Cơn Gió Lạnh

Chương 11: Quà sinh nhật đặc biệt

/35


Ngày 11 tháng 9, sinh nhật tôi. Tôi tự chúc mừng sinh nhật và thầm hát trong đầu bài Happy Birthday. Nhớ lần sinh nhật năm ngoái, tôi tổ chức ở quán Karaoke X5 trên đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài, nay gọi là Trần Thái Tông. Sau đó cả đội kéo về club Diamond-D ở Ngã Tư Sở, các chiến hữu này bây giờ không biết thế nào rồi.

Đang mơ mơ màng màng thì có một bó hoa đặt bên cạnh gối của tôi. Tuy tôi không xoay đầu được nhưng mắt thì vẫn đánh sang hai bên tốt. Đó là một người đàn ông mà tôi không quen, tầm 50 tuổi, cơ bắp rất săn chắc, mặc áo sơ mi đen và quần bò xanh. Tôi lấy hình ảnh của bố tôi ra để so sánh thì bụng của bố tôi to bằng ngực của ông ta, còn bụng của ông ta to bằng ngực của bố tối. Bố tôi tuy to cao nhưng lại không tập thể hình, tiếp khách suốt ngày nên bụng càng ngày càng béo. Người đàn ông đó nhìn tôi chăm chú như đại tướng đi thăm binh lính ngoài chiến trường vậy.

Nếu là ngày trước, có ai nhìn tôi như vậy thì khẳng định là tôi sẽ không thèm bắt chuyện. Nhưng ở cái tình thế này, tôi bất lực hoàn toàn.

- Chúc mừng sinh nhật.

Người đàn ông ngồi xuống thành giường rồi nhìn ra cửa sổ, giường của tôi ở gần cửa sổ, đây cũng là một điều tôi rất thích. Ở vị trí này tôi còn cảm nhận được sự thay đổi của thời gian chứ nếu chui tít vào góc phòng thì ngày đêm cũng chẳng khác biệt.

- Đã muốn vận động chưa?

Cái gì? Tôi nghe không lầm chứ? Tôi có thể vận động lại sao? Ông già, sao ông không đến sớm một chút, báo hại tôi phải nằm ở đây đến nửa năm trời. Mà tôi cử động lại bằng cách nào? Chẳng phải hệ thống thần kinh vận động của tôi đã bị tổn thương nặng nề đó ư?

- Bên ngoài rất nguy hiểm, cậu sẽ cần phải học rất nhiều thứ để tồn tại.

Người bí ẩn tiếp tục trầm ngâm.

Ông ta đang nói cái quái gì vậy? Thực sự toàn những lời khó hiểu, cái tôi cần bây giờ là trở lại bình thường. Cái gì mà tồn tại chứ, chẳng phải tôi đang có công ăn việc làm ổn định, học hành cũng chẳng đến nỗi nào. Dù nghỉ mất một kỳ thì cùng lắm học lại 1 năm là trả nợ hết.

Người bí ẩn bỗng nhiên quay ngoắt lại, đả thông vài chục huyệt đạo trên cơ thể tôi. Tốc độ đó tôi gần như không theo kịp, mắt tôi nhìn xuống chỉ thấy ông ta như đang múa may trên cơ thể tôi. Nếu không phải cảm giác trên cơ thể dần lấy lại thì tôi cũng không biết là ông ta đang chạm vào. Như có một luồng sinh khí ập vào cơ thể tôi, theo mạch máu ào ào chạy khắp cơ thể. Tôi có thể há to mồm ra thở, hai bàn tay bóp chặt vào nhau, tôi quay đầu sang bên trái, rồi quay đầu sang bên phải. Người bí ẩn thấy hành động như thế của tôi thì khẽ mỉm cười bước đi. Tôi định vùng dậy chạy theo ông ta để hỏi vì trong người tôi có quá nhiều nghi vấn chưa được giải đáp.

- Sẽ có ngày chúng ta gặp lại.

Người đàn ông lạnh lùng bước đi.

Tôi cũng không thể đứng dậy ngay được, vì nằm lâu quá nên mới chỉ ngồi dậy tôi đã cảm thấy choáng váng vô cùng rồi. Nhưng cảm giác đó là cảm giác bình thường giống như khi ta ngủ dậy mà đứng lên đột ngột vậy. Dù sao cũng do tôi cảm thấy vô cùng hưng phần nên mới bị như thế.

Tôi bấm vào cái chuông gọi y tá, mấy thứ dây dợ này phải được rút ra. Cái dây truyền dịch thì tôi có thể tự rút được nhưng mấy cái ống cắm ở bụng thì có vẻ hơi nguy hiểm. Trong lúc đấy, tôi kiểm tra lại thân thể của mình. Tay trái của tôi đã cử động được bình thường, không có dấu hiệu của đau đớn nữa. Nhưng có một điều là tay trái của tôi toàn sẹo là sẹo, nó thậm chí còn nhỏ hơn tay phải nữa. Nhìn gần giống như kiểu tôi bị tật ở tay vậy. Công sức hít đất mấy năm trời của tôi đã tan thành mây khói, vén áo lên, ngực tôi chỉ có da bọc xương, cơ bắp thì vừa mềm vừa nhão. Đợt này về tôi phải vào đi tập thể hình để lấy lại vóc dáng như xưa.

Trong lúc tôi đang hứng khởi thì cô y tá trẻ đi vào. Cô ấy nhìn thấy tôi đang ngồi sờ sờ mó khắp người mà thất kinh hãi.

- Anh cử động được từ bao giờ thế?

- Vừa xong thôi, cô mau gọi bác sĩ tới tháo cái đống dây rợ này ra khỏi người tôi đi.

Tôi vô cùng khẩn trương. Tôi đã ở chỗ này 6 tháng, 6 tháng rồi đấy nhé. Tôi muốn lao thật nhanh ra ngoài để tìm mọi người, hỏi tại sao họ không đến tìm tôi?

Cô y tá luống cuống nhìn tôi rồi quay đầu đi tìm bác sĩ. Chuyện lạ này có thể sao, bệnh nhân này sáng hôm nay còn nằm im như pho tượng mà bây giờ hoạt động như một người khỏe mạnh rồi.

Tôi đảo mắt nhìn mấy "ông" bạn cùng phòng mà thở dài. Tôi thì sắp ra viện còn các ông thì chắc chắn sẽ sống nốt phần đời còn lại ở đây. Sau này tôi lúc viết di chúc cho con cháu, nếu rơi vào trường hợp này thì cứ cho về nhà rồi chết. Như thế còn sướng gấp vạn lần kiểu sống không bằng chết này.

Cô y tá trẻ dẫn theo bác sĩ đến, không, một đoàn bác sĩ thì đúng hơn. Đám người này nhìn tôi như sinh vật ngoài hành tinh vậy. Thực tế bọn họ đã gặp người bị tai biến sau nhiều năm phục hồi chức năng có thể hoạt động trở lại. Nhưng trường hợp sáng sớm nằm thằng cẳng, chiều đã ngồi dậy huýt sáo thì đúng là không tưởng. Sau đó đám bác sĩ này mang tôi đi làm một loạt các xét nghiệm. Tôi cũng chẳng phản đối, ở bệnh viện 6 tháng rồi, thêm một vài giờ thì có xá gì đâu.

Lúc này tôi đang ngồi trong phòng của trưởng khoa ngoại, trong lúc chờ bác sĩ tổng hợp kết luận thì tôi cũng nhận ra nơi này là bệnh viện Việt-Nhật, nằm trong bệnh viện Bạch Mai và ở ngay gần nhà bố mẹ tôi.

- Anh Phong, các kết quả xét nghiệm của anh cho thấy hiện tại anh hoàn toàn bình thường.

Vị bác sĩ già bỏ kính ra nhìn tôi nói. Vẻ mặt của ông rất khó đoán.

- Cám ơn bác sĩ.. Bác sĩ Triệu, có lẽ là do ông trời thương tôi nên hồi phục mới nhanh như thế.

Tôi liếc nhìn bảng tên, bác sĩ Vũ Minh Triệu, trưởng khoa ngoại bệnh viện Việt Nhật.

Trước khi làm thủ tục xuất viện, tôi đã hỏi những người liên quan về trường hợp của tôi. Nhưng tất cả chỉ có một câu trả lời duy nhất là viện phí đã được đóng đầy đủ, người đóng tiền không để lại danh tính. Tôi cũng không bận tâm lắm, người ta đã không muốn cho biết thì mình cần tìm hiểu làm gì. Tôi phải cám ơn còn không hết nữa là.

Đi ra khỏi bệnh viện, việc đầu tiên tôi làm là hét thật to. To đến mức mà tất cả người đi đường đều ngoành lại nhìn tôi. Mọi người đều có một suy nghĩ chung, "Thằng tâm thần này mới trốn trại hả?".

- Ha ha ha, cuộc sống, xin chào mày. Chúng ta lại tiếp tục đồng hành nào.

Khi vào viện thì tôi bất tỉnh, quần áo cũ đã rách và bẩn, có khi các bác sĩ đã vứt đi hết. Quần áo tôi đang mặc là của người đóng viện phí cho tôi để lại. Không phải kiểu tôi thích nhưng cũng khá là vừa vặn. Ngoài quần áo thì tôi được trả lại cả ví, trong ví vẫn còn nguyên mọi thứ từ tiền bạc đến giấy tờ tùy thân, tôi kiểm tra qua la. Vấn đề bây giờ là điện thoại và xe của tôi thì không biết ở đâu.

Những chuyện đó tính sau, tôi bắt xe về nhà trước đã. Tất nhiên là nhà - studio của tôi, về đó còn xem công việc thế nào và cũng để tôi chuẩn bị mọi thứ. Phải dò xét mọi người không sẽ gây hoảng loạn mất. Bố mẹ mà biết tôi nằm viện 6 tháng trời một mình chắc là xót xa lắm.

Về đến nhà tôi thì cũng đa tầm 7h tối, tôi chả tiền bác xe ôm rồi phi thẳng lên tầng 3. Vẫn như mọi khi, ở khu nhà này, nhà nào nhà đấy đều đóng cửa im ỉm, chẳng ai quan tâm hàng xóm của mình đi sớm về muộn thế nào cả. Nhưng lại nẩy sinh một điều là tôi không có chìa khóa, chìa khóa nhà tôi để cùng chìa khóa xe, mà xe tôi còn chẳng biết là để ở đâu.

Tôi kiểm tra lại ví, vẫn còn 2 triệu 700 nghìn. Tốt, thế này cũng đủ rồi. Sau đó tôi đi bộ ra cửa hàng điện thoại gần nhà mua một cái Nokia 1202 và một cái sim Viettel. Tiện thể tôi vài cửa hàng phở Cồ Cừ gia truyền Nam Định gần đấy. Những cửa hàng nhỏ kiểu như vậy rất phổ biến ở VN, sống ở trên phố tuy chặt hẹp nhưng đi đâu, mua gì đều tiện. Tôi gọi một bát phở không thịt, các bác sĩ đã dặn dò rằng dạ dày của tôi đã lâu không làm việc, chỉ nên ăn những thứ mềm, dễ tiêu hóa để thích nghi dần. Việc tiếp theo là gọi cho cộng sự của tôi, số của một số người đặc biệt như Dương Linh thì tôi không cần lưu.

- Ò e í è… Thuê bao quý khách vừa gọi…

Sao lại tắt máy cơ chứ. Hay là nàng đổi số rồi? Cứ lúc cần thì chẳng bao giờ gọi được. Tôi thở dài, vào một nhà nghỉ gần ga thuê tạm một phòng để ngủ qua đêm nay. Mặc dù tôi đã nằm suốt 6 tháng trời nhưng cảm giác nằm trên giường bệnh khác xa nằm trên giường đệm. Thật là êm, tôi bật tivi kênh ca nhạc và nằm ngủ một giấc ngon lành nhất từ trước tới giờ. Hôm nay tôi đã được tặng một món quà thật đặc biệt, đó là được sống.


/35

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status