Ái Quả Tình Hoa

Chương 9

/44


Phi ngủ một giấc trưa, sau khi chàng thức dậy, Hoàng Thiên Phú cũng chưa về. Chắc chiều nay Phú rảnh việc nên đã đi Đài Bắc. Phi quyết định làm những công việc sớm mai còn đọng lại, nên chàng đến văn phòng tìm phiếu theo dõi bệnh trạng của Vương Cách và Trương Lập Dân.

Nguyên bịnh tình của Trương Lập Dân vô cùng phức tạp, chỉ vì anh ta là người duy nhất sống sót trong chiếc phi cơ ngộ nạn, đương lúc phi cơ đụng vào núi thì chính chàng cầm lái. Phi tin rằng, do anh ta lầm lỗi nên tinh thần cảm thấy bất an. Anh ta bị cháy hết nửa bên mặt, biến thành một người tàn phế, tinh thần của anh trở nên thất thường. Do đó, nội tâm của anh bị dao động, ngoài việc nhớ lại tai nạn khủng khiếp ấy ra, anh chẳng còn nhớ gì nữa. Thái độ của anh ta tỏ ra chịu hợp tác với y sĩ, từ trước chưa một lần nào làm ồn cả. Anh ta đã từng tự sát một lần nhưng được phát giác kịp thời, sau đó anh ta không tự vẫn nữa. Anh ta rất tự ty, không hề tiếp xúc với một bệnh nhân nào khác. Tuy đồng ý hợp tác với y sinh, nhưng sự điều trị đối với anh ta không hề lưu tâm đến. Hằng ngày anh ta chỉ dùng ngón tay vẽ số Á Rập trên vách. Có lúc, anh ta không vẽ số, bèn hướng vào cửa sổ mà khẩn cầu lâm râm và vẽ dấu thập tự.

Sau khi Dịch Phi trông thấy, tinh thần của Phi rất lo lắng. Tuy anh ta không đọc qua báo chí tường thuật, chưa biết tình hình tai nạn phi cợ Nhưng, chàng tin rằng, Trương Lập Dân vẫn biết trách nhiệm do mình gây ra, tai nạn xẩy ra là ngoài ý muốn, bằng không thì công ty hàng không đâu để cho anh ta được yên.

Trương Lập Dân không có thân thuộc tại Đài Loan, trừ những đồng nghiệp ra, không ai quan tâm đến anh ta cả. Anh ta nguyên là một phi hành viên quân sự, sau khi mãn dịch bèn xin gia nhập vào hàng không dân sự. Anh ta chưa có vợ con, chỉ một mình sống tại ký túc xá của công tỵ Nên khi anh ta nhập viện, trừ những đồng nghiệp cũ, rất ít người đến thăm.

Phi tin rằng, đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho Trương Lập Dân càng lặng lẽ thêm. Chàng đang tìm cách làm thế nào để trị bịnh cho Trương Lập Dân? Thực ra, chàng lưu tâm đến bịnh trạng của Trương Lập Dân là vì bịnh trạng của anh ta có liên quan đến căn bịnh của Hùng Tố Tố, bằng không thì anh chẳng lưu tâm đặc biệt đến một bịnh nhân làm gì? Do đó, Hoàng Thiên Phú đùa cợt chàng, nếu muốn trị hết bịnh cho Trương Lập Dân thì nên trị cho hết bịnh của Hùng Tố Tố. Đó là điều nói chơi, nhưng thâm tâm của Phi cũng đã nghĩ như vậy.

Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, chàng không tìm ra sự kiện nào do Trương Lập Dân có liên can với căn bịnh của Hùng Tố Tố. Trương Lập Dân sẽ chết tại y viện, hoặc anh ta thoát chết mà xuất viện, những điều đó đối với Tố Tố không liên can chi cả, Tố Tố không quan tâm đến Trương Lập Dân, cũng như gia đình không đồng ý cho nàng đi đến tìm Trương Lập Dân.

Sau đó, chàng tìm đến bịnh lịch biểu của Vương Cách. Anh nầy là một quân nhân giải ngũ, xin vào làm việc trong một công xưởng, nhân bị khai trừ, anh ta bị thất nghiệp lưu linh tại Đài Bắc một thời gian. Anh ta gây tai họa không ngớt, dùng đá liệng vào hai chiếc xe hơi, bởi hai chiếc xe này làm văng dầu nhớt vào mình anh ta, đánh lộn cùng đám lưu manh, trong lúc hăng máu, hắn đánh luôn một vị thân sĩ. Bị cảnh sát bắt, kết tội khuấy rối trị an. Đưa hắn vào bịnh viện, sau khi khám nghiệm y viện cho biết, hắn đã mắc chứng thần kinh suy nhược, nên hắn bị đưa vào bệnh viện thần kinh để điều trị.

Phi có ý rất tốt với Vương Cách, chàng quyết đi tìm Vương Cách để nói chuyện cùng anh tạ Khi đàm đạo một vài lần, có thể khám thử căn bịnh của anh tạ Rất khó mà đoán định người có mang bịnh tinh thần hay không, đều cần thiết phải nhờ khoa học hổ trợ và quan sát luôn luôn mới có thể phán đoán được. Nhưng, một y sĩ lưu tâm đến bịnh nhân, điều cần nhất là an ủi và khuyến khích họ. Nghĩ đến đây, chàng bèn mặc chiếc áo y sĩ của Hoàng Thiên Phú vào, một mình đến trại số 7. Chàng căn dặn công nhân mở cửa phòng bệnh của Vương Cách cho chàng vào, công nhân vừa mở khóa vừa nói nhỏ:

- Y sĩ nên lưu tâm một chút, bịnh nhân này thường hay vô cớ đánh người lắm.

Phi cười cười hỏi:

- Anh sợ bị hắn đánh hả?

Người công nhân đưa cánh tay gân guốc lên nói:

- Tôi không hề sợ mà chỉ sợ cho ông thôi.

- Tôi không sợ đâu, tôi là y sĩ đến trị bịnh cho hắn. Anh hãy ra đi, có lẽ tôi cùng hắn đàm luận vài câu chuyện và khám nghiệm bịnh trạng của hắn.

- Tôi đứng tại cửa đây, nếu có bề nào tôi kịp thời đến giúp y sĩ.

Phi đưa tay ra hiệu cho người công nhân đi ra. Người công nhân giao chìa khóa cho Phi, anh ta ra đi trong tiếng khóc, cười và tiếng gào thét hỗn độn.

Phi mở cửa phòng bịnh, khi vào rồi bèn nhè nhẹ khép cửa lại. Vương Cách nghe tiếng cửa mở, từ trong góc tường anh ta đứng dậy, nắm chặt bàn tay, đôi mắt nhìn trừng trừng xem ai vào phòng. Khi thấy Phi vui cười bước vào, sự thù nghịch của hắn lần lần tiêu tan.

- Chà, y sĩ là người rất thủ tín.

- Tôi hứa trưa mai mới đến anh, nhưng ngày mai bận, nên phải đến sớm hơn.

Vương Cách vẫn ôm ấp hy vọng hỏi:

- Ông đến để thả tôi ra hả?

Phi lắc đầu:

- Không, tôi đến để nói chuyện cùng anh, nếu anh thấy bịnh nơi nào, nên để tôi khám mà điều trị cho anh.

Vương Cách lộ vẻ thất vọng, anh ta cúi đầu xuống, dựa mình vào tường, Phi an ủi:

- Anh đừng lo lắng, nếu tôi khám thấy anh không có bịnh, tôi sẽ đề nghị viện trưởng thả anh ra, hoặc thay phòng khác cho anh nghỉ ngơi. Hiện giờ tôi hy vọng anh hợp tác với tôi.

Vương Cách quay mặt lại nói:

- Tôi cảm thấy trong mình rất khỏe khoắn, không một nơi nào bịnh hoạn cả.

Phi cười cười nói:

- Để cho y sĩ phán đoán mới chắc được. Lại đây, tôi đo áp huyết của anh thử xem.

Vương Cách lặng thinh đi đến trước mặt Phi để cho chàng đo thử áp huyết, Phi xem xét toàn thân bịnh nhân chỉ thấy áp huyết hơi thấp một chút, ngoài ra không có điều gì lạ thường.

- Thế nào, y sĩ xem trong mình tôi thấy tôi bình thường chớ?

Phi gật đầu, lấy bao thuốc thơm ra trao cho chàng một điếu, tự mình lấy ra một điếu châm lửa đốt và trả lời:

- Để hiểu rõ tình hình bịnh trạng của anh tôi đã khám thấy bịnh anh không gọi là nghiêm trọng, tôi hy vọng hiểu rõ nguyên nhân anh vào bịnh viện này.

Vương Cách hít một hơi thuốc, tỏ ra anh ta quá ghiền, đoạn chậm rãi trả lời:

- Ông đúng là một thầy thuốc tốt, không giống loại "thầy thuốc Mông Cổ" chỉ chuyên dọa nạt bịnh nhân.

Phi tức cười hỏi:

- Thấy thuốc Mông Cổ? Anh nói ai là thầy thuốc Mông Cổ?

- Trong y viện này có được mấy vị thầy thuốc tốt như ông, chắc ông mới đến nên không rõ họ cho lắm.

- Phải rồi, tôi mới đến y viện này.

- Xin lỗi, thầy họ gì?

- Họ Lê.

Vương Cách gật đầu tỏ ra rất hiểu biết:

- Một họ với Lê Nguyên Hồng? Là vị Đại Tổng Thống năm đầu chế độ Dân quốc này chớ gì?

- Phải, tuy cùng một họ, nhưng tôi không bà con gì với ông Tổng Thống đó, tôi với ông ấy ở cách nhau hàng mấy ngàn dặm.

- Không hề gì, riêng tôi cùng quê hương với ổng.

- Hiện giờ xin anh cho biết nguyên do nào anh vào y viện này?

Vương Cách ho lên một tiếng nói:

- Lúc đầu tôi phục vụ trong hàng ngũ lục quân, sau đó được giải ngũ.

- Nhờ người ta giới thiệu anh vào làm việc trong một công xưởng phải không?

- Tôi khỏi cần nói rõ tên công xưởng đó, chắc ông đã biết.

- Tôi không biết.

- Lê y sĩ, chắc ông đã biết rõ việc riêng của tôi?

- Tôi không được biết rõ lắm, cũng như không tin ai nói lại, hy vọng tự anh kể lại cuộc đời của anh thì rõ hơn.

- Tôi ít hay dối trá, nhưng nói ra thì chẳng ai tin, vậy, biết làm sao đây?

- Tôi thì tin anh, chớ không tin người khác thuật lại, dầu cho họ nói thật hay dối.

Vương Cách hít một hơi thuốc nói tiếp:

- Tôi vào một công xưởng, làm việc đâu được một năm, vị chủ xưởng rất tín nhiệm tôi, cũng như đồng nghiệp đối xử rất tốt. Vấn đề bắt đầu là tôi để ý và yêu một nữ công nhân.

- Anh yêu một nữ công nhân là lẽ thường, trừ phi anh dùng thủ đoạn không tốt thôi.

- Tôi không bao giờ dùng thủ đoạn. Tôi yêu nàng nhất định không hại nàng. Xưởng trưởng của chúng tôi gia đình rất sung túc, tánh ông rộng rãi, đối với công nhân rất ngay thẳng và dạy dỗ đàng hoàng, hay giúp đỡ kẻ khốn cùng. Do đó, toàn thể công nhân đều kính nể, cho ông là một vị chánh nhân quân tử.

- Được vậy thì tốt quá rồi. Điều đó có quan hệ gì với vấn đề anh yêu một nữ công nhân?

- Ông hãy nghe tôi nói, vấn đề tình yêu nẩy nở là tại nơi đó chớ. Có lần bạn gái tôi đau, tôi đến thăm nàng. Đến nơi thấy nàng đang khóc, tôi hỏi gì nàng cũng không nói. Sau đó tôi nghe bạn bè thuật lại, nàng bị xưởng trưởng dụ dỗ nên mang thai.

- Lại có việc đó sao?

- Tôi tức giận đi tìm xưởng trưởng mà chất vấn, nhưng ông ta vẫn một mực phủ nhận. Tôi quá tức đến văn phòng ông ta làm loạn lên một mách.

- Anh làm nhục ông ta cũng phải, tiếc gì anh quá nóng nẩy.

- Sau này tôi mới biết làm vậy sai lầm, tôi bèn mời các ký giả báo chí đến nói rõ chuyện xấu của ông ta.

- Phải lắm, làm như vậy là đúng.

- Sau này tôi ăn năn cũng không kịp. Tôi bị cảnh sát canh tại xưởng bắt đi, khi ra khỏi thì nàng đã mất tích.

- Có gì mà chẳng kịp, sao anh không tìm người bạn gái của anh làm nhân chứng?

Vương Cách nhìn lên trần nhà nói:

- Lê y sĩ, đã chậm mất rồi. Khi đến pháp đình làm thủ tục khởi tố thì không một ai đứng về phía tôi.

- Còn bạn gái của anh, không tìm được nàng sao?

- Nàng ra trước pháp đình nhưng không dám tố cáo. Bởi mẹ nuôi của nàng nhận một số tiền to, nàng cũng sợ bị thất nghiệp. Do đó nàng chẳng dám làm chứng.

- Cái bào thai của nàng cũng đủ làm chứng rồi.

Đôi mắt Vương Cách lấp loáng hai dòng lệ:

- Sau đó tôi nghe bạn bè thuật lại, mẹ nuôi nàng lãnh một số tiền, rồi tìm nơi mướn người phá thai.

Phi lộ vẻ bực tức:

- Thật họ không coi đạo lý vào đâu cả.

- Tôi chỉ còn có cách đại náo pháp đình một phen, kết quả họ bắt tôi mà đưa vào đây.

Phi lắc đầu tỏ vẻ cương quyết:

- Y viện không bao giờ đứng về bên phe ác. Nếu đúng theo lời anh nói, thì y sĩ không thể cho rằng anh mắc bịnh thần kinh.

- Phải rồi, y viện đối xử rất công bằng, y sĩ chứng minh tinh thần của tôi rất bình thường, nên chẳng chịu thâu tôi vào. Vì thế bị pháp đình kêu án nửa năm. Ở mãn nửa năm tù, tôi được thả ra.

- Rồi thế nào anh lại trở vào đây?

- Ra khỏi ngục tôi bị thất nghiệp. Suốt ngày thả rong đầu đường cuối ngõ, tối lại ngủ trên kệ thịt, trạm xe, các băng ngồi tại công viên. Có rất nhiều thì giờ quan sát các lớp người trên xã hội này, tôi phát hiện ra rất nhiều thành phần xấu. Nếu tôi có quyền lực gì thì tôi lột tất cả mặt nạ giả nhân giả nghĩa của bọn chó má đó, rồi truyền lịnh tống bọn nó vào đây, bọn đó mới đúng là mắc chứng thần kinh.

Phi tức cười, cho rằng bịnh nhân này có tư tưởng rất đặc biệt. Chàng hỏi:

- Sao anh không tìm công việc nơi khác? Tại công xưởng đó anh làm việc gì?

- Làm tài xế cho xưởng trưởng. Nhưng, từ nay ai dám mướn kẻ đánh người đến nỗi ở tù?

- Sau đó anh còn đánh nhiều người khác và dùng đá ném vào xe của họ nữa à?

- Tôi biết mình không có quyền lực nào trừ khử bọn người xấu, nhưng tôi có đôi nắm tay có thể thoi vào mặt chúng được. Nếu bọn đó ngồi trên xe mà chọc đến, tôi dùng đá chọi lên đầu nó.

- Vì những chuyện này mà họ đưa anh vào bịnh viện?

- Phải rồi, cảnh sát bắt tôi đưa vào pháp đình, buộc tội quấy phá an ninh công cộng. Kết quả pháp đình đưa tôi vào đây để khám nghiệm, một vị y sĩ "Mông cổ" đồng nghiệp với ông cho rằng tôi mắc bịnh thần kinh nên gây ra tội trạng.

- Anh Vương, anh không nên có quan niệm như thế, không phải tất cả y sĩ đều có ác ý với anh, tôi tin rằng, những đồng nghiệp của tôi, họ sẽ hết lòng giúp đỡ anh.

- Thật ra, tôi không hề giận các ông, chỉ vì các công nhân canh gác tại đây tôi xem không thuận mắt thế thôi.

- Chắc anh đã đánh họ?

Vương Cách lắc đầu nói:

- Không, tôi chỉ nhìn họ không thuận mắt thôi, chớ chưa hề liệt họ vào hạng xấu. Tôi chỉ đánh bọn người xấu thôi.

Phi đứng dậy nói:

- Được rồi, chúng ta đã nói chuyện với nhau đủ rồi, tôi sẽ đi tìm y sĩ trưởng và viện trưởng để thảo luận, nếu họ nhận thấy anh đã lành bịnh thì tôi sẽ xin cho anh xuất viện.

- Lê y sĩ, ông đừng hiểu lầm ý tôi. Tôi không hề đòi hỏi ra khỏi chỗ này, trái lại tôi rất thích ở lại đây. Bởi tại đây ít có hạng người xấu, cũng không có loại ngụy quân tử. Vì người ở đây họ rất tự nhiên, muốn mắng chửi người cứ chửi mắng, không ai can thiệp cả. Vì thế mà tôi không muốn xuất viện.

Phi đứng lại hỏi:

- Vừa rồi anh không đòi hỏi xuất viện là gì?

- Theo ý tôi là chỉ ngay vào phòng này thôi. Tôi hy vọng được ở lại bịnh viện. Tôi mong được làm một việc gì tại y viện.

Phi tỏ vẻ thích thú:

- Trừ việc đánh người ra.

- Không phải tôi tùy tiện muốn đánh ai thì đánh. Tôi chỉ không thích gian phòng giam này, với bộ quần áo này.

Vương Cách vừa nói vừa chỉ vào bộ y phục mình đang mặc. Bởi chàng vẫn mặc y phục như các bịnh nhân khác, bằng vải bố to, màu xám tro, vừa rộng vừa dài, không giống quần áo thường, sau lưng lại may vào một hàng chữ màu đỏ "Khưu thị thần kinh bịnh viện" khiến người ngoài trông vào rất chướng mắt.

Phi không thích bộ y phục này, khi chàng mới vào thực tập, chàng cũng đã được y sĩ trưởng giáo huấn về bộ đồ này. Chàng giảng giải:

- Đây là quy định trang phục của bịnh viện, mỗi người bịnh đều phải mặc nó vào.

- Lê y sĩ, bây giờ ông tin tôi có bịnh hoạn gì không?

- Tôi thì không tin, nhưng phải chờ y sĩ chữa bịnh cho anh xem xét lại mới được.

- Mặc bộ đồ này vào, người nào cũng cho rằng tôi mang bịnh thần kinh, nhưng tôi mang chứng hận đời là đúng hơn.

Phi chỉ cười cười chớ chẳng nói gì thêm, chàng đưa tay ra bắt tay của Vương Cách, anh ta trông thẳng vào Phi nói:

- Lê y sĩ, tôi rất cám ơn ông đã lưu tâm đến tôi, tôi không làm rộn nữa, chỉ không thích mặc bộ đồ này và gian phòng giam tôi thôi.

Phi vừa bước ra cửa, bỗng thấy người công nhân lúc nãy đang đứng dựa cửa, khi thấy chàng bước ra anh ta mới thở phào nhẹ nhõm. Phi nhìn người gác cửa cười cười và bước ra khỏi cửa phòng.

Chàng đi ngang qua phòng nghỉ của ban trực, thấy Lý Phương Tử từ trong ấy đi ra, chàng bèn bước theo nàng. Khi đến phòng trực, chàng thấy Hoàng Thiên Phú đang đứng nói chuyện với một cô y tá.

Phi bước vào cười hì hì nói:

- Không ngờ lại gặp anh ở đây.

Phú liếc Phi và cười nói:

- Phi mặc bộ đồ đó vừa vặn quá.

Một cô y tá đang xúc rửa những dụng cụ chích thuốc, cô quay lại nhìn Phi mà khen ngợi:

- Lê y sĩ đẹp quá!

Phi vừa cười vừa chào hỏi mọi người. Chàng để ống chẩn mạch xuống bàn cô y tá, sau đó lột mũ y sĩ máng lên móc. Những y tá rành nghề thường gần gũi những y sĩ, còn những người mới vào thì nhờ họ chỉ dạy. Y sĩ mới đến cũng như y tá thẩy đều kính nể những y sĩ cũ. Thành phần nổi danh rồi chẳng những xem thường y sĩ tập sự, lại còn lạnh lùng đối với họ nữa là khác. Cho nên thấy các y sĩ nổi danh đến thì tay chân họ quýnh lên.

Thiên Phú cười cười hỏi:

- Tiểu Lê, làm sao biết mình ở đây vậy?

Phi nhìn cô y tá đứng gần bên, nên chàng không thể nói gì, bèn đùa:

- Khứu giác của mình rất nhạy, nên đánh hơi chồn được.

- Chắc là mũi chó rồi đa!

- Mũi chó đâu đánh hơi được chồn.

Cô y tá bèn cười lên. Tại y viện, Phú nổi danh là y sĩ hay khôi hài, chàng hay đùa cợt và vui tánh. Cô y tá vừa cười vừa nói:

- Hoàng y sĩ đã gặp phải đối thủ rồi.

Tuy mới đến, nhưng Phi thấy trong y viện rất quen biết chàng nhiều, mặc dù chàng không biết tên họ cho hết. Nên gặp họ chàng chỉ chào hỏi bằng nụ cười. Phi hỏi Phú:

- Vừa rồi anh đi đâu vậy?

- Đi Đài Bắc có chuyện cần, khi về thì nghe nói Phi vừa đến trại số 7, đi tìm ai vậy?

- Đi thăm bịnh nhân.

Cô y tá dọn rửa dụng cụ chích thuốc xong, bèn cúi chào hai người rồi bước đi. Phi trông theo bóng cô y tá vừa khuất, hỏi:

- Cô này họ gì, trông như quen quen mà không nhớ ra tên.

- Cô ta họ Phùng, trong y viện này cô là y tá giỏi và hoạt bát nhất. Tôi thay Phi mời cô ngày mai làm bạn vũ với Phi đó, được hôn?

Phi lắc đầu nói:

- Hạ hồi phân giải chuyện này, bây giờ rảnh không, tôi có việc cần bàn cùng anh.

- Mình muốn viết một phong thư, nhưng thôi cũng được.

- Không gấp gì, anh viết đi.

Phú nắm vai Phi xô nhẹ vào phòng nghỉ, nói:

- Phi nên biết, mình rất sợ viết thự Mỗi lần cầm viết lên, mong có người đến phá khuấy hay làm ồn thì hay lắm.

Hai người đi đến hoa viên, Phi nói:

- Mình tìm Phú quá lâu rồi.

- Biết rồi, ba của Hùng Tố Tố mời Phi phải không?

- Phú, anh vẫn biết trước là tôi đã tiến cử anh, viện trưởng lại nói anh rất bận vì nhiệm vu...

Phú cười cười nói:

- Tại số mạng của mình khổ, muốn thanh nhàn một chút cũng không được.

- Đừng bi quan, ai bảo làm cột trụ trong y viện chi.

- Được rồi, Phi được người giao phó thì cứ lãnh nhiệm vụ.

- Chiều nay mình mời Phú đi dùng cơm tối, chúng ta cần nói nhiều chuyện cần hơn.

- Nói chuyện Hùng Tố Tố hả?

- Còn chuyện Vương Cách, bịnh nhân ở trại số 7.

- Vương Cách? Hắn thường đánh người đó mà.

- Tôi nói chuyện với anh ta gần một tiếng đồng hồ, hắn đâu có đánh tôi. Chúng mình về phòng, tôi thay y phục rồi đi.

- Quan tâm quá vậy.

- Nếu Phú ước hẹn cùng đi một đường với Phương Tử thì mình hoan nghinh lắm.

- Đừng nhiều chuyện, mau thay đồ đi. Mình ở văn phòng chờ Phi chiều nay.

Phi đi một mạch về ký túc xá, nhưng khi chàng đến sân ký túc xá, bị cảnh sắc hấp dẫn chàng. Phi dừng bước trông ra ngoài biển. Lúc ấy vầng thái dương đang treo lơ lửng trên biển cả thoạt trông như một trái cầu lửa, ráng chiều chói chang xuống nước, nhẩy múa theo từng đợt sóng. Mây trời như biến thành màu đỏ thẳm.

Vầng dương bị mây chiều che khuất ánh sáng cố nhoai ra thành muôn bức lụa vàng. Mặt biển không còn màu xanh biếc, ánh ráng chiều nhuộm thành nhiều sắc. Trên mặt biển những cánh buồm trắng thấp thoáng, từ xa về bến. Tất cả thành một bức họa đẹp tuyệt vời không thể mô tả được. Phi đứng thẫn thờ cho đến khi mặt trời lặn.

/44

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status