Âu Dương Chính Lan

Chương 13: Tuyệt xứ phùng sinh vân mộng giản - Vu hồ hào kiệt hội cố nhân

/23


Chính Lan thọ thương quá trầm trọng, mê man bất tỉnh suốt nửa tháng trời chẳng hề mở mắt, cơ thể chàng ngày càng hư nhược, hơi thở mong manh.

Biết chàng khó thoát chết, bọn Thi Mạn gạt nước mắt đưa chàng trở lại Nam Kinh, may ra còn kịp gặp vợ con.

Sùng Trinh Hoàng đế rộng rãi cấp cho chiếc xe tốt nhất của Hoàng cung, ban thưởng rất nhiều ngọc ngà, châu báu, và cho năm mươi giáp sĩ hộ tống.

Vô Nhân kiếm khách và Hán Trung tam ngốc thay nhau làm xà ích. Thi Mạn, Tố Bình túc trực trong xe chăm sóc bệnh nhân. Hai nàng khóc đến nỗi mắt sưng húp, hoa dung thiểu não, hốc hác hẳn đi.

Trời đã vào đông, tuyết rơi mù mịt và lạnh thấu xương. Cũng may đây là xe của vua nên thùng xe rộng rãi, tiện nghi, có cả lồng than hồng để sưởi ấm và nấu nướng.

Chính Lan chỉ uống toàn nước cháu nấu với sâm già. Thi Mạn cố cứu trượng phu, cho chàng dùng rất nhiều linh đan. Nhờ vậy, bệnh tình không nặng nề thêm, hy vọng Chính Lan cầm cự được cho đến lúc về nhà.

Giữa tháng mười một, đoàn người vượt Từ Châu, đi vào đoạn đèo Vân Mộng. Nơi đây cách xa Từ Châu hơn hai trăm dặm nên không sợ Đào Hoa cung tập kích. Hơn nữa, việc Chính Lan thọ thương được giữ kín, chắc họ Thang không dám chặn đường.

Sắp đến Ngọ mà bầu trời xám xịt, gió bấc lồng lộng gào thét, thổi trận mưa tuyết vào lưng lữ khách xuôi Nam. Bọn Thi Mạn lầm lũi tiến lên đèo. Mé tả là sườn núi Vân Mộng sơn, mé hữu là vực thẳm Vô Để Uyên nổi tiếng.

Chưa có ai xuống được đáy vực mà sống sót để trở lên. Nếu ném một tảng đá thì phải rất lâu sau mới nghe tiếng động vang lên.

Gần đến đình đèo, bất ngờ từ đám loạn thạch mé tả, hàng ngàn mũi trường tiễn xé gió bay vút đến, cắm vào cơ thể bọn cấm quân. Hán Trung tam ngốc múa tít bảo đao hộ thân và che chở cho xe ngựa. Tố Bình vội tung trái Đảo Thiên thần đạn cuối cùng vào bọn mai phục. Đồng thời, Hách Thiết Xuyên quất đôi ngựa phi nước đại.

Ba gã ngốc lao theo, còn đám cấm quân chết không sót một tên. Nhưng lên đến đỉnh đèo, Thiết Xuyên nhận ra đường quan đạo đã bị chặn ngang bởi một thân cây lớn, chẳng thể nào vượt qua được. Gã thở dài tuyệt vọng, khi thấy hàng trăm tên cao thủ áo trắng dương cung chĩa vào xe.

Có tiếng cười ghê rợn vang lên :

- Để xem bọn ngươi làm cách nào thoát khỏi tuyệt lộ này?

Người nói chính là Đào Hoa cung chủ Thang Chí Quân. Tố Bình đứng trên càng xe mắng liền :

- Lão có giỏi thì đơn đấu với tướng công của ta, sao lại bày trò mai phục đê tiện như vậy?

Nhưng nàng không dọa được lão vì cạnh họ Thang còn có một lão già mũi két, mắt diều, trên vai, có con chim Ưng lông đỏ. Lão ta chính là Miêu Ưng lão tổ ở Quân Đô Sơn. Ngoài ra còn có Phi Hoàn đại lão Lý Hiểu Lộ và Thái Sơn Phủ Quân Vũ Diên. Bốn người ấy liên thủ thì dù Chính Lan có khỏe mạnh cũng không mong thoát chết.

Hách Thiết Xuyên kiến văn rộng rãi nên nhận ra ngay lai lịch của đối phương. Gã hạ giọng bảo Tố Bình :

- Nàng và Thi Mạn cố cõng Chính Lan đào tẩu, ta và ba anh em họ Hồ sẽ đoạn hậu cho.

Tố Bình cười nhạt :

- Có chạy cũng không thoát, thà liều mình đánh trận cuối cùng rồi chết chung với trượng phu còn hơn.

Chính Lan đang sắp chết, nàng cũng chẳng còn ham sống nữa.

Bỗng trong xe Thi Mạn thẳng thốt kêu lên :

- Tướng công đã hồi tỉnh.

Có lẽ tiếng nổ long trời của trái Đảo Thiên thần đạn đã đánh thức chàng. Chính Lan thều thào hỏi :

- Chuyện gì vậy Mạn muội?

Thi Mạn sa lệ đáp :

- Chúng ta bị Đào Hoa cung chủ và Thái Sơn Phủ Quân vây chặt trên đỉnh đèo Vân Mộng. Chắc là lành ít dữ nhiều.

Tố Bình đã chui vào xe, ôm lấy Chính Lan nức nở :

- Phen này chúng ta cùng dắt tay nhau xuống suối vàng mà thôi.

Chính Lan lặng lẽ suy nghĩ, nghiêm giọng bảo :

- Hai nàng mau truyền cho ta ít chân khí và bảo Thiết Xuyên nói đối phương chờ một lát.

Thi Mạn vén màn xe nói với họ Hách, còn Tố Bình dựng Chính Lan ngồi lên, truyền công lực vào Mệnh Môn. Phe Đào Hoa cung đã nắm chắc phần thắng nên chẳng vội gì, chấp nhận chờ đợi.

Nửa khắc sau, Chính Lan đã hồi phục được hai thành, dắt tiểu kiếm vào bụng, tay xách Long Tuyền kiếm bước xuống xe. Chàng đã nhận ra Miêu Ưng lão tổ và Phi Hoàn đại lão nhưng vẫn thản nhiên.

Chính Lan cao giọng bảo Thái Sơn Phủ Quân :

- Vũ tiền bối! Kỳ hạn ba tháng chưa đến sao tiền bối lại có mặt nơi này?

Phủ Quân cười mát :

- Bần đạo nghe nói công tử sắp chết nên đến xem thử thế nào.

Phi Hoàn đại lão gầm lên :

- Hồng Nhất Điểm! Ngươi hãy đến mạng ba em của ta.

Chính Lan rút bảo kiếm ra khỏi vỏ, chậm rãi tiến lên, đối diện bốn lão ác ma. Họ đang đứng dưới chân sườn núi, vì vậy, vị trí của Chính Lan rất gần bờ vực. Chàng giơ cao thanh kiếm và nói :

- Đây chính là thanh Long Tuyền bảo kiếm thời thượng cổ. Nếu các vị đồng ý tha cho sáu người thân của tại hạ thì sẽ được thanh kiếm này và sinh mạng của Âu Dương mỗ. Nếu không, Lan này sẽ hủy ngay bảo vật.

Dứt lời, chàng chém mạnh vào tảng đá cạnh đấy. Lửa xanh bắn ra và tảng đá nứt đôi, mà thanh kiếm không hề sứt mẻ. Đào Hoa cung chủ và Thái Sơn Phủ Quân đều là kiếm khách nên hoan hỉ phi thường. Nhưng Lý Hiểu Lộ gạt phăng :

- Lão phu có đôi Phi Hoàn này là đủ rồi, chẳng cần bảo kiếm làm gì.

Chính Lan mỉm cười :

- Lão đến đây để lấy mạng ta chứ đâu phải vì sáu kẻ vô can kia?

Phủ Quân và Đào Hoa cung chủ bàn bạc chớp nhoáng. Vũ Diên quay sang phủ dụ đại lão, rồi nghiêm giọng :

- Được! Bần đạo đồng ý tha cho thân quyến của ngươi. Nhưng ngươi phải thề sẽ để kiếm lại và nhảy xuống vực tự sát.

Thi Mạn, Tố Bình kinh hãi kêu lên :

- Tướng công! Bọn thiếp thà chết chứ không bỏ chàng.

Thiết Xuyên cũng nói :

- Tại hạ chẳng phải là kẻ ham sống, công tử bất tất phải làm như vậy.

Chính Lan nghiêm giọng :

- Nếu các ngươi không nghe lời ta mà đi ngay thì chẳng còn là thê thiếp, bằng hữu gì nữa hết. Hai nàng đang mang thai, sao không lo giữ gìn hương hỏa cho ta mà lại tính chuyện chết oan?

Thi Mạn và Tố Bình sửng sốt vì họ nào có mang thai nghén gì? Thiết Xuyên cũng biết điều ấy, lặng người suy nghĩ. Chính Lan giận dữ quát :

- Đi mau đi, một năm sau quay lại cúng tế là đủ rồi. Đừng để ta phải nói nhiều.

Tố Bình và Thi Mạn quì xuống vái tạ :

- Kiếp này không còn sum họp, xin hẹn kiếp lai sinh chắp cánh uyên ương.

Ba gã ngốc cũng sụp xuống khóc ồ ồ :

- Đại ca đi đi! Bọn tiểu đệ hứa sẽ đốt cho đại ca thật nhiều giấy tiền vàng bạc, để dưới âm ty có rượu mà uống.

Thiết Xuyên thì ngửa cổ cười bi thiết :

- Hảo bằng hữu! Hẹn sớm gặp lại nhau.

Y nghĩ sau này sẽ liều mình báo phục, dẫu chết cũng vui lòng.

Chính Lan quay sang nói với phe đối phương :

- Tại hạ thề có hoàng thiên rằng sẽ trao bảo kiếm và tự sát, ngay sau khi bọn họ đi khỏi. Mong chư vị mở đường cho.

Người võ lâm rất trọng lời thề, nhất là một bậc đại hiệp khách như Chính Lan. Đào Hoa cung chủ lập tức phất tay ra hiệu nhường đường. Bọn cung thủ liền kéo thân cây sang một bên để xe và ngựa đi qua. Hai mỹ nhân cứ mãi quay lại, lệ tuôn như suối, luôn miệng gọi tướng công.

Chờ họ đi xa, Chính Lan tra kiếm vào vỏ, đặt xuống đất rồi tung mình nhảy vào khoảng không mù mịt của vực thẳm.

Vô Để Uyên có nghĩa là vực không đáy, nhưng mỗi khi đông đến tuyết phủ dày hàng trượng. Chính Lan đã tính đến điều này nên mới dám liều mình để cứu thê thiếp, bằng hữu. Hy vọng dẫu mong manh nhưng còn hơn cả đám chết trong tay kẻ địch.

Chính Lan dồn hết công lực vào đôi chân để chịu đựng va chạm. Nhưng từ độ cao hơn trăm trượng rơi xuống, dù tuyết dày và xốp, xương đầu gối của chàng cũng sai khớp. Thân hình Chính Lan lún sâu vào lớp tuyết, ngập cả đầu.

Chàng cố nén đau, dùng tay bới tuyết trườn lên. Sửa lại khớp xương xong, chàng thở phào lướt lên miệng vực, chỉ thấy tuyết bay mù mịt mà thôi.

Đã quyết tìm cái sống trong cái chết nên Chính Lan chẳng hề tuyệt vọng.

Chàng nghỉ ngơi một lúc rồi bắt đầu thám hiểm đáy vực. Tiểu kiếm cầm sẵn trong tay, Chính Lan chậm rãi bước đi. Dù còn rất yếu đuối nhưng nhãn quang chàng vẫn tinh tường, nhờ tác dụng của Thiên Niên Hà Thủ Ô. Nếu không có kỳ trân này, chàng đã chết từ lâu rồi. Thi Mạn tinh thông chất độc nhưng y thuật không cao minh lắm. Nàng nóng ruột nên cho Chính Lan uống quá nhiều linh đan và sâm quí, đâu biết rằng trượng phu luyện Qui Tức BảoTâm đại pháp nên cơ thể tự nhiên giảm hoạt động để phục hồi. Thấy mạch yếu, hơi thở mong manh, nàng cứ ngỡ phu tướng sắp chết. Chính tiếng nổ của hỏa khí đã khiến chàng rời khỏi trạng thái Đông Miên của môn tuyệt kỹ hãn thế kia.

Nhắc lại, Chính Lan đi nửa vòng đáy vực, bỗng phát hiện một cửa hang rộng rãi. Chàng mừng rỡ vì đã có chỗ ẩn thân. Dù sao cũng chẳng thể ở mãi dưới cơn mưa tuyết lạnh lùng. Chàng biết mình phải tịnh dưỡng mấy tháng mới mong phục hồi công lực để thoát khỏi chốn này.

Nước uống thì đã có tuyết, vật thực là lũ độc xà, cóc nhái nhung nhúc khắp nơi. Nếu hang khô ráo, chàng có thể tạo ra lửa mà sưởi ấm và nướng thịt.

Chính Lan thận trọng bước vào, ngạc nhiên trước vẻ đẹp kỳ ảo của hàng ngàn thạch nhũ trên trần và sàn hang. Có những vú đá hình thành từ trăm vạn năm trước, trên dưới giao nhau thành cây cột khổng lồ.

Cuối hang là một khoảng rộng bằng phẳng, khô ráo, và kỳ diệu thay có cả dấu vết con người. Chàng lờ mờ nhận ra trong góc động có chiếc giường đá, liền bước đến xem thử. Vật đầu tiên chàng nhận thấy là hộp gỗ đựng bùi nhùi và cục đá lửa lớn bằng nắm tay. Chính Lan phấn khởi đập chúng vào nhau liên tục, tiếp tục quan sát, chàng phát lại phát hiện một đống cành khô ở chân vách động.

Lát sau, đống củi mục cháy bùng lên, tỏa ra sức sốlão, làm ấm lòng kẻ cô đơn. Chính Lan trở ra ngoài bắt vài con độc xà và nhặt thêm ít củi nữa. Tuy chúng ướt át nhưng vẫn có thể cháy được. Còn việc làm thịt rắn thì chàng đã học của Liễu Thi Mạn.

Ánh lửa soi sáng cảnh vật, giúp Chính Lan nhận ra vách đá cuối động được khoét sâu một mảng vuông vức, cách mặt đất gần trượng. Và trong khoảng trống ấy, một xác người ngồi ngay ngắn theo tư thế kiết đà. Chàng hiếu kỳ rút cây củi đang cháy đến nơi quan sát, thấy da thịt của tử thi đã khô quắt lại sát xương mặt, chỉ có hàng râu năm chòm và mái tóc đen nhánh là vẫn chỉnh tề. Chính Lan là người trung hậu, thủ lễ nên sụp xuống lạy ba lạy, thầm khấn :

- Vãn bối vô tình lạc bước vào đây, quấy nhiễu chốn yên nghỉ của tiền bối, xin anh linh lượng thứ cho.

Lúc quí lạy, chàng đã đặt cây đuốc củi khô xuống sàn. Ánh lửa chập chờn nhưng cũng đủ soi sáng chân vách trước mặt. Nhờ vậy, Chính Lan nhìn thấy bốn chữ “Sàng hạ hữu kinh” chỗ này rất tối tăm, chữ viết lại nhỏ, nếu chàng không quỳ lạy, khó mà thấy được bốn chữ ấy.

Chính Lan hiểu ngay dưới chiếc giường đá kia có lưu lại chân kinh, bí kíp gì đó. Chàng xách đuốc đến nơi xem xét, và tìm ra một khung cửa nhỏ, vuông vức, mỗi bề độ hơn gang.

Chính Lan lôi ra một chiếc rương đồng, tiết diện gần bằng khung cửa đá, dài khoảng hai gang. Rương không có khóa nhưng quanh nắp được gắn kín bằng nhựa cây. Chính Lan dùng tiểu kiếm cạo sạch lớp keo ấy, mở nắp rương ra. Vòn vẹn chỉ có một phong thư, vài nén vàng, một quyển kinh và tấm áo tơ mềm mại, đen bóng. Chính Lan mở phong thư, phát hiện thêm một chiếc mặt nạ da người rất tinh xảo.

Chàng đặt sang một bên, đọc thư trước đã :

“Lão phu là Báo Ứng Lang Quân Trọng Phú Lan, người đất Thiểm Tây, từng phò tá Vương Dương Minh đánh giặc Trần Hào. Nhưng quen thói tiêu dao tự tại, lão phu không nhận chức tước mà tiếp tục ngao du, hành hiệp.

Trong ba mươi năm ngang dọc, với pho Cuồng Lãng chưởng pháp, lão phu tiêu diệt không biết bao nhiêu ác nhân trong võ lâm, nổi danh Báo Ứng Lang Quân. Đến năm sáu mươi tuổi, lão vô cùng hối hận, lão phu giết lầm một người vô tội, nhảy xuống Vô Để Uyên tự sát. Nào ngờ trời xanh chưa cho chết nên lão phu ở lại nơi này sám hối. Chẳng nỡ để tuyệt học thất truyền, lão phu lưu lại bí phổ cho đời sau. Chỉ mong kẻ hậu sinh thụ giáo tuyệt kỹ này trở thành Báo Ứng Lang Quân đệ nhị đại, tạo phúc cho giang hồ. Nhưng nhớ đừng giết oan người vô tội?

Trọng Phú Lan di chí!”

Hoàng Hạc Tú Sĩ Ngũ Di Nghiệp chỉ say mê kiếp thuật nên thờ ơ với quyền chưởng. Vì vậy, Chính Lan cũng chẳng khá hơn. Sau ba năm phiêu bạt, chạm trán nhiều cường địch, chàng thức ngộ rằng chưởng pháp lợi hại chẳng kém gì kiếm thuật! Chàng hiếu kỳ giở chân kinh ra đọc. Bỗng một ý niệm bừng lên khiến chàng choáng váng. Phải chăng Báo Ứng Lang Quân đã tìm ra lối xuất nhập nên mới có giấy mực mà viết di thư và quyển bí kíp này? Lão nhảy xuống vực thẳm tự sát thì làm gì có văn phòng tứ bảo? Chàng hồi hộp lướt nhanh từng trang, đến cuối mới thấy lời ghi chú :

“Sau mười năm rèn luyện chân kinh, đủ sức đánh ra trăm chưởng liên tục thì có thể phối hợp với khinh công mà trở lên miệng vực!”

Chính Lan vô cùng thán phục bản lãnh của Báo Ứng Lang Quân, quyết cố công rèn luyện pho Cuồng Lãng thần chưởng. Chàng đã có hơn sáu mươi năm công lực, chẳng cần phải mất một khoảng thời gian lâu như vậy!

Phần đầu của bí phổ là tâm pháp Đồng Tử Nhất Nguyên Công. Chính Lan đã có vợ nên chẳng thể luyện được, lật qua phần khẩu quyết Cuồng Lãng chưởng pháp và Ngự Phong thân pháp.

* * * * *

Hơn năm sau, trên bến đò bờ Bắc sông Hoài xuất hiện một chàng trai tuổi tam tuần, mặt đẹp như ngọc. Bộ trường bào màu xanh có vẻ cũ kỹ nhưng tấm áo choàng tơ đen trên vai óng ánh như mới dệt xong. Đặc biệt, chàng ta không hề có vũ khí hay hành lý, đôi giầy vải dưới chân đã rách mũi, lộ cả ngón ra!

Chàng ta bước vào tửu quán, gọi một mâm cơm nhỏ và bầu rượu. An xong chàng nhâm nhi chén rượu, nhìn về phía rừng liễu xanh mướt đằng Đông. Trời đã vào xuân, tiết trời ấm áp, hoa cỏ tốt tươi và cảnh vật đầy sức sống! Bỗng chàng ta tức cảnh sinh tình, ngâm nga nho nhỏ bài Ức Dương Liễu (Nhớ Dương Liễu) của Bạch Cư Dị:

Tằng tài dương liễu Giang Nam ngạn

Nhất biệt Giang Nam lưỡng độ xuân

Giao ức thanh thanh giang ngạn thượng

Bất tri phan chiết hà thị nhân?

Dịch thơ:

Giang Nam dọc bến trồng dương liễu

Một biệt Giang Nam xuân đã hai

Xa nhớ xanh xanh trên bến ấy

Vin cành bẻ liễu biết là ai?

Giọng ngâm quen thuộc kia là của Âu Dương Chính Lan! Chàng đã thoát khỏi vực sâu và tái xuất giang hồ với dung mạo của Báo Ứng Lang Quân Trọng Phú Lan. Thật là tấu xảo khi chàng và Lang Quân lại trùng tên!

Chàng đang trên đường trở lại Nam Kinh sum họp với gia đình. Mất nén vàng mà Báo Ứng Lang Quân để lại không đủ để mua ngựa cỡi, chàng đành đi bộ và ngủ ngoài trời. Sau hơn năm giam mình dưới đấy vực sâu tĩnh mịch, chàng đã có thời gian để suy nghĩ về kiếp nhân sinh, đạo tâm sáng láng hơn xưa nên ung dung trong mọi hoàn cảnh!

Thấy thực khách lục tục đứng lên, Chính Lan biết đò ngang sắp sang đến, bèn tính tiền rồi bước ra.

Chàng mừng rỡ khi thấy Sơn Đông Tử Phòng Từ Kính Nhan. Lão đang đứng chắp tay sau lưng, buồn bã nhìn dòng nước chảy về Đông. Phải chăng lão u sầu về cái chết của Hồng Nhất Điểm?

Thân phụ Từ lão đã thọ ân cứu mạng của Hoàng Hạc Tú Sĩ. Vì vậy, lão theo di mệnh, một lòng trung thành với đồ đệ của Tú sĩ. Nhưng Chính Lan bỗng nhận ra Từ Kình Nhan không đứng một mình, quanh lão còn có bảy tám cao thủ nữa. Y phục của họ đều giống nhau, đều là võ phục xanh nhạt, lưng thêu đóa hoa sen trắng! Chàng thận trọng dừng bước, không đến nhận người quen nữa. Lát sau, đò ngang cặp bến, Sơn Đông Tử Phòng cùng đám thanh y võ sĩ dẫn ngựa lên thuyền. Lạ lùng thay, chẳng ai dám đồng hành với họ.

Thuyền rời bờ, Chính Lan nghe người sau lưng nói với giọng căm hận :

- Bọn Bạch Liên giáo ngày càng lộng hành, thật chướng tai gai mắt! Từ khi Hồng Nhất Điểm đại hiệp tạ thế đến nay, bọn chúng công khai khuynh đảo võ lâm, chẳng coi ai ra gì cả!

Chính Lan quay lại, nhận ra người vừa nói là một chàng trai mập mạp, tuổi độ hai bốn, hai lăm. Áo thư sinh vải thô, lưng đeo trường kiếm nhưng tay tả kè kè tráp gỗ. Chính Lan nghe lòng ấm lại khi thấy còn có người mến mộ mình. Chàng mỉm cười hỏi thử :

- Dường như huynh đài có tác phong giống như Âu Dương công tử?

Chàng trai đỏ mặt, ngượng ngùng đáp :

- Tại hạ từ lâu vẫn ngưỡng mộ Âu Dương đại hiệp, cố noi gương người, ăn mặc giản dị và khổ luyện võ nghệ. Mọi người đều chê cười rằng Lâm Chấn Hạo này quá béo, chẳng thể giống được Hồng Nhất Điểm.

Chính Lan nghiêm giọng :

- Bắt chước hình dáng, cử chỉ sao bằng bắt chước nhân phẩm? Quí hồ một lòng giáng ma vệ đạo là đủ rồi!

Lâm Chấn Hạo cười buồn :

- Tiểu đệ hiếu võ nhưng chưa gặp được minh sư, bản lãnh có hạn, làm sao hiên ngang, lẫm liệt như Hồng Nhất Điểm?

Chính Lan bất giác có cảm tình với chàng trai trung hậu này. Họ Lâm cũng vậy, gã vui vẻ hỏi :

- Tứ hải giai huynh đệ! Xin huynh đài cho tiều đệ biết tính danh?

Chính Lan mỉm cười :

- Tại hạ là Trọng Phú Lan!

Chấn Hạo thấy chàng rách rưới, lại không hề có hành lý, đoán rằng túi đối phương đang cạn. Gã hòa nhã nói :

- Tiểu đệ sẽ mướn thuyền con sang sông, không chờ đò nữa. Mong Trọng huynh cùng đi cho vui!

Chính Lan nóng lòng trở về nhà nên đồng ý ngay! Đò lớn do quan lại địa phương quản lý, có thể chở được người, ngựa và xe hàng. Còn khách bộ hành, thường vượt sông bằng những chiếc thuyền câu nhỏ của đám ngư dân gần bờ!

Đương nhiên giá cả đắt gấp ba!

Trong lúc thuyền con sang sông, Chính Lan trò truyện với họ Lâm, được biết gã quê Trường Sa, con út của một nhà đại phú, mê kiếp giang hồ nên bỏ nhà phiêu bạt đã gần năm nay. Chấn Hạo học võ của Động Đình Thần Kiếm, bản lĩnh chỉ ở vào hàng nhị lưu, tam lưu!

Trong cuộc đàm đạo, Chấn Hạo tỏ rõ lòng kính ngưỡng đối với thần tượng Hồng Nhất Điểm. Chính Lan thầm hổ thẹn, bỏ qua chuyện khác :

- Tại hạ mới xuất đạo nên không rõ tình hình võ lâm. Mong các hạ chỉ giáo cho!

Chấn Hạo thở dài kể :

- Ba tháng sau ngày Âu Dương đại hiệp nhảy xuống vực thẳm không đáy ở Vân Mộng sơn. Bạch Liên giáo dương cờ gióng trống, nhanh chóng bành trướng khắp nơi. Nghe nói Giáo chủ Bạch Liên giáo là Thái Sơn Phủ Quân, còn ba chức phó dành cho Đào Hoa cung chủ, Phi Hoàn Đại Lão và Miêu Ưng lão tổ! Tháng mười năm ngoái, Âu Dương gia trang ở Nam Kinh đột nhiên phát hỏa. Quan quân kéo đến thì ba trăm mẫu rừng đã biến thành biển lửa!

Chính Lan nghe như sét đánh bên tai, chết điếng người. Lâm Chấn Hạo không nhận ra, tiếp tục nói :

- Cuộc hỏa hoạn đã thiêu hủy mọi dấu vết nên chẳng biết ai còn ai mất, và ai là hung thủ! Có điều, sau đó ít lâu, người ta thấy Hán Trung tam ngốc hiệp, Vô Nhân kiếm khách, Sơn Đông Tử Phòng, Lôi Đao... xuất hiện trong hàng ngũ Bạch Liên giáo. Những cao thủ này chẳng hiểu sao lại phục vụ cho những kẻ đã đẩy Hồng Nhất Điểm xuống vực sâu?

Chính Lan giật mình kinh hãi, chìm vào trong suy tưởng, cố giải thích hiện tượng quái dị kia! Chàng hiểu rõ tính tình cương liệt của Lôi Đao Hứa Hoa và Vô Nhân kiếm khách Hách Thiết Xuyên. Họ thà chết chứ không chịu nhục. Vậy điều gì đã khiến họ phải hành động như vậy? Phải chăng Bạch Liên giáo đã bắt thê tử chàng làm con tin để uy hiếp họ?

Chính Lan bình tâm lại đôi chút, hỏi họ Lâm :

- Các hạ có biết Tổng đàn của Bạch Liên giáo nằm ở đâu không?

Chấn Hạo lắc đầu :

- Đạo quán của Bạch Liên giáo nằm rải rác khắp ba phủ Sơn Đông, Giang Tô, Huy Châu, nhưng chẳng ai biết rõ bộ phận đầu não ở địa phương nào!

Chính Lan thất vọng, thẫn thờ bảo :

- Vậy biết tìm ở đâu bây giờ?

Lâm Chấn Hạo sửng sốt hỏi :

- Chẳng lẽ Trọng huynh lại muốn đối đầu với Bạch Liên giáo?

Chính Lan cười mát :

- Đúng vậy! Tại hạ là Báo Ứng Lang Quân, lẽ nào lại để bọn tà ma lộng hành?

Võ lâm cũng như triều đình, đều có người chép sử. Chỉ khác ở chỗ là chốn giang hồ lưu giữ sử sách bằng cách truyền khẩu. Sự tích trong vòng trăm năm vẫn được các bô lão ghi nhớ và kể lại cho bọn tiểu bối. Vì vậy, danh tiếng của Báo Ứng Lang Quân vẫn chưa phai mờ. Trọng Phú Lan chỉ hơn Hoàng Hạc Tú Sĩ có ba mươi tuổi, thành tích lẫy lừng, lẽ nào lại bị lãng quên?

Phàm là người học võ, bao giờ cũng được sư phụ kể lại cho nghe những truyền thuyết võ lâm, đặc điểm các phái, cũng như qui củ giang hồ. Lâm Chấn Hạo cũng trải qua quá trình ấy nên nhận biết ngay. Gã ngẩn người ấp úng :

- Nhưng Báo Ứng Lang Quân đã chết được hơn bảy chục năm rồi mà?

Chính Lan gật đầu :

- Đúng vậy! Tại hạ là đời thứ hai!

Chấn Hạo nhìn chàng nghi ngại :

- Nếu quả là đúng thế thì là phúc lớn của võ lâm! Nhưng hiện các hạ có sánh nổi với Âu Dương đại hiệp hay không mà dám đụng đến Bạch Liên giáo?

Lúc này thuyền con đã bắt kịp, đi song song với đò ngang. Chính Lan loáng thoáng nghe một tên trong đám giáo đồ Bạch Liên giáo nói :

- Mẹ kiếp! Chiếc đò quỷ quái này bơi chậm như rùa! Nếu chúng ta không đến được Vu Hồ kịp thời hạn sẽ bị Phó giáo chủ phạt nặng đấy!

Tên thứ hai cười nhạt :

- Đến sớm hơn chưa chắc đã là điềm tốt! Bọn Bố Y hội phòng thủ rất chặt chẽ, vào được cũng phải tốn máu xương không ít!

Chính Lan hiểu rằng bọn này đang trên đường đến căn cứ của Bố Y hội ở Vu Hồ! Chàng thắc mắc, không hiểu ai là người lãnh đạo của họ, quyết định đến tận nơi xem thử. Hơn nữa, họ vốn là thuộc hạ của chàng, chẳng thể để đám hào kiệt ấy lâm nguy được!

Thuyền con vượt lên, cặp bờ Nam trước đò ngang. Chính Lan vòng tay nói :

- Cảm tạ Lâm các hạ đã cho quá giang. Xin cáo biệt!

Lâm Chấn Hạo vội nói :

- Trọng huynh định đi đâu?

Chính Lan nghiêm giọng :

- Bạch Liên giáo đang chuẩn bị tấn công căn cứ Bố Y hội ở Vu Hồ. Tại hạ muốn đến đấy giúp họ một tay!

Lâm Chấn Hạo là con nhà đại phú, thế mà không chịu an hưởng cảnh giàu sang cũng do lòng hiếu sự và khao khát dọc ngang. Nay gặp được một nhân vật bí ẩn, gã chẳng thể bỏ qua, liền ấp úng nói :

- Mong Trọng huynh cho tiểu đệ theo cùng! Tiểu đệ tuy bất tài nhưng không biết sợ chết là gì!

Chính Lan cảm động, gật đầu :

- Nếu các hạ đã có lòng giáng ma vệ đạo, tại hạ xin tuân mệnh!

Chấn Hạo phấn khởi kéo Chính Lan vào Hoài Nam trấn mua hai con tuấn mã. Họ phi nước đại về hướng Tây nam, cố đến Vu Hồ thật sớm!

Ba hôm sau, đúng ngày rằm tháng ba, hai người đến trấn Vu Hồ.

Ăn tối xong, Chấn Hạo mua ít đồ nhắm và rượu ngon, gởi ngựa rồi cùng Chính Lan đến khu rừng đào cạnh hồ.

Chính Lan phi thân một vòng xem phe Bạch Liên giáo đã có mặt chưa.

Nhưng có lẽ chưa đến ngày nên chẳng có mống nào. Chàng yên tâm trở lại với Chấn Hạo. Chính Lan dõi mắt nhìn hòn đảo giữa hồ, đoán rằng sau đám liễu dày kia là căn cứ của Bố Y hội!

Từ bờ đến đảo xa hàng dặm, muốn thông báo cũng chẳng có cách nào.

Chính Lan đành nằm lại chờ đợi. Anh tà dương mùa xuân đỏ rực, xuyên qua cành là soi rõ gương mặt thuần hậu, thiện lương của Chấn Hạo. Chàng cảm thấy gã chính là hình ảnh mình ngày mới xuất đạo. Chính Lan chợt nảy sinh ý định tài bồi cho họ Lâm. Chàng hỏi gã :

- Lâm lão đệ sở đắc những tuyệt học nào?

Chính Hạo bẽn lẽn đáp :

- Tiểu đệ học được sáu thành pho Hoa Sơn kiếm pháp và vài chiêu quyền cước!

Động Đình Thần Kiếm vốn là đệ tử tục gia của phái Hoa Sơn.

Chính Lan mỉm cười :

- Lão đệ thử trổ tài cho ta được mở rộng thêm kiến văn!

Thấy chàng xưng hô thân mật, Chấn Hạo dạn dĩ hơn, rút kiếm thi triển ba mươi sáu chiêu kiếm.

Phái Hoa Sơn phát nguyên từ phái Toàn Chân, cũng nằm trong hệ thống đạo giáo. Thái Chân kiếm pháp của Hoàng Hạc Tú Sĩ là tuyệt học của Mã Ngọc chân nhân đại đệ tử của Vương Trùng Dương Giáo chủ của Toàn Chân đáng được coi là võ thuật chính thống. Vì vậy, Chính Lan thấy hết những sơ hở của pho Hoa Sơn kiếm pháp kia. Dẫu sao, thiên bẩm của Hách Đại Thông sư tổ phái Hoa Sơn cũng không bằng đại sư huynh Mã Ngọc! Hai người cùng ở trong Toàn Chân Thất Tử nhưng căn cơ khác xa nhau!

Tuy Mã Ngọc chết sớm, giáo phái tan tác nhưng sở học của ông vẫn được lưu truyền cho đến đời Chính Lan!

Chàng bèn chỉ điểm, bổ khuyết những khiếm khuyết cho Lâm Chấn Hạo. Chàng kiên nhẫn giảng giải từng chiêu, nên đến nửa đêm kiếm thuật của họ Lâm đã hoàn bị hơn trước. Gã mừng rỡ khôn cùng, say sưa luyện tập dưới ánh trăng vàng, cuối canh tư mới chịu lăn ra ngủ.

Sáng ra, Chấn Hạo chạy bổ vào trấn mau mấy mòn điểm tâm và rượu thịt, cung phụng cho sư phụ. Gã nhìn chàng bằng cặp mắt kính ngưỡng :

- Trọng huynh quả là bậc kiếm tiên, tiểu đệ học nửa ngày đã tiến bộ bằng mấy năm khổ luyện!

/23

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status