Chờ Đợi Giọng Nói Của Em

Chương 23: BÀ NGOẠI HAY BỐ MẸ?

/25


Vũ Ti, nữ, mười lăm tuổi, học sinh cấp hai

Từ nhỏ tôi đã ở với bà ngoại và chưa từng được biết mặt bố mẹ mình. Bà ngoại tôi trông rất trẻ; còn nhớ ngày trước có người tưởng nhầm bà là mẹ đẻ của tôi. Bà ngoại vốn làm việc và sinh sống ở một thành phố khác nên ở đây chúng tôi gần như không có người quen, trong cuộc sống đôi khi cảm thấy có phần cô đơn. Tôi lớn lên trong vòng tay yêu thương và sự dạy bảo nghiêm khắc của bà, người thân yêu duy nhất trong cuộc đời tôi!

Ngay từ khi biết nhận thức, tôi đã hỏi bà ngoại rằng: “Bố mẹ cháu đâu?”. Bà ngoại nói: “Họ đều ở nước ngoài rồi!”. Tôi lại hỏi: “Sao bố mẹ không về thăm cháu?”. Bà ngoại tôi nói nước ngoài ở rất xa, những người ra nước ngoài thường không dễ gì quay về được. Về sau, lúc tôi lớn hơn một chút, thấy cô dì và cậu tôi viết thư, gọi điện cho bà ngoại, tôi bèn hỏi bà rằng tại sao bố mẹ tôi không chịu viết thư, gọi điện về cho hai bà cháu? Lần đó, bà ngoại rất bực tức, liền giận dữ nói với tôi rằng: “Bố mẹ cháu đều chết ở nước ngoài hết rồi!”. Có lẽ thời gian đã khá lâu rồi nên bà không còn nhớ chuyện hôm đó nữa. Nhưng tôi không bao giờ quên được sự kinh hãi của tôi lúc đó, vì nghĩ rằng đó là sự thật. Tôi thật sự cho rằng bố mẹ tôi đều đã chết. Đối với một đứa trẻ, chuyện chết chóc là một điều cực kì thần bí, cực kì khủng khiếp, nhất là khi nó lại xảy ra đối với bố mẹ mình.

Kể từ giờ phút đó, tôi luôn cho rằng bố mẹ mình đã không tồn tại trên đời này nữa. Khi nhìn thấy những bạn nhỏ khác được làm nũng bố mẹ, tôi lại cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ họ. Rất nhiều lần tôi tôi nằm mơ thấy mẹ đang đi về phía tôi… Nhưng mỗi lần nghĩ đến đó, nước mắt tôi chỉ trực trào ra.

Năm tôi mười bốn tuổi, bà ngoại tôi đã yếu đi nhiều. Dì tôi ở mãi tận Đại Liên xa xôi đã đón hai bà cháu tôi về đó suốt mấy tháng hè. Lúc đó, tôi mới biết được toàn bộ câu chuyện về bố mẹ tôi từ người anh họ của mình.

Anh họ tôi học đại học năm thứ nhất, khoa Trung văn. Anh đã xúc động kể lại câu chuyện tình yêu của bố mẹ tôi; anh còn thể hiện sự khâm phục đối với bố mẹ tôi.

Trước khi tôi ra đời, ông ngoại tôi là giáo sư của một trường đại học ngoại ngữ. Mẹ tôi là con gái út của ông bà, cũng là cô con gái được ông bà yêu thương và chiều chuộng nhất. Tính cách mẹ tôi hơi phóng túng, không chịu chăm chỉ học hành nên đã thu trượt đại học. Về sau, mẹ tôi thích một người học trò của ông ngoại, người đó chính là bố tôi. Bố tôi xuất thân trong một gia đình nghèo khó, mặc dù ông ngoại rất coi trọng bố tôi nhưng do mang nặng quan niệm về xuất thân nên bà ngoại đã tìm mọi cách ngăn cản tình yêu của hai người. Mẹ tôi vẫn một lòng một dạ yêu bố.. Ông ngoại lúc đó đã nghiêng về phe của bà ngoại, khiến cho bố mẹ tôi bị cô lập hoàn toàn. Lúc bố tôi sắp tốt nghiệp đại học thì tin dữ ập đến, mẹ đã mang thai. Kết quả là bố tôi bị nhà trường đuổi học. Mẹ tôi kiên quyết sinh tôi, năm đó mẹ tôi mới mười tám tuổi. Tin đó làm cho ông bà ngoại tôi vô cùng mất mặt trước mọi người. Ông nội tôi vì huyết áp cao mà đột ngột qua đời. bà ngoại tôi lập tức bảo một người cậu tôi lúc đó đang sống ở nước ngoài đưa mẹ tôi xuất ngoại, vĩnh viễn không quay lại nữa. Lúc đó tôi được bà ngoại nuôi nấng. Bà đem tôi về quê bà, chính là nơi chúng tôi sống bây giờ.

Anh họ tôi nói mẹ tôi ở nước ngoài nhưng vẫn luôn tìm cách liên lạc với bố tôi. Bốn năm sau, tình cờ hai người liên lạc được với nhau. Sau khi bị nhà trường đuổi học, bố tôi không quay về quê mà bỏ đến Thâm Quyến và xây dựng sự nghiệp ở đó. Thế nhưng vừa nhận được tin của mẹ, bố tôi đã từ bỏ tất cả mọi thứ để đi Mỹ tìm mẹ. Trước khi đi, bố đã đến tìm bà ngoại, xin bà cho gặp tôi (bố tôi biết tin tức của tôi từ mẹ), nhưng bị bà ngoại một mực cự tuyệt. Bà ngoại nói bà sẽ không bao giờ nhận mẹ tôi nữa!

Nghe câu chuyện của bố mẹ, tôi không cầm được nước mắt. Anh họ tôi nói, bố mẹ tôi ở nước ngoài, cuộc sống rất khó khăn, nhưng hiện nay họ đã tìm được công việc, thậm chí còn sinh được cho tôi một cậu em trai nữa. Anh họ còn tiết lộ cho tôi một tin: “Bà ngoại đã đồng ý cho bố mẹ đón em sang Mỹ học”. Tôi không hiểu được, bà ngoại vốn tính cố chấp, tại sao lại tự nhiên thay đổi chủ kiến? Nói thật, khi mới nghe được tin này, vì ngạc nhiên mà tôi cảm thấy có chút vui mừng. Nhưng được một lúc, tôi lại cảm thấy buồn, thậm chí còn thấy hoang mang bởi vì tôi không muốn rời xa bà ngoại. Mười bốn năm nay, tôi chưa từng rời bà ngoại một bước. Bà lo lắng cho tôi đến bạc cả mái đầu. Còn bố mẹ vẫn luôn là một dấu hỏi lớn trong lòng tôi. Hơn nữa, cứ nghĩ mình sắp phải sống cùng với họ, tôi lại cảm thấy hoang mang. Xét cho cùng thì tôi chưa từng gặp mặt bố mẹ mình, không biết sau khi đến đó, tôi có thể sống hòa thuận với bố mẹ mình được không? Mặc dù bố mẹ đã sinh ra tôi, nhưng hiện nay bố mẹ đã có thêm một đứa con trai rồi, liệu tôi có phải là kẻ thừa thãi hay không?

Sau kì nghỉ hè, hai bà cháu tôi quay trở về nhà. Bà ngoại tôi không nhắc gì đến chuyện bố mẹ tôi cả, chỉ bảo tôi đăng kí một lớp học luyện thi tiếng Anh. Tôi hiểu rằng bà ngoại tôi đã quyết định cho tôi ra nước ngoài rồi!

Giờ đây, trong lòng tôi rất mâu thuẫn, bởi vì sức khỏe của bà ngoại ngày một yếu đi. Bà ngoại đã nuôi nấng tôi mười lăm năm trời, tôi có trách nhiệm phải báo đáp công ơn của bà, phụng dưỡng bà lúc về già. Lúc này mà rời xa bà, tôi làm sao có thể yên tâm được? Hơn nữa, nước ngoài là một thế giới hoàn toàn xa lạ đối với tôi. Mặc dù trình độ tiếng Anh của tôi trong lớp coi là khá ổn, nhưng khẩu ngữ còn kém lắm, sợ rằng ra nước ngoài không hiểu người ta nói gì. Tôi sợ mình không thể thích nghi với môi trường sống mới. Còn nữa, bố mẹ tôi, người mà tôi chưa từng gặp mặt, rốt cuộc là người như thế nào? Cứ nghĩ đến chuyện này là tôi không nén được tiếng thở dài buồn bã!

Hôm qua, bà ngoại tôi chính thức nói với tôi chuyện ra nước ngoài. Bà nói thủ tục của tôi cũng sắp xong, hành lí của tôi bà đã chuẩn bị đủ. Giọng điệu của bà lúc đó là giọng điệu không cho phép tôi lên tiếng phản đối. Tôi chỉ muốn khóc, nhưng bà ngoại không cho tôi khóc, tôi đành phải nuốt nước mắt vào trong. Xem ra, vận mệnh của tôi đã được sắp đặt xong rồi, có lẽ tôi đành tuân theo số mệnh của mình thôi!

Chat room

Mặc dù bà ngoại của Vũ Ti có tác phong và nhược điểm của một người gia trưởng nhưng vẫn không mất đi sự vĩ đại của một người phụ nữ. Vũ Ti ra nước ngoài cũng đừng bao giờ quên công ơn nuôi dưỡng và dạy dỗ của bà ngoại đối với mình. Vì nguyên nhân đặc biệt mà bố mẹ Vũ ti không thể ở bên cạnh con gái suốt mười lăm năm trời, nhưng tôi tin rằng, suốt mười lăm năm qua, bố mẹ cô bé vẫn luôn giành tình yêu thương cho đứa con ruột thịt của mình. Đương nhiên, những lo lắng của Vũ Ti không phải là không có lí. Dù sao thì Vũ Ti và bố mẹ đã xa cách nhau đến mười lăm năm rồi. Do sự khác biệt về tuổi tác, môi trường sống nên để có thể sống hòa thuận với bố mẹ mình, cần phải có sự cố gắng của tất cả mọi người. Tôi tin rằng Vũ Ti và bố mẹ cô bé sẽ làm được điều này!

Trước khi đi, Vũ Ti có thể bàn bạc với các cô cậu trong gia đình để lo ổn thỏa mọi chuyện về bà ngoại. Bà ngoại sức khỏe đã yếu, cần có người chăm sóc; người già thường sợ cô đơn, cần có người để bầu bạn… Tất cả những chuyện này, mặc dù nên do những người lớn trong nhà lo liệu, nhưng Vũ Ti cũng không còn nhỏ nữa, mọi chuyện về bà ngoại, cô bé cũng cần phải hỏi han, tìm hiểu cho rõ ràng mới có thể yên tâm lên đường. Giả sử không thể thích nghi được với cuộc sống ở nước ngoài, bất cứ lúc nào Vũ Ti cũng có thể quay về nhà. Nơi đây mãi mãi vẫn là hậu phương vững chắc của cô bé!

KHI SỨC CHỊU ĐỰNG CÓ HẠN

Tiểu Phong, nam, mười ba tuổi, học sinh cấp hai

Tôi là học sinh lớp bảy, ngay từ nhỏ đã được ông bà nội rất yêu thương. Mặc dù vậy, ông bà không bao giờ nuông chiều tôi quá mức. Lúc lên sáu tuổi, tôi đã biết giúp mẹ làm một số việc vặt ở trong nhà. Ở trường, tôi cũng chăm ngoan và hòa đồng nên được thầy cô và các bạn rất yêu quý.

Năm ngoái, dì tôi ở Thanh Đảo đã gửi con gái về nhà tôi ở vì chú dì phải ra nước ngoài du học. Thế là những ngày tháng tươi đẹp của tôi không còn nữa.

Cô em họ của tôi tên là Thiên Thiên, năm nay bảy tuổi, học lớp hai. Lúc mới đến nhà tôi, Thiên Thiên rất ngoan, cả nhà ai cũng yêu quý cô bé, đặc biệt là tôi. Tôi đem tất cả đồ chơi và đồ ăn ngon của mình cho em. Thiên Thiên thích thứ gì, tôi liền cho em ấy thứ đó. Thiên Thiên đang học ở một trường tiểu học cách nhà tôi không xa lắm. Hằng ngày, nếu không phải ông nội thì sẽ là tôi đi đón cô bé. Bởi vì tôi đi học sớm, tan học lại muộn nên thường chỉ có Thứ Bảy với Chủ Nhật là tôi đi đón Thiên Thiên (cô bé học cả vẽ và múa). Khi đèo Thiên Thiên bằng xe đạp, trong lòng tôi cảm thấy rất tự hào. Trên đường, nếu có gặp bạn bè, tôi lập tức chào họ thật to…

Thế nhưng, Thiên Thiên ngày càng bộc lộ tính xấu của mình, đặc biệt là với tôi. Cô bé rất bướng bỉnh và ương ngạnh. Có một lần, tôi mượn của bạn cùng lớp cuốn Tuyết Gia về nhà đọc, Thiên Thiên nhìn thấy liền đòi cho bằng được. Tôi biết Thiên Thiên thường vừa đọc vừa vẽ vào sách (tất cả sách của tôi đều bị cô bé vẽ linh tinh lên rồi), thế nên nhất quyết không cho cô bé mượn. Thế là cô bé ngồi phịch xuống sàn nhà, khóc ầm ĩ để ăn vạ. Ông bà nội và cả bố mẹ tôi đều ra sức bênh vực Thiên Thiên, không những bắt tôi phải cho cô bé mượn sách mà còn mắng tôi một trận nữa. Tôi biện hộ cho mình vài câu liền bị mẹ nói: “Thiên Thiên là khách, không chừng vài hôm nữa sẽ sang Mỹ, đến lúc đó muốn gặp em cũng không được; hơn nữa em nó còn nhỏ, con là anh nên biết nhường nhịn em mới phải”. Kết quả là cuốn truyện đó bị Thiên Thiên tô vẽ linh tinh, thậm chí cô bé còn xé hai trang, kẹp vào sách ngữ văn và nhất định không trả lại tôi. Tôi tức đến phát điên lên mà không biết làm thế nào, cuối cùng đành phải mua một cuốn truyện mới để đền cho bạn.

Kể từ đó, tôi rèn luyện cho mình tính “nhẫn nại”. Đến giờ ăn cơm, mẹ nấu toàn món ăn ngon, nhưng Thiên Thiên nhất định không chịu ăn, đòi ăn thịt ngan quay. Thế là bố lại bắt tôi đạp xe đi mua ngan quay về cho cô bé. Mặc dù không muốn đi nhưng tôi cũng không nói gì, đành chịu đựng cơn đói cồn cào trong bụng và phóng xe đi mua ngan quay cho Thiên Thiên. Máy tính của tôi bây giờ cũng bị Thiên Thiên chiếm mất rồi. Cô bé không biết làm gì khác ngoài chơi điện tử. Thiên Thiên không chịu chơi một mình, nhất định đòi tôi phải ngồi bên cạnh xem và hướng dẫn cô bé. Một hôm, do ngày hôm sau tôi có bài kiểm tra tiếng Anh nên bố tôi đề nghị hôm đó bố sẽ ngồi chơi điện tử với Thiên Thiên. Thiên Thiên không nghe, khóc ầm lên; thế là bố tôi đành phải để tôi ngồi chơi với cô bé. Lúc đó, tôi như kiến bò trên chảo nóng, vô cùng sốt ruột. Chờ mãi Thiên Thiên mới lên giường đi ngủ, rồi tôi mới được ngồi vào bàn ôn bài. Hôm đó, tôi phải ôn bài đến tận mười hai giờ đêm, ngủ cũng không ngon giấc. Thế nên đến khi làm bài kiểm tra, tôi cứ như người trên mây.

Tôi cảm thấy rất kì lạ là tại sao một đứa trẻ như Thiên Thiên lại có thể chơi rất hòa đồng với bạn bè cùng lớp. Thỉnh thoảng Thiên Thiên dẫn bạn học về nhà chơi, làm cho tôi chóng hết cả mặt, lúc thì chúng cầm cái nọ, lúc lại lấy cái kia cho cô bé. Cô bé tỏ ra rất thân thiện với bạn bè. Nghe mẹ nói, lúc Thiên Thiên mới chuyển đến, cô bé không chơi được với ai trong lớp, còn hay cãi nhau, thậm chí đánh nhau với bạn. Cô giáo thường xuyên gọi điện cho gia đình tôi, nói rằng Thiên Thiên ở lớp rất bướng bỉnh. Bà nội tôi nói, con gái bướng bỉnh một chút cũng tốt, không sợ bị người khác bắt nạt. Về sau, cô giáo của Thiên Thiên gọi điện đến nói Thiên Thiên đã sửa đổi tính nết, chịu hòa đồng với các bạn trong lớp. Tôi không thể hiểu nổi tại sao cô bé lại không sửa đổi được tật xấu của mình ở nhà cơ chứ?

Bây giờ tôi ngày đêm mong ngóng dì mau chóng quay về đón Thiên Thiên sang Mỹ, cho cô bé sang Mỹ tha hồ mà làm vương làm tướng! Mỹ là bá chủ thế giới, cho con gái Trung Quốc sang đấy làm vương làm tướng, sẽ thể hiện oai phong của người Trung Quốc chúng ta. Nhưng dì lại gọi điện về báo tình hình không mấy khả quan, dì không xin được thẻ định cư cho Thiên Thiên. Điều đó có nghĩa là Thiên Thiên sẽ còn ở lại nhà tôi dài dài.

Từ nhỏ đã ở với ông bà nội nên tôi có tình cảm rất sâu sắc với ông bà. Thế nhưng Thiên Thiên thì khác. Với tính cách tùy tiện của mình, Thiên Thiên thường bắt tội ông bà đến mệt lử người. Một hôm, ông nội đạp xe đi đón Thiên Thiên. Giữa đường gặp mưa, ông nội bèn dẫn Thiên Thiên vào vỉa hè tránh mưa, nhưng cô bé dứt khoát không nghe, đòi ông nội phải đèo mình đi trong mưa. Thiên Thiên có tật xấu là trong nhà có ai bảo em ấy làm gì là y như rằng em ấy đòi làm ngược lại. Kết quả là hôm đó về nhà, người ông nội ướt sũng, cả nhà ai nấy đều kinh ngạc và lo lắng. Ông nội bị mắc bệnh ho khá nặng, không may tái phát sẽ rất nguy hiểm. Tôi vội vàng lấy khăn bông khô cho ông lau người, rồi chạy vào nhà vệ sinh vặn nước tắm cho ông. Hôm đó, tôi lo lắng đến phát khóc, tôi nói với ông: “Ông không chịu giữ gìn sức khỏe, nhỡ ốm ra đấy thì sao?”. Tôi thương ông nội nên mới nói như vậy. Ông chỉ xoa xoa đầu tôi, cười bảo: “Cháu ngoan, ông không sao đâu!”. Tôi vẫn khóc, bụng thầm nhủ: “Thiên Thiên, mày mau đi đi, nếu không ông bà tao sẽ bị mày hại chết mất!”

Có lúc nhìn thấy mọi người trong nhà đối xử với tôi và Thiên Thiên với thái độ khác nhau, tôi lại nghi ngờ không biết có phải mọi người đang “trọng nữ khinh nam” hay không? Mọi người nói con trai thường được yêu chiều hơn con gái, vậy mà ở nhà tôi lại hoàn toàn ngược lại. Nếu như lúc Thiên Thiên mới đến, tôi thích cô bé bao nhiêu, coi cô bé như công chúa trong nhà thì bây giờ, trong mắt tôi, Thiên Thiên chẳng khác gì một con quỷ nhỏ. Hằng ngày tan học về nhà, tôi không muốn nhìn thấy Thiên Thiên nữa; cứ nghe thấy tiếng cười nói và khóc ăn vạ của Thiên Thiên là đầu óc tôi lại vô cùng căng thẳng. Ôi, cứ như thế này tôi biết phải làm sao đây?

Chat room

Có thể Thiên Thiên vốn không phải là một cô bé bướng bỉnh, ương ngạnh và vô lí như thế; chỉ khi phát hiện ra rằng bướng bỉnh không hề có lợi cho bản thân, cô bé mới có thể tự thay đổi. Đáng tiếc mọi người trong gia đình Tiểu Phong lại quá nuông chiều cô bé, khiến cho Thiên Thiên có những suy nghĩ sai lầm. Tôi cảm thấy gia đình Tiểu Phong như chẳng có chút quy tắc, nề nếp gì, chẳng ai biết tức giận bao giờ, cứ như một cục bột mì có thể cho cô bé tự do nhào nặn. Đồng thời, sự chịu đựng của Tiểu Phong lại trở thành hành vi xúi giục cho cô bé.

Tiểu Phong phải đối mặt với cô bé hằng ngày, vì thế Tiểu Phong nên biết cách xử lí tốt mối quan hệ của mình với cô em họ. Điều này có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng đến chất lượng cuộc sống của Tiểu Phong. Vì thế, trước tiên Tiểu Phong nên thay đổi thái độ chịu đựng của mình đối với Thiên Thiên, đồng thời học cách thuyết phục người lớn trong gia đình thay đổi thái độ đối xử với cô bé. Điều này sẽ có lợi cho sự trưởng thành của cô bé. Nếu như cậu bé Tiểu Phong mười ba tuổi có thể giải quyết được một vấn đề khó như vậy trong cuộc sống, tôi tin chắc rằng Tiểu Phong sẽ có những tiến bộ lớn trong khả năng giao tiếp xã hội sau này.


/25

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status