Cô Gái Mãn Châu

Chương 30 - Máu Rơi Oan Uổng

/92


Những con đường dọc ngang trong thành Trường An không phải là quá rộng, nhưng bây giờ thật thênh thang.

Không một bóng người, không một ánh đèn, Lý Đức Uy đi thất thểu như một bóng ma.

Tâm tình của hắn thật trầm trọng và rối loạn.

Đối phó với bọn Mãn Châu, bọn gián điệp nhiều mưu mô, nhiều thế lực, chưa bao giờ Lý Đức Uy thấy khó khăn như lúc bây giờ.

Bắn tin về cái chết thê thảm của tổ mẫu La Hán cho Nghệ Thường, hắn hy vọng nàng sẽ lần lựa tìm cách nói lần để cho La Hán bớt cơn sầu não, hắn không ngờ hậu quả của việc đó lại thê thảm đến mức này.

Hắn không ngờ cơn khủng hoảng vì tuyệt vọng đã làm cho La Hán lao đầu vào nguy hiểm.

Đây là lần thất bại thứ hai, sau chuyện cản trở hôn nhân của Tổ Thiên Hương về bọn gián điệp Mãn Châu.

Về tới Đô đốc phủ một cảnh tượng khủng khiếp đập vào mắt Lý Đức Uy.

Xung quanh Đô đốc phủ la liệt xác chết, những xác chết này đều là người của “Cùng Gia bang”.

Thây người chết đều đứt làm hai đoạn.

Vết đứt không bị khựng bởi một đốt xương không bị lệch bởi đường đao thật thẳng.

- Vân đường chủ!

- Thiếu hiệp!

Giọng nói của Vân Tiêu thật yếu, nhưng cũng đủ làm cho Lý Đức Uy bừng tỉnh, hắn điểm nhanh vào các huyệt đạo làm cho máu ngưng lại, làm cho vết thương không nhiễm độc.

Vân Tiêu bị mất một cánh tay.

Cánh hộ vệ trước Đô đốc phủ của “Cùng Gia bang” chỉ có Vân Tiêu là người sống sót.

Lý Đức Uy vừa buộc vết thương vừa hỏi :

- Vân đường chủ, “Tử Kim Đao”...

Da mặt của Vân Tiêu trắng nhợt, nhưng môi vẫn nở nụ cười chua xót :

- Vâng, đúng là “Tử Kim Đao”, lỗi ở nơi tôi, tôi không ngờ người ấy lại đến đây, tôi đã không cho lịnh để anh em tránh mặt... từ bao nhiêu lâu nay, tại Trường An tôi đã bảo toàn không anh em nào bị trầy da chảy máu, hôm nay... hôm nay máu đã đổ rồi, máu anh em đã đổ rồi, tôi không còn trách nhiệm với anh em, tôi không tròn trách nhiệm với Tổng đường.

Vân Tiêu không đau vì mất một cánh tay mà đau vì cái chết của những bạn đường sanh tử.

Lý Đức Uy không đau vì những cái chết của nghĩa sĩ trong cơn quốc nạn, cái chết đó đã có nhiều hơn và còn sẽ nhiều hơn, hắn đang đau, cái đau về trách nhiệm đối với người bạn trẻ trong cơn khủng hoảng mà hắn không ngăn chặn được, khi hắn biết trước hậu quả trầm trọng sẽ xảy ra.

Lần thứ nhứt trong đời, nước mắt của Lý Đức Uy đổ xuống.

“Tử Kim Đao” ngày xưa đã làm rạng rỡ vì diệt trừ bá đạo, chống ngăn quân thù của đất nước, “Tử Kim Đao” ngày nay, trước ách nước nạn dân chưa thấm máu thù mà đã làm máu bạn nhuộm đỏ dầu cây ngọn cỏ...

Vân Tiêu nói tiếp :

- Đô đốc phủ vẫn không thấy rối loạn, không biết hắn có xâm nhập được hay không?

Lý Đức Uy cau mày :

- Chưa chắc lắm...

Vân Tiêu giục :

- Không được, Lý thiếu hiệp hãy vào xem...

Lý Đức Uy lắc đầu :

- Tôi tin rằng chưa đến nỗi, nhưng công việc trước nhất bây giờ là vết thương trầm trọng của Vân đường chủ, phải trở về điều trị...

Vân Tiêu nghiêm giọng :

- Không, Đô đốc phủ là đầu não của sự an nguy của Tây ngũ tỉnh, là sự an nguy của Trường An.

Lý Đức Uy nói :

- Tôi biết nhưng Vân đường chủ hãy tin tôi, La Hán không đuổi nổi, nhưng hắn cũng khó lòng xâm nhập...

Hắn bồng xốc Vân Tiêu đứng dậy.

Hắn đi nhanh về hướng Đô đốc phủ.

Cột cờ cao vọi, lá cờ thật lớn đương phất phơ dưới chèn đèn năm ngọn nhưng bốn bên vắng lặng như tờ.

Lý Đức Uy bước tới đưa tay vỗ cửa.

Tiếng đội bình bình vang động, nhưng bên trong vẫn lặng tanh.

Vân Tiêu hoảng hốt kêu lên :

- Lý thiếu hiệp, tình hình bất lợi...

Lý Đức Uy cũng nghi ngờ, hắn bồng xốc Vân Tiêu phóng vọt lên đầu tường.

Nhiều chướng ngại và kình phong hất dội Lý Đức Uy trở lại...

Lý Đức Uy đứng dang ra khỏi chân tường, hắn mỉm cười có vẻ yên lòng...

Vân Tiêu ngơ ngác...

Lý Đức Uy giải thích :

- Trong vòng Đô đốc phủ có bố trí “Sanh khắc mai phục” trừ trường hợp đại binh phá, chớ vô như thế này không dễ dàng đâu.

Vân Tiêu càng kinh ngạc, nhưng hắn lại yên lòng và chợt hiểu ra sự bình tĩnh của Lý Đức Uy khi nghe tin La Hán đến đây.

Tuy nhiên, bây giờ thì không thể không vào.

Thứ nhất, Lý Đức Uy cần phải đưa Vân Tiêu vào đó trị thương, vì bây giờ không tiện đưa xa ở đây chỉ có nơi này mới có nhiều phương tiện.

Thứ hai, hắn cũng cần muốn biết vị cao nhân bố trí được thế “Sanh khắc mai phục” để bảo vệ Đô đốc phủ này là ai.

Hắn lại ôm Vân Tiêu nhảy lên lần nữa.

Lần này cẩn thận hơn, hắn không nhảy lên đầu tường mà lại nhảy lên mái ngói xế bên cánh cổng, hắn dở tung nhiều mảnh ngói rồi từ đó phóng vào trong.

Cây cỏ trong vườn hoa vẫn tươi xanh lên mướt, quả tình bên trong hoàn toàn yên tĩnh.

Tất cả đều tối, chỉ riêng gian thơ phòng mà Lý Đức Uy đã từng vào là còn đèn sáng, đó là nơi làm việc của Đô đốc đại nhân.

Lý Đức Uy nhún chân phóng về hướng đó, hắn đứng trước cửa lên tiếng :

- Thảo dân Lý Đức Uy cầu kiến Đô đốc đại nhân.

Nhiều bóng đen trong lối trước phòng phóng lẹ ra! Đám vệ sĩ của Đô đốc phủ.

Nhưng cánh cửa thơ phòng cũng đã mở ra, Dương đô đốc gắt nhỏ :

- Lui ra, đó là Lý thiếu hiệp.

Đám vệ sĩ cúi rạp mình và lui trở vào bóng tối.

Khi ra thật lẹ, lúc trở vào cũng khá nhanh và nhứt là hàng ngũ không rối, chứng tỏ đám vệ sĩ gần đây đã được huấn luyện kỹ càng hơn.

Nhìn thấy có người bị thương, Dương đô đốc kinh ngạc :

- Lý thiếu hiệp, đây là...

Lý Đức Uy rước nói :

- Cầu xin đại nhân cho người đưa đi điều trị giùm cho người bạn của thảo dân, sau đó thảo dân kính trình mọi việc.

Quả đúng là một vị tướng lãnh đã từng làm trận, đã từng chứng kiến nhiều nguy hiểm, chỉ thoáng qua Dương đô đốc đã lấy lại bình tĩnh như thường.

Ông ta vỗ tay nhè nhẹ :

- Vệ sĩ.

Từ phía sau góc tối trong vườn, hai tên vệ sĩ phóng ra.

Dương đô đốc nói :

- Lý thiếu hiệp hãy đưa người bạn vào bệnh xá, nơi đó có lương y túc trực.

Lý Đức Uy đỡ Vân Tiêu đứng lên và hai vệ sĩ vội bước tới vịn hai bên đưa Vân Tiêu trở ra sau.

Lý Đức uy nói theo :

- Vân đường chủ yên lòng trị bệnh chút nữa tại hạ sẽ theo vào.

Dương đô đốc đưa Lý Đức Uy vào phòng và hắn hơi lúng túng ngạc nhiên.

Trong thư phòng của Dương đô đốc còn có một người.

Đó là một người con gái khoảng hai mươi tuổi nàng có gương mặt thật đẹp nhưng thật đoan trang nhưng không nghiêm cách như cô gái Mãn Châu, nàng không như Thất Cách Cách, nàng không có vẻ đẹp nổi vật sắc bén, dữ dội, vẻ đẹp của nàng là vẻ thuỳ mị, nhưng đội mắt của nàng thật sáng, rắn rỏi lạ lùng.

Chạm vào tia mắt của nàng, Lý Đức Uy vội vã cúi đầu :

- Thảo dân vô phép, không biết đại nhân đang có khách...

Hắn vòng tay cúi mình và quay trở ra ngoài.

Dương đô đốc đưa tay cản lại :

- Không, Lý thiếu hiệp, bản chức xin giớ thiệu, đây là Dương Tuệ Mẫn, tiểu nữ của bản chức và bản chức vốn muốn được diện kiến với Lý thiếu hiệp từ lâu.

Lý Đức Uy có vẻ bất ngờ, hắn quay lại cúi đầu :

- Giang hồ thảo dân xin tham kiến Dương tiểu thơ.

Như đã từng biết qua phong cách nhân vật võ lâm, Dương Tuệ Mẫn đứng dậy mỉm cười hết sức tự nhiên :

- Không dám, tiện nữ đã từng được gia phụ nói qua, tiện nữ rất mong được hội kiến Lý đại hiệp, hôm nay thật là vinh hạnh.

Lý Đức Uy lại cúi đầu :

- Đa tạ Dương tiểu thơ.

Dương đô đốc đưa tay cười :

- Ngồi, mời Lý thiếu hiệp ngồi, chúng ta nên xem nhau như người nhà chớ đừng khách sáo.

Lý Đức Uy ngồi xong, Dương đô đốc nói tiếp :

- Ngày nay biết nhau, sau này... Lý thiếu hiệp quốc gia còn nhiều rối rắm, chúng ta còn nhiều nương tựa vào nhau và từ đó, mối thâm tình sẽ được ngày thêm thắt chặt, bản chức hy vọng tiểu nữ sẽ được Thiếu hiệp xem như bằng hữu, và bản chức cũng rất muốn dùng tình thân gia đình để tiếp xúc với Lý thiếu hiệp hơn là danh nghĩa của một viên Đô đốc.

Lý Đức Uy cúi mình :

- Đại nhân thương mà dạy thế, chớ thật ra Dương tiểu thơ vốn cành vàng lá ngọc, thảo dân...

Dương Tuệ Mẫn vội khoát tay :

- Tiện nữ biết Lý thiếu hiệp không phải như hạng thường tình rất mong cũng đừng nên dùng lối đối xử với cha cọn tiện nữ như hạng thường tình như thế.

Lý Đức Uy nghiêm giọng :

- Thảo dân biết và cảm kích tình cảm đại nhân và tiểu thơ, chỉ có điều hoàn cảnh hiện tại chưa cho phép vượt quá phạm vi...

Dương Tuệ Mẫn nói :

- Tiểu nữ rất biết quan niệm của võ lâm hào kiệt, nếu bảo không dám sánh thì đáng lý đó là phần của cha con tiện nữ, nhưng tiện nữ nghĩ chắc Lý thiếu hiệp không bao giờ câu nệ.

Dương đô đốc khoát tay :

- Như thế là đã hết lời, Lý thiếu hiệp nên xem như cùng một gia đình là phải. Bản chức muốn hỏi thăm thêm về vị bằng hữu bị thương lúc nãy?

Lý Đức Uy nói :

- Đó là Vân Tiêu, Phân đường chủ của “Cùng Gia bang” tại Trường An, hôm trước thảo dân có nhờ cho anh em “Cùng Gia bang” túc trực âm thầm bảo vệ Đô đốc phủ. Đêm nay có người xâm phạm khiến cho nhiều anh em đã thương vong.

Dương đô đốc ngạc nhiên :

- Có chuyện đó sao? Thế mà bản chức không hay chi cả.

Lý Đức Uy đáp :

- Vì Đô đốc phủ có cao nhân bố trí “Sanh khắc mai phục” bảo vệ nên kẻ xâm phạm không đột nhập được, vì thế nên cuộc chiến chỉ ở ngoài vòng.

Dương đô đốc liếc nhẹ về phía con gái mình và quay qua nói với Lý Đức Uy :

- Bản chức thật vô cùng cảm kích, bản chức sẽ cho mai táng anh em tử vong vào “Anh liệt nghĩa trang” và sẽ chiếu cố gia đình những anh em ấy để đáp tạ phần nào, sau đó bản chức sẽ tâu bẩm triều đình truy tặng.

Lý Đức Uy nói :

- Lòng nhân của Đô đốc thảo dân xin thay mặt “Cùng Gia bang” cảm tạ, chớ thật ra những điều chi khác nữa, anh em đó không bao giờ mong mỏi, vì tất cả đều làm theo ý thức trách nhiệm của một người dân khi quốc gia hữu sự thế thôi.

Dương đô đốc gật đầu :

- Lý thiếu hiệp nói phải nhưng mỗi người đều phải có bổn phận khác nhau, bản chức phải có trách nhiệm với những anh em đã vì nước bỏ mình.

Nói xong, ông gọi vệ sĩ vào ra lịnh mai táng thi hài anh em “Cùng Gia bang” vào liệt sĩ nghĩa trang.

Tên vệ sĩ tuân mạng lui ra, Lý Đức Uy hỏi :

- Đô đốc đại nhân không biết bên ngoài có người xâm phạm nhưng chắc đại nhân biết trong dinh có cao nhân bố trí “Sanh khắc mai phục” chớ?

Dương đô đốc ngập ngừng :

- Điều đó... điều đó chẳng hay...

Lý Đức Uy nghiêm giọng :

- Xin đại nhân cho phép thảo dân nói một lời, đại nhân có thể không hay bên ngoài có người xâm phạm, nhưng thảo dân tin chắc vị cao nhân bố trí “Sanh khắc mai phục” tại đây phải biết. Theo thảo dân nghĩ thì giang hồ bá tánh đều phải có trách nhiệm bảo hộ Đô đốc phủ thiết tưởng cũng phải có nghĩa vụ bảo vệ bá tánh, nhứt là đối với anh em “Cùng Gia bang”, vì họ đã vì bảo vệ Đô đốc phủ mà bỏ ăn bỏ ngũ, thậm chí phải hy sinh tánh mạng! Thảo dân cảm thấy rất khó hiểu, tại sao vị cao nhân đã có thể bố trí được “Sanh khắc mai phục” nghĩa là có được một trình độ võ học và binh pháp khá cao, lại có thể làm ngơ để cho anh em “Cùng Gia bang” ngộ hại?

Dương đô đốc gật gật đầu :

- Lý thiếu hiệp nói phải lắm đó là một điều...

Ông ta ngưng nói quay qua nhìn con gái, mặt ông ta lộ vẻ băn khoăn...

Dương Mẫn Tuệ nhìn thẳng vào mặt Lý Đức Uy, giọng nàng hơi ngập ngừng :

- Lý thiếu hiệp, thật ra thì chẳng qua đó chỉ là phút nghề mọn chẳng đáng cho thiếu hiệp chú ý.

Lý Đức Uy sửng sốt :

- Như vậy Dương tiểu thơ...

Dương Mẫn Tuệ gật đầu :

- Vâng, xin Lý thiếu hiệp cảm thông, năng lực của tiểu nữ chỉ có thể tạm bảo hộ Đô đốc phủ, chớ không làm sao có hễ lo đến bên ngoài, vì thế, cho dầu có biến động ngay cổng cũng không dám động tịnh. Chắc thiếu hiệp cũng đã biết “Sanh khắc mai phục” là thứ dùng để thủ chớ không phải để tấn công.

Lý Đức Uy cúi đầu áy náy :

- Thật là thất lễ, xin tiểu thơ và đại nhân thứ cho, thật tình thảo dân không biết đó là do tiểu thơ bố trí.

Dương Mẫn Tuệ lộ vẻ buồn buồn :

- Lý thiếu hiệp nói như thế là phải lắm, chính trong lòng cũng cảm thấy không yên.

Dương đô đốc nói :

- Tuệ nhi, quả thật con chỉ có thể bảo vệ Đô đốc phủ không chớ không thể đối phó với bên ngoài hay sao?

Dương Mẫn Tuệ cúi đầu :

- Thưa cha, dó là sự thực, chính vì không thể tấn công cho nên tiểu nữ đành phải gạt lệ ngồi nhìn anh em “Cùng Gia bang” thọ nạn, chớ giá như có chút khả năng thì cho dầu nguy hiểm, tiểu nữ cũng tình nguyện cùng những người bạn ấy cộng đồng chống địch.

Dương đô đốc gật đầu và quay qua nói với Lý Đức Uy :

- Hôm đó là Lý thiếu hiệp có hỏi chuyện có người động nhập Đô đốc phủ, nhưng hôm đó vì tiểu thơ chưa diện kiến được nên bản chức không tiện nói, chính người mà thiếu hiệp hỏi đó là tiểu nữ.

Lý Đức Uy ngạc nhiên :

- Thật quả là câu chuyện ngoài dự liệu của thảo dân.

Dương Tông Luân nói :

- Trường Bình công chúa vốn cùng tiểu nữ có chỗ thâm gia nên hàng năm, tiểu nữ đều có nhập cung cùng với Công chúa luyện tập võ đôi ba bận. Lần này khi được tin tây ngũ tỉnh lâm nguy, tiểu nữ từ Bắc kinh cấp tốc trở về không ngờ giang hồ nhân vật hay tin, họ bám riết theo tiểu nữ đến Trường An.

Lý Đức Uy hỏi :

- Dám xin cho thảo dân hỏi mạo muội một điều, chẳng hay tiểu thơ có vật chi trong người không mà họ lại theo dõi như thế ấy?

Dương Mẫn Tuệ cười :

- Đâu có cần gì phải có vật báu trong mình? Lý thiếu hiệp quên rằng tiện nữ xuất phát từ kinh sử sao. Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đủ cho bọn họ theo dõi rồi. Chỉ có điều họ không biết tông tích chính xác vì tiện nữ cải trang, không ngờ có mật chỉ từ triều đình hệ trọng vì thế mà họ bám theo chận cho kỳ được.

Dương đô đốc nói :

- Đó là một chuyện, nhưng cũng có thể sau đó là họ biết chính vì họ biết cho nên muốn bắt tiểu nữ làm con tin để buộc bản chức hoặc giao binh phù tướng ấn, hoặc làm áp lực để bản chức ấn binh bất động.

Dương Mẫn Tuệ nói :

- Nếu nhằm vào mục đích đó thì họ cũng đã lầm, nếu con bị lọt vào tay họ mà không thể thoát thân thì con cũng sẽ hủy mình chớ nhứt định không để cho họ bức bách cha hoặc bức bách Trường Bình công chúa.

Thật là một khẩu khí của một người con gái con nhà trung liệt, Dương Mẫn Tuệ là gái, chớ nếu là con trai thì chắc chắn sẽ kế nghiệp cho cha để gìn giữ biên cương.

Lý Đức Uy nói thật với lòng mình :

- Dương đại nhân và Dương tiểu thơ quả đã làm cho thiên hạ đều cảm phục.

Dương Mẫn Tuệ nói :

- Lâm vào hoàn cảnh đó, tiện nữ ai cũng phải thế thôi, cha con tiện nữ thọ trọng ân của Hoàng gia, chịu trách nhiệm với bá tánh lẽ đương nhiên, phải đem sanh mạng ra mà báo đáp.

Ngưng một giây, Dương Mẫn Tuệ khẽ liếc Lý Đức Uy và nói :

- Trong chuyến đến Kinh sư này, tiện nữ có cùng Công chúa đi săn ở Tây Sơn, cuộc săn bắn đó cũng để vui với nhau, Công chúa gọi là “ân bá”, nghe đâu người ấy có tình bằng hữu với Hoàng gia mà cũng là bậc hữu công giữ nước, đã gặp ban Bố Y Hầu và Ngân bài lệnh.

Lý Đức Uy vụt ngồi thẳng người lên, vẻ mặt hắn vô cùng trang trọng.

Dương Mẫn Tuệ nói tiếp :

- Lão nhân gia biết tiện nữ sắp trở vể Trường An, nên có dặn rằng khi trở về Trường An, nếu có thể và khi cần thiết thì hãy tìm người nghĩa tử của lão nhân gia mà cũng là người kế nghiệp của lão nhân gia nữa, người ấy hồi nhỏ giọ là Tiểu Hắc, nhưng thật thì họ Lý...

Lý Đức Uy thấy không nên che giấu, vì trước khi hắn cũng đã có nói sơ qua về Ngân Bài Lịnh cho Dương đô đốc biết rồi, vì thế hắn vội nghiêng mình :

- Dương tiểu thơ, thảo dân chính là Tiểu Hắc đây.

Dương Mẫn Tuệ nhoẻn miệng cười :

- Như vậy thì vị “truyền nhân” Bố Y Hầu đừng xưng là “thảo dân” mà làm tổn đức cha con tiện nữ.

Lý Đức Uy nói :

- Thật ra thì không phải thế vì năm xưa, nghĩa phụ tôi đã trao trả tước vị “Bố Y Hầu” lại cho triều đình rồi.

Dương Mẫn Tuệ nói :

- Thế nhưng tại triều đình, từ Hoàng thượng cho đến các đại thần đều nhận lão nhân gia vẫn là Bố Y Hầu.

Lý Đức Uy chưa kịp nói thì Dương đô đốc đã đứng lên trố mắt :

- Như vậy Lý Đức Uy đây là nghĩa tử mà cũng là truyền nhân của Bố Y Hầu ư?

Lý Đức Uy đáp :

- Thảo dân chỉ là một đứa trẻ mồ côi từ nhỏ được lão nhân gia dung nạp.

Dương đô đốc lắc đầu :

- Lý công tử tệ thì thôi, sao hồi mới đến Đô đốc phủ không nói rõ để bản chức thất lễ như thế ấy?

Lý Đức Uy đáp :

- Thảo dân phụng mạng hành động là bí mật, đây là ý của gia phụ, sở dĩ gia phụ làm thế là mục đích để cho thảo dân tiện bề ngăn địch, mặt khác để tiện việc sưu tra những quan tham ô lại các nơi, để phòng ngừa hạng mại quốc cầu vinh.

Dương đô đốc nói :

- Lão hầu gia tự nhiên là có dụng ý hay, nhưng riêng với công tử thì xin cho lão phu tránh nghe hai tiếng “thảo dân” như từ bấy lâu nay đi nghe.

Lý Đức Uy đáp :

- Hai tiếng “thảo dân” nếu đại nhân đã dạy thì có thể vâng lời, nhưng hai tiếng “công tử” cũng xin đại nhân thứ cho.

Dương đô đốc cười :

- Được được... vậy thì Đức Uy hiền điệt có được không? Và đừng có gọi là Mẫn Tuệ bằng “tiểu thơ” nghe khách sáo lắm, nếu Lý hiền điệt không chê, lão phu mong được đối xử với tiểu nữ bằng tình huynh đệ, bằng lòng chớ?

Lý Đức Uy liếc nhanh về phía Mẫn Tuệ và cúi đầu :

- Vâng, đại nhân đã dạy thế thì... tiểu điệt nguyện tuân theo.

Mẫn Tuệ nghiêng mặt nhìn Lý Đức Uy bằng dáng cách thân tình :

- Tiểu điệt thì phải rồi, nhưng “đại nhân” hoài như thế, tiểu muội nghe không ổn rồi, Lý huynh.

Lý Đức Uy cũng cười :

- Vâng, lần nữa tiểu điệt được phép gọi là lão bá.

Dương đô đốc cười cởi mở :

- Hiền điệt, Mẫn Tuệ đã công nhận là anh em, vậy hiền điệt nên chiếu cố cho em nó vui lòng, mà cũng là sự ký thác của lão phu nữa đó. Rất mong được hiền điệt lấy tư cách gia đình thân thuộc mà đối xử với nhau.

Lý Đức Uy cúi mình :

- Đa tạ lão bá.

Và hắn quay qua nói thật nhẹ với Mẫn Tuệ :

- Xin Dương hiền muội cho ngu huynh được tuân theo lời dạy của lão bá.

Đô đốc quay lại hỏi con :

- Sao Bố Y Hầu đại nhân đã dặn mà con không cho cha biết?

Mẫn Tuệ đáp :

- Vì lão nhân gia căn dặn đôi ba lần rằng phải gặp tận mặt “Tiểu Hắc” và chỉ nói riêng với “Tiểu Hắc” chuyện ấy thôi, vì thế con không biết có nên thưa lại với cha trước hay không.

Dương đô đốc cười :

- Đức Uy từ nay trở đi, ngoài nhiệm vụ chung của quốc gia, chúng ta còn là chỗ thân tình, bác rất mong cháu cố mà dạy bảo giùm cho Mẫn Tuệ những gì cần thiết.

Mẫn Tuệ nói :

- Hiện tại về sở học, con chỉ tạm thời bảo vệ Đô đốc phủ, bên ngoài chắc chắn phải nhờ cậy Lý huynh.

Lý Đức Uy nói :

- Có được Dương hiền muội bảo vệ Đô đốc phủ, là chia với ngu huynh một trọng trách rồi, như thế ngu huynh từ đây sẽ được yên tâm mà lo việc bên ngoài nhiều hơn trước.

Dương đô đốc chợt thở dài :

- Lão hầu gia niên kỷ đã cao, thế nhưng ngày nay vẫn không được toại hưởng thanh nhan? thật là điều đáng cho bọn triều thần vô loại phải cảm thấy là tủi nhục.

Mẫn Tuệ nói :

- Họ chưa biết lão hầu gia lìa bỏ thảo trang để lo việc nước đâu cha.

Dương đô đốc ngạc nhiên :

- Sao vừa rồi con bảo lão hầu gia đã có mặt tại Kinh sư?

Mẫn Tuệ đáp :

- Hôm trước hoàng thương thân tự viết thư truyền thái giám yết kiến lão hầu gia để triều thỉnh lai kinh giúp nước. Nhưng vì để dễ bề hành động, lão hầu gia công khai từ chối và bí mật về kinh lo lắng bên trong, để cho Lý huynh hành động bên ngoài.

Dương đô đốc quay qua hỏi Đức Uy hiền điệt :

- Có phải thế không, hiền điệt?

Lý Đức Uy đáp :

- Vâng, quả đúng như Dương hiền muội vừa nói.

Dương đô đốc gật đầu :

- Thật là đại hạnh cho quốc gia, chỉ hiềm vì hiện tại cả vùng Tây an này sĩ khí có phần lụn bại, nếu một mai địch nhân dốc toàn lực xâm nhập, thêm vào các lộ phản loạn nữa thì thật là đại nạn lâm đầu...

Lý Đức Uy lộ vẻ buồn buồn :

- Một câu nói của người con gái họ Tổ, đến nay tiểu điệt vẩn còn thấm thía. Chắc lão bá cũng biết mấy năm gần đây, triều đình tham quan ô lại quá nhiều, bá tánh không những bị bỏ rơi mà lại còn bị quá nhiều kềm kẹp, người dân lương thiện chịu không biết bao nhiêu áp bức họ đâm ra bất mãn và chỉ lo tự bảo kỳ thân, không phải họ bây giờ trở thành danh từ trống rỗng, chẳng những họ không được hưởng một quyền lợi nào của một người dân mà họ lại trở thành nạn nhân của bạo quyền chuyên chế, vì không quyền lợi nên, người dân, họ cũng không ý thức trách nhiệm của mình không nói không ý thức được là quá đáng, mà phải nói là họ không thể làm được trách nhiệm ấy, một khi họ không biết làm cho ai hưởng, vì đại diện của triều đình bên cạnh họ hoàn toàn là tham ô hủ bại, hoặc là hạng co đầu rút cổ chỉ biết an thân và bòn rút của dân.

Dương đô đốc cau mặt :

- Hiền điệt muốn nói họ muốn tạo phản?

Lý Đức Uy đáp :

- Không, họ không tạo phản, nhưng họ chỉ mong một cái gì mới lạ hơn là cái mà họ đang bị đè bẹp xuống tận đất sâu.

Dương đô đốc cúi mặt trầm tư :

- Thế nhưng tại sao dân chúng không nghe có sự kêu ca đầu cáo.

Lý Đức Uy nở nụ cười buồn :

- Đại nhân... à không, lão bá có nhớ vụ Đông Xưởng bán bảng danh sách hay không? Giá như chuyện ấy có người dân nào biết thì họ đầu cáo vào ai? Lẽ tự nhiên phải theo luật lệ từ thôn ấp lên huyện tỉnh, nhưng lão bá cũng thừa biết huyện tỉnh thì có nghĩa lý gì đối với cơ quan “Đông Xưởng”, lão bá phải biết đầu cáo chưa ra khỏi nhà thì người dân đã được bịt miệng mất rồi!

Dương đô đốc cau mặt :

- Sao lại...

Lý Đức Uy chận nói :

- Trong khi giặc cướp nổi lên bốn hướng, thêm vào đó còn có những thế lực âm mưu khuynh đảo triều đình, cộng với đạo quân gián điệp Mãn Châu, xâm nhập, lão bá thấy người dân có dễ bị bịt miệng hay không? Chỉ cần một cái tội gì đó, một cái tội danh vu vơ nào đó, người dân cũng bay đầu như bỡn, hỏi ai là người dám nói chuyện đầu cáo quan tham ô lại? Vì thế, họ chỉ lo cho cái thân của họ còn không xong, tinh thần đâu để lo chuyện gánh vác chuyện non sông!

Dương đô đốc vừa định nói thì Lý Đức Uy đã nói luôn :

- Đó là câu nói ẩn ý chua cay của người con gái nhà họ Tổ, một người con gái trâm anh học thức dám nói thẳng ra điều đó, chớ người dân thường không thể nói, họ không dám nói, không biết nói, nhưng họ hiểu rất rõ ràng và họ hiểu rõ phải làm gì.

Đôi mày rậm của Dương đô đốc càng nhíu lại thật sâu :

- Đức Uy, như thế thì ta sẽ dựa vào đâu?

Lý Đức Uy đáp :

- Cuộc diện chung là như thế, song cũng còn nhiều phần tử trong dân chúng vẫn cố gắng góp sức mình, nếu song song với việc đối ngoại, chúng ta lo được việc chỉnh đốn nội tình, làm cho người dân tin tưởng thì đại cuộc không phải là bi đát. Chẳng hạn như anh em “Cùng Gia bang” đã biểu lộ ý chí vừa rồi.

Dương đô đốc như sực nhớ ra, ông ta hỏi :

- Nghe nói anh em “Cùng Gia bang” người mà cũng tài nghệ siêu quần, các phe phái giang hồ ít ai dám vô cớ đụng vào, nhưng không hiểu sao hôm nay “Cùng Gia bang” lại bị bại một cách thê thảm như thế này?

Mẫn Tuệ nói :

- Thật ra đây chỉ là một bộ phận nhỏ của Phân đường Trường An của “Cùng Gia bang” thôi chứ đâu phải là bộ phận, thưa cha.

Lý Đức Uy lắc đầu :

- Cho dầu cao thủ ưu hạng của Tổng đường “Cùng Gia bang” cũng không thể thắng được người này.

Mẫn Tuệ nhướng mắt :

- Ai thế, Lý huynh?

Lý Đức Uy cúi đầu ủ dột...


/92

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status