Tùy Đường Diễn Nghĩa

Chương 79: Lựa ý tứ, Giang Thái Tần truy hoan, Cậy tài sắc Dương Quý Phi đoạt sủng.

/100


Từ rằng:

Trang quốc sắc tất là trúng tuyển

Vào thâm cung quyến luyến nhất đời

Mắt như dao, đổ đất sụp trời

Mày lá liễu chim sa cá lặn

Những tưởng: lòng này đã muốn...

Ai dè: Sợi chỉ hồng gió cuốn đứt phăng

Cho hay: nguyệt lão vô bằng

Lòng này đã chính, lửa bừng cũng qua.

Theo điệu: "Điệp luyến hoa"

Người ta trên đời, chẳng tình thì lý, trung thần hiếu tử, cứ theo lẽ tuần hoàn mà hành động. Ngược lại, bọn đại gian độc ác, việc làm đều ngược với tình lý, là điều không đáng nói. Thật ra, thì cũng là một gốc mà ra cả thôi, Mạnh Tử nói: "Kẻ mà say sắc đẹp thì tất chuộng tuổi trẻ, thích vẻ kiều mỹ, đã có vợ con thì tất phải chiều chuộng vợ con vậy". Điều này thì xưa nay đều thế, chẳng ai mà dứt cho được. Hãy xem Tô Vũ, gặp lúc cùng quẫn ở Bắc Hải, ngậm tuyết nuốt lông cừu mà sống, chuyện sống chết không thể tin nữa, nhưng vẫn phải lấy vợ Hồ, sinh con 1 bị vua đất Hồ lặng lẽ đày ra vùng Bắc Hải mười năm, đến lúc về, lại được uống chén rượu trong vườn Hồ Thị ở Tương Đàm, lại được đọc thơ tặng của người thiếp yêu là Lê Thiến. Thế mới người xa tình khác, ngay đến cả bậc hiền lương cũng không tránh khỏi, huống chi bậc phú quý thiên tử; sinh giữa thời thịnh.

° ° °

Nay hãy nói chuyện tuyển mỹ nhân, ở vùng quê huyện Hưng Hóa, thôn Chân Châu, có một người tú tài, họ Giang tên Trọng Tốn, hiệu ức Chi, phong cách hiên ngang, gia tư giàu có, tuổi mới ngoài ba mươi, vẫn chưa có con trai nối dõi. Vợ là Liêu Thị, sinh được mỗi con gái, lúc nhỏ đặt tên là A Chân, chín tuổi đã thuộc lòng "Nhị Nam" 2 nói với cha rằng:

- Con tuy là con gái, cũng có chí như trong hai bài thơ này.

Trọng Tốn lấy làm lạ, bèn đặt tên là Thái Tần 3 chẳng khác gì đóa hoa, mặt trăng vậy, dẫu cho Hằng Nga ở cung Quảng cũng phải nhường mấy phần nhan sắc. Lại thêm văn tài sâu rộng, bách gia chư tử không gì là không biết, không thuộc, cầm kỳ thi họa, mọi thứ đều tinh thông. Thái Tần lại riêng thích hoa mai, Trọng Tốn sai người vào vùng núi Giang Triết, tìm đủ các loại mai cổ quái, trồng khắp trong sân trong vườn, viết tên là "Mai Đình". Thái Tần sớm tối thưởng ngoạn, tự đặt hiệu là Mai Phương. Lại thích thơ văn, làm tới tám bài phú sau: Tiêu Lan, Lê Viên, Mai Đình, Tùng Quế, Phượng Địch, Pha Bôi, Tiễn Đao, Ỷ Song, được người bấy giờ rất là truyền tụng, tiếng tăm lừng lẫy.

Cao Lực Sĩ từ Hồ Quảng, rồi đi khắp Lưỡng Việt, chỗ nào cũng tìm kiếm, nhưng chẳng được ai vừa ý, đến Hưng Hóa nghe danh Thái Tần mới mười sáu tuổi, chẳng người sánh kịp. Huyền Tông vừa thấy, mặt rồng rạng rỡ, liền ban ngay làm tần phi, rồi đưa vào nội cung. Thưởng cho Giang Trọng Tốn một nghìn lạng vàng, một trăm tấm đoạn để về dưỡng tuổi già, lại sai Cao Lực Sĩ dẫn vào ban yến ở Quang Lộc tự. Trọng Tốn gạt nước mắt mà quay ra. Huyền Tông vào cung, lập tức lệnh bày yến tiệc, cùng ngồi với Giang Phi ăn uống. Hồi sau, cùng đi nghỉ, mãi cho tới gà gáy, trống canh điểm, ánh nắng đã lên, Huyền Tông vẫn chưa ra điện chầu để nghe triều thần trình công việc.

Một hôm, vào cung Huyền Tông thấy Giang Phi đang xem bài phú "Mai Đình", nên biết Giang Phi rất thích hoa mai, liền lệnh cho trong cung chỗ nào cũng trồng mai, để sớm thưởng thức, lại ban cho hiệu là Mai Phi. Huyền Tông phán:

- Trẫm mấy hôm nay bận rộn việc triều chính, nay thấy hoa mai nở rộ, hương thơm phảng phất quanh mình, chẳng khác gì ngọc mà có mùi thơm, khiến trong người sảng khoái, sắc đẹp của Mai Phi, dung mạo của hoa mai, khiến cho không thể rời. Người đẹp trên đời, chẳng qua cũng đến như vẻ đẹp thiên nhiên của khanh cùng Triệu Phi Yến là cùng?

Mai Phi thưa:

- Chỉ sợ mai rụng, trăng tàn, lại đến thời võ vàng ngay thôi!

Huyền Tông đáp:

- Lòng trẫm như thế, xin có thần hoa chứng giám cho?

Mai Phi thưa:

- Chỉ xin đừng phụ lời này, thiếp dẫu có nát thân, cũng không đủ báo ơn vậy!

Huyền Tông tiếp:

- Phi tử tài cao, trước đã viết tám bài phú, các quan ở Hàn lâm viện không ai là không tán thưởng. Nay khanh hãy làm một bài phú về hoa mai đi, để trẫm ban cho bách quan xem?

Mai Phi thưa:

- Tiện thiếp vốn quê mùa thô lậu, sao có thể địch nổi các bậc hàn lâm tài cao. Chỉ sợ làm xấu ý thánh chúa, chuốc lấy trò cười cho thiên hạ vậy.

Nói chưa dứt, đã thấy nội thị vào thưa:

- Thứ sử Lĩnh Nam là Vi Ủng Vật, thứ sử Tô Châu là Lưu Vũ Tích, đều đã tìm được năm cây mai lạ, ngày đêm đem về tiến, đã đến kinh.

Huyền Tông cả mừng, sai Cao Lực Sĩ để tâm thu nhận, chờ ngày ban thưởng, rồi cùng Mai Phi trở về cung.

Một hôm, Huyền Tông yến ẩm với các vương ở Mai viên, lệnh cho đội Lê Viên tử đệ đến hầu 4.

Tiếng tơ tiếng trúc rộn ràng, lời trong nhạc nhẹ. Có bài thơ làm chứng sau đây:

Tinh vi chạm trổ sáng nhà vàng

Cho phượng xem công rộn phách đàn

Tiếng hát du dương vương vấn cột

Quỳnh tương ai rót dạ quang tràn.

Các vị vương uống đến nửa tiệc, bỗng nghe tiếng kêu thánh thót trong cung. Các vương hỏi nhau:

- Tiêu nghe du dương, không hiểu ai thổi, chẳng khác gì ở trên trời cao vẳng xuống vậy kìa!

Huyền Tông đáp:

- Đấy chính là Giang Phi của trẫm thổi, anh em nếu không tỵ hiềm gì xin gọi đến đây hầu rượu có nên chăng?

Các vương thưa:

- Chúng thần nguyện xin rửa tai để được nghe.

Lệnh cho Cao Lực Sĩ tuyên triệu Mai Phi tới. Mai Phi sau khi thi lễ cùng các vương. Huyền Tông phán:

- Trẫm vẫn thường khen khanh là tinh chất của hoa mai chung đúc nên, lại thêm thổi tiêu làm bằng ngọc trắng, múa điệu "Kinh hồng vũ" thì thật là một kỳ công của tạo hóa. Nay các vương cùng yến tiệc ở đây, khanh hãy múa một lần xem sao!

Mai Phi vâng lệnh, khăn áo gọn gàng xong, đến trước tiệc bắt đầu múa, có bài từ "Tây Giang Nguyệt" làm chứng sau:

Cánh én tía nhẹ nhàng phơi phớt

Đóa hải đường còn đợi sương rơi

Tà áo the bỗng vươn dài

Dừng tay chưa kịp, tiến rồi lại lui

Bướm bay bổng dường quay dường đứng

Chim tung tăng khi lượn lúc vòng

Gót tiên thoăn thoát cánh hồng

Bay loan đón gió, múa rồng vờn mây.


Múa xong, các vương ca ngợi không ngớt, Huyền Tông phán:

- Đã xem múa đẹp, không thể không uống say. Nay có rượu ngon của Gia Châu vừa đem tiến, tên gọi là rượu Thụy Lộ Châu, mùi vị rất tốt, cũng nên đem ra đây cùng uống.

Liền sai nội thị lấy rượu, rót vào chén vàng lệnh cho vai Phi đem mời khắp các vương. Lúc này Ninh Vương đã say, thấy Mai Phi đưa rượu đến mời đứng dậy đỡ chén, không ngờ một chân trượt, đá vào hài thêu của Mai Phi. Mai Phi nổi giận, lập tức quay về cung.

Huyền Tông hỏi:

- Tại sao Mai Phi không chào hỏi gì cả mà đã bỏ về?

Tả hữu thưa:

- Nương nương bị rơi hài ngọc, về thay cái khác sẽ xin quay lại.

Chờ một hồi, lại sai người triệu đến. Mai Phi thưa:

- Bỗng nhiên trong bụng thấy đau, không thể nào đứng dậy được?

Huyền Tông phán:

- Nếu đã thế thì nên bãi yến thôi?

Ai nấy ra về. Ninh Vương lo sợ hồn xiêu phách lạc, bỗng nhớ tới phò mã Dương Quýnh, vốn túc trí đa mưu, lại được thánh thượng sủng ái liền mật sai người mời đến thương nghị. Dương Quýnh đến ngay, lễ chào xong, Ninh Vương cất tiếng:

- Ta dự yến ở Mai Viên, cũng chỉ bởi uống nhiều rượu, lỡ gây chuyện không hay.

Dương Quýnh hỏi:

- Có phải là chuyện đùa Mai Phi chăng?

Ninh Vương hỏi:

- Sao phò mã biết?

Dương Quýnh thưa:

- Nếu không có người biết, trừ khi không làm. Bây giờ chỉ còn một người không biết chuyện này, đó là chúa thượng vậy.

Ninh Vương tiếp:

- Ta mời phò mã lại bàn, nếu như Mai Phi mách chuyện này với chúa thượng, ta phải làm thế nào bây giờ cho yên thân đây?

Dương Quýnh nghĩ ngợi một hồi rồi nói:

- Chẳng có điều gì đáng lo, Quýnh này có hai kế liền, khiến chẳng có việc gì cả!

Rồi ghé tai Ninh Vương nói mấy câu. Ninh Vương cả mừng, theo kế mà làm; sáng ngày mai vào triều, cởi trần, lê gối đến trước sân rồng chịu tội:

- Ơn thánh thượng ban yến, tinh thần không thắng nổi rượu mạnh, không để ý đến nỗi đụng phải hài của Mai Phi. Thần thật không còn lòng nào, tội thật đáng chết vạn lần.

Huyền Tông phán:

- Chuyện này nếu mà bàn cho kỹ, thì thiên hạ sẽ bảo trẫm trọng sắc đẹp, mà bỏ quên cả thiên luân. Nếu khanh đã vô tình như thế, trẫm cũng chẳng luận tội làm gì!

Ninh Vương dập đầu tạ ơn đứng dậy. Dương Quýnh lại tâu riêng với Huyền Tông rằng:

- Thần thấy tần phi ở các cung, có đến khoảng ba vạn người 5, thế thì còn lệnh cho Cao Lực sĩ đi khắp nơi tìm người đẹp làm gì?

Huyền Tông đáp:

- Phi tần vốn nhiều, người đẹp chẳng có bao, chỉ cần có được một sắc đẹp nghiêng thành cũng đủ làm nguồn vui lớn của cả đời người ?

Dương Quýnh thưa:

- Bệ hạ muốn có sắc đẹp nhạn sa cá lặn như thế thì chẳng ai bằng Dương Ngọc Hoàn, phi tử của Thọ Vương, dung mạo tuyệt thế, thực là chẳng ai sánh được.

Huyễn Tông hỏi:

- So với Mai Phi ra sao?

Dương Quýnh đáp:

- Thần quả chưa thấy được tận mắt, chỉ nghe Thọ Vương làm từ ca ngợi Ngọc Hoàn trong đó có câu rằng:

Ba tấc sóng lay màn nước xoáy

Hai bàn tay thoảng tiếng đàn thơm.

Năm thứ hai mươi mốt, đời Khai Nguyên, mùa đông, chư hầu đến Thọ để 6 có người được thấy, làm thơ ngợi ca:

Chỉ có trời xanh thẳm

Chả thấy Sơn thấy Tề. 7

Sao bệ hạ không triệu vào xem sao.

Huyền Tông nghe thích lắm, sai ngay Cao Lực Sĩ, đi triệu Dương Phi tới.

Lực Sĩ lĩnh chỉ, lập tức tới Thọ Vương cung, tuyên triệu. Dương Phi hỏi:

- Thánh thượng triệu ta làm gì?

Lực Sĩ thưa:

- Kẻ nô lệ này không biết. Xin nương nương cứ tới gặp, sẽ biết ngay thôi mà.

Dương Phi lặng lẽ nói với Thọ Vương:

- Thiếp thờ điện hạ, đã nguyện đến thuở bạc đầu, không ngờ thánh thượng sai Cao Lực Sĩ tới triệu thiếp vào cung. Nghĩ lần đi này thực là vĩnh quyết với điện hạ.

Thọ Vương cầm tay Dương Phi, khóc mà nói rằng:

- Thế đã đến thế, không thể trái lệnh. Chuyến đi này, không vừa ý thánh thượng, thì may ra còn có dịp gặp lại, muôn vàn trân trọng?

Lực Sĩ giục giã bên ngoài, Dương Phi đành phải bái biệt Thọ Vương, rơi nước mắt ra khỏi cung.

Chính là:

Trân trọng tin đòi năn nỉ lắm

Về hiên nên hỏi trước gương chăng?

Lực Sĩ đưa Dương Phi về phục chỉ, Dương Phi cố giấu vẻ thẹn thùng bước ra lạy chào, rồi phủ phục dưới thềm. Huyền Tông ban cho đứng dậy. Lúc này trong cung đèn nến thắp cao, dưới ánh sáng ánh đèn, nhìn kỹ Dương Phi, chỉ thấy:

Xanh biếc đôi mày

Trán như sáp nặn

Áo bướm nửa hẹp nửa thùng

Quần loan không dài không ngắn

Lưng ong như liễu, gót sen đưa

Tóc mướt dường mây, trâm ngọc quấn

Tây Thi đất Việt cũ, hẳn kém thanh tân

Nam Tử nước Vệ xưa, còn thua phong vận

Đẹp sao mà đẹp, hương lửa lọc lừa

Xinh quá là xinh, gió mây vương vấn

Một nụ cười ngàn vạn trẻ tươi

Sáu cung son phấn phai mờ hẳn.

Huyền Tông sai Cao Lực Sĩ, hỏi ước nguyện của Dương Phi. Phi thưa xin làm nữ đạo sĩ. Huyền Tông liền ban cho đạo hiệu Thái Chân, ở cung Thái Chân, rồi nói với Dương Quýnh:

- Hai khanh hãy tạm lui, ngày mai trẫm sẽ thưởng hậu.

Ninh Vương mới đỡ lo, cùng Dương Quýnh ra khỏi điện.

Năm thứ tư đời Thiên Bảo, Huyền Tông đứng ra gả con gái của Tả vệ tướng quân Vi Chiêu Huấn cho Thọ Vương làm phi, rồi yên lặng chuyển Thái Chân vào trong cung. Lệnh cho trăm quan đến vườn Phượng hoàng, ghi vào sổ sách, đưa Thái Chân cung nữ, đạo sĩ Dương Thị làm quý phi. Phụ thân là Dương Nguyên Diễm, người ở Hoàng Nông thuộc Hoa Am, chuyển sang ở thôn Độc Đầu vùng Bồ châu, thời đầu niên hiệu Khai Nguyên làm tư hộ Thục Châu, vì vậy Dương Quý Phi sinh ở đất Thục, sớm mồ côi ở với chú làm ở dinh phủ Hà Nam là Dương Nguyên Khuê. Vào sổ quý phi rồi, liền truy phong Nguyên Diễm là Binh bộ thượng thư, mẹ là Lý Thị làm Lương Quốc phu nhân, chú Nguyên Khuê làm Quang lộc khanh. Anh tên Thiểm, làm thị ngự sử, anh con bác ruột là Chiêu, ban chức thị lang.

Người anh Dương Chiêu này vốn là con của Trương Xương Tông, gửi nuôi ở nhà họ Dương. Huyền Tông thấy tên Chiêu có ý sắt thép, dao búa 8 mới ban đổi tên là Quốc Trung. Họ Dương từ đó quyền nghiêng thiên hạ. Ngay đêm Dương Quý Phi vào cung, múa điệu "Nghê thường vũ y khúc", được ban thoa, vòng tai vàng, hộp đựng cũng bằng vàng, Huyền Tông tự lấy nước quý lệ thủy, cất ở Tử khố, mài vàng thành dây tua gài đầu, thân mang đến lầu trang điểm, gài lên mái tóc Dương Quý Phi.

Từ ngày sủng ái Dương Quý Phi thì càng bỏ liều Mai Phi. Mai Phi vì vậy mới hỏi cung nữ thân cận là Yên Hồng:

- Người có biết tại sao mấy hôm nay hoàng thượng không đến cung ta là tại làm sao?

Yên Hồng thưa:

- Tiện thiếp làm thế nào mà biết được. Trừ phi phải gọi Cao Lực Sĩ đến, thì mới hiểu nổi nguyên do.

Mai Phi tiếp:

- Người hãy tìm họ Cao đến đây, để ta hỏi xem sao?

Yên Hồng vâng lệnh, vào đến ngự uyển, thấy Cao Lực Sĩ ngủ ngay ở hành lang, Yên Hồng nói:

- Để ta đùa tay này chút chơi!

Liền lại cây đào thiên điệp, hoa lá xanh tươi, lấy một cành nhỏ, ngắt từng bông một cắm vào mái tóc Cao Lực Sĩ, bẻ một ngọn nhỏ, ngoáy vào mũi họ Cao. Họ Cao chợt tinh, thấy Yên Hồng, liền hỏi:

- Cô em Yên Hồng ơi! Cô em tới đây có việc gì thế?

Yên Hồng cười:

- Giang nương nương riêng sai tiện tỳ tìm Cao Thường thị đây!

Cao Lực Sĩ liền cùng Yên Hồng quay về cung Mai Phi, chào thưa xong. Mai Phi hỏi:

- Thánh thượng mấy hôm nay, vì sao không thấy đến cung ta là làm sao?

Lực Sĩ thưa:

- A hà? Thánh thượng hiện ở Nam cung, vừa mới triệu được Dương Phi của Thọ Vương, sủng ái không ai bằng. Nương nương thật không biết gì cả sao?

Mai Phi đáp:

- Ta nào có biết gì đâu. Hãy nói xem thánh thượng đối với họ Dương ra sao?

Lực Sĩ thưa:

- Từ ngày Dương Phi vào cung đến nay, mặt rồng hớn hở, tự tay ban thoa ngọc vòng vàng, lại phong quan chức cho cả họ, được ban xưng là nương tử, mọi thứ nghi thức chẳng gì khác hoàng hậu.

Mai Phi nghe xong, lập tức nước mắt ứa hai hàng lặng lẽ:

- Ta ngay từ ngày mới vào cung, đã nghĩ rồi sẽ có chuyện này, không ngờ lại thành sự thực, Cao Thường thị hãy lui ra, ta đã có dự liệu cả rồi!

Cao Lực Sĩ lui ra. Yên Hồng đem cảnh ngự uyển nhộn nhịp, vui vẻ ra sao kể lại. Mai Phi nghe xong không giấu nổi giận hờn. Yên Hồng khuyên:

- Nương nương chẳng nên phiền não, như ý nông cạn của tiện tỳ này, chi bằng nương nương cứ trang điểm gọn gàng, rồi tới Nam cung, xem ý tứ thánh hoàng ra sao.

Mai Phi nghe ra, đến bên đài gương chải tóc, trang điểm soi mình trong "Lăng Hoa bảo kính", mà than thở:

- Trời ơi! Giang Thái Tần ta dung mạo dường ấy, nay đã tiều tụy đến thế này, làm sao không đến đứt ruột cho được.

Giọt ngắn nối giọt dài, chẳng còn lòng nào mà trang điểm nữa, Yên Hồng cùng bọn cung nga khuyên nhủ mãi, cùng nhau kẻ mày, đánh phấn, giắt trâm, đeo vòng cho Mai Phi, xong đâu đó, mới cùng sáu bảy cung nga, từ từ đi đến Nam cung.

Gặp lúc Huyền Tông đang một mình, thơ thẩn dưới bóng cây mát, Mai Phi đến trước lạy chào. Huyền Tông hỏi:

- Hôm nay có trận gió tốt lành nào mà lại thổi được khanh tới đây thế?

Mai Phi khẽ cười thưa:

- Thời tiết thuận hòa, gió nam luân chuyển, đưa thần thiếp đến đây giải chút tịch liêu.

Huyền Tông phán:

- Hoa đẹp ngay bên, đang định sai người đi triệu khanh tới, để cùng được say sưa!

Mai Phi thưa:

- Nghe nói bệ hạ vừa có thêm Dương Phi, thần thiếp xin đến mừng, vừa là để xem mặt cô dâu mới vậy!

Huyễn Tông đáp:

- Chẳng qua bỗng nhiên lại được hoa đồng nội, chẳng đủ dính răng.

Mai Phi vẫn xin được gặp mặt, Huyền Tông bất đắc dĩ phải nói:

- Ái khanh vẫn có lòng mến yêu đến thế, trẫm sẽ triệu đến đây. Nhưng khi Dương Phi đã đến rồi, ái khanh dừng đem lòng phiền muộn.

Mai Phi thưa:

- Thần thiếp xin vâng mệnh, chỉ được thấy mặt là lui ngay.

Huyền Tông đáp:

- Thế thì chẳng có gì khó!

Liền lệnh triệu Dương Phi. Dương Quý Phi lễ chào Mai Phi xong, Huyền Tông truyền lệnh bày yến tiệc, rượu được hơn ba tuần,

Huyền Tông phán:

- Mai Phi vốn có tài Tự Nữ 9 đừng tiếc lời hãy làm một bài thơ xem sao?

Mai Phi thưa:

- Vạn nhất không mang được ý ngợi ca, xin mong thánh thượng tha tội.

Dương Quý Phi cất tiếng:

- Thiếp vốn chẳng mang dáng bồ vóc liễu, đâu xứng để nương nương đem văn chương ngợi ca cho được!

Huyền Tông phán:

- Cả hai khanh không cần phải quá khiêm nhường!

Sai ngay tả hữu đem một bức cẩm tiên, đặt trước mặt Mai Phi.

Mai Phi nâng bút, viết ngay một bài thất ngôn tuyệt cú:

Gạt phăng mây Sở, đổ non Vu

Xuân một đêm nghiêng ngửa ngọc lầu

Da tuyết mặi hoa ai sánh kịp

Sông trời gấm vóc những vì vua.

Mai Phi viết xong, trình lên, Huyền Tông khen thưởng không ngớt, đưa cho Dương Quý Phi. Dương Quý Phi xem qua một lần, lòng thầm nghĩ: "Bài thơ tuy hay, nhưng vẫn mang nhiều ý châm biếm, nhắc tính mây Sở, non Vu, chính là để chọc việc ta từ chỗ Thọ vương mà vào cung. "Sông trời gấm vóc những vì vua", là để chỉ chuyện ta đẫy đà béo tốt đây. Ta hãy trả lời vài câu, xem ý tứ của họ Giang này ra sao!". Liền nói với Mai Phi:

- Lời thơ của nương nương thật là dệt gấm thêu hoa, xưa nay không người sánh, xin để thiếp được họa vài câu liệu có được không?

Mai Phi đáp:

- Thơ vừa tả được muôn một, mà đã được người đẹp quá khen, thiếp thật thỏa nguyện.

Dương Quý Phi cũng lấy một tờ cẩm tiên rồi viết một bài thất ngôn tứ tuyệt:

Sắc nước chưa từng giảm vẻ xuân

Cành mai trên tuyết ánh muôn phần

Dám nhờ một sớm xuân đưa gió

Đừng để hoa nào đọ trước sân. 10

Huyền Tông thấy Dương Quý Phi viết xong, liền khen ngay:

- Cũng thật đáng tài mẫn tiệp vậy!

Rồi đưa cho Mai Phi:

- Khanh hãy xem xem sao!

Mai Phi đỡ lấy xem, nghĩ thầm: "Họ Dương nói "Cành mai trên tuyết ánh muôn phần", là cười cái dáng gầy của ta, "Đừng để hoa nào đọ trước sân", là nói ta đã quá thì rồi". Cả hai đều mặt mày có vẻ giận dữ. Cao Lực Sĩ cất tiếng thưa:

- Các vị nương nương thơ từ xướng như thế này, kẻ nô lệ này xin có mấy lời thô thiển phân giải có nên chăng?

Huyền Tông phán:

- Khanh thử nói xem sao?

Cao Lực Sĩ thưa:

- Nay xin bệ hạ hãy cùng hai vị ngọc mỹ nhân thong thả dạo tới Cao Dương đài, cùng nhau uống rượu ngon, chờ trăng lên rải trên hoa hải đường, kẻ nô lệ này xin đánh ba hồi trống ca khúc "Hạ Tân Lang" 11. Tất cả đều ngà ngà say chờ đón gió đông lên, hoàng thượng cởi phanh áo bào, các nương nương cởi cả áo ngắn, một trận gió đưa hương thơm tới, cùng nhau nằm nghỉ trong Tiêu kim trướng, lúc nào lòng hoa khẽ động thời lại dậy, cả ba cùng vui vẻ. Việc gì mà phải "Niệm nô kiều" với "Tích nô kiều". Hoàng thượng thì cứ thong thả làm "Điệp luyến hoa", "Ngự du xuân thủy", có phải là sự khoái lạc vạn đời trong thiên hạ không?

Mai Phi, Dương Phi nghe nói đến câu "lòng hoa khẽ động, thời lại dậy, cả ba cùng vui vẻ", bất giác đều khe khẽ cười. Huyền Tông phán:

- Lời của Lực Sĩ có lý lắm, hôm nay trẫm có cả người đẹp ở đây, chính là lúc nên hoan lạc, tranh cãi làm gì.

Huyền Tông kéo hai người về cung.

Mai Phi vốn tính hiền lành, về sau Dương Phi ganh ghét nói xấu phải đày ra Thượng Dương cung, nhưng đó là chuyện sau này!

° ° °

Hôm ấy, Huyền Tông đang dạo chơi trong Mai Viên, bỗng nhớ tới Mai Phi, liền sai Cao Lực Sĩ đến xem sao. Họ Cao vâng mệnh tới Thượng Dương cung thấy Mai Phi đang sầu khổ, họ Cao vào lạy chào.

Mai Phi hỏi:

- Cao Thường thị, từ ngày ta ra đây đến giờ, chẳng có tin tức gì hay. Hôm nay Thường thị khó nhọc đến dây có việc gì?

Họ Cao thưa:

- Hôm nay thánh thượng đi dạo trong vườn Mai Viên bỗng nhớ nương nương bội phần, đặc sai kẻ nô lệ này đến thăm xem sao!

Mai Phi nghe ra, hớn hở hỏi họ Cao:

- Thánh thượng sai Thường thị tới thăm, thế là vẫn chưa bỏ rơi ta. Thường thị hãy vì ta mà tạ ơn thánh thượng, tâu rằng không ngày nào ta không ngưỡng chờ thiên nhan, cầu chúc cho ơn thánh đế mãi mãi không thay đổi.

Họ Cao đáp:

- Kẻ nô này hiểu rồi!

Rồi quay về Mai Viên, đem những lời của Mai Phi tâu lên,

Huyền Tông than thở:

- Trẫm nào có quên khanh đâu. Cao Lực Sĩ , ngươi hãy tới Lệ Viên, chọn ngay một con ngựa tốt nhất, rồi lặng lẽ triệu Mai Phi tới gác tây của cung Thúy Hoa gặp trẫm, đừng có sai sót.

Họ Cao vâng mệnh đi ngay, Huyền Tông bỗng gọi lại:

- Quay lại đã, ngươi hãy làm cho kín đáo, đừng để cho Dương Quý Phi biết.

Họ Cao thưa:

- Kẻ nô lệ này hiểu rồi!

Liền tới Lệ Viên, chọn một con ngựa thật tốt, đến Thượng Dương cung, gặp Mai Phi, Mai Phi hỏi:

- Cao Thượng thị quay lại có việc gì nữa?

Họ Cao thưa:

- Kẻ nô lệ tâu lại những lời của nương nương, hoàng thượng phàn nàn: "trẫm nào có quên khanh!". Sai kẻ nô lệ này chọn ngay một con tuấn mã, mật triệu nương nương tới Thúy Hoa lâu cùng trò chuyện.

Mai Phi hỏi:

- Đã là thánh thượng yêu mà gọi đến, thì việc gì mà phải lén lút?

Cao Lực Sĩ thưa:

- Bởi sợ Dương Quý Phi biết, rồi ra chuyện chẳng yên.

Mai Phi tức tối:

- Sao bệ hạ lại sợ cái con hầu béo ấy?

Cao Lực Sĩ thưa:

- Xin nương nương lên ngựa ngay. Thánh thượng chờ đã lâu rồi!

Mai Phi lên ngựa, đến trước gác, Huyền Tông đón đỡ xuống:

- Ái khanh, trẫm ngày nào chẳng nghĩ đến khanh.

Mai Phi quỳ lạy:

- Thần thiếp mang tội, những nghĩ suốt đời bị quên lãng, không ngờ lại được thấy mặt rồng.

Huyền Tông lệnh bày yến tiệc, uống được vài tuần, Mai Phi rót một chén, dâng lên Huyền Tông mà thưa:

- Bệ hạ quả là cuối cùng không bỏ thần thiếp, xin hãy cạn hết chén này!

Huyền Tông uống cạn, lại rót ban cho Mai Phi một chén. Mai Phi cũng đã gần say, Huyền Tông hai tay ôm hai má Mai Phi, nhìn kỹ mà rằng:

- Dung nhan ái khanh như thế này, hình như có gầy thêm ít nhiều.

Mai Phi thưa:

- Lúc nào cũng trông ngóng, làm sao mà không gầy mòn cho được!

Huyền Tông an ủi:

- Càng gầy lại trông càng thanh nhã!

Mai Phi cười:

- Chỉ sợ rằng béo lại tốt mới thôi!

Huyền Tông cũng cười:

- Cái gì cũng có cái hay.

Lại uống thêm mấy chén nữa, rồi cùng Mai Phi vào buồng, một giấc say sưa, đã thấy trời sáng từ lúc nào.

Dương Quý Phi ở trong cung, không thấy Huyền Tông tới, liền hỏi Niêm Nô:

- Thánh thượng hiện ở dâu?

Niêm Nô thưa:

- Tiện tỳ nghe chúa thượng sai Cao Lực Sĩ gọi Mai Phi tới gác tây của Thủy Hoa cung.

Dương Quý Phi nghe xong, đi bộ ngay đến gác tây. Bọn thường thị giật mình, vội vào tâu với Huyền Tông:

- Dương nương nương đã đến trước gác, làm thế nào bây giờ?

Huyền Tông khoác áo, ôm Mai Phi giấu vào phía sau màn. Dương Quý Phi đến trước mặt Huyền Tông, lễ chào xong hỏi:

- Tại sao bệ hạ lại dậy muộn thế?

Huyền Tông đáp:

- Chẳng qua vì quý phi đến quá sớm mà thôi!

Dương Quý Phi tiếp:

- Thần thiếp nghe nói Mai tinh ở đây, riêng đến để gặp mặt!

Huyền Tông đáp:

- Mai Phi ở Thượng Dương cung kia chứ?

Dương Quý Phi vẫn không chịu:

- Hôm nay được triệu đến đây để cùng nhau hoan lạc say sưa mà!

Huyền Tông không biết trả lời sao, đành nhìn tả hữu, bọn này cũng không dám nói gì. Dương Quý Phi càng làm già:

- Thức nhắm hoa quả còn bày đấy, dưới ngự tháp vẫn còn hài ngọc kia. Bên ngôi thì ngổn ngang trâm xuyến. Đêm qua ai hầu bệ hạ ngủ mà vui hoan mãi sáng bạch vẫn chưa dậy để bỏ cả buổi chầu, chẳng còn thể thống gì nữa, xin bệ hạ hãy ra ngay gặp trăm quan. Thiếp sẽ ở lại gác này, chờ ngự giá trở về.

Huyền Tông lúng túng, hổ thẹn, kéo chăn quay vào phía bình phong ngủ nữa:

- Hôm nay trẫm không được khỏe, không thể ra thị triều dược!

Dương Quý Phi càng giận dữ, nhặt trâm xuyến vứt cả xuống đất, quay về cung mình. Bọn tiểu hoàng môn thấy Dương Quý Phi như thế, sợ sinh chuyện lớn, vội đưa Mai Phi về cung. Huyền Tông chờ Quý Phi đã đi khỏi, lại nghĩ tới chuyện cùng vui vẻ với Mai Phi nhưng biết tiểu hoàng môn đã đưa Mai Phi về từ lúc nào, giận lắm, sai đem chém. Rồi tự đứng dậy nhặt trâm xuyến gói lại, lấy thêm một chuỗi ngọc của sứ giả một nước ở biên giới tiến cống, đưa cả cho Vĩnh Tân, sai đem ban cho Mai Phi.

Vĩnh Tân vâng mệnh, đến Thượng Dương cung, Mai Phi hỏi:

- Ta động đến cơn ghen của con hầu béo tốt, nó ném những thứ này của ta phải không? Thứ nào vốn của ta, ta xin nhận. Còn vòng ngọc này thì không dám. Lại có một bài thơ đây, phiền người dâng lên chúa thượng, rồi thưa không phải ta ương bướng không nhận chuỗi ngọc, chỉ sợ Dương Phi biết, lại làm khổ chúa thượng mà thôi.

Vĩnh Tân lĩnh mệnh quay về, đem theo cùng vòng ngọc dâng lên. Huyền Tông xé ra xem, thấy viết:

Lá liễu mày ngài nhác điểm tô

Phấn nhòe lệ đẫm, áo chưa khô

Lãnh cung từ ấy gương mờ bóng

Tịnh mịch buồn nâng chuỗi ngọc châu.

Huyền Tông xem xong trong dạ buồn phiền, nhưng vẫn thấy thú vị bởi những lời thơ bay bổng, lệnh cho nhạc phủ tìm điệu mới phổ vào lấy tên là khúc "Nhất đầu châu".

Về phía Dương Quý Phi, nhớ mãi mối hận này, dò biết đủ mọi chuyện to nhỏ, tìm mọi cách hại Mai Phi. Chẳng biết chuyện sẽ ra sao, xem hồi sau sẽ rõ.

--------------------------------

1Theo "Chiêu Quân cống Hồ", thì Tô Vũ bị đày ra vùng Tuyết Bắc Hải, lấy vợ đười ươi, sinh được hai con, một trai, một gái. Tô Vũ được về Hán, đười ươi gửi hai con về, còn mình thì tu tiên đắc đạo. Con trai tên là vô Ngọc, con gái tên là Tô Kim, sau đều là những tướng giỏi. 2Nhị Nam: Hai chương đầu, gồm nhiều bài của Kinh Thi, xưa cho là những bài có ý nghĩa giáo hóa các bậc vua, hoàng hậu, và cả thiên hạ. Ý nói có ước vọng cao! Chu Nam, Thiệu Nam. 3Thái Tần: tên một bài thơ trong chương "Thiệu Nam", nghĩa: hái rau tần. Khen tặng vợ quan đại phu biết lo việc cúng tế. 4Lê Viên tử đệ: Huyền Tông lấy ba trăm cung nữ, cho học âm nhạc, ca múa ở Lê Viên (vườn trồng lê), nên đội nữ nhạc về sau thường được gọi là Lê Viên tử đệ. (Tám nguyên từ điển) 5Nguyên văn: "Ước hữu tam vạn dư nhân". 6Thọ để: nhà để cho các chư hầu đến hầu ở, hoặc ở dinh các vương hầu. 7Sơn: tức Thái Sơn, núi lớn của Trung Hoa. Tề, tức nước Tề, vùng đông dân, thịnh vượng thuộc phía đông. ý nói đứng trước Dương Phi thì mọi sự lớn nhỏ đều quên hết. 8Chữ chiêu gồm bộ kim: chỉ sắt thép, kim loại và chữ đao, nghĩa là đao kiếm. 9Tự Nữ: tức Tạ Đạo Uẩn, vợ Vương Ngưng Chi đời Tấn, thông minh, học rộng, có tài biện bác. Hiếu Chi, em của Ngưng Chi, ăn nói không thông. Đạo Uẩn ngồi trong màn gà cho em chồng. Nhờ vậy mà Hiến Chi khuất phục được khách khứa. (Tầm nguyên từ điển). 10Hai bài thơ của Mai Phi, Dương Phi cùng vần, vì hạn chế của việc dịch, nên phải dùng hai vần khác nhau. 11Tên một từ khúc, nghĩa đen là "Mừng chú rể!", ý chỉ Đường Huyền Tông!

/100

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status