Đại Tống Phong Lưu Tài Tử

Chương 123: Đặc Quyền

/540


Chân Tông nói:

-Trẫm cần nói với các khanh rằng, Thạch thị lang từ bé đều do tự học mà thành tài, không ai dạy bảo, có lúc không hiểu lễ nghi quy tắc, nói như lời của khanh ấy thì có nghĩa là chỉ là hàng nhái, chúng chớ nên để ý.

Không nên để ý ư, thế chẳng phải là Thạch Kiên thích làm gì thì làm sao?

Đinh Vị bước lên trước nói:

- Bệ hạ, điều này không phù hợp với phép tắc. Thạch thị lang là trọng thần trong triều, bản thân cũng từng viết qua sách Tư trị , cũng chẳng phải không hiểu qui tắc, làm sao có thể tồn tại một sự ưu tiên bất thường như thế được.

Chân Tông lúc này chợt tỉnh táo hơn, ngài nhìn Đinh Vị nói:

- Đinh Vị khanh, trẫm không phải là đã chỉ dụ nhà ngươi đi Thông Châu rồi ư? Cớ sao lại quay về rồi?

Các quan đại thần nhìn nhau, một vài người trước đây vốn chẳng ưa Đinh Vị tỏ ra rất đắc ý.

Đinh Vị cảm thấy rất xấu hổ, không biết trả lời thế nào mới phải.

Chân Tông nói tiếp:

- Các khanh thử nghĩ, Thạch thị lang bây giờ tuổi nhỏ, nhưng đã làm biết bao nhiêu việc.

Nghe xong câu nói vừa rồi, kể cả những người thân thiết với Đinh Vị cũng chẳng dám mở miệng nữa. Về học vấn chẳng ai dám tỉ thí với người thiếu niên nhỏ tuổi này, còn về công lao, cũng chỉ có Khấu Chuẩn, dựa vào công giữ vững một nửa giang sơn không rơi vào tay nước Liêu mới có tư cách so với Thạch Kiên. Cái duy nhất mà hắn thiếu là tuổi tác và sự từng trải chưa nhiều. Câu nói của Chân Tông đã làm khó cho Đinh Vị, đồng thời làm cho các vị quan khác cũng không biết làm sao mở miệng bênh hắn nữa.

Nếu như Khâu Chuẩn và Phạm Trọng Yêm có mặt ở đây, bọn họ còn có khi còn dám nói:

- Muôn tâu bệ hạ, Thạch đại nhân tuy đã lập được rất nhiều công lao to lớn, nhưng cũng là thần tử của bệ hạ, nên việc giữ gìn lễ nghĩ cũng là việc nên làm.

Nhưng bây giờ hai người họ, một người ở Giang Ninh, một người ở Vĩnh Châu, còn xa kinh thành hơn cả Hòa Châu. Những người khác có khi cũng đã nghĩ đến phải can gián vua, nhưng lại sợ không đủ tư cách, lỡ nói ra, vị vua sắp băng hà này lại chẳng đuổi mình đi một nơi xa xôi nào đó.

Bây giờ chợt có kẻ tâu:

- Xin bệ hạ lấy tâm gương về kết cục của Vương Mãng ngày xưa soi xét mà cho kỹ.

Người đó chính là Lâm Đặc, tên quan đại thần rât thân cận với Đinh Vị.

Vương Mãng. Người họ ngoại nhà Vương Thái Hậu, khi chưa đoạt ngôi nhà Tây Hàn, đã chọn lối sống giản dị, khiêm nhường, phẩm đức cao thượng, biết lo cho thiên hạ (1). Nhưng sự xuất hiện của Thạch Kiên quá khác thường, tài hoa của Thạch Kiên cũng quá phi thường, Mặt khác có thể nói mọi thứ trong người hắn đều quá hoàn mỹ, ái quốc yêu dân, lại một dạ trung thành, tài hoa xuất chúng, tính tình lại hết sức khiêm tốn, dùng tất cả mỹ từ của thế gian để miêu tả về hắn cũng chưa đủ. Thực ra Lâm Thừa nói ra câu này cũng đã bất chấp tất cả, hắn và Vương Khâm Nhược đều một bè với nhau, rất biết cách nghĩ của các bậc đế vương. Thực ra ông ta không muốn lộ diện lúc này, khi mà Chân Tông đang gần đất xa trời. Nhưng bây giờ ông ta đang đảm nhiệm chức vụ Thái Tử Tân Khách và Công Bộ Thượng Thư. Bây giờ Thạch Kiên cũng sẽ đảm nhiệm chức vụ đó. Theo di nguyện của Chân Tông, Lâm Thừa sẽ phải rời bỏ chức vụ này. Bây giờ lên hay xuống lại phụ thuộc vào Đinh Vị. Bây giờ Đinh Vị bị chỉ trích, hắn buộc phải đứng ra nói thay cho y, để sau này còn được bao bọc.

1. Vương Mãng (chữ Hán: 王莽; bính âm: Wáng Măng) (45 TCN - 6 tháng 10 năm 23) là vị Hoàng đế duy nhất của nhà Tân (新朝) trong lịch sử Trung Quốc. Từ vai trò ngoại thích trong triều đình nhà Hán, Vương Mãng đã từng bước lên nắm những chức vụ cao nhất, thao túng việc triều chính và cuối cùng cướp ngôi nhà Hán. Tuy nhiên chỉ sau 16 năm, triều đại nhà Tân mà ông sáng lập đã sụp đổ cùng cái chết của ông.

Vương Mãng – Wikipedia tiếng Việt

Nghe Lâm Thừa nói xong, đám người thân với Đinh Vị cũng nhao nhao. Tam Tư Hộ Bộ phó sử Tử An Kỳ nói:

- Muôn tâu bệ hạ. Mọi thứ tốt lành cũng như những giọt nước, trời làm mưa để cho vạn vật tốt tươi, nước rất mềm dẻo, nhưng cũng phải đắp đê ngăn đập không cho nước chảy bừa bãi, nếu không nước mưa trên trời rơi xuống sẽ trở thành hồng thủy, đem đại họa đến cho muôn dân chăm họ. Thánh nhân Khổng Tử ngày xưa đã để lại các sách Luận ngữ, Lễ Ký, soạn ra kinh thi là để giữ cho thiên hạ có trật tự trên dưới đúng sai. Xưa nay công thần không hiếm. Đời Hán có Chương Tiêu, Đời Tấn có Tạ Vương, Đời Đường có nhị Lý, công lao to lớn gấp bội Thạch thị lang. Nhưng thần chưa nghe nói có ai trong số họ không phải tuân thủ phép tắc lễ nghi.

Những lời lẽ vừa rồi rất có lý. Bất kể công lao của Thạch Kiên to lớn đến đâu cũng không sánh được Trương Lương, Tiêu Hà, Tạ An, Vương Đảo, Lý Tĩnh và Từ Mậu Công. Huống chi bây giờ Thạch Kiên tuổi còn nhỏ, quyền lực có trong tay, không phải giữ phép tắc, đến khi quyền lực ngày càng lớn, thì cũng như cơn hồng thủy sẽ là đại họa của muôn dân.

Nghe xong lời của Tử An Kỳ. Đám người Đinh Vị cũng đế theo, làm cho các vị đại thần khác cũng nhao nhao can gián Chân Tông.

Chân Tông vốn dĩ vì nhìn thấy Thạch Kiên nên rất vui, lại vì hắn đã khóc rất thảm thiết, nên cho rằng Thạch Kiên rất trung thành. Những lời nói của ngài không phải vì muốn Thạch Kiên sau này không cần phải giữ phép tắc, chỉ là muốn cho Thạch Kiên một đặc quyền, sau này khi đã cưới công chúa, vẫn có thể đảm nhiệm chức Tể Tướng, để tận tâm tận lực phục vụ triều đình. Bây giờ nghe những lời của đám người Đinh Vị, lại cảm thấy không vui, ngài nói:

- trước đây trẫm từng nghe đến điển cố nói chỉ lộc vi mã ( chỉ hươu bảo ngựa), trẫm luôn băn khoăn không hiểu sao đám Hồ, Cao nọ thật là to gan, còn lương tâm của những tên đại thần kia hình như cũng đều vứt cho chó ăn mất rồi (2).

2. Tần Nhị Thế – Wikipedia tiếng Việt

Nghe bác của mình nói đến chó, một danh từ khó nghe, Triệu Dung đứng bên xuýt nữa bật cười.

Chân Tông bây giờ sức yếu, nói nhiều như thế, cảm thấy đã mệt, trên trán ướt đẫm mồ hôi. Lưu Nga đau lòng, rút khăn giúp ngài lau đi. Chân Tông ngừng một lát lại tiếp:

- Trẫm đang xem những việc trước mắt và việc chỉ hươu bảo ngựa kia có gì khác nhau.

Những lời nói này làm cho các quan đại thần đều mướt mồ hôi, Đinh Vị bây giờ và Hồ, Cao trước đây không khác nhau là mấy. Đinh Vị cúi đầu chẳng dám lên tiếng, chợt một tia sáng lạnh lóe lên trong mắt hắn, chẳng qua hắn cúi đầu nên không ai có thể nhìn ra.

Chân Tông suy nghĩ trong giây lát, ông đã nhìn ra mấy tên đại thần này chẳng qua là muốn đứng về phía Đinh Vị, những những lời mà họ nói cũng chẳng phải không có lý, nếu một mệnh quan triều đình không tuân theo lễ nghi phép tắc, trong tay lại có nhiều quyền lực, lúc đó dễ dàng nảy sinh làm phản, như bá phụ (bác) của ngài trước đây từng rất trung thành với giang sơn của nhà họ Sài, nhưng đã cùng một đám quần thần phế nghiệp họ Sài. Nhưng ngài biết là không nên giải thích, càng giải thích mấy tên gian thần này lại càng được nước lấn tới. Ngài nói:

- Đương nhiên các ngươi cũng có thể được hưởng ân sủng này, khi nào các ngươi có khí tiết và học thức như Thạch thị lang, trẫm sẽ ban cho các ngươi. Chỉ biết chuyên tâm làm việc, viết ra “Chính khí ca”, ngay ngày đầu tiên vào triều đã nói ra câu “Nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử, Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh” (3), hạng người này sẽ giống với Vương Mãng năm xưa sao?

3. Quá Linh Đinh dương (Văn Thiên Tường)

Tân khổ tao phùng khởi nhất kinh,

Can qua liêu lạc tứ chu tinh.

Sơn hà phá toái phong phiêu nhứ,

Thân thế phù trầm vũ đả bình.

Hoàng Khủng than đầu thuyết hoàng khủng,

Linh Đinh dương lý thán linh đinh.

Nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử,

Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.

Qua biển Linh Đinh (Người dịch: mailang) – thivien

Đèn sách gian lao mộng ước thành,

Bốn năm thác loạn cuộc giao tranh.

Bông tan theo gió tình non nước,

Bèo dạt trong mưa cảm phận mình.

Trên sóng Linh Đinh chừng lạc lõng,

Đầu ghềnh Hoàng Khủng nhắc mà kinh.

Đời người tự thuở ai không chết,

Cốt giữ lòng son rọi sử xanh.

Lúc ấy Triệu Cẩn đứng bên thưa:

- Phụ hoàng nói rất đúng, con thấy bọn họ đang rất lo lắng, sợ Thạch thị lang sau khi vào triều sẽ làm sáng tỏ âm mưu đen tối của bọn họ. Phụ hoàng, mấy người này thật đáng ghét, lại còn cả Đinh tể tướng, quả đúng là một tên bạo quan, hắn thật chẳng bằng Tào A Man.

Năm đó Triệu Cẩn đã 12 tuổi, bệnh tật từ bé, rất yếu ớt. Nhưng từ khi gặp Thạch Kiên, nàng không ngừng rèn luyện thân thể, và chính Thạch Kiên cũng đã đem đến cho nàng niềm tin vào cuộc sống, từ đó nàng khỏe mạnh dần. Nhưng vì Chân Tông rất quan tâm đến cô công chúa yêu này, lại vì nàng là con gái, nên dạy dỗ cũng không nghiêm khắc, có lúc nói năng còn hơi trẻ con. Tào Tháo tự Mạnh Đức nàng lại nói thành Tào A Man, đương nhiên một phần cũng là vì nàng bị ảnh hưởng trong sách Tam quốc.

Triệu Trinh cấu nhẹ vào tay nàng, ra hiệu không cho nàng nói năng tùy tiện. Nhưng chính Triệu Trinh vẫn không nhịn được cười.

Đinh Vị nghe xong nói với Lưu Nga:

- Thần chẳng phải trụ cột quốc gia, nhưng thần đã tận lực với giang sơn Đại Tống. Lần trước công chúa đã làm nhục thần, lần này lại coi thần là một gian thần. Không biết được ai xúi giục nói như thế, để tỏ rõ tấm lòng trinh bạch, thần xin được từ quan.

Thạch Kiên nghe xong liền hiểu là Đinh Vị muốn lùi một bước tiến hai bước. Đinh Vị là do Lưu Nga dựng lên. Bà muốn lợi dụng Đinh Vị để củng cố quyền lực, dẹp bỏ các thế lực phản đối bà như Khấu Chuẩn, ngược lại Đinh Vị cũng muốn lợi dụng Lưu Nga nhanh chóng thăng quan tiến chức, mượn thời cơ tạo thế lực riêng cho mình. Bây giờ hoàng đế có thể băng hà bất cứ lúc nào, Lưu Nga lại càng cần một kẻ giúp sức, bà mới có thể tham gia việc triều chính. Nếu Đinh Vị từ chức, Khấu Chuẩn được trở về kinh, việc liên quan đến người kế vị Lưu Nga sẽ không có quyền được tham dự. Bây giờ Lưu Nga bất kể thế nào cũng không dám để Đinh Vị bỏ đi.

Lưu Nga bị ép, trách Triệu Cẩn:

- Cẩn nhi, con mau xin lỗi Đinh tể tướng đi!

Triệu Cẩn cãi lại:

- Con nhất định không xin lỗi.

Bây giờ Chân Tông đã đi đến lúc chuẩn bị phải xa trời đất, bởi vì Thạch Kiên đến nên ông vô cùng sung sướng, đem hết chút sức lực còn lại trút hết vào lúc này. Bây giờ trong lòng ngài rõ như ban ngày, liền hiểu ngay cách xử lý của Lưu Nga. Khấu Chuẩn không như Đinh Vị, hắn chỉ trung tận với giang sơn Đại Tống họ Triệu chứ không phải là giang sơn của một họ nào khác. Thậm chí vì bảo vệ Triều Tống, hắn có thể làm như những Hoắc Quang, Y Doãn từng làm. Nếu như ngài lắm con trai thì chẳng sao, chẳng cần biết đứa nào kế vị cũng đều là mang dòng máu của ngài cả. Nhưng trời đất không thương ngài chỉ cho đúng một đứa, mà cháu chắt họ lại không ít, lại còn một bát đệ danh tiếng nổi khắp thiên hạ, như hổ báo đứng bên, cũng may là người có sức uy hiếp lớn nhất này lại đóng cửa trong nhà không gặp ai, để biểu thị sự chung thủy với vợ con, mới khiến nhà vua yên tâm lúc này. Trong tình thế ấy, đối với con trai ngài, Đinh Vị vẫn còn giá trị lợi dụng.

Nhưng như thế chẳng khác gì vào hang xin da của cọp, cũng không biết Lưu hoàng hậu có giữ nổi cái gia thất này không, cũng may người thiếu niên trung thành này đã trở về. Nghĩ tới đây ngài mới nói:

- Các ngươi đừng vì chút chuyện cỏn con này mà tranh luận không ngớt nữa, trẫm cũng lui một bước. Nhưng Thạch thị lang sau này không cần biết cưới gả con gái nhà ai, không ai được quyền can thiệp. Kể cả là cưới công chúa hoặc quận chúa, cũng không được miễn đi bất cứ chức vụ nào của Thạch thị lang. Khanh ấy là nhân tài quốc gia, không thể vì chuyện này mà làm mất đi của Đại Tống giang sơn ta một vị đại thần có thể sánh với Gia Cát Lượng, Trương Tử Phòng (4).

4. Trương Lương (chữ Hán: 張良; ?-188 TCN) là văn thần có công giúp Lưu Bang đánh đổ nhà Tần và thắng Hạng Vũ trong chiến tranh Hán Sở sáng lập ra nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc. Trương Lương – Wikipedia tiếng Việt

Triệu Cẩn mặc dù rất ngây thơ, nhưng cũng đã 12 tuổi, đã bắt đầu hiểu biết một số chuyện, nghe đến chuyện này thẹn thùng quay mặt đi, không dám nhìn mọi người.

Nguyên Nghiễm lúc này nói:

- Thánh thượng anh minh. Thạch thị lang làm người đạm bạc, không tham công danh bổng lộc, con người lại hết sức giản dị. Không nên vì lý do gì mà tước đoạt đi chức vị của ngài ấy.

Ngài vừa nói vừa quay xuống nhìn đứa con gái của mình, trong lòng đã tính đến cô con gái này tuổi tác cũng không còn nhỏ nữa, đã đến tuổi hôn gả, cứ kéo dài mãi thế này cũng không phải là một cách hay. Có lời nói của Chân Tông, thì việc thành thân của Thạch Kiên và con gái ngài coi như đã được định đoạt.

Triệu Dung là một cô gái thông minh, có đôi chút thẹn thùng, nhất là lúc nói Nguyên Nghiễm lại quay xuống liếc nhìn cô trước mặt mọi người, làm cho cô mặt đỏ như trái táo.

Thạch Kiên hết sức ngạc nhiên, đây có thể là dặn dò cuối cùng của Chân Tông, thế mà ngài lại nói ra những lời này. Lẽ nào hắn lại phải cưới cả Triệu Cẩn và Triệu Dung mới được? Thế thì ai là cả ai là thứ đây, hình như hai người này đều không ai có thể làm thứ, nhưng mà cả thì chỉ có thể có một, còn cả Lý Tuệ nữa, Lý Tuệ cũng đã lớn rồi, cũng đã đến lúc tính phải đến chuyện hôn nhân.

Triệu Trinh khẽ giật giật tay áo Thạch Kiên :

- Không mau tạ ơn phụ hoàng.

Thạch Kiên vẫn còn ngơ ngác không biết gì, trong đầu nghĩ hắn phải cảm ơn vì lí do gì chứ, lẽ nào cảm ơn vì đã cưới cho hắn hai cô công chúa quận chúa? Hắn quay sang nhìn Triệu Cận, thấy nàng đang đứng quay lưng về phía mọi người, đang ve ve vạt áo, nhưng nhìn qua đôi má nàng cũng biết là nàng đang mỉm cười. Hắn lại quay sang nhìn Triệu Dung, nàng chu môi, mắng khẽ:

- Đồ ngốc.

Thạch Kiên a lên một tiếng, ta rất ngốc ư? Hắn lại quay sang nhìn những người còn lại, nét mặt của các vị quan đại thần khác hết sức cổ quái. Suy nghĩ rất lâu, bọn họ mới hiểu được ý của Chân Tông, ngài không phải muốn cho cậu thiếu niên này một quyền lực tối thượng, mà chỉ muốn hắn vừa có thể cưới công chúa hoặc một người vừa thông minh lại mỹ miều Triệu Dung quận chúa mà không ảnh hưởng gì đến tiền đồ.

Việc này cũng không phù hợp lắm với lễ nghi phép tắc. Nhưng đám quần thần không ai can gián nữa, vừa rồi Chân Tông đã nổi nóng, đến chỉ hươu nói ngựa cũng đã nói đến, huống chi chính ngài cũng đã nói lùi một bước.

Thạch Kiên hết cách, chỉ biết đến trước Chân Tông, quỳ xuống đáp:

- Tạ ơn bệ hạ.

Chân Tông vui như mở cờ trong bụng, sau đó nói với đám đại thần:

- Các ngươi đều không có ý kiến gì, coi như là đã đồng ý. Bay đâu, mau ghi chép lại chỉ ý của trẫm, sau này ai dám can gián việc hôn nhân của Thạch thị lang sẽ giáng ba cấp, nếu tiếp tục can gián, tiếp tục giáng cấp.

Chúng thần nghe xong đều hít một hơi lạnh, nếu can gián sẽ bị giáng ba cấp, nếu can gián ba lần, thì đến Tể Tướng cũng biến thành dân thường mất.

Thông thường người viết thánh chỉ là Yến Thù, hắn vừa lắc đầu vừa viết thánh chỉ, lại dùng cái bộ mặt lộ vẻ cổ quái nhìn Thạch Kiên.

Nhìn Yến Thù viết đến nét bút cuối cùng, Chân Tông mới yên tâm. Lúc thường vì chuyện hôn nhân của chàng thiếu niên phong độ tài hoa này và công chúa, làm ngài lo lắng không yên. Ông nghĩ trong lòng, may mà lão Khấu quật tử và tiểu Phạm quật tử (lão Khấu già ương bướng và thằng Khấu trẻ ương bướng) không ở kinh thành, nếu không đạo thánh chỉ nào khó mà được thông qua.

Việc hôn sự cuối cùng cũng đã có một kết cục, ngài càng vui mừng, nói:

- Trẫm muốn dùng cháo .

Lưu Nga nghe xong vui mừng, muốn ăn là một chuyện tốt, lẽ nào Thạch thị lang lại là vị cứu tinh của hoàng gia, hắn vừa đến bệnh của vua đã bắt đầu khỏi. Bà liền vội vàng cho gọi người đi chuẩn bị cháo, đợi cháo đem đến, Chân Tông lại nói:

- Trẫm muốn Hoàng Hậu, Trinh nhi, Cận nhi và Thạch thị lang đút cho trẫm ăn.

Ngài bắt đầu làm nũng.

Quần thần nghe đến mấy câu làm nũng đó mà lạnh cả gáy. Nhưng đây cũng chỉ là việc riêng của hoàng gia, chỉ là thân phận của Thạch Kiên và tiểu công chúa chưa thật sự được định đoạt nên chưa tỏ ra đây. Chỉ có Đinh Vị mặt mày sa sầm, ánh mắt không ngừng đảo, không rõ hắn đang nghĩ gì.

Chân Tông ăn cháo xong, nói:

- Trẫm hôm nay rất vui. Thạch thị lang, ngươi lấy quả cầu kia đưa đây cho trẫm.

Quả cầu mà ngài nói ở đây chính là quả cầu thủy tinh mà lần trước Thạch Kiên chế tạo cho ngài, bên trong còn có bức vẽ bản đồ giang sơn Đại Tống. Từ lúc Thạch Kiên tặng quả cầu này cho ngài, Chân Tông cho cất giữ ở tẩm cung, suốt ngày nhìn ngắm.

Thạch Kiên vội vàng lấy quả cầu đưa cho Chân Tông, Chân Tông nhìn tấm bản đồ, trong lòng rất vui mừng.

Thạch Kiên thấy thế trong lòng chua xót, từ thời Tống Thái Tổ sau khi bôi tử thích binh quyền ( Bôi tử thích binh quyền là một điển tích sau khi các võ quan uống xong li rượu đã giao lại hết binh quyền cho Tống Thái Tổ), địa vị của các võ quan rất thấp. Do đó mặc dù dưới thời Tống, kinh tế Trung Quốc phát triển nhất trong các triều đại phong kiến, nhưng luôn bị ngoại bang uy hiếp. Thực tế thời Bắc Tống không thiếu những vị hoàng đế với công trạng hiển hách, không kể Thái Tông hay Nhân Tông, Thần Tông, Triết Tông, trừ Anh Tông hơi yếu một chút, hay vị Chân Tông này cũng không thể coi là hôn quân được. Từ nơi sâu thẳm trong tâm trí, ngài cũng luôn muốn xưng hùng bốn biển như Đường Thái Tông đã từng làm. Nhưng ông đã bị quân Liêu đánh cho phải khiếp sợ, dù rằng đã dùng tiền bạc châu báu mua lấy yên bình, nhưng cái sự bình yên này luôn bị người đời lên án.

Sau đó Chân Tông ngẩng đầu nhìn Thạch Kiên hỏi:

- Thạch thị lang, ngươi có thể phò giúp thái tử như từng phò giúp ta không?

Thạch Kiên nói:

- Muôn tâu bệ hạ, xin bệ hạ chớ lo, vi thần xin nguyện làm thanh kiếm sắc bén nhất trong tay bệ hạ và hoàng thái tử. Chỉ cần bệ hạ và hoàng thái tử đồng ý, thanh kiếm này bất cứ lúc nào cũng có thể được rút ra, truyền ánh hào quang của Đại Tống đi khắp bốn phương.

Vừa nói, hắn bèn cầm lấy chiếc bút đang nắm trên án, bẻ làm đôi, nói với quần thần:

- Nếu thần không giữ lời, sẽ phải nhận lấy kết cục như cây bút này.

Chân Tông mỉm cười, nói :

- Thế thì tốt, rất tốt.

Sau đó nhìn thấy bọn họ quân thần như người thân một nhà, sắc mặt Đinh Vị lại càng tối hơn, các quan đại thần khác nhìn thấy cảnh tượng này mỗi người cũng đều có ý nghĩ của riêng mình.

Chân Tông lại nói với Triệu Trinh:

- Con trai của ta, con có thể đối tốt với Thạch thị lang như ta đã từng làm với khanh ấy không?

Triệu Trinh đáp:

- Nhi thần có thể. Nhi thần biết Thạch thị lang là hiền tài hiếm có trong thiên hạ. Sau này Nhi thần nhất định sẽ trọng dùng

Dù sáo thái tử cũng chỉ là đứa trẻ mười bốn tuổi, không giống như Thạch Kiên còn mang trong mình linh hồn của một vị tiến sỹ 30 tuổi, ít nhiều vẫn có chút tính khí trẻ con, nói xong hắn còn quay sang thè thè lưỡi với Thạch Kiên.

Chân Tông và Lưu Nga nghe hoàng thái tử nói xong, đều nhớ lại lần đầu tiên Thạch Kiên vào cung, nhớ tới câu đố mà Triệu Trinh đưa ra để làm khó Thạch Kiên, hai kẻ vừa gặp đã mỉm cười nhìn nhau.

Chân Tông lại nói:

- Các khanh lại đây.


/540

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status