Tình Mẫu Đơn

Chương 10: Đại Biến

/24


Người ta bảo rằng cái chết luôn được tiếp nỗi bằng sự sống và kết thúc luôn là một khởi đầu mới.

Rõ ràng là với tôi không phải thế. Trước khi tôi nhận ra điều đó thì bảy năm đã trôi qua. Những ngày lễ tết, nhất là tết Nguyên Đán, đặc biệt khó khăn với tôi. Khi chết, thân tôi đã gầy gò, và vì không có đồ cúng nên mỗi năm tôi càng trở nên mỏng mảnh mờ nhòa, trông chẳng hơn gì một cái bóng. Tấm áo dài độc nhất tôi mặc đã sờn bạc. Tôi trở thành một kẻ thảm hại, chỉ biết lảng vảng ở lan can và không thể rời khỏi Vọng Hương Đài.

Các nàng thiếu nữ tương tư tới thăm tôi vào tết Nguyên Đán vì biết tôi buồn thế nào. Tôi thích được bầu bạn với họ, bởi, không như ở Trần phủ, giữa chúng tôi không có những ganh ghét nhỏ nhặt. Sau cùng, lần này họ cũng dẫn theo Hiểu Khánh. Nàng vô cùng xinh đẹp. Vầng trán cao, lông mày vẽ, tóc cài đồ trang sức, và làn môi mềm mại mượt mà. Nàng mặc một tấm áo dài kiểu cổ, tao nhã, tha thướt, tô điểm bằng hình thêu hoa, và bàn chân nhỏ nhắn đến nỗi nàng dường như không trọng lượng khi lướt đi trên Vọng Hương Đài.

"Ta gọi những bài thơ mình để lại là Tàn thư," Hiểu Khánh nói bằng giọng nghe du dương như gió thoảng. "Có gì khác thường đâu chứ? Những người đàn ông viết về chúng ta gọi chúng ta là kẻ tương tư. Họ bảo chúng ta là giống ốm yếu, luôn đau đớn vì thiếu máu và cơ thể kiệt quệ. Kết quả là, họ kết luận, số phận chúng ta xứng với những gì chúng ta viết ra. Họ không hiểu rằng ngọn lửa không phải lúc nào cũng là tai nạn. Quá nhiều phụ nữ, và ta tính mình trong số đó, nghi ngờ những vần thơ và khả năng của mình, vì thế họ quyết định đốt tác phẩm mình viết đi. Đó là lý do vì sao rất nhiều tập thơ có tên giống hệt nhau."

Hiểu Khánh nhìn tôi, chờ tôi nói gì đó. Những nàng khác, cũng nhìn tôi mong đợi, giục giã tôi hãy lanh lợi hơn bằng ánh mắt ân cần.

"Tác phẩm của chúng ta không phải lúc nào cũng tàn phai như một giấc mộng xuân," tôi nói. "Một số vẫn còn lại ở trần gian, và người ta khóc khi đọc chúng."

"Có thể vạn năm nữa họ còn làm thế," con gái người lái buôn thêm vào.

Hiểu Khánh nhìn chúng tôi với ánh mắt thân thiết. "Vạn năm nữa," nàng lặp lại. Nàng rùng mình và không khí quanh nàng run rẩy đáp lại. "Đừng chắc chắn quá. Họ đang bắt đầu quên chúng ta rồi. Khi điều đó xảy ra..." Nàng đứng lên. Tấm áo dài bồng bềnh quanh người. Nàng gật đầu chào chúng tôi rồi lướt đi.

Họ vừa bỏ đi thì bà nội tới. Nhưng một bà lão thì có thể nói gì để an ủi tôi? "Chẳng có tình yêu đâu," bà ưa nói thế, "chỉ có bổn phận và trách nhiệm thôi." Những lời bà nói về chồng mình mình luôn gò bó trong bổn phận chứ không phải tình yêu hay thậm chí là sự quý mến.

Đau khổ và phiền muộn. Tôi lắng nghe bà nói, chẳng có gì đặc biệt cả, và quan sát việc sửa soạn đón năm mới ở nhà Nhân. Chàng trả những món nợ của gia đình; mẹ chàng quét tước và dọn dẹp; gia nhân chuẩn bị những món ăn đặc biệt; và bức tranh Táo Quân treo trên bếp lò được đốt để gửi tới đây bản báo cáo về những hành động tốt xấu của người trong nhà. Không có ý nghĩ nào về tôi hết.

Bất đắc dĩ, tôi quay lại nhìn nhà cha mẹ ruột. Cha đã từ nhiệm sở ở kinh thành trở về để thực hiện bổn phận hiếu nghĩa. Bảo, người đã làm em trai tôi trong bảy năm, đã lấy vợ. Thật thất vọng là vợ cậu ta đã liên tiếp sinh ba đứa con trai chết non. Hoặc do sự thất bại này hoặc do tính cách vốn đã yếu đuối, cậu ta đã nhiễm thói dành hầu hết thời gian ở cùng đám gái làng chơi dọc bờ Tây Hồ. Cha có vẻ như không hề lo lắng trước việc này khi ông cùng mẹ tới nghĩa trang của gia đình trong ngày Tất Niên để mời tổ tiên về ăn tết.

Cha mặc quan phục cấp cao. Biểu tượng thêu công phu trên ngực áo ông cho người ta biết phẩm cấp và tầm quan trọng của ông. Ông đã trở nên tự tin hơn nhiều so với hồi tôi là con gái trong nhà.

Mẹ hình như rất bất an. Nỗi buồn đã khiến bà già đi. Tóc bà điểm sợi bạc và đôi vai bà trông gầy gò mảnh khảnh.

"Mẹ cháu vẫn nhớ tới cháu," bà nội bảo. "Năm nay mẹ cháu sẽ phá vỡ truyền thống. Nó là một phụ nữ rất can đảm."

Tôi không thể hình dung rằng mẹ làm gì đó nằm ngoài Tam Tòng Tứ Đức.

"Cháu chết đi bỏ lại nó không con cái," bà nội tiếp tục. "Trái tim nó tràn đầy thương tiếc mỗi khi nó nhìn thấy một tập thơ hay ngửi thấy mùi hoa mẫu đơn. Những thứ đó nhắc nó nhớ đến cháu và là một gánh nặng trong lòng."

Tôi không muốn nghe điều này. Thế thì tôi được ích lợi gì chứ? Nhưng bà nội thường không chú ý tới cảm xúc của tôi.

"Ta ước gì cháu biết mẹ mình khi nó vừa được gả vào nhà ta," bà nội nói tiếp. "Nó mới chỉ mới mười bảy tuổi. Nó được học hành cẩn thận và nữ công gia chánh không chê vào đâu được. Bổn phận, trách nhiệm và phần thưởng của mẹ chồng là phàn nàn chê trách con dâu, nhưng mẹ cháu đã không để ta có quyền này. Ta không bận tâm. Ta có một nhà toàn con trai. Ta vui vì có nó bầu bạn. Ta dần không nghĩ nó là con dâu, mà là một người bạn. Cháu không thể tưởng tượng được bọn ta đã đi đâu và làm gì đâu."

"Mẹ cháu không ra bên ngoài ạ," tôi nhắc bà.

"Những ngày đó thì có," bà phản đối. "Trước khi nhà Minh bị lật đổ, mẹ cháu và ta đã nghi ngờ bản chất thực sự của thiên chức của một người phụ nữ. Đó là những môn nữ công truyền thống hay tính phiêu lưu, tính tò mò và một tâm hồn đẹp? Chính mẹ cháu chứ không phải cha cháu là người đầu tiên quan tâm đến các nữ thi sĩ. Cháu có biết điều đó không?"

Tôi lắc đầu.

"Mẹ cháu cảm thấy rằng trách nhiệm của phụ nữ là sưu tầm, biên tập, soạn thành hợp tuyển và phê bình tác phẩm của những người như mình," bà nội tiếp tục. "Bọn ta đã đi nhiều nơi để tìm kiếm những cuốn sách và tìm trải nghiệm."

Chuyện này có vẻ khó tin quá. "Bà và mẹ đi thế nào ạ? Đi bộ?" tôi hỏi, cố ngăn bà khỏi khoác lác nữa.

"Bọn ta tập đi bộ tại buồng riêng và tại các hành lang trong trang viên," bà trả lời, mỉm cười khi nhớ lại. "Bọn ta tập cho đôi gót sen vàng của mình trở nên dẻo dai để chúng không bị đau và cơn đau mà bọn ta còn cảm thấy được xoa dịu bằng niềm vui thích về những gì bọn ta thấy và thực hiện. Bọn ta tìm được những người đàn ông tự hào về phụ nữ trong gia đình họ đến nỗi đã xuất bản những tác phẩm họ viết để làm kỷ niệm về hạnh phúc gia đình, xây dựng truyền thống giáo dục cho gia đình, và vinh danh những người vợ người mẹ. Giống như cháu, mẹ cháu chất chứa trong lòng tất cả những gì nó ngốn ngấu đọc được, nhưng nó khiêm nhường với sáng tác của chính mình. Nó không chịu dùng giấy mực mà thích hòa phấn với nước rồi viết lên lá hơn. Nó không muốn để lại dấu vết gì cả."

Phía dưới chúng tôi, tết đã đến. Trong từ đường nhà chúng tôi, cha mẹ bày biện những khay thịt, rau, hoa quả và tôi quan sát khi da thịt bà nội bắt đầu căng ra. Sau nghi lễ, mẹ lấy ba xới cơm con con đem về buồng cũ của tôi và đặt lên bậu cửa sổ. Lần đầu tiên trong bảy năm trời tôi được cho ăn. Chỉ là ba xới cơm nhưng cũng đủ cho tôi khỏe lên.

Bà nội nhìn tôi gật đầu vẻ hiểu biết. "Ta đã bảo là nó vẫn yêu thương cháu mà."

"Nhưng sao lại là bây giờ ạ?"

Bà nội phớt lờ câu hỏi của tôi và tiếp tục đề tài trước đó với niềm hăm hở mới. "Mẹ cháu và ta đã dự các tiệc thơ tổ chức dưới ánh trăng rằm; bọn ta đi xem hoa nhài và hoa mai nở; bọn ta lên núi và dập lại những tấm bia dựng ở nơi Phật tử ẩn dật. Bọn ta thuê du thuyền đi trên Tây Hồ và dọc theo Đại Vận Hà. Bọn ta gặp các nữ họa sĩ nuôi gia đình mình bằng tranh họ vẽ. Bọn ta ăn tối với các nữ xạ thủ chuyên nghiệp và vui chơi với các nữ thân sĩ khác. Bọn ta chơi đàn, uống rượu lúc đêm khuya và làm thơ. Bọn ta đã vui vẻ, mẹ cháu và ta."

Khi tôi lắc đầu không tin, bà nhận xét, "Cháu không phải là cô gái đầu tiên không biết bản chất thật sự của mẹ mình." Bà có vẻ hài lòng với việc làm tôi ngạc nhiên nhưng sự hài lòng của bà không kéo dài. "Giống như nhiều phụ nữ vào những ngày ấy, bọn ta rất vui thú với thế giới bên ngoài, nhưng không hiểu gì về nó. Bọn ta viết thư pháp và tổ chức tiệc tùng. Bọn ta cười và ca hát. Bọn ta không chú ý đến quân Mãn Châu đang Nam tiến."

"Nhưng cha và ông nội biết chuyện gì sắp xảy ra ạ," tôi ngắt lời bà.

Bà nội khoanh chặt tay trên ngực. "Nhìn cha cháu kìa. Cháu nghĩ sao hả?"

Tôi do dự. Tôi đã trở lại hiện thực rằng cha là người không trung thành với hoàng đế nhà Minh, và cũng chẳng chung thủy với đứa con duy nhất. Việc ông không có những tỉnh cảm sâu đậm với tôi vẫn làm tôi đau đớn, song xúc cảm ấy không ngăn tôi quan sát ông. Không, không một chút nào. Chốn ngang ngạnh nào đó trong tôi muốn tôi nhìn ông. Quan sát cha giống như chọc vào một vết thương vậy. Tôi quay sang nhìn ông.

Trong những năm gần đây, khả năng của tôi đã tăng lên và giờ đây tôi có thể nhìn ra bên ngoài Hàng Châu. Như một phần bổn phận vào dịp tết Nguyên Đán, cha tôi về nông thôn thăm thú đất đai của mình. Tôi không chỉ đã đọc cảnh "Khuyến nông" trong vở Mẫu Đơn Đình mà còn được xem trình diễn trong hoa viên nhà chúng tôi. Giờ đây những gì tôi nhìn thấy là một hình ảnh phản chiếu. Nông dân, ngư dân và thợ dệt lụa mang mời ông những món ăn do đầu bếp giỏi nhất của mỗi làng chuẩn bị. Nghệ sĩ nhào lộn uốn người qua lại. Nhạc công chơi đàn. Những cô gái nông dân chân to nhảy múa và ca hát. Cha tôi khen ngợi đám người làm và lệnh cho họ cống nạp những mùa vụ bội thu hoa màu, tôm cá và tơ lụa trong năm tới.

Mặc đầu đã vỡ mộng với cha, tôi vẫn hy vọng phát hiện ra rằng mình nhầm lẫn và cha là người nhân đức. Dù sao thì tôi đã nghe kể về đất đai nhà chúng tôi và những người làm công ở đó trong nhiều năm. Nhưng những gì tôi trông thấy chỉ là sự bần hàn cực độ. Đàn ông gầy gò và quắt queo vì lao động. Đàn bà tốn cả đời để chở nước, sinh con, giữ gìn nhà cửa, quay tơ, dệt vải, khâu giày và nấu ăn. Bọn trẻ còi cọc so với tuổi và mặc quần áo anh chị chúng để lại. Nhiều đứa cũng lao động. Bọn con trai ở ngoài đồng trong khi các chị em gái của chúng dùng những ngón tay trần gỡ kén tằm trong nước sôi. Với những người này, mục đích duy nhất của cuộc đời là cống nạp cho cha tôi và những ngưòi sống trong Trần phủ.

Cha tôi dừng lại tại nhà ông trưởng làng Cổ Đương. Người chồng là một người họ Tiền giống như tất cả những người sống ở làng này. Người vợ không giống những phụ nữ khác. Bà ta bó chân và chăm sóc mình như thể bà ta xuất thân từ tầng lớp thân sĩ. Lời lẽ của bà lịch sự và không khúm núm trước cha tôi. Bà bế một đứa trẻ trên tay.

Cha tôi vặn một bím tóc của đứa trẻ và bảo, "Đứa này thật xinh xắn."

Tiền phu nhân bước lùi khỏi tầm với của cha tôi.

"Nghi là con gái, một nhánh vô dụng khác trong cây gia phả," người chồng nói.

"Bốn đứa con gái," cha tôi nói với vẻ thông cảm. "Và giờ là đứa thứ năm. Anh không may mắn rồi."

Tôi ghét phải nghe những lời lẽ huỵch toẹt này. Nhưng liệu chúng có tệ hơn những gì tôi đã trải qua không? Cha đã tươi cười khi nói chuyện với tôi, nhưng có vẻ như với ông tôi cũng chỉ là một nhánh vô dụng trong cây gia phả mà thôi.

Cảm thấy mất mát, tôi nhìn bà nội.

"Không," tôi nói. "Cháu không nghĩ là cha sẽ chú ý tới bất cứ cái gì ngoài việc làm ăn đâu."

Bà gật đầu buồn bã. "Ông nội cháu cũng vậy đấy."

Mặc dù bà nội đã tới thăm tôi trong nhiều năm, tôi vẫn thận trọng không hỏi bà vài câu nhất định. Phần vì tôi e ngại tâm trạng không thể lường trước của bà, phần vì tôi không muốn tỏ ra bất hiếu và phần vì không muốn biết câu trả lời. Nhưng tôi đã chẳng biết gì lâu quá rồi. Tôi hít một hơi sâu và tuôn ra những câu hỏi, sợ rằng mình không thể sống sót trước những sự thật của bà, bất kể chúng là gì.

"Tại sao bà chưa bao giờ dẫn ông nội tới thăm cháu ạ? Có phải vì cháu là con gái không ạ?" Tôi hỏi, và nhớ lại rằng hồi mình còn bé ông đã chẳng mấy quan tâm tới mình.

"Ông ấy đang ở trong ngục," bà trả lời với vẻ cộc cằn thường lệ.

Tôi cho đây là nỗi cay đắng thường tình của người vợ. "Thế còn các chú của cháu ạ? Tại sao họ không tới?"

"Chúng đã chết xa nhà." Bà bảo và lần này giọng chỉ buồn rầu chứ không còn cáu kỉnh. "Không có ai tảo mộ cho chúng. Chúng lang thang ở trần gian làm ma đói."

Tôi co rúm người lại. "Ma đói là giống khủng khiếp kinh tởm." Tôi nói. "Làm sao chúng ta lại có giống ấy trong nhà được?"

"Cuối cùng cháu đã hỏi câu này ư?"

Sự nóng nảy của bà thật dễ nhận ra, tôi lùi ra xa hơn. Ở trên trần gian, liệu bà có đối xử với tôi như với một đứa con gái tầm thường không? Hay bà sẽ chiều chuộng tôi bằng kẹo vừng và những đồ châu báu nho nhỏ trong đám hồi môn của bà?

"Mẫu Đơn," bà tiếp tục, "Ta thương cháu. Ta hy vọng cháu biết điều đó. Ta đã lắng nghe cháu khi sống. Ta đã cố phù hộ cháu. Nhưng bảy năm qua khiến ta băn khoăn. Cháu chỉ là một đứa con gái tương tư hay có gì đó khác trong con người cháu nữa?"

Tôi mím môi quay đi. Tôi đã đúng khi giữ một khoảng cách lễ phép. Bà nội và mẹ có thể đã là bạn, nhưng hình như bà nội cũng coi tôi chẳng hơn gì một nhánh vô dụng trong cây gia phả.

"Ta vui vì có cháu trên Vọng Hương Đài này," bà tiếp tục. "Trong nhiều năm, ta đã tới đây để tìm các con trai mình. Và trong bảy năm vừa qua, ta có cháu ở bên. Chúng ở đâu đó dưới kia," bà chỉ xuống vùng đất phía dưới chúng tôi bằng ống tay áo thủy tụ dài, "đang lang thang làm ma đói. Hai mươi năm qua ta chưa tìm thấy chúng."

"Chuyện gì xảy ra với họ thế ạ?"

"Chúng chết trong Đại biến."

"Cha đã kể với cháu."

"Nó không nói với cháu sự thật." Mắt bà nheo lại và bà khoanh ống tay áo trên ngực. Tôi chờ đợi. Bà nội nói, "Cháu sẽ không thích chuyện này đâu."

Tôi không nói gì và một hồi lâu, cả bà và tôi đều không nói gì.

"Vào cái ngày ta và cháu gặp nhau lần đầu tiên ở đây," bà bắt đầu, "cháu đã nói rằng ta không giống với bức chân dung. Sự thật là, ta không giống một chút nào so với điều cháu được nghe. Ta không khoan dung với tỳ thiếp của chồng. Ta ghét bọn họ. Và ta không tự vẫn."

Bà liếc nhìn, nhưng tôi giữ vẻ mặt thản nhiên và bình tĩnh.

"Cháu cần phải hiểu, Mẫu Đơn ạ, rằng sự kết thúc của triều Minh vừa khủng khiếp vừa tuyệt vời. Xã hội thì suy sụp, triều chính hủ bại, tiền bạc ở khắp mọi nơi và không ai chú ý tới phụ nữ cả, thế nên mẹ cháu và ta đã ra bên ngoài và làm được nhiều việc. Như ta kể với cháu, bọn ta đã gặp những người vợ người mẹ khác: những người phụ nữ quản lý điền trang và việc làm ăn của gia tộc, các giáo viên, biên tập viên và thậm chí một số kỹ nữ. Bọn ta được đem đến với nhau giữa một thế giới đang hủ bại và tìm thấy ở nhau tình bạn. Bọn ta quên đi chuyện thêu thùa và những việc vặt trong nhà. Bọn ta rót đầy tâm trí mình bằng những lời lẽ và hình ảnh đẹp đẽ. Bọn ta đã chia sẻ niềm vui và nỗi buồn, bi kịch và thắng lợi với những phụ nữ cách xa mình về không gian và thời đại. Những thứ chúng ta đọc, chúng ta viết cho phép chúng ta tạo nên một thế giới của riêng mình, và nó trái ngược với những gì chồng, cha và con trai chúng ta mong muốn. Một số người đàn ông, như cha và ông nội cháu, bị sự thay đổi này hấp dẫn. Thế nên khi ông nội cháu nhận chức ở Dương Châu, ta đã đi cùng ông ấy. Bọn ta sống trong một trang viên dễ thương, không lớn bằng nhà ở Hàng Châu nhưng rộng rãi và có nhiều sân. Mẹ cháu thường xuyên tới thăm. Ôi, chúng ta đã có những cuộc phiêu lưu!

"Một trong những lần đó, cha mẹ cháu đi chung. Hai đứa nó tới nơi vào ngày hai mươi tháng tư. Bọn ta đã có bốn ngày tuyệt vời cùng nhau yến tiệc, uống rượu, vui cười. Không ai trong bọn ta, ngay cả cha và ông nội cháu, nghĩ gì về thế giới bên ngoài. Rồi ngày hai mươi nhăm, quân Mãn Châu tiến vào thành. Trong năm ngày, chúng đã giết hại hơn tám vạn người."

Khi bà nội kể chuyện, tôi bắt đầu cảm thấy như thể tôi đã ở bên cạnh bà khi ấy. Tôi nghe thấy tiếng lanh canh của gươm giáo, tiếng loảng xoảng của mộc đập vào mộc và mũ sắt đập vào mũ sắt, tiếng ngựa gõ móng trên đá cuội và tiếng thét khủng khiếp của dân chúng trong khi họ tìm nơi an toàn mà chẳng có nơi nào cả. Tôi ngửi thấy khói khi nhà cửa và dinh thự bị cháy. Và tôi bắt đầu ngửi thấy mùi máu.

"Mọi người hoảng loạn," bà nội nhớ lại. "Nhiều gia đình trèo lên mái nhà nhưng ngói vỡ vụn và nhiều người ngã chết. Một số người trốn dưới giếng, chỉ để chết đuối mà thôi. Một số người đầu hàng nhưng đó là một sai lầm nghiêm trọng: đàn ông mất đầu còn phụ nữ bị hãm hiếp đến chết. Ông nội cháu là quan. Lẽ ra ông ấy phải cố giúp dân. Thay vào đó ông lệnh cho gia nhân đưa những bộ quần áo rách rưới của chúng cho bọn ta. Bọn ta thay đồ, rồi đám tỳ thiếp, các con trai ta, cha mẹ cháu, ông nội cháu và ta tới một nhà nhỏ phía ngoài để trốn. Ông cháu đưa cho đám phụ nữ bạc và ngọc quý để khâu vào quần áo như nhiều người khác để giữ tài sản và có thể mua tự do, trong khi đàn ông nhét những miếng vàng vào búi tóc, hài và đai lưng. Đêm đầu tiên, bọn ta trốn trong bóng tối, nghe tiếng người bị giết. Tiếng kêu khóc của những người không bị chém nhanh chết chóng mà phải đau đớn hàng giờ cho đến khi máu chảy cạn nghe rất thương tâm.

"Đêm thứ hai, khi quân Mãn Châu tàn sát gia nhân nhà chúng ta ở sân chính, chồng ta nhắc ta và đám tỳ thiếp của ông ấy rằng bọn ta sắp phải bảo vệ tiết hạnh của mình bằng mạng sống và mọi phụ nữ phải chuẩn bị hy sinh vì chồng và con trai. Bọn tỳ thiếp vẫn còn lo lắng cho số phận áo dài, son phấn, châu báu và đồ trang sức của họ nhưng ta và mẹ cháu không cần nghe lời nhắc nhở này. Bọn ta biết bổn phận của mình. Chúng ta đã được chuẩn bị để làm điều đúng đắn."

Bà nội im lặng trong giây lát rồi kể tiếp. "Lính Mãn Châu cướp phá trang viên. Biết rằng cuối cùng chúng sẽ đến nhà ngoài, ông nội cháu lệnh cho bọn ta trèo lên mái, một cách đã đưa tới cái chết cho nhiều gia đình. Song bọn ta đã vâng lời. Bọn ta ở cả đêm dưới trời mưa như trút nước. Khi bình minh ló rạng, lính Mãn Châu phát hiện thấy bọn ta túm tụm trên mái. Khi bọn ta không chịu xuống, bọn chúng đốt nhà. Bọn ta liền trườn xuống đất thật nhanh.

"Khi chân bọn ta chạm đất," bà nội kể tiếp, "lẽ ra chúng đã giết bọn ta nhưng chúng không làm thế. Chúng ta có thể cảm ơn đám tỳ thiếp về chuyện này. Tóc họ đã bung ra. Vì không quen với những quần áo thô ráp đến thế nên họ đã nới lỏng chúng ra. Giống như tất cả, họ bị ướt sũng và sức nặng của nước đã kéo áo họ tuột khỏi ngực. Điều đó, cùng với những giọt nước mắt trên mi, khiến họ trông rất quyến rũ và bọn lính quyết định để bọn ta sống. Đàn ông bị dồn vào một cái sân sát ngay đó. Bọn lính dùng dây thừng trói cổ những người phụ nữ lại với nhau cứ như bọn ta là một xâu cá rồi dẫn bọn ta ra phố. Trẻ sơ sinh nằm la liệt trên đất. Những gót sen vàng, mà ta và mẹ cháu đã cố gắng rất nhiều để làm cho dẻo dai, trượt trong máu và các bộ phận cơ thể nát bấy của những người bị giẫm đạp đến chết. Bọn ta bước cạnh một kênh đào đầy những xác chết lềnh bềnh. Bọn ta vượt qua hàng núi lụa, gấm đã bị cướp bóc. Bọn ta đến một trang viên khác. Khi bước vào, bọn ta thấy chừng một trăm phụ nữ trần truồng, ướt át, nhơ nhớp, kêu khóc. Bọn ta thấy lũ đàn ông kéo những người phụ nữ ra khỏi cái đám run rẩy đó và làm nhục họ, giữa thanh thiên bạch nhật, trước mặt mọi người, không đếm xỉa gì đến lễ nghĩa liêm sỉ cả."

Tôi nghe trong nỗi khiếp đảm. Tôi cảm thấy tủi nhục kinh khủng khi mẹ tôi, bà nội và các tỳ thiếp bị bảo phải cởi đồ và mưa quất vào thân thể lõa lồ của họ. Tôi ở bên cạnh mẹ khi bà dẫn đầu và bò vào giữa đám đông một cách an toàn, mẹ vẫn bị dây thừng trói cổ với mẹ chồng và các tỳ thiếp. Tôi thấy phụ nữ trong tình huống đó không còn là người nữa. Phân và bùn ở khắp nơi và mẹ tôi dùng chúng để bôi lên mặt mũi và thân thể những người phụ nữ trong gia đình. Suốt cả ngày họ cứ người nọ giữ chắc lấy người kia, luôn lẩn vào giữa khi những phụ nữ ở ngoài rìa bị chộp lấy, hãm hiếp và giết chết.

"Bọn lính say xỉn và bận rộn," bà nội kể tiếp. "Nếu có thể tự vẫn được thì ta đã làm rồi vì ta được dạy quý trọng tiết hạnh của mình trên tất cả. Ở các khu phố khác, phụ nữ treo cổ và tự cứa vào họng. Những người khác nhốt mình trong buồng và phóng hỏa. Bằng cách này, tất cả phụ nữ trong nhà, lũ trẻ sơ sinh, các bé gái, các mẹ, các bà, đều bị thiêu chết. Về sau họ sẽ được tôn sùng như những người hy sinh vì nghĩa. Một số gia tộc sẽ tranh cãi xem người này hay người kia đã tự tận để giữ tiết hạnh, vì họ biết người Mãn Châu sẽ vinh danh những người phụ nữ ấy. Bọn ta được dạy rằng chỉ bằng cái chết bọn ta mới có thể giữ gìn được đức hạnh và sự toàn vẹn, nhưng mẹ cháu thì khác. Nó không định chết và cũng không để mình hay bất cứ ai trong bọn ta bị hãm hiếp. Nó bắt bọn ta bò qua những phụ nữ trần truồng khác cho tới khi đến được phía sau, và bằng ý chí sắt đá của mình, nó thuyết phục bọn ta cố gắng trốn thoát qua lối nhà tiêu của trang viên. Bọn ta đã làm và thoát ra được bên ngoài. Đuốc thắp sáng trưng trên các con phố và bọn ta cùng chạy vụt từ ngõ tối này qua ngõ tối khác như lũ chuột. Bọn ta dừng lại khi cho rằng đã an toàn, cởi dây thừng trói cổ, lột quần áo của người chết mà mặc. Vài lần, bọn ta phủ phục xuống đất, vồ lấy những lòng ruột long ra xếp lên người mình để giả dạng xác chết. Mẹ cháu khăng khăng đòi bọn ta trở lại tìm cha cháu và ông nội. ‘Đó là bổn phận của chúng ta,’ nó vẫn nó thế ngay cả khi lòng can đảm của ta nao núng và đám tỳ thiếp kêu khóc thút thít."

Bà nội ngừng lại một lần nữa. Tôi biết ơn bà. Tôi quay cuồng vì những gì mình nhìn thấy, cảm thấy và nghe thấy. Tôi cố kìm lại những giọt nước mắt thương mẹ. Bà đã thật can đảm và đã chịu đựng quá nhiều, và bà đã giữ bí mật tất cả những điều ấy với tôi.

"Vào buổi sáng ngày thứ tư," bà nội kể tiếp, "bọn ta về được trang viên và thật kỳ diệu, bọn ta đã tìm được đường tới vọng đình dành cho các cô gái, và mẹ cháu chắc chắn rằng chỗ ấy sẽ không bị chú ý. Bọn ta dùng chốn ấy với mục đích vốn có của nó, để quan sát nhưng không bị nhìn thấy. Mẹ cháu bịt tay lên miệng ta để chặn tiếng thét khi bọn ta thấy hai đứa con trai thứ sáu và thứ bảy của ta bị kiếm chém thành từng mảnh rồi bị kéo ra ngoài phố trước trang viên, ở đó, giống như rất nhiều người khác, bị giẫm đạp cho đến khi không còn lại gì ngoài đống bấy nhầy và những mảnh xương. Mắt ta khô rang vì khiếp đảm."

Các chú tôi đã trở thành ma đói như thế đấy. Không còn thân xác, họ không thể được chôn cất đúng nghi thức. Ba phần hồn của họ vẫn lang thang và không thể hoàn thành hành trình của mình, không thể tìm được nơi an nghỉ. Nước mắt nhỏ xuống má bà nội và tôi cũng để nước mắt mình trào ra. Dưới trần gian bên dưới chúng tôi, một cơn bão khủng khiếp ập xuống Hàng Châu.

"Mẹ cháu không thể ngồi mà đợi," bà nội nhớ lại. "Nó phải làm gì đó, với đôi tay trần, nếu không có thứ nào khác. Ít nhất là ta nghĩ thế. Nó yêu cầu bọn ta dò tìm trong quần áo xem liệu chủ nhân trước đó có giấu thứ gì trong các đường may không, rồi bảo bọn ta xé những nếp may có giấu ngọc ngà vàng bạc. Sau khi bọn ta đã làm vậy, nó giơ tay thu lấy những mảnh lấp lánh đó. ‘Hãy ở lại đây’, nó bảo. ‘Con sẽ tìm cứu viện đến.’ Rồi trước khi bất cứ ai kịp ngăn lại, bọn ta tê liệt vì sợ hãi và đau buồn, nó đứng lên và bước ra ngoài."

Tôi thấy buồn nôn và đầy khiếp đảm.

"Một giờ sau, cha cháu và ông nội đến chỗ bọn ta," bà nội nói. "Họ đã bị đánh đập và trông họ rất khiếp sợ. Đám tỳ thiếp phủ phục dưới chân ông nội, khóc nức nở và quằn quại dưới đất. Họ chỉ biết gây gầm ĩ, để thu hút sự chú ý. Ta chưa từng yêu ông nội cháu. Đó là một cuộc hôn nhân sắp đặt. Ông ấy thực hiện bổn phận của mình, ta thực hiện bổn phận của ta. Ông ấy có công việc riêng và để yên cho ta theo đuổi những sở thích riêng. Nhưng vào lúc đó ta chẳng cảm thấy gì ngoài sự khinh thường ông ấy, vì ta thấy một phần trong ông ấy, trong tình huống khủng khiếp tột cùng đó, thích thú quan sát lũ đàn bà xinh đẹp đang trườn khắp chân mình như những con rắn trơn tuột."

"Thế còn cha cháu ạ?"

"Nó không nói một lời, nhưng nó mang bộ mặt không bà mẹ nào nên nhìn, nỗi ân hận vì đã bỏ mẹ cháu lại phía sau hòa lẫn với mong muốn sống sót. ‘Mau lên!’ nó bảo, ‘Chúng ta phải đi nhanh lên.’ Và bọn ta vâng lời vì bọn ta là phụ nữ và lúc ấy đã có những người đàn ông bảo bọn ta phải làm gì."

"Nhưng mẹ cháu ở đâu ạ? Chuyện gì xảy ra với mẹ?"

Nhưng bà nội đang hồi tưởng lại những gì xảy ra tiếp theo. Khi bà nói tiếp, tôi tìm kiếm mẹ, nhưng vẫn không thấy đâu. Có vẻ như tôi chỉ có thể theo dõi câu chuyện này qua cặp mắt của bà nội.

"Bọn ta rón rén xuống lầu. Có thể mẹ cháu đã mua được tự do của cha cháu và ông nội nhưng thế không có nghĩa là bọn ta được an toàn. Bọn ta men theo một con đường được xếp bằng đầu người đến phía sau trang viên, bọn ta giữ lạc đà và ngựa trong bãi quây súc vật ở đó. Bọn ta bò dưới bụng các con vật qua những rác rưởi, máu và xác chết rữa. Bọn ta không dám mạo hiểm trở ra phố nên bọn ta chờ đợi. Vài giờ sau, bọn ta nghe thấy tiếng người tới. Lũ tỳ thiếp hoảng sợ. Họ trườn ngược trở lại xuống dưới bụng lạc đà và ngựa. Những người còn lại quyết định trốn trong một đống rơm."

Giọng bà nội nghẹn lại vì nỗi cay đắng khi hồi tưởng lại. "‘Tôi biết mối lo trước tiên của bà là tôi và con trai lớn của chúng ta,’ ông nội cháu bảo ta. ‘Cái miệng này của ta muốn tiếp tục ăn uống thêm vài năm nữa. Sẽ thật tốt cho bà khi chọn cái chết, bảo vệ tiết hạnh của mình và cứu chồng cùng con trai.’"

Bà nội hắng giọng và nhổ nước bọt, "tiếp tục ăn thêm vài năm nữa! Ta biết bổn phận của mình và ta sẽ làm điều đúng đắn nhưng ta ghét phải hy sinh vì người đàn ông ích kỷ đó. Ông ấy trốn ở phía sau đống rơm, cha cháu nấp sau ông ấy. Là một người vợ và một người mẹ, ta có vinh hạnh nằm lên phía trên bọn họ. Ta căng người ra hết mức. Bọn lính vào. Chúng không ngu ngốc. Chúng đã giết chóc bốn ngày nay rồi. Chúng dùng giáo đâm vào đống rơm. Chúng đâm đi đâm lại cho đến khi ta chết nhưng ta đã cứu được chồng và con trai, ta bảo toàn được tiết hạnh của mình và hiểu ra rằng ta có thể bị đem ra làm vật hy sinh."

Bà nội nới lỏng áo dài và lần đầu tiên bà kéo ống tay áo thủy tụ lên. Người bà chằng chịt sẹo.

"Rồi ta bay qua bầu trời," bà kể, một nụ cười nhẹ nhõm nở trên khuôn mặt.

"Bọn lính đã phát chán và bỏ đi. Ông nội và cha cháu vẫn trốn thêm một ngày đêm nữa cùng với thi thể lạnh ngắt của ta làm vật che chở, trong khi đám tỳ thiếp lui về một góc lặng thinh nhìn chòng chọc hàng giờ vào đống rơm đẫm máu. Rồi như thế đó, cuộc giáo huấn của bọn Mãn Châu chấm dứt. Ông nội và cha cháu bò ra khỏi đống rơm. Đám tỳ thiếp lau rửa và bọc thi thể ta lại. Ông nội và cha cháu thực hiện tất cả các nghi lễ hợp thức để ta được thờ trong từ đường, và cuối cùng họ mang ta về Hàng Châu chôn cất. Ta được tôn xưng như một người hy sinh vì nghĩa." Bà khịt mũi. "Đây là một kiểu tuyên truyền của bọn Mãn Châu mà ông nội cháu sung sướng đón nhận." Bà nhìn quanh Vọng Hương Đài với ánh mắt đánh giá. "Ta nghĩ mình đã tìm được một ngôi nhà tốt hơn."

"Nhưng họ đã lợi dụng sự hy sinh của bà!" Tôi phẫn nộ nói. "Họ để bọn Mãn Châu thỏa sức ca ngợi bà, vậy là họ không phải thừa nhận sự thật."

Bà nội nhìn tôi như thể tôi vẫn không hiểu. Và đúng là như thế.

"Họ làm điều gì đúng đắn," bà công nhận. "Ông nội cháu làm những việc đúng đắn và hợp lý vì cả gia tộc, vì phụ nữ không có giá trị. Cháu vẫn không muốn chấp nhận điều này."

Tôi lại thêm thất vọng về cha. Ông chẳng nói với tôi bất cứ điều gì giống sự thật về chuyện xảy ra trong Đại biến. Ngay cả khi tôi sắp chết và ông đến bên tôi để cầu xin sự tha thứ từ những người em của mình, ông cũng không nhắc chuyện bà nội đã cứu sống ông. Ông không xin bà xá tội hay gửi lời cảm ơn bà.

"Nhưng cháu đừng nghĩ là ta vui sướng với kết quả đó," bà nói tiếp. "Bảng tiết hạnh khả phong của ta đã đem lại cho con cháu ta nhiều phần thưởng. Gia tộc chúng ta giàu có hơn bao giờ hết và chức vụ mới của cha cháu rất thế lực, song trong nhà vẫn thiếu cái gì đó mà tất cả đều mong mỏi ghê gớm. Thế không có nghĩa là ta phải cho chúng cái đó."

"Con trai ạ?" tôi hỏi. Tôi giận dữ thay cho bà tôi, nhưng có đúng là bà đã từ chối ban cho gia tộc tôi báu vật quan trọng nhất này chăng?

"Ta không coi đó là báo thù hay trừng phạt," bà thổ lộ. "Chẳng qua là vì tất cả những người có giá trị thực sự và được vinh danh trong gia đình ta đều là phụ nữ. Các cô con gái của chúng ta bị cho ra rìa đã quá lâu rồi. Ta nghĩ rằng nhờ có cháu điều đó có thể thay đổi."

Tôi thấy kinh sợ. Sao bà nội tôi có thể độc ác và hận thù đến nỗi ngăn cản gia đình tôi có con trai? Tôi chẳng buồn để ý đến các phép tắc cư xử và gặng hỏi, "Thế ông nội ở đâu ạ? Tại sao ông không ban con trai cho gia tộc?"

"Ta đã nói rồi. Ông ấy đang ở trong ngục. Nhưng dù cho ông ấy ở cạnh ta ngay bây giờ, ông ấy cũng chẳng có quyền hành trong chuyện này. Chuyện trong nội đường là thuộc về phụ nữ. Những người đàn bà khác trong gia đình ta, ngay cả mẹ chồng ta, đã thuận theo mong muốn của ta, bởi vì ngay cả ở đây ta cũng được tôn sùng vì sự hy sinh của mình."

Đôi mắt bà nội trong sáng và bình thản. Nhưng tôi bị giày vò và giằng xé bởi những cảm xúc trái ngược. Tôi thật sự không hiểu nổi tất cả những chuyện này. Tôi có những người chú mòn mỏi ở trần gian làm ma đói, một người ông đang chịu đựng ở một địa ngục tối tăm đau đớn và một người bà ít khoan dung đến nỗi đang khiến cả gia đình phải chịu dày vò khi không ban cho chúng tôi con trai. Nhưng trên tất cả, tôi không thể ngừng nghĩ về mẹ.

"Bà phải thấy mẹ cháu sau khi bà chết chứ ạ," tôi nhắc. "Khi linh hồn bà đang lang thang."

"Lần cuối cùng ta thấy nó là khi nó bỏ lại bọn ta trong cái đêm khủng khiếp với đầy bạc và châu ngọc. Ta không gặp lại nó nữa cho tới khi ta tới Vọng Hương Đài này, năm tuần sau khi ta chết. Nhưng đến lúc đó thì cả nhà đã về đến Trần gia trang và nó đã thay đổi. Nó trở thành người đàn bà như mẹ cháu bây giờ, tôn trọng triệt để những lề thói cũ, e sợ đến nỗi không dám ra ngoài, từ bỏ văn chương sách vở và không còn khả năng cảm nhận và thể hiện tình yêu. Từ lần đó mẹ cháu chưa bao giờ nói về Đại biến, nên ta không thể tới đó cùng nó trong tâm tưởng được."

Tôi quay lại với ý nghĩ tại sao hôm nay bà nội tới đây. Nước mắt lăn xuống má khi tôi nghĩ về cái chết lúc còn thơ của hai chú. Bà nội cầm lấy tay và nhìn tôi với vẻ rất ân cần.

"Mẫu Đơn, cháu gái yêu của ta, nếu cháu đặt câu hỏi, ta sẽ giúp cháu tìm câu trả lời."

"Cháu là gì ạ?"

"Ta nghĩ là cháu biết."

Các chú tôi đã không được yên nghỉ vì họ không được chôn cất đúng nghi thức; tôi không thể ra khỏi Vọng Hương Đài vì bài vị chưa được điểm. Ba chúng tôi đã bị khước từ những nghi lễ chôn cất đúng với cách thức. Với chúng tôi, ngay cả đường tới địa ngục cũng bị từ chối. Giờ đây, khi lời bật khỏi miệng, chút mù quáng cuối cùng trong tôi tan biến.

"Cháu là ma đói."


/24

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status