Bùa May Mắn

Chương 15 - Chương 15

/27


Những chi tiết

Thời điểm tốt nhất để kết bạn là trước khi bạn cần đến họ.

Ethel Barrymore

Mỗi phút của tuần kế tiếp đã được lên kế hoạch đâu ra đó. Ngay khi tôi quay về sau khi đã thả Summer, Emerald, Jesse và bạn bè của chúng xuống khu cắm trại thuộc nhà thờ trên một bãi biển ở Tillamook, là đã đến lúc chuẩn bị chỉnh đốn lại nhà cửa và sân vườn cho chuyến đi thăm Realtor vào cuối tuần tới.

Dù đã có sự giúp đỡ của con trai cả và con trai út nhưng danh sách các việc phải làm vẫn làm tôi nản lòng. Mọi cây cỏ trong vườn đang đua tranh mọc trong một cuộc tranh tài về chiều cao. Bãi cỏ trong vườn giờ đã như một cánh đồng hoang, đám cây bụi đã mọc lan đến khu rừng lân cận, còn lối đi đã biến mất từ vài tháng trước. Trong nhà chẳng khá gì hơn. Giữa những thời khóa biểu và mỗi tuần đi cả năm trăm dặm chở hết đứa này đến đứa kia đến các lớp học và những cuộc hẹn khác nhau, thời gian được nhín ra cho việc nhà teo lại nhỏ xíu cho đến lúc mất hẳn.

Mặc dù vậy, đây là cơ hội cuối cùng để bán nhà và đối mặt với chuyện xiết nợ, vì thế chúng tôi có ý định phải giải quyết gọn đám hổ lốn và các bụi cây trong vài ngày tới và làm cho nơi ở thật đẹp đẽ.

Ba tiếng đồng hồ ngắn ngủi sau chuyến đi lòng vòng cả bốn tiếng đồng hồ, chuông điện thoại reng. Jesse bị ốm, và người lãnh đạo chuyến đi chơi của bọn trẻ rất lo lắng bởi vì thằng bé trông có vẻ mỗi lúc một nóng nhiều hơn. Với niềm hy vọng là chẳng qua do thằng bé nghịch ngợm quá nên mệt, tôi yêu cầu cho nói chuyện với Jesse. Mẹ ơi, con thật sự không khỏe, nó thì thào. Mẹ đến ngay đây, tôi bảo với nó.

Réo, thằng con đang tuổi thiếu niên, đổ bình cà phê espresso tôi mới pha vào một cái bình thủy, tôi mặc vội một chiếc áo sạch, quơ lấy chùm chìa khóa, cái ví và cái bình thủy, tôi quay xe lại.

Jesse rất nóng khi tôi lái xe vào trong trại lúc mười giờ đêm hôm đó. Quay trở lại con đường núi ngoằn ngoèo ven biển, tôi tự hỏi không biết mình có nên dừng lại ở một thị trấn nhỏ nào đó để nhờ giúp đỡ không. Nhưng không được, nếu như chẳng có cái bệnh viện nào, chúng tôi lại phải chờ một xe cứu thương hay một chiếc trực thăng đến.

Chiếc Suburnban bám lấy mặt đường, mấy chiếc bánh xe muốn bắn ra ngoài sau mỗi cú ngoặt cua quá nhanh. Ở băng ghế giữa, Jesse ngã dụi qua một bên, nóng phừng phừng và chẳng còn biết gì.

Nhân viên trực phòng cấp cứu chạy ngay ra xe, liếc nhìn thằng bé thật nhanh và gọi đem giường chuyển bệnh nhân đến. Họ bỏ qua công đoạn làm thủ tục và đẩy thằng bé qua mấy cái cửa trước khi đi vào phòng phẫu thuật, bỏ tôi đứng lục tìm thẻ bảo hiểm ở chỗ tiếp nhận bệnh.

Trong vòng vài phút Jesse được gắn ống truyền dịch, thuốc kháng sinh và dịch truyền chảy vào mạch máu của nó. Mười phút sau bác sĩ phẫu thuật đến, bà vừa đi vừa cởi áo khoác ra, giải thích cho tôi - đang rảo bước sát bên, Ruột thừa của thằng nhỏ có thể đã thủng. Tôi sẽ cho chị biết ngay khi tôi xong. Cánh cửa sập lại ngay sau bà.

Lúc ấy là 1g15 sáng. Phòng chờ bên ngoài phòng phẫu thuật không một bóng người.

Cuối cùng thì cánh cửa cũng mở ra, và bác sĩ phẫu thuật trông kiệt sức như tôi, xuất hiện. Vâng, Jesse bình an, nhưng thằng bé cần phải ở lại bệnh viện vài ngày. Tôi được phép ở lại trong phòng nó.

Mặt trời đang nhú dần trên nền trời khi Jesse được đẩy vào một cái phòng. Tôi ngồi cạnh nó, nhìn ánh dương đang bừng sáng bên ngoài, và chờ nó thức dậy.

Đến bảy giờ thì nó thức và mặc dù trông còn mệt mỏi nhưng có thể thấy được là nó đã khá hơn. Những nút thắt quanh trái tim tôi lỏng ra. Và khi thằng bé xinphép tôi được ăn điểm tâm bằng món kem lạnh, nỗi lo sợ trong tôi mới hoàn toàn được cởi bỏ.

Trong vòng một tiếng đồng hồ, bác sĩ đến. Mọi thứ đều ổn cả. Jesse đã làm cho cô y tá phì cười khi nó hỏi xin kem, dù lẽ ra nó phải bằng lòng với mấy thứ dịch truyền và thức ăn lỏng thêm vài giờ nữa.

Khi Jesse bắt đầu ngủ trở lại, đầu óc tôi lúc này đã thoát khỏi những nỗi lo sợ về nó, bắt đầu nhớ lại mọi thứ ở nhà vẫn đang đợi được hoàn tất. Chết rồi, ai sẽ chở mấy đứa con gái về nhà đây? Trước khi đầu óc tôi kịp chuyển sang trạng thái hoảng sợ thì cửa phòng bật mở, và một thành viên trong nhà thờ của chúng tôi đến, tay cầm nào là bong bóng cho Jesse và cà phê sữa cùng bánh nướng nhân mứt cho hai mẹ con chúng tôi.

Khi cô ấy ra về, những căng thẳng và sự mất ngủ bắt đầu tác động, và tôi nằm co trên chiếc giường xếp, cạnh bên giường của Jesse. Trước khi tôi bắt đầu thiếp đi, tôi thầm cầu khẩn cao xanh phù hộ, chăm lo mọi thứ cần phải làm cho tôi. Xin Thượng đế vui lòng coi sóc mọi chi tiết cho con. Con quá mệt mỏi rồi.

Đến chiều, chuông điện thoại bắt đầu reng, và mọi người bắt đầu gọi đến để hỏi thăm người bệnh và đề nghị giúp đỡ hai mẹ con. Có ai đó báo cho những người chỉ huy chuyến dã ngoại ở Tillamook, và một vị phụ huynh khác đưa các con gái của tôi về nhà.

Summer và Emerald đến bệnh viện vào cuối chiều hôm ấy, vừa kịp lúc một người bạn của tôi đến đưa bọn trẻ, cùng với thằng em út Larkin của chúng, đi ăn pizza và kem. Bạn bè cứ như xuất hiện từ những nơi nào chẳng rõ lăng xăng giúp đỡ chúng tôi, ngồi chơi với chúng tôi đủ lâu để tôi có thời giờ tắm táp và thay đồ.

Những ngày ở bệnh viện trôi qua nhanh chóng, nhờ Jesse sớm hồi phục và nhờ có sự hỗ trợ liên tục của bạn bè và hàng xóm láng giềng.

Vào thứ Sáu, Jesse xuất viện và chúng tôi lên đường về nhà. Tôi khiếp hãi khi nhận ra mình đã quên hủy bữa tiệc sẽ diễn ra vào ngày hôm sau, và tôi bắt đầu nhẩm trong đầu danh sách mọi việc cần làm để bù vào cho cả một tuần vắng nhà.

Khi chúng tôi de xe nơi lối vào nhà, phải mất cả một phút mới nhận ra chuyện gì đang xảy ra. Xe cộ đậu khắp mọi nơi.

Dụng cụ làm vườn và xô chậu được xếp gọn trong nhà xe. Từ quanh khu vườn cất lên tiếng rì rì của máy cắt cỏ, của máy xén cây và tiếng người nói chuyện, có rất nhiều tiếng người nói chuyện.

Tiếng ồn ào đột nhiên ngừng lại, và bạn bè chạy đến chào đón Jesse trước khi quay trở lại với công việc của mình. Trong nhà mức độ ồn ào có thấp hơn nhưng mức độ hăng say làm việc cũng tương tự. Con cái của bạn bè đang làm việc với mấy đứa con của tôi, lau chùi lò, cọ rửa bếp, quét dọn, hút bụi và sắp xếp lại tủ chén bát.

Sau khi Jesse đã ngồi yên vị trên một chiếc xô pha với một quyển sách và một ly nước trái cây, tôi lững thững đi ra đi vào, mệt mỏi và choáng ngợp. Nơi nào tôi đi qua cũng có một gương mặt thân quen, thường là rất nhọ nhem, lấm bẩn, đang tươi cười với tôi, và những cánh tay phủ đầy bụi bặm, cỏ rác chìa ra ôm lấy tôi.

Nước mắt tôi chợt trào ra đầy biết ơn, tôi nhớ lại cái lời cầu nguyện nhờ Thượng đế giúp đỡ trước khi thiếp ngủ của mình. Thượng đế đã đáp lại, đặt những chi tiết an toàn vào những bàn tay thương yêu của bạn bè thân hữu.

LIZANNESOUTHGATE

Biết được khi nào

Chúng ta rất giàu có nếu như chúng ta biết được một ít người theo cách mà chúng ta chẳng biết được ai.

Catherine Bramwell-Booth

Sau khi dời nhà đến một bang mới, tôi kiếm cách gặp gỡ những người mới. Thế rồi trước sự vui mừng của tôi, người hàng xóm sống trong khu nhà phía sau khu nhà của tôi đã đi về hướng của tôi. Cô ấy nở một nụ cười thân thiện, cất tiếng chào ấm áp, và cho tôi biết tên cô ấy là Evelyn, rồi cô ấy chuyện trò với tôi rất thân tình. Chẳng có nghi lễ nào, hoặc chẳng ai trong chúng tôi nhận ra điều đó, chúng tôi đã nhanh chóng trở thành bạn của nhau.

Khả năng canh thời gian một cách chính xác của Evelyn không bao giờ ngừng làm tôi kinh ngạc.

Cô ấy luôn biết khi nào...

Vào những lúc vui vẻ, hạnh phúc, cô ấy biết khi nào để cười và chia sẻ niềm vui với tôi.

Nếu tôi có chuyện bực bội, cô ấy biết khi nào mang sôcôla đến và lắng nghe trong khi tôi trút nỗi bực trong mình.

Suốt những phút giây đau buồn, cô ấy biết khi nào đưa khăn cho tôi để chúng tôi có thể khóc cùng nhau.

Nếu tôi có do dự, trù trừ trước một chuyện gì, cô ấy biết khi nào đến khích lệ tinh thần tôi đừng bỏ cuộc.

Sự hỗ trợ của cô ấy, dù qua điện thoại, đến thăm hay qua vài dòng trong thư, luôn đến chính xác lúc tôi cần nó.

Một lần nọ việc cô ấy biết khi nào cần làm điều gì đó cứu đời tôi...

Cái ngày tôi sinh đứa con thứ năm trễ hơn dự báo. Những người thân trong gia đình đang chờ đợi cú gọi điện thoại cầu cứu của chúng tôi để họ có thể giúp chăm sóc bốn đứa con đầu của chúng tôi.

Vì thời gian và lịch làm việc cho phép nên Eddie, chồng tôi, sẽ chăm lo cho ba đứa con trai đang tuổi đi học của chúng tôi, nhưng do lịch làm việc không đều, anh ấy không thể xoay xở cách nào để lo được cho con gái một tuổi của chúng tôi.

Evelyn, bạn tôi, đã không chần chừ đề nghị, Tớ sẽ trông con bé cho cậu bao lâu tùy cậu.

Tôi nhẹ hết cả người khi con cái đứa nào cũng sẽ được chăm lo. Mọi việc tôi phải làm là sinh đứa nhỏ này và quay về nhà với người thân càng sớm càng tốt.

Tôi vào phòng sinh và kế hoạch của chúng tôi bắt đầu được thực hiện.

Nhưng đau đớn thay, bé sơ sinh của chúng tôi đã chết do biến chứng.

Chẳng ai có thể làm được gì để giúp tôi nguôi được nỗi đau đớn, tan nát cõi lòng, trước sự mất mát này.

Bốn ngày sau, khi tôi từ bệnh viện trở về nhà, tôi không biết làm cách nào để giải thích cho ba đứa con trai của chúng tôi biết những gì đã xảy ra. Tôi không biết làm cách nào để an ủi chúng, hoặc an ủi chính tôi. Trước sự ngạc nhiên của tôi, bọn trẻ còn an ủi tôi hơn những gì tôi có thể làm cho chúng. Chúng ngồi bên cạnh tôi và kể cho tôi nghe những hoạt động trong trường. Tôi biết ơn biết bao những giây phút ấy. Thế nhưng tôi biết mình phải bắt đầu giải quyết nỗi buồn, cú sốc, sự đau đớn của tôi.

Ngày hôm ấy chầm chậm trôi qua, trước sự khiếp hãi tiếp theo của tôi, chồng tôi ngã bệnh rất nặng và được đưa ngay vào khu chăm sóc đặc biệt của bệnh viện địa phương. Sự đe dọa có một mất mát thứ hai lớn quá sức tôi có thể chịu đựng.Tôi phải làm gì đây nếu như cả Eddie cũng mất?

Mẹ tôi lên đường đến ngay trong ngày hôm ấy và nhận lấy việc chăm sóc mấy đứa con trai.

Tôi không gọi điện cho bất kỳ ai để thông báo tình trạng của Eddie, kể cả cho Evelyn, người vẫn đang chăm lo cho con gái chúng tôi tại nhà của cô ấy. Tôi chỉ có thể rút vào phòng ngủ - để được ở một mình, để suy nghĩ, để chuẩn bị tinh thần cho chính mình trước điều tồi tệ nhất có thể xảy đến, để đánh vật với những câu hỏi đầy đe dọa như:Mình sẽ bình phục ra sao sau việc mất đi đứa con trai sơ sinh của mình? Mình có thể sẽ trở thành bà mẹ đơn thân nuôi bốn con nhỏ không? Mình sẽ xoay xở ra sao để có đủ tiền cho những nhu cầu thiết yếu của gia đình? Mình sẽ phải kiếm một công việc làm ư? Ai sẽ chăm sóc cho bọn trẻ, dịch vụ chăm sóc ư?Tôi buông mình xuống giường và nức nở khóc, không thể nào dứt khỏi được nỗi buồn đau của mình.

Sáng sớm ngày hôm sau, trước khi bố mẹ anh Eddie đến, một con trai của chúng tôi vào phòng ngủ của tôi lúc tôi vẫn còn đang đắm mình trong nỗi thương thân và vô vọng. Mẹ ơi, cô Evelyn đến. Cô ấy đang trong xe của cô ấy. Cô ấy nói, cô ấy không biết chắc lúc nào nên vào. Nhưng cô ấy nói với con là cô ấy có cái gì đó mà cô ấy nghĩ là sẽ giúp cho mẹ cảm thấy dễ chịu hơn.

Chẳng biết bằng cách nào mà tôi lê được mình ra ngoài cửa.

Ở đó, nơi cuối lối xe vào, Evelyn đang ngồi trong xe ôm đứa con gái bé bỏng một tuổi của tôi mà tôi đã không gặp hơn một tuần nay.

Khi tiến về phía Evelyn, tôi nhìn thấy gương mặt của cô con gái nhỏ bừng lên sung sướng. Con bé vươn hai cánh tay ra phía tôi. Tôi bật khóc, lòng tự nhủ chắc con bé nghĩ là nó sẽ mất tôi.

Evelyn mở cửa trao cho tôi con gái của chúng tôi và nói, Tớ nghĩ đây là phương thuốc tốt nhất dành cho cậu lúc này.

Tôi ôm lấy con gái, giữ chặt nó trong lòng và nhìn vào mắt cô bạn thân, Sao cậu biết?

Bọn trẻ gọi điện và cho tớ biết tình hình của Eddie. Tớ biết đây là lúc cậu cần cả gia đình ở đây.

Biết đượckhi nàonên làm gì là một nghệ thuật mà cô bạn Evelyn của tôi thực hiện rất hoàn hảo.

Nhưng là kiểu bạn bè thế này thì lại là nghệ thuật chỉ có Chúa mới làm nên hoàn hảo.

HELEN COLELLA. Đăng bởi: admin


/27

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status