Biên Hoang Truyền Thuyết

Chương 23: Chia đường chạy

/586


Đến bờ đông Phì Thủy, phía bắc Hoài Thủy, cách Biên Hoang Tập hơn năm mươi dặm, chạy không nổi nữa, Yến Phi, Thác Bạt Khuê và Lưu Dụ nằm xoài xuống.

Họ đã cách rất xa tuyến Dĩnh Thủy chảy về Thọ Dương, lại chuyên chọn nẻo hoang rừng rậm mà đi, vượt qua hai sông Dĩnh Thủy và Phì Thủy, chưa dừng lại lấy một lần - mãi cho tới đây - để tránh truy binh và cặp mắt tinh tường của Khất Phục Quốc Nhân.

Thác Bạt Khuê nằm vật xuống trước nhất. Yến Phi vừa ngả mình ra là lập tức nằm ngửa, ngắm bầu trời mê đắm đang chuyển dần từ đêm sang buổi ban mai. Lưu Dụ thì khuỵu hai gối, thở hồng hộc.

Lúc ấy, họ cảm nhận được một cách đặc biệt sự quý giá và hiếm hoi của sinh mệnh, khiến họ càng hân hoan trân trọng một sự thực là mình còn sống.

Thác Bạt Khuê vùi mặt vào nền cỏ đẫm sương đêm, vừa thở vừa cười rũ rượi, hai tay đấm đất: "Yến Phi quả là thú vị, hiếm có nhất là trong khoảnh khắc phát sinh biến cố đột ngột đã mau chóng đưa ra lựa chọn chính xác thế này, bằng không chúng ta đã phơi xác ở Biên Hoang Tập rồi. Thật không uổng một mối huynh đệ chi giao".

Lưu Dụ quỳ đến đau nhức đầu gối, đành ngồi bệt xuống, nghe nói vậy kinh ngạc hỏi: "Đoạn trước huynh nói tôi hoàn toàn đồng ý, nhưng đến đoạn sau, không hiểu hai huynh có quan hệ gì?".

Thác Bạt Khuê nói một cách khó khăn giữa những chuỗi cười: "Người mà Thác Bạt Khuê này xem trọng mới được ta coi như anh em. Ngươi còn không hiểu ư?".

Yến Phi ngửa mặt ngắm ánh sáng tinh mơ, lòng trào lên cảm giác ấm áp, thân thể tuy mệt mỏi muốn chết nhưng tinh thần thoải mái khoan khoái lạ thường. Chàng hiểu vĩnh viễn cũng không thể quên thời khắc này, quên cái cảm giác xúc động khi hai người đồng tâm hiệp lực tiến hành một nhiệm vụ hầu như không có cơ may hoàn thành, trừ bỏ được bao nhiêu khó khăn, trong cái chết lại tìm được đường sống.

Từ khi lọt lòng mẹ đến giờ, lần đầu tiên chàng cảm thấy sinh mệnh quý giá biết dường nào, không hơi đâu nảy ra cái ý nghĩ chết cho xong nữa.

Ba người thở hổn hển, gắng hít thật nhiều dưỡng khí để bù cho nhu cầu bị thiếu hụt.

Lưu Dụ xoay mình một cách khó khăn, quay mặt ra Phì Thủy, nhìn nước sông chảy về Hoài thủy, nói sang chuyện khác: "Rất có thể chúng ta đã giúp ả yêu nữ ấy một tay, tạo cho ả một cơ hội thoát thân".

Yến Phi và Thác Bạt Khuê thầm đồng ý, ả đã có bản lĩnh thoát khỏi sự sục sạo của Khất Phục Quốc Nhân, toàn thân lại giắt pháp bảo, đương nhiên có thể cao chạy xa bay nhờ tận dụng tình thế hỗn loạn do bọn họ gây ra khi đột phá vòng vây.

Kỳ lạ là ba người đều phát giác nỗi hận của họ đối với ả đã tiêu tan, đây có lẽ là điểm đặc biệt nhất của An Ngọc Tình, bất kể ả làm việc gì xấu cũng có vẻ là chuyện đương nhiên, nếu khác đi thì không thể phô bày được tư thái phong tình riêng có của ả, quả thực là một yêu nữ hoàn toàn.

Thác Bạt Khuê cuối cùng cũng ngừng cười, hít sâu nói: "Ả mà còn để ta trông thấy mặt, nhất định ta sẽ giáo huấn cẩn thận".

Lưu Dụ cười tinh quái: "Huynh định đối phó thế nào đây? Ả không phải là loại dễ bắt nạt đâu nhé".

Thác Bạt Khuê nói: "Chính vì không dễ ta mới làm, vậy mới thú!".

Lưu Dụ nhìn hắn, vừa lúc Thác Bạt Khuê đang nằm dưới đất cũng ngẩng đầu lên nhìn gã. Mắt họ gặp nhau, cả hai cùng cười lớn, tiếng cười đầy mùi dục tình đàn ông với đàn bà.

Thác Bạt Khuê thấy Yến Phi không có phản ứng gì, bèn lăn đến bên cạnh chàng, chống tay đỡ lấy má, nhìn khuôn mặt tuấn tú của Yến Phi, kinh ngạc hỏi: "Ngươi đang nghĩ gì vậy? Không định làm anh hùng cứu mỹ nhân khỏi ma trảo của hai đứa bọn ta đấy chứ? Nhưng mà anh em nhắc nhở ngươi, đó là một mỹ nhân độc như rắn rết!". Nói tới câu cuối, hắn và Lưu Dụ cùng cười phá lên, Lưu Dụ ngửa cổ ra mà cười, đập tay vỗ đùi, trông cũng đủ khiến người ta tức cười lắm rồi.

Thác Bạt Khuê cười đến đau hết cả người, hổn hển nói: "Ta chưa từng thử qua trò gì vui vẻ như thế này, chuyện gì cũng cảm thấy buồn cười".

Yến Phi cuối cùng cũng tủm tỉm, thong thả nói: "Lý do đơn giản thôi mà, mất rồi mà lấy lại được thường khiến người ta vui vẻ, nhất là khi lấy lại được ba cái mạng như thế này. Thành ra chúng ta đang nhâm nhi cái tư vị hân hoan mà chưa bao giờ chúng ta được hưởng".

Lưu Dụ gật đầu: "Nói hay lắm! Hà! Huynh vẫn chưa trả lời câu hỏi vừa rồi của Thác Bạt lão huynh".

Yến Phi hờ hững đáp: "Đầu óc ta trống rỗng rồi, chỉ biết mình đang ngắm trời cao, bây giờ mất tìm lại được, biết đâu sẽ có lúc được rồi lại để mất, không vui vẻ chẳng phí lắm ư".

Thác Bạt Khuê lật mình lại, bắt chước Yến Phi nằm ngửa ngắm bầu trời đang chuyển sáng dần: "Hai vị có dự tính gì?".

Yến Phi vụt ngồi dậy, vừa giãn gân cốt vừa nói: "Điều ta muốn nhất là ngủ một giấc thật ngon, không bị quấy nhiễu mảy may, nhưng đáng tiếc trước mắt hãy còn trong vòng nguy hiểm, vì vậy hy vọng đi xa được chừng nào thì hay chừng ấy".

Thác Bạt Khuê im lặng chốc lát, nhìn sang Lưu Dụ. Lưu Dụ hiểu ý, biết hắn có điều muốn nói riêng với Yến Phi, thậm chí còn đoán được hắn sẽ nói gì. Gã đứng dậy, lòng chỉ mong hắn không thể thuyết phục nổi Yến Phi: "Gần đây chắc có suối mát uống được, để ta thử đi tìm xem". Nói rồi đi xuống dốc.

Thác Bạt Khuê nhìn theo bóng Lưu Dụ, lẩm nhẩm: "Một người miền nam thật đặc biệt, không những thể chất bất phàm, tính cách kiên nghị, mà nhìn qua cũng biết là người mưu trí".

Yến Phi liếc hắn, điềm tĩnh nói: "Gã giống ngươi nhiều điểm, nhưng cũng có những điểm trái ngược hoàn toàn".

Thác Bạt Khuê ngồi dậy: "Nghe giọng ngươi, dường như không muốn cùng ta quay về bắc".

Yến Phi giơ tay nắm lấy hai vai hắn: "Ta không thể sống cuộc sống đêm nào cũng gối đầu lên vũ khí ngủ như trước kia được nữa. Vả lại người nhà Mộ Dung đã biết Mộ Dung Văn chết bởi tay ta, nếu ta theo ngươi về, ngươi chưa công toại danh thành thì đã bị cả họ nhà gã gây hấn, ngay cả Mộ Dung Thùy cũng chưa chắc bảo vệ cho ngươi được. Hãy sáng suốt lên một chút! Ngươi làm sao có thể vì một mình ta mà từ bỏ đại nghiệp phục quốc cơ chứ!".

Thác Bạt Khuê im lặng. Đọc Truyện Online mới nhất ở truyen/y/y/com

Yến Phi hiểu hắn là người thế nào, càng hiểu rõ hơn tác dụng của những lời ấy đối với hắn, mà quả tình những điều chàng nói đều là sự thực cả. Cái chết của Mộ Dung Văn không chỉ là một mối cừu hận đối với cả họ Mộ Dung Tiên Ti, mà còn là một vết nhơ, một mối sỉ nhục, mối hận mối nhục ấy chỉ có thể rửa sạch bằng máu của Yến Phi.

Thác Bạt Khuê nhìn Yến Phi, mắt ánh lên những tình cảm chân thành sâu sắc, hắn trầm giọng nói: "Ngươi nhớ cẩn thận. Một ngày kia Thác Bạt Khuê ta có chỗ đứng vững chắc rồi, ngươi nhất định sẽ trở về bên ta".

Yến Phi thầm thở phào, Thác Bạt Khuê là người duy nhất mà chàng cảm thấy không thể từ chối được khi bị yêu cầu. Giao tình giữa họ bén rễ từ thuở ấu thơ, đã trải qua bao nhiêu thử thách, không gì có thể thay đổi. Mặc dù Thác Bạt Khuê lớn lên tâm lang thủ lạt, bất chấp thủ đoạn, nhưng đối với chàng vẫn một mực mến yêu.

Yến Phi buông hai tay, mỉm cười: "Ta cũng muốn nếm mấy ngụm nước suối ngọt mát, còn nhớ những ngày tháng tươi đẹp chúng ta nghịch nước bên thác không?".

Thác Bạt Khuê kéo chàng đứng dậy, cười vui: "Nếu ngươi không nhắc là ta quên béng đi rồi ấy. Mấy năm nay ta rất ít khi hồi tưởng lại chuyện cũ, trong đầu chỉ toàn là báo thù với phục quốc. Ha! Ngươi ghê thật đấy, đến Mộ Dung Văn mà cũng phải chết bởi tay ngươi, thật khiến ta khoan khoái".

Hai người bá vai nhau đi xuống dốc theo hướng Lưu Dụ vừa đi. Xuyên qua một dải rừng thưa, trông thấy Lưu Dụ đang quỳ bên một dòng suối nhỏ chảy giữa những tàng cây, cả đầu gã đang dầm trong nước.

Nghe tiếng động, Lưu Dụ nhấc đầu lên. Trông thấy hai người, gã đứng dậy gọi to vui vẻ, đầu mặt ướt lướt thướt.

Thác Bạt Khuê dang rộng hai tay, mỉm cười: "Chiến hữu cừ của ta, để ta ôm ngươi một cái nào. Đây là biệt lễ của người tộc Tiên Ti Thác Bạt ta".

Lưu Dụ cười ha hả, bước lại ôm Thác Bạt Khuê thật chặt, ngạc nhiên hỏi: "Huynh không ở lại xem kết cục của Phù Kiên sao?".

Thác Bạt Khuê buông gã ra, lại bóp chặt hai cánh tay gã, mắt sáng quắc: "Lúc này là lúc thanh thế của Phù Kiên đang lên. Khó khăn lắm ta mới dò ra được rằng đại loạn sắp diễn ra ở phương bắc, phải chạy nhanh một bước về chuẩn bị cho chu đáo, cướp lấy ngọn roi trước".

Lưu Dụ phấn khởi: "Hảo tiểu tử! Suy tính thật cẩn thận, nếu Phù Kiên thắng, huynh cũng nhanh hơn người ta một bước rồi, chuồn ra vùng tái ngoại cho xong".

Thác Bạt Khuê than: "Hy vọng tình hình không đến nỗi thế! Nhưng nếu phương nam nguy khốn, ngươi cũng quốc vong nhân vong, ta thì thà chết còn hơn là phải khuất phục trước Phù Kiên, càng không chịu tháo chạy".

Thác Bạt Khuê thả lỏng hai tay, gật đầu: "Được! Hiện tại ta cũng hiểu Lưu Dụ là người thế nào rồi. Một ngày kia nếu thống nhất được phương bắc, mọi người không

chừng sẽ còn phải gặp nhau trên sa trường, nhưng ta sẽ vĩnh viễn không quên chúng ta đã từng là hảo huynh đệ sát cánh tác chiến trong Biên Hoang Tập".

Nói rồi lùi về phía sau, cười một tràng dài, phất tay ra đi, dáng đi tiêu sái quyết tuyệt, đầy hào tình tráng ý khiến người ta xúc động.

Yến Phi thẫn thờ nhìn theo bóng hắn mờ dần, trong lòng chộn rộn bao cảm xúc, gần như đã sẵn sàng vì hắn mà trở về cuốn mình vào cuộc sống cuồng liệt phong bạo ở phương bắc! Nếu Phù Kiên thất bại, phương bắc nhất định sẽ chia năm xẻ bảy, trong số chư hùng thủ hạ Phù Kiên, chỉ có Mộ Dung Thuỳ đáng mặt kỳ phùng địch thủ của Thác Bạt Khuê.

Giọng Lưu Dụ chợt vang lên bên tai chàng: "Yến huynh có cùng tôi đi gặp Huyền soái không?".

Yến Phi nghĩ với vẻ lơ đễnh một lúc, cuối cùng nhớ đến lời hẹn với Tạ Huyền, lắc đầu bảo: "Đi gặp Huyền soái của nhà ngươi cũng chẳng để làm gì, ta biết ngươi hiểu điều đó còn rõ hơn ta. Ta có còn tác dụng gì nữa đâu".

Lưu Dụ ngạc nhiên: "Thế huynh định đi đâu?".

Yến Phi lộ vẻ mông lung, hờ hững đáp: "Ta không biết. Cần phải tranh thủ thời gian, Lưu huynh đừng bận tâm đến ta nữa, mau về Thọ Dương đi, bằng không lỡ việc quân thì vừa gặp may xong lại thành ra gặp rủi đấy".

Lưu Dụ biết không cách nào lay chuyển nổi Yến Phi, bèn thi lễ từ biệt, đoạn dứt khoát bỏ đi.

Còn trơ trọi một mình, Yến Phi đến bên suối quỳ xuống, vục đầu vào nước. Trong óc bất giác mường tượng lại thời gian nửa năm ở Trường An lo kế hoạch thích sát.

Để thám sát hành trạng của Mộ Dung Văn, chàng phải đóng giả làm một thế gia đệ tử ngao du thiên hạ, mỗi đêm ra vào những nơi vui thú yên hoa, kết giao bằng hữu, cuối cùng đã nhắm cơ hội phục sát thành công trên đường lớn bên ngoài một thanh lâu tiếng tăm ở Trường An.

Tuy đã trừ bỏ mối thù hận trong lòng, nhưng cũng đã tạo nên một vết sẹo sâu và đau vĩnh viễn không thể bình phục! Đây là một nguyên nhân khác khiến chàng muốn tránh xa Biên Hoang Tập.

Hiện nay Biên Hoang Tập đã biến trành đại bản doanh phòng vệ hậu phương của Phù Kiên. Thiên hạ tuy lớn, nhưng chàng không nghĩ ra chỗ nào để dung thân. Ở nơi không có Tuyết Giản Hương và Đệ Nhất Lâu, chàng quả thực không hiểu làm sao mà sống được?

Giữa trưa ngày thứ hai, sau hôm Yến Phi, Thác Bạt Khuê và Lưu Dụ chia tay, thám tử phi báo cho Hồ Bân ở Thọ Dương: Phù Dung suất lĩnh tiên phong tiến về Hoài Thủy, tốp đi đầu đã vượt qua Nhữ Âm.

Hồ Bân nghĩ thế là đã đến lúc rồi, lập tức thông báo cho Tạ Huyền, khi ấy vẫn ở Thọ Dương.

Tạ Huyền điềm tĩnh nghe hồi báo, ung dung cười: "Phù Kiên không ngờ nổi đâu! Ta sẽ giúp y hoàn thành tâm nguyện, cung tay nhường Thọ Dương cho y. Chúng ta lập tức rút về Hiệp Thạch Thành".

Hồ Bân một lòng một dạ muốn cố thủ Thọ Dương, bèn vớt vát lần cuối: "Theo thám tử ước đoán, tiên phong của Phù Dung chừng ba mươi vạn, trong đó kỵ binh khoảng hai mươi vạn, còn lại là bộ binh. Với binh lực như vậy, chiếm cứ Thọ Dương xong chúng đủ sức vượt qua Phì Thủy, từ đó tiến quân vào Bát Công Sơn đánh Hiệp Thạch Thành. Nếu cả hai thành đều thất thủ, và do đó dẫn đường cho bọn chúng tiến đến Kiến Khang, thì với binh lực hiện tại, chúng ta quyết không ngăn nổi vó ngựa Hồ tràn xuống phương nam. Đến khi tất cả các trấn nằm ở bờ bắc Đại Giang thất thủ, Kiến Khang sẽ rơi vào thế yếu, bị động".

Nào ngờ Tạ Huyền nhoẻn cười tươi tắn, vui vẻ bảo: "Ta đang mong Phù Kiên nghĩ giống ngươi đó. Thắng lợi sẽ quyết định ở đây chứ không phải ở Kiến Khang. Vốn dĩ kế hoạch của y là dùng binh lực áp đảo đánh thốc vào Thọ Dương, lại dùng một đạo quân khác phục kích bất kỳ cánh quân nào đến viện binh cho Thọ Dương, hoặc cắt đứt quan hệ giữa Thọ Dương và Hiệp Thạch Thành, đồng thời phái nhân mã kềm chế cánh quân tinh nhuệ của Đại Tư Mã ở Kinh Châu, ba hướng cùng tiến xuống, một trận đập tan lực lượng phản kích của chúng ta, cổ vũ sĩ khí cho đại quân Đê Tần. Dựa vào Biên Hoang Tập làm trạm trung chuyển giữa hai miền nam bắc, triển khai hành động tác chiến lâu dài, từng bước nuốt chửng các trấn ở bờ bắc Trường Giang, khiến Kiến Khang trở nên trơ trọi, không còn gì che chắn, khiến chúng ta ở vào cái thế không đánh cũng tan, về mặt sách lược Phù Kiên suy tính rất chu đáo kín kẽ".

Hồ Bân nảy lên: "Nếu đã vậy, vì sao Huyền soái còn muốn từ bỏ Thọ Dương? Nếu Hà Khiêm tướng quân đánh tan được cánh quân địch vượt qua hạ du Hoài Thủy, chưa chừng chúng ta có thể giữ được Thọ Dương, thêm nữa, nếu Đại Tư Mã cũng báo tiệp ở trận chiến phía tây thì chúng ta có cơ hội thủ thắng rồi".

Tạ Huyền mỉm cười: "Nếu ngươi là Phù Kiên, đột nhiên giành được Thọ Dương mà không mất một giọt máu nào, ngươi sẽ nghĩ sao?".

Hồ Bân đứng đực ra hồi lâu, đáp: "Tôi sẽ nhận định rằng binh lực của Huyền soái rất mỏng, không đủ để cố thủ Thọ Dương. Vì vậy lấy Thọ Dương xong, có thể lập tức phát binh vượt Phì Thủy, tấn công Hiệp Thạch Thành".

Tạ Huyền nói: "Hình như ngươi hơi hiếu thắng quá? Lao sư viễn chinh, từ Trường An đến Lạc Dương, từ Lạc Dương đến Tứ Thủy, lại từ Biên Hoang Tập vượt Hoài Thủy đến Thọ Dương, đó không phải là một hành trình ngắn ngủi gì đâu".

Hồ Bân đứng hẳn vào lập trường của Phù Kiên: "Nhưng tôi phải phối hợp với cánh quân vượt sông ở hạ du, nếu không thể kềm chế địch nhân ở Hiệp Thạch Thành, địch nhân sẽ dốc sức tấn công cánh quân vốn dĩ muốn dùng để giáp kích hai bên tả hữu Thọ Dương".

Tạ Huyền gật đầu tán thưởng: "Nếu quân đội của ngươi thành công, tiến vào chiếm cứ Thọ Dương, bỗng nhiên có tin báo về, đợi đại quân tập kết nghỉ ngơi". Hồ Bân thán phục vô cùng, gật đầu nói: "Tôi đành án binh bất động ở Thọ Dương, đợi đại quân tập hợp nghỉ ngơi rồi mới tính chuyện vượt Phì Thủy sang đông".

Tạ Huyền tươi cười nói: "Hồ tướng quân đã hiểu rồi đó. Hai mươi vạn tinh kỵ của Phù Dung chính là chủ lực của đại quân Đê Tần, nếu nó bại, Phù Kiên coi như thua hết cả một trận thế. Địch nhân lao sư viễn chinh, lấy được Thọ Dương, song lại trái với sự bố trí ban đầu của chúng. Ta không những mong họ mau tăng tốc tăng binh, mà còn hy vọng Phù Kiên đích thân lâm trận chỉ huy, đây chính là một trong những mục đích ta phái Lưu Dụ đi gửi thư cho Chu Tự".

Đến đây Hồ Bân mới rõ nhiệm vụ bí mật của Chu Tự, nhưng trong lòng vẫn thấp thỏm không yên, nếu năm nghìn quân tinh nhuệ của Hà Khiêm không tìm thấy cánh quân Tần vượt hạ du Hoài Thủy, hoặc không có cách nào nắm được thời cơ tấn công cánh quân đó, thì đến lượt chính họ sẽ thua trong trận chiến ấy.

Thắng bại chỉ cách nhau trong gang tấc.

Hà Khiêm và mười mấy thân binh mai phục trong một khoảnh rừng ở đông ngạn Lạc Giản1, lén quan sát động tĩnh ở tây ngạn Lạc Giản và bắc ngạn Hoài Thủy, đáng tiếc không thấy một chút dấu vết nào của địch nhân.

Bên cạnh y còn có Lưu Lao Chi vừa mới đến để thám thính binh tình. Do sự việc quan hệ mật thiết đến thành bại của trận chiến, Lưu Lao Chi không yên tâm được, bèn để thủy sư lại một nơi bí mật ở hạ du, dùng phi cáp truyền thư xin phép Tạ Huyền mau chóng trợ trận. Về cấp quan y đứng trên Hà Khiêm, y có thể điều động quân của Hà Khiêm. Vì sợ kỵ binh phương bắc linh hoạt như thần, họ chỉ dám phái thám tử vượt Hoài Hà và Lạc Giản vào ban đêm để thám sát hành tung của địch. Năm nghìn tinh nhuệ đã quen ngủ trong tình trạng sẵn sàng đợi báo động, hiện tập kết trong một vạt rừng rậm kín đáo ở bờ đông Lạc Giản, tránh tai mắt của địch.

Theo như họ ước đoán, kỵ binh của địch nhất định sẽ vượt Hoài Hà qua lối Lạc Giản, ngầm lên bờ tây, lại dựa vào dinh lũy tự nhiên nằm giữa hai sông Hoài và Lạc Giản, tiến về phía tây hỗ trợ tấn công Thọ Dương. Chỉ hận là mãi cho đến lúc này, vẫn chưa thể nắm bắt được hành tung của địch. Nếu để địch nhân đặt được cơ sở vững chắc rồi, họ sẽ mất đi cơ hội tốt, quân Tấn ở Hiệp Thạch Thành coi như sẽ rơi vào tình thế lưỡng diện thọ địch.

Mặt trời tàn chìm dần xuống dãy núi phía tây, trời đất ngả màu hôn ám, gió se sắt lùa qua khoảng rộng nơi hai sông cắt nhau.

Hà Khiêm ghé tai Lưu Lao Chi nói nhỏ: "Việc đêm nay quan trọng lắm, theo tin báo, tiên phong của Phù Dung đã rùng rùng tiến đến Thọ Dương, rất có khả năng sẽ vượt Hoài Hà trong đêm, không chừng sẽ có cánh quân nào đó của chúng qua sông ở đoạn này, tôi chuẩn bị dốc hết trinh thám ra dò xét tình hình của địch, không mạo hiểm e không thành công được".

Lưu Lao Chi thầm thở dài, tự nhủ nếu thám tử bị địch phát giác, đánh rắn động cỏ, lúc đó năm nghìn quân đi tập kích cánh quân lớn mạnh của định, chắc chắn như trứng chọi đá, nhưng ngoài cách đó ra thì chẳng còn cách nào khác cả.

Đúng lúc ấy, một bóng người nhô ra ở mé sông Hoài, chạy thật nhanh ven bờ đông Lạc Giản, vừa chạy vừa ẩn mình trong rừng rậm cỏ cao, nếu vào lúc tối trời hơn, tất cả một màn đen đặc, thì chắc chắn họ đã bị thân pháp phiêu hốt của người đó qua mặt.

Hà Khiêm định hạ lệnh cho thủ hạ ra chặn bắt, xem có phải gian tế của địch không, thì bỗng Lưu Lao Chi giật mình, nhảy ra khỏi vạt rừng la lên: "Lưu Dụ!". Người kia ngạc nhiên, chuyển hướng chạy về phía họ, khuôn mặt vui mừng, chính là tiểu tướng Lưu Dụ, vừa nhận nhiệm vụ đặc biệt thâm nhập Biên Hoang Tập về.

Gã chạy thẳng đến trước mặt Lưu Lao Chi, thở hổn hển nói: "Thuộc hạ phát hiện Lương Thành suất lĩnh bốn vạn quân, xem chừng chuẩn bị đêm mai vượt Hoài Hà ở mạn thượng du, cách Lạc khẩu ba dặm. Nếu tập kích chúng, đêm mai là thời cơ tốt nhất".

Hà Khiêm vừa chạy đến bên Lưu Lao Chi, nghe Lưu Dụ nói xong, y và Lưu Lao Chi nhìn nhau sững sờ, hoàn toàn không hiểu vì sao Lưu Dụ biết tướng Đê là Lương Thành cầm quân, lại còn biết binh lực của địch là bốn vạn người!

Lưu Dụ tiếp: "Bọn chúng toàn là khinh kỵ thôi, ngày núp đêm ra, chuyên chọn rừng thưa để di chuyển, vừa may tôi dụng tâm tìm kiếm, dọc đường lưu ý xem xét, cuối cùng đến chỗ cách Hoài Thủy ba dặm, phát hiện thấy toán đầu đang ì ạch hành quân. Người gà gật ngựa uể oải, số lượng tuy đông nhưng không đáng sợ, có điều nếu để chúng lập trại ở Hoài Hà, chúng ta không còn cơ hội nữa".

Lưu Lao Chi quả quyết hạ lệnh cho Hà Khiêm, lập tức trở về doanh trại, huy động hết năm nghìn tinh kỵ, chuẩn bị đêm nay vượt Lạc Giản. Bắc Phủ binh chỉ có tám ngàn kỵ binh, nếu năm ngàn tinh kỵ ở đây thua bại, coi như vỡ hết kỵ binh của Bắc Phủ binh.

Hà Khiêm lĩnh mệnh đi.

Lưu Lao Chi bảo Lưu Dụ: "Nhân lúc còn rỗi, ngươi kể tường tận ta nghe những điều ngươi đã trông thấy, đừng bỏ sót điều gì".

Lưu Dụ thầm phục tâm cơ linh mẫn của Tạ Huyền, nếu không phải Tạ Huyền sáng suốt đoán trước, bố trí người ở đây, cho dù gã nắm bắt được hành trạng chính xác của địch, cũng chẳng có ai mà thông tri, làm lỡ mất cơ hội tốt, chẳng biết làm thế nào!

-----

1 Lạc Giản là nơi Lưu Lao Chi thua Tần. Lạc Giản thời nay thuộc sông Lạc chi lưu của Hoài Hà, chảy qua phía đông thành phố Hoài Nam tỉnh An Huy. Lạc Giản còn có tên là Lạc Thuỷ, theo sử sách thì Trung Quốc có đến ba Lạc Thủy, một là Lạc Giản, một là Lạc Hà thuộc tỉnh Hà Nam ngày nay, và một là Lạc Hà nằm phía bắc tỉnh Thiểm Tây ngày nay.


/586

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status