Bí Thư Tỉnh Ủy

Chương 4 - Chương 4

/149


Mới bừa được năm đường bừa, Kiểm và Ninh họ trâu, cắm bừa dừng lại nhảy lên bờ. Dậu bừa phía sau hỏi:

- Mới bừa được mấy đường, các ông định nghỉ rồi à?

Kiểm bảo:

- Rét buốt như kiến lửa cắn vào chân, lên bờ ngồi nghỉ làm điếu thuốc lào rồi xuống bừa tiếp. Tích cực lắm cũng từng ấy điểm, tội chó gì mà làm cho mệt xác.

- Vậy hai ông nghỉ đi, tôi bừa tiếp đây – Nói xong Dậu giục trâu đi.

Ninh cười châm biếm:

- Ông vẫn còn có tinh thần coi Hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ thì ông cứ bừa đi. Còn bọn tôi tình nguyện làm đầy tớ cho Hợp tác xã nên bọn tôi nghỉ cho khỏe.

Thận và Lẫm cho trâu bừa đến nơi thấy Kiểm và Ninh ngồi hút thuốc lào ở trên bờ ruộng cũng cắm bừa nhảy lên ngồi cùng. Dậu bừa thêm hai đường nữa, nghĩ bụng: Chúng nó không bừa tội chó gì mình cặm cụi làm cho chúng nó hưởng. Nghĩ vậy, Dậu cắm bừa bước lên bờ ruộng ngồi ngắm trời ngắm đất. Cách đó không xa, những người thợ cấy chờ tổ nhổ mạ đưa mạ về cũng ngồi buôn chuyện với nhau. Bà Tắc quay sang hỏi bà Mẫn:

- Nghe nói mười bảy tháng này nhà bà định sang cát cho cụ đấy à?

- Vâng.

- Có định mổ bò mổ lợn gì không?

- Bà tính không mổ thì lấy gì làm cỗ bàn. Ngặt cái nhà tôi chưa cân đủ lợn nghĩa vụ, không biết các ông trên xã có cho mổ không?

- Sang cát cho bố người ta mà không cho mổ lợn là thế nào.

Bà Mẫn thở dài:

- Năm ngoái ông Đoài cũng sang cát cho mẹ nhưng chưa nộp đủ lợn nghĩa vụ có được mổ đâu. Chạy lên chạy xuống hết Ban quản trị Hợp tác đến ủy ban mà chẳng được, ông ấy đành mổ chui, sau đó bị phạt một tạ thóc bà không nhớ hay sao.

- Bị phạt một tạ chứ có phạt hai ba tạ thì cũng phải làm để báo hiếu cho bố mẹ.

Hiền, vợ Tế hỏi:

- Năm ngoái nhà ông Đoài làm cỗ, Ban quản trị có ai đến dự không?

Bà Mẫn bĩu môi:

- Chẳng thiếu ma nào. Từ chủ nhiệm, phó chủ nhiệm cho đến đội trưởng và thư ký đội sản xuất.

- Đến ăn cỗ nhà người ta mà không biết ngượng nhỉ? – Bích nói.

Bà Mẫn lại bĩu môi:

- Biết ngượng thì đã không đến. Ông nào cũng thanh minh thanh meo không cho mổ lợn là quy định của ủy ban. Ban quản trị Hợp tác thông cảm nên chạy lên chạy xuống đề nghị hàng chục lần mà ủy ban vẫn không thay đổi ý kiến – Bà Mẫn kéo cái khăn trùm đầu khâu bằng bao đựng phân đạm về phía trước trán cho đỡ buốt rồi nói tiếp – Lần này sang cát cho ông cụ nhà tôi mà không cho tôi mổ lợn tôi cũng mổ chui. Đếch sợ. Cụ nhà tôi cả đời ăn ở phúc đức làng xóm chưa ai có một lời chê trách. Tôi về làm dâu gần hai mươi hai năm mà chưa khi nào cụ nặng lời với tôi lấy một lần. Một tiếng chị cả, hai tiếng chị cả. Nghe mà mát cả lòng cả dạ.

Bà Tắc quay sang hỏi Hiền:

- Tôi nghe nói cô Hiền hay lời nặng tiếng nhẹ với mẹ chồng lắm phải không?

- Em cũng chẳng có chuyện gì với cụ nhà em cả nhưng nhiều lúc bực lắm cơ. Buổi sáng tinh mơ dậy xay thóc bảo ở nhà sàng sẩy để trưa về em giã, thế mà trưa về thóc trấu vẫn còn y nguyên, cơm canh cũng chẳng nấu. Bụng đói đến thắt ruột lại vừa sảy thóc, vừa nấu cơm, các bà các chị bảo đến bụt trên chùa cũng phải mở miệng chứ nói gì em.

- Kể ra cái tuổi năm lăm sáu mươi như bà Quế đang còn sức làm sức ăn mà bắt ngồi xó ró ở nhà thì ngứa ngáy chân tay lắm.

- Có đi làm nhà em cũng chẳng cho đi. Cục tính nhưng được cái là thương mẹ lắm cơ. Bà em bảo giao đất phần trăm cho bà em làm, còn vợ chồng em đi làm cho Hợp tác nhưng nhà em không chịu.

- Cứ như tôi là khỏe – Hoang nói vô tư – Một mình với ba đứa con chẳng mẹ chồng mẹ vợ gì sất. Ngày làm việc mệt, đêm nằm dạng háng ra ngủ. Thế là yên chuyện.

Vợ Quy tên là Niễng ngồi cạnh đấy không xa nói chêm vào:

- Đàn bà goá vừa qua tuổi bốn mươi mà nằm dạng háng ra ngủ nhỡ đêm mấy ông trong Ban quản trị đi uống rượu với nhau say lạc vào lại tòi ra thằng cu con đĩ lúc nào không hay.

Hoang nói thản nhiên:

- Có mời cũng không dám. Anh nào cũng cố giữ tiếng trong sạch để được ngồi yên trên cái ghế của mình để còn kiếm chác chứ làm bậy mất ghế lấy gì mua đài mua xe.

Mặt trời lên ngót nghét vài cây sào. Bà Tắc nhìn trời tỏ vẻ sốt ruột:

- Mấy con mẹ đi nhổ mạ ngủ trên ruộng trưa hay sao mà giờ này vẫn không đem mạ về cho người ta cấy. Sắp kẻng nghỉ đến nơi rồi còn gì.

Bà Tắc nói tỉnh bơ:

- Không cấy sáng nay thì chiều cấy, chiều cấy không xong thì sáng mai. Ruộng còn đó, mạ còn đó mất đi đâu mà sốt ruột. Tích cực cũng một công hai lạng thóc, không tích cực đến cuối vụ cũng được chia hai lạng thóc.

Bích từ nãy đến giờ ngồi yên, bây giờ góp chuyện:

- Không biết các bác các chị thế nào chứ cháu thấy cảnh làm ăn sao mà chán thế không biết. Xã viên ra đồng cứ vật vờ như lúa non gặp gió. Chẳng biết đến khi nào thì hết cảnh này.

Tốp nhổ mạ mỗi người gánh chừng ba, bốn chục bó mạ toòng teng đặt gánh xuống cạnh tổ cấy. Bà Tắc nhìn vào mấy gánh mạ hỏi:

- Các mẹ ngủ trên ruộng mạ hay sao mà giờ mới đưa mạ về?

- Mạ không chăm lên li ti như cái tăm tre, túm mãi mới được một bó. Được thế này là nhanh lắm rồi đấy.

Tổ cấy nhận mạ đứng thẳng lưng quẳng xuống ruộng. Bà Cư thấy thế kêu lên:

- Quẳng nhẹ thôi các mẹ. Mạ ngắn lắm, quăng mạnh nó vãi ra hết đấy.

Trong khi tổ cấy cặm cụi cấy thì tổ nhổ mạ ngồi trên bờ nói chuyện bao đồng chờ kẻng nghỉ để về.

/149

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status