Anh Sẽ Ở Bên Em, Mãi Mãi Nhé?

Chương 25: 20/11

/37


Không làm gì được Phan Anh, bỗng nhiên tôi quay ra giận tên trời đánh. Mà tôi giận hắn, hắn cũng đâu có biết. Trong mắt hắn, tôi đâu khác gì con bọ. Vậy nên, mọi bực tức, tôi trút qua mỹ nhân. Mỹ nhân biết tôi giận, mấy ngày liền, cũng không dám nói chuyện với tôi, gương mặt lúc nào cũng buồn bã, rầu rầu. Tôi thấy tội nghiệp lắm, nhưng đang giận, quyết tâm không mủi lòng.

Cho tới ngày đóng tiền quỹ lớp, ủng hộ đội văn nghệ lớp tham gia chương trình chào mừng ngày Hiến chương nhà giáo. Số tiền là hai mươi ngàn đồng. Thực ra số tiền đó tôi nghĩ, không lớn lắm, dù cũng đủ để tôi ăn sáng một tuần, bình thường tôi vẫn thấy mỹ nhân mua những cuốn sách đắt hơn thế nhiều, nhưng không hiểu sao, lần này, mỹ nhân lại là người nộp tiền chậm nhất lớp.

Vào đúng ngày cuối cùng, mỹ nhân mang tới để trước mặt thủ quỹ bốn mươi tờ năm trăm đồng. Bốn mươi tờ năm trăm đồng – quả là một điều gì đó nằm ngoài sức tưởng tượng của mọi cái đầu giàu sức tưởng tượng nhất. Như một quả bom khiến tất cả phải ngỡ ngàng!

Thủ quỹ lớp tôi hôm đó ra đường đạp phải phân chó, sẵn trong người đang bực tức, liền cầm cọc tiền lên, la lớn:

- Cái gì vầy nè? Mang tiền này đi rải đám tang hả?

Mỹ nhân tưởng nộp tiền là xong, đang về lại chỗ ngồi, đúng lúc đi ngang qua tôi, nghe la thì quay lại, thấy thủ quỹ cầm cọc tiền giơ giơ, liền xấu hổ đỏ mặt lên.

- Thời buổi nào rồi còn mang đống tiền lẻ đi đóng quỹ lớp vậy bà hai? – Thủ quỹ béo ú vẫn chưa chịu thôi, vừa nói vừa cười khẩy. – Nghĩ sao vậy?

Mỹ nhân ấp úng:

- Chỉ là… chỉ là…

Tôi nghe tiếng Bình An và Tâm Hiền nói:

- Thôi mà, nhận đi rồi ghi tên cho người ta.

Thủ quỹ béo vẫn chưa chịu thôi, cầm cọc tiền, rút từng tờ đếm, đếm xong tờ nào, bỏ xuống bàn tờ đó.

- Một… hai… ba …

- Có thôi không? – Tôi bực mình, đập cuốn sách đang cầm trên tay xuống bàn, sẵng giọng nói. – Ngồi xuống đếm cho đường hoàng, năm trăm đồng thì cũng là tiền. Bốn mươi tờ thì cũng thành hai mươi ngàn. Hai mươi ngàn với hai mươi ngàn thì khác nhau chỗ nào? Sợ tiền lẻ không tiêu được thì đưa đây, Nhi đổi cho.

Nghe tôi lên tiếng, thủ quỹ béo ú chỉ dám liếc nhìn tôi một cái, rồi ngồi xuống, hậm hực, còn cố thanh minh gì đó với Bình An.

- Thiệt tình… khổ ghê đó…

Bình An và Tâm Hiền nhìn nhau cười.

Mỹ nhân cũng nhìn tôi, tôi nói.

- Về chỗ ngồi đi, mặc kệ người ta muốn nói gì thì nói, nghĩ gì thì nghĩ. Bạn không việc gì phải ngại. Tiền của bạn cũng đáng giá như tiền của mọi người vậy.

Mỹ nhân gật đầu với tôi, khóe mắt long lanh một giọt nước. Tôi tự cắn môi mình tới chảy máu. Một người con gái mỏng manh và yếu đuối như thế này, vậy mà tôi nỡ vô cớ trút những cơn giận hờn vu vơ…

Phương Thảo thấy tôi có vẻ đã muốn làm lành lại với mỹ nhân, liền ném qua một mẩu giấy: Chiều nay 5 đứa lại tập hợp nhé! Tôi trả lời lại: Tuyệt đối không được nhắc tới chuyện tình yêu. Nhi hận. Phương Thảo cười toe, quay sang nháy mắt với mỹ nhân.

Ngày 20/11 gần kề, hồi năm trước, tôi chỉ mải đấu võ đấu vẽ nên quên không biết tới chuyện trường có tổ chức văn nghệ. Năm nay rảnh rang, nghe Thu Vân thông báo nhà trường yêu cầu mỗi lớp phải tham gia ít nhất là 2 tiết mục, tôi láu táu nhận một vở kịch. Nhận xong, bán lại cho Phương Thảo.

- Nhi khùng rồi. – Phương Thảo giãy nảy. – Không có kịch cọt gì hết, Thảo không có đóng kịch… Thảo không thích.

Liên Châu cắm cúi hớt một viên thạch ở đáy cốc chè Thái, không ngẩng lên.

- Nhi viết kịch bản chưa?

- Chưa. – Tôi đáp. – Nhưng kịch bản thì khó gì. Lấy đại một cảnh trong vở kịch Romeo và Juliet là được

- Không. – Phương Thảo kiên quyết. – Không kịch cọt gì hết.

- Romeo và Juliet không được đâu. – Trịnh Giang tỏ vẻ hiểu biết. – Giang đi coi văn nghệ nhiều Giang biết, kịch là phải hài hước một chút, phải ở thời hiện đại, với lại, phải có gì đó liên quan tới học sinh mới được.

Liên Châu gật gù tán đồng.

- Thầy cô mình không ưa kịch lắm. Năm nào Châu cũng thấy thầy cô chọn hát với múa không hà.

Phương Thảo nhắc lại lần thứ một ngàn lẻ một:

- Không kịch cọt gì hết.

- Trời ạ. – Tôi nói. – Thảo tham gia tiết mục kịch này với Nhi đi, trang phục cho Thảo chọn hết đó.

Phương Thảo quay ngoắt một trăm tám mươi độ:

- Tới luôn. Nhi viết kịch bản đi.

Cái muỗng trong tay Liên Châu rơi xuống bàn, còn Trịnh Giang thì quên luôn cả chớp mắt, duy chỉ có mỹ nhân vẫn mỉm cười từ đầu tới cuối.

Dựa vào một cảnh đã sẵn có của Romeo và Juliet để viết thành một kịch bản cho riêng mình không phải là việc quá khó, thêm tâm trạng phấn chấn, tôi cầm bút viết một hơi. Viết xong thì quá nửa đêm, không đọc lại, chỉ kịp nhét cả mớ giấy vào cặp, là lao lên giường, thăng thẳng một giấc. Rất thanh thản.

Sáng hôm sau trong giờ sinh hoạt lớp, nghe Thu Vân báo diễn biến lớp trong tuần, đang vui vẻ nên cô chủ nhiệm cũng có nhã ý muốn coi vở kịch của tôi ra sao, bèn nói tôi mang kịch bản lên cho cô đọc trước. Chỉ mới đọc trang đầu, cô đã trợn mắt lắc đầu quầy quậy.

- Không, tuyệt đối không.

Thêm hai trang nữa, cô xếp mớ giấy của tôi qua một bên.

- Không được. Em viết lại một kịch bản khác đi.

Tôi phản đối liền.

- Tại sao không dùng kịch bản của em, thưa cô? Đó là một kịch bản hay.

- Cô không phủ nhận nó hay. – Cô chủ nhiệm trả lời từ tốn. – Nhưng có phải em vừa bị thất tình không Hạ Nhi? Cô thấy em có cái nhìn quá sức tiêu cực về tình yêu. Bất kỳ ai đã đọc Romeo và Juliet đều biết rằng, vở kịch ca ngợi tình yêu, chứ không nói chính tình yêu đã giết chết đôi tình nhân trẻ tuổi, tuy rằng, đúng là họ đã chết vì tình yêu. Em hiểu chứ Nhi, hai câu đó mang ý nghĩa hoàn toàn khác nhau.

Tôi không hiểu cô nói gì cả, mà cũng chẳng cần phải hiểu. Vở kịch của tôi rất hay, dựa trên ý tưởng, một tên nhóc học sinh thời hiện đại lang thang trong viện bảo tàng, vô tình gọi được hồn ma của Romeo lên. Hồn ma của Romeo là một hồn ma tốt, đã đưa ra lời khuyên với tên nhóc là đừng bao giờ yêu, vì tình yêu chính là nguyên nhân của tất cả mọi tội ác xấu xa. Tình yêu chính là một liều thuốc độc, không có thuốc giải, dính vô, dù chỉ là một chút thôi, cũng đủ mất mạng. Tôi đã rất hy vọng Phan Anh xem được vở kịch này, nên tôi phải bảo vệ vở kịch của mình tới cùng.

- Thưa cô, em nghĩ là đã tới lúc cần có một sự độc đáo để phá vỡ những định kiến bấy lâu nay, chúng ta nên đưa vào vở kịch cũ một sức sống mới, một hơi thở mới của thế hệ trẻ… chúng ta cần định hướng cho tương lai, chứ không phải là để quá khứ định hướng cho chúng ta ngày hôm nay.

Tiếc là dù lý lẽ của tôi có sức thuyết phục tới thế nào, cũng không thể giữ vững trước sự tấn công quá mạnh của cô chủ nhiệm.

- Cô làm giáo viên hai mươi năm, và cô tin là cô có kiến thức nhiều hơn em một chút.

Biết là có nói nữa cũng không ăn thua, tôi đành thức thời đầu hàng vô điều kiện.

- Em sẽ viết lại, thưa cô.

Với tâm trạng của một kẻ mang trong mình nỗi giận dữ thua cuộc, tôi đã viết nên một vở kịch tệ hại kinh khủng, tệ tới mức, khi cô chủ nhiệm muốn đưa mỹ nhân vào vai Juliet, tôi đã phản đối kịch liệt, hoặc là người khác, hoặc là không kịch cọt gì hết.

Cuối cùng, Phương Thảo vì khát vọng được trình diễn bộ sưu tập Thu – Đông quá lớn lao đã tự giơ tay đề cử mình vào vai nữ chính.

- Chán chết đi được. – Tôi nói với mỹ nhân khi ngồi ở dưới làm khán giả cho buổi duyệt văn nghệ. – Nếu không phải vì đống quần áo của Phương Thảo, Nhi thà ở nhà đọc danh bạ điện thoại còn hơn.

Mỹ nhân quay lại nhìn tôi ngạc nhiên:

- Vở kịch cũng dễ thương mà Nhi.

Tôi hừ mũi, không nói gì. Không thể chấp nhận nổi cái suy nghĩ của thời đại này, ai lại cho phép lũ học trò mới nứt mắt ra đã tập tành yêu đương cơ chứ. Lại còn cái cảnh kết sặc mùi thuốc ho cho trẻ em.

Mẹ của Romeo nói: Tình yêu ở tuổi các con rất đẹp, các con hãy giữ gìn như giữ gìn con ngươi trong mắt, đừng để bất kỳ hạt bụi nào bám vào. Chúng ta vì các con, sẽ dẹp bỏ mọi oán thù, để cùng nhau quan tâm và chăm sóc các con thật tốt

Romeo nói: Cảm ơn mẹ. (quay sang Juliet)Tụi mình sẽ cùng nhau học hành thật chăm chỉ để thi đậu Đại học, và rồi sẽ được ở bên nhau mãi mãi nhé!

Juliet nói: Đồng ý (nắm tay Romeo – nhạc lên).

Thật là điên!

May mắn cho tôi là thầy ổ tệ nạn có cùng suy nghĩ với tôi, nên dù vở kịch được cô giáo chủ nhiệm lớp tôi khen ngợi liệt nhiệt, vẫn không được lọt vào vòng chung kết. Thế là tôi không phải xem vở kịch kinh hoàng đó thêm bất cứ một lần nào nữa. Ơn trời.

Phương Thảo chẳng hề chú ý tới việc vở kịch thất bại thảm hại, suốt mấy tuần sau đó, câu duy nhất mà nàng quan tâm chỉ là:

- Mọi người coi mấy bộ phục trang hồi hôm được trình diễn trong vở kịch có ấn tượng không? Thảo thiết kế theo phong cách của thời Phục Hưng đó.


/37

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status