Bạch Cốt Đạo Cung

Q.1 - Chương 19 - Thiên Nhân Độ Trần, Kim Kiều Đưa Lối

/51


Dịch: Hoa Gia Thất Đồng

Trời dần hửng sáng.

Thanh Dương Tử vẫn chưa trở ra. Còn Phong Lăng thì vẫn ngồi đó đợi y - nàng có lời muốn hỏi. Hoàng Linh bấy giờ đang tựa vào cửa lớn của Thông Thiên Quán mà ngủ.

Một bầu không khí tang thương, bi ai bao phủ lấy Thông Thiên Quán. Thanh Dương Tử cũng không khỏi bị ảnh hưởng. Kể từ khi nhận được lời nhắn do sư muội dùng linh lực truyền đến Thanh Dương Đạo Quán, y cứ u uất mãi trong lòng. Chuyện sư môn sắp diệt vong đè nặng lên tâm tư, lại thêm nỗi trăn trở không rõ địch nhân đứng sau chuyện này là ai, khiến lòng y tựa như bị buộc vào một sợi dây cương.

Giờ đây lại thêm cái chết của Bất Chấp đạo nhân, càng khiến tâm cảnh của y mờ đục thêm mấy phần.

Đúng vào lúc này, một vầng nhật đỏ tươi trồi lên từ phương Đông. Ánh thái dương soi chiếu vạn trượng hồng trần, đại thiên thế giới bừng sáng. U hồn dã quỷ lẩn khuất trong bóng tối đều hóa thành tro bụi tản mác. Đêm đen tựa mây khói, tan biến giữa dương quang.

Cảnh tượng đột ngột ấy khiến lòng Thanh Dương Tử bất giác khẽ động. Ánh thái dương tựa như đang chiếu rọi tâm thức của y, xua tan những muộn phiền lãng đãng trong lòng y.

Trong khoảnh khắc đó, tinh thần cùng ý niệm của Thanh Dương Tử tựa như đã tương liên cùng mặt nhật. Thứ ánh sáng rực rỡ soi chiếu muôn vạn sinh linh ấy đang lan tràn khắp nơi trong tâm thức y, cuốn y chìm sâu vào trong cảm giác ấm áp, hồi lâu vẫn chưa tỉnh.

Cũng chính vào lúc này, bên trong thế giới nội tại của y, viên oán ma pháp châu kia không còn treo lửng lơ ở vị trí trung tâm nữa; mà đã trôi về phương đông, giống hệt như vầng thái dương thật sự ngoài kia. Lúc này, oán ma linh châu dường như đã trở thành hình ảnh phản chiếu của mặt trời trong tâm Thanh Dương Tử. Thần thất của y hóa ra một thế giới – một thế giới rực rỡ, vạn trượng hoàng quang đều do oán ma pháp châu soi chiếu.

Trong khoảnh trời đất này, mỗi môn mỗi phái đều có đại đạo yếu quyết riêng, thế nên mới có trùng trùng cảnh giới khác nhau. Nhưng có ba đại cảnh giới mà người tu hành trong trời đất đều công nhận:

Tầng thứ nhất, có thể đạt được pháp thuật, thông qua việc sử dụng đại đạo yếu quyết cùng với pháp ý, linh lực mà thi triển nên pháp thuật. Cảnh giới này gọi là “Thông pháp”.

Một cảnh giới uyên áo hơn, cũng chính là cảnh giới hiện tại của Thanh Dương Tử, gọi là “Đạo chân”. Những người đạt đến cảnh giới này còn được gọi là “hữu đạo chân tu”, hay phổ biến hơn là “chân nhân”. Đạt đến cảnh giới này, thì có thể không câu nệ nơi pháp ý và đại đạo yếu quyết nữa; cũng giống như diễn tiến trận đấu pháp giữa Thanh Dương Tử với Liệt Viêm Lão Tổ vậy – đó là do sự cách biệt giữa các cảnh giới mà ra.

Liệt Viêm Lão Tổ có thể hóa thân thiên hỏa là nhờ pháp môn tu hành đặc thù của Địa Sát Ma Vực(1). Người tu luyện pháp môn này phải đem nhục nhân dung hòa cùng lửa, cuối cùng hợp thành Địa Sát Hỏa. Đây là một phép thần thông luyện thể, tuy có thể hóa thân thiên hỏa, song vẫn chưa thoát ly được cảnh giới của “pháp”, chưa thể chạm đến phạm trù “Đạo”; thế nên lão vẫn bị Thiên Diễn Đại Trận vây lấy, vô phương trốn thoát.

Một cảnh giới khác lại được tôn xưng là “nhất niệm hóa thiên địa” (một niệm hóa trời đất). Đạt đến tầng này, thế giới trong tâm hiển hóa ra nơi thế gian, muôn vạn pháp thuật đều chỉ trong một niệm mà thành.

Đó là “Thiên nhân đạo”.

Có người từng nói, chỉ những ai đã cất chân qua ngưỡng cửa Thiên nhân đạo mới được coi là thực sự bước trên nẻo thăng thiên.

Cảm giác dung hòa cùng thiên địa trong lòng Thanh Dương Tử tan biến dần, oán ma pháp châu trong tâm y cũng trở lại vị trí trung tâm. Bất kể y cố gắng cảm nhận thế nào, cũng không thể có lại cảm giác tương thông cùng vầng thái dương đằng chân trời kia.

Y biết, cảm giác này chỉ có thể gặp chứ không thể cầu. Tuy vậy, chỉ một khoảnh khắc tương thông ấy thôi, chỉ một khoảnh khắc “tâm ta phản chiếu thiên địa” ấy, cũng đủ lưu lại dư âm miên man bất tuyệt trong lòng y.

ooOoOoOoo

Những tu sĩ bên dưới Lạc Hà Sơn nhất thời vẫn không dám lên núi. Họ tập trung dưới chân núi, cùng nhau luận bàn; thảy đều nói về chuyện Liệt Viêm Lão Tổ thần thông đến vậy mà cũng đại bại, đến giờ vẫn bặt tăm, không rõ tung tích thế nào, cũng có lẽ chăng lão không thoát được, cả mạng cũng không còn.

Họ cũng bàn luận về một chuyện nữa: Đệ tử chân truyền của Liệt Viêm Lão Tổ là Bàng Việt đã chết về tay một nữ tử không thông pháp thuật. Lúc nhắc đến nữ tử này, đa số đều đặt nghi vấn – lợi kiếm trong tay nàng ta rốt cuộc là kiếm gì, mà lại có thể chém vỡ cả pháp bảo lẫn pháp thuật?!

Thời gian như gió cát, có thể chôn vùi hết thảy vết tích. Chuyện kinh thiên động địa của hôm nay, nhân vật hô phong hoán vũ của hôm nay, qua mấy mươi năm sau có thể vẫn được tán dương một câu “quả là kỳ tích”; song rốt lại rồi cũng chỉ là anh hùng nhất khoảnh mà thôi.

Tuy bọn họ đoán được thân phận của Thanh Dương Tử, nhưng lại chẳng ai có thể thực sự chắc chắn về suy đoán của mình; mà dù có thể chắc chắn người trong Thông Thiên Quán là Thanh Dương Tử đi chăng nữa, chẳng qua cũng chỉ giúp biểu dương danh tiếng của y ở thời điểm hiện tại mà thôi.

Họ đâu biết, hai mươi năm trước, Thanh Dương Tử từng là đệ tử đứng đầu Thiên Diễn Đạo Phái, được chân truyền của chưởng môn nhân. Tại Vạn Tượng Pháp Hội, cuộc luận bàn Đạo, pháp xuất chúng của y, phong thái cùng tài năng tột bực của y, thảy đều khiến mọi người nghĩ y sẽ trở thành một vì tinh tú rực rỡ giữa trời đất. Họ đã chẳng ngờ, rằng đó chỉ là đốm sao băng vụt thoáng qua rồi mất hút, không để lại chút vết tích. Hai mươi năm trôi qua, chỉ e nơi thượng giới đã chẳng còn ai nhớ đến sự tồn tại của y, huống hồ tên tuổi của y vốn dĩ không hề được truyền đến nhân gian này.

Thanh Dương Tử của hai mươi năm trước bị tước đoạt pháp ý, linh lực thất tán. Trầm luân giữa vạn trượng hồng trần, chìm nổi hai mươi năm; nay sóng trần đưa y tái xuất, cất tay hạ sát một Liệt Viêm Lão Tổ đã tung hoành mấy mươi năm ở cõi nhân gian. Một chuyện kinh thiên động địa nhường ấy đương nhiên khiến người đời không khỏi sửng sốt.Trong chớp mắt, trời đã hửng sáng. Những người dưới chân Lạc Hà Sơn bấy giờ mới vội vã lên núi, nhưng khi đến trước Thông Thiên Quán, lại chẳng ai dám ba hoa lời nào nữa. Ai nấy đều cẩn trọng, ngay cả nhìn Thông Thiên Quán cũng không dám nhìn lâu.

Chính vào lúc mặt trời hoàn toàn ló dạng, đằng chân trời có một luồng ánh sáng vàng rực xuất hiện. Ánh kim quang vạch qua chân trời, soi chiếu đến đâu, nơi ấy lưu lại một đoạn Kim Kiều giữa hư vô. Khi Kim Kiều hạ xuống Lạc Hà Sơn, liền có sáu người xuất hiện ở nơi Kim Kiều tương liên cùng ngọn Lạc Hà.

Sáu người này đều mặc pháp y, thân tỏa đạo quang, chẳng nhiễm nửa hạt bụi trần; trông tuổi tác đều còn rất trẻ, dường như năm tháng chẳng thể lưu lại vết tích gì trên người họ.

Sáu người ấy bao gồm ba nam, ba nữ. Đôi nam nữ đứng giữa mặc pháp bào đỏ tươi, trên lưng mỗi người đều có một thanh bảo kiếm, ánh mắt của hai người tựa như kiếm quang, sắc bén vô cùng; khi ánh mắt ấy quét qua đám đông trên ngọn Lạc Hà, ai nấy đều cảm thấy rợn cả người.

Hai người bên trái cũng là một nam một nữ. Nữ tử diện mạo thanh khiết, nơi mi tâm điểm một chấm chu sa, khiến nàng trông có vẻ đặc biệt hơn người. Còn nam tử tuy chỉ mặc một thân bạch y, đứng lặng, an nhiên, song lại toát ra khí độ kiên cường.

Đôi nam nữ bên phải lại mặc một thân đạo bào màu xanh ngọc, eo thắt đai xanh, tóc búi cao: Một nam, một nữ, mỗi người đều có dáng vẻ riêng.

Sáu người bọn họ đại diện cho ba môn phái, tuần tự là Thương Lãng Kiếm Cung, Pháp Hoa Mật Tông và Thiên Diễn Đạo Phái. Trong số đó, có hai người đưa mục quang quét qua từng người trong đám đông trên núi. Đại đa số các tu sĩ đều cúi đầu, chẳng mấy ai dám nhìn thẳng ánh mắt ấy; duy chỉ có một nữ tử dám dùng cặp mắt không hề nhượng bộ mà nhìn bọn họ - nữ tử bấy giờ đang ngồi ngay trước cửa Thông Thiên Quán.

Nàng ta chính là Phong Lăng. Người của thượng giới đã đến, không chờ được Thanh Dương Tử, nên Phong Lăng trở ra ngoài.

Đạo hiệu của đôi nam nữ thuộc Thương Lãng Kiếm Cung, hôm nay đến chiêu mộ đệ tử, lần lượt là Lưu Vân và Thái Vân. Hai người họ là đệ tử xuất chúng của Thương Lãng Kiếm Cung, kiếm thuật cao siêu, có thể trảm cả quỷ thần.

Chỉ nghe Lưu Vân cất tiếng, nói bằng giọng sang sảng: “Các ngươi có biết, đợt thăng tiên trước, đứng ngay tại đây cất lời là phái nào chăng?”

Hắn đột nhiên hỏi một câu như thế, khiến đám đông nhất thời không hiểu hắn có ý gì. Ai nấy đều cảm thấy kỳ quái, duy Bố Công tử vui vẻ ra mặt, đáp:

“Đợt thăng tiên trước, đứng ngay chỗ của thượng tiên nói chuyện chính là Thiên Diễn Đạo Phái.”

Lưu Vân híp híp mắt, tròng mắt khẽ ngước lên, như thể chẳng coi ai ra gì, lại tựa như nhìn thấu hết dáng vẻ cùng tâm tư của từng người trong đám đông. Chỉ nghe hắn nói tiếp: “Thế các ngươi có biết người đang nói hôm nay thuộc phái nào chăng?”

Bố Công tử mừng rỡ trong lòng. Cố kiềm nén vẻ hớn hở, trên mặt gã lộ ra một nụ cười méo mó; gã khom mình nói:

“Người đang đứng nói đấy là đệ tử của môn phái ‘biển xanh trập trùng sóng, một kiếm độ hồng trần’ – Thương Lãng Kiếm Cung.”

Gã lớn giọng nói lời này. Trông thấy ý cười lộ ra trên mặt Lưu Vân, gã không khỏi phấn khởi trong lòng: thời cơ của gã biến đổi thật nhanh. Gã lại trộm nhìn hai vị tu sĩ đến từ Thiên Diễn Đạo Phái bấy giờ đang đứng phía sau, chỉ thấy hai người bọn họ quay đầu nhìn sang hướng khác, trước sau không đối mặt với đám đông. Trong lòng Bố Công tử, cảm giác khoan khoái bất giác dâng trào từng trận lâng lâng.

Gã hãy còn nhớ năm ấy gã cùng Thanh Dương Tử đứng ngay tại đây. Hai người đứng ngang nhau, gã cứ thế ưỡn thẳng ngực tự tin; thế mà khi người của Thiên Diễn Đạo Phái lướt mắt qua gã lại chỉ như nhìn vào hư không, chẳng hề dừng lại trên người gã. Đó là lần đầu tiên trong đời gã cảm thấy nhục nhã. Những năm sau đó gã cũng không được chọn, nhưng khi hồi tưởng lại tình cảnh năm ấy, gã vẫn cảm thấy mặt mình nóng bừng.

Hiện giờ, gã trông thấy trên mặt đệ tử của Thiên Diễn Đạo Phái cũng lộ ra vẻ xấu hổ, trong lòng bất giác trào dâng cảm giác hân hoan. Gã lại trộm nhìn người vừa cất tiếng ban nãy – Lưu Vân, chỉ thấy trên môi hắn cũng lộ ý cười, hơn nữa, hắn không hề cố gắng che giấu sự hớn hở ấy.

Bố Công tử hạ quyết tâm, thầm nói: “Nếu hôm nay có thể khiến Thương Lãng Kiếm Cung đắc ý, sao phải lo không thể gia nhập môn phái?!”

Bấy giờ, Lưu Vân lại lên tiếng: “Ha ha, xem ra vẫn còn có người nhận ra bần đạo. Hôm nay, tại nơi này, Thương Lãng Kiếm Cung chiêu mộ nhập thất đệ tử và ký danh đệ tử (2). Người nào đặt chí hướng nơi kiếm đạo, bước cả lên phía trước. Thương Lãng Kiếm Cung mở rộng cửa lớn, không hạn chế số lượng đệ tử.”

Giọng nói của hắn không lớn, song âm thanh lại như mật ngọt nhẹ nhàng rót vào tai từng người một. Nói đến đây, hắn bất giác liếc mắt sang nhìn nữ tử đang ngồi phía trước Thông Thiên Quán. Trông thấy nàng ta cắm trước người một thanh trường kiếm, hắn thầm nghĩ:

“Nữ nhân này đã luyện kiếm, thế thì tại sao khi nghe danh Thương Lãng Kiếm Cung của ta lại chẳng hề động tâm?”

Lúc mới đến đây, chỉ nhìn lướt qua một lần, hắn đã phát giác nữ tử đang ngồi đó là người thích hợp nhất để trở thành đệ tử của Thương Lãng Kiếm Cung. Lúc mục quang chạm nhau, từ trong ánh mắt của Phong Lăng, hắn cảm nhận được tâm tính không biết sợ hãi gì của nàng. Không phải chỉ mỗi Thương Lãng Kiếm Cung coi trọng điều này, các môn phái khác đều như vậy; chẳng qua Thương Lãng Kiếm Cung là môn phái luyện kiếm, nên có phần thiên về những người có thần ý sắc bén như thế.

Khi thu nhận đệ tử, các môn các phái đều không quan tâm đến việc họ đã tu hành loại đạo quyết nào, cũng không để ý xem họ có những loại pháp thuật gì. Hay nói cách khác, họ tu luyện được pháp thuật, càng chứng tỏ họ có thể tu hành.

Tiêu chuẩn khi thu nhận đệ tử của các phái đều đặt nơi thần ý, phải xét xem thần ý của một người thế nào. Thần ý có nhiều dạng, ví như Phong Lăng sắc sảo rõ ràng; lại như Bố Công tử quỷ quyệt, ti tiện; hay như Hoàng Linh yếu ớt mà thanh thuần; hoặc như Thanh Dương Tử tựa vách đá sừng sững…

Ngoài việc quan sát thần ý của một người thuộc dạng nào, mạnh mẽ hay yếu đuối, đương nhiên còn phải thông qua xem xét nhục thân của người đó. Có một số người tuy có thể tu hành, song thân thể lại chỉ như chiếc giỏ tre; tuy rằng người tu hành sau khi nhập môn ắt có được linh lực hộ thân, song một khi rời khỏi môn phái, lại còn phải xem thân thể của người đó là thùng gỗ hay giỏ tre. (3)

Còn đó vô số quy tắc hỗn tạp như xem phẩm tính, tướng mạo, hoặc xem xét xuất thân hay nghe kể về những chuyện người đó đã trải qua… Mỗi phái đều có quy định riêng, song chủ yếu vẫn là quan sát nhục thân và thần ý.

Khi đối mục với Lưu Vân, đôi mắt của Phong Lăng lộ ra thứ thần ý sắc bén tựa như đao kiếm ấy, khiến trong lòng Lưu Vân nảy sinh ý nghĩ muốn chiêu mộ nàng về Thương Lãng Kiếm Cung.

Lời Lưu Vân vừa dứt, đám đông trên đỉnh núi trở nên hỗn loạn, trong số đó có một thiếu niên tầm khoảng mười tuổi lớn tiếng nói: “Đệ muốn gia nhập Thương Lãng Kiếm Cung có được chăng?”

Giọng nói của thiếu niên không lớn, song cất lên vào thời điểm này lại rất rõ ràng. Lưu Vân cười, nói: “Được chứ, đến đây, bần đạo xem nào.”

Hắn vẫy tay gọi thiếu niên đến, xoa xoa đầu cậu bé rồi nói: “Rất tốt. Đệ có thể vào Thương Lãng Kiếm Cung.”

Lời nói đó của Lưu Vân đương nhiên khiến đám đông nhao nhao. Không chờ bọn họ lên tiếng, Lưu Vân lại tiếp tục giới thiệu hai tu sĩ bên trái – người của Pháp Hoa Mật Tông. Nữ đệ tử của Pháp Hoa Mật Tông lên tiếng; sau khi nàng nói xong, mọi người đều ngỡ sẽ đến lượt Thiên Diễn Đạo Phái nói, chẳng ngờ Lưu Vân lại tựa như quên mất Thiên Diễn Đạo Phái.

Mấy lần người của Thiên Diễn Đạo Phái muốn lên tiếng, đều bị Lưu Vân ngắt ngang. Hai vị tu sĩ đó của Thiên Diễn Đạo Phái bị ánh mắt của đám đông tu sĩ nhân gian đổ dồn về, nỗi nhục nhã cùng sự căm phẫn tuy dâng lên trong lòng, song họ lại không thể làm gì hơn.

Thiên Diễn Đạo Phái của hôm nay đã không còn là Thiên Diễn Đạo Phái của ngày xưa. Lần này, họ có thể xuống nhân gian để chiêu mộ đệ tử, cũng là vì đã có được đồng ý của Thương Lãng Kiếm Cung.

- -------------------------

Chú thích:(1) Nguyên văn là “uyên”, tức “vực sâu”, hoặc “chỗ nước sâu”. Chữ “uyên” này có phần lạ tai đối với độc giả Việt Nam nên Thất Đồng mạn phép đổi lại thành một chữ tương đồng là “vực”.

(2) “Nhập thất đệ tử”: đệ tử chính thức của môn phái; “ký danh đệ tử”: đệ tử danh nghĩa, giống như đệ tử tục gia. Hai cụm từ này tương đương với đệ tử nội môn và đệ tử ngoại môn mà các tác giả tiên hiệp khác thường dùng.(3) Giỏ tre có nhiều lỗ hở, nếu lấy giỏ tre đựng nước đương nhiên phí công vô ích. Tác giả dùng hình ảnh này để ví von cho người tu hành, nếu thân thể như chiếc giỏ tre, không dung chứa được linh lực, thì cũng không thích hợp để tu hành.

Bạn đang đọc truyện trên: Thichdoctruyen.com


/51

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status