xuất phát thì viện quân bị mai phục ở cửa Tam Xuyên đã bị thua rất thê thảm, giống hệt như những gì cậu thiếu niên kia đã dự đoán ở Hòa Châu.

Sau khi nhận được tin cấp báo của Phạm Ung, hai phó tổng quản Lưu Bình và Thạch Nguyên Tôn vội vàng kéo quân đến cửa Xu Thổ. Sau đó đám quân Tống này chưa được nghỉ ngơi, lại qua trấn Bảo An, Vạn An, tiến thẳng về Duyên Châu. Theo sau đó là đô giám Duyên châu là Hoàng Đức Hòa, tuần kiểm Vạn Kỳ Chính và tuần kiểm Quách Tuân đều nhận được tin cấp báo, họ lập tức hướng về Duyên Châu tập kết (đô giám và tuần kiểm là hai chức quan thời đó).

Lưu Bình sau khi nhận được tin cấp báo của Phạm Ung cũng lập tức hành quân về phía đông, trên đường cẩn thận đề phòng. Cuối cùng đến cửa khẩu Tam Xuyên thì gặp phải trận phục kích của quân Tây Hạ. Lúc đó hai quân đều bày yển nguyệt trận giằng co nhau, quân Tây Hạ nhanh chóng chuyển thành thế trận trường xà vượt sông. Tướng Tống là Quách Tuân dẫn kỵ binh tuần tra khiến cho quân Tây Hạ không thể tiến lên được. Lưu Bình chỉ huy quân Tống dồn toàn bộ lực lượng áp sát, giết hàng trăm tên địch khiến quân Tây Hạ phải lùi bước. Quân Tây Hạ lại đem thuẫn (1) ra giàn trận, quân Tống tiếp tục tấn công. Trên bờ sông có hàng nghìn xác chết. Trong trận chiến hỗn loạn đó, cổ và tai Lưu Bình bị trúng tên, máu chảy đầy người. Quân Tống mang theo chiến lợi phẩm tới trước mặt Lưu Bình lĩnh thưởng, Lưu Bình nói:

- Hiện giờ quân Tây Hạ còn chưa rút lui, các ngươi tạm ghi lại công lao của mình, đợi trận chiến kết thúc nhất định sẽ có trọng thưởng.


/540

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status