Bay Về Miền Tinh Khôi

Chương 6: Học sinh cũ

/6


Hai tuần sau khi cái bản danh sách văn nghệ sóng gió kia chột hạ thì ba tôi tổ chức lễ thành lập trường. Ba mẹ vì thế mà bận tối mắt, đến thời gian ăn cơm với hai anh em tôi cũng không có. Giờ thì ba mẹ mới đúng là ngôi sao.

Từ mấy tháng trước ba tôi đã liên lạc với rất nhiều các cựu học sinh trong trường về dự lễ thành lập.

Nói đến cựu học sinh, thì nhà tôi cũng có đến ba người, ba mẹ tôi và Thanh Hải đều tốt nghiệp cấp ba từ trường nhà mình ra cả, đến cả tôi cũng sắp ra trường, gà nhà 100 %.

Sant là trường trung học phổ thông lớn nhất trong thành phố dù chỉ là trường tư thục, nó được thanh lập cách đây bốn mươi năm lẽ dĩ nhiên năm nay là lễ kỉ niệm bốn thập niên của trường. Cứ cách năm năm cả trường sẽ tổ chức một lần, cho nên không phải bất cứ khóa nào cũng được tham gia lễ thành lập thế này, vì mỗi khóa chỉ kéo dài ba năm. Lứa chúng tôi là khóa ba bảy, tốt nghiệp vừa vặn cùng năm trường tròn bốn mươi tuổi.

Sáng sớm trong nhà đã ầm ĩ tiếng tôi với Thanh Hải, dậy sớm hơn cả một tiếng đồng hồ để chuần bị.

Nhìn cái thảm đỏ trải từ ngoài cổng vào tận đến sân trường cả dãy nhà A, băng rôn màu đỏ chóe ngợp trời mà tôi phát hoảng, kỉ niệm bốn mươi năm thành lập mà như tổ chức hội chợ, cái hồi kỉ niệm ba mươi lăm năm mà tôi đi dự cũng không lớn và kinh dị bằng một nửa như thế này.

Tôi đã đoán được mức độ hoành tráng của nó từ khi nghe ba mình có dự tình gặp mặt và mời các cựu học sinh từ khắp ba miền miền đất nước, nhưng khi nhìn đến thì đúng là kinh hoàng. Sắc đỏ, băng rôn tràn ngập các dãy dãy nhà A, B và D. Rõ ràng là hôm trước tôi đến xem có thế này đâu, lúc đó ba chỉ huy động lao công dọn vệ sinh và đánh bóng toàn bộ trường thôi mà.

Hôm trước ăn cơm ba còn cười nói: “Chỉ làm đơn giản thôi.”

Đơn giản mà thế này.

Đến tôi còn chết khiếp.

Người thiết kế sân khấu này đúng là vĩ đại vì chưa bị đuổi việc.

Sau đó lại nghe Thanh Hai nhiểu chuyện, đây là sản phẩm của ông bạn thân chí cốt ngày xưa của ba từ Sài Gòn về dự lễ. Tôi gật gù ra vẻ đã hiểu, ba tôi làm gì có cái khiếu thẩm mĩ kinh dị như này.

“Trường mình hôm nay tổ chức đại hội âm nhạc à?” Minh Thư vốn có khiếu thẩm mĩ rất cao về thời trang chỉ vào cảnh tượng hoành tráng trước mắt ngao ngán.

Tôi gật gật, nhìn còn lòe loẹt hơn cả trại hè.

Nhưng mà học sinh rất đông, học sinh mới, cựu học sinh, già có, trẻ có. Nhiều đứa còn đi cùng với anh chị của mình, đều là cựu học sinh ưu tú của trường, thậm chí là đi với cả ba mẹ. Rất nhiều người gặp lại được bạn cũ, vui mừng tíu tít nói chuyện.

Đối với học sinh chưa rời ra khỏi ghế nhà trường vào xã hội cọ xát như chúng tôi, cụm từ cựu học sinh trẻ tuổi đúng là đầy mơ ước. Rõ ràng có rất nhiều ánh mắt ao ước bắn vào người họ.

Hôm nay tôi đi cùng với Thanh Hải, nhưng vừa đến cổng trường đã vứt tôi lại để chạy theo một chị xinh đẹp nào đó học chung lớp ngày xưa.

Tôi đứng cùng với tụi bạn trong lớp đứng ở một góc sân trường nhìn người ta khởi động sân khấu. Trong khi ban cán sự các lớp khác họp bàn đủ kiểu chuẩn bị cho ngày lễ thành lập trường thì lớp tôi lại bình chân như vại đứng nhìn. Có sao cả trường có đến bốn mươi lăm lớp, thiếu một lớp cũng chẳng sao, nói gì đến chuyện lớp chúng tôi ham gia tụi đó còn hạnh họe sợ làm hỏng chuyện. Minh Dương cho tay vào túi quần thong thả đứng nhìn.

“Này, cậu là lớp trưởng mà không lên trên kia à?” Tôi lại quay ra hạnh họe cậu ta.

“Không. Hôm nay nhiệm vụ của tôi là phải canh chừng cậu.”

“Canh chừng… ai nói?”

“Mẹ cậu chính là giáo…”

“…” Tôi nhanh tay bịt miệng Minh Dương.

“Giáo gì???” Minh Thư thò đầu qua từ chỗ A Tô tò mò.

“Không có gì?” Tôi cười túm Minh Dương ra xa một chút rồi trợn mắt nhìn cậu ta. Minh Dương cười với tôi… theo kiểu rùng rợn.

“Nếu cậu còn không nghe lời tôi sẽ nói với mọi người cô…”

Tôi vội vàng ngắt lời: “Tôi nghe là được chứ gì.” Vừa bực mình vừa buồn cười.

Cũng chẳng hiểu vì sao tôi lại thấy buồn cười. Đáng ra tôi phải giận đùng đùng cho cậu ta một bạt tai chứ.

“Thế thì tốt.” Minh Dương xoa đầu tôi rồi thanh- tao- xuất- thần như cá cảnh lượn qua chỗ khác.

Tôi vẫn trợn mắt nhìn theo cho đến khi có một cánh tay đặt nhẹ vào vai mình, giật mình quay phắt lại. Một khuôn mặt ghé sát lấy tôi nhìn chằm chằm.

Da trắng, răng trắng, mắt có đeo kính… nhưng nhìn ngu ngu.

“Ồ, Thanh Hải đây là cô em gái của cậu hồi đấy đây à?” Gã đó cười đắc chí.

“Ừ” Thanh Hải nháy mắt với tôi.

Nháy cái gì mà nháy, tôi đúng là em gái anh ấy mà, hay là anh ấy nháy mắt kêu tôi nói ngược lại.

Tôi im lặng không nói gì, trong tình huống không hiểu ý nhau thì im lặng là tốt nhất.

“Không ngờ lớn lên xinh quá.”

Trước không nhớ trước đây có gặp gã này. Nhưng có lẽ là bạn Thanh Hải.

“Ừ.” Anh trai tôi khó khăn gật đầu một cái đồng tình. Trong đầu ổng mà nghĩ như thế thật thì từ mai tôi sẽ nhuộm tóc thành màu trắng.

Người kia quàng tay qua vai tôi thân thiết: “Cô bé xinh đẹp, hẹn hò với anh đi.”

“…”

Đám bạn đứng bên cạnh anh tôi cùng với tụi trong lớp tôi há hốc cả ra. Tôi cũng chả hơn gì. Trong khi tôi chưa kịp phản ứng thì cánh tay đang khoác lấy vai tôi đưa lên vuốt tóc của tôi, lại còn cười cười.

Thanh Hải không cười gì mà nhìn tôi, ánh măt gian thì thôi rồi, vì lão ấy biết tôi sẽ làm gì nhưng không hề có ý ngăn cản.

Tôi xoay người túm lấy cánh tay cả kẻ đang đứng cợt nhả một bện mình, vặn mạnh ra sau, đè mạnh lên lưng chủ nhân nó.

Thanh niên ưu tú bạn anh tôi này, gập người dưới sức nặng từ cánh tay tôi kêu lên đau đớn. Không đau mới lạ.

Tóc tôi từ nhỏ đã đẹp, đen dày và dài, có rất nhiều người thích mái tóc mềm mại của tôi, đặc biệt là mấy anh bạn Thanh Hải, khi đến nhà chơi kiểu gì cũng tìm Thanh xoa đầu một cái và đều bị tôi làm cho chảy nước mắt vì đau. Mặc dù bây giờ đã bị tôi cắt ngắn quá vai một chút và nhuộm màu nâu nhưng nó vẫn dày mượt và đẹp.

“Bé à, anh đau quá, thả ra đi, tự nhiên sao vậy.” Gã đó la oai oái.

Lại còn tự nhiên.

Tôi vẫn không bỏ ra, Thanh Hải còn cười ha hả mặc cho ánh mắt cầu cứu của bạn mình. Ai có bạn như lão ta thì đúng là cái số nhọ ba đời.

Nhưng mà người này với anh tôi chắc cũng không thân thiết gì, bởi vì chưa từng thấy đến nhà tôi chơi, còn vì sao tôi dám khẳng định à, bởi vì mấy anh đã từng đến nhà thì sẽ không dám chạm vào tóc tôi đến lần thứ hai.

“Tại cậu động vào tóc con bé đấy…” Anh Cường- bạn thân cấp ba của Thanh Hải chen vào. Anh ấy cũng đã từng là nạn nhân dưới tay tôi.

Bọn trong lớp tôi gật lia lịa, một vài nạn nhân là bạn Thanh Hải cũng cười phá lên.

“Được rồi, thả anh ra… anh không chạm tóc bé nữa đâu.” Lão ấy năn nỉ.

Tôi thả tay ra nhưng vẫn cảnh giác. Tuy nhiên là cũng có vẻ sợ nên có tán tỉnh tôi nhưng không dám lớ xớ lại gần. Lão bạn Thanh Hải cứ bám lấy tôi cho đến khi tôi vào xếp hàng.

“Cha nội đó phiền quá, không biết mắt mũi lé hay sao lại nhìn trúng đồ bà chằn như mày.” Minh Thư khinh thường nhìn tôi đả kích

“Vì tao từ nhỏ đã là mĩ nữ xinh đẹp vạn người mê.” Tôi chỉ vào mặt mình phát huy tinh thần tự sướng vô tận đáp trả lại Minh Thư.

“…” Rất nhiều đứa trong lớp và cả lớp khác nghe thấy quay qua nhìn tôi, thậm chí A Tô còn sờ đầu xem tôi có sốt không.

Tôi gạt tay nó ra, phóng đại lên một chút thôi mà, đâu cần nhìn tôi như nhìn kẻ mới đáp xuống trái đất từ sao chổi vậy chứ.

“Bớt ảo tưởng sức mạnh đi.”Khánh Nam xếp hàng bên cạnh coi thường.

“…”

Khánh Nam đúng là y nhu từ cái khuôn Hà Thanh Hải đúc ra để xỉa xói tôi, sau đó tôi nhìn Khánh Nam đầy ác ý cho đến khi Minh Dương đi điểm danh ngang qua.

Chúng tôi đứng ở những vị trí cuối cùng.

Vị trí cuối cùng theo như Văn Hóa đánh giá thì: dễ hoạt động nhất áp dụng cho mọi trường hợp, từ lớp học, chào cờ đầu tuần cho đến sổ điểm, trừ cái canteen ra.

Một lúc sau, Thanh Hải cùng đám bạn lại vờ như đi qua chỗ chúng tôi rồi đứng ì ra đấy không chịu ránh qua chỗ khác.

“Chị xinh đẹp kia của anh đâu rồi, anh đi kiếm chị ấy đi, đừng có đứng đây ám em?” Tôi đuổi Thanh Hải.

“Cô lại bất mãn gì anh nữa à?” Thanh Hải vò đầu tôi.

“Hứ, không thèm. Anh kéo bạn của anh đi đi để tụi em xếp hàng.” Hai tay tôi giữ lấy đầu không để Thanh Hải vò tóc rối thêm.

“Bé ơi, đừng có đuổi tụi anh chứ.” Hải Dương- gã vừa nãy vuốt tóc tôi xí xớn chạy đến cợt nhả.

Thật sự có hơi ngạc nhiên khi anh ta giống với tên của Minh Dương, nhưng hai người này lại khác hẳn nhau. Tuy đều là học sinh ưu tú từng ở 12A1, nhưng Minh Dương toát ra thứ khí chất khác hẳn, riêng biệt, nổi trội hơn bất kì bạn cùng lứa nào, bình tĩnh và tự tin. Giống như Thanh Hải bình thường thì có vẻ cà chớn nhưng khi cần nghiêm lúc thì sẽ có một cái đầu luôn lạnh, suy nghĩ chín chắn. Cho người khác cảm giác tin tưởng khi ở cạnh.

“Bé ơi…” Hải Dương lại í ới kêu tôi.

“Đừng có gọi là bé ơi… bé à nữa, nổi cả da gà rồi này.” Tôi quay ra cáu. Thực sự thì tôi muốn đè đầu cha nội này ra đánh cho một trận. Hễ cứ nói chuyện là một câu là “bé này” hai câu “bé nọ”, nhìn tôi thấp bé nhẹ cân lắm à? hay là ông này mắc chứng cuồng các bé loli.

Thanh Hải lì lợm đuổi mãi cũng không đi. Một tổ hợp lộn xộn bốn năm người đứng phía sau chúng tôi. Minh Dương đã dẹp trật tự bằng cách kêu mấy người đó đứng nghiêm chỉnh vào hàng của lớp.

Được một lúc thì Hải Dương lại ngứa tay ngứa chân khều khều vai tôi, khi tôi quắc mắt quay lại thì lão đó nhe răng cười với tôi một cái nhìn ngu rùng rợn.

Tôi mặc kệ quay lên kêu Mỹ Tâm cách ba bốn chỗ bảonó đổi chỗ cho tôi.

Thế là tôi với nó đổi chỗ cho nhau, đỡ phiền vì cha nội biến thái cuồng loli kia. Nhưng lại chạm trán với Minh Dương vẫn đang điểm danh, cậu ta liếc tôi một cái rồi lại đếm đếm.

Rõ ràng đang tập trung đếm nhưng vẫn vẫn hỏi tôi: “Ai đấy?”

“Một cái đuôi.” Tôi vùng vằng.

“…” Minh Dương nhìn tôi ngao ngán.

“…”

Sau đó cậu ta cũng chét hẳn một chỗ phía trên đứng buôn dưa lê, bán dưa chuột với tôi và tụi Minh Hiếu, Lê Na. Còn cái đuôi phía dưới vứt lại cho Khánh Nam và Mỹ Tâm, Mỹ Tâm thì khỏi phải nói làm gì, nó còn chưa nhảy điệu yomost lên trời vì được đứng chung với Thanh Hải là đã kiềm chế lắm rồi.

Sau lễ khai mạc, có một khoảng thời gian trống được chừa ra để học sinh mới được giao lưu làm quen với các anh chị cựu học sinh lớp mình các khóa trước.

Cựu học sinh nhiều nhất có lẽ của 12 A1. Lớp đó là huyền thoại nổi tiếng toàn thành phố của trường tôi mà.

Tôi cứ nghĩ lớp mình sẽ không có ai nên nhờ Thanh Hải đến giao lưu, dù sao thì ba tôi cũng sẽ nhờ một ai đó bất kì đến lớp tôi nếu như không có ai từng học ở B7 các khóa trước về trường hôm nay và dám cá 200% là họ sẽ đạp cửa đi ra khi còn chưa hết giờ. Những năm trước thì chính xác là không có một ai. Dù sao thì nhờ Thanh Hải tôi vẫn yên tâm hơn những cựu học sinh khác. Ít nhất vì đó là anh trai tôi.

Lúc chạy đi kiếm Thanh Hải, anh ấy lại kéo thêm cả bốn người nữa với lí do cựu hoc sinh bên A1 đông quá không có chỗ ngồi nên sang lớp tôi.

Càng đông càng vui, với lại anh Cường, Huy, Khánh và Nam đều là bạn thân của Thanh Hải đã từng bị tôi giở trò cho lên bờ xuống ruộng hồi còn nhỏ. Mấy năm nay các anh ấy đều theo học đại học và làm việc ở xa nên ít gặp nhưng mỗi lần về đều mua quà cho tôi, coi tôi như là em gái ruột của các ảnh. Vậy nên tôi cho các anh ấy chét phần chỗ ngồi của tôi và Khánh Nam.

Thế nhưng có nhiều việc luôn vượt ra ngoài dự đoán.

Lớp tôi cũng có một cựu học sinh về thăm trường, chị ấy là cựu học sinh của B7K32 ra trường cách đây năm năm. Nghe ra thì Thanh Hải mới ngớ ra chị ấy cùng khóa với mình, gặp lại bạn cũ cùng khóa mặc dù không quen biết nhưng vẫn bắt tay chào hỏi nhau thân thiết.

Chị tên là Phạm Thanh Thủy, cái tên cũng dịu dàng như người, nhưng thành tích chị ấy đạt được lại khiến người ta trố mắt trầm trồ. Chỉ mới hai ba tuôi chị đã có một giải thưởng nấu ăn quốc tế, bây giờ đang làm bếp trưởng của một khách sạn lớn và chuẩn bị mở một nhà hàng của riêng mình.

Anh tôi thán phục: “Thật ngưỡng mộ, bạn đã thành công lớn như vậy mà tôi vẫn còn ăn bám bố mẹ.”

Tôi nhọn mỏ thè lười với Thanh Hải, từ năm hai đã xin việc làm thêm ở phòng khám tư, vừa học chương trình đại học y khó nhằn vừa kiếm tiền học phí tự lập mà lại kêu là còn ăn bám ba mẹ thì tôi cũng chẳng còn biết nói gì.

Nghe lời tâng bốc của anh tôi, chị Thanh Thủy chỉ cười, chị ấy rất khiêm tốn: “Bạn quá khen rồi, ngày còn đi học hầu hết chúng tôi rất ngưỡng mộ lớp A1 các bạn, vừa ưu tú lại vừa đoàn kết. Đi học cũng không thấy phí tiền của ba mẹ như chúng tôi.”

Phía dưới lớp tôi cười rộ lên vì câu nói đùa của chị ấy.

“Bây giờ bạn còn ưu tú hơn cả chúng tôi.” Thanh Hải nhiêt tình khiến chị Thu Thủy thoáng đỏ mặt rồi chi ấy lại cười nhẹ nhàng bình tĩnh. Với một người mới mười tám, mười chín tuổi đã va chạm với đời như chị ấy, quá thông minh để xử lí các tình huống.

Sau đó chị Thanh Thủy nói với chúng tôi rất nhiều, có rất nhiều trải nghiệm.

Những chệnh vênh khi vừa tốt nghiệp ra trường mà không biết bản thân muốn làm gì. Không hoài bão không hi vọng. Chị ấy nói, nhiều lúc muốn nghe ba mẹ mình theo học một trường cao đẳng nào đó và để họ sắp xếp việc làm. Nhưng sau đó chị lại rẽ sang học nấu ăn khi mới chỉ học được nửa năm đầu trường cao đẳng kinh tế, ngành kế toán.

Đó là một bước ngoặt và thực sự là lựa chọn rất sáng suốt của chị Thanh Thủy.

Bố mẹ chị cũng đã từng phản đối quyết liệt, nhưng chị đã quyết tâm thuyết phục bố mẹ, dù lúc đó họ vẫn chưa thật sự tin tưởng lắm. Chị đã cố gắng và sự cố gắng đã được khẳng định khi chị dùng giải thưởng quốc tế để chứng minh sự lựa chọn của mình là đúng đắn.

Ba mẹ chị đã hoàn toàn tin tưởng và ủng hộ.

Chúng tôi im lặng nghe, ít khi nào mà lớp tôi ngồi đông đủ thế này mà vẫn im phăng phắc. Đến cả Khánh Nam Cũng ngồi dậy dỏng tai nghe.

Trải nghiệm của chị ấyđối với chúng tôi là những điều rất thú vị, rất mới mẻ.

Tôi giơ tay và bắt đầu bằng một câu hỏi: “Chị Thanh Thủy, em là Hà Hải Yến ạ. Em muốn hỏi, lúc chị theo học trường cao đẳng sao đột nhiên lại muốn chuyển qua học nấu ăn?”

Chị ấy cười tự nhiên giống như đã trả lời câu hỏi này rất nhiều lần: “Cũng không phải là đột nhiên, từ khi học cấp ba chị đã thích nấu ăn, bắt đầu bằng các bữa ăn gia đình, sau đó lên cao đẳng đi học thấy tẻ nhạt nên chị xin làm thêm ở một quán cơm bình dân. Ở đó gặp được một đầu bếp rất giản dị nhưng rất nhiệt huyết với nghề, ông ấy đã dạy bảo chị rất nhiều sau đó quyết định theo học ông ấy. ” Nhìn khuôn mặt lúc kể của Thanh Thủy say sưa như đang đắm chìm vào trong hồi ức lại càng thêm chân thành.

Lúc chị ấy kết thúc câu chuyện của mình, Minh Dương lại đứng lên.

“Chị Thanh Thủy, em có thể hỏi chị được không ạ?”

Chị ấy gật đầu.

“Lúc chị ra làm việc người ta có đòi hỏi chị về bằng cấp không ạ?”

Tôi biết ý nghĩ của Minh Dương. Cậu ta đang thông qua chị Thu Thủy hướng nghiêp cho lớp tụi tôi. Bởi vì tình trạng của lớp chúng tôi hiện nay, tốt nghiệp chưa chắc đã là một điều dễ dàng. So với những tiết học hướng nghiệp khô khan bình thương thì học với một người đã có kinh nghiệm va chạm với xã hội như thế này thực tế và thú vị hơn rất nhiều.

“Có chứ, lúc chị xin học việc ở các nhà hàng người ta luôn luôn yêu cầu tối thiểu nhất là phải tốt nghiệp cấp ba, nó giống như tấm vé hợp pháp giúp chúng ta vào đời vậy. Còn bằng đại học thì lúc đó chị còn chưa kịp tốt nghiệp. Nhưng chị nghĩ nếu đi học theo kiểu nửa vời như chị thì không nên lãng phí tuổi trẻ của mình trên giảng đường đại học, cao đẳng.”

Và thực tế đã chứng mình là chị ấy không cần bằng đại học cũng có thể rất thành công, nhưng liệu có được mấy người chứ??

Tôi thấy nụ cười nhẹ trên môi Minh Dương và sự im lặng của mọi người.

A Tô nghe xong thì vỗ tay bộp bộp. Nó giơ tay đứng lên.

“Chị ợi em muốn hỏi là nếu em cũng muốn trở thành đầu bếp thì nên học đâu ạ?”

“Em muốn theo nghề này sao?” Chị ấy cười

“Vâng.” A Tô gật đầu lia lịa.

“Vậy thì lát nữa chị sẽ gặp riêng em và tư vấn kinh nghiệm cho em.”

A Tô cười toét cả mỏ. “Cảm ơn chị.” Giọng nó ồm ồm nói nghe rất to nhưng rất dễ thương.

“Nhưng cho dù ước mơ hay lựa chọn của các em là gì thì trước hết nên tốt nghiệp đã, nếu không sẽ uổng phí ba năm ngồi trên ghế của Sant lắm đấy.” Chị Thanh Thủy chốt một câu làm lớp tôi cười rộ lên.

Sau đó Thanh Hải và các bạn của anh lần lượt đi lên còn chị Thanh Thủy thì lùi về ngồi ở bàn ba cùng nghe.

Thanh Hải cũng nói rất nhiều, về cuốc sống ở đại học, những đợt tình nguyện ý nghĩa, những món quà nhỏ tạm biệt quý giá từ bệnh nhân dành tặng lúc họ ra viện, những ca trực đêm, về những bệnh nhân khó tính, về áp lực từ bệnh viện, có cả những tiếc nuối khi chứng kiến cảnh một con người ra đi trên giường bệnh để lại tiếc thương cho những người ở lại.

Anh ấy nói rất nhiều, rất nhiều, những điều mà đã thường tâm sự với tôi sau những ca trực hay lần học lâm sàng ở bệnh viện.

Lúc này những cánh tay của Vân Anh, Minh Hiếu và nhiều đứa khác cũng giơ lên để hỏi anh tôi về các trải nghiệm của anh ấy. Không giống chị Thanh Thủy, anh tôi chỉ mới va chạm với xã hội ở một vài khía cạnh và nó cũng không nhuốm màu cuộc sống quá nhiều như chị Thu Thủy.

Nhưng không thể phủ nhận, áp lực của anh ấy rất lớn. Y học không phải là một nghề học để chơi, chỉ lơ là một chút, học sinh ưu ú cũng có thể thành lang băm như chơi. Những lúc áp lực nhiều quá, chỉ đơn giản là anh ấy kể còn tôi nghe. Anh em tôi hay chí chóe với nhau nhưng tình cảm chưa bao giờ sứt mẻ.

Đối với những đứa trẻ đã từng khiếm khuyết tình thương như chúng tôi gia đình rất quan trọng. Dù tôi với Thanh Hải không phải là anh em ruột thịt nhưng chúng tôi cùng chung huyết thống. Trong mỗi chúng tôi đều có chảy những dòng máu giống nhau. Thanh Hải là anh họ tôi, chính xác là con trai bác ruột tôi, khi bác tôi mất ba đã đón Thanh Hải về sống chung. Khi đó ba và mẹ tôi vẫn chưa gặp lại nhau, lúc tôi vào lớp tám ba tìm lại được mẹ và tôi.

Trước đó tôi cũng giống như A Tô là đứa trẻ vắng tình thương của ba. Nhưng tôi gan lì hơn A Tô, tôi đánh trả bất cứ đứa nào nhạo báng tôi, bất kể những đứa trẻ đó là con trai và to béo hơn tôi rất nhiều.

Có những lúc mẹ phải đến trường và đưa tôi về trong tình trạng sứt đầu mẻ trán, nhũng khi đó băng bó cho tôi xong mẹ lại ôm lấy tôi và khóc.

Lúc đó trong suy nghĩ non nớt của mình tôi chỉ có mình mẹ nên luôn cố gắng học thật giỏi vì mẹ cũng chỉ có mình tôi. Tôi đã luôn là một đứa trẻ ngoan. Vì thế mà cứ khi nào tôi quậy phá là mẹ lại nổi giận với ba và Thanh Hải, nói rằng vì hai người ấy chiều tôi quá mà tôi sinh hư.

Còn bây giờ, mẹ cũng không chỉ có mình tôi, tôi cũng không còn chỉ có mình mẹ. Tôi, mẹ, anh trai và ba là một gia đình, đầy đủ. Ngoài tôi ra, bây giờ, mẹ còn chồng cùng con trai yêu thương. Tôi lại có thêm anh trai và ba thân yêu nhất trên đời. Tuy họ đến với tôi muộn hơn những đứa trẻ khác, nhưng tình yêu họ dành cho tôi chưa bảo giờ nhỏ hơn. Và hai người họ cho tôi cơ hội được tự do sống theo cách mà mình muốn.

Thanh Hải nói, chuyện của ba mẹ tôi có thể còn viết được thành một cuốn sách, nhưng mẹ lại chọn cách để nó thành nhật kí. Mà nhật kí không bao giờ chia sẻ, tuy những lúc đầu tôi tò mò nhưng chưa bao giờ hỏi mẹ. Cứ để nó là bí mât của riêng ba mẹ tôi.

C.6.2


/6

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status