Bí Thư Tỉnh Ủy

Chương 144 - Chương 144

/149


Ông Kim cầm bản báo cáo tổng hợp của Ty Nông nghiệp đi qua phòng ông Côn. Vừa bước vào cửa ông Kim nói luôn:

- Chán quá ông ạ. Suy sụp, tan rã đến nơi rồi.

Ông Côn ngạc nhiên vì chưa khi nào thấy ông Kim thốt ra một câu có vẻ bi quan như vậy:

- Có việc gì khiến anh tỏ vẻ bi quan thế?

- Ty nông nghiệp vừa gửi cho tớ bản thống kê tình hình sản xuất nông nghiệp của các Hợp tác xã trong tỉnh. Bao nhiêu công lao mấy năm trời đều tan ra như bọt xà phòng rồi ông ạ.

Ông Côn hỏi:

- Anh Tấn gửi bản thống kê tình hình sản xuất nông nghiệp cho anh khi nào?

- Tay Tấn trực tiếp cầm qua đưa tận tay cho tớ, ngồi nói chuyện với nhau một lúc vừa về xong.

Ông Kim đưa bản thống kê cho ông Côn:

- Cậu đọc xem. Tớ đọc xong thấy choáng váng như bị ai lấy vồ đập đất nện vào đầu.

Ông Côn cầm bản thống kê ông Kim vừa đưa cho xem hết sức chăm chú. Lát sau đặt xuống bàn:

- Nếu con số thống kê trong này là chính xác thì đúng là sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta đang ở ngưỡng báo động đỏ.

- Tớ hỏi đi hỏi lại rồi. Tay Tấn bảo con số thống kê trong bản báo cáo này là hoàn toàn chính xác.

Ông Côn nhìn vào bản thống kê rồi so sánh:

- Năm đạt năng suất cao nhất trong thời kỳ khoán hộ tổng sản lượng quy ra thóc là 222.000 tấn. Hiện nay tổng sản lượng quy thóc chỉ còn 206.309 tấn. Như vậy hụt mất gần 16.000 tấn so với thời kỳ khoán hộ.

Ông Kim thở ra:

- Chưa dừng lại ở con số này đâu ông ạ. Ông cứ đọc con số Hợp tác xã hiện tại đạt năng suất của thời kỳ trước khi có khoán hộ xem. Hình như gần bảy mươi Hợp tác xã quay về với năng suất một tấn bảy, tấn tám có đúng không?

Ông Côn cầm bản báo cáo thống kê lên đọc thành tiếng cho ông Kim nghe luôn:

- Số Hợp tác xã sản xuất yếu kém đạt năng suất của thời kỳ trước khoán hộ là 68 Hợp tác xã, số đạt năng suất dưới trung bình 135. Số hộ xin ra khỏi Hợp tác chưa thống kê đầy đủ có 38 hộ. Số đầu lợn trong thời khoán hộ là 307.000, hiện nay tụt xuống còn 240.000 con, giảm so với thời khoán hộ là 64.000 con.

Ông Côn bỏ bản báo cáo thống kê xuống bàn thở dài:

- Đúng là tai hoạ đang treo lơ lửng trên đầu nông dân tỉnh ta rồi anh ạ.

Ông Kim hỏi:

- Theo ông ta nên làm gì bây giờ?

Ông Côn lắc đầu đáp:

- Còn làm gì được nữa anh. Vô lẽ lại ra thêm một Nghị quyết 68B cho phép nông dân trở về với phương thức khoán hộ.

- Coi như chịu bó tay ngồi nhìn nông dân chết đói à?

- Thế theo anh ta nên làm gì nào? Bài tự phê bình của anh in trên Tạp chí Học tập chưa ráo mực, anh định viết thêm một bài tự kiểm điểm để đăng tiếp số sau nữa hay sao?

Ông Kim ngồi lặng yên chẳng nói gì.

Ông Côn nhìn ông Kim bằng đôi mắt thông cảm:

- Tôi hiểu tâm trạng của anh nhưng chẳng có cách gì hơn nữa đâu anh ạ. Chỉ còn biết hô hào nông dân tích cực lao động sản xuất để xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược theo phương châm lấy chính trị làm gốc tư tưởng dẫn đầu như xưa nay vẫn làm. Không ăn được thóc gạo thì ăn khẩu hiệu để mà sống qua ngày vậy.

Tưởng ông Kim sẽ phản đối câu nói của mình không ngờ ông Kim vẫn ngồi im như phỗng… Lát sau ông như nghĩ ra điều gì đó, giọng ông Kim rắn lại và nghe hơi lành lạnh:

- Phải duy trì khoán hộ dưới mọi hình thức ông ạ. Không khoán được công khai thì khoán chui như thằng Gia Đạo. Khoán chui, ông nghe rõ chưa. Khoán chui chứ chẳng còn con đường nào khác đâu ông ạ.

/149

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status