Biệt Ly Ơi Chào Mi

Chương 2: chương 2

/17


Ông Trọng Nhàn là một người thành công trong giới kinh doanh thương. Ông là một chủ hãng điện tử lớn, có một bà vợ đảm đang hiền hậu và bốn đứa con vừa giỏi vừa chăm chỉ, siêng năng.

Bây giờ, ngoài cô gái út tên Thùy Tâm còn học ở đại hoc ra, ba đứa kia đều đã ra trường. Thúy Bình, cô con gái lớn lấy Lê Vinh, con trai của một quan chức cao cấp trong chính quyền. Thúy Du thì sắp lấy Từ Kính, một thanh niên ưu tú đang có trọng trách ở đài truyền hình. Còn cậu con trai Từ Sâm thì sao? Đúng ra ở vị trí đứa con trai duy nhất trong nhà, một cục cưng, thì nếu không hư đốn cũng ngang tàng, ngạo ngược. Nhưng ở đây, Từ Sâm hoàn toàn khác.

Từ Sâm lúc học, học rất chăm, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc. Sau khi thi hành nghĩa vụ quân sự xong, Sâm cũng không lợi dụng uy thế của cha, chàng thi vào một công ty kiến trúc, và như có dòng máu di truyền, Sâm rất say mê với sự nghiệp. Chàng chiếm được tình cảm của giám đốc qua sự siêng năng, trẻ tuổi, tài năng. Dù chưa "độc lập" được nhưng Sâm đang học cách để "độc lập", để tự làm chủ bản thân mình.

Hôm nay là một ngày nhộn nhịp. Buổi tối, cả nhà tập trung vào việc chuẩn bị hôn lễ cho Thúy Du, chỉ trừ có Từ Sâm đang giam mình trong phòng riêng. Chàng đang để tâm thiết kế một đề án hóc búa. Từ Sâm quên cả là đã sắp đến đám cưới của chị gái.

Từ Sâm đã hủy bỏ hết bốn bản vẽ, lần này không thể để sai nữa. Nhưng chàng lại thấy bản vẽ mới này vẫn chưa được hài lòng. Một đề án quá phức tạp. Ông giám đốc đã ra một bài toán khó giải quyết. Chỉ có một khoảng đất rộng 40m vuông mà đòi hỏi phải thiết kế một ngôi lầu bốn tầng, phải có đủ các yếu tố đặc biệt, hiện đại, phong cách độc đáo, và chuẩn hướng ánh sáng phải bảo đảm.

Từ Sâm đã vắt hết óc, vẽ mãi mà nhìn đi, nhìn lại thấy nó chẳng khác mấy so với tòa nhà chung cư của nhà nước tí nào. Từ Sâm dùng thước tỉ lệ đo đạc rồi lùi ra sau ngắm. Chàng không quên "phải tận dụng mọi góc độ có thể tận dụng được", lời của ông giám đốc đã dặn dò. Gay thay! Hay là ông giám đốc định thử tài mình? Nếu không vẽ được, ông ta sẽ mời chàng đi nơi khác chơi?

Từ Sâm đưa tay lên gãi đầu, tóc chưa mọc dài. Bất giác, Từ Sâm quên đi chuyện đề án. Chàng bước tới bên kiếng, ngắm người mình qua gương. Mái tóc quá ngắn, ngắn thật! Xấu quá, quê quá! Cả thế giới này, chỉ cần ngắm mái tóc dài chưa khỏi ba phân của Từ Sâm là biết ngay chàng vừa mới từ quân trường trở về. Muốn tỏ ra "bụi" một chút cũng không được, vì vậy, ông giám đốc và cả kỹ sư trưởng của công trường, họ đều coi chàng như đứa con nít mới lớn. Ngay ông kiến trúc sư trưởng ở cùng phòng cũng gọi Sâm là "cậu bé". Bây giờ cái biệt danh "cậu bé" đã trở nên phổ biến trong công trường.

Đúng là một sự sỉ nhục đối với Từ Sâm. Dù sao thân cũng cao thước bảy, đường đường một đấng nam nhi! Vậy mà bị gọi là "cậu bé". Tất cả chỉ tại cái mái tóc ngắn ngủn này thôi.

Trong lúc Từ Sâm đứng ngắm mình trong gương thì cửa xịch mở. Thùy Tâm giống như cơn gió ùa vào, nó vừa chạy vừa hét:

- Anh Tư ơi, anh Tư, cả nhà đang chờ anh kìa. Anh làm gì mà giam mình trong phòng thế? Chị Du muốn anh ra thử áo phù rể xem. Nhà may vừa mang lại, nhanh len... Ồ!

Thùy Tâm chợt thấy Từ Sâm đứng bên kiếng, nó chựng lại, kinh ngạc.

- Anh làm gì thế? Tưởng anh bận làm việc, không ngờ lại đứng soi kiếng. Cho anh biết nghen! Anh có soi thế nào đi nữa cũng không đẹp trai lên được tí nào đâu.

Từ Sâm xấu hổ nói:

- Nào, mi có im không? Mi ra nói với chị Ba kiếm người khác làm phù rể đi, tao không làm đâu.

Thùy Tâm tròn mắt nói:

- Anh muốn đùa ư? Quần áo đã đo theo kích thước của anh. Bây giờ anh muốn làm eo gì nữa?

Từ Sâm nói như hét:

- Vậy chứ em xem mái tóc anh này, xấu thế này làm phù rể được ư? Anh cứ tưởng tới ngày cưới của chị Du nó phải dài kha khá, không ngờ nó cứ ì ra một chỗ. Cụt ngủn, làm phù rể không được đâu.

Thùy Tâm giậm chân nói:

- Anh thật lộn xộn. Anh cứ tưởng bở ư? Lúc đám cưới, người ta ai cũng nhìn cô dâu, chú rể, chứ ai thèm dòm tới cái mái tóc của anh đâu mà lo. Anh đi ra không nào? Anh không ra, em xé bản thiết kế này cho xem.

Thùy Tâm vừa nói vừa chụp lấy bản vẽ trên bàn của Từ Sâm chạy ra ngoài. Từ Sâm đuổi theo, cả hai chạy vòng vòng trong phòng khách, không để ý đến ai cả. Từ Sâm vừa đuổi vừa hét:

- Cái con quỷ, mi mà làm hư bản đồ án của ta là tao lột da mi ra. Trả đây không? Trả đây!

Thùy Tâm vừa chạy vừa cười:

- Anh có quyền chửi, dù sao thì em cũng không có được mái tóc nhà quê của anh.

Từ Sâm tức tối:

- Tao sẽ lột da mày!

Thúy Du đứng dậy:

- Hai đứa bây làm gì thế? Có thấy trong nhà có khách không? Sâm, mi cũng giỡn nữa à? Lớn rồi chứ nhỏ nhít gì. Đứng lại không? Mi có nhớ chị Bảo Lâm không?

Từ Sâm vội vã đứng lại, quay sang, thì ra Bảo Lâm đang cùng ngồi với Thúy Bình và Thúy Du trên ghế salon dài. Từ Sâm nhận ngay ánh mắt tò mò của Bảo Lâm. Ánh mắt khiến chàng bối rối. Bảo Lâm đối với Từ Sâm không xa lạ. Ngay từ lúc chàng còn nhỏ đã thấy Bảo Lâm đến chơi với hai chị. Đặc biệt, Bảo Lâm rất yêu thích Từ Sâm, coi anh chàng như một cậu em nhỏ.

Từ Sâm nhớ có lần Bảo Lâm đến giữa lúc Từ Sâm đang cắn bút với bài luận "Tả con ve". Chú ve sầu thì có gì đáng để tả đâu mà thầy giáo lại ra cái đề kỳ cục. Bí quá, Từ Sâm đã hỏi Bảo Lâm, còn bị Bảo Lâm la:

- Bài làm của cậu, cậu hỏi tôi làm gì? Tôi nào phải nhà sinh học đâu.

Tuy nói vậy nhưng rồi Bảo Lâm cũng giúp. Chỉ cần ba mươi phút là Từ Sâm đã có một bài văn chải chuốt.

Bài văn hôm ấy Từ Sâm đã được điểm rất cao, lại được thầy khen ngợi. Mãi đến bây giờ, Sâm vẫn nhớ. Chín năm đã trôi qua. Lúc đó Sâm đang học lớp chín, còn Bảo Lâm và chị Du học lớp mười.

Nhanh thật! Từ Sâm thấy ngỡ ngàng. Lâu lắm rồi không gặp lại Bảo Lâm. Đúng rồi, từ lúc học đại học, rồi thụ huấn quân sự. Bạn bè của Thúy Du có khá nhiều chứ không phải chỉ có một mình Bảo Lâm. Mấy năm xa cách, quên bẵng, nhưng bây giờ gặp lại là Sâm nhận ra ngay, mặc dù có nhiều thay đổi, không còn khuôn mặt với mái tóc búp bê, bộ đồng phục trung học nữa.

Ai cũng đổi khác. Bà chị cả đã từ một thiếu nữ vươn vai thành thiếu phụ, chị Du sắp sửa lấy chồng. Còn Bảo Lâm! Sâm chợt thấy bâng khuâng. Thời gian đối với gia đình họ Ngô của chàng như những cây bút màu. Thời gian có trôi qua thế nào thì màu sắc vẫn là thứ công cụ làm cho cuộc sống như phong phú thêm.

Còn với Bảo Lâm! Hình như nó chỉ là những nhát dao, những nhát dao đó khắc sâu. Nó hiện rất rõ trên khuôn mặt, nó làm cho Bảo Lâm có vẻ buồn hơn, mũi thẳng hơn, cằm nhọn, má hóp. Nó làm cho chiếc miệng của Bảo Lâm có vẻ khinh bạc hơn. Vâng, mũi dao của thời gian quả thật tàn nhẫn, nó đã biến Bảo Lâm từ một nữ sinh ngây thơ thành một pho tượng đậm đầy gió bụi, duy chỉ còn đôi mắt là vẫn long lanh. Du gọi to:

- Từ Sâm, mi làm gì mà thẫn thờ ra như vậy? Bữa nay mi làm sao thế?

Bảo Lâm lên tiếng với nụ cười:

- Tôi biết rồi. Cậu ấy bây giờ đã quên tôi. Thúy Du, cô đừng khó dễ cậu ấy, có bao giờ em trai mà nhớ đến bạn bè của chị mình đâu.

Từ Sâm bước tới chiếc ghế đối diện ngồi xuống, mặt vẫn không rời Bảo Lâm:

- Ồ, chị lầm rồi! Tôi làm sao quên được chị Bảo Lâm? Chính chị đã dạy cho tôi làm văn, bài văn "ve sầu" mãi đến bây giờ tôi vẫn nhớ cơ mà.

Bảo Lâm ngẩn ra. Dạy Từ Sâm làm văn? Bao giờ thế? Chuyện đó chắc có, nhưng phải xảy ra lâu lắm rồi. Bảo Lâm ngắm người thanh niên trước mặt. Hàm râu cằm lún phúm, mái tóc ngắn, đôi mắt sáng. Không phải là thanh niên loại đẹp trai nhưng dễ thương, một thanh niên vừa qua giai đoạn "vỡ tiếng". Một thanh niên ngập đầy sức sống, vui khỏe.

- Bảo Lâm, hai bà chị của tôi coi như đâu đã vào đấy, còn Bảo Lâm? Bao giờ mới cho thiên hạ uống rượu mừng?

Thúy Du trừng mắt:

- Này Sâm, tại sao mi lại gọi tên trỏng như vậy? Phải gọi là chị Lâm mới phải phép chứ.

Từ Sâm kêu lên:

- Ồ, sao chị lại bày đặt lễ nghĩa ở đây làm gì? Ở nhà này ta gọi loạn xạ đã quen rồi. Nhiều lúc tôi còn kêu chị bằng "bà" nữa mà, quên sao?

Thúy Bình chen vào:

- Thế mới là vô lễ, có hôm hắn còn gọi Vinh là cái anh chàng kinh kông họ Lê nữa cơ đấy.

Lê Vinh là chồng của Thúy Bình, rõ ràng là một kinh kông.

- Gọi như thế có gì là vô lễ đâu?

Từ Sâm hỏi, rồi đột nhiên như nhớ ra điều gì, nói:

- Ồ, chị cả, làm sao không thấy anh chàng của chị đến vậy? Chị phải cẩn thận đấy. Tôi nghe người ta nói là ông xã của chị lăng nhăng gì ở ngoài đấy.

- Ư hừm.

Có tiếng tằng hắng ở sau lưng Từ Sâm, anh chàng giật mình quay lại. Ông anh rể Lê Vinh đang đứng sau lưng chàng với nụ cười ngượng ngùng:

- Thôi được rồi chú Tư, chú đừng xuyên tạc lộn xộn, bà ấy thật thà nghe theo chỉ có tôi là chết. Tôi phải quỳ cả đêm, khổ lắm.

Từ Sâm lẩm bẩm:

- Anh ở đâu chui ra thế? Làm tôi hết hồn. Anh bảo tôi xuyên tạc à? Không đâu. Có người nói với tôi là chính mắt trông thấy anh với cái cô có biệt hiệu là... là Tiểu...

Lê Vinh bấu mạnh vào vai Từ Sâm, đồng thời cười giả lả với chị em Thúy Bình:

- Có chuyện gì cần anh phụ nữa không, nói nhanh đi. Xe hoa này, đặt tiệc ở nhà hàng này, trang trí phòng lễ này. Tất cả coi như xong cả. Thiệp thì cũng đã gởi đi rồi.

Thúy Bình trừng mắt nhìn chồng:

- A! Lạ thật! Hôm nay ông này làm gì mà sốt sắng thế? Anh đánh lạc hướng ư? Bộ ông tưởng tôi không biết chuyện gì ông đã làm bên ngoài ư? Không cần thằng Từ Sâm nó nói, cũng đã đến tai tôi rồi.

- Đừng có nghe thiên hạ đồn bậy bạ!

Vị hôn phu của Thúy Du không hiểu từ đâu cũng xuất hiện. Anh chàng Từ Kính nói như cứu bồ cho Lê Vinh:

- Cậu Sâm muốn nói đến cô nàng minh tinh điện ảnh biệt danh "con cáo nhỏ" đấy mà. Hôm ấy tôi cũng có mặt nơi đó. Tôi được ông Lý nhờ nói hộ với cô ấy để cô ấy hợp tác đóng phim. Đang lúc cụng ly trong nhà hàng thì anh Vinh đi vào, nên chúng tôi kéo nhau ngồi chung vậy thôi.

- Hừ!

Bây giờ đến phiên Thúy Du, đôi mắt cô ta tròn xoe nhìn Kính:

- Thì ra anh đến để hổ trợ cho anh Vinh phải không? Hai người âm mưu nhau từ bao giờ? Còn anh, anh quen với cô ta bao giờ sao tôi không biết? Nói đi! Quen từ bao giờ?

Thùy Tâm đứng gần đấy có dịp vỗ tay:

- A Ha! Hai ông anh rể của tôi, nào bây giờ có tội thì thành thật khai báo đi là vừa.

Lê Vinh quay lại vỗ vai ông bạn sắp là bạn cột chèo, làm ra vẻ thiểu não:

- Từ Kính! Mi thấy đấy, mấy cô con gái nhà họ Ngô này nổi tiếng là hung dữ. Tôi thì đã lỡ leo lưng cọp rồi, lỡ làm lễ cưới rồi, đành chịu. Còn cậu, ngày cưới còn một tuần nữa mới tới, bây giờ nghĩ lại còn kịp, sao chẳng dừng ngựa quay đầu đi, kẻo sau này khổ cả đời, rồi ân hận.

Từ Kính lắc đầu, làm ra vẻ khí khái:

- Không được, không được! Tôi quyết định rồi. Vì đại nghĩa không lùi bước.

Thùy Tâm tròn mắt:

- Mấy người đừng có vòng vo tam quốc nhé!

Từ Kính nói:

- Vòng vo ư? Không bao giờ. Em biết vì sao anh cưới chị Du của em không?

- Vì sao?

Thùy Tâm ngạc nhiên, trong lúc Từ Kính nhún vai:

- Nếu anh không chịu xuống địa ngục thì có ai dám xuống?

Từ Sâm cười lớn:

- Ối trời! Ông thật khí khái, ông giống như tráng sĩ Kinh Kha vậy, thật hùng hồn, thật bi tráng. Ha! Từ Kính.

"Phong tiêu tiêu hề...

Dịch thủy hàn...

Tráng sĩ nhất kết hôn hề... bất phục hoàn"

(Gió vi vu hề...

Nước sông Dịch lạnh...

Tráng sĩ quyết lấy vợ hề... không trở về.)

Thúy Du vừa cười vừa rủa:

- Đồ mắc dịch!

Lê Vinh cũng ôm bụng cười, vừa cười vừa tiến gần đến cạnh Thúy Bình, ôm lấy cổ vợ. Hai vợ chồng cùng cười và Bình như quên cả chuyện thắc mắc ban nãy.

Phòng khách ngập đầy không khí vui vẻ.

Cô bé giúp việc Xuân Mai đứng bên kẹt cửa, bà Ngô đang bưng thức ăn điểm tâm ra, ông Ngô Trọng Nhàn vừa bước xuống cầu thang lầu cũng cười theo. Tiếng cười như phủ kín từng góc phòng khách.

Bảo Lâm lặng lẽ nhìn chị em nhà họ Ngô. Nàng như ngỡ ngàng trước không khí ấm cúng và hạnh phúc đó. Cái không khí đầm ấm lây lan đến với nàng. Nàng thèm thuồng và ao ước.

Bất giác Bảo Lâm nghĩ đến gia đình mình. Người mẹ nằm yên trên giường bệnh. Người cha âm thầm với mái tóc bạc phơ. Đứa em trai duy nhất lại chết sớm. Ôi! Sao bất công thế này? Cũng đồng thời là gia đình sao lại khác nhau thế? Tại sao gia đình Bảo Lâm lại phải gánh lấy bao nỗi khắc nghiệt phũ phàng của cuộc đời? Tại sao bao nhiêu điều bất hạnh lại tập trung ở gia đình Bảo Lâm? Tại sao ông trời không san sẻ bớt cho nhà nàng một chút may mắn, hạnh phúc ở đây? Tại sao? Bảo Lâm ngẩn ra nghĩ, quên cả mình hiện đang ở đâu, mãi đến lúc mẹ của Thúy Du gọi to:

- Bảo Lâm!

Bảo Lâm mới giật mình, quay lại trố mắt nhìn bà Trọng Nhàn:

- Dạ.

Bà Trọng Nhàn mỉm cười, nhìn nàng nói:

- Đến bao giờ cho bác uống rượu mừng con?

Bảo Lâm lúng túng:

- Dạ, chuyện đó...

Bảo Lâm đỏ mặt, nghĩ đến La Dũng. La Dũng... Anh ấy cũng đã từng thề non hẹn biển, thề sống chết suốt đời bên nhau. Anh ấy đã từng mang đến cho Bảo Lâm niềm vui, nỗi nhớ, đã từng cùng nàng vẽ lên tương lai. Vậy mà... vậy mà anh Dũng. Anh ở đâu? Bên kia đại dương. Xa quá! Xa quá! Trái tim anh hiện để nơi nào? Bất giác Bảo Lâm trở nên thẫn thờ.

Thúy Du lay lấy vai mẹ, cô nàng vẫn như cô bé con nũng nịu bên mẹ ngày xưa:

- Mẹ có biết không? Bảo Lâm là đứa bạn tuyệt nhất trong đám tụi con đấy mẹ. Cô ấy chọn bạn cũng hay nữa. Một người đầy tài năng, và ngay thời học năm thứ ba, hai người đã làm lễ hứa hôn với nhau. Bấy giờ anh Kính còn chưa quen với con nữa là.

Bà Trọng Nhàn ngạc nhiên nhìn Bảo Lâm:

- À! Tụi con đã đính hôn với nhau lâu như vậy sao không lấy nhau?

Thúy Du đỡ lời cho bạn:

- Anh Dũng, chồng chưa cưới của Lâm hiện ở nước ngoài mẹ à.

Từ Sâm chăm chú nhìn Bảo Lâm:

- Ở nước ngoài ư?

Khuôn mặt Bảo Lâm đang từ màu hồng biến ra trắng. Từ Sâm hỏi tiếp:

- Anh ấy ở nước ngoài làm gì?

Thúy Du trừng mắt nhìn Từ Sâm:

- Đi học. Anh ấy đang làm luận án tiến sĩ. Người ta chứ đâu ai giống cậu đâu. Anh Dũng thề là nếu không lấy được bằng tiến sĩ sẽ không lấy vợ đấy!

Quay lại nhìn Bảo Lâm, Thúy Du thành thật hỏi bạn:

- Đúng không vậy hở Lâm? Anh ấy học hành ra sao rồi? Có định trở về nước không? Theo tao thấy thì chỉ cần bằng thạc sĩ là về đây lập gia đình sinh sống được rồi. Hay mi viết thư hối thúc anh ấy về đi. Tao nôn ăn cưới của mày quá.

Bà Trọng Nhàn tiếp lời:

- Đúng thế con ạ. Bác không hiểu đám con gái chúng bây thời bây giờ nghĩ ngợi làm sao? Mỗi lần nói đến chuyện chồng con là y như nói đến chuyện ở tù. Hỏi tới là cứ lánh đi. Lúc bác ở tuổi con bây giờ, bác đã là mẹ của ba đứa con rồi đấy.

Bảo Lâm bỗng cảm thấy chóng mặt, có lẽ vì trong phòng nhiều người quá, nói chuyện nhiều quá. Tim như nhói đau. Tay chân lạnh hẳn. Không thể ngồi lại được, Bảo Lâm đứng dậy nói nhanh:

- Xin lỗi hai bác và các bạn, đã đến giờ con phải về.

Thúy Du ngạc nhiên:

- Sao vậy? Ngồi thêm một chút nữa đi, chúng mình còn nhiều chuyện chưa nói cơ.

Bảo Lâm cố nở nụ cười:

- Không được! Bữa khác đi, sau tuần trăng mật đi nhé! Bây giờ tao phải về sửa bài, mai còn giờ dạy.

- Đợi một chút hãy về. Ngồi thêm đến mười giờ đi, chúng tôi cũng về, thuận đường đưa Lâm về luôn, được không?

Bảo Lâm lắc đầu, yếu ớt nói:

- Không được! Tôi có chuyện cần về ngay cơ mà.

Từ Sâm nói:

- Thôi thế này nhé. Tôi đang cần ra phố một chút, để tôi đưa chị Lâm đi một quãng đường.

Bảo Lâm không có lý do gì từ chối, đành gật đầu. Nàng không nghĩ gì hết. Miễn làm sao lánh nhanh khỏi đây, tránh khỏi cái không khí quá hạnh phúc một cách đau lòng.

Bảo Lâm chào mọi người, vội vã bước nhanh ra khỏi phòng khách. Từ Sâm lặng lẽ theo sau. Họ ra khỏi nhà một quãng đường dài. Họ đi bên nhau thật lâu không nói gì. Lâu lắm rồi, phải, lâu lắm rồi, Bảo Lâm mới đi ngoài phố với một người con trai như thế này. Tâm hồn nàng lúc này đang bấn loạn bởi bao nhiêu chuyện tưởng đã có thể chôn chặt đáy lòng, phút chốc lại trở về bởi một sự gợi nhắc vô tình.

Từ Sâm hỏi:

- Hình như chị có chuyện buồn? Anh ấy không về nữa chứ?

Bảo Lâm giật mình. Dưới ánh đèn đường và cả dưới ánh trăng, Bảo Lâm quay sang. Đôi mắt có đôi mày rậm kia đang chăm chú nhìn nàng, khuôn mặt thật âu lo. Một cái nhìn thân thiết mà khi bị nhìn, ta không làm sao giấu được sự thật, khiến nàng như muốn san sẻ nỗi buồn của mình. Bảo Lâm hỏi:

- Tại sao Sâm biết?

Từ Sâm đáp một cách thành thật:

- Ở nhà tôi có tất cả ba chị em gái, như vậy tôi đã trưởng thành giữa đám con gái kia. Chính nhờ vậy, tôi đã hiểu và thấy được cả nụ cười hạnh phúc của họ. Mỗi lần nhắc đến bạn trai, đến hôn nhân, những bà chị tôi mắt sáng hẳn lên, họ vui sướng ra mặt. Còn Lâm thì tôi không trông thấy điều đó trong ánh mắt. Tôi thấy Bảo Lâm có vẻ buồn làm sao, vì vậy tôi nghĩ là cái anh chàng La Dũng kia hẳn không trở về đây nữa.

Bảo Lâm chớp mắt, rồi nhìn thẳng mặt Từ Sâm. Không thể như vậy được! Không lẽ tâm sự thầm kín của ta lại phơi bày hết trước mắt một anh con trai mới lớn này ư? Bảo Lâm nhìn chăm chăm. Trước mắt nàng là một khuôn mặt thật thà lo lắng. Bảo Lâm chợt thấy mặt ươn ướt, nàng nhìn xuống. Bảo Lâm nói không ra lời:

- Sâm nghĩ đúng! Anh ấy sẽ không trở về, mà có trở về thì cũng không còn là của tôi.

- Sao vậy?

Bảo Lâm chớp chớp mắt, rồi nhìn lên:

- Năm ngoái anh ấy đã cưới vợ, cưới một người con gái khác.

Từ Sâm mở trừng đôi mắt, miệng mím lại. Dưới ánh đèn, mái tóc ngắn của anh ta với vầng trán rộng, trông Từ Sâm có vẻ ngớ ngẩn làm sao. Cái ngớ ngẩn thật thà, dễ thương, chứ không phải là ngu đần, lại càng không phải là cái kiểu đóng kịch của người từng trải.

- Xin lỗi nhé, đúng ra tôi không nên đề cập đến. Thật ra tôi không ngờ La Dũng lại tệ như vậy.

Bảo Lâm vội cắt ngang:

- Khỏi phải lỗi gì cả, đâu phải là lỗi của cậu. Thật ra, tôi phải đối diện với sự thật này lâu rồi. Tôi phải cho tất cả bạn bè biết, nhưng mà...

Bảo Lâm trở nên buồn buồn:

- Tôi cứ lừa dối chính mình. Tôi cố thuyết phục bản thân là sẽ có một ngày rồi Dũng sẽ chán, sẽ quay trở lại với tôi.

Từ Sâm buột miệng kêu lên:

- Trời đất! Như vậy là Lâm vẫn còn yêu anh ấy?

Bảo Lâm giật mình quay lại. Ta hôm nay làm sao thế? Tại sao lại đem nỗi lòng thầm kín của mình ra để nói hết cho một gã con trai mới lớn nghe? Bảo Lâm bối rối, vội đứng lại, nói thật nhanh:

- Thôi được rồi! Từ Sâm, cậu quay về đi, chỉ còn mấy bước nữa là tới nhà tôi, không cần cậu đưa thêm nữa.

- Nếu chỉ có mấy bước thì hãy để tôi đưa tới tận nhà có hay hơn không?

- Cậu nghe tôi nói này.

Bảo Lâm giở giọng bà chị. Nàng có cảm giác như đang nói với đứa con:

- Cậu về đi, tôi thích được đi một mình thôi.

Từ Sâm đứng lại một chút rồi chợt nói:

- Bảo Lâm hãy quên hắn, vì nếu hắn phản bội lại lời thề, hắn không biết trân trọng tình cảm của Bảo Lâm dành cho hắn, thì hắn không xứng đáng để được Lâm yêu.

Nói xong, Từ Sâm quay người bỏ đi dưới ánh trăng. Bảo Lâm đứng thật lâu nhìn theo rồi mới quay lại. Bỗng dưng Bảo Lâm ngước lên nhìn trời. Ánh trăng thật tròn, đang treo lơ lửng trên trời cao. Hôm nay mười lăm, mười sáu rồi. Trăng lại tròn, thế còn con người? Bảo Lâm cúi xuống, không hiểu sao tự nhiên nước mắt chảy ràn rụa trên má. Trăng khuyết rồi tròn, bèo tan rồi hợp, không lẽ tình yêu của ta mãi mãi là nỗi cô đơn, buồn tủi như thế này sao? Bảo Lâm để mặc cho nỗi đau trôi theo hai dòng nước mắt.

/17

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status