Thực Tâm Giả

Chương 09

/36


Phương Đăng nhận mảnh gương, nhưng lại không cầm về. Cũng giống như khi Phó Kính Thù vì cô mà trồng chậu hoa mỹ nhân, tất cả đều là đồ quý, tuy nhiên cô lại không thể giữ bên mình, nhất là mảnh gương này nhìn qua còn đáng giá vài đồng, cô nghĩ nếu nó rơi vào tay người khác, có thể bị đem đổi lấy tiền uống rượu cũng nên.

Cô để Phó Kính Thù giữ lấy mảnh gương, thay mặt cô mà bảo quản, nói không chừng một ngày nào đó điều kiện cho phép, cô sẽ đến tìm anh mà lấy về. Thật ra thì Phương Đăng cũng có ý, cô muốn mỗi khi Phó Kính Thù nhìn thấy mảnh gương này sẽ nghĩ đến cô cô Chu Nhan… rồi tiện đó mà nghĩ đến mình. Cũng giống như giữa cô và anh có thứ gì đó ràng buộc với nhau, so với quan hệ máu mủ còn tuyệt vời hơn rất nhiều. Chữ khắc trên gương “không xa không rời” với cô mà nói giống như một lời nguyền ma mị khó lòng kháng cự.

Sau khi cơn sốt hạ, tinh thần Phó Kính Thù cũng chuyển biến tốt hơn, nghe lời Phương Đăng anh không vội đến trường, ở nhà nghỉ ngơi thêm một ngày, nếu phát hiện cơn sốt tái phát phải lập tức đến sở y tế chẩn đoán, sau khi nhìn anh uống thuốc cảm xong, Phương Đăng mới chịu quay về lo chuyện của mình.

Mặc dù đã sớm biết sau khi quay về sẽ không tránh khỏi bị dày vò, vậy mà khi Phương Đăng vừa đẩy cửa gác trọ, còn chưa kịp bước vào liền bị một vật gì đó xẹt gió bay thẳng vào mặt khiến cô hoảng hồn. Theo bản năng cô quay người tránh, vỏ chai rượu đập vào sau vách hành lang rơi xuống vỡ vụn.

“Mày chết bên ngoài thì tốt rồi, sao còn dám quay về.” Phương Học Nông gân cổ hét.

Khi xác định trong tay ông không có “hung khí”, Phương Đăng mới lắc mình vào nhà, mỉa mai cãi lại: “Tôi không về cha có đồ ngon để ăn sao? Sớm muộn gì cũng chết đói”.

“Mày nói đi, đã làm gì bên ngoài?”

“Ở nhà bạn học một đêm”

“Đồ thối tha, mày dám gạt ông sao”. Phương Học Nông giận dữ chỉ ra ngoài cửa sổ nói: “Tao chính mắt thấy mày từ nhà đối diện bước ra. Đồ không biết xấu hổ, có chết thì chết sớm đi, đừng làm chuyện dơ bẩn trước mắt tao”.

Phương Đăng nghe cha nói bóng gió, biết ông nghĩ mình đã làm chuyện không hay, gò má đỏ hồng lên, giải thích: “Cha đừng nói bậy, tại anh ta bệnh, lão Thôi không có nhà, tôi chỉ chăm sóc anh ta một chút thì sao chứ?”

“Sống chết của hắn có quan hệ gì đến mày, chết đi thì tốt!”

Có một điều Phương Đăng vẫn luôn không hiểu, cha cô tuy là kẻ vô lại, nhưng thường này trừ để ý chó mèo tè bậy cũng ít khi quan tâm chuyện người khác. Phó gia, hay nói đúng hơn là Phó Kính Thù đối với ông như một điều cấm kị, chẳng có tí gì liên quan, nhưng chỉ chút chuyện cũng làm ông phẫn nộ, sự căm hận tột cùng đến vậy từ đâu mà có?

“Rốt cuộc anh ta đắc tội gì với cha?” Phương Đăng quyết định nói lời khiêu khích, làm cho rõ ràng mọi chuyện: “Coi như cha anh ta Phó Duy Nhẫn có lỗi với cô cô đi, nhưng nói thế nào anh ta cũng là con trai ruột của cô cô, là họ hàng của cha! Mười mấy năm qua, năm hết tết đến cha cũng không quay về đảo, anh ta làm gì có lỗi với cha?”

“Tao khinh, đồ tiểu tạp chủng!” Phương Học Nông vẫn nói gay gắt như cũ.

Phương Đăng bực bội nói: “Cha mắng anh ta là tạp chủng, thì cũng như mắng cô cô Chu Nhan, trừ phi anh ta không phải là con trai của cô cô”.

Phương Học Nông thở hồng hộc, không trả lời, một lát sau khi Phương Đăng ôm cặp táp chuẩn bị đi học, ông lại không nhịn nổi mà lên tiếng: “Đừng để tao nhìn thấy mày và hắn ta ở cùng một chỗ, đồ con gái ngả ngớn, mày nghĩ gì tưởng tao không biết hả? Có bản lĩnh đến đâu cũng là đồ tiểu tạp chủng, chi bằng ra ngoài kiếm chút tiền cho ông thì tốt!”

Nghe mấy lời này, Phương Đăng thấy rất chói tai, cô cầm cặp táp đổ xuống đất, sách vở bút viết rơi đầy. Cô đỏ mắt lớn tiếng hỏi ngược lại: “Thế nào là làm ra tiền cho cha, giống như cô cô Chu Nhan vậy sao? Cha có phải là đàn ông không, có phải là người không! Cầm những đồng tiền đó trong tay cha không cảm thấy mình là đồ phế vật sao! Khó trách lúc còn sống cô cô coi thường cha, cô cô nói chết đi mới dứt, chết đi rồi có thể thoát khỏi cha!”

Sự bùng nổ nhất thời của Phương Đăng lúc này khiến cho Phương Học Nông kinh hãi, ông ngồi trên giường tre, mặt mũi đờ đẫn, giống như không nghe những lời lên án của con gái, vừa như đang suy nghĩ ý nghĩa trong lời nói của cô.

“Nó nói vậy sao?” Một hồi lâu, ông mới đưa đôi mắt đục ngầu nhìn thẳng vào Phương Đăng mà hỏi.

“Không chỉ cô cô nói, tôi cũng nghĩ cha như vậy. Cả ngày cha mắng người khác là tạp chủng, vậy còn cha là gì hứ? Cha là người đàn ông xấu xa nhất mà tôi biết! Tôi và cô cô đời này xui xẻo nhất chính là gặp phải con quỷ hút máu người như cha! Cha đã cho tôi cái gì? Trừ cái mạng này. Còn chai rượu nào không, cha đập đi, đánh chết tôi đi, đánh ạnh vào, tôi đi cùng cô cô Chu Nhan cũng được, chúng tôi ghê tởm chỉ muốn tránh xa cha!”

Phương Đăng vừa rơi nước mắt vừa nói những câu này, Phương Học Nông không nhúc nhích, như một pho tượng đất sét. Cô không muốn ở trước mặt người này mà khóc, nên cúi người nhặt hết đồ trên đất lên rồi chạy ra ngoài.

Trên đường, Phương Đăng gặp A Chiếu. A Chiếu thấy hốc mắt cô đỏ lên, liền theo sau hỏi: “Chị, sao chị lại khóc nữa rồi? Ai dám chọc chị, tôi sẽ đi đánh nó.”

Cậu ta quơ cặp táp giả bộ đang chọi đá, Phương Đăng quay đầu lại liếc nhìn bộ dạng yếu ớt của cậu ta, ánh mắt rụt rè như muốn nói: “Tôi cũng hơi sợ, nhưng tôi muốn giả vờ như không có chuyện gì”. Cô nghe nói bình thường bọn trẻ lớn hơn một chút hay tìm cậu ta để làm trò, nhưng do sợ thứ để trong cặp táp cậu ta, hiện giờ trong cô nhi viện cậu ta có thể ăn cơm no, không đến nỗi mới ăn được hai muỗng đã bị người khác tranh mất.

Phương Đăng tức giận “Cậu định làm anh hùng sao, còn kém lắm.”

Buổi chiều sau khi tan học, Phương Đăng cùng A Chiếu đi thăm Phó Kính Thù. Anh đã có thể đi lại được, dù những cơn ho khan vẫn chưa dứt, đang định xách nước đi tưới mấy bồn hoa cỏ mấy ngày chưa chăm sóc. A Chiếu chủ động gánh hết việc, cố sức vác thùng nước nhẹ hơn không bao nhiêu so với cậu ta, ánh mắt lại không kềm chế nổi mà cứ nhìn quanh Hoa viên Phó viên từ trước đến giờ chưa đặt chân vào. Thấy Phương Đăng và Phó Kính Thù đứng cạnh căn chòi sập nói chuyện, A Chiếu vừa làm việc vừa mỉm cười thỏa mãn, giống như một đứa trẻ mồ côi vừa tìm lại được gia đình.

Phương Đăng cố ý kéo dài đến khuya mới trở về nhà, không muốn lại cãi nhau với cha mình. Phương Học Nông đã nằm trên giường ngủ say sưa, cũng không biết đã ăn cơm hay chưa. Phương Đăng đến nhặt chai rượu lăn lóc dưới chân giường, ngạc nhiên phát hiện ông đang ôm chăn thật chặt, trên khóe mắt đầy nếp nhăn là mấy giọt nước mắt chưa khô.

Một tuần sau, lão Thôi quay lại, còn đem theo một người lạ. Phương Đăng nghe Phó Kính Thù nói lão Thôi phải về nhà ở phía Bắc lo tang sự ột người anh họ xa, cũng là một trong số ít những người thân còn lại trên đời của ông ấy. Người thanh niên lần này đưa về gọi là Thôi Mẫn, cháu họ xa của lão Thôi, nghe nói nhà cửa chật chội, cha mẹ đều không còn, chẳng biết làm gì mưu sinh nên nhất định đòi theo lão Thôi kiếm sống.

Thôi Mẫn chừng hai mươi bảy hai mươi tám tuổi, thân hình tầm thước, vóc người khỏe mạnh, nhìn sơ qua thấy thật thà chất phác lại lanh lợi, lúc nào cũng vui vẻ nở nụ cười. Được Phó Kính Thù đồng ý, lão Thôi để cậu ta vào ở trong Phó gia Hoa viên, dựng một căn phòng nhỏ sát bên phòng của mình, ngày thường giúp lão Thôi chăm lo chuyện vụn vặt trong vườn, rảnh rỗi thì nhận chút việc làm thêm trên đảo kiếm ít tiền sinh hoạt.

Thật ra Phó Kính Thù nói có thể để cho Thôi mẫn được ở tại căn phòng nhỏ trong lầu một của Đông lâu, nhưng lão Thôi kiên quyết từ chối. Ông không thay đổi được tư tưởng cũ, chủ nhân của Đông lâu chính là Tam phòng, chỉ cần Tam phòng vẫn còn người thì ông chỉ là kẻ làm vườn ở đây, Thôi Mẫn cũng giống như vậy. Phó Kính Thù biết ông cố chấp nên cũng không thúc ép. Nghe nói lão Thôi đã có thưa chuyện qua với bà chủ Trịnh bên kia, họ cũng đồng ý cho Thôi Mẫn vào nhà, dù sao lão Thôi cũng lớn tuổi, sớm muộn gì cũng phải tìm một người còn trẻ khỏe thay ông coi chừng đất đai nhà tổ, không thể để cho Phó gia Hoa viên hoang phế, họ cũng không ngại trả thêm tiền công ột người nữa.

So với Phó Kính Thù, lão Thôi thường xuyên liên lạc với Tam phòng hơn, từ lâu, ông là cầu nối giữa Phó Kính Thù và bà chủ Trịnh phía bên kia, chi tiêu vật dụng thường ngày cũng là giao cho ông đưa qua cho Phó Kính Thù. Đối với những chuyện người bên Mã Đại đã đồng ý, Phó Kính Thù cũng ít khi lên tiếng, quá lắm thì cũng chỉ nhìn rồi để trong lòng.

Sau khi Thôi Mẫn vào ở, đối với Phó Kính Thù rất ân cần, anh ta trẻ hơn lão Thôi, tay chân mau lẹ, đầu óc lại linh hoạt nên có những chuyện lão Thôi chưa nghĩ tới thì anh ta đã làm trước, còn biết tìm những loại hoa cỏ từ bên ngoài mà trên đảo không có về nhà, anh ta biết Phó Kính Thù thích những thứ này. Phó Kính Thù ngược lại cũng không nhiệt tình cho lắm, anh vốn là người ít khi tiếp xúc hay mở lòng ra với ai, đối với bất kỳ ai cũng lãnh đạm, khách sáo, nhưng lúc nào cũng giữ một khoảng cách an toàn.

Phương Đăng bây giờ đã là khách quen của Phó gia Hoa viên, lão Thôi lúc đầu mở cửa cho cô còn có hơi miễn cưỡng, nhưng do Phó Kính Thù ngầm cho phép cô tự do ra vào, ông cũng không tiện nói nhiều. Đối với thân phận của Phương Đăng, thật ra lão Thôi cũng có chút nghi ngại, song khi ông thấy tiểu nha đầu này cùng với Tiểu Thất của ông tự nhiên thân thiết, dần dần ông cũng cảm thấy cô là người tốt. Những lúc Phương Đăng ở đó, người thường xuyên cô độc như Phó Kính Thù lại trở nên hào hứng tán chuyện. Bình thường họ ngồi học bài ở sau vườn, Phó Kính Thù hí hoáy vẽ chậu hoa, Phương Đăng lại ngồi rung bàn, cứ rung như vậy mãi, lão Thôi đứng một bên len lén để ý, phát hiện Tiểu Thất chẳng những sẽ đùa giỡn cùng cô, có lúc hai người còn vì mấy chuyện vặt vãnh mà cãi nhau ỏm tỏi. Sau cùng cũng là máu mủ tương thông, dù xuất thân hoàn toàn khác biệt cũng là cùng xương cốt với nhau. Nghĩ đến những chuyện này, sau đó lão Thôi khi chuẩn bị đồ ăn và trà cho Phó Kính Thù, cũng không khỏi để phần cho Phương Đăng một ít, có khi Phương Đăng ở lại ăn cơm, ông cũng không còn hầm hầm nét mặt.

Có lúc A Chiếu cũng sẽ cùng Phương Đăng đến đây, nhưng cậu lại nghĩ đồ ăn ngon đa phần là từ lão Thôi mới có, nên lúc nào cũng nhào vào phụ việc cho lão Thôi, suốt ngày quấn lấy ông. Lão Thôi bất đắc dĩ luôn mắng: “Con thỏ nhỏ đáng chết, con thỏ nhỏ đáng chết”, mặt mũi bực mình cũng không dám đuổi cậu ta ra ngoài.

Ngược lại với lão Thôi bảo thủ, Thôi Mẫn đối với “hai người bạn nhỏ” của Phó Kính Thù lại rất nhiệt tình. Phương Đăng không quan tâm lắm, cô luôn nói: “Chẳng có việc gì mà bợ đỡ thì rõ ràng là gian xảo”; A Chiếu lại khá thích Thôi Mẫn, vì so với lão Thôi, chú này hay cho cậu nhiều đồ ăn ngon, lại còn dạy cậu dùng cỏ làm ra nhiều đồ chơi mới.

Phương Học Nông sau những cuộc cãi vả long trời lở đất thì lại làm hòa với con gái, mỗi lần uống rượu vào là say như chết, nhưng chỉ cần Phương Đăng đưa cơm và rượu ngon đến, ông cũng ít nói tiếng nào. Mấy lần Phương Đăng phát hiện Thôi Mẫn đưa cha mình xiêu vẹo về nhà, Phương Học Nông còn giơ chai rượu trong tay ra gọi anh ta là “Thôi huynh đệ” rất khách khí. Phương Đăng có hơi không vui, tay Thôi Mẫn này mới lên đảo ít lâu, sao lại nhanh như vậy mà lăn lộn chung một chỗ với cha cô được, làm sao lại trở thành bạn bè thân thiết của một người mệnh danh con sâu rượu lại còn vô dụng đến như thế. Cô để ý quan sát, phát hiện ra với bất kỳ ai Thôi Mẫn cũng giữ gương mặt tươi cười chào hỏi, có thừa nhiệt tình, lại thêm anh ta biết cách ăn nói, chỉ trong thời gian ngắn mà có quan hệ với không ít người ở Qua Âm Châu này. Điều này với người ngoài mà nói quả thật không dễ dàng, cũng coi như anh ta có chút bản lĩnh, chẳng trách lão Thôi còn đưa hắn từ xa đem về trên đảo.

Thời gian trôi qua thật nhanh, vừa qua khỏi Đông Chí không lâu, ngày cuối tuần Phó Kính Thù ra thành phố đến nhà thầy học vẽ, anh nói sẽ tranh thủ trước khi ao hồ đông cứng đào một ít bùn để trồng hoa, nên mấy canh giờ sau đã quay về đảo.

Phương Đăng ở bến phà chờ anh, thấy anh ăn mặc phong phanh, bèn nói anh nên về nhà mặc thêm quần áo, tiện thể để giá vẽ nặng nề lại luôn. Hai người quay về Phó gia Hoa viên, vừa tới trước cửa chính Đông lâu thì gặp Thôi Mẫn từ trong đó đi ra.

“Hôm nay cậu về sớm thật!” Thôi Mẫn thấy họ có chút không tự nhiên, cười híp mắt chào hỏi.

Phó Kính Thù nhìn anh ta một cái “Lão Thôi không có nhà sao?”

“Không có, chú tôi đi mua gạo. Trước khi đi đã dặn tôi phải đem mấy chậu hoa ở sau vườn lên đặt trên bồn hoa lầu hai, buổi tối lạnh, sợ sương xuống không tốt”. Thôi Mẫn xoa xoa tay, trên tay áo còn dính một ít đất từ trong chậu hoa. “Hai người đi mau đi, bên ngoài gió lớn, tôi đi tìm mấy khúc gỗ tốt về đóng giá trồng hoa”.

“À!”. Phó Kính Thù liếc mắt ngụ ý bảo Phương Đăng theo anh vào nhà, rồi đột nhiên dừng lại ở bên hồ bán nguyệt hỏi Thôi Mẫn: “Có phải lão Thôi dặn anh đem chậu hoa thụy hương tối qua tôi cắt tỉa lên lầu hai không?”

Thôi Mẫn cười nói: “Không sai, không sai, đúng là chậu hoa tối qua cậu cắt tỉa, cậu lên xem đi, hoa mới nở phải có người ngắm chứ. Tôi đi đây, nếu không mấy ngày nữa vẫn chưa làm xong khung đỡ bồn hoa mất”.

“Anh đi đi”.

Thôi Mẫn vừa mới bước đi, nhưng lại nghe tiếng nói không nặng không nhẹ của Phó Kính Thù bồi thêm một câu, “Người có thể đi, nhưng đồ để lại được không?”

“Gì chứ?” – Bước chân Thôi Mẫn hơi chậm lại.

Phó Kính Thù nói: “Anh là người thân của lão Thôi, tôi không muốn lục soát người anh”.

“Chuyện này… Cậu nói gì vậy, tôi nghe không hiểu, cô nhóc họ Phương, cô thay tôi nói một lời trắng đen đi”. Thôi Mẫn giả vờ kinh ngạc.

Phương Đăng không nói lời nào, ngẩng đầu nhìn Phó Kính Thù, sau đó lại quay sang nhìn chằm chằm trên người Thôi Mẫn.

“Lão Thôi sẽ không bao giờ dặn anh đem chậu kim thụy hương kia mà dời vào trong nhà, đó là loại hoa chịu lạnh không chịu nóng, ông ấy cũng biết rõ tôi không chịu được mùi thơm nồng của nó”.

“Nếu cậu không thích, tôi đem nó dời trở lại được không?” Thôi Mẫn cáu kỉnh nói.

“Tôi nói để đồ lại, anh có thể đi. Còn nếu anh muốn chờ lão Thôi quay lại, tôi cũng sẽ cùng anh ở đây chờ?”

Thôi Mẫn đứng đờ người một lúc lâu, nụ cười trên mặt từ từ cứng ngắc, lạnh như băng. Anh ta từ từ móc túi quần lót ra một chiếc đồng hồ quả quýt, một chiếc bút máy vàng, hai con dấu, còn có vài đồng tiền xưa, không nói tiếng nào khom người đặt xuống ở thềm đá trước cửa.

Phó Kính Thù nhìn lướt qua mọi thứ, quay sang nói với Phương Đăng: ‘Anh ta thật thông minh, biết chọn những thứ ngày thường không dùng được, nhưng lại là vật đáng tiền”.

Phương Đăng bước lên nhặt đồ trở lại, lạnh lùng liếc Thôi Mẫn một cái. Đúng như Phó Thất nói, Thôi Mẫn thật sự rất biết làm bộ, anh ta biết ngày thường lão Thôi không bao giờ để anh ta vào nhà phía Đông, đề phòng có người quay lại, cố ý ôm chậu hoa hôm trước Phó Thất vừa cắt tỉa để ngụy trang.

“Anh vào đây thời gian không ngắn, nhà tôi đối với anh cũng không tệ”. – Phó Kính Thù thấp giọng nói.

Thôi Mẫn bị vạch trần, chẳng những không buồn, lại đổi sang bộ mặt bất cần đời, bước lên một bước. Phương Đăng đề phòng anh ta, kéo Phó Kính Thù lùi lại hai bước: “Anh muốn gì?”

Thôi Mẫn đưa tay vuốt ve chóp tay vịn cầu thang chạm khắc bằng đá. “Mấy thứ này chẳng đáng gì. Chỉ là do tôi ấm ức, cũng đều là người như nhau, cậu dựa vào cái gì có thể ăn trên ngồi trước, còn tôi giống như con chó trong sân phải nghe lời cậu sai bảo, nếu không phải là tổ tông tích đức để lại mấy của tốt này. Tôi chẳng qua là mượn mấy món đồ vặt đi cầm kiếm tiền chi tiêu, cậu cần gì phải nổi giận như vậy”.

“Dù anh có lấy nhiều thứ hơn nữa, cũng không đủ mười lần đánh bạc chính lần thua. Tôi sẽ không nói ra, anh hãy lựa lời mà từ giã lão Thôi, ông ấy đã lớn tuổi, tôi không muốn ông ấy buồn phiền”.

Đêm đó Thôi Mẫn liền từ biệt lão Thôi, rời bỏ Hoa viên Phó gia. Lão Thôi có hơi bất ngờ, nhưng không giữ anh ta lại. Ông là người đã thấy nhiều chuyện thay đổi ở đời, hoặc là trong lòng cũng đã thầm nhận ra được điều gì đó, Phó Kính Thù muốn giữ mặt mũi cho ông, ông cũng không muốn nói thêm, nhưng tinh thần sa sút không ít, nhìn qua cũng thấy già đi gấp mấy lần.

Vừa qua khỏi tiết Thanh Minh, nửa đêm nọ lão Thôi nhận được điện thoại từ Tây Á gọi về, ông chỉ nghe không hề lên tiếng, một lát sau, che điện thoại lại nhìn về phía lò sưởi nơi Phó Kính Thù đọc sách, ánh mắt đầy phức tạp, muốn nói gì rồi lại thôi.

Thật ra thì đầu óc Phó Kính Thù cũng không hoàn toàn để vào trong trang sách, quay qua hỏi một câu: “Có phải bên đó muốn tôi nghe điện thoại không?”

Lão Thôi gật đầu, đem ống nghe đưa cho anh, khập khiễng bước qua một bên.

Phó Kính Thù hít một hơi mạnh, áp ống nghe vào tai, rất nhanh, ánh mắt đầy mong đợi của anh biến mất, đứng thẳng như tưởng, hai bàn tay lạnh ngắt đẫm mồ hôi.

“Tôi biết rồi.” – Anh đáp lại đầu dây bên kia. Điện thoại được trả về chỗ cũ, anh quay đi, nhìn thấy lão Thôi đứng một bên đang len lén chùi nước mắt.

Phó Duy Nhẫn chết, hơn bốn mươi tuổi, ông chết vì bệnh suy tim.

Từ lúc lão Thôi trở lại sau khi lo tang sự cho người thân không bao lâu, đã có liên lạc với bên Mã Đại, do một tay nuôi lớn Phó Duy Nhẫn, ông đã biết thể trạng ông ta không tốt, mới không gửi thư và bưu phẩm cho con trai. Nhưng cả lão Thôi và Phó Kính Thù đều cho rằng ông chỉ bệnh qua loa, chỉ cần điều trị một thời gian là chuyển biến tốt, nào ngờ ông còn đang ở tuổi trung niên đã nhắm mắt trừ trần.

Đột nhiên nhận được tin dữ này, trong lòng lão Thôi tuy chua xót không dứt, nhưng ông biết có một người so với ông càng không có cách nào tiếp nhận sự thật này. Phó Duy Nhẫn có thể nói là người thân duy nhất trên đời của Tiểu Thất, cũng là người duy nhất cậu có thể trông cậy. Nếu ông còn sống, tương lai của Tiểu Thất cũng còn một con đường, sau việc lần này, chỉ sợ từ nay có ở lại trong căn nhà cũ của Tam gia, đứa trẻ mồ côi này càng không có ai quan tâm thăm hỏi, tương lai của anh ngày càng trở nên mờ mịt hơn nữa.

Lão Thôi nén cơn nghẹn ngào muốn an ủi Tiểu Thất mấy câu, Phó Kính Thù lại khoát tay ra hiệu không cần, không để cho lão Thôi lên tiếng. Anh từ từ quay về nơi khi nãy đang ngồi, đi rất vững, khép lại nửa quyển sách đang đọc, đồ kẹp sách rơi ra, anh cúi đầu nhặt lên hai lần vẫn không cầm được tấm kẹp sách mỏng dính. Sau đó anh khép cửa phòng lại trong ánh mắt lo lắng của lão Thôi. Suốt đêm, lão Thôi không nghe được trong phòng phát ra bất kỳ tiếng động nào.

/36

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status