Anh Chàng Bé Con

Chương 23

/28


Công cuộc cưa cẩm Hoa Ngọc Linh của tôi không giới hạn trong học đàn, nấu ăn hay chuyện khó nói liên quan tới nhà vệ sinh. Năm ba đại học, Linh ngày càng trưởng thành, còn tôi cứ chạy theo sự trưởng thành của em trong một hành trình dai dẳng chẳng có hồi kết. Ngần ấy thời gian là vô số chuyện hài hước khác mà mỗi dịp nhậu nhẹt với mấy thằng bạn, khi đã ngà ngà say, tôi lại kể cho chúng nó nghe. Nhưng ở đây, tại quán café này, tôi không kể nữa bởi với Linh, những câu chuyện ấy quá dài dòng và nhảm nhí. Vả lại, phương châm sống của tôi là “không nên để phụ nữ biết tất cả”, he he!

-Thế hóa ra hôm ấy không phải là Tùng say à? – Linh cười nắc nẻ, em chẳng ngờ câu chuyện của nhiều năm trước có nội tình “bốc mùi” như vậy – Chơi liều thế? Không sợ hy sinh giữa đường à?

-Thà vậy còn hơn! – Tôi nói – Chứ vào nhà Linh giải quyết thì giờ không có chuyện ngồi đây tán phét đâu!

Linh ôm miệng cười, gương mặt đỏ lựng. Mỗi lần em biểu hiện như thế, bạn biết đấy, lòng tôi lại tiếc nuối. Tiếc vì gò má hồng kia chưa từng thuộc về mình, tiếc vì sau buổi café này, sẽ rất lâu nữa tôi mới lại thấy nụ cười của em. Sự tiếc nuối chỉ như sợi chỉ mong manh buông xuống tâm trí tôi, nhưng lại là một sợi chỉ kéo dài trong nhiều năm liền và không hề bị đứt. Phải, sau ngày ra trường, kiếm việc, làm việc, tôi vẫn không thể quên cô gái mà mình từng theo đuổi. Bạn có thể gọi tôi là thằng bi lụy và tôi không phản đối. Nhưng khi bạn đặt cược tâm hồn mình vào một sự vật, sự việc mà kết quả không được như ý muốn, cảm giác thất bại cứ đeo bám bạn mãi. Nhất là với thằng hiếu thắng trong mọi vấn đề như tôi, nó lại càng khó quên.

-Nhưng Tùng ghét mình không phải vì mấy chuyện ấy chứ? Chắc phải có lý do khác!

Tôi gật gù xác nhận em nói đúng. Phải, mấy chuyện hài hước kể trên chỉ là một cốc café nâu – có đầy đủ vị đắng pha lẫn vị ngọt của sữa. Người ta có thể uống cốc nâu vào mọi mùa, mọi thời tiết và mọi tâm trạng. Nhưng một ly café đen chỉ toàn nỗi buồn lại khác. Với tôi, vị đắng ngắt của nó hoàn toàn lệch pha với trời chiều trở nắng đẹp, với tâm trạng phơi phới niềm vui hay một buổi trò chuyện cùng người quen cũ mà đã lâu chưa gặp. Không, tôi sẽ không kể chuyện buồn, không nhấm nháp vị café đen, dù cho Linh thúc ép tôi thế nào đi chăng nữa.

Thấy tôi không trả lời, Linh cũng im lặng, nhưng nó không có nghĩa là em đã ngừng hỏi. Một cách âm thầm và lặng lẽ, em dẫn dụ tôi bằng một câu hỏi khác:

-Dạo này Tùng còn vẽ nữa không?

-Vẫn! – Tôi đáp.

-Đi làm thế mà còn dư thời gian vẽ? Không mệt à?

-Ờ thì cũng mệt lắm. Nhưng mỗi tối cố một tí, ngủ ít hơn một tí, có gì café bù lại.

Linh mỉm cười:

-Làm thế hại người lắm. Tùng coi mặt mình xem, già khoặm ra kìa!

Nghe em nói, tôi liền quay ra nhìn cửa kính của hàng café. Kính tuy không phải gương nhưng cũng hiện ra một phần gương mặt tôi. Đọc báo tôi thấy đủ thể loại phân tích cái giá của đam mê, nào bạn trả giá thế nọ, nào bạn trả giá thế chai. Đại khái là ông tác giả nào cũng vẽ ra mấy thứ to tát khoa trương, như thể sắp sánh vai với cuốn sách “Cổ Học Tinh Hoa” không chừng. Nhưng rốt cục thì chẳng thằng cha nào đề cập khuôn mặt của thằng theo đuổi đam mê ra làm sao. Mặt tôi đây: gầy gò, hốc hác, đôi mắt thâm sì và… tóc bạc. Bạn đừng vội lẩm bẩm “Đan Mạch thằng chém gió, mới hai mươi ba xuân xanh, bạc cái đầu thầy mày à?”. Là thật đấy! Đầu tôi rất lắm tóc bạc, có những sợi trắng như cước, những sợi nửa đen nửa trắng – hậu quả của thức khuya quá nhiều. Mỗi dịp ngứa tay, mẹ lại đè đầu tôi xuống sinh ra cảnh dở khóc dở cười “mẹ nhổ tóc cho con”. May là trước khi tới đây, tôi đã cạo râu nên bộ mặt đã bớt thảm hại đi nhiều. Ở thời buổi coi trọng hình thức này, với cái dung nhan này, tôi đi xin việc khó, tán gái cũng khó nốt.

-Đành chịu thôi. – Tôi cười – Nhưng sao Linh lại hỏi thế?

Linh trả lời:

-Dạo này mình có xem lại tranh của Tùng. Tranh đoạt giải ấy! Ngày trước, mình sợ mấy bức tranh ấy lắm! Giờ lại thấy nó đẹp.

Tôi xin phép cắt ngang để giải thích một chút. Hồi đại học, tôi tham gia cuộc thi vẽ hai lần, lần thứ nhất thì các bạn biết rồi, còn lần thứ hai diễn ra vào năm tư. Bức tranh mà Linh đang nói là tranh tham gia cuộc thi lần hai.

-Mỗi tuổi cảm nhận khác nhau nhỉ? – Linh tiếp lời – Nhưng mình nhớ Tùng không hay vẽ như thế, đúng không? Tại sao bức tranh ấy khác vậy?

Tôi gãi tóc cười gượng. Cười không phải vì em hỏi hay, mà bởi em toàn hỏi khó. Suốt bữa café này, tôi chẳng nhớ mình đã bao lần điêu đứng trước những câu hỏi khó của em nữa. Và chẳng đợi tôi mở miệng, em đã nói:

-Lúc ấy, Tùng ghét mình lắm, đúng không?

Khi vẽ, tôi thường đưa cảm xúc hiện tại vào bức tranh. Nếu cảm xúc chưa đủ hoặc chưa được như ý muốn, tôi sẽ nghe nhạc. Nhưng có thời điểm ngay cả rock metal cũng không thể giúp tôi thoát khỏi vũng bùn do chính mình tạo ra. Bức tranh tham dự cuộc thi lần hai… phải, tôi đã vẽ nó trong sự căm ghét lẫn thất vọng. Mà nguyên nhân không phải ai khác ngoài Hoa Ngọc Linh. Sau một hồi suy nghĩ, tôi thành thực trả lời:

-Ờ, có, có ghét.

Linh chun mũi cười:

-Nhưng đấy là tại Tùng trước, đâu phải lỗi của riêng mình?

-Nắm tay cũng được coi là tội lỗi à? Nó đâu khác hồi lớp 7 chứ?

Linh nhướn mắt, đầu khẽ đung đưa, hai tay đan vào nhau và vòng qua đầu gối. Em đang nhớ những câu chuyện thời tuổi trẻ và đánh giá cẩn thận bằng lý trí của tuổi trưởng thành. Ngẫm ngợi hồi lâu, em nói:

-Khác nhiều chứ! Lớp 7 là trẻ con, còn lên đại học là người lớn, đâu thể như ngày xưa được?

Tôi công nhận em nói đúng. Nhưng sự đúng đắn của em khiến tôi chạnh lòng. Tôi thở phù phù:

-Nhưng Linh đâu có cho mình cơ hội?

Linh mỉm cười. Em chống cằm, hướng đôi mắt ưu tư ra ngoài cửa kính. Tôi cảm giác em không ngắm nghía dòng xe cộ đông đúc giờ tan tầm, hay quan tâm màu tím nhợt nhạt của đêm tối đang chậm chạp bao phủ bầu trời. Nhưng chỉ là cảm giác của tôi thôi, em nghĩ gì có trời biết!

Cốc café của Linh đã gần hết và chỉ còn một ngụm nữa là xong. Em không như tôi – một gã nghiện café có thể uống hai cốc và cũng chẳng còn nhiều thời gian để tán chuyện nữa. Song em nấn ná chưa uống vội mà hỏi:

-Nếu bây giờ mình nói là “có cơ hội đấy” thì Tùng nghĩ sao?

Giọng em nhỏ, đôi mắt em nhìn đi nơi khác như cố ra vẻ mình buột miệng nói bâng quơ. Nhưng tôi biết em nói nhỏ vì sợ ai đó nghe thấy, đôi mắt em thi thoảng lại liếc sang rồi lập tức đảo về vị trí cũ. Linh là người giỏi che giấu cảm xúc. Nếu không phải làm bạn với em từ trước và để ý những tiểu tiết nọ, tôi sẽ nghĩ em đang nói đùa. Tôi im lặng và cố gắng tìm kiếm câu trả lời thích hợp.

Nếu có cơ hội, liệu bạn sẽ cố gắng với tay đến một thứ mà trước đây bạn không thể sở hữu nó?

Nếu có cơ hội, liệu bạn sẽ đến với người mà trước đây không thuộc về mình?

*

* *

Sau vụ ăn sinh nhật đáng nhớ, tôi từ chối mọi lời mời ăn chơi của gã Khủng, đồng thời hạn chế ăn lẩu ở ngoài hàng quán. Khổ nỗi tay Khủng thì cứ nghĩ tôi ngại tiếp xúc với gã. Tính gã lại sồn sồn, có gì trong bụng phọt ra đằng miệng hết nên mỗi lần đi café, gã băm bổ vào mặt tôi không thương tiếc:

-Chú xem thế nào chứ mỗi lần anh gọi, chú lại tránh mặt là sao? Chú không ưa cái gì thì nói thẳng ra xem nào?

Mỗi lần bị gã truy vấn, tôi chỉ cười xòa và ậm ừ viện cớ nọ lý do kia, tuyệt đối không hở ra một tí gì về sự vụ hôm ăn lẩu. Tôi và gã Khủng chỉ là bạn xã giao, mà trong quan hệ bạn bè xã giao chẳng có chỗ cho bí mật hoặc những chuyện khó nói. Phiền phức ở chỗ gã có tính ham vui, hễ có vụ ăn chơi gì là gọi bạn bè tứ phương, trong số đó có tôi. Mãi khi chia tay nàng Oắt vì mấy cú giận dỗi nhảm nhí (với thằng FA như tôi thì chúng là nhảm nhí), gã Khủng mới thôi réo tôi. Nghe đâu sau hôm chia tay khoảng ba ngày, gã trốn trong phòng khóc lóc rên rỉ từ sáng đến tối rồi lại gọi mấy thằng bạn sang nhậu cho quên sầu, một thùng Heiniken nguyên tối ấy hết nhẵn. Thất tình mà! Dù vậy, về cơ bản, Khủng là người tốt, thế nên tôi cũng thắp hương… à nhầm, nâng ly thông cảm giùm gã. Cơ mà tưởng tượng cảnh một thanh niên tập gym to cao cơ bắp nằm trên giường, mặt úp xuống gối khóc lóc vật vã, mồm gào lên “Anh yêu em, Oắt ơi!”, tôi lại thấy hài hước nhiều hơn.

Trở lại chuyện của tôi, từ sau vụ sinh nhật gã Khủng, tôi và Linh gần như không gặp nhau thêm lần nào. Ngay cả trên facebook, chúng tôi cũng hạn chế nói chuyện, thi thoảng lắm mới hỏi thăm nhau vài câu. Sang năm ba, việc học của tôi nặng hơn nên thời gian cho chuyện tán gái lẫn vẽ vời bị rút xuống. Ngoài mấy môn chuyên ngành cực kỳ khó nhằn như Kế Toán hay Đầu Tư Tài Chính, sinh viên phải học thêm môn Triết. Với các bạn chưa học đại học thì tôi có thể mô tả món này như môn Văn thời học sinh: thú vị khi tự mình tìm hiểu và trở nên nhàm chán khi có giáo viên cùng barem “chỉ dẫn”. Thiệt tình, tôi nghĩ nó chỉ nên là môn tự chọn, như thế sẽ tốt hơn là gò ép sinh viên, để chúng nó phải xé sách rồi dấm dúi mang vào phòng thi. Và để sau khi tốt nghiệp, chúng nó sẵn sàng phi cuốn Triết Học cho đồng nát hoặc tệ hơn, xé cuốn sách banh ta lông như một cách trả thù. Suy cho cùng, bao nhiêu năm cải cách của “người ta” rốt cục chỉ giải quyết khâu oai – tức là bề ngoài, chứ bên trong vẫn bài ca cũ “bánh mì Sài Gòn đặc ruột thơm bơ hai nghìn một ổ, ăn vào tắc cổ chết luôn”.

Nhắc chuyện học hành thời sinh viên, không gì đáng nhớ bằng chuyện đồ án. Lụt – một từ quá đỗi quen thuộc với sinh viên. Nó vừa là tính từ, danh từ, động từ và cũng là tiêu đề phổ quát nhất để mô tả về đồ án. Thời gian cho đồ án không hề ít, nhưng chẳng đứa nào chịu làm ngay mà toàn đợi gần hạn nộp (deadline) mới chịu mó vào. “Lụt”, “Đang lụt”, “Lụt nặng”, mỗi dịp deadline tới gần, dân tình lại treo nó lên khắp Yahoo! và Facebook. Treo như vậy có nghĩa là “tao đang học hành chăm chỉ, không thể đi chơi”, hoặc cũng có nghĩa “tao sẽ đi chơi, nếu thằng nào ném cho tao cái đồ án hoặc làm hộ tao”. Tôi nghiêng về cái vế thứ hai nhiều hơn.

Nhưng tiết mục khốn nạn nhất là làm đồ án nhóm. So với chuyện mất nước mất điện giữa mùa hè, món này gây ức chế gấp tỉ lần. Một cách mỹ miều, đồ án nhóm được mô tả là nâng cao kỹ năng hoạt động nhóm, nâng cao khả năng giải quyết tình huống, bla bla bla… Đại khái nó giống chơi game, ba bốn thằng cùng chơi, cùng phối hợp, cùng đi tới chiến thắng. Nhưng học khác game. Trong game, thằng nào cũng cố hết sức để làm bố đời nhưng lại chẳng đem tinh thần ấy vào chuyện học. Bốn thằng làm chung đồ án, bất luận thế nào cũng lòi ra một đứa lười chảy thây, phó mặc tất cả cho lũ bạn và chỉ xuất hiện hôm thuyết trình đồ án. Hai thằng còn lại hên xui, hoặc làm quýnh quáng cho xong nghĩa vụ, hoặc theo chân thằng lười kia. Còn một đứa cuối cùng, chính là tôi đây, phải gánh cho chúng nó. Tuy chẳng chăm chỉ gì cho cam, nhưng tôi không muốn ra trường với học bạ toàn điểm trung bình và yếu. Khốn khổ thay, mỗi lần xếp nhóm, giáo viên thường ném tôi vào một đám toàn thằng tổ tiên con lười, con lười còn chăm hơn chúng nó! Khắm một cái là tôi không chửi được vì mặt chúng nó dày hơn bê tông cốt thép, nên ức chế càng thêm ức chế. Điểm môn Đầu Tư Tài Chính của tôi bết bát là do mấy thằng lười kể trên. Lý do hợp tác xã sụp đổ là đây này, khỏi ví dụ đâu xa! Ơn trời, về sau giảng viên cho phép sinh viên tự tìm bạn làm cùng nên tình hình khả quan hơn. Tôi được dịp thoát khỏi đám tổ tiên loài lười. Tôi không cần đứa bạn thông minh giỏi giang, chỉ cần một thằng có trách nhiệm.

Về phần Linh, em cũng bận rộn với việc học hành lẫn yêu đương. Em chẳng đi làm thêm nhưng lại kiếm được tiền nhờ học bổng của trường. Cứ tằng tằng hai tháng một lần, trường lại thưởng em vài trăm nghìn vì thành tích học tập tốt. Thế là em có tiền đi chơi và tiêu vặt. Vừa yêu đương, vừa học tập tốt, con bà nó Xuka phiên bản Việt Nam à? – Tôi tự nhủ. Không phải tôi thần thánh hóa Hoa Ngọc Linh, mà vì mỗi con người chúng ta đều có tài năng riêng. Xung quanh chúng ta vẫn xuất hiện những thằng bạn hay chơi điện tử song học vẫn giỏi, Linh là một kiểu như thế. Em cân bằng được cả chuyện học tập lẫn yêu đương. Những bức ảnh đi phượt của em cùng chàng người yêu vẫn được up đều lên facebook, tay Trung trí thức kia vẫn phang vào mặt tôi hàng chục chiếc bánh GATO. Thằng cha ném nhiều đến mức tôi dần quen vị bánh GATO và bắt đầu thấy ngán. Linh đã có người yêu, tôi chấp nhận điều đó và… rút lui. Giống hồi cấp hai, khi Linh cặp với thằng Gà, tôi cũng không can dự. Trái tim em đậu ở cành nào, tôi không rung cành đấy, chỉ đợi khi trái tim ấy bay đi, tôi mới đuổi theo. Đó là cách sống, cách nghĩ của tôi.

Nhưng sự im lặng giữa tôi và Linh không kéo dài mãi. Khoảng cuối tháng ba, em chủ động bắt chuyện nhiều hơn. Mỗi tối, thay vì vẽ và làm đồ án (đợt ấy nhiều đồ án tát vào mặt nhiều như mẹ tát con), tôi phải nghe Linh tâm sự. Em kể lể chuyện con gái phức tạp, học hành khó khăn, sau rốt lại quành về gã người yêu – chủ đề này chiếm thời lượng phát sóng nhiều nhất. Ru ngủ đàn ông rất dễ, phụ nữ chỉ cần làm một trong hai việc: dẫn thằng đó đi mua sắm hoặc kể chuyện cho nó nghe. Tôi yêu Linh, song nghe em kể lể, tôi phát nản. Tôi đâu thích nghe chuyến đi phượt của em với người yêu hay chuyện thằng cha đó nấu ăn dở tệ?! Hay em cũng có thú vui phân phát bánh GATO giống gã người yêu em? Bi hài là tôi không thể trả lời qua loa chiếu lệ, làm thế em sẽ biết ngay.

“Tuần trước mình với ông Trung đi ăn cùng hội bạn của ông ý

Ông ấy hễ rượu vào là nói nhiều lắm ý >.<

Mà lại uống nhiều nữa chứ

Hôm vừa rồi mình có nhắc

Ông ấy chẳng chịu nghe, cứ bảo “đàn ông phải thế”

Thế là cãi nhau

Chán lắm

Chẳng lẽ chia tay?”.


Thời cơ là đây! Đổ dầu vào lửa đi mày! Khích đểu mạnh lên! – Con quỷ trong người tôi thì thầm bên tai. Thực tình, nhìn mấy bức ảnh trên facebook của Linh, thấy gã Trung trí thức cười toe toét hớn hở, tôi lại lộn ruột. Nhưng nghĩ quanh nghĩ quẩn chán chê, tôi trả lời (trong sự buồn ngủ):

“Cứ từ từ xem nào

Đàn ông rượu chè là bình thường

Cứ từ từ khuyên bảo

Rồi hắn sẽ từ từ khắc phục

Dọa nó là nếu không bỏ thì cấm vận

Cho vui chơi với hai tay suốt đời luôn

Nó nghe ngay >:)”.

“Nói năng nham nhở thế à? Muốn ăn tát hả? ><

Nhưng mà lão Trung bảo thủ lắm

Nói kiểu gì bây giờ?

Ai chả biết đàn ông là uống?

Nhưng uống vừa vừa thôi chứ

Uống lắm nói nhiều, đau đầu lắm TT

…”.


Linh nói dài, đại khái gã người yêu của em hễ uống rượu là lắm lời và làm em đau đầu. Còn tôi díp cả mắt với màn kể lể của em. Sau cùng, để ngăn em nói thêm và có thời gian làm đồ án, tôi bèn chốt hạ:

“Nói nhẹ nhàng thôi là nó nghe

Cứ lựa lời là được

He he

Cứ rót mật vào tai nó là nó phải nghe

Đừng quên cấm vận! >:)”.

“Đánh đấy, không đùa đâu! ><”.


Vậy đó, tôi vừa đóng vai ông tổ trưởng tổ hòa giải dân phố. Bạn có thể gọi tôi là thằng rởm đời hoặc bốc phét, tùy cách nghĩ của bạn. Tôi cũng tự nhận mình không phải loại người cao thượng, chỉ là tôi không muốn Linh khó nghĩ. Tôi không muốn thấy em buồn, đơn giản vậy thôi. Vả lại nếu dùng thủ đoạn chiếm đoạt một thứ, nó sẽ bị người khác chiếm lại bằng chính thủ đoạn ấy. – Tôi tin là vậy.

Dù thế, quan hệ giữa Linh và gã Trung trí thức ngày một xấu. Tôi nghe nói anh ta đã bỏ cái tật rượu vô lắm lời, nhưng chẳng rõ tại sao hai người lại chia tay. Quan hệ đôi lứa rất phức tạp và dĩ nhiên thằng FA như tôi không thể hiểu. Mãi sau này, Linh mới kể cho tôi nghe là khúc mắc chuyện cưới xin. Phụ nữ là vậy. Họ quan tâm bạn, muốn sửa đổi bạn, nhưng không có nghĩa họ muốn sống trọn đời với bạn. Bởi đó là sự độc đoán đặc trưng của nữ giới. He he!

Tới khoảng tháng 4, lúc vào facebook, tôi nhận ra phần relationship (quan hệ) của Linh đã chuyển sang single (độc thân), trên tường cũng ghi mấy câu status kiểu buồn chán rồi vài đứa bạn nhảy vào an ủi. Tôi bèn chat với em ngay:

“Sao thế

Cô với lão Trung lại làm sao rồi?”

“Chia tay rồi”.

“Hả?

Sao lại chia tay?”

“Không hợp thì chia tay thôi :)”


Ở thời điểm ấy, em không muốn nói rõ ràng. Tôi cũng chẳng căn vặn thêm, chỉ đề nghị:

“Mai café không?”

“Ừ, đèo mình nhé?”


Thấy em và Trung chia tay, tôi khá… mừng. Nghe hơi khốn nạn, nhưng thật. Gần một năm ăn bánh GATO, tôi không mừng mới lạ. Tuy nhiên, vì đã học được bài hoang tưởng trong yêu đương nên tôi không vội vã hay hy vọng nhiều. Thời nay người ta nói chia tay rồi quay lại với nhau dễ như trở bàn tay. Vả lại, đây là tình đầu của Linh, chia tay xong hẳn em không buồn phiền cũng hụt hẫng. Nên chờ thêm thời gian nữa, tốt hơn. – Tôi nghĩ.

Tôi đã suy tính đúng. Linh mất khoảng một tháng để cân bằng lại cuộc sống. Vì chuyện tình cảm, thành tích học tập của em sa sút và đó là lần đầu tiên em mất học bổng. Nhưng em kiên quyết không quay lại với anh chàng Trung trí thức nọ dù anh ta đã năn nỉ (tôi nghe được chuyện này từ nàng Oắt). Điều này làm tôi vừa vui lại vừa sợ. Vui vì em đã dứt tình cũ, sợ vì tính cách của em. Khi đặt dấu chấm cho một mối quan hệ, Linh sẽ không níu kéo hay nghĩ về nó thêm lần nữa. Dấu chấm của em là chấm hết chứ không phải ba chấm hay chấm phẩy. Tôi đã nghĩ chuyện tỏ tình, nhưng nghĩ đến tính khí của em, tôi lại chùn bước.

Tôi có đem chuyện này kể cho thằng Choác và thằng Xoạch. Lần này chúng nó không lên kế hoạch nọ chiến lược kia nữa mà bảo tôi tấn công ngay. Thằng Xoạch nói:

-Hậy! Chú cứ đánh cho anh! Không phải xoắn, anh sẽ ở nhà lập đàn cầu may giùm chú!

-Rủ nó đi chơi đâu đấy rồi nói. – Thằng Choác động viên – Chờ đợi đủ rồi, ông ạ! Bọn tôi cũng rách ruột với ông lắm!

Tôi thấy vui vì có hai thằng bạn khua chiêng gõ mõ cổ vũ. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy lo lắng. Trong mắt Linh, tôi là bạn. Khi một đứa bạn tỏ tình, em sẽ phản ứng ra sao? Tôi đem chuyện này kể cho thằng Choác, nó tặc lưỡi:

-Thì trước khi tao với mày yêu nhau, chúng ta đều là bạn, đúng không? Hồ hồ! Ối! Đừng bóp cổ tao! Ặc… mày nghĩ thoang thoáng đi. Tỏ tình được thì được, không được thì thôi, sao mày lăn tăn mãi thế? Ông hiếu thắng quá ông ạ! Không được nó thì bọn tao giới thiệu cho mày con khác. Thiếu gì gái chứ?!

Thằng Choác nói đúng, tính hiếu thắng của tôi còn lan sang tâm tư tình cảm. Tôi không muốn mình thất bại trong lần đầu tiên mở miệng tỏ tình. Vì sợ thất bại nên tôi mới lừng khừng, kéo dài mối quan hệ với Linh suốt chín năm… không, tới thời điểm này là mười năm và những tháng đầu tiên của năm thứ mười một đã bắt đầu chạy. Thời gian quá dài và tôi phải tự vấn lại bản thân mình, tình cảm của mình.

Tôi đối với em thế nào?

Em với tôi là gì?

Mười năm đợi chờ liệu có quá dài?

Suy nghĩ rất lâu, cuối cùng tôi cũng đưa ra chính kiến. Do hiếu thắng, tôi đã kéo dài câu chuyện suốt mười năm. Nhưng vì hiếu thắng, tôi quyết không để nó dài thêm nữa. Tôi muốn nó kết thúc vào dịp hè, mùa của nắng, mùa của những chuyện tình cảm tuổi học trò. Khởi đầu từ đâu, kết thúc ở đấy là tốt nhất.

Vào một chiều chủ nhật tháng 7, tôi đi chơi cùng đám bạn của Linh. Hôm đó là sinh nhật nàng Oắt. Cô này tính dễ chiều nên tổ chức sinh nhật không nhiêu khê, chỉ đơn giản là xem phim, ăn uống rồi cà phê cà pháo là hết vị. Một điều không thể phủ nhận là từ ngày thanh niên tập gym tên Khủng biến mất, không còn cái miệng choang choáng hay phát ngôn ngô nghê của gã, những buổi vui chơi xẹp xuống hẳn. Tám đứa đi chơi thì quá nửa dán mắt vào điện thoại, mấy đứa tụm thành nhóm nhỏ kể chuyện gì có trời mới thấu. Cả tôi và Linh đều chán cảnh này nên đứng dậy về trước. Chúng tôi có điểm chung là sợ những buổi trò chuyện mà chỉ toàn những tiếng cười vô nghĩa trước màn hình điện thoại. Quan trọng hơn, có mỗi tôi với em, nói chuyện sẽ… dễ dàng hơn. Khửa khửa!

Trên đường về, tôi đi xe với tốc độ vừa phải để kéo dài thời gian. Vả lại đi chậm có cái hay của đi chậm, bởi tôi có thể ngắm nhìn gương mặt Linh qua gương chiếu hậu. Tin tôi đi, hãy lắp gương chiếu hậu vào xe máy, vừa an toàn, vừa không bị cá vàng hỏi thăm, vừa ngắm được cô gái ngồi ở yên sau, vừa đá hình các cô em xinh tươi trên đường mà không sợ lộ. Biết bao ích lợi! Quay lại chủ đề, tôi ngắm Linh, còn Linh thì cứ nói mãi về bộ phim vừa xem, quán café ban nãy và sự thất vọng của em về đám bạn chỉ biết chúi mũi vào điện thoại. Tôi chẳng quan tâm, chỉ “ờ ờ” cho có.

-Dạo này đi chơi chán quá! Mấy đứa chúng nó cứ bấm bấm cái điện thoại, bực cả mình! Có khi mình phải bảo Oắt quay lại với Khủng thôi, chứ thế này khó chịu lắm!

-Ờ, ờ…

-Mà mình thấy cái Oắt hợp với Khủng đấy chứ. Sao chúng nó chia tay được nhỉ? Này, có để ý facebook của Khủng không? Dạo này hắn hay đăng mấy cái status chán đời lắm, mặt mũi thì đầy râu ria, trông ghê chết! Lại còn up liên tục ảnh rượu bia nữa!

Tôi cứ gật gật cho qua chuyện. Oắt là một cô gái tốt, dù hơi đanh đá, nhưng thiệt tình tôi phải mời nàng ta ra chỗ khác. Giờ trong đầu tôi chỉ nghĩ đến Linh, Hoa Ngọc Linh, không ai khác! Tôi phải nói điều gì đấy với em. Phiền nỗi đường đông, xe cộ cứ dí sát nhau như thể bàn dân thiên hạ cứ hóng hớt lời tỏ tình của tôi. Mấy bố xê ra chỗ khác, để con làm việc! – Tôi bèn đi chậm hơn, canh me lúc đèn tín hiệu chuyển màu đỏ và dừng xe ở một chỗ cách xa dòng xe đông đúc. Bằng đầu óc của một thằng học văn dốt nát, tôi mở bài khá tệ hại:

-Nóng quá nhỉ!

Linh không trả lời. Đang tháng 7, trời không nóng thì chẳng lẽ có tuyết? Cơ mà lưng tôi bắt đầu nóng rực, đầu óc dần mất bình tĩnh. Tổ sư, cảm giác tỏ tình chẳng khác gì tử tù sắp bước lên dàn máy chém. Tôi hít một hơi rồi nói tiếp:

-Đầu tháng có cuộc thi vẽ, tôi đang muốn tham gia.

Cái này thì hấp dẫn hơn chuyện nắng nóng. Linh hỏi ngay:

-Thật hả? Cuộc thi ở đâu vậy?

-Ở diễn đàn tôi tham gia. Chỉ chỗ ấy mới chấp nhận những bức tranh của tôi. Giải thưởng lần này lớn lắm. Nhất 16 triệu, nhì 8 triệu, ba là 3 triệu.

-Nhiều thế? Tham gia đi! Nhưng Tùng có chắc sẽ đạt giải nhất không?

Tôi nhún vai:

-Nhiều thằng quái vật vẽ đẹp hơn tôi. Nhưng nếu được giải ba cũng không tệ.

-Cố gắng lên! Nếu được giải thì nhớ khao mình nhé! Mình dễ tính lắm, nộm bò khô hoặc miến trộn là được rồi!

Tôi lắc đầu:

-Không. Nếu có tiền, tôi sẽ dùng vào việc khác, ăn uống làm gì?

Linh xụ mặt:

-Èo! Ki bo thế! Có tiền mà không khao bạn bè à? Muốn mình trù ẻo cho hết đoạt giải không?

Tôi đáp lời:

-Vì nếu có tiền, mình sẽ tặng quà cho Linh…

Đúng lúc ấy, đèn giao thông chuyển màu xanh, hàng trăm chiếc xe rồ ga và Linh không nghe được lời tôi nói. Em nhổm người lên hỏi:

-Hả? Tùng nói gì cơ?

Thực tình, để thốt ra câu vừa rồi, tôi đã dồn toàn bộ can đảm lên thanh quản. Suốt năm cấp hai, tôi xưng mày tao chí tớ với Linh, lên đại học thì toàn gọi là “cô”, để tới bây giờ, khi đối diện em và gọi tên em, tôi lại thấy ngượng nghịu vô cùng. Giá như là tiếng Anh với đại từ nhân xưng chỉ có “I” và “you”, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Nhưng đây là tiếng Việt, là thứ ngữ pháp thể hiện thái độ người nói qua đại từ nhân xưng. Đan Mạch, rắc rối quá! – Tôi chửi thầm.

Nhưng tôi quyết không để mọi chuyện trôi đi chỉ vì tiếng ồn của xe máy như phim. Đây là cuộc sống của tôi và tôi phải tỏ tình. Đợi đến khúc đèn đỏ thứ hai, Linh hỏi tôi:

-Ban nãy Tùng nói gì đấy?

Tôi đáp lời:

-Mình nói nếu có tiền, mình sẽ tặng quà cho Linh.

Qua gương chiếu hậu, tôi có thể nhìn rõ gương mặt của Linh. Em nghe thấy lời tôi nói, em biết tôi đã thay đổi cách xưng hô. Song em chẳng tỏ vẻ ngạc nhiên hay ngượng ngùng, chỉ hỏi tiếp:

-Sao phải làm thế?

Tôi hít vào, thở ra; cuối cùng, cái cần đến đã đến. Ban đầu, tôi hơi lưỡng lự, nhưng rồi sự hiếu thắng đã thôi thúc tôi phải mở miệng:

-Nếu mình bảo là vì mình thích Linh thì sao?

Đường phố vẫn ồn ào tiếng xe máy, tiếng ô tô, nhưng tôi biết Linh đã nghe rõ câu trả lời của tôi. Bởi vì em không hỏi lại. Bởi vì em… im lặng. Trong mắt em, tôi là thằng bạn ngồi cùng bàn hồi cấp hai, một thằng chọi con ham mê điện tử hồi cấp ba, một anh chàng hay rủ em đi café hồi đại học. Và khi cái thằng đó mở miệng tỏ tình, em có cảm giác khó xử, âu cũng bình thường. Tuy nhiên, em im lặng lâu quá nên tới khúc đèn đỏ thứ ba, tôi bèn “gợi ý”:

-Mình vừa nói rồi đó.

Linh chỉ “Ừm” một tiếng, rất khẽ, như thể cơn gió thoảng qua tai tôi và rồi em lại im lặng. Thà em cười hay nói “Mày đùa bà à?” còn đỡ. Đằng này, em cứ im lặng như thể tôi đã làm em tổn thương sâu sắc. Thôi ngu rồi, nói sai chỗ nào đây? – Tôi lẩm nhẩm lại lời tỏ tình của mình, cố gắng tìm ra điểm khiếm khuyết. Trong lúc tôi còn mải phân tích chữ nghĩa, Linh chợt cười rộ:

-Thì mình cũng thích Tùng mà!

-Hả? – Tôi hỏi lại.

-Thì mình bảo mình cũng thích Tùng. Thích nhau thì mới thành bạn được, đúng không?

Cái đ…! – Tôi lẩm bẩm. Nói như em thì chẳng hóa ra tôi và thằng Choác mến thương nhau mà thành bạn bè lâu năm hả? Nghe gai cả người! Tôi liền nói:

-Không, không phải tình đồng chí kiểu đó! Mình thích Linh kiểu khác, tức là trên mức “thích” ấy!

-Tại sao lại thích? – Linh hỏi.

Câu hỏi này y hệt câu hỏi thời cấp hai. Nhưng tôi không thể trả lời như thời ấy: vì em xinh, học giỏi và nhà giàu. Tôi yêu em vì một lý do: sự tồn tại của em làm tôi biết yêu. Đơn giản vậy thôi. Tất nhiên, tôi không thể phát ngôn những gì mình nghĩ mà phải lược đi những yếu tố sến sẩm:

-Thích là thích thôi. Sao phải có lý do?

Tôi không trả lời trực tiếp nhưng thông điệp rất rõ ràng, tôi muốn làm bạn trai của Linh. Trước vấn đề này, em tỏ thái độ bằng cách tiếp tục im lặng. Tôi nôn nóng:

-Mình có cơ hội chứ?

Linh vén những sợi tóc vương trên mặt, em cười:

-Mình chưa bao giờ nghĩ chuyện đó cả.

-Không có cơ hội nào à? – Tôi thất vọng.

-Ừm… thực ra… nếu Tùng đoạt giải vẽ, mình sẽ nghĩ lại. Tùng định tặng mình cái gì đó à? Đoạt giải đi đã!

Bụng tôi như có trống đánh chiêng khua rổn rảng. Phải, tình yêu nào mà chẳng có thử thách? Nếu Linh muốn tôi chứng tỏ tài năng của mình xứng đáng với em, tôi sẽ làm. Tôi không biết chơi đàn, nấu ăn hơi kém, nhưng vẽ thì được. SOng để chắc chắn, tôi hỏi em thêm lần nữa:

-Thật hả? Sẽ nghĩ lại thật hả?

-Ừm, mình sẽ nghĩ lại. – Linh gật đầu.

Khỏi phải nói lúc đó tôi vui sướng cỡ nào. Niềm vui đỗ đại học còn khướt mới sánh được với niềm vui này. Cuối cùng, sau ngần ấy năm, Linh đã cho cơ hội. Và dĩ nhiên, tôi sẽ không để nó vuột khỏi tầm tay. Vẽ ư? Không chỉ là giải ba, không chỉ có mỗi 3 triệu! Phải hơn thế! – Tôi tự nhủ.

Ngay tối hôm ấy, tôi lao đầu vào vẽ, dồn toàn tâm toàn sức cho cuộc thi. Những bức tranh phác thảo đầu tiên lần lượt ra đời. Chúng không khác gì so với đám tranh mà tôi từng vẽ. Nhưng tôi cảm thấy không hài lòng. “Không khác gì” nghĩa là tôi chưa cố gắng, chưa tiến bộ được chút nào. Tôi vò nhàu những bản vẽ phác thảo, đọc thêm sách tham khảo và cố gắng học hỏi những bức vẽ trên mạng. Nếu chỉ vẽ như hiện tại, tôi không thể giành giải ba chứ đừng mơ giải nhất. Nói thêm một chút về cuộc thi. Diễn đàn tôi tham gia là diễn đàn lớn, rất nhiều người truy cập và có nhiều nhà tài trợ, thế nên khi họ tổ chức cuộc thi, giải thưởng không hề nhỏ. 16 triệu, một con số vừa đủ để thu hút mọi gã đang hoạt động cả trong lẫn ngoài diễn đàn. Tuy chỉ là cuộc thi cho dân không chuyên, nhưng trong đám không chuyên này có hàng tá con quái vật sở hữu trình độ hơn cả dân mỹ thuật chính cống. Không có chuyện nhường nhịn trong cuộc đua tới giải thưởng 16 triệu. Ba tháng là thời hạn; chiến đấu và chiến thắng, đó là tất cả.

“Thế giới của bạn” – chủ đề cuộc thi là thế. Ít nhất, nó cũng không mông lung như chủ đề của lần thi thứ nhất. Sẽ là fantasy – sở trường của tôi, nhưng làm sao để fantasy thể hiện được tâm hồn mình? Nhưng làm sao mà khi người khác nhìn vào, họ sẽ hình dung ra thế giới trong tư tưởng của tác giả? Nói tới đây, tôi mới thấy… khó. Có những độ tuổi, có những thời điểm mà chỉ khi đó, người ta mới nhìn thấy chính mình. Tôi còn quá trẻ để vẽ được một thứ như thế.

Song tôi không nản. Suốt mùa hè, tôi dành phần lớn thời gian bên máy tính, bút vẽ và giấy. Những bữa cơm trở thành gánh nặng vì tôi cảm thấy chúng quá mất thời gian. Lắm lúc mẹ chửi tôi như tát nước vì tội bỏ bữa song tôi mặc. Những buổi café cũng được hạn chế bởi khi ấy, tôi không chia sẻ ý tưởng cho ai, kể cả bạn bè như thằng Choác (một sai lầm). Ngay cả với Linh, tôi cũng không rủ em đi café nữa. Tôi muốn có giải thưởng, muốn có một dấu mốc đáng nhớ cho cuộc đời và hơn tất cả, để chứng tỏ với Linh rằng tôi có thể thực hiện lời hứa của mình. Dù vẽ chưa đâu vào đâu nhưng tôi bắt đầu mơ tặng em cái nọ cái kia. Thỉnh thoảng, khi quá mệt và không thể vẽ tiếp, tôi lại chat với em:

“Đang bí quá

Năm nay cái đề khoai vãi

Mình vẽ nhiều lắm rồi

Nhưng chưa ưng ý bức nào cả”


Tôi nói với em khá nhiều. Vẽ được cũng nói, vẽ chưa được cũng nói. Mỗi lần như thế, Linh đều động viên:

“Ừ, cố gắng nhé ^^”

Và tôi không hề biết rằng đó là một dấu hiệu.

Cho đến giữa tháng 9, tức là năm tư đại học, khi mà dư âm mùa mưa chưa kết thúc, tôi đã hoàn thành tác phẩm của mình. Bức tranh đó là câu chuyện tiếp nối của bức tranh ở lần dự thi đầu tiên. Phía sau cầu thang đá dẫn lên bầu trời là thiên đường thực sự dành cho cô bé và cậu bé nọ. Tôi không thể tả bức tranh chi tiết bằng chữ nghĩa vì nó quá dài, nhưng đại thể, nó là tập hợp từ hàng trăm bản vẽ khác nhau. Có những bức do tôi nghĩ ra, có những bức vay mượn ý tưởng; tôi tập hợp chúng lại, chỉnh sửa từng chi tiết một và tạo nên thế giới fantasy của riêng tôi, của những điều mà trí tưởng tượng thời thơ bé từng mơ ước. Ngay khi hoàn thành nó, tôi gọi ngay cho Linh. Tôi muốn em là người đầu tiên chiêm ngưỡng bức tranh. Tôi không nghĩ em sẽ thích nó hoàn toàn, nhưng chắc chắn có ấn tượng. Tôi tin vậy.

Phải, tôi đã tin như vậy.

Cho đến khi tôi vào facebook, vốn chỉ định gọi Linh chat cùng. Nhưng như một thói quen khó bỏ, tôi lại log vào facebook của em để xem status mới, ảnh mới. Và ở đó, tôi nhận ra phần relationship của em đã thay đổi từ một tuần trước. Không còn single nữa, mà là một hình trái tim hồng hồng với cái tên lạ hoắc của một thằng con trai. Phía dưới là một loạt những comment của bạn em vào chúc mừng và trêu chọc.

Suốt một tuần ấy, em chẳng nói với tôi rằng em đã có bạn trai mới.

Và suốt một tuần ấy, tôi cố gắng hết sức để hoàn thành bức tranh. Tôi không vào facebook. Tôi không biết gì cả.

Dù vậy, tôi vẫn gọi Linh:

“Café không?

Mình vẽ xong rồi

Muốn xem tranh chứ?”


Và em vẫn trả lời tự nhiên, hoàn toàn không đề cập về việc mình có bạn trai mới:

“Có chứ ^^

Vẫn quán cũ chứ gì?

Không cần đón mình đâu

Cứ ra trước đi”


Như lời em nói, tôi phóng xe ra quán café, chọn một chỗ kín đáo với cốc đen lờ lợ mà đắng ngắt. Trước lúc em đến, tâm trí tôi như cái đu quay đã cũ nát đang chuyển động chậm rãi, quay tới đâu kêu lạo xạo tới đó. Tôi mong cái relationship kia chỉ là trò đùa, bọn thanh niên hay chơi món này để tung hỏa mù câu like và comment. Rồi tôi lại nghĩ về câu trả lời của em ban nãy. Em không cần tôi đèo, vậy là gã bạn trai mới sẽ đèo Linh tới đây, xem qua loa bức tranh của tôi, khen vài câu xã giao rồi nói những chuyện chỉ em và hắn mới hiểu? Hay em lại mang tới một bất ngờ như vụ tặng mũ len hồi năm hai đại học? Hỗn loạn, đầu óc tôi chỉ có hỗn loạn.

Nhưng khi em xuất hiện ở cửa ra vào, dáng vẻ bình thường và không – đi – cùng – bạn – trai, tâm trí của tôi mới bình thường trở lại, như một nùi chỉ rối vừa được tháo gỡ. Chúng tôi bắt đầu nói chuyện học hành năm tư, chuyện công việc sau khi tốt nghiệp, số môn mà mỗi đứa còn nợ. Suốt cuộc đối thoại, tôi cứ nhóng mắt về phía cửa ra vào để chắc chắn không có gã nào bước vào và tự xưng là bạn trai của Linh. Em cũng không hề đề cập câu chuyện trên facebook, như thể tôi không quan tâm thì càng tốt.

Dông dài mãi, cuối cùng tôi cũng cho em xem bức tranh của mình. Linh nhìn nó hồi lâu rồi cười:

-Đẹp đấy chứ! Chắc phải được giải đấy!

Em cười thật tươi, và tôi thật đau. Bởi sau cái cười ấy, em cúi xuống trả lời tin nhắn và chăm chú như không muốn rời mắt khỏi màn hình điện thoại. Tôi nhớ mấy tháng trước em còn tỏ vẻ khó chịu với những đứa hay xài smartphone khi đi café, nhưng giờ em hành động như bản sao của những thứ em từng căm ghét. Cho tới khi nhận ra tôi im lặng và chẳng nói gì, em mới cất điện thoại, sau nói:

-Bạn gọi… đang có bài đồ án. Mấy hôm nay mình bận lắm…

Đồ án quái gì vào tuần đi học đầu tiên hả Linh? – Tôi cười. Em giỏi nhiều thứ, chỉ riêng nói dối là vụng về. Tôi cũng chẳng muốn mất thêm thời gian nữa, bèn hỏi em:

-Linh có người yêu mới hả?

Em gật gật như chẳng hề mong chờ câu hỏi đó của tôi:

-Ừ… ừ.

Sau câu trả lời của em, chúng tôi im lặng rất lâu. Sự im lặng này không phải nốt trầm của một bài hát vui tươi, mà là một khúc mở đầu của một bản nhạc buồn bã. Sau một hồi, tôi là người phá vỡ sự im lặng:

-Mấy tháng trước, Linh bảo nếu mình đoạt giải và mua quà, Linh sẽ nghĩ lại, đúng không? Đừng nói quên nhé?!

-Ừ, mình có nói.

-Vậy thì mình cố gắng rồi. Mình sẽ đem tranh này đi dự thi. Linh cho mình cơ hội chứ?

Linh lắc đầu cười:

-Mình chỉ nói vậy thôi.

-Hả? Nói vậy là sao? Linh hứa rồi cơ mà? – Tôi vồn vã.

-Mình đâu có hứa? Mình chỉ nói sẽ suy nghĩ chứ đâu hứa hẹn gì?

Nghe em trả lời, có cái gì đấy nứt rạn trong đầu tôi, vết nứt lan ra, lan khắp gương mặt. Dù chẳng có gương, nhưng tôi có thể hình dung ra khuôn mặt mình. Nó như một tấm gương vỡ, toác thành từng mảnh, không thể hàn gắn. Trong một nỗ lực tuyệt vọng, tôi nắm lấy tay em như đang nắm lấy những mảnh vỡ và cố gắng gắn chúng lại với nhau:

-Tại sao thế? Mình thích Linh! Mình không hề nói dối! Mình đã vẽ mà!

Linh cựa mình và cố thoát khỏi bàn tay tôi nhưng không thể vì ngay lúc này, bàn tay tôi là bàn tay của kẻ sắp chết đuối đang vớ lấy cọc. Em nói khẽ:

-Đừng làm thế, bỏ tay mình ra đi!

Rõ ràng em đang từ chối đôi tay của tôi. Em như mảnh kính vỡ sắc lạnh cào nát bàn tay tôi nhưng tôi vẫn nhất quyết không bỏ:

-Cho mình thêm cơ hội nữa? Được không? Đợi mình đoạt giải, được chứ?

Hành động của tôi lúc này chẳng khác gì con thú hoang. Linh sợ điều đó, em hét lên:

-MÌNH BẢO LÀ BỎ RA!

Trong lúc giằng tay, tay em va phải cốc café. Nó đổ trên bàn, đổ ngay xuống bức tranh của tôi. Tranh hỏng chẳng làm sao, tôi vẫn giữ bản mềm trong máy tính, in lại hàng trăm bản cũng được. Khách khứa trong quán café nhìn tôi, chẳng sao, đó là việc của họ. Nhưng gương mặt của Linh mới là vấn đề. Em nhìn tôi bằng ánh mắt giận dữ và oán trách. Em không sai. Tôi sai. Tôi thả tay em, còn em nhìn bức tranh rồi nói gấp:

-Mình… về trước đây! Về sau nhé!

Em đứng dậy và đi thật nhanh như không muốn trông thấy mặt tôi nữa. Tôi ngồi đó, ánh mắt thất thần trên bức tranh. Thiên đường của tôi, thế giới của tôi, tất cả đã đổ nát. Vậy hóa ra ngay từ đầu chỉ là nói đùa à? – Tôi tự hỏi.

Tất cả là chỉ nói đùa.

Tôi nhìn xuống bàn tay mình. Tôi thấy nó đã rách nát và đẫm máu. Ký ức đã vỡ và tôi không thể hàn gắn nó được nữa.

Tôi không bỏ bức tranh đẫm màu café đó vào sọt rác hay quẳng ra đường. Tôi mang nó về nhà và ngắm thật lâu, ngắm nó trong cơn mưa rả rích không chịu ngớt của tháng 9, ngắm nó trong cơn mưa không lời mang tên September của While Heaven Wept. Những âm thanh harmonic của guitar phả những làn hơi lạnh lẽo vào lòng tôi.

Lạnh, thực sự là lạnh.

Đến khi tôi nằm xuống vì quá lạnh, cơn mưa Lamentos của Uaral lại ập xuống. Không cơn mưa nào buồn thảm bằng cơn mưa đó. Không guitar điện, không tiếng trống, không âm thanh điện tử; chỉ có hai chiếc đàn mộc và tiếng gầm gừ vô nghĩa của một thằng đàn ông.

Tôi mong ai đó có thể cứu tôi ra khỏi cơn mưa tháng 9 này. Tôi đã mong đợi.

Nhưng chẳng ai cứu tôi cả.

Bức tranh loang màu café đã chẳng còn ra hình thù gì. Nhưng trong một khoảnh khắc, nhìn đống màu hỗn tạp đó, tôi tự dưng muốn vẽ, nhưng không phải vẽ bằng máy. Tôi vớ lấy bút chì và một tờ giấy trắng. Tôi nhìn những hình ảnh loang lổ đó và vẽ một bức tranh hoàn toàn mới.

Tôi ghét em. Tôi ghét Hoa Ngọc Linh.

Tôi vẽ nhanh, vẽ nhiều, đến mức ngòi chì gãy nát và không thể vẽ được nữa. Tôi nhận ra bức tranh chỉ không có sắc màu, chỉ có trắng và đen, chỉ có những hình thù quái đản, những khuôn mặt giống người mà không phải người. Thiên đường của tôi khi sụp đổ trở nên méo mó vậy đấy.

Nhưng ghét em bao nhiêu, tôi nhận ra mình lại đang yêu em bấy nhiêu, yêu một người không thuộc về mình. Tôi yêu em, ghét em, và không thể rời bỏ em – một vòng luẩn quẩn như bài hát Brush it off của Plan Three vậy:

And I need you, then what?

And I leave you, then what?

Everytime I stand here corrected

(Tôi cần em, nhưng rồi sao?

Tôi rời bỏ em, nhưng rồi sao?

Cuối cùng vẫn là tôi đứng đây trong đau khổ)


Với tôi, mưa tháng 9 chưa bao giờ hết lạnh.

/28

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status