Côn Luân

Chương 51: Tây Tái Long Ngâm

/57


Thường Châu bị phá, Tô Châu và Hồ Châu trông gương tày liếp, lũ lượt treo cờ trắng đầu hàng. Mùa xuân năm sau, Thổ Thổ Cáp công phá Độc Tùng quan, mở đường cho đại quân Nguyên triều kéo vào Lâm An. Quan viên lớn nhỏ giẫm đạp lên nhau chạy trốn khỏi kinh thành. Tống đế và Tạ Thái hậu hết cách ứng phó, đành phái sứ nghị hòa nhưng bị Bá Nhan từ khước, không lâu sau cũng phải giao nộp ngọc tỉ truyền quốc, dâng biểu đầu hàng. Bá Nhan cất quân tới chân thành Lâm An, Tạ Thái hậu dắt ấu đế Triệu Hiển ra quy thuận. Vua tôi Đại Tống ngậm hờn nuốt lệ quỳ rạp trước vó câu Mông Cổ. Xảy đâu trời bỗng đổ cơn mưa phùn lắc rắc, phủ lên núi non đồng dã một tấm màn nước u ám mịt mờ. Bá Nhan xuống ngựa đỡ Triệu Hiển dậy, bất giác cảm thấy đắc ý vô cùng, không kìm được thống khoái phá lên cười ha hả. Mười vạn quân Nguyên hoan hô rầm rĩ phụ họa chủ soái. Quần thần Nam triều vừa khiếp hãi vừa thương thân, đôi hàng nước mắt đầm đầm như mưa. Người đương thời là Uông Nguyên Lượng có làm bài thơ than rằng:

Núi Tây Tái mặt trời chìm lấp,

Cửa Chính Bắc mưa bụi rắc rây.

Người bắc cười người nam nhỏ lệ

Đỗ quyên, ta vái một lạy này.[2]

.

Lương Tiêu theo đại quân xuống nam, chức là Bình chương chính sự, danh là phó soái toàn quân, thực chất chỉ ngất ngưởng với rượu, ngày nào cũng say ngả say nghiêng, chẳng có lấy một phen tỉnh táo.

Sáng hôm ấy, sau một đêm túy lúy, gã thức giấc với cái đầu đau như búa bổ. A Tuyết thiết tha nài gã ra khỏi doanh trại dạo chơi cho khuây khỏa, Lương Tiêu không nỡ làm cô mếch lòng, đành miễn cưỡng ưng thuận.

Hai huynh muội lỏng cương để ngựa đi tha thẩn ven hồ Tây Tử. Trước mắt họ là mây xám nhàn nhạt, khói sóng mênh mang, đình đài lầu các vẫn vẹn nguyên cảnh cũ, chỉ khác là thiếu tiếng cầm ca réo rắt, bặt hơi đàn sáo rộn ràng, xa xa sương mù giăng kín chân trời khiến không gian ảm đạm, che mờ cả đường nét hùng vĩ của núi Tây Tái.

Lương Tiêu ngắm Tây hồ, hồi tưởng buổi đầu gặp gỡ cha con Hoa Thanh Uyên. Lúc ấy gã và Hiểu Sương còn nhỏ, chưa hiểu chuyện đời, tính tình rất đỗi hồn nhiên, ngày nay cảnh sắc vẫn y nguyên mà sao tâm hồn không thể như trước nữa.

Lương Tiêu đương bồi hồi thương cảm, chợt nghe văng vẳng tiếng hồ cầm, giai điệu thảm não thê lương, liền đó có giọng ca hòa vào:

Chim chóc bay liền cánh,

Cây cỏ mọc liền cành,

Đáy nước từng đôi cá giỡn quanh,

Trên tổ uyên ương sánh,

Phố sá phồn hoa lấp lánh,

Thế gian thái bình.

Ngờ đâu nổi trận điêu linh,

Tây hồ tan vỡ mọi nhu tình.[3]

Khúc nhạc buồn nản nghẹn ngào, ngân nga hồi lâu không dứt.

Lương Tiêu thầm nhủ: “Chim chóc bay liền cánh,Cây cỏ mọc liền cành, Đáy nước từng đôi cá giỡn quanh, Trên tổ uyên ương sánh. Quả thực Tây hồ được tự nhiên ban cho nhiều vẻ phong lưu, dễ gợi hứng hưởng lạc. Trách nào vương công Đại Tống chẳng ham mê trác táng đến nỗi mất sạch tất cả, ngay cả Tây hồ cũng không giữ được. Giá dành một nửa thời gian vui thú xa hoa ấy vào việc trị quốc rèn thân thì làm gì đến nông nỗi này?”. Càng nghĩ càng u uất, gã tháo nậm rượu dốc một hơi cạn sạch.

Khi họ trở về doanh trại thì đã quá trưa, Bá Nhan cho người tới triệu kiến. Lương Tiêu bảo A Tuyết về trước rồi chậm chạp đi vào trung quân, mới gần tới trướng soái, đã nghe bên trong vọng ra nhiều tiếng nói cười nhộn nhạo. Trông thấy gã, Bá Nhan hồ hởi gọi:

- Đến đúng lúc lắm, mau lại chào mấy vị khách quý!

Đám người hiện diện trong trướng cùng ngoảnh ra nhìn.

Lương Tiêu đảo mắt một vòng, mặt tái hẳn đi. Người ngồi bên phải Bá Nhan là vương tử Thoát Hoan, bên trái là Hạ Đà La vận áo trắng phau. Mé dưới Thoát Hoan là một lão già tóc bạc áo vàng, chính thị Hoàng hạc Minh Quy. Mé dưới Hạ Đà La là một lạt ma áo vàng vai u thịt bắp, tướng mạo thô kệch đang xếp chân bằng tròn. Sau lưng bốn người này còn vài gương mặt khác mà phần lớn Lương Tiêu đều đã gặp qua, lần lượt là Cáp Lý Tư, Hỏa Chân Nhân, A Than tôn giả, cuối cùng là một lão già áo xanh lạ mặt, vóc người cao gầy, mặt mũi xương xẩu, thần thái ôn hòa. Lương Tiêu không ngờ những kẻ đối địch mình lại khéo chọn thời gian và địa điểm để hội tụ đến thế, bất giác tim đập thình thịch, mồ hôi đầm đìa, hơi rượu giã đi quá nửa.

Thoát Hoan nhận ra kẻ thù cũ, nét mặt thoạt kinh ngạc thoạt giận dữ, nhưng chỉ thoáng chốc đã làm ra vẻ tươi tỉnh:

- Lương Tiêu đây à? Quả là tuổi trẻ tài cao đúng như lời đồn nhỉ!

Hắn nghiến răng trèo trẹo khi nói ra bốn chữ “tuổi trẻ tài cao”, rõ ràng là thù hận chứ chẳng ngụ ý tán thưởng gì. Bá Nhan đánh mắt ra hiệu cho Lương Tiêu, đoạn vui vẻ giới thiệu:

- Vị này là Trấn Nam Vương Thoát Hoan, hiện đang tiếp quản Giang Nam.

Lương Tiêu vẫn đứng như bụt mọc, Bá Nhan cau mày:

- Gặp vương gia sao không hành lễ?

Lương Tiêu nhếch mép, ngước mắt nhìn nóc lều. Bá Nhan tuy bất hòa với Thoát Hoan nhưng cũng không muốn hắn phải bẽ mặt trước đông người, đang khó xử thì Thoát Hoan phẩy tay, nói cộc lốc:

- Thôi, ta và Lương đại nhân cũng là chỗ quen biết cũ, chẳng phải quỳ lạy làm gì cho nhiêu khê!

Bá Nhan mỉm cười, tận dụng câu đó để thoát khỏi tình thế lúng túng, lại trỏ Minh Quy:

- Đây là Minh tiên sinh, quân sư mới của Trấn Nam Vương. Tiên sinh túc trí đa mưu, học nhiều hiểu rộng.

Minh Quy hơi ưỡn mình lên, phác một điệu bộ như cười với Lương Tiêu, nhưng không tỏ tiếng nhận quen. Lương Tiêu ngạc nhiên tự hỏi, không hiểu tại sao lão già kiêu ngạo này chịu khuất thân làm đầu sai cho Thoát Hoan. Bá Nhan chìa tay về phía lạt ma áo vàng:

- Đây là Đảm Ba đại sư, đại đệ tử của Đế sư[4] đương triều Bát Tư Ba.

Lương Tiêu giật mình, Đảm Ba thì gã không biết, nhưng danh tiếng Bát Tư Ba thì gã đã từng nghe đến rồi. Thiên hạ đồn rằng người này bẩm sinh mẫn tuệ, mười sáu tuổi gặp Hốt Tất Liệt là được phong ngay làm Đế sư, quyền nghiêng một cõi, thanh uy hiển hách.

Đảm Ba chắp tay chào hỏi:

- Bình chương dụng binh như thần, danh thơm vang lừng đến cả triều ca, Đảm Ba kính ngưỡng đã lâu!

Lương Tiêu cúi mình đáp lễ, giọng bình thản:

- E rằng thiên hạ đồn đại quá lời!

Thoát Hoan thấy gã bái chào Đảm Ba mà không dập đầu lạy mình, bất giác hừ mũi tức giận. Bá Nhan toan dẫn kiến tới Hạ Đà La thì lão này đã đứng bật dậy, hể hả nói tranh:

- Đúng là người nhà mà chẳng biết nhau, sái gia có mắt như mù, lỡ tay đắc tội chỗ nào thì mong Bình chương đại xá cho chỗ đó.

Ai cũng lấy làm lạ, không hiểu hai người quen nhau lúc nào và ở đâu. Lương Tiêu tự nhủ đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại, lão già mặt trơ trán bóng này đã nhận lỗi mà mình còn khiêu khích báo thù thì tỏ ra quá hẹp hòi, bèn cười nhạt, quay đi định ngồi xuống, chợt nghe Cáp Lý Tư hỏi:

- Bình chương đại nhân còn nhớ tiểu nhân không nhỉ?

Nhìn cái mặt hơn hớn và ánh mắt láo liên, Lương Tiêu cảnh giác gật đầu:

- Nhớ.

Cáp Lý Tư sải bước ra giữa sảnh, cười hì hì:

- Nếu đại nhân không chê Cáp Lý Tư thấy người sang bắt quàng làm họ thì hãy tỏ tình thân mật chút nào! – Hắn chìa tay trái cho Lương Tiêu.

- Ừ thì tỏ! – Lương Tiêu đáp và giơ tay phải.

Đúng lúc tay hai người áp sát, chiếc nhẫn Xà Nhãn ma toan ở ngón giữa của Cáp Lý Tư vụt xoay mặt đá xuống hướng lòng bàn tay.

Bá Nhan trông thấy rõ mồn một, chưa kịp thét dừng thì tay hai người đã chạm vào nhau rồi buông ngay ra. Lương Tiêu quay mình bước về ghế ngồi, Cáp Lý Tư vẫn đứng đực tại chỗ, mắt nhìn xuống, mặt nhợt nhạt, thảng thốt kêu lên:

- Bình chương đại nhân, xin dừng bước!

Lương Tiêu ngoái đầu:

- Sao nào?

Cáp Lý Tư lắp bắp:

- Nhẫn… nhẫn tôi…

- Nhẫn nào? – Lương Tiêu hỏi.

Cáp Lý Tư nhìn trân trân vào mặt Lương Tiêu, mắt rực lửa. Viên kim cương Xà Nhãn là báu vật gia truyền của nhà hắn, cứng rắn dị thường, cắt đứt được cả đao kiếm bằng thép tinh, vừa rồi hắn định thừa cơ bắt tay để chọc chủng bàn tay Lương Tiêu. Nào ngờ gã thiếu niên tương kế tựu kế, thi triển ngay Như ý ảo ma thủ nhẹ nhàng tuốt chiếc nhẫn khỏi ngón tay đối phương. Khi Cáp Lý Tư phát hiện ra biến cố thì Lương Tiêu đã thu tay về rồi. Không dưng mất cả chì lẫn chài, chưa đả thương được địch thủ đã bị cướp nhẫn quý, Cáp Lý Tư vừa kinh hãi vừa tức giận khôn tả.

Lương Tiêu nghênh ngang ngồi xuống, mặt thản nhiên như không. Cáp Lý Tư đứng mãi đấy không tiện mà về chỗ cũng không xong, chực mở miệng kêu, chợt Hạ Đà La xì xà xì xồ mấy câu. Cáp Lý Tư sợ sệt lùi về sau lưng lão. Hạ Đà La nhìn thẳng vào mặt Lương Tiêu:

- Bản lĩnh của Bình chương đại nhân thật cao cường! Con trai ta có chỗ nào mạo phạm, mong đại nhân thứ lỗi cho!

Lương Tiêu liếc Cáp Lý Tư, lạnh lùng hỏi:

- Hắn là con ngươi à? Ta thấy ngươi là con hắn mới phải.

Thoát Hoan và bọn tùy tùng thảy đều biến sắc, bất bình nghĩ bụng: “Tên này nói năng hỗn hào quá!”. Không ngờ Hạ Đà La hớn hở mặt mày, bật ngón tay cái cười vang:

- Đại nhân tinh tường thực! Hạ mỗ vốn bất tài, chẳng tinh thông môn pháp nào cả, được mỗi thuật dưỡng sinh trụ nhan là tương đối có thành tựu, tuổi tác ngần này rồi nhưng so với người ngoại tam tuần thì trông vẫn trẻ hơn. – nói đoạn vênh váo nhìn quanh, vẻ dương dương tự đắc.

Lương Tiêu vốn muốn làm cho cha con hắn bẽ mặt một phen, nào ngờ Hạ Đà La không tức mà còn hí hửng, khiến gã cụt hứng, chẳng buồn ngó ngàng tới ai nữa, rót rượu ra chén uống tì tì, chỉ thoáng chốc đã cạn sạch hai bình rượu nóng rồi nằm gục xuống bàn, mụ mẫm thiếp đi.

Những người hiện diện trong trướng đều tỏ ra khinh rẻ bộ dạng nát rượu của Lương Tiêu. Bá Nhan bất bình nghĩ: “Thằng ôn này mỗi ngày một tồi tệ, sớm biết nó làm ta xấu mặt thế kia thì đã không gọi sang”. Y đành giả vờ không chú ý đến tác phong của viên ái tướng, quay lại trò chuyện với khách khứa:

- Đảm Ba đại sư phụng chỉ đến trấn yểm long mạch Đại Tống, chẳng hay phương pháp cụ thể thế nào?

Đảm Ba mỉm cười:

- Nghe trấn yểm thì to tát, thực chất tiến hành cũng không mấy phức tạp. Trước tiên cần kéo đổ hoàng cung Đại Tống, cắt lấy căn mạch địa linh của nó, sau đó đào tung lăng tẩm của Tống đế các đời, trộn lẫn tinh cốt họ với xương trâu ngựa rồi vùi xuống đất, xây tháp cao mười trượng chặn bên trên, thu thập kinh Phật, tượng Phật, chân ngôn Mật tông về cất giữ trong đó. Cứ thế, vương khí Đại Tống sẽ lụi tàn, long mạch bị cắt rời, con cháu họ Triệu vĩnh viễn không còn ngóc đầu dậy được nữa!

Lương Tiêu không muốn chuyện trò với đám người này nên cố ý giả say, nghe đến đây rùng mình nghĩ bụng: “Vậy là tên sư trọc kia tới Lâm An để đào mộ người ta? Hắn là kẻ xuất gia, đúng lẽ nên lấy việc hành thiện làm đầu, sao có thể hành động đê hèn đốn mạt đến thế?”.

Thoát Hoan góp chuyện:

- Theo ta, cắt long mạch nhà Tống vẫn chưa đủ đâu.

Đảm Ba tỏ vẻ chú ý:

- Hẳn vương gia có cao kiến, tiểu tăng xin nghe.

Thoát Hoan nói:

- Họ Triệu dứt mạng hoàng đế đã đành, nhưng khó lòng đảm bảo các họ khác không nổi lên chống phá. Chẳng làm thì thôi, đã làm thì nên mạnh tay cho triệt để, phải dò hết mộ táng của các danh gia sĩ hoạn nhà Tống mà tróc đến tận đáy, như vậy mới bảo đảm Đại Nguyên chúng ta sẽ thiên thu trường trị, nhất thống sơn hà.

Đảm Ba băn khoăn:

- Vương gia dạy cũng có phần đúng, nhưng mộ phần của người Tống nhiều như thế, đào sao cho hết?

Thoát Hoan cười hì hì:

- Thì đào được cái nào hay cái đó!

Bá Nhan gật gù:

- Vương gia nói phải lắm! Cũng như hành quân đánh trận đấy, hôm nay giết mấy trăm binh mã, ngày mai gắng lấy mạng đại tướng, khiến chúng mất cả lớn lẫn bé, cuối cùng đành tự nhận thua!

Thoát Hoan vỗ tay:

- Chẳng thẹn là danh tướng đương thời, chuyện gần chuyện xa đều xoay quanh việc đánh trận.

Mọi người cười ồ.

Lương Tiêu càng nghe càng căm giận, phẫn nộ nghĩ thầm: “Ta vào sinh ra tử tranh đoạt giang sơn, không ngờ lại phục vụ cho phường bất nhân vô liêm sỉ này”. Hơi men bốc lên, gã đập mạnh bàn, đứng bật dậy.

Trong trướng lặng ngắt. Bá Nhan nhìn mặt Lương Tiêu, biết rằng sắp có chuyện chẳng lành. Y định quát bảo để trấn áp gã phó soái nóng tính, chợt phía xa có tiếng động rất lạ vọng tới, thoắt chậm thoắt nhanh, thoắt bổng thoắt trầm khiến người ta nôn nao khó chịu. Lương Tiêu quên bẵng cả điều định nói, đưa mắt nhìn ra bên ngoài. Bá Nhan hạ lệnh cho Na Tốc đi xem tình hình, chỉ lát sau, Na Tốc đã dẫn vào một viên Bách phu trưởng bộ dạng nhớn nhác.

Bá Nhan nghiêm giọng hỏi:

- Hoảng hốt cái gì? Mới thế này đã mất vía thì lúc ra chiến trường còn quýnh quíu tới mức nào?

Bách phu trưởng nuốt ực một cái, vội vàng thi lễ:

- Khởi bẩm Thừa tướng, trong doanh trại hữu quân xuất hiện một quái vật!

Bá Nhan lạnh lùng bảo:

- Chỉ giỏi tầm xàm, ban ngày ban mặt lấy đâu ra quái vật?

Bách phu trưởng biện bạch:

- Tiểu tướng không dám nói ngoa, tiếng động vừa rồi chính do quái vật phát ra đấy.

Đám khách khứa giật mình. Bách phu trưởng kể:

- Thoạt tiên, tiếng động truyền đi từ lều của Ngột Đột Hải, một thuộc hạ của tiểu tướng. Lúc ấy chẳng mấy ai bận tâm, còn tưởng đó là tiếng ngáy của hắn. Tiểu tướng nghĩ chưa tới giờ gà lên chuồng đã chây lười đến thế thì thật không nên, bèn bảo Hô Hòa Đài đi lôi hắn dậy.

Bá Nhan nói:

- Ban ngày ban mặt dám ngủ ngáy ầm ĩ cả trại, phải phạt roi rồi treo lên cổng doanh thị chúng!

Bách phu trưởng vội vã đáp:

- Vâng vâng! Nào ngờ Hô Hòa Đài vào lều Ngột Đột Hải, chỉ kêu “ối” một tiếng là bặt tăm. Tiểu tướng lấy làm lạ, liên tiếp phái người sang xem, không ngờ đi rồi mà chẳng ai trở về, trong khi đó âm thanh quái gở nọ mỗi lúc một vang to, lúc đầu vi vút như tiếng kèn lá chuối, dần dần nổi lên ồn ã như tiếng bò rống, tiểu tướng định đích thân vào xem thì Ngột Đột Hải đi đến.

Thoát Hoan ngạc nhiên:

- Tên ấy không ở trong lều hắn à?

Bách phu trưởng lắc đầu:

- Hắn canh gác ngoài cổng, nghe đồn lều mình có sự lạ thì chẳng nói một lời, cắm cúi chui vào. Chỉ nghe hắn thét lên một tiếng rồi im bặt. Âm thanh quái gở kia vẫn vang vọng, mà càng lúc càng ầm ĩ, một lát sau cả đại doanh đều nghe thấy. Tướng sĩ ta từng trải nhiều chiến trận, sợ gì xông pha nơi hòn đạn mũi tên, nhưng sự việc này lạ lùng quá sức, e rằng có tà vật quỷ quái hãm hại nên người trần không thắng nổi. Nghe nói Đảm Ba tôn giả đang ở đây, tiểu tướng bèn đến cung kính mời tôn giả đi hàng phục yêu ma.

Dứt lời hắn đưa mắt sang Đảm Ba, vẻ mặt đầy thành kính. Trong lúc hắn thuật chuyện, âm thanh kỳ cục nọ biến hóa hết sức quái lạ, trầm như tiếng tiêu rủ rỉ, bổng như ngói vỡ sấm rền, giai điệu lên xuống bất thường, đổi gam không theo quy tắc gì hết.

Bá Nhan tuy không tin chuyện ma quỷ, nhưng chưa bao giờ nghe thấy sự lạ nhường ấy, trong lòng cũng hơi hoang mang. Đảm Ba trầm ngâm một thoáng rồi đứng dậy:

- Bẩm Thừa tướng, Đảm Ba xin đi một chuyến để xem yêu tà xứ nào!

Hạ Đà La cũng chậm rãi đứng lên:

- Cho phép sái gia đi với tôn giả!

Đảm Ba biết võ công Hạ Đà La cao thâm vô lượng, sư phụ Bát Tư Ba còn phải nhún nhường với hắn vài phần, liền chắp tay đáp:

- Vậy phiền tiên sinh!

Bá Nhan vốn chẳng coi phù phép Mật tông vào đâu, nhưng sĩ tốt trong doanh lại rất tin quỷ thần, nếu không khéo ứng xử thì sẽ làm dao động lòng quân, y bèn cười bảo:

- Ta cũng đi!

Đảm Ba can:

- Đâu dám phiền đến đại giá của Thừa tướng, xin hãy hâm nóng rượu chờ, Đảm Ba đi rồi về ngay.

Mọi người quay lại chỗ ngồi, trong lòng vô cùng thấp thỏm. Chỉ thoáng chốc, tiếng động lạ chậm dần, rồi im bặt. Thoát Hoan đập tay cười:

- Tôn giả thần thông quảng đại, không biết đã bắt được quái vật gì? Bản vương muốn sang xem xem.

Hắn nhỏm dậy, chợt nghe có tiếng hò hét vọng tới, đang ngờ vực chưa hiểu ra sao thì thấy viên Bách phu trưởng vừa rồi lại hớt hải chạy vào, hơi thở đứt đoạn, giọng nói rời rạc:

- Bẩm thừa tướng, không ổn rồi! Đảm Ba tôn giả bị thương.

Thoát Hoan sửng sốt:

- Bị yêu quái cắn hay sao?

Bách phu trưởng lắc đầu:

- Không phải yêu quái, đó là một người!

Ai nấy kinh ngạc, Bá Nhan bảo:

- Ngươi thong thả kể cho ngọn ngành, đừng để sót một chi tiết nào cả!

Bách phu trưởng gắng trấn tĩnh, bắt đầu kể:

- Tôn giả đến khu doanh trại của bọn thuộc hạ, dừng ngoài lều, niệm chú một hồi rồi đột ngột đẩy mạnh hai tay ra trước. Một cơn cuồng phong cuộn lên khỏi mặt đất, thổi tốc cái lều đi.

Bá Nhan nghĩ thầm: “Pháp môn Đại thủ ấn của Mật tông đây mà”. Y hỏi:

- Trong lều có gì khác lạ không?

Bách phu trưởng trả lời:

- Nghe thì lạ đấy, chứ nhìn cũng chả có gì lạ. Lều bay đi, để lộ ra Hô Hòa Đài, Ngột Đột Hải và mấy binh sĩ nữa nằm ngã ngổn ngang. Trên giường có một kẻ đang ngủ, người ngợm bẩn thỉu quần áo rách rưới, âm thanh kỳ quái đó chính là tiếng ngáy của lão ta!

Thoát Hoan ngạc nhiên hỏi:

- Sức người mà tạo ra được âm thanh hùng hậu ấy ư?

Mặt viên Bách phu trưởng méo xệch:

- Nghe tưởng bịa, nhưng sự thực đúng thế, tiểu tướng không dám nói man.

Bá Nhan không biểu lộ gì, ôn tồn bảo:

- Được rồi, ngươi kể tiếp đi!

Bách phu trưởng vâng dạ tiếp tục:

- Đảm Ba tôn giả bèn hỏi cái kẻ đang ngủ say sưa ấy rằng: “Yêu quái phương nào dám đến tác oai ở đây?”. Giọng tôn giả như sấm rền, thuộc hạ váng cả óc, điếc cả tai.

A Than tôn giả tán thưởng:

- Đấy là tuyệt kỹ Sư tử hống của tông phái Mật tông!

- Sư tử hống à? – Bách phu trưởng lẩm bẩm. – Tiểu tướng chưa nghe đến bản lĩnh ấy bao giờ, nhưng hổ gầm chắc cũng chỉ đến thế mà thôi! Người nọ bị tiếng động đánh thức, ngồi bật dậy dụi mắt rồi lườm tôn giả: “Ngươi la ó gì vậy?”. Lão ấy để râu dài, đầu tóc rối như tổ quạ, bộ dạng điên điên dở dở nhưng rõ ràng không phải yêu quái. Đảm Ba bèn hỏi: “Các hạ…”. Chưa dứt câu, kẻ kia đã lắc mình áp sát, túm ngực tôn giả ném văng đi…

Ai nấy nghe kể đều biến sắc. Đảm Ba từ nhỏ theo học Bát Tư Ba, thụ giáo hết chân truyền của thầy, bất luận Phật pháp hay võ công đều đáng xếp hạng cao trong tông phái Mật tông, nào ngờ chỉ một chiêu đã bị địch thủ lẳng đi xa, thực khiến người ta bất ngờ.

Bách phu trưởng không nhận ra vẻ kinh ngạc của mọi người, tiếp tục kể:

- Tôn giả nương đà ném, lộn một vòng trên không rồi vững vàng đáp xuống đất. Lão già nọ khen ngợi: “Đại hòa thượng bản lĩnh khá lắm!”. Đảm Ba tôn giả lộ vẻ kinh ngạc, lập tức đính chính: “Ta là lạt ma, không phải hòa thượng[5]”. Người nọ hỉnh mũi: “Mặc kệ nạt ma hay nạt quỷ, cứ lại đây cho lão tử xem bản lĩnh của ngươi được mấy nả!”, đoạn ưỡn ngực bảo: “Nện lão tử sáu chưởng thử xem!”.

Các cao thủ trong trướng nghe đến đây đều tái mặt kinh hoàng, Bá Nhan tự nhủ: “Người này quá tự phụ, Đại thủ ấn của Đảm Ba đã đạt tới cảnh giới phi phàm, xô đổ được cả tường đồng vách sắt nữa là. E rằng ngay sư phụ ta cũng chưa chắc dám đứng yên hứng sáu chưởng liên hoàn của hắn!”.

Bách phu trưởng vẫn thao thao kể:

- Đảm Ba tôn giả tỏ rõ ngạc nhiên, chắp tay hỏi: “Các hạ từ đâu tới? Vì sao giả ma giả quỷ gây rối ở đây?”. Lão già nọ sốt ruột, xua tay nói: “Đừng rườm lời nữa, đánh hay không đây? Nếu không đánh thì ta đi vậy”. Tôn giả đang ngập ngừng thì vị áo trắng đi cùng xen vào: “Tiên sinh đây đã dạy thế, tất có bản lĩnh cao cường. Tôn giả cứ thẳng tay nện mấy chưởng, chắc cũng không đến nỗi làm ông ta sứt mẻ gì đâu!”.

Lương Tiêu cười nhạt nghĩ bụng: “Tên Hạ Đà La gian ngoan xảo quyệt, không nắm chắc phần thắng nên đứng ngoài làm thầy dùi, hô hào chọc ngoáy cho Đảm Ba xuất thủ, định giở mẹo trai cò tranh nhau ngư ông đắc lợi đây mà”.

Bách phu trưởng kể:

- Vị áo trắng nói xong, tôn giả nghe chừng xuôi xuôi, bèn bảo quái nhân nọ: “Vậy xin vô phép!”. Kẻ kia cười ha ha: “Ừ, ra tay đi!”. Tôn giả nhào tới trước mặt lão vung tay đánh một chưởng. Lão già ấy lùi ngay một bước, nhưng tôn giả giật lui đến hai bước.

- Sao, người đó bị thương chứ? – Bá Nhan hỏi.

Bách phu trưởng lắc đầu:

- Không ạ!

Bá Nhan nhướng mày, mắt đầy vẻ kinh ngạc.

Bách phu trưởng tiếp tục:

- Tôn giả sững người một thoáng rồi đánh ra chưởng thứ hai, lão già lùi một bước, tôn giả lùi hai bước. Lúc này tôn giả đã động nộ, cúi mình chắp tay, xương kêu răng rắc như tiếng đậu tương nổ trong chảo rang, đoạn phóng hai tay, đánh liên hoàn bốn chưởng vào mình lão già…

Thoát Hoan chưa nghe hết đã vỗ tay khen:

- A, lão già nọ mất mạng, còn Đảm Ba bị kình lực của lão chấn ngược lại nên thụ thương phải không?

Bách phu trưởng lắc đầu:

- Lão già lui liền bốn bước nhưng không hề hấn gì, trong khi đó tôn giả giật lùi đến một trượng, mặt trắng nhợt như tờ giấy.

Bá Nhan vỗ bàn đứng bật dậy quát:

- Láo lếu! Xương cốt phát ra tiếng động tức là đã vận nội kình toàn thân. Kẻ kia định dùng xác phàm chống đỡ môn pháp Đại thủ ấn chứa mười thành công lực ư?

Y quát ầm ầm như sấm, Bách phu trưởng kinh sợ quỳ mọp sát đất, khiếp đảm kêu van:

- Từng lời từng chữ của thuộc hạ đều là sự thật, không dám nói càn!

Bá Nhan cũng nhận thấy mình hơi thiếu kiềm chế, bèn nhíu mày ngồi trở lại bàn:

- Thôi, chuyện sau đó ra sao?

Bách phu trưởng nói:

- Đảm Ba tôn giả hít một hơi dài mới gượng đứng dậy được, đoạn nói: “Các hạ võ công cái thế, Đảm Ba tài mọn không sánh bằng, dám hỏi quý tính cao danh?”. Lão già gãi gãi đầu, lẩm bẩm: “Quý tính cao danh? Quý tính cao danh à?”. Lão lải nhải mấy lần câu ấy rồi vò đầu bứt tai: “Chả nhớ nữa, chả nhớ nữa!”. Lão liếc mắt lại, trừng trừng nhìn tôn giả: “Này Nạt ma hòa thượng, ngươi đánh ta sáu chặp, ta cũng phải đánh ngươi một chặp chứ nhỉ!”. Vừa dứt lời, lão lập tức lăng mình tới trước mặt tôn giả. Hai bên mới đứng đối mặt nhau, tôn giả đã ríu chân ngã bật ra xa, miệng ộc máu tươi.

Cử tọa nghe đến đây đều ớn lạnh: “Kẻ này lĩnh sáu chưởng của Đảm Ba mà vẫn bình an vô sự, trong khi Đảm Ba thậm chí không đỡ nổi một chưởng của hắn! Rốt cục hắn là thần thánh phương nào?”. Bách phu trưởng tiếp tục:

- Thấy tôn giả bị thương, chúng thuộc hạ chực vung gươm vung giáo lao vào thì tiên sinh áo trắng đã lắc mình tới trước mặt lão già. Hai bóng người xẹt qua xẹt lại, xoay mòng mòng trong bãi, lão già nọ cứ luôn mồm: “Khá lắm, khá lắm!”, giọng điệu dường hoan hỉ. Họ giao đấu hồi lâu nhưng không phân thắng bại.

Cáp Lý Tư nghe kể cha mình hiển lộ thần uy thì ra chiều đắc ý. Bá Nhan cũng nghĩ: “Thường nghe ngoại hiệu của Hạ Đà La là Xà ma, tung hoành Tây Vực vô đối thủ, ban đầu ta còn bán tín bán nghi, bây giờ xem chừng danh bất hư truyền! Nhưng lão già kia lai lịch thế nào nhỉ?”. Bách phu trưởng vẫn kể tiếp:

- Chúng thuộc hạ thấy tiên sinh áo trắng cũng khó bề thắng được, bèn cùng ùa đến giúp, lão quái nhân cười hà hà: “Hay lắm, chúng ta chơi trò gà con đuổi bắt diều hâu, chim ri đuổi đánh vỡ đầu bồ nông nào!”. Lão bèn bỏ ngang tiên sinh áo trắng, guồng chân chạy vòng vòng quanh trại…

Thoát Hoan thắc mắc:

- Xưa nay chỉ có diều hâu tha gà, chứ làm gì có gà con đuổi bắt diều hâu?

Bách phu trưởng nhăn nhó nói:

- Tiểu tướng đoán lão già ngụ ý rằng lão là diều hâu còn bọn tiểu tướng là gà con ấy. Tất nhiên gà con thì đuổi bắt diều hâu sao được! Quanh trại lúc đó có đến một trăm binh tướng, toàn bộ hiệp đồng truy kích lão, rõ ràng là trông thấy lão chạy sát gần mà khi cả bọn xúm vào bao vây thì thậm chí không tóm được đến bóng của cái chéo áo.

Thoát Hoan nhăn trán suy luận:

- Nhất định là lão ta nhảy lên cao, phải không?

Bách phu trưởng lắc đầu:

- Tiểu tướng đứng ngoài lược trận nên quan sát rất rõ, ba bốn mươi người cùng bủa vây lão nọ, khi vòng người đổ xô tới, lão ta không hề nhảy nhót gì cả, chỉ khẽ lắc mình xuyên qua giữa đám đông ấy như một đụn gió. Chẳng ai tóm được, thậm chí chạm đầu ngón tay cũng không luôn.

Thoát Hoan ngờ vực ra mặt. Bách phu trưởng định thề thốt, chợt một tiếng hú dài vẳng tới, nội kình rất thâm hậu, tiếng hú thứ nhất chưa dứt, tiếng thứ hai đã vút lên the thé sắc nhọn lẫn với những tràng ri ri. Bách phu trưởng tái mặt kêu:

- Đấy, đến rồi đấy…

Bá Nhan cau mày đứng bật dậy:

- Chúng ta ra xem xem thần thánh phương nào!

Y rời trướng soái trước tiên, Thoát Hoan và những người khác lục tục theo sau. Chỉ trong nháy mắt, còn trơ trọi mỗi Lương Tiêu bên bàn. Gã uống rượu như hũ chìm, lúc này đã say khướt, vừa đứng dậy bỗng thấy nôn nao trong ngực, tay chân bủn rủn, phải bám lấy vách lều, rồi cúi xuống mửa thốc mửa tháo. Thình lình có bóng người nháng lên trước mặt. Lương Tiêu hé mắt nhìn, trong trướng mới xuất hiện thêm một người, miệng rộng mũi cao, hàng mày xếch chạy thẳng lên mấn tóc, tướng mạo uy nghi, chỉ hiềm đầu tóc rối bù, quần áo vốn dĩ là tơ lụa hảo hạng nhưng lúc này đã rách tươm, lem nhem bẩn thỉu. Lão ta ngồi chềnh ềnh trên cái ghế Bá Nhan ngồi lúc nãy, tay cầm rượu tay gắp thịt, liên tục đưa lên hạ xuống ăn uống nhồm nhoàm.

Lương Tiêu nhớ lại câu chuyện của Bách phu trưởng, liền hỏi:

- Ông là ai?

Lão già ngừng ăn uống, cau cau đôi mày ra ý phiền muộn, gõ gõ trán lắc đầu:

- Chả nhớ nữa, chả nhớ nữa!

Lương Tiêu ngạc nhiên:

- Chả nhớ nữa là sao?

Người nọ đáp:

- Chả nhớ ta là ai ấy mà.

Lương Tiêu càng ngạc nhiên:

- Tại sao không nhớ?

Lão già trợn mắt lên toàn lòng trắng, lúng búng nói:

- Không nhớ, hễ nhớ là sai.

Lương Tiêu nghĩ bụng: “Người ngợm đâu mà lạ lùng”, rồi ngoảnh ra nhìn. Đám thân binh ngoài cửa đều đứng ngây như tượng gỗ, nghe trong trướng có tiếng chuyện trò mà cũng không hề nhúc nhích. Lương Tiêu chột dạ, nắm kiếm quát:

- Các hạ làm gì vậy?

Lão già cười:

- Ăn cơm, ăn cơm! – đoạn lim dim đôi mắt, cười hì hì. – Có cơm không ăn, tiện cho hoàng đế; có cứt không ỉa, lỗi với đại vương. Lẽ nào ngươi không ăn uống bài tiết gì hay sao?

Lương Tiêu càng nghe càng kinh ngạc, chợt nhận ra ánh mắt lão già thoáng vẻ điên dại khác hẳn người thường thì dịu mặt hỏi:

- Ông từ đâu đến đây?

Lão già đáp:

- Từ ngoài biển.

Lương Tiêu hỏi:

- Chèo thuyền vào à?

Lão già trừng mắt:

- Nhăng nhít, ta dùng sào đấy!

- Thế chẳng phải chèo thuyền thì là gì?

- Vậy à? – Lão già bối rối, đang định nghĩ tiếp, chợt lắc đầu. – Không nghĩ nữa, càng nghĩ càng sai.

Lương Tiêu nhẫn nại hỏi:

- Ông chèo thuyền đến đây làm gì?

- Tìm người đánh nhau.

- Tìm ai đánh nhau?

- Tìm hòa thượng.

- Hòa thượng nào?

Lão già gãi đầu:

- Chả nhớ nữa!

Lương Tiêu cau mày:

- Không nhớ thì ông định tìm ai?

Lão già vò đầu nghĩ ngợi, chợt trừng mắt, đập bàn quát:

- Đồ khốn, làm hại ta phải suy tư buồn rầu, ta đánh chết mày…

Miệng nói tay vung, hai cây đũa xé gió bay tới nhanh khôn tả. Lương Tiêu né mình, vừa tránh được đôi đũa thì hai chiếc đĩa sứ từ hai mé trái phải lao vào gã. Thì ra lão già đã tính toán được hướng lắc tránh của Lương Tiêu nên ném đĩa khóa đường, đẩy Lương Tiêu vào vòng chắn của hai chiếc đĩa.

Lương Tiêu vội vã xòe hai tay, phẩy trúng hai chiếc đĩa sứ. Đĩa sứ cùng bay xoay vào trong, va nhau vỡ vụn ngay trước ngực Lương Tiêu sau một tiếng động khô giòn. Chiêu này là Tịch hề liêu hề của Sở Tiên Lưu, Lương Tiêu thi triển mô phỏng, chỉ một động tác đã phá được sát chước của lão già.

Quái nhân nọ ồ lên, không có vẻ tức giận mà lại ra ý vui mừng, nhét luôn tảng thịt dê vào mồm rồi tung mình bật dậy, khum năm ngón tay nhoe nhoét mỡ chụp xuống đầu Lương Tiêu.

Lương Tiêu lạng người đi. Lão già chụp hụt, tươi tỉnh reo lên:

- Ta bắt ngươi tránh, ta bắt ngươi tránh! – đoạn tung ra hai trảo nữa, thế tấn công như cuồng phong bạo vũ.

Lương Tiêu cúi đầu né được một trảo, còn trảo thứ hai áp sát quá nhanh, gã không kịp tránh đành tuốt kiếm đỡ, vận đúng chiêu thế Minh Di đâm vào vai phải lão già. Lão già hụp mình tránh được, trôi đến bên bàn, chụp lấy một cây đũa cười hì hì:

- Lại đây lại đây! Ngươi dùng kiếm đâm ta, ta dùng đũa đâm ngươi, xem ai đâm trúng ai nào. – Lão đạp chân lướt đến, giơ đũa phát chiêu, chính là đường lối Minh Di kiếm, nhưng xuất thủ thần tốc hơn Lương Tiêu nhiều.

Lương Tiêu hoảng hồn, cấp tập đổi sang Đại Hữu kiếm, lão già cũng trở tay theo đúng tư thế Đại Hữu đâm đũa ra. Lương Tiêu kinh hãi cùng cực, tung mình nhảy về sau, biến chiêu thành Tiểu Súc kiếm, lão già cũng vận dụng Tiểu Súc, xuất thủ sau mà tới điểm trước, đâm phập vào hổ khẩu Lương Tiêu khiến gã lỏng tay cầm, thanh kiếm rơi kịch xuống đất.

Lương Tiêu không kìm nổi nữa, la lên:

- Ông cũng biết Quy Tàng kiếm?

Lão già cười hì hì:

- Ngươi cũng biết Quy Tàng kiếm?

Lương Tiêu cau mày, đảo chân bước theo Thập phương bộ vòng ra sau lưng lão già, khép song chưởng thi triển Tam tài quy nguyên, nhưng chưa kịp đẩy ra thì đã không thấy bóng dáng đối thủ đâu nữa. Đang tưởng mình hoa mắt thì chợt nghe mé hậu có tiếng kình phong cuộn lên ào ạt, Lương Tiêu vụt đổi chiêu Thiên toàn địa chuyển, xoay phắt người lại đánh vào ngực trái lão già. Lão già cũng xoay người tít mù, giáng chưởng vào ngực trái đối thủ, chiêu thức và tâm pháp đều giống hệt Lương Tiêu.

Chưởng lực chạm nhau, Lương Tiêu bắn vút ra xa một trượng, ngã thình xuống đất, khí huyết nhộn nhạo. Gã tự nhủ lão già này sở học uyên nguyên không kém gì Công Dương Vũ, thành thạo cả Quy Tàng kiếm và Tam tài quy nguyên chưởng, chỉ còn cách áp dụng một loại công phu ít thấy mới mong chế ngự được lão ta. Gã bèn thi triển võ công trong Huyền dịch cảnh, trước tiên vẫy hai chưởng theo chiêu thế Phục Hy vấn quải. Nào ngờ mới nhích chưởng, lão già đã đẩy ra một chiêu Phục Hy vấn quải y xì đúc. Lương Tiêu choáng váng, cấp tập đổi thành Chu Văn Vương bốc quy, thoáng cái lại sang Quỷ Cốc Tử phát khóa, tạo chuỗi hai chiêu liên hoàn. Lão già kỳ quái nọ cười lớn, cũng biến ngay ra hai chiêu này, bất luận chiêu thức hay tâm pháp đều cùng một dạng với Lương Tiêu.

Đến đây, Lương Tiêu đã kinh hãi quá độ, bởi hiện tại trên thế gian chỉ có mình gã luyện được võ học thạch trận của Thiên Cơ cung, không hiểu sao quái nhân kia cũng phát chiêu giống hệt. Lương Tiêu suy nghĩ rất lung, khi chiết giải đến chiêu thứ mười ba thì chợt đoán ra nguyên nhân, buột miệng hỏi:

- Lão già kia, ngươi bắt chước võ công của ta phải không?

Gã vừa mở miệng, quái nhân cũng nói:

- Lão già kia, ngươi bắt chước võ công của ta phải không?

Hai cái miệng riêng rẽ mà cùng cất tiếng một lượt, cùng nói ra một lời.

Lương Tiêu bàng hoàng hiểu rằng bất luận gã sử chiêu nào, lão quái sẽ sử chiêu đó, không chỉ chính xác về động tác tư thế mà còn nhạy bén về thần thái tư tưởng, lại nhờ công lực cực cao nên dù ra tay sau nhưng luôn tới điểm trước để khắc chế gã. Nghĩ đến đây, gã bèn ra chiêu Môn sắt luận đạo, một chiêu bắt nguồn từ điển cố Vương Mãnh thời Bắc triều. Vương Mãnh buổi đầu tấn kiến Phù Kiên, một tay mò trong ngực bắt rận, một tay trỏ trời đất bàn việc lớn, thoát li lễ tiết mà đường hoàng ung dung. Khẩu quyết của chiêu này là, tay trái nhắm thẳng huyệt đạo đối phương, tay phải luồn vào ngực áo lấy ám khí, chẳng hạn chủy thủ hoặc đoản đao rồi bất thần tập kích. Lần này xuất thủ, Lương Tiêu thêm thắt biến hóa riêng, tay trái chĩa thẳng như khẩu quyết, nhưng tay phải thì gập vòng vỗ vào ngực mình. Lão già cũng răm rắp bắt chước, tay trái điểm dứ, tay phải vỗ ngực.

Lương Tiêu cải biến chiêu thức cốt để lão già hạ thủ tự hại bản thân, còn chính gã, trong lúc cử động thì chú ý ghìm lực, khi tay áp hẳn đến ngực thì thu luôn nội kình về. Nào ngờ lão già mô phỏng như hệt, vì vậy chẳng hề bị thương, đồng thời năm ngón tay trái vẫn lừ lừ điểm tới huyệt đạo Lương Tiêu.

Biểu hiện đó chứng tỏ lão quái không những học được động tác, tâm pháp của chiêu thức mà còn cảm nhận được cả mức độ phát kình. Lương Tiêu chưa hết sửng sốt thì đã thấy mình bị dồn vào góc lều, liền bật cao lộn nhào một vòng, đoạn từ trên không hất chân đá dập xuống ngực lão già theo chiêu thức Quảng Thành Tử đảo thích đan lô. Lão già bắt chước ngay lập tức. Một người trên cao, một người dưới thấp, khi hai bên lao qua nhau, Lương Tiêu bỗng cảm thấy đau nhói ở lưng, thì ra đã bị trúng đòn đá ngược của lão già. Ngay tức thì, khối rượu óc ách trong bụng gã cuồn cuộn dâng trào, ộc hết cả ra miệng. Lão già quá đỗi bất ngờ, mặc dù giỏi bắt chước là thế mà cũng không sao thực hiện được trò này, chưa kể lão đang trong tư thế trồng cây chuối, nếu không kịp tránh thì nhất định sẽ bị bãi nôn của Lương Tiêu bắn hết vào người. Lão tức quá kêu oai oái, ngả mình xuống như cỏ rạp trước gió, trườn ra xa một trượng.

Tận dụng khoảnh khắc đó, Lương Tiêu liền lật mình đáp xuống, đứng vững rồi ngước mắt nhìn, gặp ngay bộ mặt cáu kỉnh và cặp mắt trừng trợn của lão già:

- Đồ xấu xa, công phu phun nước đấy tên là gì vậy?

Lương Tiêu vẫn còn đau lưng, nghe vậy bực bội đáp:

- Tên là Thiên hà lơ lửng!

Lão già gãi đầu:

- Thiên hà lơ lửng, thế quái nào mà chưa nghe bao giờ? Ái chà, không nhớ được, không nhớ được!

Hai tay lão gõ đầu, vẻ mặt sốt ruột.

Lương Tiêu thầm nhủ: “Lão này điên điên khùng khùng mà võ công cao cường kỳ dị quá! Ta đánh không lại, ba mươi sáu chước, chước chuồn là hơn”. Thình lình, một cái bóng trắng nháng hiện ngoài cửa. Hạ Đà La lướt vào, chân không chấm đất, khuôn mặt nham hiểm, trông thấy lão quái liền cười ré lên:

- Bạn thân mến ơi, tính toán giỏi thế, nấp đâu không nấp lại nấp vào đây làm sái gia tìm bở hơi tai!

Lão già trợn trắng mắt:

- Ngươi là kẻ nào? Ai là bạn thân mến của ngươi?

Hạ Đà La nghĩ bụng: “Mới giao đấu một trận dữ dội mà đã quên ta rồi sao? Hừ, chắc hắn cố ý nhục mạ ta đây”, đoạn cười nhạt, nắm song quyền đẩy ra. Lúc này hai người đang đứng cách nhau mười trượng, Lương Tiêu sửng sốt: “Lẽ nào quyền kình của tên này bắn đi xa được đến mười trượng?”. Trong lúc đó, Hạ Đà La đã băng tới gần ba trượng, thoắt một cái xòe tay thành chưởng, lại rút ngắn gần ba trượng nữa, lần này tay nắm thành quyền. Thoắt chưởng thoắt quyền như thế thêm ba lần, khoảng cách giữa hai người chỉ còn không quá năm thước.

Lão già tròn xoe mắt nhìn đôi tay của Hạ Đà La, vẻ mặt rất chăm chú.

Lương Tiêu đứng bên xem, nhác thấy song chưởng của Hạ Đà La nhích động, bất giác tự hỏi: “Hắn sắp biến quyền hay dùng chưởng đây? Ờ, phải rồi, chắc là dùng chưởng”. Không ngờ Hạ Đà La thét một tiếng, lại nắm song quyền đẩy ra. Ở bên kia, lão quái xẹt tới xuất chưởng, kình chạm kình, cuồng phong nổi lên khiến cốc đĩa nhảy tâng tâng rồi rơi xuống vỡ loảng xoảng, căn lều rộng lớn cũng nghiêng ngả lắc lư.

Sau chiêu đầu tiên, hai người cùng giật lui ba trượng, vừa hò hét inh tai vừa xuất thủ từ xa, đôi tay co duỗi khum gập nhanh như chảo chớp, thoắt chưởng thoắt quyền, thoắt trảo thoắt chỉ, hệt như trò đánh toan[6] lúc uống rượu cao hứng, chỉ khác là động tác chứa đầy kình lực, thế gian thật hiếm thấy. Ban nãy Lương Tiêu đoán sai động tác xuất thủ của Hạ Đà La, lúc này nhân dịp quan chiến ngầm tập suy luận xem họ ra nắm tay hay bàn tay, ngón tay duỗi hay khum, nào ngờ xem liền mười chiêu mà chỉ đoán trúng hai ba chiêu. Đáng ngạc nhiên là, Hạ Đà La xuất thủ rất rõ ràng gãy gọn mà lão già nọ không bắt chước nổi một chiêu một thức nào của hắn.

Lương Tiêu toàn đoán sai, trong dạ buồn bực. Hai người ra chiêu càng lúc càng chậm, nhưng chưởng phong lại dày nặng và sắc bén hơn lên. Thình lình, chưởng thế của Hạ Đà La ngưng hẳn, lão già nọ thét vang, bước lên một bước, phát chéo chưởng, đẩy chệch luồng kình của Hạ Đà La vào vách lều, cột chống gãy luôn làm ba giữa những tiếng răng rắc. Lương Tiêu chột dạ phi thân khỏi trướng, chưa đứng vững đã nghe liền một hồi rắc rắc, căn lều sụp hẳn, phủ lên Hạ Đà La và quái nhân. Hai bóng người vẫn di chuyển dưới lớp vải da trâu, thoắt tiến thoắt lui như long xà trườn quẫy. Lều đổ đã đánh động cả trại, tứ phía nhốn nháo, tướng sĩ nhốn nháo tuôn đến xem.

Nhóm Bá Nhan cũng đã quay về, định chạy lại gần, nhưng nội kình của hai đấu thủ bắn cả ra ngoài qua lớp vải lều, xem chừng có thể đả thương người. Bá Nhan khó lòng tiếp cận, bèn ra lệnh lấy cung tiễn, kéo căng cung ngắm vào hai người dưới lớp vải, nhưng họ tiến lui thần tốc, nhất thời y không phân biệt được ai với ai.

Hạ Đà La và quái nhân đấu suốt nửa canh giờ. Đám đông bên ngoài chưa biết thắng thua thế nào, đúng lúc bắt đầu sốt ruột thì nghe thấy một tiếng động lạ lùng, lớp lều da trâu thủng hai lỗ. Hai bóng người vừa hú hét vừa song song nhảy vút lên không, xuất liền bảy chưởng như chớp giật. Hạ Đà La vụt lảo đảo, ngã ngửa người ra. Lão già rú vang tung mình xáp tới, quật bốn chưởng vù vù như gió táp sóng xô. Hạ Đà La né mình tránh được ba chưởng, nhưng không né nổi chưởng thứ tư, định xòe tay chắn đỡ thì Bá Nhan vụt thả dây cung, ba mũi tên nối nhau bắn về phía lão già.

Lão già võ công tuy cao nhưng cũng không dám khinh suất, vội co mình tránh tiễn, lại thu chưởng quơ đánh, gạt rơi được hai mũi tên. Hạ Đà La thừa cơ tống một quyền trúng ngực lão. Quái nhân hú dài, bắn ngược người ra sau, thân hình như làn khói nhẹ, như chim hồng bay cao, chỉ nhấp nhô một lượt là lướt đi xa đến hơn mười trượng, vượt qua đầu toán lính, ẩn vào sau một căn lều. Hạ Đà La cũng lật mình đáp xuống đất, giật lui chừng nửa bộ mới đứng vững. Hắn hít một hơi thật sâu, bộ mặt nhợt nhạt.

Bá Nhan hạ cung tiễn, dõi mắt chăm chú nhìn vào chỗ lão già mất hút, đôi lông mày rậm cau rúm. Y đã dồn toàn lực vào ba mũi tên vừa rồi, không ngờ đều trượt đích. Lão già đó đã trúng một quyền của Hạ Đà La mà còn di chuyển nhanh nhẹn như vậy, võ công quả thực cao thâm khôn lường. Bá Nhan nghĩ nát óc cũng không đoán ra gốc gác của nhân vật này, đành hỏi Hạ Đà La:

- Tiên sinh có nhận ra lai lịch người đó không?

Hạ Đà La mím môi, lắc đầu im lặng. Một cái bóng xanh chợt nháng lên, lão già cao gầy xẹt đến trước mặt hắn, rút ra một chiếc bình ngọc trắng như mỡ dê, dốc lấy ba viên đan dược, cười khì khì bảo:

- Mạch Âm duy của đại sư hơi bị tắc, mau uống ba viên thuốc này để chữa trị.

Hạ Đà La đón lấy thuốc, hít ngửi nhưng không uống ngay, ánh mắt lướt một vòng rồi dừng lại ở Cáp Lý Tư. Tên này bắt gặp ánh nhìn của cha, cơ mặt giật nhẹ, bỗng cười hì hì tiến đến, nhón viên thuốc uống luôn. Hạ Đà La quan sát hắn chốc lát, thấy không vấn đề gì mới uống nốt phần còn lại, thở ra hít vào vài lượt xong vui vẻ khen:

- Đan dược của Thường tiên sinh quả nhiên linh nghiệm!

Bá Nhan giật mình, đưa mắt sang lão già áo xanh:

- Tiên sinh họ Thường à? Phải chăng là Tiếu Diêm vương?

Lão già áo xanh sững người một thoáng rồi tươi mặt:

- Kẻ bất tài này chính là Thường Ninh, tên tuổi hèn kém mà được Thừa tướng biết đến, thật vinh hạnh muôn phần! – Lời nói nhún nhường, nhưng vẻ mặt vô cùng đắc ý.

Bá Nhan cười nhạt, không nói gì nữa. Lương Tiêu tự nhủ: “Y thuật của lão này xem chừng không tệ, sao lại đặt ngoại hiệu là Tiếu Diêm vương?”.

Hạ Đà La đảo mắt nhìn quanh rồi dừng lại ở Minh Quy:

- Minh tiên sinh kiến văn quảng bác, chẳng hay có đoán ra thân thế của con người kỳ dị kia chăng?

Minh Quy mỉm cười:

- Minh mỗ tầm nhìn hạn hẹp, quả có thầm điểm qua vài gương mặt, nhưng ngẫm kỹ lại thấy không giống cho lắm, mong Hạ tiên sinh chỉ giáo.

Hạ Đà La nói vẻ thâm độc:

- Minh tiên sinh còn không biết, sái gia làm sao biết được. Kẻ ấy xuất thủ bát nháo khiến người ta không sao nắm bắt được đường lối võ công.

Minh Quy cười:

- Hạ tiên sinh khiêm tốn thế, bất kể kẻ đó là ai, lần sau gặp mặt cũng không dễ mà thoát khỏi tay tiên sinh đâu.

Hai kẻ trông bề ngoài thì cứ tôn xưng nhau lên, thực ra ngấm ngầm mai mỉa lẫn nhau. Hạ Đà La đấu với quái nhân nọ, rõ ràng yếu thế, thẩm hiểu dẫu mai sau còn tái đấu thì cũng chỉ đủ sức tự vệ chứ đừng mơ thắng được lão ta. Vốn là kẻ mặt dày giỏi nín nhịn, nghe giọng khích bác ngầm của Minh Quy, hắn vẫn làm ra bộ hân hoan:

- Minh tiên sinh quá khen!

Minh Quy tủm tỉm cười. Lương Tiêu thừa hiểu tính lão, nhìn lối ăn nói cử chỉ kia là đủ biết lão đã đoán ra lai lịch quái nhân nọ, nhưng vì sao không muốn tiết lộ? Trầm ngâm một lát, gã chợt hiểu ra: “Bề ngoài, lão già và Hạ Đà La cùng chung một thuyền, đều là hai cánh tay phù trợ cho Thoát Hoan, nhưng thực tế thì không được hòa thuận cho lắm. Lão họ Minh biết mà không nói, cốt để Hạ Đà La không nắm được thực lực của quái nhân, lần sau giao thủ nhẹ thì thủ hòa, nặng thì thất bại khốn đốn”.

[1] Rồng gầm Tây Tái. Tây Tái là một ngọn núi ở mặt tây nam Hồ Châu.

[2] Bài Tiền Đường ca của thi nhân – từ nhân Uông Nguyên Lượng thời Tống mạt. Câu cuối bài này mượn hình ảnh chim đỗ quyên với tiếng hót ai oán trong bài thơ Đỗ quyên của Đỗ Công Bộ để tả mối sầu vong quốc.

[3] Bài tản khúc Tây hồ xuân cảm của Lưu Chí thời Nguyên.

[4] Đế sư là chức quan đặt ra dưới triều Nguyên, dành cho vị tăng lữ cao cấp nhất trong Phật giáo Tạng truyền, vừa đảm nhiệm các vấn đề tôn giáo của cả nước vừa điều hành chính sự khu vực Tây Tạng. Bát Tư Ba (tức BLo-gros rgyal-mtshan hPhags-pa) là người đầu tiên giữ chức Đế sư, học vấn cao, được Hốt Tất Liệt rất quý trọng.

[5] Phật giáo Tây Tạng coi Lạt ma là hiện thân của Đức Phật chứ không chỉ là người tu hành kinh kệ bình thường trong thiền viện hay chùa chiền.

[6] Một trò chơi rất phổ biến ở Trung Quốc, tương tự oẳn tù tì của ta, thường chơi khi uống rượu. Có nhiều cách chơi, phổ biến nhất là hai người cùng hô những khẩu lệnh có vần điệu khác nhau đồng thời xòe các ngón tay ra để đọ, ai thua bị phạt uống rượu.

/57

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status