Đại Mạc Đao

Chương 9: Khúc nhạc trái tim

/17


Lẽ ra nên sai người đi Thiên Hương phường nghe ngóng tin tức của bọn Y Trĩ Tà, nhưng người luôn hành sự hết sức thận trọng ở thành Trường An như tôi lại không làm việc nên làm, chỉ cố hạn chế ra ngoài, ngày ngày loanh quanh trong vườn tập thổi sáo, hoặc cười đùa với các cô nương giết thời gian, lẽ nào tôi đang cố tình tảng lờ và quên lãng ư? Hóa ra sau ngần ấy năm, tôi vẫn không dám đối mặt.

Trong lòng cảm khái, tôi cứ thổi đi thổi lại một khúc nhạc: “Trên núi có cây, trên cây có cành. Lòng yêu chàng chừ, chàng có biết không!” Biết hay không nhỉ? Sầu cũ cộng thêm phiền mới, tâm tư càng thêm buâng khuâng.

Có tiếng ngoài cửa sổ vọng vào: “Vốn không định làm phiền nàng, muốn nghe nàng thổi hết khúc nhạc này, nhưng sao chưa thổi hết đã dừng lại thế?” Lời dứt liền nghe tiếng gõ cửa.

Tôi đặt cây sáo xuống: “Cửa không cài then, mời vào.” Hoắc Khứ Bệnh đẩy cửa đi vào, nhấc cây sáo trên bàn mân mê: “Vừa rồi nàng thổi bài gì thế? Nghe có vẻ quen quen, nhưng không tài nào nhớ nổi là khúc gì.”

May mà ngươi vốn chẳng bao giờ lưu tâm mấy chuyện này, tôi thầm thở phào, giật lấy cây sáo đặt vào hộp: “Tìm ta có việc gì?”

Hắn quan sát tôi thật kỹ: “Đến xem nàng đã khỏe hẳn chưa.”

Tôi lấy lại tinh thần, mỉm cười: “Ta rất khỏe.”

Hắn cười hỏi: “Cả ngày nhốt mình trong phòng không ra khỏi cửa tức là rất khỏe?”

Tôi cúi đầu: “Ta thích ở trong nhà.”

Hắn đột nhiên ghé đầu tới trước mặt tôi, nhìn tôi trừng trừng không chớp: “Nàng nhờ ta tìm mấy quyển sách kia là để cho Lý Nghiên đọc đúng không?”

Hắn chuyển chủ đề đến là nhanh, tôi ngớ ra một lúc mới hiểu mấy quyển sách mà hắn nhắc đến là sách gì, bèn xoay người quay đầu đi, khẽ nói một tiếng: “ừ.”

Hắn thì thào bên tai tôi: “Nàng đã đọc chưa?” Hơi thở âm ấm kề sát bên tai khiến nửa mặt tôi nóng bừng bừng. Lòng hơi hoảng loạn, tôi vụt giơ tay đẩy hắn tránh ra.

Hoắc Khứ Bệnh đưa tay đỡ lấy đầu, cười tít mắt nhìn tôi. Tôi bị hắn nhìn chằm chằm đến nhột nhạt cả người, liền bật dậy: “Ta phải đi làm việc, người mau mau đi về đi.”

Hắn uể oải đứng dậy, than thở: “Đàn bà trở mặt còn nhanh hơn cả thời tiết sa mạc. Vừa rồi còn trời quang mây tạnh, một lát sau đã cát bụi đầy trời rồi.”

Tôi chẳng nói thêm lời nào đi ra mở cửa, trừng mắt nhìn hắn, ý bảo hắn mau đi đi, hắn nghiêm mặt, lãnh đạm đi ngang qua bên tôi. Tôi đang định đóng cửa, hắn lại xoay người lại buông giọng thản nhiên: “Nàng ra vẻ lạnh lùng khiến tâm can người ta càng thêm ngứa ngáy.” Tôi ném cho hắn cái nhìn hằn học, rồi đóng rầm cửa lại.

Vẫn đang hết sức bực mình với Hoắc Khứ Bệnh thì lại nghe tiếng gõ cửa, tôi cáu quá hét lên: “Sao ngươi còn quay lại đây làm gì?”

Hồng cô ngơ ngác hỏi: “Ta không quay lại thì còn đi đâu được.”

Tôi mỉm cười chạy ra mở cửa: “Muội bị người ta chọc giận đến hồ đồ rồi, vừa rồi không phải cáu với tỷ đâu.”

Hồng cô bật cười: “Trút giận được là tốt, muội hai ba hôm rồi suốt ngày ủ rũ, hôm nay mới thấy có chút sức sống, cùng ta đi dạo trong vườn đi, chúng ta vừa đi vừa nói chuyện, thời tiết tốt thế này mà ngồi trong phòng thì phí quá.”

Tôi chợt nhận ra, bị Hoắc Khứ Bệnh trêu chọc, tôi chỉ lo nổi đóa lên, ưu sầu tích tụ mấy ngày qua không ngờ đều thay đó vơi đi quá nửa, hắn… hắn cố ý làm thế chăng?

Thấy tôi đứng ngẩn người ở cửa, Hồng cô cười cười kéo tay tôi cùng đi ra ngoài: “Không nghĩ lung tung nữa, nghĩ việc chính đi, hôm qua tôi tính toán sổ sách, thấy tiền dư có thể đem ra mua thêm một phường hát nữa. Muội nghĩ thế nào? Ta định…” Tôi và Hồng cô vừa tản bộ trong vườn, vừa bàn chuyện làm ăn khách khứa của phường hát.

“Trần lang, cầu xin ngài đừng làm thế, không phải đã nói chỉ đi dạo cùng ngài thôi sao?” Thu Hương vừa vùng vẫy vừa cầu khẩn, nhưng người đàn ông đang muốn cưỡng bách ôm nàng không hề để ý, vẫn hết sức vô lễ.

Tôi và Hồng cô đưa mắt nhìn nhau, đều lộ vẻ tức giận, tên này coi phường hát của chúng ta là cái thá gì chứ? Hiện giờ mấy kẻ quyền quý vô lại nhất Trường An đến Lạc Ngọc phường cũng phải kiềm chế ít nhiều, không ngờ hôm nay lại gặp một kẻ to gan thế này.

Hồng cô bật cười điệu đà nói: “Tình cảm nam nữ phải đôi bên tình nguyện thì mới thú, tiểu lang quân nếu thật sự thích Thu Hương thì nên bỏ chút công sức khiến cô ấy động lòng, để Thu Hương vui vẻ theo ngài, thế mới thể hiện được sự phong lưu nho nhã chứ.”

Người đàn ông buông Thu Hương ra, quay đầu cười nói: “Nói rất hay, nhưng với ta không tình nguyện mới càng có ý nghĩa…” Ánh mắt chúng tôi giao nhau, nụ cười trên mặt người nọ đông cứng lại, tim tôi cũng giật thót, vội xoay mình bỏ đi, người ấy liền kêu to: “Đứng lại!”

Tôi làm như không nghe thấy, hấp tấp rảo bước, người ấy sải bước chạy tới kéo tay tôi lại, tôi vẩy tay đẩy ra, cứ tiếp tục rảo bước thật nhanh, người nọ đứng đằng sau lưng dùng tiếng Hung Nô nói: “Ngọc Cẩn tỷ tỷ, muội biết là tỷ, muội biết chính là tỷ…” Vừa nói dứt lời đã nức nở bật khóc, rõ là giọng con gái không nghi ngờ gì nữa.

Tôi dừng chân, nhưng vẫn không quay đầu lại, cô ta đi đến sau lưng tôi, hắng giọng lí nhí nói: “Chỉ có mình muội ra ngoài chơi bời chút thôi, thiền vu không có ở đây.”

Tôi xoay người lại, hai bên đều chăm chú đánh giá đối phương, không nói không rằng. Hồng cô đưa mắt nhìn chúng tôi rồi kéo Thu Hương rảo bước bỏ đi.

“Ngươi làm sao mà vẫn cái trò đó? Đến thành Trường An mà cũng chẳng coi trời đất ra gì, lại đi trêu ghẹo cô nương nhà người ta.” Tôi cười hỏi.

Mục Đạt Đóa bỗng dưng ôm chầm lấy tôi bật khóc: “Bọn họ đều nói là tỷ chết rồi, bọn họ nói là tỷ chết rồi, muội khóc ròng rã cả một năm, vì sao Ư Thiền trước khi nhắm mắt lại chỉ tay lên trời thề là tỷ chết rồi?”

Tôi cứ tưởng tôi đã kiên cường lắm rồi, nhưng mắt cứ giàn giụa lệ, phải cắn chặt môi không cho nước mắt rơi xuống: “Trước… trước khi Ư Thiền nhắm mắt, ngươi đã gặp gã ư?”

Mục Đạt Đóa vừa lau nước mắt vừa gật đầu: “Thoạt tiên thiền vu không tin là tỷ chết rồi, biết chúng ta chơi thân từ nhỏ nên đặc biệt sai muội đi dò hỏi tung tích tỷ. Nhưng chính miệng Ư Thiền nói với muội rằng tỷ chết rồi, huynh ấy đã chôn tỷ dưới dòng cát chảy.

Tôi lấy khăn tay đưa cho Mục Đạt Đóa, nhưng mãi vẫn không mở miệng hỏi được Ư Thiền sau khi bị bắt đã gặp phải những chuyện gì.

“Tỷ tỷ, tỷ kiếm sống bằng nghề ca múa ở đây à? Cần bao nhiêu tiền để chuộc thân?” Mục Đạt Đóa lâu khô nước mắt hỏi.

Tôi nhìn cô, dịu dàng cười đáp: “Phường hát này là của ta, ta là phường chủ.”

Mục Đạt Đóa tự cốc vào đầu mình rồi cười rộ lên: “Muội thật là ngốc, thiên hạ này có ai đủ sức bắt tỷ tỷ làm việc trái ý cơ chứ? Ném cho bọn chúng mấy mũi “kim ngứa” của chúng ta cho bọn chúng ngứa chết thôi!”

Tôi nhếch miệng nhưng không cười, Mục Đạt Đóa cũng thôi cười, trầm mặc một lúc rồi mới hỏi: “Tỷ tỷ, thiền vu không giết Ư Thiền, Ư Thiền bị bệnh chết.”

Tôi cười nhạt: “Bệnh chết ư, thật không? Ư Thiền và chúng ta từ nhỏ đều chơi với nhau, gã có yếu ớt thế không? Giữa mùa đông lạnh giá chúng ta lừa gã nhảy xuống hồ băng, ta và ngươi đều chết cóng, nhưng gã thì chẳng hề hấn gì.”

Mục Đạt Đóa vội giải thích: “Tỷ tỷ, thật mà. Nếu thiền vu muốn giết Ư Thiền, lúc bắt được đã có thể giết luôn rôi, nhưng thiền vu ra lệnh chỉ được bắt sống, nếu không làm sao đuổi bắt mỗi một người mà mất đến mấy ngày mấy đêm? Với cả, tỷ không biết chứ lúc thiền vu biết tin trong khi đuổi bắt hai người đã lỡ sát thương tỷ, người tức giận đến tím tái mặt mày, muội chưa bao giờ thấy thiền vu tức giận như thế, làm cho mấy nghìn binh sĩ đuổi bắt hai người sợ đến mức chỉ biết quỳ rạp xuống đất. Thiền vu một mực không chịu tin là tỷ đã chết, cứ khăng khăng truy hỏi Ư Thiền tỷ chết như thế nào, nhưng Ư Thiền kể lại cứ như thật, thiền vu sai người tìm từ Hung Nô đến Tây Vực, phái cả trọng binh đến các cửa khẩu của Hán triều vẫn không tìm thấy tỷ đâu, về sau mọi người mới chịu tin lời Ư Thiền.”

Tôi cười khẩy: “Ta không muốn tìm hiểu mấy chuyện này nữa. Cứ cho là Ư Thiền ốm chết, nhưng vẫn còn cha và yên chi, chẳng lẽ bọn họ thích tự sát sao? Những chuyện này là do ai gây ra chứ? Tuy hắn không giết bọn họ, nhưng hắn chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết ấy.”

Mục Đạt Đóa nuốt nước mắt, lắc đầu lia lịa: “Tỷ tỷ, muội hoàn toàn không hiểu tại sao thái phó tự vẫn, thiền vu cứ thuyết phục thái phó ở lại trợ giúp, cho dù thái phó không đồng ý thì cũng có thể cầu xin thiền vu thả đi, nhưng tại sao ông ấy lại tự sát chứ? Muội vẫn còn nhớ hôm đó muội vừa đi ngủ, đột nhiên nghe thấy bên ngoài có tiếng thét kinh hoàng. Muội vội vã mặc áo chạy ra khỏi lều, chỉ nghe thấy mọi người la hét ầm ĩ ‘Yên chi của Yên vương tự vẫn rồi.’ Chẳng bao lâu sau lại nghe thấy có người khóc gào ‘Thái phó tự tận rồi.’ Muội vì nghĩ đến tỷ tỷ nên không lo cho Yên chi vội, mà vừa khóc vừa chạy ngay đi tìm thái phó, cũng gặp thiền vu chạy như bay đến. Hình như thiền vu cũng vừa mới ngủ dậy, vội vội vàng vàng quên đi cả giày, chân đất chạy trên tuyết, lúc nhìn thấy xác thái phó thì lảo đảo suýt ngã. Đám người xung quanh sợ chết khiếp, đều khuyên thiền vu về nghỉ, nhưng người đuổi hết bọn họ đi, mặt trắng bệch, túc trực cạnh xác thái phó đến tận hôm sau. Tỷ tỷ, từ khi thiền vu dấy binh tự lập làm vương, muội cũng luôn hận người, hận người đã cướp đi vị trí của Ư Thiền. Nhưng đêm hôm ấy, thấy thiền vu một mình cô đơn ngồi trong lều, bên ngoài là bão tuyết, bọn muội ngồi quây quần bên chậu than mà vẫn thấy lạnh, vậy mà thiền vu chỉ mặc áo đơn ngồi đấy đến sáng hôm sau, hoàn toàn bất động, ánh mắt ngập tràn đau buốt thê thảm, trời tuy lạnh, song trái tim của người có khi còn lạnh lẽo hơn cả bầu trời kia. Muội đứng ở bên ngoài nhìn lén suốt một đêm, tự nhiên lại thấy không hận người nữa, cảm thấy thiền vu làm thế nhất định có lý do riêng, vả lại muội nghĩ so với Ư Thiền thì người hợp để làm thiền vu hơn, những chuyện này đều là muội tận mắt chứng kiến cả, tuyệt đối không nói dối tỷ tỷ. Thiền vu về sau còn bất chấp lời phản đối của các trọng thần, khăng khăng an tang thái phó theo lễ nghi người Hán…”

Nỗi đau khổ khôn xiết giày vò trái tim tôi, tôi ấn mạnh tay vào ngực, đau đớn đến mức nhắm chặt mắt lại. Năm ấy lúc nghe tin cha qua đời ở dưới núi Kỳ Liên, tôi cũng từng đau đớn thế này, đau đến nỗi tim như bị ăn tươi nuốt sống. Bây giờ cảnh ấy lại một lần nữa tái hiện trong đầu tôi.

Sau khi Ư Thiền bỏ lại tôi, tôi không về Trung Nguyên theo lời cha mà ẩn náu trong bầy sói, tìm đủ mọi cách tiếp cận cha. Nhờ bầy sói giúp đỡ, tôi đã thoát được một đợt lùng soát, cứ ngỡ tôi có thể lén lút nhìn thấy cha, thậm chí có thể dẫn cha cùng mình tháo chạy, nhưng lúc tôi định gặp cha thì cũng nghe tin cha đã qua đời.

Lúc ấy tuyết rơi liên tục ba ngày ba đêm, tuyết đọng trên mặt đất dày ngập đến đầu gối của tôi, nhưng vẫn rơi không ngừng. Bầu trời trắng xóa, mặt đất trắng xóa, cả đất trời chìm trong một màu trắng ảm đạm. Ư Thiền chết rồi, yên chi chết rồi, cha chết rồi, Y Trĩ Tà trong tim tôi cũng chết rồi. Tôi khóc rống lên chạy như điên trên mặt tuyết, nhưng không thấy ai xuất hiện nữa. Nước mắt trên mặt hóa băng, da dẻ nứt nẻ, máu chảy ra hòa với nước mắt rồi cũng đóng thành nước đá hồng hồng trên mặt.

Tôi mười hai tuổi, giữa một trời tuyết rơi trắng xóa, chạy suốt ngày không nghỉ, cuối cùng kiệt sức ngã vật xuống tuyết, cả trời hoa tuyết tung bay đáp xuống mặt tôi, người tôi. Tôi mở to hai mắt ngắm nhìn bầu trời, nằm im bất động, không còn chút sức lực, cũng không muốn động đậy gì nữa, cứ thế này đi! Để tất cả kết thúc trong sự trong sạch của tuyết trắng, không nhuốm một giọt máu nào.

Lang huynh hú gọi tìm tôi, nó dùng chân gạt hết tuyết phủ đầy trên người tôi, định dùng mõm kéo tôi đi. Nhưng lúc ấy nó còn nhỏ, không còn đủ sức kéo tôi, đành nằm phục lên người tôi, dùng cả thân thể bảo vệ tôi, không ngừng dùng lưỡi liếm láp mặt tôi, tay tôi, muốn truyền cho tôi hơi ấm của mình. Tôi xua nó đi, bảo nó rằng nếu bầy sói không đến kịp, nó sẽ chết cóng trong tuyết, nhưng nó vẫn cứ ngang bướng túc trực bên tôi.

Lang huynh nhìn tôi không chớp mắt, hễ tôi nhắm mắt lại, nó liền ra sức dùng lưỡi liếm tôi. Ánh mắt của Lang huynh và cha hoàn toàn không giống nhau, nhưng tâm tư ý tứ bao hàm trong ánh mắt ấy thì giống như lột, đều muốn tôi phải tiếp tục sống. Tôi nhớ lại lời hứa với cha, bất kể va vấp thế nào cũng phải sống tiếp, mà nhất định phải sống sao cho thật vui vẻ, bởi tâm nguyện duy nhất của cha là muốn tôi sống sót. Tôi nhìn chằm chằm vào đôi mắt đen láy của Lang huynh, nói với nó: “Ta sai rồi, ta muốn tiếp tục sống, ta nhất định sống tiếp.” May mà bầy sói đã đến kịp, tuyết cũng đã ngừng rơi, tôi được bầy sói cứu, bọn chúng dùng thân thể và máu nóng của những con thú săn được giúp chân tay tôi khôi phục cảm giác…

©STENT

“Tôi chợt kêu lên: “Đừng nói nữa! Mục Đạt Đóa, đối với ngươi đây chỉ là quá khứ, nhưng những chuyện này là vết thương lòng ta, nó đã từng chảy máu đầm đìa, khó khăn lắm mới cầm được máu, tại sao ngươi lại xuất hiện trước mặt ta, đem những vết thương đã lành miệng rạch hết cả ra? Ngươi đi về đi! Nếu ngươi vẫn hoài niệm tình bạn hồi nhỏ của chúng ta, thì xin ngươi hãy coi như chưa nhìn thấy ta, Ngọc Cẩn ngày xưa từ lâu đã không còn rồi, người ấy đã chết rồi, đã chết trong bão tuyết năm đó rồi.”

Tôi phẩy tay áo định bỏ đi, nhưng Mục Đạt Đóa nắm chặt tay áo tôi, lí nhí gọi: “Tỷ tỷ, tỷ tỷ…”

Trước khi rời bỏ Hung Nô, tôi, Ư Thiền, Nhật Đê và Mục Đạt Đóa rất thân với nhau. Vì cha, nên tôi và Ư Thiền thân nhau hơn mấy người còn lại. Ư Thiền, Nhật Đê và tôi mỗi lúc ra ngoài đi chơi thường không thích dẫn theo Mục Đạt Đóa, vì cô ta một là không nói năng gì, hai là cứ thô lố mắt nhìn chúng tôi, tôi mới trêu rằng: “Gọi ta một tiếng tỷ tỷ, ta sẽ cho ngươi đi chơi cùng.” Cô ta khăng khăng lắc đầu, khinh khỉnh bảo tôi: “Ngươi còn không biết mình bao nhiêu tuổi, có khi ít tuổi hơn ta, thế mà dám đòi ta gọi tỷ tỷ.” Nhưng dù cho chúng tôi chơi ở đâu đi nữa, Mục Đạt Đóa đều lẵng nhẵng theo sau, đuổi đi không được, ngày tháng trôi qua, hai người chúng tôi cũng thân hơn, vì cả hai đều cố chấp giống nhau, ngông cuồng nghịch ngợm giống nhau, thích náo loạn điên cuồng như nhau. Sau khi tôi quyết định mình bao nhiêu tuổi, bèn kêu Mục Đạt Đóa gọi mình là tỷ tỷ, cô ta suy nghĩ một đêm rồi bất ngờ khoái chí gọi tôi như thế. Tôi cứ băn khoăn không hiểu sao Mục Đạt Đóa lại chịu nghe lời, về sau nghe Ư Thiền kể mới biết hóa ra cô ta nghĩ gọi một tiếng tỷ tỷ có thể khiến tôi sau này chuyện gì cũng sẽ nhường nhịn, nên vui vẻ gọi thôi!

Nghe mấy tiếng “tỷ tỷ”, tim tôi tự nhiên mềm nhũn, tôi nhẹ nhàng nói: “Ta hiện giờ sống rất tốt, ta không muốn quay về, cũng không thể quay về.”

Mục Đạt Đóa im lặng một lúc, đoạn gật đầu: “Muội hiểu rồi, tỷ không muốn gặp thiền vu, muội sẽ không kể với thiền vu là đã gặp tỷ.”

Tôi nắm lấy tay cô ta: “Cảm ơn, bao giờ các ngươi quay về?”

Mục Đạt Đóa cũng vui vẻ nắm lấy tay tôi: “Ngày mai, cho nên hôm nay mọi người đều rất bận, chẳng có ai quản, muội mới tự mình chạy đi chơi.”

Tôi cười nói: “Ta dẫn ngươi đi xung quanh một lát! Sẽ dặn cả nhà bếp nấu mấy món ăn độc đáo của người Hán cho ngươi ăn, coi như là cáo biệt.”

Mục Đạt Đóa nghẹn ngào gặng hỏi: “Về sau chúng ta còn có thể gặp lại không?”

Quay đầu nhìn lại, từng dấu chân đều rất rõ rang, nhưng chúng ta đã không còn tìm được đường về nữa rồi. Tôi cay đắng nói: “Ta hy vọng sẽ không phải gặp lại nữa, ta và Y Trĩ Tà tuyệt đối không thể gặp lại mà cười xòa xóa hết ân cừu, hơn nữa ngươi đã chọn hắn, nếu gặp lại có lẽ chỉ làm khó cho ngươi.”

Gương mặt Mục Đạt Đóa lập tức đỏ bừng lên, vừa xấu hổ vừa ngượng ngùng cúi đầu nhìn xuống đất. Ý tôi vốn nói cô ta đã chấp nhận Y Trĩ Tà làm thiền vu của bọn họ, nhưng nhìn sắc mặt ấy, trong lòng tôi chợt hiểu ra, cũng không rõ là cảm giác gì, chỉ thờ ơ hỏi: “Ngươi là phi tử của hắn rồi à?”

Mục Đạt Đóa lắc lắc đầu, khẽ thở dài: “Thiền vu đối với muội rất tốt, vì thế yên chi rất ghét muội, lần này đến Hán triều, không ai đồng ý cho muội đi cùng cả, nhưng muội vẫn muốn đi, thiền vu cũng đành đồng ý, yên chi chỉ vì chuyện này đã làm ầm lên một trận. Muội chưa hiểu tâm tư thiền vu như thế nào, nhưng nếu người muốn lập muội làm phi tử, muội chắc chắn sẽ bằng lòng.” Cô ta ngượng ngùng, vừa nói vừa lén liếc nhìn tôi.

Tôi bật cười, quả nhiên là con gái Hung Nô, thích là thích, muốn gả cho ai là muốn gả, không bao giờ giấu diếm tình cảm, mà cũng không hề e thẹn. “Không phải để ý đến ta, tuy chúng ta thân nhau, nhưng ngươi muốn gả cho Y Trĩ Tà là chuyện của ngươi. Chỉ hy vọng ta và hắn không có ngày gặp lại.”

Mục Đạt Đóa nhìn tôi sợ hãi: “Tỷ muốn giết thiền vu à?”

Tôi lắc đầu, thành thật trả lời: “Giờ thì không, trước đây lúc rất đỗi đau đớn ta cũng đã nghĩ đến chuyện đó, đấu tranh tư tưởng mãi, cuối cùng tất cả từ từ bình lặng trở lại, về sau… về sau chắc cũng không muốn, ta chỉ mong cuộc đời này vĩnh viễn sẽ không gặp lại. Mục Đạt Đóa, thật ra không phải ta muốn hay không muốn giết hắn, mà là hắn muốn hay không muốn giết ta, có một số chuyện một khi đã làm là phải làm triệt để, nếu không chỉ tổ chuốc lấy sợ hãi và lo lắng thôi. Giống như hắn chấp nhận áy náy trong lòng vì cái chết của cha ta, chứ không đồng ý cho cha một đường sống.”

Mục Đạt Đóa hơi biến sắc, tựa như hiểu ra chuyện gì đó, song ngoài miệng không dám thừa nhận, vẫn cố chấp nói: “Thiền vu không muốn mọi người chết đâu, người đã ra lệnh mà, không hề…”

Tôi chua xót cười nói: “Ngươi sợ cái gì? Vẫn sợ ta giết hắn thật sao? Hắn muốn giết ta rất dễ, nhưng ta muốn giết hắn đâu có dễ thế? Hắn là dũng sĩ đệ nhất Hung Nô, ta muốn giết hắn thì phải làm kẻ địch của toàn bộ đế quốc Hung Nô, thế thì cả đời này ta chỉ có thể sống vì mối thù này. Cha hy vọng ta tìm được người để tặng hoa thược dược dùng tài trí bảo vệ hạnh phúc của bản thân, chứ không muốn ta phí công tốn sức chìm đắm trong đau khổ. Mục Đạt Đóa, dù ta và Y Trĩ Tà có ngày gặp lại, ta vẫn có khả năng chết cao hơn hắn, ngươi không cần phải lo cho hắn. Chỉ sợ hắn một khi biết ta còn sống, ta còn có thể ở lại thành Trường An hay không cũng rất khó nói.”

Ánh mắt của Mục Đạt Đóa lộ vẻ áy náy, cô ta trịnh trọng nói: “Muội nhất định sẽ không nói cho bất kỳ ai biết tỷ vẫn còn sống.”

***

Nguyên Sóc năm thứ sáu, ngày mùng một tết, ngày đầu tiên của năm mới. tôi không biết liệu năm nay tôi có luôn vui vẻ được không, nhưng ngày đầu tiên của năm mới này tôi rất vui. Đêm ba mươi tết, tôi nhận được một mảnh vải tin nhắn cuộn gọn ở chân Tiểu Đào khiến tôi sung sướng cả đêm. Cửu gia mời tôi trưa mai qua Thạch phủ chơi, đây là lần đầu tiên huynh chủ động mời tôi sang, tôi ngồi nghĩ không biết sau này liệu còn có nhiều lần đầu tiên nữa không, thật nhiều lần thế này…

Tôi đem miếng vải lụa vừa viết đặt vào trong hộp tre, ngồi nhìn chăm chú, thấm thoắt trong hộp đã có một xấp nhỏ rồi. Không biết trăm vạn suy nghĩ tâm tư chan chứa trên những mảnh vải này lúc nào mới có thể đem kể hết với Cửu gia.

Trước tiên tôi đi chúc Tết gia gia và Thạch Phong, ngồi nói chuyện một lúc lâu, lại trêu chọc Thạch phong để làm gia gia cười vui, sau đó mới đi đến Trúc quán.

Vừa tới Trúc quán đã ngửi thấy hương hoa mai mơ hồ phảng phất trong không trung, trong lòng tôi chợt thấy hơi băn khoăn, Cửu gia bình thường không bao giờ thích cắm mấy loài hoa cỏ này.

Trên chiếc bàn kê ở mé phòng có một bình gốm bụng phình to tròn, bên trong cắm mấy cành hoa mai trắng, cành hoa không cao, chỉ vừa đủ để hoa vươn ra khỏi bình, nhưng cánh xòe rất rộng, hoa nở rất dày, chi chít tưng bừng, nhìn đã thấy rạo rực sức sống.

Đối diện với bình mai có bày hai chén rượu, hai đôi đũa, một vò rượu nhỏ được đặt ở trên bếp than. Khóe miệng tôi không kìm được khẽ cong lên. Tôi xáp lại gần bình mai, hít một hơi thật sâu, Cửu gia từ trong phòng đẩy xe lăn đi ra: “Hương hoa mai chỉ thoang thoảng thôi.”

Tôi quay đầu nhìn Cửu gia cười: “Ngửi thế nào cũng được, quan trọng là phải vui vẻ.”

Cửu gia dịu dàng bật cười, tôi đặt hai tay ra sau lưng, hơi nghiêng đầu nhìn chàng cười cười rồi hỏi: “Huynh mời muội sang đây ăn món gì thế?”

Cửu gia đáp: “Một lát nữa sẽ biết.”

Cửu gia mời tôi ngồi xuống cạnh chiếc bàn cao, rót cho tôi một chén rượu nóng: “Vai của muội còn đau không?”

Tôi “a” một tiếng, nhìn Cửu gia đầy nghi hoặc, trong chốc lát không kịp phản ứng, vội vã gật đầu: “Hết đau rồi.”

Cửu gia ngây người ra: “Cuối cùng là đau, hay hết đau rồi.”

Tôi lại liên tục lắc đầu: “Vẫn còn hơi hơi đau.”

Cửu gia bật cười: “Muội nghĩ kỹ rồi hãy trả lời, đau thì nói đau, không đau nói không đau, làm gì mà động tác với lời nói lại mang hai ý nghĩa khác nhau thế?”

Tôi tự cốc vào đầu mình, thật vô dụng! Tự chạm vào vai mình rồi nói: “Không đau như hồi trước, nhưng thỉnh thoảng vẫn cảm thấy hơi đau.”

Cửu gia nói: “Việc làm ăn bận rộn đến đâu cũng phải biết chăm sóc bản thân mình trước cho tốt, người ta trời đông lạnh giá đều quấn hết lớp này đến lớp khác, muội xem mình mặc những gì? Chả trách muội hết đau họng, đau đầu, lại đến đau vai.”

Tôi cúi đầu xoay xoay chén rượu trên bàn, nhoẻn miệng cười, trong lòng trộm dâng lên cảm giác vui sướng.

Thạch Vũ ở ngoài cửa gọi một tiếng “Cửu gia” rồi bưng một cái khay lớn vào, bên trên có hai chiếc bát rất to. Hắn nhe răng nhìn tôi cười, rồi đặt trước mặt tôi và Cửu gia mỗi người một cái bát.

Tôi vừa mở nắp thì khói trắng đã bốc lên nghi ngút, một mùi thơm xộc ngay vào mũi, tôi nghi hoặc cười hỏi: “Năm mới mà, chẳng lẽ gọi muội sang chỉ để ăn một bát canh bánh ninh thịt dê?”

Cửu gia mỉm cười không đáp, chỉ ra hiệu cho tôi nếm thử xem có ngon không. Bánh trong bát trắng như mỡ, phía trên còn rắc một lớp hành hoa xanh nhạt, vừa nhìn đã thấy ngon miệng. Tôi nếm thử một thìa canh, sung sướng nhắm tịt mắt lại: “Mùi vị này không giống hằng ngày vẫn hay ăn.”

Cửu gia chưa nói gì, Thạch Vũ đã nhanh nhảu lên tiếng: “Đương nhiên không giống rồi, cô nương lần trước thuận miệng nói câu là thịt dê thành Trường An ăn không ngon, nên Cửu gia đã lưu ý. Thịt này là thịt tươi sống từ Sắc Lạc Xuyên, để cho cô nương sáng sớm có thể thưởng thức canh nóng và tươi nhất, tối qua Cửu gia gần như cả đêm không được ngủ yên, lại còn cả cái bánh này…”

“Thạch Vũ!” Cửu gia đưa mắt liếc nhìn Thạch Vũ, Thạch Vũ nháy mắt nhìn tôi, mấp máy môi không thành tiếng nói: “Cô nương phải dùng tâm để thưởng thức.” Dứt lời liền chạy như bay ra khỏi phòng.

Tôi nhìn Cửu gia ngỡ ngàng hỏi: “Bát canh này do chính tay huynh nấu đấy à?”

Cửu gia bình thản đáp: “Vàng ngọc châu báu muội vốn không thiết, đành dùng bát canh thịt nóng này để chúc mừng sinh nhật muội, chúc muội phúc thọ song toàn.”

Tôi thấp giọng: “Hôm nay đâu có phải ngày sinh nhật muội.”

Cửu gia ôn tồn nói: “Mọi người ai cũng nên có một ngày đặc biệt. nếu muội không biết ngày sinh nhật của mình là ngày nào thì cứ lấy ngày hôm nay đi! Ngày này năm trước chúng ta trùng phùng ở đây, coi như là ngày may mắn, lại là ngày đầu tiên của năm mới, về sau hàng năm tổ chức sinh nhật, người người nhà nhà cũng đều chúc phúc, vui mừng cùng muội.”

Tôi nghẹn ngào không nói lên lời, một câu cũng không nói được, chỉ múc miếng bánh lên ăn. Cửu gia ngồi một bên yên lặng đợi tôi.

Canh thịt ninh có vị xương rất thơm, uống vào bụng cảm thấy toàn thân ấm sực lên, cả trái tim cũng ấm áo theo.

Ăn hết bánh và canh, hai chúng tôi vừa chậm rãi thưởng rượu, vừa nói chuyện một hai câu với nhau. Tửu lượng của tôi rất kém, không dám uống nhiều, nhưng cũng không thể không uống, đành nhấm nháp từng tý một, tôi thích cảm giác hai người cạn ly rượu chếnh choáng say, thật thoải mái, thật vui vẻ.

Mùa đông trời ngả tối rất nhanh, vừa đến giờ Thân, trong phòng đã bắt đầu lờ mờ. Cửu gia bèn thắp một ngọn nến. Trong lòng tôi biết là nên cáo biệt, nhưng cứ nấn ná mãi không rời đi, thâm tâm tràn đầy do dự, cuối cùng lấy hết dũng cảm, vờ như vô ý cười nói: “Muội gần đây học được một khúc nhạc mới, thối sáo khá hơn trước đây rất nhiều rồi.”

Cửu gia mỉm cười nói: “Muội vẫn còn thời gian để học nhạc, xem ra cũng không bận như ta tưởng, là khúc nhạc gì thế?”

Tôi lấy hơi chuẩn bị thổi: “Để muội thổi huynh nghe, xem huynh có biết hay không.”

Cửu gia lấy chiếc sáo ngọc ra, dùng khăn tay lau sạch một lượt rồi cười đưa tôi. Tôi cúi đầu, không dám nhìn vào mặt Cửu gia, tay cầm sáo ngọc hơi run run, phải lấy bình tĩnh một lúc mới đặt sáo lên môi bắt đầu thổi.

Đêm nay đêm nào chừ, chèo thuyền giữa sông.

Ngày này ngày nào chừ, cùng vương tử xuôi dòng.

Thẹn được chàng mến yêu chừ, nào chê phận thiếp long đong.

Lòng rối ren mà chẳng dứt chừ, được gặp chàng vương tông.

Non có cây chừ, cây có cành chừ; lòng yêu chàng chừ, chàng biết không?

Đã luyện thổi khúc này đến cả nghìn vạn lần, lần này thổi vẫn có lúc nghe âm thanh hơi run run. Thổi xong tôi vẫn cúi thấp đầu, tay cầm chặt cây sáo, ngồi bất động, chỉ sợ một cử động nhỏ của mình thôi cũng sẽ phá vỡ tất cả.

Lặng thinh, lặng thinh như chết, im bặt đến mức không khí như đông cứng lại, ánh nến cũng không chuyển động, tựa như càng lúc càng yên lặng.

“Nghe có vẻ lạ, khúc nhạc cũng không tệ đâu, nhưng muội thổi không hay, trời sắp tối rồi, muội mau quay về đi!” Cửu gia lãnh đạm nói, mặt mày thờ ơ không gợn một biểu cảm.

Rắc một tiếng, vẫn chưa cảm thấy đau, nhưng trái tim đã lộ ra các vết rạn nứt, một lúc sau, nỗi đau mới bắt đầu theo các đường ngang dọc mà lan ra khắp cơ thể, đau đến nỗi toàn thân run bần bật. tôi ngẩng đầu lên nhìn Cửu gia, ánh mắt Cửu gia và tôi vừa gặp nhau, tròng mắt chàng như giật mình co lại, ánh nhìn lập tức tránh ngay đi. Tôi cố chấp trừng mắt nhìn Cửu gia, còn chàng chỉ nhìn chằm chằm vào cái bình cắm hoa mai trắng kia, ánh mắt tôi ngập đầy câu hỏi “vì sao” và đau khổ, còn Cửu gia vẫn tựa như không hay biết gì.

Cửu gia sẽ không quan tâm gì đến ngươi đâu, đi về thôi! Ít nhất mọi chuyện vẫn chưa hoàn toàn bị vạch trần, vẫn còn có thể giữ được tôn nghiêm bề ngoài mà rời đi. Trong lòng có một bên là tiếng khuyên răn, lại một bên là tiếng cằn nhằn không cam lòng, vẫn luôn cảm thấy Cửu gia sẽ ngẩng đầu lên nhìn tôi một lần.

Phải rất lâu sau đó tôi mới chậm rãi đứng dậy, đi ra ngoài, lúc đẩy cửa đi ra, phát hiện trong tay vẫn nắm chặt cây sáo ngọc kia, dùng lực nắm chặt quá, móng tay bấm mạnh vào lòng bàn tay tứa máu, máu chảy dính vào cây sáo, những giọt máu đỏ thẫm nhìn rợn người.

Tôi xoay người nhẹ nhàng đặt sáo ngọc trên bàn, rồi từng bước từng bước đi ra khỏi phòng.

Trong bóng tối, tôi không nhận ra phương hướng gì cả, có quay về Lạc Ngọc phường hay không, tôi cũng hoàn toàn không nghĩ đến. Trong đầu chỉ vang lên những âm thanh dữ dội như sấm sét, lặp đi lặp lại: “Nghe có vẻ là lạ, khúc nhạc không tệ đâu, nhưng muội thổi không hay.”

Vì sao chứ? Vì sao? Cửu gia đối với tôi một chút tình cảm cũng không có sao? Nhưng Cửu gia vì sao lại đối xử với tôi tốt như thế? Vì sao những tối tôi về muộn Cửu gia lại ngồi bên ánh đèn đợi tôi? Vì sao mỗi lần tôi có bệnh tật gì đều ghi nhớ, đều cẩn thận sắc thuốc giúp tôi chữa bệnh, còn dặn đi dặn lại? Vì sao lại nói chuyện hết sức nhẹ nhàng trìu mến với tôi? Vì sao lại chúc mừng sinh nhật tôi? Vì sao chứ? Quá nhiều câu hỏi vì sao khiến đầu tôi đau như muốn nổ tung.

Thời khắc đón năm mới, nhà nhà trước cửa đều treo những chiếc đèn lồng đỏ rất to, ánh đèn đỏ ấm áp rọi chiếu mặt đường, trong không khí còn phảng phất mùi thịt thơm đậm đà, tất cả đều ấm cúng, đều ngọt ngào, ngẩng mặt lên nhìn thì thấy ngập tràn hạnh phúc, nhưng cúi đầu chỉ nhìn bóng hình của bản thân, theo ánh đèn lúc tỏ lúc mờ, run rẩy lay động.

Mấy đứa trẻ con ham chơi đang ngồi đốt pháo bên đường, mồi pháo bắt lửa nổ đồm độp. Bọn trẻ cười sung sướng, lấy tay bịt nửa tai lại rồi ngồi xa xa xem, đợi pháo nổ ầm lên thành những tiếng kinh thiên động địa.

Tôi cứ thế đi bên cạnh chỗ đốt pháo, đúng lúc pháo nổ đoàng một tiếng rất to, mấy tia lửa bắn tung lên váy áo tôi, được gió càng nhanh chóng cháy lên. Bọn trẻ con vừa thấy có chuyện liền hét ầm lên rồi nhanh chóng tản đi. Tôi cúi đầu nhìn lửa bám vào váy càng lúc càng bốc to, ngẩn người ra một hồi mới có phản ứng, vội vã dùng tay dập lửa, nhưng dập mãi mà không hết, đúng lúc cấp bách đang nghĩ hay cứ nằm phịch xuống đất lăn một vòng để dập lửa thì có ai đó ném chiếc áo khoác lông lên chỗ đó, đập hai ba lần đã dập tắt hết lửa.

“Tay có bị thương không?” Hoắc Khứ Bệnh hỏi. Tôi lắc lắc đầu, giấu tay trái phía sau lưng.

Hoắc Khứ Bệnh giũ chiếc áo lông trên tay thở dài nói: “Tiếc quá mấy ngày trước lấy được chỗ bệ hạ, hôm nay mới mặc.”

Tôi vốn định nói sẽ đền hắn một chiếc khác, nhưng vừa nghe thấy đây là đồ được hoàng đế phong thưởng, đành ngậm miệng lại. Hắn mở to hai mắt nhìn tôi, rồi khoác chiếc áo lông lên người tôi: “Tuy không còn tốt nữa, nhưng so với cái váy thủng lỗ chỗ của nàng thì vẫn tốt hơn nhiều.”

Tôi khép người trong chiếc áo: “Sao ngươi lại ở ngoài đường?”

Hắn nói: “Đang trên đường về nhà sau khi chúc tết công chúa và cữu cữu. Sao nàng lại đi một mình ngoài đường, xem bộ có vẻ đã đi rất lâu rồi, trên tóc còn kết cả sương đây này.” Nói rồi dùng tay giúp tôi cẩn thận phủi hết tuyết và sương trên đỉnh đầu đi.

Tôi chẳng trả lời gì, quay đầu nhìn khắp xung quanh, xem xem mình rốt cuộc đang ở chỗ nào, không ngờ trong lúc mơ mơ hồ hồ đã đi được nửa thành Trường An. Hắn nhìn tôi chăm chú một hồi: “Đang năm mới, sao lại vác cái bộ dạng hết hơi thế này? Đi theo ta!”

Tôi chưa kịp lên tiếng phản đối, hắn đã kéo tôi nhảy lên xe ngựa, lúc này tôi đã kiệt sức chỉ cảm thấy thế nào cũng được, im lặng để hắn an ủi.

Hắn thấy tôi không phản kháng, nên cũng im lặng ngồi xuống, trong xe yên ắng chỉ nghe thấy tiếng bánh xe nghiến kèn kẹt trên mặt đường.

Một lúc sau, hắn nói: “Ta biết nàng thổi khúc nhạc gì rồi, ta mới thuận miệng huýt mấy tiếng sáo không ngờ bệ hạ nghe được, còn tò mò hỏi ta có cô gái nào hát tặng bài Việt nhân ca, ta mới ngây ngô hỏi lại: ‘Vì sao không phải con trai hát?’”

Tôi nhìn hắn nhếch mép, cố gượng cười.

“Hai nước Sở Việt gần nhau, nhưng ngôn ngữ không giống nhau, thuyền của Ngạc Quân nước Sở đi qua nước Việt, cô gái trèo thuyền người Việt đem lòng cảm mến, khổ nỗi vì không thể nói tiếng nước Sở nên đã hát một bài. Ngạc Quân nghe hiểu ý, hiểu cả tâm tư của cô gái Việt, mỉm cười đưa nàng về nhà.” Hoắc Khứ Bệnh rủ rỉ kể lại câu chuyện đã xảy ra từ hơn một trăm năm trước.

Vì câu chuyện có kết thúc tốt đẹp, có lẽ rất nhiều cô gái đều muốn bắt chước cô gái người Việt, thử nắm lấy hạnh phúc của mình, nhưng không phải ai cũng có thể đạt được tâm nguyện ấy. Tôi không muốn nghe câu chuyện này, bèn ngắt lời hắn: “Ngươi muốn đưa ta đi đâu?”

Hắn im lặng nhìn tôi chăm chú một hồi lâu, đột nhiên nở nụ cười rạng rỡ như ánh dương: “Dẫn nàng đi nghe đàn ông hát hò.”

Không ngờ Hoắc Khứ Bệnh dẫn tôi đến tận khu trại ngựa của quân doanh thuộc cung Kiến Chương. Lúc đương kim hoàng đế Lưu Triệt mới lên ngôi đã chọn các thiếu niên xuất thân nhà tử tế ở sáu quận Lũng Tây, Thiên Thủy, An Định, Bắc Địa, Thượng Quân, Tây Hà ra bảo vệ cung Kiến Chương, gọi là Kiến Chương doanh kỵ. Năm đó triều chính vẫn nằm trong tay Đậu thái hậu, Lưu Triệt tuy có ý chí quét sạch Hung Nô nhưng trong tình cảnh đến mạng sống của mình còn khó giữ, ngài chỉ có thể làm một gã thiếu niên đắm chìm trong hoan lạc, thường lệnh cho Kiến Chương doanh kỵ chia làm hai đội, đóng giả cảnh luyện tập chiến đấu với Hung Nô và Đại Hán, nhìn qua thì tưởng chỉ là trò vui của trẻ ranh, nhưng chính đội ngũ chơi đùa này, trải qua nhiều năm khổ công xây dựng của Lưu Triệt, đã trở thành một đội tinh nhuệ của quân đội Hán triều.

Tuy đang đón năm mới, nhưng bên trong doanh trại vẫn mang một không khí xơ xác u tĩnh, đến khi vào khu vực lều trại nghỉ ngơi mới thấy có chút khí thế tết nhất. Cửa lớn vừa mở đã thấy một chiếc đèn lồng khổng lồ sáng rực cả căn phòng, bếp than lửa cháy đỏ rực, bên trên đang nướng thịt, hương rượu hòa lẫn với mùi thịt, khiến cho ai ngửi thấy cũng thèm rỏ dãi.

Hoắc Khứ Bệnh từ bé đã ra vào quân doanh, những người quây quần bên bếp rõ ràng đều cực kỳ quen thuộc với hắn, nhìn thấy Hoắc Khứ Bệnh ai nấy đều đứng dậy cười. Một gã áo gấm cười nói: “Mũi thính thật, thị hươu tươi vừa mới nướng xong thì huynh đến.” Tôi nghe giọng nói, nhận ra đây là Lý Cảm.

Hoắc Khứ Bệnh không đáp lời, dẫn tôi ngồi luôn xuống vị trí mà mọi người nhường, cả bọn nhìn thấy tôi đến nhưng không có bất kỳ biểu hiện kỳ quái nào, cứ như việc tôi xuất hiện là lẽ đương nhiên, hoặc nên nói là bất kỳ chuyện gì xảy ra hoặc liên quan đến Hoắc Khứ Bệnh đều hết sức bình thường. Một thiếu niên đặt trước mặt tôi và Hoắc Khứ Bệnh mỗi người một cái chén, không nói nhiều chỉ rót đầy hai chén rượu.

Hoắc Khứ Bệnh chẳng nói gì, nâng chén cụng với mọi người rồi ngửa đầu uống sạch. Tất cả cười ồ lên. Lý Cảm cười nói: “Huynh đúng là không lôi thôi gì nhiều, biết ngay đến muộn là bị phạt rượu.” Dứt lời liền rót cho hắn một chén khác, trong nháy mắt Hoắc Khứ Bệnh đã uống hết ba chén rượu.

Đám người đều đổ dồn mắt sang nhìn tôi, dưới ánh lửa bếp bập bùng, mặt ai nấy đều hồng hào khỏe mạnh, ánh mắt thuần khiết của thanh niên, đầy vẻ thản nhiên và nhiệt tình, giống như là ngọn lửa cháy bừng bừng, không biết là do bếp lửa, hay là ánh mắt của bọn họ. Tôi tự nhiên cảm thấy trong lòng ấm áp hơn, bèn hít một hơi thật sâu, nâng chén cười, bắt chước Hoắc Khứ Bệnh, cụng chén với mọi người rồi nhắm mắt uống một hơi hết sạch.

Nốc hết một chén rượu, đám người liền vỗ tay cười rầm rộ, khen giỏi nhao nhao. Tôi lau vết rượu dính ở mép, đặt chén xuống bàn. Chén thứ hai được rót đầy, tôi đang định giơ tay cầm lên, Hoắc Khứ Bệnh đã tranh mất, lãnh đạm nói: “Cô ấy do ta dẫn đến, hai chén còn lại do ta uống nốt.” Vừa dứt lời đã uống hết chén rượu.

Lý Cảm nhìn tôi, mỉm cười nói: “Nhìn bộ dạng cô ấy không có vẻ biết uống rượu, nhưng lại dám liều mình tiếp rượu quân tử, dám liều làm hồng nhan say, hiếm thật! Tại hạ, Lý Cảm.” Nói xong chắp tay nhìn tôi, tôi ngây người một lúc rồi yên lặng nhìn hắn cúi người đáp lễ.

Quan hệ của Lý Cảm và Hoắc Khứ Bệnh rõ ràng không tệ. Hoắc Khứ Bệnh ở trước đám đông rất ít nói chuyện, luôn vác một bộ mặt lạnh lùng cao ngạo, người bình thường không bao giờ tự nguyện bị mất mặt nên cũng giữ một khoảng cách nhất định với hắn. Nhưng Lý Cảm và Hoắc Khứ Bệnh một ấm một lạnh, quan hệ lại hết sức tự nhiên vui vẻ.

Lý Cảm lại rót cho Hoắc Khứ Bệnh một chén đầy nữa, cũng tự rót cho mình một chén, cụng chén với Hoắc Khứ Bệnh rồi uống một hơi hết sạch. Sau đó dùng dao nhọn cắt thịt hươu đặt trước mặt tôi và Hoắc Khứ Bệnh, Hoắc Khứ Bệnh dùng dao xiên một miếng thịt đưa cho tôi, thấp giọng nói: “Ăn một ít thịt để nén lại hơi rượu đi.”

Những người khác lúc này hoặc ngồi hoặc đứng, đều đang cắt thịt ăn, có người trực tiếp cầm tay xé thịt mà ăn, có người nho nhã hơn, dùng dao cắt nhỏ, lại có người đang mải mê chơi trò đố số[1], hò hét inh ỏi, tiếng hét to đến mức có thể làm thủng màng nhĩ người khác.

[1] Đố nhau khi uống rượu, hai người cùng giơ ngón tay ra một lúc rồi đoán số, ai nói đúng là được, nói sai bị phạt uống rượu, cả hai người nói sai thì hòa.

Tôi cảm thấy men rượu đã bắt đầu ngấm lên đầu, trước mắt hoa lên, chỉ biết Hoắc Khứ Bệnh gắp cho tôi miếng thịt nào là tôi ăn miếng đấy, dùng tay trực tiếp cầm lên mà ăn, tiện tay bôi hết cả dầu mỡ lên áo khoác hắn.

Mơ mơ màng màng trong cơn say, tựa như nghe thấy tiếng vài gã trai trẻ đập bàn cao giọng hát, tôi cũng hắng giọng rống theo bọn họ:

Nhật nguyệt quang, hà sơn tráng

Lang yên trận khởi biên cương

Huyết nhục khu, anh hùng đảm

Tướng sĩ chú thành thiết đồng tường

Thiết cung lãnh, huyết do nhiệt

Phần dũng sát địch bảo gia hương

Hảo nam nhi, mạc thoái nhượng

Mã đạp Hung Nô Hán phong dương

Hán phong dương….

Chìm trong tiếng hò hét ầm ĩ, nỗi u sầu trong lòng tôi dường như cũng theo đó mà giảm đi ít nhiều, đây cũng là lần đầu tiên tôi hiểu được phần nào thứ hào tình tráng chí của nam nhi nhiệt huyết sục sôi.

Sáng hôm sau, tôi rên rỉ tỉnh giấc, Hồng cô bưng đến một bát canh giải rượu, thì thầm nói: “Bình thường không thích uống rượu, uống một tí sẽ thành thế này ngay.”

Tôi ôm đầu vẫn thấy nặng như chì, Hồng cô lắc đầu, cầm thìa múc từng miếng bón cho tôi, tôi uống mấy ngụm rồi hỏi: “Hôm qua làm sao muội về nhà được?”

Hồng cô nhếch miệng cười một cách cổ quái, liếc tôi đầy ngụ ý: “Say đến mức nhũn ra như bùn nhão, làm sao về nhà được? Hoắc thiếu gia đưa về tận cửa nhà, ta muốn gọi người khiêng muội vào, Hoắc thiếu gia lại trực tiếp bê muội vào tận phòng.”

Tôi “a” một tiếng, tóc trên đầu tự nhiên thấy nặng hơn. Hồng cô thì hơn hớn, đích thị là đang cười trên nỗi đau khổ của người khác, nói: “Vẫn còn có chuyện khiến muội đau đầu hơn kia đấy!”

Tôi bất lực rên rỉ: “Cái gì?”

Hồng cô kể: “Hoắc thiếu gia muốn đi về, nhưng muội lại khăng khăng bám víu áo người ta không cho về, làm ầm lên bắt hắn phải nói rõ ràng, muội nói lung tung hết cả lên, ta nghe mà chẳng hiểu gì cả, đại ý hình như là ‘Vì sao lại đối xử với muội tốt như thế? Huynh có thể đối xử với muội tệ đi một chút không? Huynh đối xử tệ đi một chút, có lẽ muội sẽ không buồn thế này.’ Quấy đến mức Hoắc thiếu gia phải ngồi xuống một bên giường tiếp chuyện, đến khi muội ngủ say mới đi về.”

Tôi hét ầm lên một tiếng, ngã rập xuống giường, tôi rốt cuộc đã nói hươu nói vượn đến đâu?

Từ từ nhớ lại tình trạng hoang đường của bản thân, từng cảnh một dần hiện lên trong đầu chỗ rõ rệt chỗ mơ hồ. Tôi thở dài ai oán, thật đúng là say rượu làm loạn, về sau không được phép cứ hễ máu nóng bốc lên đầu là lại hành động theo cảm tính nữa.

Tôi giơ miếng gạc băng bó tay trái ra nói: “Muội nhớ cái này là tỷ giúp muội băng bó mà.”

Hồng cô gật đầu nói: “Là ta băng bó, nhưng mà Hoắc thiếu gia ngồi bên cạnh xem, còn giục ta cắt hết móng tay của muội đi, lạnh lùng thấp giọng nói ‘để nàng khỏi cấu véo người khác, cũng không làm tự đau mình.’ Tiếc bao nhiêu công sức ta bỏ ra để nuôi móng tay cho muội, nhưng nhìn thấy sắc mặt Hoắc thiếu gia, ta cũng không dám nói gì thêm.” Tôi vội nhấc tay kia lên, quả nhiên đều đã bị cắt gọn gàng. Tôi thở dài buồn bã đưa tay che mặt, tình cảnh tối qua hiện ra trước mắt…

“Sao không ai hát nữa?” Tôi nhoài người ra cửa sổ xe hít thật sâu một hơi gió lạnh.

Hoắc Khứ Bệnh kéo tôi vào trong xe, mặt mày bất lực nói: “Sao tửu lượng lại tệ thế này? Mỗi lần đều uống say thế này à?”

Tôi cười cười hất tay hắn ra, nhìn ra ngoài cửa sổ xe cao giọng hát: “Thiết lãnh cung, huyết do nhiệt, phần dũng sát địch bảo gia hương… Hảo nam nhi, mạc thoái thượng… Mã đạp Hung Nô Hán phong dương…”

Hắn lại kéo tôi vào trong xe lần nữa: “Vừa uống rượu, lại hít gió lạnh, ngày mai đau đầu đừng có trách ta.”

Tôi muốn đẩy hắn ra, nhưng hắn đã nhanh nắm chặt tay tôi, chẳng may chạm vào đúng vết thương, tôi nghiến răng trợn mắt than đau, hắn cầm tay tôi nhẹ nhàng tỉ mỉ xem xét: “Đây là vết gì thế? Chẳng lẽ còn đấu đá với cả người khác nữa à?”

Tôi cười cười hi hi nói: “Là ta tự mình cấu đấy.”

Hắn khẽ hỏi: “Có đau không?”

Tôi lắc lắc đầu, chỉ tay vào tim, bĩu môi, khóc như cười nói: “Ở đây đau lắm.”

Vẻ mặt hắn dịu dàng trầm lặng, không nói gì cả, song ánh mắt lại có mấy phần đau khổ, nhìn tôi chăm chú, đến nỗi tôi đang trong lúc mơ hồ cũng cảm thấy khó chịu, không dám nhìn hắn nữa, vội né tránh ánh mắt ấy.

Hồng cô cười như chuột vừa ăn trộm được dầu, túm lấy y phục của tôi kéo dậy: “Không nằm đây suy nghĩ lung tung nữa, uống hết bát canh giải rượu này, ăn thêm chút cháo, rồi để tỳ nữ giúp muội chuẩn bị nước nóng tắm, như thế sẽ bớt khó chịu hơn.”

***

Tiểu Khiêm và Tiểu Đào dạo này thích ăn lòng đỏ trứng. Tiểu Khiêm vẫn còn hiền lành, tuy rất thích ăn, nhưng cũng chỉ kêu “gù gụ” mấy tiếng lúc tôi cho ăn. Tiểu Đào thì rất xấc xược, tôi đi đâu là nó đi theo đấy, cứ quấn lấy váy tôi, cùng tôi diễn trò “bộ bộ kinh tâm”. Sau khi phân vân giữa việc nên “giẫm chết nó” hay “cho nó béo chết đi”, tôi quyết định cho nó chầm chậm tự sát. Quyết định này hại tôi đến nỗi ngày nào cùng phải cùng bọn chúng ăn trứng: bọn nó ăn lòng đỏ, tôi ăn lòng trắng.

Thỉnh thoảng tôi lại ngẩn người nhìn Tiểu Khiêm và Tiểu Đào, tôi cố gắng quên những lời Cửu gia nói, mỗi lần câu “khúc nhạc không tệ đâu, nhưng muội thổi không hay” hiện lên trong đầu, tim tôi lại đau thắt như vừa bị dao đâm xuyên qua. Đã hơn một tháng rồi chúng tôi không có liên lạc gì, thỉnh thoảng tôi lại nghĩ, chẳng lẽ chúng tôi từ giờ trở đi sẽ không liên lạc nữa?

Đêm về khuya, tôi vẫn ngồi tựa vào khung cửa sổ ngây người ngắm sao, bộ lông màu trắng của Tiểu Khiêm và Tiều Đào nổi bật đến chói mắt giữa đêm tối khiến tôi cũng tỉnh lại, sắc đêm của tối nay không giống với trước đây. Tôi thầm hỏi bản thân, có phải tôi đã làm sai gì không? Có lẽ tôi không nên thổi khúc nhạc ấy, nếu không ít nhất hằng đêm giữa chúng tôi vẫn có thư bồ câu trao nhau. Tôi quá tham lam ham muốn quá nhiều rồi, nhưng tôi không thể nào kìm được lòng tham ấy.

Sáng sớm vừa múc nước từ trong vại ra, xoay người tình cờ thế nào lại nhìn thấy bồn hoa ngoài cửa sổ mùa thu năm trước mới gieo hạt mà bây giờ đã nảy mầm xanh nhạt. Tôi giật mình sung sướng, nhưng niềm vui chưa kịp lộ ra mặt thì trong lòng đã tràn ngập bi thương.

Đi đến bên cạnh bồn hoa ngồi xuống ngắm nghía, cây uyên ương đằng này tựa như mới mọc lên sau một đêm, cành lá li ti mới chồi ra khỏi mặt đất, trồng mềm mại yếu ớt, nhưng nó đã phải xuyên qua mặt đất dày đặc vươn lên để có thể thấy ánh mặt trời. Từ mùa thu năm trước, nó đã âm thầm vùng vẫy dưới mặt đất dày đặc ấy, từ thu sang đông, từ đông sang xuân, một trăm ngày ngày đêm đêm, không biết lớp đất phía trên dày đến đâu, nó đã bao giờ hoài nghi bản thân về việc thật sự nhìn thấy ánh sáng mặt trời chưa?

Tôi khẽ chạm vào lá cây, tâm tình tự nhiên cũng phấn chấn lên, hối thúc Tâm Nghiễn đi tìm người làm vườn giúp tôi đan một cái rổ tre để che chở cho mầm non của uyên ương đằng, ngăn Tiểu Khiêm và Tiểu Đào phá phách. Mầm cây vẫn còn mềm yếu, không thể chịu được sự tàn phá của Tiểu Đào.

Chiều tối, tôi quanh quẩn ở ngoài Thạch phủ rất lâu, nhưng cuối cùng vẫn không dám nhảy lên bờ tường. Tôi cứ tưởng mình có dũng khí, nhưng hiện giờ mới biết con người khi đối mặt với chuyện quan trọng mà mình quan tâm, dũng khí dường như đã bỏ đi rất xa rồi.

Muốn vào không dám vào, mà đi cũng chẳng nỡ đi, sau một hồi suy nghĩ, trong lòng tôi tự nhiên nảy ra một ý, liền lén lút trèo lên nóc nhà người khác, ngồi ở chỗ cao nhất, vọng về phía Trúc quán, giữa đêm tối im ắng trông có thể thấy ánh đèn mập mờ, Cửu gia đang ngồi dưới ánh đèn làm gì thế?

Đêm nay không có trăng, chỉ có hai ba ngôi sao lúc tỏ lúc mờ tỏa ra ánh sáng yếu ớt. Màn đêm đen như mực, cả thành Trường An đã chìm vào trong giấc ngủ, nhưng Cửu gia vẫn còn thức. Tôi ngồi một mình trên cao, gió thổi vạt áo tung bay phần phật, thấy người hơi lạnh, nhưng ánh đèn ấm áp kia lại qua xa vời, không tài nào với tới được.

Ngọn đèn cứ sáng mãi, tôi cũng cứ ngồi im ngắm nhìn, không biết si dại mất bao nhiêu lâu, đến khi loáng thoáng nghe thấy vài tiếng gà gáy mới giật mình nhận ra trời đã hửng sáng, trái tim tôi đột nhiên thấy chua xót, không phải vì mình. Một ngọn đèn lẻ bóng, một đêm dài thăm thẳm, cô độc một mình, sao chàng lại thức suốt một đêm dài? Cửu gia rốt cuộc vì sao lại cô đơn chiếc bóng như thế?

Trên đường sắp có những người dậy sớm qua lại, tôi không dám nán lại lâu, vội vã nhảy từ trên mái nhà xuống, chưa đi được mấy bước đã dừng lại, đứng chôn chân tại chỗ, bắt gặp Hoắc Khứ Bệnh cũng đang đứng giữa đường.

Dưới ánh ban mai ảm đạm, hắn hơi ngẩng đầu, không nhúc nhích, nhìn chằm chằm về hướng mái nhà mà tôi ngồi suốt đêm qua, một cơn gió lạnh sáng sớm nhẹ nhàng thổi qua, góc ống tay áo rộng của hắn dường như cũng nhuốm chút lạnh giá của đêm qua.

Hắn đã đứng đấy bao lâu rồi?

Hắn cúi đầu nhìn tôi, hai tròng mắt đen thẫm không rõ vui hay giận, tựa như không có bất kỳ một cảm xúc nào, dù thiên sơn vạn thủy ngăn cách tôi cũng không thể tránh được ánh nhìn chăm chú ấy. Tim như ngừng đập, tôi không dám đối mặt với hắn, vội vã tránh. Hai người đứng xa nhau, hắn không nói gì, tôi không động đậy, không khí trở nên rất trầm lắng.

Trên đường đi đã có một vài người bộ hành qua lại nhìn hắn rồi nhìn sang tôi, bộ dạng rất tò mò, nhưng vì phong thái uy nghi của Hoắc Khứ Bệnh nên họ cũng không dám nhìn lâu, chỉ mau mau đi qua. Ánh dương từ nhợt nhạt chuyển sang chói lọi, ánh nắng rực rỡ phủ lên muôn vật, hắn tự nhiên bật cười, có vẻ dễ chịu: “Sương gió thổi thâu đêm, có chuyện gì thế?”

Tôi mấp máy miệng, nhưng cổ họng khô rát, khó lòng trả lời câu hỏi của hắn, rồi bỗng nhiên nhấc chân chạy thật nhanh qua người hắn, không dám quay đầu lại, mà cũng không thể quay đầu.

Dưới ánh nến, mực trong nghiên đã đặc quánh, nhưng tôi vẫn không tìm được câu nào thích hợp đã hạ bút. Tôi nên viết gì? Nghĩ từ sáng sớm đến tối mịt vẫn không có ý gì, cuối cùng đành cắn răng viết:

Muội cùng Tiểu Khiêm và Tiểu Đào ăn trứng gà, ăn nhiều lắm, hình như là bị đầy bụng luôn rồi, chẳng ăn được gì nữa. Muội không thích uống thuốc, huynh có cách gì không?

Viết xong lại không dám nghĩ lại, sợ rằng chỉ nghĩ thôi cũng sẽ mất hết dũng khí, đem miếng vải này đốt mất, tôi vội cuộn miếng vải rồi gài vào chân Tiểu Khiêm, thổi sáo ra lệnh cho nó bay đi Thạch phủ.

Sau khi Tiểu Khiêm đi rồi, tôi đứng ngồi không yên, từ trong phòng đi ra ngoài vườn, rồi lại từ ngoài vườn đi vòng vào trong phòng, cuối cùng đành thắp đèn lồng ngồi xuống bên cạnh bồn hoa chăm chú ngắm nhìn uyên ương đằng. Chúng lớn thật nhanh, sáng hôm qua mới chồi khỏi mặt đất, vậy mà bây giờ đã cao được tầm một lóng tay. Có khi chỉ cần cố gắng nỗ lực như bọn nó, tôi cũng sẽ có một ngày nhìn thấy ánh dương? Cửu gia liệu có viết thư hồi đáp hay không? Có? Hay là không?

Trên đầu vọng lại tiếng chim bồ câu vỗ cánh, tôi lập tức nhảy dựng lên, Tiểu Khiêm uyển chuyển hạ xuống tay tôi. Tôi nhất thời không dám nhìn xuống chân của Tiểu Khiêm, nhắm tịt mắt lại một lúc, mãi mới chầm chậm hé ra. Không phải là mảnh vải tôi gửi đi vừa nãy! Trong nháy mắt trái tim đã chuyển từ thống khổ thành sung sướng. Gỡ mảnh vải ra, tôi chạy vào phòng ngồi dưới ánh nến mải mê đọc:

Sơn tra bỏ hột, sơn dược vừa đủ, dặn đầu bếp đem sơn tra và sơn dược chưng sôi thành bánh tráng, nếu thích ngọt thì có thể cho thêm mấy giọt mật ong vào, mỗi ngày ăn một lượng vừa phải. Bình thường lúc đun trà có thể cho thêm chút vỏ cam, vừa có lợi cho tiêu hóa vừa tốt cho họng.

Tôi giả vờ như chưa có chuyện gì xảy ra cả, Cửu gia cũng giả vờ như chưa có truyện gì xảy ra, chúng tôi đi loanh quanh một vòng hình như lại quay trở về điểm xuất phát.

Tôi nhìn chằm chằm vào mảnh vải một hồi lâu, muốn nỗ lực xem xem trong đơn thuốc trông bình thường như bao đơn thuốc mà một đại phu kê ra ấy liệu có thể nhìn ra được chút cảm tình nào khác không, nên cứ đọc đi đọc lại từng chữ “Nếu thích vị ngọt thì có thể thêm mấy giọt mật ong vào.. vừa có lợi cho tiêu hóa vừa tốt cho họng.” Trong lòng khẽ thở dài, đã lâu như thế mà Cửu gia vẫn nhớ năm trước tôi từng nói bị đau họng, lại còn nhớ cả việc tôi từng nói ghét vị đắng, tiếc rằng một chút hữu tình đó lại nhuốm vẻ thờ ơ như thể chuyện không hề liên quan đến mình.

***

Ánh nắng giữa mùa xuân khảng khái vô tư, hào phóng tưới xuống uyên ương đằng. Ánh sáng trải lên những chiếc lá già đã thẫm màu bị hút vào không còn chút dấu vết, như cá thả vào nước, chỉ lăn tăn vài gợn song rồi mất tăm, không còn dấu vết. Những chiếc lá mới mọc dưới ánh nắng nhìn mỏng manh như cánh ve, gân lá nổi lên rõ nét. Bóng và hình, rõ ràng và mờ ảo, cũ và mới, hài hòa và không hài hòa, dây leo quấn lấy giá đỡ, lá xanh nổi bật trên thân cành.

“Nàng trồng loài dây leo này từ lúc nào thế?” Từ sau lưng tôi Hoắc Khứ Bệnh lên tiếng hỏi. Ngữ khí thờ ơ, như thể chúng tôi chưa hề gặp nhau vào hôm dãi gió dầm sương đêm thâu ấy.

Cũng gần một tháng không gặp, đột nhiên nghe thấy tiếng hắn, nhất thời tôi cảm thấy hơi ngẩn ngơ, trong lòng tự nghiên khá phấn khởi. Vẫn nhìn chằm chằm vào cây uyên ương đằng không cử động, tôi giả vờ như chưa hề có chuyện gì xảy ra đáp lại: “Lần sau ngươi đừng im lìm xuất hiện sau lưng ta như thế được không?”

Hắn đi sang bên cạnh tôi, giơ tay khẽ chạm vào một cành cây nhỏ: “Đến nàng cũng không phát hiện được, xem ra võ nghệ của bản công tử đích thực không tệ. Cây này gọi là gì? Có nở hoa không?”

Tôi nói: “Kim ngân hoa, không chỉ nở hoa, mà sẽ nở rất đẹp, mùa hè mới nở, hiện giờ vẫn chưa đến mùa.”

Hắn đứng bên cạnh tôi im lặng một lúc rồi đột nhiên hỏi: “Nàng có muốn quay về Tây Vực không?”

Câu hỏi của hắn đến là kỳ quặc, tôi nghĩ một lúc mới láng máng hiểu ra: “Ngươi sắp ra trận à?”

“Đúng, ta chỉ đợi bệ hạ phê chuẩn thôi, nhưng chắc đến tám chín phần là được.”

“Đúng rồi, ta quên không chúc mừng ngươi, nghe nói ngươi được bệ hạ phong làm Thị trung[2].” Tôi vừa nghĩ vừa nói.

[2] Chức quan được lập từ thời nhà Tần, giữ đến đời Hán. Đây là cận thần hoàng đế, phụ trách quản lý xe, kiệu, y phục, đồ dùng của hoàng đế, thậm chí còn chịu trách nhiệm việc chuẩn bị bô cho hoàng đế, nhưng cũng tham gia cả việc trong triều, vì chức quan ở cạnh quân vương, cho nên thường hay phải chuẩn bị là cố vấn ứng đối, địa vị vì thế dần được cẩn trọng.

Hắn nói đầy tự hào: “Chuyện này có gì vui mà phải chúc mừng? Chẳng lẽ nàng vẫn chưa nghe mấy chuyện khác à? Một thằng nhóc vô tri, chỉ biết dựa dẫm vào di mẫu và cữu cữu.”

Tôi nhếch mép cười: “Ta chưa hề nghe đến, ta chỉ nghe những chuyện ta muốn nghe, năm nay ngươi bao nhiêu tuổi rồi?”

Hoắc Khứ Bệnh nhướng hàng lông mày lên, như cười như không nói: “Nàng hỏi tuổi tác của ta làm gì? Bổn nhân năm nay mười tám, thiếu niên chân chính, dung mạo sáng sủa, vẫn chưa kết hôn, trong nhà có vườn có đất, tỳ nữ nô bộc cũng không thiếu, gả cho ta không phải là một ý tồi đâu.”

Tôi trừng mắt nhìn hắn: “Trẻ tuổi chức cao nên ắt là sẽ khiến người ta ghen tỵ, huống hồ hiện tại ngươi…” Tôi lè lưỡi không nói thêm gì.

Hoắc Khứ Bệnh lạnh lùng hừ một tiếng: “ Ta sẽ khiến bọn họ không còn lời gì để nói.”

Tôi cười rộ lên. Mùa xuân năm nay, hoàng đế phái Vệ Thanh đại tướng quân dẫn quân đi đánh Hung Nô một trận, hai ngày trước Vệ đại tướng quân thắng trận quay về. Xem ra Hoắc Khứ Bệnh không thể chôn chân trong thành Trường An làm vương hầu quý tộc nhàn nhã thêm một ngày nào nữa, mà cũng muốn học cậu mình, vỗ cánh bay cao, gắng sức vươn tới bầu trời rộng lớn kia.

Tôi nói: “Lần trước ngươi không phải đã làm quen với địa hình khí hậu Tây Vực rồi sao? Ngươi chuẩn bị đầy đủ như thế, huống hồ lần này trong đội quân khẳng định sẽ có người dẫn đường am hiểu và quen thuộc vùng Tây Vực và Hung Nô, ta thấy không thấy có thể xảy ra chuyện gì.”

Hắn yên lặng nhìn tôi một hồi, chắp tay hướng về phía tôi cười hi hi: “Mấy ngày này không trước mặt thì sau lưng chỉ toàn nghe thấy những lời lẽ khinh thường, ngoài bệ hạ ra, bây giờ mới thấy có người khen ta. Người dẫn đường làm sao quen thuộc với thảo nguyên sa mạc bằng nàng, Hung Nô quanh năm du mục, chuyên quen thuộc thảo nguyên sa mạc là việc khó nhất đối với quân đội Hán triều.”

Tôi ngắm nhìn giàn uyên ương đằng: “Hiện giờ ta không muốn quay lại đó.”

Hắn vịn tay vào giàn cây: “Vậy thì bỏ qua đi.”

Tôi nói: “Có chuyện phải nhờ vả ngươi, nếu đại quân có dừng chân ở khu vực người Lâu Lan thì xin hãy đối đãi tốt với họ.”

Hắn nhìn tôi như đang nghĩ ngợi điều gì đó: “Chuyện của người khác ta vốn không thèm quản, dưới tay ta, chỉ cần bọn họ không sinh ý khác, ta sẽ không hà khắc với họ.”

Tôi cúi mình hành lễ với hắn: “Cảm ơn.”

Hắn nói: “Từ ngày hôm nay, ta sẽ không có thời gian rảnh tới thăm nàng, có chuyện gì cần tìm ta thì cứ trực tiếp đến phủ gặp Trần quản gia, nàng có quen biết đấy, chính là Trần thúc nàng gặp lúc ở Tây Vực, ông ấy sẽ sai người đi báo cáo với ta.”

Tôi gật đầu, hếch cằm nhìn hắn: “Đợi ngươi chiến thắng quay về, được bệ hạ ban thưởng, lúc đấy có thể mời ta ăn một bữa thật lớn ở Nhất Phẩm cư.”

Hắn trong rất ngạo mạn, nói đầy vẻ khinh thường: “Bây giờ nàng có thể đi đặt bàn sẵn rồi đấy, đề phòng có một số nguyên liệu hiếm bọn họ không chuẩn bị chu đáo được.”

Tôi lắc lắc đầu cười cười: “Được! Ngày mai ta sẽ đến Nhất Phẩm cư.”

Hắn cũng bật cười, vừa cười vừa rảo bước ra ngoài, đi đến cửa tự nhiên quay người lại hỏi: “Khi ta ra trận, nàng có thể đến đưa tiễn không?”

Tôi cười hỏi lại: “Ta lấy tư cách gì chứ? Làm gì có chỗ cho ta đứng.”

Thấy hắn nhìn mình chằm chằm không nói gì, tôi trầm mặc một lúc rồi hỏi: “Khi nào thì xuất phát?”

Hắn thoáng cười: “Còn một tháng nữa.”

Tôi cười nói: “Thế chúng ta một tháng nữa gặp lại.”

Hắn khẽ gật đầu, rảo chân rời đi. Dưới ánh nắng rực rỡ mùa xuân, thân hình như tùng xanh ấy từ từ rời xa. Phía sau hắn, ánh dương xán lạn như đang cười rộn rã.

Những chiếc lá xanh tươi của uyên ương đằng khẽ rung rinh trong gió, tôi nheo mắt ngẩng đầu nhìn bầu trời xanh rộng trước mặt. Trong ba tháng ở nhân gian, cây đâm chồi xanh, hoa nở đỏ rực, và chúng tôi đang độ hoa niên.

/17

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status