Cuộc Chiến Giữa Nhíp Và Quần Đùi Hoa

Chương 9

/25


Đái Bậy giúp tôi vực lại tinh thần những ngày sau đó, cũng cùng đường sang Bách Khoa, anh hay rẽ sang đưa tôi một đoạn đến trường. Thi thoảng anh vẫn trêu tôi cái vụ nhổ lông nách. Mỗi lần bị trêu như vậy tôi lại thẩm chửi tên hàng xóm vừa lùn vừa xấu vừa bẩn tính của mình. Có hôm gặp Hoàng trên đường đi học. Hoàng nhìn tôi nhếch mép, kiều khịt mũi ý ý rằng: “nứt mắt ra đã yêu đương, lại còn đưa nhau đi học! Vãi!”. Nhưng tôi kệ xác hắn, tâm trạng của tôi tôi còn chưa thể quan tâm được hết, làm sao có thời gian đi quan tâm cảm xúc của người khác?

Tôi đếm từng ngày mong bố mẹ về. Không phải chỉ là nhớ nhung yêu thương, mà còn vì… đói! Ăn trực mãi nhà bà Tám cũng ngại, tôi vay tiền Linh ăn mỳ tôm qua ngày. Nhưng còn Ki nữa, tôi chịu đói được, nhưng để em lả suốt thì tội nghiệp. Những vụ việc rắc rối xảy ra xung quanh tôi càng ngày càng khiến tôi nhận ra, tôi với lão hàng xóm là oan gia. Tối thứ Bẩy, lão Hoàng ăn KFC xong quẳng xương thừa ra ban công. Bình thường tôi chẳng để ý làm gì, nhưng mấy ngày rồi Ki ăn uống khổ sở, thương quá nên tôi ngó ngó xung quanh, đánh liều trèo sang ban công nhà hắn để đem túi xương về. Vừa mới chạm tay vào đống rác thì Hoàng từ trong phòng hắn lao ra, cứ như hắn rình tôi sang rồi lao ra bắt vậy.

- Ăn trộm!

- Trộm cái gì? Sịp rách à?

- Không biết! Tự nhiên trèo sang đây chi? Mẹ ơi trộm!

- Im đi!

- Mẹ ơi iiiiii!

Hoàng vồ lấy tay tôi giữ lại, sợ tôi chạy về. Hắn gọi mẹ hắn lên bằng được. Tôi thì chẳng sợ, ăn trộm có túi xương thì cũng chẳng vào tù. Bác Ngọc chạy lên sau đó chưa đầy một phút, tay cầm cái ống sắt dài ngoằng, vừa đi vừa gõ vào tường coong coong để dọa:

- Đâu? Trộm đâu?

- Đây! Nó mò sang nhà mình lén lút ngoài ban công! Con bắt được. Mẹ cứ bênh nó đi.

- Con chào bác! – Tôi nhỏ nhẹ ỏn ẻn

- Con làm gì ở đây thế? – Bác Ngọc thở phào, hạ ống nước xuống, tôi được thể tấn tới:

- Hoàng vứt rác ra ban công, nó bốc mùi bay sang nhà con, con sang dọn mà. Hoàng đổ tội oan con vậy tội nghiệp lắm bác. Nhà con có thiếu gì đâu mà trộm cắp làm gì?

- Nói điêu, mày đang thiếu cơm…

Chưa nói hết câu, bác Ngọc phi ra vả Hoàng cái đốp, rùi chửi ầm lên:

- Cái thứ mất nết, dám nói con gái nhà người ta như thế. Xin lỗi em rồi đi vào nhà ngay!

Hoàng ôm má trợn mắt nhìn tôi. Tôi bình thản nhìn lại, tay vẫn cầm túi xương gà. Dù thế nào nhất quyết phải mang về cho Ki. Đợi bác Ngọc đi xuống nhà, tôi nhìn Hoàng cười nhẹ:

- Đúng! Thiếu cơm thì có thể đi xin, đi ăn cắp! Còn thiếu tình người, thì tìm trên trời!

Xong xuôi bỏ về! Tất cả mọi thứ tốt đẹp về “anh hàng xóm” chính thức sụp đổ hết, toe toét như bè cứt trâu bị người ta cán đi cán lại ngoài đường luôn. Ánh mắt thẫn thờ pha chút hối lỗi của Hoàng cũng chẳng cứu được sự thất vọng của tôi về hắn.

Cái sự buồn của tôi chỉ được một lát thôi. Nhìn Ki ăn no, lòng tôi lại chộn rộn, tôi nhắn tin kể cho Đái Bậy nghe chuyện vừa xảy ra. Anh không quan tâm đến hàng xóm tôi như thế nào, anh gọi ngay lại hét lên:

- Mấy ngày nay em ăn uống thế hả?

- Ơ. Vầng!

- Chó!

- Ô.

- Đợi tí anh mang đồ ăn sang cho!

Anh cụp máy ngay tức khắc. Tôi xoa xoa bụng. Ừ cũng đói lắm rồi. “Sao mình như một đứa trẻ 7 tuổi thế này?”

Đái Bậy đến cổng gọi tôi xuống lấy cơm. Chẳng hiểu sao, và cũng chẳng biết mình nghĩ gì, tôi mở cửa cho anh và buông lơi một câu: “Anh muốn vào nhà không?”. Anh vào thật, rất tự nhiên và không câu nệ rằng nhà có mỗi tôi là con gái. Tôi lấy hộp đổ cơm ra, gọi Ki rồi đưa anh lên gác thượng nhà tôi. Đái Bậy rất thích những chai thủy tinh nhỏ đã được vẽ sơn xanh đỏ tôi treo trên đó, anh nghịch chỗ này chỗ kia một chút trong lúc tôi ngồi khoanh chân xúc cơm ăn.

- Này! Em khóc đấy à?

- Không!

Tôi vội gạt nước mắt. Nó cứ vô thức chảy ra một cách vô duyên.

- Em không có gì ăn sao không bảo anh?

- Em không đói!

- Còn dám cãi?

Kể chuyện em nghe tiếp đi!

Và Đái Bậy đến bên ngồi cạnh tôi, anh vừa nhìn ra phía xa, nơi những ngôi sao lấp lánh lấp lánh, vừa nhẹ nhàng hỏi:

- Thế nhưng anh nói đến đoạn nào rồi nhỉ?

- Chị Củ Cải đến lấy hàng và anh chấm thuốc cho những vết thương của chị ấy!

- Ừ…

- Rồi sao ạ?

- Chiều hôm đó anh đã nhận ra có một sự khác lạ trong trái tim mình. Em đã yêu bao giờ chưa? Em biết đấy, thật khó để tìm được một người có thể khiến trái tim ta bình yên. Và lại còn những điều bất chợt nữa. Chiều hôm ấy đột nhiên mưa to. Mà chưa bao giờ anh thấy mưa đẹp đến thế. Củ Cải đang ngồi thử sơn móng tay, thấy mưa cô ấy chạy ngay ra cửa, làm vệt móng tay đỏ quệt dài trên ngón tay trỏ. Cử chỉ đáng yêu khủng khiếp. Tim anh cứ đập loạn nhịp, khó khăn lắm mới giữ được nó bình thường. Củ Cải kéo anh ra cửa, ngồi đung đưa chân bên cạnh anh, ngắm nhìn những hạt mưa rơi vỡ òa xuống mặt đường.

- Em chẳng bao giờ muốn qua phố một mình

Trong cơn mưa như chiều nay đấy

Người ta bên nhau cứ cố tình khiến em trông thấy

Tự nhiên thấy buồn vì… họ có đôi!

- Cậu lảm nhảm cái gì vậy? – Anh quay sang sau khi nghe Củ Cải lẩm bẩm trong miệng

- À không có gì đâu! Hì

Củ Cải lại cười. Ngoài trời ngớt mưa, anh đứng dậy, lấy hết dũng cảm chìa tay ra ý muốn kéo Củ Cải đứng lên:

- Đi! Tôi đưa cậu về!

- Ơ, tôi tự về được!

- Về kiểu gì? Đi bộ à? Tôi ngó thấy ví tiền của cậu rồi. Không đủ tiền đi xe bus đâu!

Củ Cải cúi mặt xuống, lầm lì như xấu hổ khi bị bắt thóp.

- Làm sao? Hay mông cậu có nhọt không ngồi được xe đạp à?

- Cậu nói cái quái gì thế! Đi!

Củ Cải đứng phắt dậy vẻ giận dỗi, chạy ra đường trước. Dưới những hạt mưa còn xót lại, tay Củ Cải khum khum trên đầu che mưa. Hình ảnh ấy cứ ghi dấu trong lòng anh mãi. Đèo Củ Cải sau lưng, trong lòng vui như hát. Thi thoảng anh lại ngoái lại xem Củ Cải đã bị rơi chưa, vì Củ Cải nhẹ quá, ngồi đằng sau mà như không. Anh vừa đi vừa trêu cô ấy:

- Cậu mà bị rơi thì nhớ hét lên để tôi quay lại nhặt nhé!

- Có cậu bị rơi ấy, làm như tôi là chó mèo không bằng.

- Dùng sơn móng tay ít thôi nha, hại lắm!

- Ơ, bán hàng mà nói thế ai mua.

- Nói đúng thì nghe đi, cãi nhiều!

Hai đứa anh chành chọe nhau trên suốt đường về. Hà Nội mưa xong, mát dịu những cảm xúc không tên.

Và như thế, Củ Cải bước vào cuộc sống của anh mà không hề báo trước. Bất ngờ như một cơn mưa mùa hạ. Ào một chút, nhưng đủ làm ta ướt hết tóc và vai áo. Củ Cải mang đến cho anh những niềm vui nho nhỏ, những điều thú vị cậu ấy trải nghiệm hằng ngày. Củ Cải nhiều khi ngây ngô đến mức quá đáng, những lúc bọn anh hẹn nhau đi ăn kem, ngồi sau xe đạp, cậu ấy vẫn hay lải nhải những câu hỏi vô nghĩa, có khi đần độn như thế này:

- Hôm nay tớ nhặt được một cái kẹo mút, tớ có nên ăn nó không hả Cà Rốt?

- Ừ, cậu nên ăn bằng mũi!

- Con tê giác lội xuống nước sẽ thành con hà mã, đúng không nhỉ?

- Sai, nó thành con …ngựa!

- Khi Cà Rốt chưa chín, nó có màu xanh không?

- Nó màu đen!

- Đen cái mặt cậu ấy

- Mặt cậu thì có.

Cứ thế, anh và Củ Cải thân thiết với nhau hơn. Ngày ngày, anh rẽ qua nhà đón Củ Cải đi học thêm rồi quay về cửa hàng làm việc, chiều đến lại đạp xe đón Củ Cải về, để nghe Củ Cải lảm nhảm mấy câu ngu ngu, quát Củ Cải nếu cô ấy quên mang mũ, đánh vào tay Củ Cải nếu cô ấy vẫn giữ cái tật cho ngón tay lên mồm gặm dù nó bẩn hay sạch… Những ngày Củ Cải buồn, cô ấy trầm lặng hơn. Khi ấy anh lại là người phải nói nhiều hơn, để Củ Cải quên đi những nỗi buồn trong lòng. Anh rất sợ những khi Củ Cải yên lặng. Bởi khi ấy, đạp xe dưới những vạt nắng của mùa hạ, mà trong lòng anh, mưa như kéo đến dội ướt trái tim.

Thế nhưng cái gì cũng hữu hạn Vi à. Củ Cải ở bên anh suốt mùa hè năm ấy. Bọn anh chia sẻ cho nhau một góc trái tim của hai đứa. Trong ấy chứa những kỉ niệm, những cảm xúc vu vơ lượm lặt, những câu chuyện trường lớp bạn bè, những ký ức buồn về gia đình. Bố Củ Cải nghiện rượu, lúc nào cũng say khướt và đánh đập mẹ con cô ấy. Củ Cải chẳng ngại anh tí nào. Cô ấy luôn mua thuốc phóng đến cửa hàng anh làm việc, vén ống tay áo lên để anh xoa thuốc cho. Nhìn Củ Cải, trong lòng anh xót như xát muối. Nhưng cô ấy luôn cười, mặc dù vết thương đau tê tái đến toát mồ hôi.

- Không đau mà, thật đấy!

- Im đi. Nghĩ tôi mất cảm giác chắc. Ngồi yên cho tôi xoa thuốc. Mà sao bố đánh không biết chạy?

- Chạy làm gì? Đánh chán thì thôi

- Củ Cải ngu!

- Ơ! Mấc zậy!

- Hừm

Củ Cải rất thích ngồi bên anh ngắm mưa. Mùa hạ hầu như ngày nào, chiều nào cũng có, đến nhanh thôi, đủ ướt mặt đường rồi tạnh. Những giây phút hiếm hoi anh thấy Củ Cải không cười, lặng yên ngẩng lên mái nhà nhìn những giọt nước trong veo rơi xuống.

- Cà Rốt nè. Mưa đẹp nhỉ!

- Ừ đẹp, nhưng ngậm mồm vào đi, rãi rớt đến cổ rồi đấy

- Đồ điên, nước mưa mà.

Củ Cải đấm anh lia lịa, còn anh cười. Những hạt mưa rơi xuống mặt đường, lấp lánh, trong veo…

***

Hết mùa hè năm ấy, Củ Cải sang Nhật học. Những ngày trước khi bay, Củ Cải kéo anh đi ăn khắp nơi, vòng vèo cùng nhau khắp các ngõ ngách của Hà Nội. Anh đạp xe nhiều đến mức tối về nhà chân mỏi nhừ, cơ đau đến mức không co chân thay được quần. Củ Cải thì vẫn khúc khích cười trong điện thoại.

- Cậu là con sên, Cà Rốt ạ.

- Ờ, thế lần sau đi chơi thì đèo thử đi nhé!

- Sau này về Việt Nam, tôi sẽ chở cậu bằng xe máy. Nhé!

Gió cứ thổi những lời hứa vu vơ bay ra xa…

Ngày Củ Cải đi, anh vẫn phải làm việc ở cửa hàng. Không đi tiễn. Mà có đi cũng không được, anh có là gì đâu, đến đứng giữa gia đình, anh em, bạn bè của Củ Cải thì vô duyên lắm. Củ Cải nhắn cho anh một cái tin: “Ở nhà mạnh khỏe nha Cà Rốt, đừng để con thỏ nào ăn cụt tai nghe chưa”. Anh cười buồn, không nhắn lại vì biết cô ấy nhắn xong sẽ tắt máy.

Thế là chia tay, chẳng ai nói với ai một câu ràng buộc. Củ Cải đến bên anh rồi đi. Nhẹ nhàng, tự nhiên như cơn mưa mùa hạ, rơi rồi tạnh.

Anh giữ liên lạc bằng những mail ngắn. Thi thoảng mới gửi, vậy mà ngày nào cũng như ngày nào, anh đều lướt qua lướt lại hộp thư đến để xem Củ Cải có bất chợt gửi một cái mail lạ cho anh không. Có những lúc bài tập, công việc mệt mỏi, anh chỉ gửi một cái mail cụt ngủn: “Củ Cải à!”. Thế là đêm hôm ấy, hai đứa anh ngồi chat video với nhau đến gần sáng. Củ Cải kể chuyện, hát cho anh nghe, anh múa cho Củ Cải xem, Củ Cải cười như điên trong headphone. Để rồi sáng hôm sau đi học, cả hai đứa đều vật vờ như cú và tự nhủ từ nay chừa chat đêm.

Thời gian trôi, khi anh bắt đầu chìm vào thời gian ôn thi cuối cấp, thì Củ Cải đã hoàn thành xong chương trình học cần thiết cơ bản bên đó và về nước nghỉ một kỳ. Anh mong ngóng Củ Cải từng ngày một. Có hôm đi lang thang, anh chọn được cho Củ Cải một hộp hoa khô. Anh nghĩ có lẽ Củ Cải sẽ thích lắm.

Sáng sáng dậy đi học, mẹ anh nhìn anh rồi bảo:

- Huy cao nhanh nhỉ. Cao quá vạch mẹ vạch trên tường rồi kìa.

Anh giật mình quay sang nhìn. Đúng là đã cao quá mức mẹ dự đoán. Tự nhiên nghĩ về Củ Cải. Sau ba năm, không biết cô ấy có lớn thêm chút nào không. Nếu cô ấy vẫn nhỏ bé như cũ, thì chắc cô ấy đứng đên vai anh.

“Củ Cải nè, cậu có cao thêm chút nào không? Tôi đã cao thêm 10cm đấy”

“Hu hu, tôi không cao thêm chút nào cả, thậm chí còn lùn đi”

“Củ Cải ngộ độc phân bón nên mới vậy”

“Còn Cà Rốt ngấm thuốc tăng trưởng”

“Sớm về, tôi sẽ nhường cho cậu chút thuốc tăng trưởng để cậu lớn thêm ha”

“À, tôi mún giới thiệu 1 người cho cậu biết”

“Ai hả? Lại một cây Củ Cải lùn tịt à?”

“Không, anh ấy không lùn”

Như có một cơn mưa rào dội tới ập lên đầu anh vậy. Anh đủ thông minh để hiểu ra rằng Củ Cải có bạn trai. Hộp hoa khô anh nắm chắc trong tay, nát vụn.

Anh có là gì đâu? Có gì ràng buộc anh với cô ấy? Những cơn mưa mùa hạ chăng? Những hộp thuốc trị thương? Những lần cùng nhau vi vu trên chiếc xe đạp trên khắp những ngõ ngách Hà Nội? Chẳng có gì cả!

3617_522522797813018_1154354240_n

- Sao thế? Anh kể tiếp đi chứ?

- …

- Huy…

- Đã bảo không được gọi tên anh cơ mà? – Huy quay ngoắt sang tôi trợn mắt.

- Giật cả mình. Sao anh đang kể lại im vậy?

- Buồn..

- Buồn á? Cái, cái gì? Chả lẽ hai người chia tay cho đến tận giờ? Chả ra làm sao cả. Chuyện buồn như cức mà cũng kể em nghe

- Đồ điên. Im tao kể tiếp coi.

- Tao không nghe nữa, truyện như rồ. – Tôi cầm cổ Đái Bậy lắc lắc.

***

- Chúng mày đang làm gì ở nhà tao thế?

Tôi giật bắn, toàn thân run rẩy. Bố Tùng đã về. Giọng bố khin khít kẽ răng. Đái Bậy bần thần đứng dậy không biết phải làm gì?

- Mày đang làm gì ở nhà tao? Cút!

Bố Tùng khật khưỡng đi về phía Đái Bậy. Tôi đẩy anh xuống cầu thang.

- Đi về đi anh.

- Cút!!!

Bố Tùng cứ chạy theo tôi. Đái Bậy vừa đi vừa hỏi: “Em sẽ không sao chứ? Em liệu có ổn không?”. Tôi quát: “Anh về nhanh đi thì em sẽ ổn!”. Đưa Đái Bậy ra cổng, mẹ vừa về tới, mẹ nhìn tôi rồi đi thẳng vào nhà. Tôi chỉ kịp mở cổng cho Đái Bậy rồi vào luôn không kịp chào.

Đêm tối! Một nam một nữ trên gác thượng! Nghe thì lãng mạn, nhưng cái lãng mạn đó trong suy nghĩ của người lớn thì thật khủng khiếp và bậy bạ. Bố Tùng đẩy tôi vào góc bếp, cứ thế rút thắt lưng mà đánh. Từng vệt thắt lưng vụt tới tấp lên mặt, lên tay tôi nóng rát. Tôi co ro ngồi im chịu trận.

- Khốn nạn! Anh định đánh chết nó à?

- Đĩ mẹ! Đĩ con!

Đánh tiếp! Đầu, cổ, tay, vai, lưng, chân… Chỗ nào cũng bỏng rát như bị xé, bị tước từng mảng thịt.

“Vi! Không được khóc! Không được khóc.” – Đã vạn lần tôi tự hứa với mình như thế.

Mẹ lao vào đỡ cho tôi. Tai tôi ù đi, nghe âm u những câu chửi rủa. Bố Tùng túm tóc tôi lôi lệch xệch lên từng bậc cầu thang. Tôi trườn theo từng mét một. Cũng chỉ có điệu tống tôi vào phòng rồi khóa cửa lại mà đánh!

Ngoài cửa mẹ vẫn gào thét đập ầm ỹ đòi vào cứu tôi. Trong phòng bố vẫn ra sức dùng chân đạp, tay tát tôi liên hồi.

Tôi chịu đựng! Trong lòng cố gắng nghĩ đến viễn cảnh tươi sáng ở tương lai phía trước.

Nỗi đau, có ý nghĩa gì đâu? Khi trái tim đã biến thành băng giá!


/25

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status