Bãi Gió Cồn Trăng

Chương 11: chương 11

/12


Từ hai tháng qua, cậu Hai Luyện thường nằm chiêm bao thấy thần Hắc Giao đại vương hiện hồn về đòi mạng nên c ậu ăn ngủ không ngon, tâm thần hoảng hốt. Đêm đêm cậu không dám tắt đèn. Riết rồi cậu xuống tinh thần thê thảm, phải xin tạm nghỉ việc về Cầu Đào dưỡng bệnh.

Suốt một tuần bị hành nhức vì vết đâm của đinh nhọn, bà Bang biện Hưỡn càng tỏ ra bực bội nóng nảy, chửi rủa tôi tớ ra rả suốt ngày. Bà bắt Cai tuần Xướng, thằng Xiêm, thằng Đực, thằng Yêm đi dọ tung tích của Bửu để bắt cậu đem về cho bà trị tội. Họ còn phải đi đòi nợ giùm bà, nếu được thì bà chẳng thèm thưởng công, bằng nếu không được còn bị bà nhiếc móc, óc eo, chửi bới.

Rồi một sáng hôm nọ, ngủ dậy bà cảm thấy xương sống mình cứng đơ không thể chổi dậy nổi. Bà cứ nằm lì trên giường, bảo con Lý mời bà Năm Đặng tới. Bà cầm tay em, dặn:

- Dì coi sóc việc nhà giùm tui. Hôm nay tui đau đớn khắp mình mẩy, đầu nhức như búa bổ. Dì mời ông Năm Tảo tới chẩn mạch hốt thuốc cho tui.

Nhưng hôm đó ông Năm Tảo đi Vũng Liêm thăm người bạn thân. Ông Bang biện Hưỡn không nói được, lấy giấy viết: "Bà lôi thôi quá, kêu thằng rể đốc - tờ tới điều trị cho bà có hơn không!". Nghiệt thay, hôm đó bác sĩ Lê Thạng Mậu cũng đã đi An Hương thăm tía má mình. Tới trưa thì bà Bang biện đái ra máu, bất tỉnh nhơn sự. Mỗi lúc lên cơn, lưng bà ểnh lên, răng cắn chặt vào nhau, miệng méo xẹo, tay chơn co giật. Cô Ba Cẳm Tú từ Câu Lâu qua thăm, thấy vậy biết mẹ mình bị phong đòn gánh nên vội hối thằng Xiêm, thằng Đực võng bà ra đường lộ đá, kêu xe lôi đưa bà đi nhà thương.

Suốt bảy tiếng đồng hồ, bà Bang biện vật vã với con bịnh. Trong hôn mê, bà thấy mình đứng giữa căn hầm chứa nước đá. Từng khối băng dài cỡ sải tay và lớn cỡ vòng ôm tiết ra hơi lạnh nghi ngút. Bà cố sức bình sanh tìm cách thoát khỏi căn hầm kia để tới chỗ ấm áp. Chung quanh bà lởn vởn những hình ma bóng quế. Tiếng than van nổi lên từng chặp. Bỗng một kẻ hơ hải chạy đến báo tin: "Mấy người hãy theo tui tới đàng kia, chẳng những có nắng ấm mà còn có cơm canh sốt dẻo nữa". Theo sóng người lôi cuốn, bà Bang biện Hưỡn chạy tới một tòa nhà thắp đèn sáng trưng. Nhưng khi cả bọn vừa bước vào nhà thì cánh cửa bằng sắt khép chặt lại. Một cảnh tựng khủng khiếp bày ra. Lửa cháy khắp nơi. Lửa đốt cột đồng, lửa nung giường sắt, lửa hầm trong lò gạch... Mỗi nơi đều có tội nhân chịu hành hình bởi lũ quỉ đầu trâu mặt ngựa. Kẻ bị leo cột đồng cháy đỏ, người nằm dài triên giường sắt nung lửa, kẻ khác bị hầm trong lò, kẻ khác nửa bị nuốt than nóng..., mùi thịt da bị cháy bốc lên khét nghẹt.

Hôm an táng bà Bang biện Hưỡn, bác sĩ Lê Thạnh Mậu bảo luật sư Trần Hảo Hiệp:

- Bà nhạc tụi mình đạp đinh, vậy mà con vợ tui không nói gì với tui để tui khuyên bả chích ngừa phong đòn gánh. Thứ đinh rỉ sét là ổ vi trùng của căn bịnh tán mạng kia!

Mặt luật sư Trần Hảo Hiệp lạnh tanh như cái cối đá, không nói không rằng.

Bà Bang biện Hưỡn chết đi, cảnh nhà trở nên rối loạn. Tôi tớ không có người điều khiển sanh ra biếng nhác. Cậu Hai Luyện liền mới ông bà Năm Đặng về ở chung. Ý là hai ông bà không con nhưng vẫn âm mưu ăn chặn ăn xén, ăn cắp ăn trộm của anh rể mình làm của riêng. Cậu Hai Luyện tuy tham lam của người, lại không quen thói bòn tro đãi trấu nhưng lòng dạ thưa thớt, không làm sao bắt được việc làm tác tệ của dì dựng mình. Còn cô Ba Cẩm Tú thì say mê chuyện tò tí với tên Pháp kiều nên ít khi về thăm nhà.

Cô Tư Cẩm Lệ sau khi dự lễ an táng mẹ xong, cùng chồng trở về Sài gòn. Chị vú báo tin:

- Hôm qua em nhỏ ấm đầu, ho khóc suốt đêm. Bà Phán (chỉ má chồng cô) có đứa em bÿc sĩ. Em được chích thuốc nên bây giờ mới ngủ được.

Cô Tư vội vào buồng thăm con. Đứa bé say ngủ, nét mặt thanh thản. Cô đặt tay vào trán con thấy mát rượi, yên lòng đi tắm gội.. Nhưng sao đứa nhỏ ngủ say quá, tới chiều tối vẫn chưa thức. Cô vào buồng thăm con lần nữa, rờ tay vào trán con thì thấy lạnh ngắt. Cô đặt tay lên ngực nó thì không thấy phập phồng. Thánh thần thiên địa ơi, đứa hài nhi tắt thở tự bao giờ!

Sau cái chết của con, cô Tư Cẩm Lệ như kẻ mất hồn. Cậu Hai Luyện thương tình xin phép thầy kiện Trần Hảo Hiệp đưa em gái mình về Cầu Đào dưỡng sức. Cô Tư lúc đó không còn thiết gì nữa. Trong căn nhà của chồng, giữa lúc tình chăn gối lạt lẽo, còn có kỷ niệm và bóng ma đứa nhỏ lảng vảng nên cô muốn đi xa, về nhà cha mẹ để lấy lại sự thăng bằng của não cân, để cứu vãn tinh thần đang độ xuống dốc. Bởi đó cô nghe lời anh, đáp tàu thủy về Vĩnh Long. Tuy nhiên khi về Cầu Đào được một tuần lễ, cô bỗng linh cảm rằng lần ra khỏi nhà chồng đó cũng là lần cô bước ra khỏi cuộc đời luật sư Tràn Hảo Hiệp. Và càng nghĩ sâu cô càng nhận ra rằng cô đã ra khỏi cuộc đời chồng trước khi sanh con, từ khi có sự hiện diện của cô Hai Tố Trinh ở nhà bà Huyện Tịnh.

Riêng cô Ba Cẩm Tú thừ thuở còn là nữ sinh trường Áo Rím, cô đã mê hát bóng, cải lương. Tuy nhiên chưa cô bao giờ nghĩ là mình có thể ăn nằm với một tên Tây tà ngoại chủng. Loại kép vóc voạc vừa tầm, mắt xanh như ve chai còn có thể được cô ưa chuộng, đằng nầy mắt tên Thierry Lemur kia xám xịt, thân mình hộ pháp, tướng tá ô đề, lọt ra khỏi vòng mơ mộng hoài bảo của cô xa lơ xa lắc. Vậy mà không hiểu do oan nghiệt gì xui khiến để cô sa ngã vào vòng tay nó, để nó vầy vọc tấm thân cô. Và chu choa ơi, nó vầy vọc cô khéo quá, tuyệt vời quá nên cô đâm ra say mê nó, phó mặc cho thanh danh vùi chôn xuống bùn, thây kệ cho tiết hạnh lấm lem giữa bụi.

Sáng hôm sau, sau khi đi chợ về, Cô Ba Cẩm Tú thay đồ mát bằng lụa soạn trắng, nằm trên ghế xích đu buồn dàu dàu và nhớ tên Pháp tặc kia thất thẻo. Đang lúc cô Ba nghĩ ngợi lan man thì cô Sáu Bạch Huệ tới chơi. Chèn ơi, bộ con nầy trúng số độc đắc hay sao mà nó ăn diện choáng lộn nhức mắt: nào áo rằn ri xanh đỏ, nào vòng vàng chuỗi hột rườm rà, nào son phấn diêm dúa... Cô Ba Cẩm Tú quở:

- Có tin tức gì về thằng mọi rợ phiên tặc đó không? Sao cả tuần nay mầy không cho tao biết ất giáp gì hết vậy?

Cô Sáu Bạch Huệ ỏn ẻn:

- Cả tuần nay không có tin, giờ có tin nên em tới cho chị hay nè, vậy chị có vừa bụng chăng? Không lẽ em xách đít tới đây để bàn với chị chuyện đạo giáo, đạo đức? – Rồi cô Sáu nheo mắt nhìn cô Ba – Đang nhớ thằng dâm tặc đó phải không? Mặt mũi chị sao mà ủ dột như trời chuyển mưa! Vui lên chị! Sáng hôm nay tên Thierry có sai anh loong toong tới nhà em cho biết xế nay cỡ 2 giờ hắn rảnh, muốn gặp chị ở nhà. Chẳng hay chị có rảnh không?

Cô Ba Cẩm Tú nguýt:

- Tao... tự do như gió như mây. Dẫu có bận việc thế mấy, nhưng một khi cao hứng, tao cũng gác việc qua một bên.

Rồi cô mở bóp đầm lấy ra hai tờ giấy năm đồng cưa cho cô Sáu Bạch Huệ, dặn:

- Nhớ làm bữa ăn dậm cho nó.

Khi cô Sáu Bạch Huệ ra về, cô Ba Cẩm Tú hối con Xinh, đứa tớ gái của cô, nấu cơm để cô ăn cho sớm. Rồi đó, sau bữa ăn trưa, cô đi tắm bằng thứ xà bông đặc chế bằng mật ong trước khi trang điểm.

Còn cô Sáu Bạch Huệ bưng bả về tới nhà đã thấy Hai Dần ngồi chờ. Cô trách móc:

- Anh thiệt là... ương ngạnh, không chịu nghe lời em! Trong thời gian mụ Ba Cẩm Tú léo hánh tới đây, anh cứ chừng mặt tò tí công khai với em, đố sao mủ khỏi nghi nan chuyện âm mưu đưa mụ vào bẫy của tụi mình!

Hai Dần cười mơn:

- Nhớ em thắt thẻo tim đỏ gan vàng nên qua mạo mụi tới đây, mong em xá tội cho qua nhờ. Qua chỉ mong xế nay là buổi chót mủ tới đây bày trò tư thông với tên Pháp tặc rậm râu kia!

Cô Sáu cười:

- Em cũng mong vậy. Thôi, anh về nói cho ông thầy thuốc Mậu rõ tự sự và dặn ổng cỡ hai giờ trưa nay nhớ dắt ông trưởng tòa cùng mấy chú mã tà tới quán nước trước hẻm nhà em nghe chưa! Hể em cho thằng ở của em ra mời là họ phải tới lập tức đặng tông cửa buồng bắt quả tang tụi nó.

Cô Sáu Bạch Huệ cùng tình nhơn kéo nhau ra quán ăn bánh mì. Xong xuôi, Hai Dần cỡi xe đạp đi tìm bác sĩ Lê Thạnh Mậu, còn cô Sáu đi mua sắm bánh trái, la ve, nước ngọt...

Lối 1 giờ trưa, cô Ba Cẩm Tú đến nhà cô Sÿu bạch bạch Huệ. Nhìn mâm bánh trái ê hề bày bàn ăn, cô Ba quở:

- Chèn ơi,, mâm bánh ăn dặm sao mà ê hề như vậy? Thằng Thierry và tao ăn sao hết!! Hay là mầy dùng để cúng cô hồn?

Cô Sáu háy thiệt lẳng:

- Nó với chị ăn không hết thì để cho em và mấy tay đánh xá ỏ, đánh tứ sắc ăn ké.

Cô Ba ngoe ngoảy bỏ vào buồng dành cho cô. Nơi đây nệm drap trắng tinh, thoảng mùi long não. Cô cởi áo dài máng lên móc rồi vào giừng nằm nghỉ. Cô tính nằm chơi, ai dè ngủ hồi nào không hay. Bỗng một chiếc cằm lám nhám gốc râu chạm vào đôi má mịn màng của cô, rồi cặp môi ấm áp đè lên cặp môi cô. Cô mở mắt ra thì thấy Thierry đang nằm bên cô, thân thể không mảnh vải che. Cô siết chặt tấm thân hắn, làm bội hỏi:

- Ai? Ai vậy?

Tên Pháp kiều rên rỉ:

- Kiếm được dịp tốt để đến đây khó quá! Anh nhớ em lắm!

Hắn hun hít cô, rồi cả hai nhẩn nha vuốt ve nhau cho đến lúc tên gian phu không chịu nổi lửa dục nữa, bắt đầu giao hoan với cô. Cô nhắm nghiền mắt hửng ứng, quên phứt đi tấm vách có một lỗ nhỏ để cặp mắt cô Sáu Bạch Huệ theo dõi, chờ lúc họ mê man nhục dục sẽ ra tay.

Khi cô vẫy tay ra hiệu thì năm người đàn ông tiến tới cửa buồng trong khi cặp trai gái ngoại tình đang ái ân nồng đượm, quên luôn trời đất, quên cả thời gian. Rầm! Một tiếng đạp long trời đất vang lên. Bác sĩ Lê Thạnh Mậu, Trưởng Tòa Hiệp, Hai Dần và hai người lính mã tà ào vào. Thieery vừa ngóc đầu dậy thì Hai Dần nhảy tới đánh vào ngực, vào hạ bộ hắn chết giấc. Bác sĩ Mậy chụp lấy tóc cô Ba Cẩm Tú ghịt xuống, tay kia vả vào mặt cô làm cô là chói lói. Rồi bản năng sinh tồn trổi dậy, cô ba cắn mạnh vào tay chồng, hai tay bóp ghịt cục thịt giữa hai đùi chồng làm ông ngã ra trợn trắng. Cô Ba hằn học ngó cô Sáu Bạch Huệ, nghiến răng hỏi:

- Có phải mầy gài bẫy tao không, hả Sáu?

Cô Sáu đỏ tía tai gục đầu không nói được lời nào.. Cô Ba Cẩm Tú mặc quần áo vào, vẽ mặt kiêu hãnh và lạnh như tiền. Nhìn chồng nằm thở dốc, mặt trắng bệch bạc, cô khinh bỉ phun nước miếng vô mặt ông, chửi:

- Đồ khốn nạn! Có vợ mà không biết o bế tưng tiu, để cho nó cắm sừng lên đầu mà không biết nhục!

Hai viên mã tà còng tay cô và tìm cách cứu tỉnh tên Thierry Lemur. Trưởng tòa Hiệp tiếp tục làm biên bản. Nhục quá hóa liều và đâm ra trơ, cô Ba Cẩm Tú chửi chồng tắt bếp, không từ nan một ngôn từ tục tĩu, lỗ mãng nào.

Từ bót mã tà bước theo anh mình bảo lãnh ra về, cô Ba Cẩm Tú đực chồng cho phép về nhà lấy quần áo và tư tang để về Cầu Đào. Còn bác sĩ Lê Thạnh Mậu tuy đắc thằng vẻ vang như ý, nhưng trong bữa ăn chiều ông cảm thấy rõ ràng sự đắng cay chua chát, cuốn sạch hết kỷ niệm đẹp sau năm năm chung sống với cô vợ. Ông ta ăn cơm như ăn sỏi sạn, húp canh như húp thuốc bắc.

Đêm hôm đó bác sĩ Lê Thạnh Mậu vào giường rất sớm. nhưng mãi tới canh tư ông mối ngủ được. Sáng hôm sau ông dậy trễ, sai con Xinh mua cho ông một tô hoành thánh và ly cà phê sữa. Điểm tâm xong, ông chải đầu láng, diện sơ- mi cụt tay bàng vải ba- tít màu trứng sáo, quần vải ga- bạc- din xanh đậm, thắt nơ bướm ở cổ và mang giày tây đen đánh xi- ra bóng loáng. Nhìn bóng mình trong kiếng, ông thầm nghĩ: "Đờn ông bốn mươi tuổi vẫn còn làm lại cuộc đời một ách ngon lành, huống chi mình mới băm ba tuổi!"

Từ khi vợ chồng bác sĩ lê Thạnh Mậu gặp cảnh đồng sàng dị mộng thì nhà cửa ông như bao bọc một làn không khí lạnh lẽo. Cô Ba Cẩm Tú săn sóc nhà cửa lấy lệ nên bàn ghế không được lau chùi kỹ lưỡng, đồ đạt bày biện thiếu mỹ thuật, kém ngăn nắp; ngoài sân, các chậu cây kiểng không được tỉa lá, bông trồng trong bồn thiếu nước héo queo, và ngoài xa nữa, hàng rào cây trà tươi không được cắt bàng. Ông phải tiến hành cuộc li dị với cô Ba Cẩm Tú càng mau càng tốt, càng sớm càng thuận lợi cho ông. Rồi ông sẽ tìm một cô gái nết na, có học thức về làm vợ, để ngôi nhà nầy có người chủ phụ coi sóc trong ngoài.

Suy nghĩ miên mang đưa ông về người đẹp năm xưa có cái tên Võ Thị Tố Mai, người thiếu nữ đã cho ông tình yêu đầu đời mà vì yêu ngôn quỉ kế của cô Ba Cẩm Tú đã khiến ông hồi hôn đưng sự, làm đương sự lao đao suốt năm măm trời! Ờ! tại sao hôm nay ông không đến xóm Chuồng Gà tìm cô, coi cô có nhà ông Năm Tảo hay không? Nếu cô bằng lòng kết hôn cùng ông thì ông sẽ có cơ hội săn sóc yêu thưng cô, để ông chuộc lỗi lầm thuở trước. Mường tượng tới khuôn mặt bầu bĩnh của cô với đôi mắt lá râm, đôi mày vòng nguyệt, sống mũi dọc dừa, cặp môi thanh tú mà tim ông đập khoan khoái. Ôi cặp mắt cô tuy không lớn nhưng cái nhìn bao la vòi vọi. Sắc mặt cô tươi sáng thấm nhuần vẻ hiền hậu dịu dàng. Năm năm qua mà cô vẫn giữ được nét trẻ trung trên khuôn mặt và vóc mình thanh cảnh tươi mát.

Bác sĩ Lê Thạnh Mậu ra tiệm Hảo Xướng mua một hộp trà Ô Long, hai phong bánh in hiệu Huê Phong, hai chai rượu chát hiệu con bò, một kí nho tươi rồi lái xe tới nhà ông bà Năm Tảo. May phước, hôm đó hai ông bà và cô Thiệt Nguyện đều có ở nhà.

Bác sĩ Mậu ngập ngừng bảo ông Năm Tảo:

- Hôm nay tui tới đây trước thăm ông bà, sau có chút việc muốn bày tỏ cùng với cô Bảy Tố Mai, vốn là vợ chưa cưới cũ của tôi. Gia đạo tui đang rối rắm, tui với vợ tui sắp ra tòa li dị nên tui muốn cùng em Bảy tính chuyện chung thân về sau.

Ông Năm Tảo cho gọi cô Thiệt Nguyện đang lúc thúc ở nhà sau. Chỉ chừng dập bã trầu, cô bưng khay trà ra chào khách. Cô cũng vừa rửa mặt cho tươi tỉnh. Hôm nay cô mặc chiếc áo xuyến trắng bó eo, chiếc quần đáy giữa bằng lãnh trơn, tóc chải láng, cái bí bo được bọc lưới. Cô cũng đeo một xâu chuỗi ngọc trai,, đôi bông tai cẩm thạch và giắt chiếc trâm kết hột cẩm thạch lớn cỡ trái trứng cá trên búi tóc.

Cô Thiệt Nguyện vui vẻ bắt chuyện với khách, không cay đắng, không bợ ngợ. Dung quang cô sáng rỡ như trăng rằm, nụ cười cô nở tộng bày hàm răng đều đặn và khít khao, sóng mặt cô ướt rượt. Tuy nhiên, mắt cô sáng mà dịu hiền, nụ cười cô điềm đạm đoan trang, sóng mắt cô chỉ có vẻ âu yếm mà không lẳng lơ. Ông Năm Tảo bảo:

- Quan thầy thuốc hôm nay tới đây có chút việc muốn nói với cháu, vậy để chú ra ngoài vườn o bế mấy cây cau xiêm vừa trồng để cho cả hai đàm đạo thoải mái.

Rồi ông ngó qua bác sĩ Mậu:

- Quan thầy thuốc đã tới chơi, xin ở lại dùng cơm trưa với vợ chồng tui và cháu Thiệt Nguyện đây.

Biết rằng câu chuyện mình sắp bàn với người yêu cũ còn dài nên bác sĩ Mậu nhận lời và chắp tay cảm ơn ông Năm. Sau khi ông năm đi khỏi, ông nhìn trân trối cô Thiệt Nguyện, ngập ngừng:

- Qua đến đây không ngoài mục đích kể hết gia đạo của qua cho em rõ. Nếu em không còn hờn qua, và nếu em còn yêu thương qua như chầu xưa thì qua sẽ cưới em sau khi ra tòa xé hôn thú với con vợ cũ.

Cô Thiệt Nguyện kinh hoảng:

- Anh muốn thôi vợ để cưới em hả? Sao lại có chuyện ác đức vậy?

Bác Sĩ Lê Thạnh Mậu liền kể khúc nôi vụ vợ ngoại tình và vụ bắt ghen quả tang cho cô Thiệt Nguyện nghe. Cô lặng yên nghe với ánh mắt cảm thông, chia sẻ. Nhưng khi thấy ông nước mắt đoanh tròng thì cô cũng khóc theo. Biết cô Thiện Nguyện vẫn còn yêu thương mình, bác sĩ Mậu mũi lòng khóc nhiều hơn. Nước mắt làm ông quên mối hờn ghen con vợ lăng loàn cũ, khiến ông phấn khởi khi nghĩ tới việc làm lại cuộc đời trong những ngày sắp tới.

Cô Thiệt Nguyện thở dài:

- Việc tác tệ xảy ra như vậy anh thử nghĩ lại mà coi, con Ba Cẩm Tú có lỗi đã đành, mà anh cũng có lỗi nữa. Anh đã lợt lạt lửa hương với nó, anh đã dắt nó vào chốn ăn chơi để nó tiếp xúc với phồn tham dâm háo sắc. Nay đôi bên không còn thương yêu nhau nữa thì xa nhau cũng là giải pháp hay. Còn việc anh muốn cầu hôn em, xin hãy đợi công việc li dị giữa anh và con Ba dứt khoát đã.

Cô đứng dậy xin phép ông vào trong. Ông Năm Tảo từ vườn bước vào với trái đu đủ hườm chín trên tay. Ông đặt trái lên dĩa quả tử rồi gọi thêm bình trà mới để ông ngồi tiếp chuyện bác sĩ Lê Thạnh Mậu.

Bà Năm Tảo bước ra, mời khách:

- Bây giờ cũng đã trưa trờ trưa trật rồi, xin mời quan thầy thuốc dùng cơm.

Mâm cơm dọn trên chiếc bàn tròn ở phòng ăn, giáp với căn bếp. Trên bàn chỉ bày có ba chiếc chén và ba đôi đũa. Bác sĩ Mậu và ông Năm Tảo vừa ngồi vào mâm thì bác vật Cảnh cũng vửa tới. Qua ông Năm, hai đàng bắt tay chào nhau. Bác sĩ Mậu hỏi:

- Sao không mời cô ra đây ăn luôn thể?

Bà Năm Tảo vui vẻ:

- Tui và cháu Thiệt Nguyện ăn chay. Hai con Túy ăn ở dưới bếp cho thoải mái. Thôi kệ tụi nó!

Mâm cơm tươm tất. Một tô canh chua cá lóc nấu bông súng. Một dĩa gỏi ngó sen trộn tôm thịt rắc rau răm xắt nhuyễn. Một dĩa sườn nướng thơm phức. Một dĩa cá bống tượng chưng kim châm nấm mèo.

Dưới nhà bếp, cô Thiệt Nguyện thuật lại chuyện gia đạo bác sĩ Mậu cho hai cô Túy nghe. Rồi cô than thở:

- Hồi đó khi chị lên Tri Tôn toan cắt tóc quy y thì sư phụ chị không cho, bảo rằng mai sau nếu tánh sân hận của chị được tiêu trừ thì tình chủng của chị vẫn còn nguyên gốc rễ. Bởi đó nên huề thượng chỉ cho chị thọ giới cận sư nữ. Lời phán dạy ấy nay sắp thành sự thật. Chị mắc nợ bác sĩ Mậu về cuộc vợ chồng. Oan gia nghiệp chướng trong sáu năm qua đã trả dứt, nhưng vòng tình nghĩa ái ân trong tương lai không mấy xa xôi sẽ hủy hết năm năm tu hành của chị.

Cô Hai Túy Ngọc:

- Ai nói với chị khi lấy chồng rồi sẽ không có pháp môn nào để tu? Còn có pháp môn Tịnh Độ vốn dành cho mọi thiện nam tín nữ vì nó dễ tu, chỉ cần niệm hồng danh đức A Di Đà Phật cho tới nhứt tâm bắt loạn là đủ.

Cô Thiệt Nguyện thở dài:

- Đường tu vốn lắt léo, đâu có dễ như em tưởng. Trong một triệu người, họa may mới có một người niệm nhứt tâm bất loạn!

x

x x

Năm tháng chưa dài xa lâu lắc gì mà bao nhiêu biến cố bi thảm cứ dồn dập xảy tới gia đình ông Bang biện Hưỡn. Ông Bang biện bị bán thân bất toại. BÀ Bang biện đã chết vì phong đòn gánh. Cô Ba Cẩm Tú bị chồng xua ra khỏi nhà vì tội ngoại tình và đang chờ ra tòa để nhận án ly hôn. Cô Tư Cẩm Lệ thì buồn vì mất đứa con đầu lòng khi còn trứng nước.

Sau khi về Cầu Đào chừng hai tuần, cô Tư nhận được thư của chồng cho biết ông đã bán nhà và dọn về ở chung với ông bà Huyện Tịnh. Ông nhắn cô nên lấy những đồ đạc mà cô chưa mang về Cầu Đào. Nhưng khi cô lên Phú Nhuận thì luật sư Trần Hảo Hiệp lánh mặt, chỉ có bà Huyện Tịnh tiếp cô mà thôi. Bà Huyện cho biết luật sư Hiệp đã kết hôn vơi cô Hai Tố Trinh. Bà còn giả nhơn giả nghĩa khuyên cô nên kiếm chồng khác làm ăn. Sau cùng bà lôi hai chiếc va ly ra, bảo:

- Đây là quần áo của cháu. Riêng hộp nữ trang thì cháu đã mang theo khi về Cầu Đào rồi.

Cô Tư Cẩm Lệ vì tức tối, nói nhiều câu hằn học vô lễ với bà Huyện Tịnh nên bà hét lên:

- Cô là thứ đàn bà vô giáo dục. Cô tức giận rể tui rồi giở giọng hàng tôm hàng cá với tui sao được! Tui đuổi cô ra ngoài cho cô coi!

Bà liệng hai cái va- ly ra ngoài rồi thét đầy tớ tống cô ra khỏi cổng.

Cậu Hai Luyện thấy tình cảnh hai cô em như vậy thì cứ rầy rà luôn, đưa đến cãi cọ nhưng rồi cậu lại tha thứ, cưu mang họ. Sau vụ ly dị, cô Ba Cẩm Tú được cô Agnès Thuận giới thiệu với quan chánh tham biện Tây mới đổi về, còn Isabell Định thì tiến cử cô Tư Cẩm Lệ với gã biện lý Tây tên Jean Beauregard. Hai chị em chẳng khác nào người mang dép đi trên con đường bùn sình, lúc đầu còn thận trọng bước sợ dính bùn, nhưng khi đã dính bùn rồi thì họ đi càn, mặc kệ sình bùn bao nhiêu lớp cũng không thèm đếm xỉa nữa.

Một tối nọ, sau khi nằm trò chuyện với cô Ba Cẩm Tú trên chiếc divan bằng gỗ giáng hương, cô Tư Cẩm Lệ thiếp ngủ. Bỗng cô thấy cô Tư Thục từ ngoài bước vào, điểm mặt cô, mắng:

- Đứa con ranh của mầy mới chết, nó đợi mầy dan díu với bất cứ thằng đàn ông nào là nó chui vô bụng mầy thành bào thai, đúng chín lần rồi mới đoạt mạng mầy, nghe chưa con sát nhơn!

Cô Tư Cẩm Lệ giận quá hóa khùng, trả treo lại:

- Chị đừng có nói đỏng! Tui sẽ tìm thầy bùa, thầy pháp cao tay ấn để nhốt đứa con ranh con lộn đó trong tĩn rồi đem chôn trong hầm chứa máu chó và phân heo, nói cho chị biết!

Cô Tư Thục vả vào mặt cô Tư Cẩm Lệ:

- Đừng có nói điên! Chừng mười năm nữa rồi mầy sẽ rõ!

Rồi cô xô cô Tư Cẩm Lệ té nhủi. Cô Tư la lên một tiếng, giựt mình tỉnh dậy. Cô Ba sau khi nghe em thuật lại giấc chiêm bao, trầm ngâm:

- Còn nước còn tát! Thế gian này thiếu gì thầy pháp, thầy bùa giỏi.

Từ khi cặp xách với ngoại kiều, hai cô có tiền nhiều nhưng vì nghe lời anh nên hai cô không dọn ra riêng. Họ xuất tiền sửa sang vườn tược, kho lẫm.

Từ khi có hai cô cháu gái về coi sóc việc nhà, bà Năm Đặng không dám ăn xén ăn bớt lộ liễu nữa. Bà nịnh bợ hai cô cháu, chỉ họ cách nịch ái những gã đàn ông đi lại với hai cô:

- Muốn cho đàn ông say sưa mê đắm mình, hai cháu nên để dì đi mua cá bông, ca lóc nuôi trong vịm đựng nước pha máu kinh nguyệt của hai cháu. Rồi hai cháu dùng thứ cá đó làm món ăn cho tụi nó thì tụi nó sẽ càng mê hai cháu hơn nữa.

Lụi hụi mà đã tới đám cưới của cô Hai Túy Ngọc. Đám cưới của cô Út Ngọc An và của cô Ba Túy Nguyệt cũng diễn tiến tốt đẹp. Cô Hai và cô Út cùng theo chồng về Tiểu Cần, trong khi đó Bác vật Cảnh vì còn nghỉ dững sức cho nên cô Ba Túy Nguyệt không buồn vì phải xa nhà.

Việc ly dị của bác sĩ Lê Thạnh Mậu và cô Ba Cẩm Tú kết thúc tốt đẹp. Cô được tòa bắt chồng cô cấp dưỡng mỗi tháng bốn chục đồng, trong khi số tiền lương của một thầy giáo lớp nhứt chỉ được sáu chục đồng.

Đám cưới của cô Thiệt Nguyện tổ chức long trọng nhứt. Gia đình cô vốn giàu có lớn ở An Hương. Hai người chị của cô lấy chồng giàu, bốn người anh của cô cũng nên danh phận, cậu em kế cô thì đang học dược bên Pháp. Cũng như cô Út Ngọc An, lấy chồng rồi cô vẫn ăn chay, nhưng khác với cô Út ưa ăn mặc lòe loẹt, Cô Thiệt Nguyện luôn ăn mặc nhã đạm, không son phấn, không tỉa chơn mày hay chải đầu phùng theo kiểu chín lượn mười mồng của thời trung thập niên 30.

Dù sao hai cô Cẩm cũng còn chút an ủi là tuy mất danh giá nhưng họ kiếm được nhiều tiền. Tiền do tình nhân cung cấp, tiền do họ chạy áp phe. Họ quyết lòng nịch ái hai tên ngoại kiều mà họ đang dan díu. Món cá lóc do bà Năm Đặng nuôi được họ chiên vàng rồi phết bơ Bretel vẫn là món lạ miệng được tên Chánh tham biện Henri và tên Biện lý Jean chiếu cố tận tình.

Nhưng mà, cô Ba Cẩm Tú mỗi khi soi kiếng để tô son dồi phấn chợt thấy mặt mũi mình càng lúc càng chao vao. Coi kìa, lững quyền cô nhô cao, ánh mắt cô lộ vẻ mệt mỏi, nụ cười cô không sao giấu được vẻ chua chát. Cũng vậy, cô Tư Cẩm Lệ nhận thấy vóc mình cô lệch lạc, khô khan; dung nhan cô mờ ố, thần sắc cô lu câm. Ái tình của hai kẻ Pháp kiều đối với họ cũng chẳng nồng đượm gì hơn. Trước sau, tụi nó chỉ coi họ là món đồ chơi chứ không hề đặt họ lên vị trí người tình, nói gì là hạng già nhơn nghĩa non vợ chồng! Trong khi đó, tại tỉnh thấp thoÿng mấy cô chơi bời mới đầy đủ màu xinh vẻ lịch cùng các món phong lưu.

Phần cậu Hai Luyện, từ khi về Cầu Đào, cậu thường đến tiệm cô Bảy Cẩm Thạch để tái diễn cuộc dán díu với cô. Chẳng hiểu do duyên nợ gì ràng buộc mà cô Bảy vẫn còn say mê cậu. Cô Tám Cẩm Vân thường lựa lời khuyên chị:

- Như chị em mình đây sa lầy trong nghiệp dâm đã là cái tội rồi, còn thằng cha Luyện bủn xỉn nổi tiếng bạc tình kia vốn xuất thân từ một gia đình ác đức, gây nghiệp xấu từ ba bốn đời nay, chị mà cứ cặp xách với hắn hoài, đố khỏi ngày cháy vạ lây.

Cô Bảy mắng em:

- Con đĩ mãng xà nầy ngày tối cứ rình dịp để cắn mổ anh Kinh lý Luyện hoài! Chắc kiếp trước ảnh có gây việc oan trái đảo điên chi đó với mầy nên kiếp nầy mầy mới thù ghét ảnh thái thậm như vậy!

Cô Bảy cứ xách đít đến tổ quỉ của cậu Hai Luyện đều đều. Cô dùng đủ ngón nghề để chiều chuộng cậu, cốt làm cho cậu say tình, cảm nghĩa mà cưới cô. Nhưng nghiệt thay, cậu Hai Luyện là mẫu người chỉ tìm được hứng khởi khi tốn công tốn sức để được ăn nằm với cô nào đó. Giao hoan với hạng gái dễ dãi như cô Bảy Cẩm Thạch làm sao cậu hào hứng cho được! Cậu lại nghĩ tới thím Bảy Bảnh. Ái ân với đàn bà có chồng bất hạnh kia, điêu đó làm cậu như được dấn thân vào cuộc phiêu lưu mạo hiểm đầy thú vị. Do đó mà thằng Yêm cứ phải làm môi giới đưa thím Bảy Bảnh lên tổ quỉ của cậu ở cầu Kinh Cụt. Nhưng nếu cậu Hai tạm hài lòng vui thú với vợ người ở tổ quỉ thì tai họa đâu tới nỗi giáng xuống đầu cậu như một cú sét. Một hôm cậu ngỏ ý với thím Bảy Bảnh:

- Tui ăn nằm với mình ở đây tuy có sướng thiệt, nhưng tui vẫn ao ước ân ái với mình tại nhà mình kìa!

Thím Bảy Bảnh ngạc nhiên:

- Sao lạ vậy? Đường bằng phẳng mà mình không chịu đi, lại chọn đường đầy dẫy chông gai hầm hố làm chi không biết!

Cậu Hai Luyện cười trơ trẽn:

- Tánh tui kỳ lạ lắm! Hễ gặp chuyện dễ ột tui không nhớ dai. Phải giặp chuyện khó khăn, đòi hỏi lao tâm tổn trí, phải đem mưu mẹo ra đối phó thì tui mới nhớ đời đời. Mình có thiệt bụng yêu thương tui thì nên dàn xếp các nào để tui được hú hí với mình trên cái giường của mình thì tui mới có hứng.

Nói xong, cậu giúi vào tay tình nhơn một xáp lụa cẩm phụng trắng. Thìm Bảy Bính nhìn cậu thở dài. Thím chỉ nghĩ cậu hơi khật khùng chứ làm sao rõ được tâm trạng bất lương phức tạp của cậu!

Thế rồi thím Bảy Bảnh và thằng Yêm cố công dàn xếp để đưa cậu Hai Luyện về nhà vợ chồng thím ở Cái Sơn. Ở đời, ai mà lấy thúng úp voi được! Cây kim giấu trong bọc cũng có ngày lòi ra! Dân chúng ở xóm Đình Khao, dài theo ngọn rạch Cái Sơn Bé bắt đầu xì xào bàn tán, nói tỏi nói hành mụ đờn bà lẳng lơ trắc nết kia..

Chú Bảy Bảnh vốn ngu độn và chập chạp, lại cả tin vợ nhà, cho nên ai nói bóng gió về thím Bảy chú cũng không hiểu được. Anh ruột chú là chú Sáu Tốt hét vô mặt chú, vạch bày cho chú biết việc làm tác tệ của vợ chú, nhưng chú vẫn không tin. Tuy nhiên, một đêm nọ trong lúc đầu gối tay ấp với vợ, chú nhẹ nhàng bảo:

- Người ta nói với tui rằng mình đang tò tí với cậu Hai Luyện!

Thím Bảy liền ré lên chửi:

- Mồ tổ cha quân đặt điều! Tiên nhơn tổ đường thứ ăn môn ngứa miệng! Mình phải chỉ cho tui biết đứa nào dám bêu xấu tui để tui tròng quần máu hòe lên đầu nó! Còn mình, sao mình để người ta nói xấu vợ mình mà mình im re, không dám bửa đầu họ? Thiệt tình bởi tui nghiệp dày đức mỏng cho nên mới lấy nhằm thằng chồng ngu si đần độn như vầy!

Rồi thím bù lu bù loa, làm trận làm thượng đủ trò, khóc lóc quằng quại thảm thê, báo hại chú Bảy Bảnh phải gãy lưỡi tốn nước miếng năn nỉ thím, thím mới chịu bỏ qua.

Riêng cô Bảy Cẩm Thạch vì ở ngoài chợ tỉnh nên không nghe tiếng đồn ở làng Cái Sơn Bé. Lâu lâu cậu Hai Luyện ghé thăm, rủ cô tới tổ quỉ của cậu thì cô nhận lời, chấp nhận hoàn cảnh làm tình nhơn tạm bợ của cậu chớ không dám đèo bòng hoàn cảnh sáng sủa hơn.

Hôm đó đang lúc cô Bảy kho tô cá bống kèo trong bếp thì cô Tám Cẩm Vân đi chợ về, miệng véo von như con chim chèo bẻo:

- Mèn ơi, hồi nãy em xẹt lại tịm Đồng Hính ăn mì, gặp tên Kinh lý ninh Hai Luyện ở đó. Lóng rày sắc diện hắn u ám xanh xao như mặt đờn bà bị huyết trắng, chỗ ấn đừng hắn có một bớt đen. Thứ nầy không bao lâu nữa sẽ gặp tai ương, nếu không tán nạng thì cũng sút càng gãy gọng chớ không chơi!

Co Tám Cẩm Thạch tối hôm trước vừa ở tổ quỉ hú hí với cậu Hai Luyện thâu đêm suốt sáng, giờ mệt mỏi nên cô nổi quạu. Cô trợn mắt nhìn em, mắng:

- Con đĩ tinh ma yêu quái, con đĩ khỉ cái mắc kinh phong! Mầy nên lo cho thân mày, chớ việc gì mà mầy cứ xét nét rồi trù ẻo toàn chuyện dữ cho cẩu vậy? Coi chừng mắc khẩu nghiệp đa!

Nói về chú Sáu tốt, bởi thằng em chú dại dột ngu đần nên chú tức ấm ách, không biết cách nào trừ khử cặp gian phu dâm phụ cho đã nư chú. Đã vậy, nhà chú chỉ cách tiệm hàng xén của chú Bảy Bảnh một cái hàng rào tre xịch xạc, có dây bìm bìm leo kín lớp tre đan; mỗi ngày gặp lúc vắng khách, thím Bảy Bảnh từ tiệm chõ miệng qua chửi xỏ chửi xiên xoáy vào tâm não chú, làm chú nhức rêm cả mình mẩy, tức ngực lói hông.

Một bữa nọ, chú nằm chơi trên chiếc chõng tre rồi ngủ quên hồi nào không hay. Bỗng có tiếng thanh tao của một người đờn bà:

- Xin đại vương chớ ngại, bùa ém dù sao cũng phải bứng cho xong. Chú Sáu đây cũng là một tay giỏi bùa ém.

Tiếp theo đó, một người đờn bà nhan sắc xinh lịch, dáng dấp yểu điệu xăm xăm đi về phía chú. Y thị dắt một người đàn ông mặc áo đen, hai tay ôm cần cổ đẫm máu. Người đờn ông nói:

- Tui là thần Hắc Giao đại vương, nằm trong cuộc đất của Xã Miễn ở Mỹ An, giáp ranh với đất của Hương sư Chiêm. Khi quan Kinh lý Luyện đo đất đào kinh, có nhận của hối lộ của Hương sư Chiêm, đào lấn qua đất Xã Miễn nên thế đất Hắc Giao vọng hải bị phá hỏng, tui bị đứt đầu. Tui muốn báo thù, ngặt vì trước đó nó mướn thầy Mười Khói ở Cần Đào trấn ém tui nên thần lực tui bị giảm hết bảy phần mười. Nay tui đến đây nhờ chú giúp tui rửa thù. Đêm mốt đây, chú hãy rủ em chú đi Long Hồ câu tôm. Thế nào con đờn bà đó cũng rước tên dâm dật kia về nhà hú hí. Thừa lúc nửa đêm chú cùng về với chú Bảy, hiệp với thầy Hương quản Dần, mấy chú cai tuần, mấy chú thường xuyên ào vào nhà hô hoán lên ăn trộm, bớ người ta ăn trộm! Thế nào mụ em dâu chú cũng mở cửa sau cho nó thoát ra. Chừng đó có một người rình sẵn, y ta cứ lấy gậy mà đập vô cẳng nó. Nó té quỵ rồi, chừng đó chú muốn xử sự sao đó tùy ý.

Người đờn bà nói:

- Còn tui là Út Thoại Huê, em con nhà chú của bà Năm Tảo. Tui bị thằng khốn nạn đó dụ dỗ tới mang bầu, gạt tui uống thuốc phá thai để băng huyết mà vong mạng. Nay tui sẽ nhơn cơ hội này mà báo thù rử hận. Nó bị đập vào cẳng đâu có gì làm trượng, nhưng đây là lúc báo hiện hành, nó sẽ lãnh đủ thứ rùng rợn lắm, để rồi chú coi!

Chú Sáu Tốt gật đầu, bảo Hắc Giao đại vương:

- Sau vụ nầy, tui sẽ xuống mỹ An nhổ hết bùa ếm cho ông.

Thế là thím Bảy Bỉnh sáng hôm sau được chồng cho biết:

- Xế mai mình nấu cơm cho sớm, ăn uống xong tui sẽ theo anh Sáu bơi xuồng vô sông Long Hồ câu tôm, sáng mốt mới về.

Thím Bảy Bảnh nghe nói, mừng rơn trong bụng. Thím cho người nhắn thằng Yêm tới, dặn đêm sau hãy đưa cậu Hai Luyện tới thím. Xong, thím đi chợ mua một con mắm lóc và một ký tôm càng thiệt tươi. Xế hôm sau, thím nấu cơm và chưng mắm lóc để dọn bữa cho chồng. Còn tôm càng, mớ thì thím lăn bột chiên, mới thì trộn gỏi bồn bồn. Xong, thím cất lên giàn bếp. Đến khi chồng thím theo chú Sáu Tối đi rồi, thím mới bày hai món kia lên bàn, lấy thêm chai rượu thuốc trong tủ thờ ra.

Trời tối mịt, cậu Hai Luyện mới cỡi xe đạp chạy tới. Thím đóng chặt cửa ngõ rồi mới cậu uống rượu cho giãn gân cốt và ấp áp huyết mạch. Trong khi cậu ăn nhậu thì thím đi tắm rồi xức dầu bông lài trên tó. Khi thím tươi mát bước lại châm rượu thì cậu đã ngà ngà say. Thím liền bưng mâm xuống bếp rồi bước tới tình nhơn ỏn ẻn:

- Nhớ mình em muốn ngật người ngật mẩy. Vậy mà chẳng biết mình co nhớ em không đây? Hay là mê man tàng tịch con lủng nào rồi?

Cạu Hai Luyện cười, hun tình nương chùn chụt:

- Có con lủng nào ngoài con lủng ưa xức dầu bông lài này?

Hai người cười giỡn nói trây thêm một chập nữa rồi mới cùng nhau vô buồng. Quần thảo hiệp đầu xong thì trống mới điểm canh một. Thím Bảy muốn cậu ra về, Cậu nói:

- Ái ân chưa toại dạ phỉ lòng, lẽ đâu qua về gấp! Để qua cưng mình thêm một keo nữa, đợi tới đầu canh tư rồi qua về Cầu Đào cũng không muộn. Mà mình sao có vẻ bất an vậy?

Thím Bảy Bảnh nhõng nhẽo:

- Không hiểu sao bụng dạ em cứ bào xào hoài, khó chịu quá!

Cậu Hai Luyện cười khì:

- Em cứ giở cái mửng đó hoài.. Thôi, lại đây để qua cưng.

Cậu kéo thím lại gần vuốt ve. Rồi cả hai vùi dập nhau tưng bừng. Bỗng ngoài cổng có tiếng la hét. Ánh đuốc đỏ rực như đám cháy. Tiếng động cổng ngõ ầm ầm. Thím Bảy hoang kinh bảo tình nhơn:

- Chết cha! Có chuyện gì rồi! Mình nên bận quần áo le lẹ rồi chui ngã sau, đi về hướng chuồng heo ông bà Bảy Võng cho mau!

Cả hai vừa run lập cập vừa mặc quần áo. Có tiếng chú Bảy Bảnh gọi cửa ngoài hàng ba:

- Mình ơi, mau mở cửa! Có ăn trộm rình nhà!

Thím Bảy Bảnh mở cửa sau cho cậu Hai Luyện đào thoát xong, liền bưng thếp đèn ra nhà trước, mắng vãi chồng:

- Đồ khùng! Ăn trộm ở đâu mà nói ẩu nói càn! Tui còn thức đơm khuy kết nút chiếc áo dài của tui trong buồng đây mà, có thấy động tịnh gì đâu!

Thím mở cửa. Bọn người tràn vào. Thím tiếp tục mắng như tát nước:

- Mấy người túc ráy chồng tui điều gì mà chưa tới nửa đêm nó lộn trở về ăn nói quàng xiên? Bộ mấy người điên rồi sao?

Chú Sáu Tốt sau khi cầm đuốc rọi khắp nhà trên nhà dưới, buồng trong buồng ngoài, liền chỉ chiếc xe đạp, hỏi:

- Chiếc xe đạp nầy của ai vậy?

Thím Bảy lanh trí, nói lẻo nói lụ ngay:

- Của cậu Kinh lý đó đa. Hồi chiều cẩu tới đây mua hộp diêm quẹt gởi xe lại để đi bộ vô ngọn rạch. Sáng mai cẩu sẽ ghé lại đây lấy xe để về Cầu Đào.

Mọi người tản mát rút lui. Thím Bảy Bảnh chửi chồng tắt bếp thêm một chặp nữa rồi mới chịu ngủ.

Nói về cậu Hai Luyện chui ra ngã sau để nương theo ánh trăng hạ huyền đi về hướng chuồng heo của ông bà Bảy Võng. Vừa tới ngã ba đường đất thì có tiếng hét:

- Ăn trộm! Ăn trộm đó bà con ơi!

Một người trờ tới dùng gậy quất tới tấp vào chơn cậu làm cậu sụm xuống. Cậu toan la lên nhưng một cú đấm như trời giáng tống vào quai hàm khiến cậu chết giấc!

Sáng hôm sau, những người đi chợ sớm thấy cậu nằm gục bên đống phân heo, thở thoi thóp, mắt nhắm nghiền. Họ xúm lại hơ lửa cho cậu, cởi quần áo dính cứt heo của cậu đem gột sạch rồi đưa cậu về Cầu Đào. Hai cô Cẩm hỏi han nguồn cơn thì cậu chỉ nói mình té rào chứ không nói gì thêm.

Vết thương từ hai đầu gối cậu trở xuống tuy được rửa ráy sạch sẽ nhưng ba hôm sau vẫn sưng phồng khủng khiếp làm cậu đau nhức dữ tợn. Túng thế, hai cô Cẩm phải chở cậu đi nhà thường. Cậu bị chứng gangrène, phải cưa hết hai chơn. Bác sĩ Lê Thạnh Mậu biết tin, vô nhà thương thăm cậu. Ông trách hai cô Cẩm:

- Sau tai nạn, đáng lẽ em và dì Tư phải đưa anh Hai vô nhà thương liền thì đâu đến nỗi!

Cô Tư khóc ngất:

- Tụi em có khuyên ảnh nên đi nhà thương nhưng ảnh không chịu, nói rằng không hề gì.

Riêng cậu Hai Luyện lúc chụp thuốc mê trên bàn giải phẩu thì thấy cô Út Thoại Huê hiện về. Cô chỉ mặt cậu, hét:

- Quân sở khanh khốn kiếp! Giờ đây mầy đã thành phế nhơn thì hồn tao mới hết uất ức, có thể đi đầu thai được. Nhưng hai con em mầy còn đó, tao phải theo trù ẻo cho tụi nó điêu đứng thì tao mới bằng bụng!

Tin dữ bay tới tiệm cô Bảy Cẩm Thạch. Cô khóc rống lên thảm thiết. Cô Tám Cẩm Vân cũng chạnh lòng, hỏi:

- Chị có định đi thăm cậu Hai Kinh lý không?

Cô Bảy tức tưởi:

- Không. Nếu chị thấy thân thể tàn phế của cẩu, thì hình ảnh hào hoa phong nhã của cẩu trong tâm tưởng chị sẽ bị bôi xóa hết.

Cô Tám khuyên:

- Bấy lâu nay cẩu cứ chàng ràng bên chị nên chị không chịu lấy chồng. Vậy từ giờ trở đi, chị nên tính phần chị đi chớ. Chị có cơ sở làm ăn, lại còn trẻ đẹp, nếu chị tằng hắng một tiếng thì thiếu gì người tới cầu hôn chị!

Cô Bảy không nói không rằng, vịn vai em khóc thêm một hồi nữa.

Còn thím Bảy Bảnh chẳng hiểu túc ráy chồng cách nào mà hai tháng sau, hai vợ chồng dọn về Mỹ An. Chồng trồng khoai mỡ, khoai từ, khoai sọ, khoai tím, vợ mở tiệm bán hàng xén.

Ông Bang biện Hưỡn từ khi được tin con bị cưa hai cẳng thì ông chết điếng. Đêm đó ông cứ lục đục hoài trong buồng. Sáng hôm sau thằng Xiêm bưng thau nước ấm cho ông rửa mặt thì thấy ông nằm gục trên bàn kê gần cửa sổ, cánh tay mặt ông buông xuôi, máu từ cườm tay rót đọng vũng trên nền gạch bông. Ông đã tự tử chết bằng cách lấy dao cạo cắt đứt mạch máu ở cườm tay.

Từ nhà thương về, nghe tin sét đánh ấy, cậu Hai Luyện khóc như mưa. Lần đầu tiên cậu chấp tay niệm Phật và ôm chầm lấy hai cô em gái. Cả ba gục đầu cùng khóc với nhau, họ bám chặt vào vai nhau....

/12

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status