Âm Phu

Chương 1

/44


Edit: Thỏ

(Vì bản tính Thỏ là trùm sợ ma nên truyện này sẽ hơi chậm, nếu không có thời gian edit ban ngày thì sẽ không edit ban đêm. Thỏ ở có 1 mình hà nên nhát lắm, bữa đi coi Anabella mà lăn lộn gần 5 ngày mới ngủ ngon được.)

— —

Tôi tên Khúc Tiểu Duẫn, là trẻ mồ côi. Từ khi còn quấn tã lót đã được sư phụ mang nhặt về, đến nay vừa tròn 19 tuổi.

Sư phụ bình thường là bợm nhậu, nhìn qua điên điên khùng khùng nhưng chính là một tay xem phong thủy huyệt mộ. Ở đây mười dặm tám thôn ai có chút tiền muốn vị trí huyệt tốt sẽ tìm đến lão, người đời gọi lão là Phùng lão đạo.

Khi còn bé, sư phụ vốn muốn đem ngón nghề này truyền cho tôi, thế nhưng tôi quá dốt nát, kiểu gì cũng không nhớ nỗi các loại hình âm dương bát quái. Sư phụ nỗ lực dạy tôi hai lần, sau đó cũng chào thua.

Chúng tôi sống ở một nơi nhỏ nên phạm vi người sống cũng không nhiều, tự nhiên tang sự cũng ít. Dăm bữa nửa tháng có một đám tang đã quá tốt rồi, cho nên tiền đến tự nhiên cũng ít. Thêm vào đó, sư phụ rất thích rượu chè, vừa lĩnh lương xong lão sẽ dùng tiền mua hai bình rượu, làm gì còn dư đồng nào cho tôi. Những ngày tháng qua đúng là căng não.

“Tiểu Duẫn, ăn ít thôi, mi ăn cho sạt nghiệp ta à.” Lão đầu ôm bình rượu vừa uống vừa lẩm bẩm.

Tôi căn bản không quan tâm sư phụ, cơm nước xong ông đây còn lên núi đốn củi, không ăn lấy sức đâu chặt cây? Tôi xơi một bát cơm, sau đó xơi thêm bát bắp ngô trộn quả phỉ, ngay cả dưa muối cũng vét sạch trơn. Tôi chùi mép: “Sư phụ, con lên núi đốn củi đây.”

Lão đầu uống đến mặt mày đỏ chót, vành mắt ửng hồng, híp lại. “Có đem bùa trừ ma chứ?”

Tôi nhìn lá bùa trong lồng ngực, gật gật đầu: “Dạ có.”

“Ừ.” Lão đầu khịt mũi, sau đó ngủ ngay.

Lão nói tôi trời sinh dương thể, dương khí mười phần, từ nhỏ tới lớn không hề ốm đau, mùa đông người tôi như cái lò lửa, không sợ lạnh. Khi tôi còn bé, sư phụ hay hù dọa rằng ma quỷ rất thích những người có cơ địa như tôi. Ngược lại trước giờ tôi chưa từng gặp ma quỷ, ông đây căn bản không sợ.

Tôi vác dao bầu, đeo ba-lô ra ngoài cửa. Cửa chính nhà tôi so với người khác không giống lắm, vì nhà tôi có hai cửa. Một cánh là cửa gỗ, hằng ngày ra vô bằng cửa này. Một cánh là cửa đồng, xưa nay vẫn đóng. Lão đầu bảo cửa đồng không dành cho người sống.

Tôi vẫn không tin lắm, thẳng đến lúc tận mắt chứng kiến, tôi mới tin.

Sau khi đốn củi xong, tôi ăn cơm tối, rửa mặt rồi đi ngủ.

Đương ngủ say, tôi bỗng nhiên nghe thấy một trận kèn Xô-na ầm ĩ. Tôi mơ màng hé mắt, muốn xem đã xảy ra chuyện gì. Rồi tôi thấy lão đầu vọt ra từ trong phòng, chạy đến bên cạnh tôi. Thấy tôi há mồm muốn nói, lão dùng một tay chặn miệng tôi lại. “Đừng lên tiếng, không được ra ngoài.” Dứt lời lão khoác áo bỏ đi.

Bị lão đầu làm cho sửng sốt, tôi cũng tỉnh ngủ. Tôi vội vàng nằm nhoài trên cửa sổ nghe ngóng động tĩnh ngoài kia. Tiếng kèn Xô-na ngày một ầm ĩ, hình như âm nhạc rất rộn ràng? Nhà ai đón dâu giờ này chứ? Có bị bệnh không!

Tai nghe âm thanh náo nhiệt kia càng lúc càng gần, dường như ngừng ở ngoài cửa, sau đó im bặt.

Tôi thấy rờn rợn nhưng cũng không ngăn được sự tò mò của mình, lén lút xuống giường nép sau cửa chính, nhìn sư phụ đứng trước cửa viện.

Chỉ chốc sau vang lên âm thanh lanh lảnh của một phụ nữ: “Xin hỏi, đây là nhà của Phùng đạo trưởng đúng không?”

Bà ta nói năng ngữ điệu chầm chậm mang theo chút lạnh lẽo khiến người nghe sợ hãi trong lòng.

“Xin hỏi người đến là ai?” Sư phụ bèn cất giọng.

Thề là tôi chưa từng nghe lão đầu nói năng cẩn trọng như thế.

“Thiếp ở Trần gia trấn, họ Lưu, hôm nay đến để thưa chuyện với Phùng đạo trưởng.”

Trần gia trấn? Chỗ đó cách nơi này hẳn mấy chục dặm đường, vì sao bà ta lại chạy đến đây? Chẳng lẽ muốn cùng lão đầu chim chuột?

Chờ tôi định thần lại đã nghe thấy sư phụ hô to: “Trần phu nhân, ta đã không nhận các loại làm ăn yểu mệnh, bà vẫn nên nhờ người khác tốt hơn.”

“Phùng đạo trưởng, con ta quá 30 tuổi vẫn chưa đón dâu, lủi thủi một mình. Thân là mẹ, làm sao ta có thể nhẫn tâm? Van cầu ngài rủ lòng từ bi, thay nó kết một mối hôn sự.”

Tôi nấp đằng sau nghe lén, không biết sư phụ chuyển sang nghề mai mối từ bao giờ. Lẽ nào vì miếng cơm manh áo mà sư phụ làm luôn nghề tay trái? Tôi càng lúc càng hiếu kỳ, bước lên trước vài bước, lặng lẽ đứng cạnh cửa chính để nghe ngóng dễ hơn.

Vị phu nhân khổ sở van xin lão đầu, nói rằng giúp con trai bà ta tìm vợ, bên này lão đầu vẫn không đồng ý. Tôi cảm thấy hơi bực một chút, dù gì bà ta cũng năn nỉ ỉ ôi, người nhà cũng tìm tới cửa, lão giúp một tay thì sẽ chết à? Chẳng lẽ muốn kỳ kèo mặc cả thêm tiền công?

Rồi sư phụ trầm ngâm giây lát, bấm đốt tay thở dài. “Được rồi, tôi đã biết, bà mau vào đi.” Nói xong liền mở cánh cửa đồng.

Tôi ngạc nhiên mở to đôi mắt, sư phụ đã say ư? Sao lão có thể đem cửa này mở ra! Tuy tôi không quá tin vào cửa đồng dành cho người chết nhưng mỗi ngày nghe lão đầu giảng giải, trong lòng tôi cũng mặc định cánh cửa này không thể mở được.

Tôi vội vàng nhảy xổ: “Lão đầu, lão mở nhầm rồi.” Vừa dứt câu, cửa mở. Nghe thấy tiếng hô của tôi, sư phụ quay đầu nhìn tôi một cái. Đó là lần đầu tiên tôi trông thấy sư phụ lộ ra biểu cảm kinh ngạc, hối hận, thậm chí còn có vài phần sợ hãi.

Còn không đợi tôi hiểu hết vấn đề, sư phụ đã quay người định đóng cửa đồng, nhưng mọi thứ đã quá muộn.

Bên ngoài nổi lên một trận cuồng phong khiến tôi nhắm nghiền mắt. Lúc mở mắt ra đã thấy một đội ngũ rước dâu vận hỉ phục đứng trước cửa nhà. Đi đầu là hai cô gái mặc áo đỏ, xinh đẹp như hoa, trên đầu cài hai búi tóc, trên môi to son đỏ tươi. Một tay nàng ôm rổ, một tay rải hoa giấy màu đỏ từ rổ kia, mỉm cười bước qua bậc cửa. Giấy đỏ bay đầy trời, lúc chúng rơi trên mặt đất đã hiện lên màu vàng rực rỡ, hóa thành tiền giấy sáng choang. Y phục trên người cũng nhanh chóng biến hóa, bỗng chốc thành áo tang. Tiếng kèn rộn rã trở nên ngưng bặt, phía sau đoàn rước dâu là một đội thổi kèn Xô-na, chỉ thấy mặt bọn họ lạnh tanh. Họ đưa tay nâng nhạc cụ, chầm chậm bước lên, tiếng kèn kéo dài giữa đêm hôm khuya khoắt khiến người nghe sởn da gà, lông tơ dựng đứng.

Theo sau điệu nhạc buồn ghê rợn là một chiếc kiệu nhỏ loạng choạng tiến vào sân. Kiệu kia làm bằng vải trắng, bên trên dùng kim tuyến tô vẽ, được bốn người khiêng. Tiếp theo là tám người đàn ông vận áo trắng cùng khiêng một chiếc rương to màu đen hình chữ nhật. Tôi nhìn kỹ thì suýt tiểu ra quần, mẹ nó, đây chính là một cỗ quan tài lớn màu đen! Bên trên áo quan còn đặt một vòng hoa trắng xóa, tiền giấy ở hai bên tung lên, sau đó chậm rãi rơi đầy mặt đất.

Nhạc buồn lắng đi, mọi người dừng lại. Kiệu kia nhẹ nhàng hạ xuống. Một người hầu gái đỡ vị phu nhân vận quần dài màu đen từ trong kiệu bước ra. Duỗi một chân, tôi phát hiện chân bà ta rất nhỏ. Lúc vừa ngẩng đầu, mồ hôi tôi đã vã đầy trán. Sắc mặt người hầu gái trắng như tờ giấy, bờ môi giống như thấm máu đỏ tươi, một đôi con ngươi đen nhánh thế nhưng thiếu đi đồng tử, chẳng khác nào hai viên pha lê đen đặt trong hốc mắt, và nàng ta nhìn chằm chặp vào tôi. Phu nhân kia hướng sư phụ thi lễ một cái: “Phùng đạo trưởng, nghe danh ngài làm mai cho người cõi âm đã lâu, nếu ngài có thể lựa chọn một người phù hợp với con ta, nhà họ Trần từ trên xuống dưới sẽ vô cùng cảm kích.”

Tôi nghe xong ngã ngửa trên đất, đây không phải chuyện mai mối bình thường! Mẹ nó, đây chính là thay quỷ đón dâu!

/44

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

[email protected]

DMCA.com Protection Status