Tùy Đường Diễn Nghĩa

Chương 41: Bước cùng, Lý Huyền Thúy lo bề hôn thú, Thoát hiểm, Tần Thúc Bảo tiện dịp vinh quy.

/100


Từ rằng:

Đời người chi khác cánh bồng

Dùng dằng vì sợi chỉ hồng buộc chân

Oán cừu là quả là nhân

Mà qui đặt bẫy, giật giàm thế nao?

Suy đi tính lại thấp cao

Chớ nên cậy chữ hùng hào mà nguy.

Theo điệu "Nhu mộng lệnh"

Xưa nay việc kết nghĩa bè bạn, rồi chuyện lấy vợ lấy chồng, đều là do nhân duyên từ kiếp trước. Còn nếu lấy chuyện phú quý, bần tiện để mà định đoạt tình nghĩa, thì sao có thể nói đó là tình bạn bè chân thành, nghĩa vợ chồng đằm thắm cho được, mà chẳng qua là oan gia, đường hẹp khôn tránh, thù nước khó khuây, lòng luôn day dứt, sẵn sàng tuốt gươm khỏi vỏ. Những chuyện lớn như vậy, trời xanh đã bày đặt sẵn chậm một ngày không xong, sớm một ngày chẳng nổi một giờ một khắc mà nên, mà thành chuyện cả vậy.

° ° °

Nay lại nói chuyện Vương Bá Đương, Lý Huyền Thúy cùng Bính Nguyên Chân, ba người từ biệt Tôn An Tổ, đi suốt ngày đêm, chỉ còn cách Ngõa Cương hơn hai trăm dặm. Sáng hôm ấy, mọi người đã đi suốt đêm, vừa đói vừa khát, thấy trước mặt một thung lũng hẹp, có một khu nhà, trước cửa, trúc trồng thành rừng, mé bên suối chảy róc rách, lóng lánh nắng trời, quang cảnh thật mười phần thanh tĩnh. Bá Đương lên tiếng:

- Phía trước quán trọ còn xa. Chúng ta sao không vào đây, kiếm cái gì ăn, rồi hãy di tiếp cũng chưa muộn.

Huyền Thúy, Nguyên Chân tán đồng:

- Đúng rồi!

Huyền Thúy định rảo bước vào cổng hỏi trước, thì thấy một cô gái khoảng mười bảy mười tám tuổi, tay xách giỏ dâu, mặc một áo dài màu xanh sạch sẽ, quần lụa trắng, ngẩng nhìn thấy khách lạ, nhưng vẫn giữ được dáng vẻ bình tĩnh, đi đứng vẫn khoan thai, mặc nhiên như không, như có. Có bài từ "Yết kim môn" làm chứng:

Thật vô giá,

Ai khéo tô mây vẽ nguyệt

Trắng trắng xanh xanh lồng hoa đẹp

Con én sợ con oanh khiếp

Không những nàng Ban hờn, ả Tạ ghét

Tình ai dìu dặt, lời ai dặt dìu

Gặp nhau yêu ít, giận nhiều

Thôi đừng nhắc chữ hùng hào mà chi!

Cô gái vẫn lặng lẽ nâng gót sen vàng đi về phía cửa. Huyền Thúy kinh ngạc thốt lên.

- Thật hiếm thấy! Nơi này chẳng phải thôn Trữ La 1, sao lại có người đẹp đến thế!

Bá Đương đáp:

- Người đẹp trong thiên hạ đâu cũng có. Nhưng không hợp bọn chúng ta lúc này.

Đang nói dở, trong cửa một ông già đi ra, thấy ba người chắp tay đứng trước cửa, cũng chắp tay lên hỏi:

- Các ngài ở đâu đến?

Bá Đương đáp:

- Chúng cháu mãi lo đường xa, chưa kịp ăn buổi sáng, đến đây bụng đã cồn cào, định vào quấy quá lão trượng một bữa ăn chay, sẽ xin trả tiền bạc sòng phẳng tạ ơn.

Ông già đáp:

- Nếu như thế, xin mời vào trong này!

Mọi người vào nhà cỏ, chào hỏi xong xuôi, ông già khiêm tốn:

- Nhà quê, chỉ có rau muối, sợ không đáng để đãi quý khách!

Nói xong, ông già vào nhà trong bưng bình trà cùng ấm chén, mời mọi người ra ngồi ở thủy đình, Huyền Thúy lễ phép hỏi:

- Xin được rõ quý tính, lão trượng được mấy lệnh lang?

Ông già đáp:

- Già này họ Vương, trước kia ở Trường An, nhận thấy thời cuộc đảo điên, nên rời về Thái Bình trang này đã được bốn năm. Chỉ được hai thằng con trai, một cô gái vậy.

Nguyên Chân nói:

- Lệnh lang làm nghề gì, hiện có nhà không thưa lão trượng?

Vương ông lại đáp:

- Cũng chẳng muốn nhắc đến nữa. Hôn quân mê đào sông, say xây thành, cả hai thằng con đều bị bắt đi phu dịch, hai ba năm nay không thấy về, chẳng biết còn mất, sống chết ra sao.

Vương ông vừa nói, vừa nước mắt giọt dài, giọt ngắn. Ai nấy đang góp lời than thở, thì thấy bên kia bờ suối, một chàng trai đi lại. Vương ông trông thấy, vội ngẩng nhìn rồi hỏi:

- May quá, mày đã về rồi sao?

Mọi người vội hỏi:

- Có phải lệnh lang chăng?

Vương ông đáp:

- Không phải? Thằng cháu đấy mà!

Chàng trai bước vào thủy đình, lạy chào Vương ông, dáng người cao khoảng chín thước, tóc đỏ, râu đỏ, mặt như con giải, đầu hổ lưng lang, oai phong lẫm lẫm. Bá Đương nhìn kỹ bèn nhận:

- Thì ra là hiền huynh!

Chàng trai cũng vui mừng:

- Sao đại huynh lại ở đây?

Huyền Thúy vội hỏi:

- Hai bên biết nhau sao?

Bá Đương đáp:

- Anh bạn trẻ tên gọi là Vương Đương Nhân, mấy năm trước đây tiểu đệ cũng có buôn bán ít nhiều trên chốn giang hồ, nhận ra là cùng họ, đi lại cũng thân thiết. Không ngờ xa cách mấy năm, nay lại gặp đây.

Đương Nhân hỏi họ tên Huyền Thúy cùng Nguyên Chân, Bá Đương nói rõ, Đương Nhân hớn hở vái lạy Huyền Thúy:

- Tiểu đệ từ lâu đã hâm mộ tên tuổi đại huynh nhưng chưa có duyên gặp gỡ, nay mới được thấy mặt, chẳng phải là ý trời sao?

Huyền Thúy đáp lễ:

- Tiểu đệ may được còn sống ở đời, đâu dám đủ để hiền huynh ngưỡng mộ!

Vương ông gọi Đương Nhân vào nhà trong, bưng ra một mâm đầy thức nhắm, còn mình thì cầm một chai rượu đầy:

- Thôn vắng đường mòn, chẳng có gì đáng để đãi các bậc anh hùng.

Ai nấy đỡ lời:

- Thế này thì còn gì bằng. Lão trượng quá nhún nhường, chúng cháu thật không dám!

Ngồi yên chỗ, Bá Đương lên tiếng:

- Đương Nhân hiền huynh, lâu nay làm ăn ra sao, đi lại vùng nào?

Đương Nhân đáp:

- Cái thân tiểu đệ, khác gì cánh bèo, đi khắp chân trời góc biển, tìm kiếm khắp nơi, mà vẫn không được một chỗ gửi gắm hy vọng.

Huyền Thúy hỏi:

- Hiền huynh đi những đâu rồi?

Đương Nhân đáp:

- Gần đây là Trương Kim Xứng, Cao Sĩ Đạt, xa là Tôn Nghi Nhã, Lư Minh Nguyệt. Chỗ nào cũng xây thành đắp lũy, nhưng rồi gặp đối thủ, đều nát tan chạy trốn. Chẳng biết chư huynh từ đâu lại đây nay định đi đâu vậy?

Lúc này Bá Đương mới đem chuyện Huyền Thúy cùng các bọn phạm tội, bị bắt giải về kinh, thoát khỏi hiểm nguy trong quán rượu kể lại một lượt. Đương Nhân nói:

- Tiểu đệ mấy hôm nay có nghe chuyện lạ lùng. Quán rượu Trần gia ở Bạch Tửu thôn, vùng Lương Quận, có bọn công sai bảy tám tên, uống phải rượu có thuốc mê, bốn tên tội phạm nặng trốn thoát. Cả chủ quán cũng chẳng thấy đâu. Hiện đang đưa công văn đi các nơi tầm nã, thì ra chính là các vị. Nay các vị định đi đâu?

Bá Đương lại đem chuyện Địch Nhượng tụ nghĩa ở Ngõa Cương, muốn mời Huyền Thúy cùng hiệp sức. Đương Nhân nói:

- Nếu các vị định tìm nơi khởi sự, tiểu đệ tuy bất tài, cũng xin được theo gót.

Vương ông cũng nâng chén:

- Xin các vị hào kiệt cạn chén. Già này có câu chuyện muốn thưa!

Mọi người vội đáp:

- Xin lão trượng cho nghe!

Vương ông nói:

- Già này có một mụn con gái, tên gọi Tuyết Nhi, tuổi vừa mười bảy. Từ nhỏ dã không thích việc nữ công, chỉ ham việc văn thơ, thông tuệ khác thường, lại tinh thông âm nhạc. Nay già này muốn cho theo Lý công tử để được nâng khăn sửa túi. Không biết ý Lý công tử thế nào?

Huyền Thúy thưa:

- Ơn lão trượng thương đến, nhưng Lý Mật này thân chẳng khác gì cỏ bồng, bốn biển không nhà, lấy gì để mà làm nơi nương náu cho được!

Vương ông đáp:

- Nói như vậy có chỗ không nên, bậc anh hùng hào kiệt từ xưa, không có ai là không nhà không cửa. Xưa Tấn Văn Công với Địch Thị giữ lời ước hẹn mười năm, lại xa cách Tề Thị đến năm năm, về sau mới cùng nhau sum họp, trở thành tấm gương một đời. Con gái lão vốn không phải bậc nhẹ dạ đâu, vừa rồi đi hái dâu về, thoáng thấy các ngài, vào nhà có nói với già này, có vị mặc áo màu xanh nghi dung khác thường, già này biết ý, cho nên mới nói thế này!

Mọi người nghe nói, mới biết chính là cô gái đã gặp ngoài cổng nhà, tất cả đều hùn vào:

- Lão trượng đã có ý tốt, Lý đại huynh không nên chối từ.

Đương Nhân còn bày:

- Chỉ cần Lý đại huynh trao lại một vật làm tin là xong, còn đến bao giờ đến đón dâu cũng không câu thúc, không quản ngại gì cả.

Huyền Thúy bất đắc dĩ phải mở khăn gói, lấy ra một vòng xuyến ngọc, nâng đưa Vương ông. Vương ông cầm lấy, đem ra một cành trâm vàng nhỏ mà Tuyết Nhi vừa rút trên mái tóc, trao lại cho Huyền Thúy, rồi nói:

- Thế là chuyện suốt đời của con gái già này gửi nhờ công tử, già này không dám dặn dò nhiều: Đêm nay hãy ở lại đây một đêm, sáng ngày mai sẽ lên đường.

Đương Nhân nói với Huyền Thúy:

- Tiểu đệ đáng ra nên đi cùng với đại huynh, nhưng vì hai em trai đều chưa về, chỉ cần một đứa về được, tiểu đệ sẽ ngày đêm lên ngay Ngõa Cương để tụ nghĩa.

Ai nấy chia tay.

Chính là:

Trượng phu bất đắc chí

Trôi dạt như tuyết bùn.

° ° °

Nay hãy khoan nói chuyện Huyền Thúy về Ngõa Cương tụ nghĩa, hãy kể chuyện Tần Thúc Bảo làm tướng tiên phong cho Lai Tổng quản, dùng mưu lấy được Bối Thủy, cho từng đội thám binh nhỏ âm thầm vượt qua Liệu Hà, vào tận Bình Nhưỡng, ám sát được cả Đại tướng Ất Chi Văn Lễ. Lai Tổng quản làm biểu tâu về triều đình, chờ dịp kéo đại binh chiếm Bình Nhưỡng, đạp bằng Cao Ly. Dượng Đế vui mừng, ban sắc chỉ tuyên dương, phong cho Lai Hoạch Nhi tước quốc công. Thúc Bảo do đó cũng được khen thưởng. Lại giục Nguyên soái Vũ Văn Thuật, cùng Vu Trọng Văn, hỏa tốc tiến binh vào Áp Lục giang, hiệp đồng cùng Lai Tổng quản.

Mưu thần của Cao Ly là Ất Chi Văn Đức, dò biết bọn Vũ Văn Thuật cùng Vu Trọng Văn đều là bọn hám lợi, liền tìm cách đút lót ngọc châu phương bắc, nhân sâm, ngựa tốt, da điêu hắc thử... cho cả hai để được xin hàng. Vũ Văn Thuật vội tin là thật lòng, bàn chuyện làm lễ, cho phép Quốc vương Cao Ly tự trói mình, đi theo xe, đem theo bản đồ quốc gia, làm lễ ăn thề trước doanh quân. Ai ngờ Ất Chi Văn Đức vừa ra khỏi mạc trướng, liền tụ quân đóng ngay giữa vùng, khiến cho thủy lục hai cánh quân, không tiếp viện được cho nhau.

Vũ Văn Khải lúc này mới thấy ra gian kế của Ất Chi Văn Đức, vội sai hai con là Vũ Văn Hóa Cập, Trí Cập, lĩnh quân tiên phong, đuổi theo Ất Chi Văn Đức, lại bị Ất Chi Văn Đức giả thua, dụ vào vùng núi hiểm trở Bạch Thạch sơn, binh tướng mai phục cả bốn bên kéo ra, chém giết một hồi. Giữa lúc một còn mất chín, bỗng thấy chuông trống nổi lên rộn rã, từ cánh rừng bên, một lá cờ đỏ, trên có chữ "Tần" rất to kéo ra, đi đầu là một đại tướng cao lớn, mặc áo bào trắng, khoác đài bạc, sử dụng hai thanh giản, cứ thế kéo cả đoàn quân của mình, xông vào đám quân Cao Ly, tả xung hữu đột, binh lính Cao Ly vội tìm hốc núi, bụi cây chạy trốn. Ất Chi Văn Đức vội bỏ Vũ Văn Hóa Cập, quay ra đón đánh Thúc Bảo, nhưng vốn chẳng hiểu gì võ nghệ, địch sao nổi Thúc Bảo, đành quăng cả kim khôi mũ mãng, trốn trong đám loạn quân mà chạy.

Thúc Bảo nhặt được kim khôi, chém được vô số đầu giặc, đem về báo công trước dinh Lai Tổng quản. Vũ Văn Hóa Cập cũng hết lời ca ngợi tướng tiên phong họ Tần của Lai Tổng quản, đã có công giải vây cho mình thì thấy một viên gia tướng thưa:

- Thưa tiểu chủ, viên tướng này chính là kẻ thù của nhà ta đó!

Hóa Cập thất kinh hỏi:

- Sao lại là cừu thù cho được?

Gia tướng thưa:

- Dạo trước, trong hội đèn đêm nguyên tiêu, giết chết công tử Huệ Cập chính là viên tướng này.

Trí Cập nghĩ ngợi:

- Hà hà! Nơi đánh, cách đánh dẫu có khác. Nhưng diện mạo thì cũng hao hao giống tranh vẽ năm xưa, lại nữa khí giới là một. Chẳng cần phải bàn cãi gì nữa.

Hai người quay về doanh trại, kể lại mọi chuyện cho Vũ Văn Thuật nghe. Vũ Vãn Thuật hỏi:

- Nay nó là danh tướng Lai Tổng quản, thì hại làm sao được.

Trí Cập thưa:

- Con có kế này: ngày mai cha hãy ban một trăm lạng bạc, sai gia tướng đem đến thưởng công cho nó. Nhất định nó sẽ tới để tạ ơn. Nó trong trận vừa rồi, có cướp được kim khôi của giặc, nay cứ vu cho tội tư thông với giặc, được mũ rồi mà còn tha giặc, lập tức chém đầu. Đến khi Lai Hoạch Nhi biết ra, thì với cha cùng là bậc đại thần, chẳng còn cách gì để tranh cãi về một kẻ đã chết rồi.

Vũ Văn Thuật gật đầu tán thưởng:

- Hợp lý lắm!

Ngày hôm sau sai kỳ bài quan, đem tiền bạc đến gọi là thưởng cho Thúc Bảo một trăm lạng. Thúc Bảo chỉ lấy bảy tám lạng gọi là, còn bao nhiêu sai bày rượu thịt, chia đều cho mọi người, lại cảm tạ kỳ bài quan khó nhọc nữa. Thúc Bảo chưa quên sự thù hằn giữa mình và cha con họ Vũ Văn, nhưng vẫn nghĩ rằng chưa chắc nhà Vũ Văn đã nhận ra mình, hơn nữa đã có ban thường thì nhất định phải đến tạ ơn. Cho nên ngày hôm sau. Thúc Bảo giao cho Chu Mãnh giữ trại, còn mình cùng với Triệu Vũ, Trần Ký đến tận trướng phủ của Vũ Văn Thuật để tạ ơn. Lúc này doanh trại quân Tùy đang đóng trong vùng núi Bạch Thạch, để chờ đánh vào Bình Nhưỡng.

Thúc Bảo đến ngay chỗ ở của Vũ Văn Thuật, lính canh cửa vào báo, thấy kỳ bài quan chạy ra truyền lệnh:

- Nguyên soái quân lệnh, Tần tiên phong không cần phải mặc nhung phục, vào trong tương kiến.

Vũ Văn Thuật sợ Thúc Bảo mặc nhung phục, đeo giáp cầm kiếm, thì khó mà gần được, nên phải liệu ra lệnh này. Thúc Bảo vốn ngay thẳng, lại nghĩ rằng Vũ Văn Thuật lấy lễ hậu đãi mình, bèn cởi bỏ cân đai võ phục, vũ khí, tiến vào trong trướng.

Vũ Văn Thuật ngồi trên cao, hai con đứng hầu hai bên, phía dưới gia tướng xếp hàng rất nhiều đều võ phục nghiêm trang. Thúc Bảo cùng với bọn Triệu Vũ quỳ lạy trước án, Vũ Vãn Thuật không thèm đáp lễ, lên tiếng hỏi:

- Nghe nói người xử đôi giản là Tần Quỳnh phải không?

Thúc Bảo lên tiếng tự nhận. Vũ Văn Thuật liền quát:

- Bắt lấy cho ta!

Lập tức phía sau, một bọn cầm dây dợ kéo ùa ra, trói gô ngay Thúc Bảo lại. Thúc Bảo dẫu khỏe đến đâu nữa thì "quả bất địch chúng", lại toàn bọn khỏe mạnh, nên chẳng mấy chốc đã bị bọn chúng trói lại ba bốn vòng, nằm lăn quay ra đất, lớn tiếng gào:

- Ta có tội gì?

Trần Ký, Triệu Vũ cũng quỳ xuống thưa:

- Có nguyên soái bên trên. Tần tiên phong mấy lần lập kỳ công, là cánh tay đắc lực của Lai Tổng quản, chẳng hiểu có tội gì với nguyên soái, xin nguyên soái lượng thứ cho.

Vũ Văn Thuật hỏi:

- Tần Quỳnh đóng binh lâu ngày ở đất giặc, cùng với giặc giao thông. Trận vừa rồi lấy được kim khôi rồi còn tha cho Ất Chi Văn Đức chạy thoát, tội không thể tha vậy.

Triệu Vũ thưa:

- Ra trận cướp được kim khôi, chém đầu giặc, hiện đã báo công, nếu chỉ vì nghi ngờ mà hại mất hổ tướng, sợ sẽ làm mất lòng quân. Ngửa mong nguyên soái còn nể mặt Lai Tổng quản!

Vũ văn Trí Cập quát:

- Chuyện không đính gì đến Triệu Vũ, tạm tha tội cho, Triệu Vũ hãy ra ngay khỏi trướng!

Liền sai gia tướng, kéo cả Triệu Vũ, Trần Ký ra ngoài. Triệu Vũ vội quay ngay về doanh trại, định gọi thêm lính, kéo ra cướp pháp trường, nên nói với Trần Ký:

- Tướng quân hãy ở đây theo dõi thực hư, ta về sẽ quay lại ngay.

Rồi phi ngựa đi ngay. Lúc này ở bên trong, Thúc Bảo không chịu yên, vẫn lớn tiếng chất vấn:

- Vô cớ sát hại lương thần, các ngươi không coi phép nước vào đâu cả!

Kéo ra kéo vào, lôi thôi mãi gần hai giờ vẫn không xong. Vũ Văn Trí Cập tức mình quát:

- Cứ lấy đại đao mà băm nó ra là xong tất!

Vũ Văn Thuật lên tiếng:

- Cũng cần có văn thư nói rõ tội hình, rồi lôi ra chém ngay đi!

Liền gọi quân chính ty, viết tội trạng:

"Giao thông giặc ngoài, thất lỡ quân cơ. Phạm nhân Tần Quỳnh đáng tội xử chém. . ."

Lôi ngay Thúc Bảo ra khỏi trướng, nhưng Thúc Bảo nhất định không chịu phục. Vũ Văn Hóa Cập liền quát:

- Tần Quỳnh! Ngươi là một kẻ trượng phu, ngươi còn nhớ đêm nguyên tiêu năm Nhân Thọ thứ tư chăng? Nay ngươi gặp lại cha con ta, còn kêu ca nỗi gì.

Thúc Bảo nghe những lời này, khảng khái lớn tiếng:

- Thế thì rõ cả rồi, ra là thế đấy! Ta lúc ấy chính vì dân mà trừ hại. Còn ngươi giờ thì vì con mà báo thù. Nay ta đem đầu ra trả nợ là xong. Chỉ tiếc rằng ơn cha mẹ chưa kịp báo, Cao Ly chưa dẹp được. Thôi thì đi! Tha hồ cho các ngươi băm chém vậy!

Liền ngang nhiên đứng dậy, đường hoàng ra khỏi doanh quân. Không ngờ lúc này Triệu Vũ về doanh trại gọi quân lính, đi mới được hai ba dặm, gặp toán quân của hai vị tổng quản họ Lai, họ Chu, đưa hai tổng quản tới dinh Vũ Văn hội họp gì đó, liền vội vàng đón ngay giữa đường, cúi mình bên yên ngựa thưa:

- Tần tiên phong bị Vũ Văn Nguyên soái lừa gọi đến, rồi định chém đầu ngay, xin Lai tướng quân đến ngay may ra mới cứu được tính mạng Tần tiên phong.

Lai Tổng quản vội hỏi:

- Thế là tại làm sao? Ngươi mau đi trước dẫn đường, ta theo ngay!

Triệu Vũ giục ngựa chạy trước, Lai Tổng quản đuổi sát theo, tùy tướng cùng binh lính cũng vội đuổi theo như một đàn ong bay theo chúa vậy. Vừa may gặp lúc Thúc Bảo đang ngang nhiên bước ra khỏi quân doanh, Trần Kỳ theo sau. Triệu Vũ vội vàng gào lớn:

- Đừng đi nữa! Lai Đại nhân đến rồi?

Gọi chưa dứt, ngựa Lai Tổng quản chồm đến, Tổng quản biến sắc mặt quát:

- Hà cớ hà do chi mà định hại tướng tiên phong của ta?

Rồi sai thủ hạ:

- Mau cởi trói cho ta!

Lúc này Triệu Vũ, Trần Kỳ, có Lai Tổng quản chủ trương, liền xúm lại cởi trói cho Thúc Bảo. Tay chân của Vũ Văn Thuật thấy Lai Tổng quản nổi giận, cũng không dám ngăn cản. Lúc nãy thì Thúc Bảo khẳng khái chịu chết, nhưng đến lúc này thì lại chẳng còn lẽ nào để cứ cam tâm đòi chết. Lai Tổng quản liền sai Triệu Vũ dẫn ba trăm tinh binh, hộ tống Thúc Bảo trở về doanh trại, rồi kéo lính hộ tống vào quân doanh của Vũ Văn Thuật bàn cãi. Vu Trọng Văn nghe tin với gia tướng kéo đến, cùng Lai Tổng quản, Chu Tổng quản chuyện trò.

Vũ Văn Thuật biết Thúc Bảo đã được Lai Tổng quản thả cho về, đành phải mở miệng nói lấp liếm đôi câu:

- Lão tướng này mới đến đây, nghe nói Tiền bộ tiên phong sai quân vào Bình Nhưỡng, tư thông với giặc, lão tướng này chưa dám tin. Hôm qua hai tiểu tướng nhà đuổi theo Ất Chi Văn Đức, mấy lần suýt bắt được, thì Tiền bộ tiên phong lấy được kim khôi rồi tha cho Văn Đức chạy mất. Lão tướng này nghĩ: Trước mặt cả đại quân kéo đến, doanh lũy chưa xong, nếu mà Tiền bộ tiên phong tư thông với Cao Ly đến cướp ngay trại, thì họa quả không nhỏ. Cho nên trộm nghĩ, trừ ngay họa lớn bên nách, cũng là nghĩ đến toàn cục làm trọng, mà chưa kịp báo lại cho Lai Tướng quân vậy thôi.

Lai Tổng quản cười đáp:

- Vũ Văn đại nhân, người nói Tần Quỳnh án binh bất động, nhưng Tần tiên phong đã từng đánh thắng Cao Ly nhiều trận. Lại nói rằng Tần tiên phong giao thông với giặc, thì thử hỏi chứng cớ đâu ra? Còn nói tha cho giặc thì nếu thế, Tần tiên phong đã tha từ lúc ở Áp Lục giang, cần gì phải đợi mãi đến Bạch Thạch sơn kia. Chuyện mũ kim khôi, thì Tần tiên phong đã đem về nộp báo công, không hề lấy làm của riêng mình. Suốt một đời làm quan, hao phí bao nhiêu tâm lực, liệu làm được mấy việc có ích, tìm được mấy người tài, để cùng tận tâm lực giúp nước. Nếu nay mà lại giết Tần Quỳnh, sợ có mang tiếng là đố kỵ, ganh ghét bậc tài năng chăng? Ta và ngài mỗi người cai quản một đội quân khác nhau, nếu ngài giết tướng tiên phong của ta, sợ có phải là ngài đã vượt cả sang quyền hạn của ta chăng?

Vũ Văn Thuật chẳng biết trả lời ra sao, đành ngồi yên không nói một lời. Vu Trọng Văn cùng mọi người phải xúm vào khuyên giải:

- Vũ Văn đại nhân trong một lúc cũng có quá nóng giận, cho nên chưa kịp hỏi qua Lai đại nhân. Nhưng cũng còn may, chuyện chưa có gì phương hại. Nay là lúc cần phải đồng tâm diệt giặc, đừng nên để xảy ra chuyện mất hòa khí giữa hai bậc đại thần.

Chu Tổng quản cũng góp vài lời vun vào, rồi đặt tiệc rượu giải hòa. Lai Tổng quản cũng nể mặt mọi người xung quanh, miễn cưỡng uống mấy chén, rồi cùng Chu Tổng quản ra về.

Thúc Bảo ra đón, bái tạ ơn cứu mạng của Lai Tổng quản cùng Chu Tổng quản. Lai Tổng quản sợ Vũ Văn Thuật còn kiếm chuyện hại, liền đưa Vũ Mậu Công thay làm tiên phong, điều Thúc Bảo ra đồn trú ngoài cửa biển. Vũ Văn Thuật, Vu Trọng Văn, bởi lương thực tiếp tế không kịp, lại mắc phải chuyện trá hàng của Ất Chi Văn Đức, nên cũng chẳng thèm báo cho cánh quân Lai Tổng quản biết, rút quân qua sông Tát Thủy, bị quân Cao Ly khắp các thành, các trấn, đem binh đuổi theo, giết chết dược cả Tả đồn vệ đại tướng quân Mạch Thiết Trượng, còn quân lính bản bộ của Vương Nhân Cung, Tiết Thế Hùng đều chỉ còn một nửa.

Chỉ riêng quân của Vệ Văn Thăng người ngựa không mất một, các cánh quân còn lại, mười phần không còn một, đại quân kéo nhau chạy về Liêu Đông. Tùy Dượng Đế nghe tin, nổi giận đùng dùng chém đầu giám quân Lưu Sĩ Long, bỏ tù Vu Trọng Văn, bọn Vũ Văn Thuật đều bị cách chức, chỉ riêng Vệ Văn Thăng là được khen thưởng, cùng là hậu tuất cho Mạch Thiết Trượng. Cũng bởi Vũ Văn Thuật chẳng lập được công lao gì gọi là, không dám giở chuyện hại Thúc Bảo nữa.

Mãi về sau này, khi ở Giang Đô, Vũ Văn Hóa Cập giết vua Tùy, mới kiếm cách giết hại cả nhà Lai Tổng quản, cũng là do chuyện thâm thù với Tần Thúc Bảo mà có vậy. Nhưng đó lại là chuyện sau này...

Quân bộ của nhà Tùy rút về rồi. Lai tổng quản liền ra lệnh lấy hậu quân làm tiền quân. Chu Tổng quân dẫn đầu, Lai Tổng quản đi giữa, Tần Thúc Bảo đi cuối. Cờ dong, trống dóng, pháo nổ, buồm căng. Quân Cao Ly đã từng bị Thúc Bảo đánh thua hai trận, không dám đuổi theo, nên cánh quân này trở về vô sự. về đến Đăng Châu, Thúc Bảo tìm đến Lai Tổng quản xin từ chức. Lai Tổng quản nói:

- Tướng quân đã lập được công rất lớn ở Bối Thủy, đã tâu trình được tạm nhận chức Lang Tướng. Nay đem quân về, kiểm điểm mọi chuyện, có thể sẽ được cất nhắc cao hơn. Xin tướng quân đừng đi vội thế!

Thúc Bảo thưa:

- Tiểu tướng vốn chỉ muốn ở nhà chăm lo mẹ già, chẳng muốn nghĩ đến chuyện công danh, bởi nguyên soái quá yêu, nên gia sức đền đáp ơn tri ngộ, chứ bản ý không phải chỗ thưởng phạt. Nếu nguyên soái tưởng lệ quá cao, sợ rằng càng làm Vũ Văn Thuật thêm tức tối. Huống chi hiện nay suốt một dải Sơn Đông, giặc cướp hoành hành, ngày đêm lo lắng đến quê nhà, xin nguyên soái rộng ơn, cho Tần Quỳnh này được trở về.

Lai Tổng quản không thể thay đổi được ý Thúc Bảo, liền tạm phong cho Thúc Bảo chức Triết xung đô úy Tế Châu, rồi cho vinh quy, nhận việc gần nhà. Lại sai quân trung lấy ra tám mươi lạng bạc, làm tiền rượu, tiền để vinh quy, lấy của riêng hai trăm lạng, đoạn hoa tám tấm để thưởng công. Các tướng quen thuộc trong quân đều có quà tặng, Thúc Bảo bái tạ từ biệt.

Chính là:

Khi đi con khóc vợ buồn

Khi về sáo thổi, trống dồn xênh xang.

Thúc Bảo ngày đêm trở về gặp mẫu thân, Trương Thị cùng con trai nhỏ Tần Hoài Ngọc đều mừng rỡ, cả La Sĩ Tín cũng vậy. Thúc Bảo kể lại những chiến công ở Cao Ly, chuyện cha con Vũ Văn Thuật định hại, Lai Tổng quản cứu thoát, nay nhờ ơn Lai Tổng quản trở về làm quan ở Tế Châu, phủ Ủng Dương. Cả nhà nghe kể, đều mừng rỡ không để đâu cho hết. Ngày hôm sau vào thành, bái tạ Trương Quận thừa, bởi những ngày Thúc Bảo đi xa, Quận thừa vẫn thường đem quà cáp đến thăm Tần mẫu, nay thấy Thúc Bảo trở về, có thể cùng hiệp sức dẹp bọn giặc cỏ, giữ yên vùng Tề, Lỗ, tri kỷ gặp nhau, mừng mừng rỡ rỡ.

Thúc Bảo chọn ngày tốt, lên đường đi phủ Ủng Dương nhận việc đem theo cả mẹ già, vợ con vào trong phủ đường. Trương Quận thừa lại cũng biết La Sĩ Tín nổi tiếng dũng cảm, liền cho Sĩ Tín làm hiệu úy, sớm tối cùng thao luyện quân sĩ. Từ đó cả ba đồng tâm hiệp lực thêm đô đầu Đường Vạn Nhẫn, Phàn Kiến Uy, giúp đỡ thêm, giết được giặc cướp Vương Bạc ở Trường Bạch Sơn, Hách Hiếu Đức, Tôn Nghi Nhã, Bùi Trưởng Tài ở Bình Nguyên. Bọn này tuy ô hợp, nhưng cộng tất cả cũng lên tới hơn hai mươi vạn tên, vì vậy bọn Thúc Bảo cũng phải gắng hết tài sức mới diệt nổi. Sau nữa có bọn Lư Minh Nguyệt ở Trác Quận, hơn một vạn lâu la, cũng bị Thúc Bảo, Tu Đà cùng Sĩ Tín, bày mưu quét sạch.

Từ đó vùng Sơn Đông, Hà Bắc, Hoài Tây, bọn giặc cướp cứ nghe tên Thúc Bảo, Tu Đà đều thất đảm kinh hồn. Tin thắng lợi mấy lần báo về triều đình, vua Tùy thăng Trương Quận thừa làm Tế Châu thông thú, bổ thảo đại sứ ở khắp mười hai đạo của Sơn Đông, Hà Bắc, Thúc Bảo thăng Tả vệ tướng quân, hiệp quản Tế Châu, Ủng Dương phủ sự; La Sĩ Tín thăng Triết xung lang tướng, chuyên trông coi việc tiễu trừ giặc cỏ.

Có thể nói là:

Một trận, muôn thù khiếp vía

Nghìn năm, bốn biển lừng danh.

° ° °

Chuyện chia hai mối. Nay nói chuyện Lý Huyền Thúy, Vương Bá Đương, Bính Nguyên Chân, ba người, từ lúc chia tay chú cháu Vương Đương Nhân. Trên đường đi, Huyền Thúy nói với Bá Đương:

- Ở chỗ Địch Nhượng binh mã tuy nhiều, nhưng kẻ có thể làm chuyện xung phong phá giặc thì còn ít. Tiểu đệ nghĩ Thúc Bảo cùng Hùng Tín vốn là anh em cốt nhục khác họ của chúng ta, nguyện cùng sinh tử, nay chúng ta tới đây tụ nghĩa, sao lại không báo cho họ một tiếng, mời họ cùng tới nhập bọn thì hay biết bao!

Bá Đương đáp:

- Thúc Bảo hiện nay đang ở ngoài biên, chỉ có Hùng Tín đại ca là hiện đang ở nhà, nhưng làm sao có thể khuyên đại ca bỏ gia tư điền sản để cùng nhập bọn cho được?

Huyền Thúy chắc chắn:

- Tiểu đệ đã biết rõ đất này, quen rất nhiều người, cũng chẳng tìm đâu ra bậc hào kiệt đâu. Chi bằng hiền huynh cùng với Nguyên Chân về Ngõa Cương trước, tiểu đệ quay lại gặp Hùng Tín một chuyến, trông vào ba tấc lưỡi này của tiểu đệ, một đêm đàm đạo, nhất định sẽ kéo được Đơn nhị ca cùng tới đây tụ nghĩa, cho thỏa nguyện đi lại lâu nay.

Bá Đương đáp:

- Nếu đã như vậy, tiểu đệ cùng hiền huynh lấy mười ngày làm hẹn, sau mười ngày mà vẫn không thấy hiền huynh trở về, tiểu đệ sẽ lên đường đi Lộ Châu tìm. Trên đường đi, hiền đệ phải thật cẩn thận, đừng có sinh chuyện, mà lỡ cả việc lớn?

Huyền Thúy đáp:

- Chẳng cần hiền huynh dặn dò. Tiểu đệ hiểu lắm rồi!

Nói rồi, lại vẫn cải trang làm Toàn Chân đạo sĩ, Huyền Thúy quay lại đường cũ.

Bá Đương cùng với Nguyên Chân đi hai ba ngày nữa thì về đến Ngõa Cương, gặp lúc Địch Nhượng dẫn quân ra khỏi sơn trại, chỉ còn Từ Mậu Công cùng Lý Như Khuê giữ trại, đón tiếp Bá Đương cùng Nguyên Chân, rồi hỏi:

- Lý Huyền Thúy có đến không?

Bá Đương liền đem chuyện ở quán rượu Trần gia, Bạch Tửu thôn, đánh thuốc mê cho bọn công sai, bốn người thoát khỏi lưới đầy, Vi Phúc Tự, Dương Tích Thiện chia đường đi lối khác, sau đó Huyền Thúy đi mời Đơn viên ngoại cùng đến tụ nghĩa như thế nào, kể lại đuôi đầu. Mậu Công nghe xong, đập bàn mà rằng:

- Không xong rồi! Khéo Huyền Thúy lại rơi vào tay người mất thôi!

Bá Đương kinh ngạc hỏi:

- Làm sao lại có chuyện thế được?

Mậu Công đáp:

- Ở nhà Đơn viên ngoại, gần đây tiểu đệ có sai người tới đưa thư của Thúc Bảo, Địch đại ca cũng gửi luôn thư mời Đơn viên ngoại lên Ngõa Cương cùng tụ nghĩa. Không ngờ viên ngoại đã lên đường đưa con gái Đậu Kiến Đức tới Nhiêu Dương, chỉ gửi thư trả lời thôi. Kẻ được sai đi, nói với tiểu đệ rằng: "Tới Nhiêu Dương xong, sẽ về ngay Ngõa Cương, cùng nhau gặp gỡ". Thế là bây giờ, chẳng còn ai ở Nhị Hiền trang. Nay một mình Huyền Thúy tới đó, ngỡ ngỡ ngàng ngàng, làm sao mà không đáng lo cho được?

Đang bàn luận, thì thấy Tề Quốc Viễn áp tải lương thảo trở về, mọi người cùng chào hỏi, Mậu Công lên tiếng:

- Đêm nay hãy nghỉ ngơi đã, canh năm sáng mai, xin phiền Bá Đương, Như Khuê cùng Quốc Viễn hiền đệ, kén lấy bốn năm viên tiểu hiệu lanh lợi, giả làm khách thương, giấu theo khí giới, đi gấp về Nhị Hiền trang ở Lộ Châu một chuyến. Nếu tìm thấy Huyền Thúy vô sự thì thôi, nếu có chuyện gì, thì phải cứu được Huyền Thúy. Tiểu đệ xin lĩnh người ngựa tiếp ứng.

Chẳng biết mọi chuyện ra sao, xin xem hồi sau sẽ rõ.

--------------------------------

1Tây Thi, người ở phía tây suối Nhược Da, thôn Trữ La, sắc đẹp nổi tiếng. Câu Tiễn đem dâng Phù Sai, Phù Sai say đắm Tây Thi, bỏ chính sự bị Câu Tiễn đánh thua... (Điển cố văn học).

/100

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status